CUỘC PHIÊU LƯU
GIỮA SA MẠC GIÓ LÀO

Một lần nữa tôi lại là kẻ lạc đường!
Lần này sự lạc đường có thể dẫn đến cái “chết” thật sự cả về sự nghiệp, sinh mệnh chính trị cũng như thể xác. Tôi phải đối đầu với những tên đồ tể văn nghệ bậc nhất thời đại, những kẻ dám tuyên bố: “Chúng tôi không cần kỹ thuật! Nội dung tư tưởng là chính. Chúng tôi không cần hát bè, không cần dàn nhạc lắm thứ... kèn Tây! Chúng tôi chẳng hiểu Tổng Cục kêu gọi “hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ” mà lại thành lập các đoàn văn công cồng kềnh, xây dựng những trường lớp, học toàn nhạc Tây, kèn Tây, rồi còn cử về ba cái “của nợ” đòi hỏi phải làm sàn tập, may váy, áo hở đùi, hở ngực... (ý nói ba-lê). Cả những cái đàn “tư sản” cồng kềnh (ý nói piano) cũng phát về Đoàn? Để ai nghe? Ai dùng?”
Có hàng trăm thứ nghe rồi cứ tưởng như vu oan giá họa cho giới lãnh đạo “văn nghệ quân khu IV” thời ấy.
Nhưng tất cả là sự thật đã được bớt đi 80%!
Có hai luồng tư tưởng đối địch trong việc tiến lên xây dựng văn nghệ quân đội. Lúc này đang còn sự giằng co bên đúng bên sai, mạnh ai nấy làm nên mới có sự chéo ngoe về việc “đào tạo nhân tài cho giai cấp” như thế, thì ở cái địa phương nổi tiếng “kiên định lập trường” này chỉ có một quan niệm: “Tất cả cái gì mà nông dân (tức quân chủ lực) không cần, không hiểu thì ở đây không làm, không khuyến khích!”
Chủ trương đó được cụ thể hóa bằng lời của ông tư lệnh trưởng Nguyễn Đề (hay cái gì Đề, du kích Ba Tơ chính cống) chỉ thị cho đoàn văn công Quân Khu của ông: “Phải nắm cho chắc: Ta là văn công, văn công quân đội. Không phải quân đội chung chung mà là quân đội quân khu IV. Tất cả những gì thể hiện trên sân khấu phải nêu bật nhiệm vụ đang làm. Tất cả những gì không nhằm mục tiêu đó đều sai đường lối lãnh đạo của Quân Khu Ủy!”
“Lời vàng thước ngọc” đó được một loạt kẻ “dạ! thưa anh” vận dụng để triệt tiêu tất cả những con người, những vốn liếng hiểu biết ít ỏi –– một số người như tôi được chính Đảng và Quân Đội bồi dưỡng.
Trước tiên là dẹp các buổi luyện tập cơ bản ba-lê, son filé, các buổi dàn dựng ouverture Carmen, Marche turque. Hợp xướng thì yêu cầu hát một bè! Tốp ca lại yêu cầu bỏ bè, hát... unisson! Như vậy tức là dẹp hợp xướng!
Tội nghiệp mấy giọng Alto, Baryton cứ phải cố mà leo lên mí, phá hoặc đang nửa chừng câu hát, nhào xuống một octave! Anh chàng Sĩ Lộc, tốt nghiệp khóa chỉ huy, các cậu Lưu Khâm (contre basse), Phạm Vỵ (basson), Phí Văn Chúc (clarinette), các vũ công, biên đạo Hồng Nga, Nam Hà đều ngơ ngác trước sự “vô lý không có nhẽ” này, vì họ đều là học trò khá của các giáo sư Triệu Đại Nguyên, Chu Huệ Đức, Kim Tế Hoàng và trở thành “đối tượng có vấn đề” trong cuộc chỉnh Đảng năm 1960! Họ, hoặc là nhận tội “kỹ thuật thuần túy”, “thiếu quan điểm quần chúng” hoặc thẳng thắn trình bày nhận thức của mình, đều được xếp vào loại “phản ứng giai cấp” do tất cả đều là “quần chúng” ngoài Đảng.
Tôi chỉ biết im lặng trong các cuộc họp chi bộ khi nghe những câu kết luận “giết người” như thế. Duy nhất có một đảng viên bị kết tội là Sĩ Lộc bị khai trừ lưu Đảng. Hai “quần chúng đội trưởng” khác là Nam Hà và Trương Công Lê thì cách chức đội trưởng!
Tôi mới về đoàn, là người chuyên sáng tác, không quyết định gì nên “tội” không cụ thể! Dựng “Carmen” là do Sĩ Lộc, “thèm chỉ huy mà cố gắng làm lấy được” dù thiếu cả đống nhạc cụ. Dựng các thứ “4 chàng trai và cô gái” của Liên Xô, “Múa quạt” Triều Tiên là do Hồng Nga, Nam Hà. Cho thông qua chương trình là các ông Đào Ngọ (đoàn phó), Đồng Ngọc Vân (đoàn trưởng kiêm bí thư). Tôi chỉ có trách nhiệm thấy dựng Tiếng Hát Biên Thùy là “sai đường lối” mà vẫn im lặng. Có ông “cốt cán” còn đặt vấn đề: “Phải chăng do động cơ thích đề cao cá nhân?” Trong bụng tôi chỉ cười vì tôi ham hố gì sự nổi tiếng ở cái đất khu IV này. Chẳng qua anh chị em thích tác phẩm này cứ cố “dựng lấy được” chứ sự thật nghe họ hát mà thương! Đàn địch đánh cứ “oéc lên, oéc xuống” đến thảm hại.
Nhưng tôi đã chủ trương “nằm im tìm thời cơ thoát hiểm” nên theo gương Phù Sai nuốt hết những thứ khó ngửi, khó nghe ấy cho xong chuyện! Vụ chỉnh đảng đó tôi may mắn chỉ có mỗi một “tội”: quá ham chuyên môn nên ít để ý đến trách nhiệm “lãnh đạo toàn diện” của Đảng và không chịu tham gia sinh hoạt cùng anh em. Ví dụ: tranh thủ giờ thể dục buổi sáng, tôi đều “chạy” Hanon ([1]), Czerny ([2]) trên cây đàn Zimmerman mới được phát cho đoàn vì nơi đặt nó là ở phòng tập, lúc nào cũng bận!
Tôi cứ nghĩ những tay có học như Khánh “kính”, Bùi Tín... ở trên Cục, Phòng, Ban đâu có ngu, đâu có thiếu văn hóa? Bọn họ cũng có bằng tú tài, ít thì cũng đỗ đíp lôm, cũng biết đọc tiếng Anh, tiếng Pháp như tôi. Bùi Tín, con cụ Bùi Bằng Đoàn, hiểu khá đúng về nghệ thuật những khi trao đổi riêng tư với tôi. Người như “Khánh kính”, xưa là dân Lycée du Protectorat đã giấu biệt cái quá khứ “tội lỗi” học trường Tây để leo cao (quá lắm đến đại tá là cùng) thì nhiều vô thiên lủng! Những người này nắm những chức vụ trực tiếp lãnh đạo văn nghệ ở quân khu nên không bao giờ phát biểu bằng cái đầu của chính mình. Mà nào có cái gì to tát cho cam. Khánh chỉ mới có chức trưởng ban Tuyên Huấn, còn Bùi Tín thì phó ban. Chính cái thời điểm tôi không giữ chức vụ gì để cần phải làm việc với họ đã cứu tôi. Tất cả tội lỗi “phi giai cấp” trong đường lối văn nghệ này, các đội trưởng đội phó lãnh đủ. Còn ban chi ủy, gồm một đồng chí cấp dưỡng tên Mẫn, một ông y tá tên Chiểu, một ông quản lý tên Phúc cùng chính trị viên kiêm đoàn trưởng kiêm bí thư Đồng Ngọc Vân mắc một tội nhẹ là... “mất cảnh giác” do thiếu chuyên môn!
Vậy làm sao để “Đảng lãnh đạo được toàn diện” bây giờ? Rõ ràng chỉ có một cách là phải dựa vào anh em có chuyên môn mà là đảng viên. Chết nỗi đảng viên đã phân ra ba loại A, B, C cao thấp khác nhau, độ tin cậy khác nhau, trong đó hầu như tất cả những anh có chuyên môn đều nằm ở loại đảng viên... hạng bét. Họ bị xếp vào hạng kém cỏi vì hầu hết đều có chút ít văn hóa, mặt mũi sáng sủa và xuất thân tiểu tư sản học sinh, mặc dầu có anh đã ở lính trên 10 năm!
Cuộc “thịt” nhau gọi là chỉnh Đảng này đã đưa tôi vào một vũng lầy mới. Số là, chẳng biết có lệnh từ đâu, sau cuộc cải tổ, chỉnh đốn tổ chức các đoàn văn công quân đội theo phương châm “hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ”, tôi bị tròng cái thòng lọng mới: đề bạt lên làm đoàn phó kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Nghĩa là từ nay mọi trách nhiệm không đi đúng đường lối của Đảng (là cái Đảng của Quân Khu IV) tôi sẽ phải giơ đầu chịu báng!
Tuy nhiên, nhờ cái “quyền rơm vạ đá” này tôi đã tìm ra con đường để tự giải phóng. Đầu tiên là giải phóng cho một số nhân vật mà tôi thấy có đôi chút khả năng nghệ thuật nhưng suốt đời sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì với ba cái tiết mục “vì nông dân phục vụ” này bằng cách cho họ đi học nghề cho ra nghề. Có những người sau này trở thành giáo sư, nghệ sĩ ưu tú, “nghệ sĩ nhân dân” như Thế Vinh, Đoàn Bôn, Hương Mai (vợ tôi)! Một số khác do hoàn toàn không có khả năng văn nghệ nhưng có trình độ văn hóa, tôi lấy lý do “tinh giản biên chế” cho đi học văn hóa tiếp tục. Khuynh (accordeon) và Vỵ (basson) sau này tốt nghiệp đại học ngoại giao trở thành nhà ngoại giao ở các sứ quán “phe địch” hẳn hoi! Riêng Vũ Ngọc Hải (diễn viên múa) leo cao nhất và ngã cũng đau nhất: Trung ương ủy viên và bộ trưởng Bộ Năng Lượng để rồi vào tù vì có sáng kiến mà Đảng không cần! Về anh chàng thông minh, đẹp trai, nhạc khá, múa hay này, cho tới sau khi anh ta ra tù, tôi vẫn thấy chính chất nghệ sĩ của anh ta đã giết anh ta. Tôi đã nói thẳng cái ý này: Muốn “làm to” thì phải xa lánh cái nghề văn nghệ, trong xã hội do mấy ông cộng sản tạo ra, nó là một cái nghề không đáng tin cậy vì nó hay nhòm ngó vào mặt trái, vào chiều sâu của sự thật luôn có quá nhiều tởm lợm. Kinh nghiệm ba ông Lê Liêm, Việt Phương và kể cả ông Võ Nguyên Giáp khi học piano cũng bị giảm “uy tín” đi không nhiều thì ít! Sau này, ông Trần Độ chuyển sang viết lách đã có các chuyển biến tư tưởng và tình cảm “không có lợi” cho Đảng rõ ràng!
Cái âm mưu mạo hiểm sáng lên trong đầu tôi khi bị đề bạt bất đắc dĩ là nếu biết lợi dụng ngay đường lối “cực kỳ sáng suốt của quân khu ủy” ắt sẽ phá tan cái tổ chức phi văn nghệ là đoàn văn công “quân khu đầu cầu giới tuyến quan trọng bậc nhất” (chẳng hiểu ai là bậc 2, 3?)!
Tôi sẽ là thuyền trưởng chạy sau cùng khi con tàu đã hết sạch thủy thủ theo cách làm cho nó “đắm” càng mau càng tốt. Tôi nắm chắc lợi khí của những phương hướng “Tất cả vì công nông binh”, “Hướng về đại đội”, “Biểu diễn đi đôi với xây dựng phong trào” mà chia năm xẻ bẩy đoàn ra để về các sư đoàn “ba cùng”! Tất nhiên mỗi nhóm 5-10 người cũng mang theo vài ba tiết mục hát, múa để thỉnh thoảng làm khổ anh em chiến sĩ bằng những cố gắng “nghệ thuật hóa” các động tác lăn, lê, bò, toài, phất cờ, đặt bộc phá, tuần tiễu biên cương, tình cảm quân dân…một cách hết sức tự nhiên chủ nghĩa.
Cùng lúc này có các phong trào “tiền hồng vệ binh” trong quân đội rất vô văn hóa. Đáng sợ nhất là phong trào lập thành tích bằng số lượng buổi diễn xuất phát từ đoàn Quân Khu III của ông Nguyễn Thịnh, một đoàn trưởng “tiến bộ nhất về lập trường tư tưởng” do đã cho quần chúng hưởng tới…300 buổi diễn một năm!
Thế là nơi nơi đều được phát động học tập “đoàn ông Thịnh” để có thành tích. Có đoàn chia nhỏ theo chiến sĩ ra bãi tập, phục vụ ngay giữa giờ giải lao cũng đạt ba “buổi” biểu diễn một ngày! Cái ông Thịnh này không phải nông dân bần, cố gì. Ông vốn là một tay accordéon ngày xưa ở các tiệm nhảy hạng bét Hà Nội. Ngày đi theo cách mạng, ông “tự cải tạo tư tưởng” ghê gớm và được Đảng tín nhiệm để sau trở thành một cán bộ chủ chốt lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Tổng Cục! Ông lánh xa những thứ mình từng yêu thích, từng chơi cho Tây nhảy đầm như sợ thuốc độc –– một nhân vật điển hình cho chủ nghĩa cơ hội. Chính ông đã truy bức tôi trong cuộc chỉnh đảng, trước lớp học ở ấp Thái Hà đầu năm 1958: “Có bao giờ đồng chí (chao ôi, hai tiếng “đồng chí”!) có tư tưởng chạy theo gia đình vào Nam không?” Một câu hỏi trắng trợn chưa ai dám hỏi khi người bị hỏi lại đang có nhiều “thành tích sáng tác” theo yêu cầu của Đảng, đang có chức (dù chức nhỏ tí xíu), lại đang là một đảng viên! Tôi trả lời: “Nếu đi theo “địch” thì tôi đã theo từ “khuya” rồi, chẳng ngu gì đợi hôm nay hòa bình rồi mới trở cờ! Kẻ nào đến hôm nay mà còn tư tưởng đó là... đồ ngu!” Vậy mà ông ta vẫn cố ép: “Ít nhất không có hành động thì có lúc nào đó, Tô Hải có “tư tưởng” theo “địch” không?” Đến mức đó, không chịu đựng nổi nữa, tôi đã bung ngay trước cuộc họp tổ Đảng một câu chửi thề: “Theo! Theo! Theo cái con c...! Chính mày mới là thằng từng theo Tây, đánh đàn phục vụ Tây chứ tao chưa bao giờ có được cái thành tích như mày!” Tất nhiên, cái sự gọi là “phản ứng giai cấp” đó một lần nữa được ghi trong tim đen của những kẻ nắm vận mệnh những người trí thức tiểu tư sản lạc đường như tôi.
Trở lại với cái đoàn văn công Quân Khu IV lấy “chính trị làm thống soái” của tôi. Nhờ rắp tâm “phá cho tan” bằng cách dựa vào những phương châm điên khùng của mấy thằng đại ngu, tôi thanh lọc gần hết anh em thật sự có tài bằng cách cho họ đi học, chỉ giữ lại những ai làm văn nghệ quần chúng chẳng có chút triển vọng gì. Trên cương vị mới, có quyền trong tay, tôi đẩy họ xuống các đại đội “xây dựng phong trào” kể cả cho đi làm phụ hồ trên các công trường xây dựng doanh trại! Họ lập thành tích chẳng phải 300 mà tới 500 cuộc biểu diễn một năm, bởi vì mỗi tối, khi phân tán về các đại đội, nhóm nào cũng có một chương trình giống nhau để liên hoan văn nghệ với anh em chiến sĩ và để báo cáo... láo!
Đoàn chúng tôi, từ một đoàn “chạy theo đường lối văn nghệ tư sản” bỗng nổi tiếng bởi hoạt động “đúng đường lối”, hình thức và nội dung đều “kịp thời”. Uy tín của tôi có phần nào được củng cố với chi bộ! Biểu hiện rõ ràng nhất là 99% đã bầu tôi vào chi ủy, một điều chưa từng có. Cái 1% không bầu cho tôi chính là lá phiếu của tôi! Nhưng, chính sự “sa đà” bầu Tô Hải vào chi ủy khiến cả chi bộ đã bị triệu tập đột xuất vào tư lệnh bộ để nghe liên chi, cụ thể là trưởng ban tuyên huấn Khánh, huấn thị về sự “thiếu tính giai cấp”, “tính Đảng”, quá đặt nặng vấn đề chuyên môn, thiếu cảnh giác với tư tưởng “chuyên môn thuần túy”. Đặc biệt cuộc họp chi bộ này đã tổ chức ở trên Ban, một sớm chủ nhật, lúc tôi đang lo ngồi luyện đàn piano, nghĩa là người ta “khai trừ không tuyên bố” tôi để tiện bề phê phán! Tới hôm phổ biến danh sách chi ủy, người ta nói rất ưu ái là: “Liên chi không duyệt đồng chí Tô Hải vào ban lãnh đạo chi uỷ vì đồng chí ấy đã gánh quá nhiều nhiệm vụ, nhất là phải lo phần việc sáng tác, lo tiết mục cho đoàn!”
Lý do “liên chi không duyệt” mãi sau tôi mới được Hoài Phiên “xì ra” khi có mâu thuẫn với bí thư. Trên thực tế tôi có ham hố gì cái chức vụ làm hại nghệ thuật của mấy ông “lãnh đạo toàn diện” này! Tất cả mục tiêu trước mắt tôi là sau khi giải phóng vợ và một số anh chị em mà tôi thấy sẽ có tương lai nếu được học hành đến nơi đến chốn, tôi sẽ tìm đường “biến” khỏi cái tổ chức giết nghệ thuật này. Tôi càng hi vọng khi được biết sẽ có thay đổi lớn về tổ chức sau Đại Hội Đảng III cuối năm 1960 với chiều hướng càng ngày càng lấy “chính trị làm thống soái” vì càng ngày người ta càng cố học theo những lời Mao chủ xị vĩ đại dạy!
Những gì là nghệ thuật đích thực sẽ không có lý do tồn tại. Các tổ chức văn công cồng kềnh đi đâu cũng cả năm sáu cam nhông chở sân khấu, phông màn, máy nổ chẳng sớm thì chầy sẽ bị “tinh giản”…Nó thừa thãi một cách vô duyên vì nhạc không cần phối, hát không cần bè và luôn luôn phân tán để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với chiến sĩ. Nhiệm vụ mới lại là 50% biểu diễn, 50% xây dựng, hướng dẫn phong trào, nghĩa là quay về thời nhạc không son-phe, phát động mọi người làm văn nghệ, mọi người đều sáng tác. Ba đoàn văn công Tổng Cục đã sáp nhập thành một, cho về vườn hoặc điều xuống đơn vị làm lính, làm cán sự, cán siếc... Còn ở cái đất Khu IV đầu cầu giới tuyến này có thêm đoàn văn công 324 tập kết của ông Nguyễn Thông (sau thành đạo diễn điện ảnh) từ Khu V ra!
Các ông Đôn, ông Đề đều là dân khu V, đang lãnh đạo Quân Khu IV thay thế ông Lê Nam Thắng suýt chết vì gia đình bị quy địa chủ mấy đời. Họ giải tán cái chân chất văn nghệ dân tộc, địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng của họ gồm đa số là nghệ nhân bài chòi. Ấy là chưa kể về thành tích “kiêu binh” vì chịu đựng gian khổ nhất, đói ăn, rách mặc nhất và nắm vững đường lối Đảng nhất. Trong những người này nổi lên độc một ông Vĩnh An, nghệ nhân đánh đàn nguyệt, đàn cò và sáng tác được độc một bài, Gửi Anh Lính Bờ Nam, nhái dân ca khu V. Sau này, trên thị trường văn nghệ hiện đại sót lại đúng một anh chàng Công đổi tên là Thuận Yến ([3]), do được cho đi học nhạc tử tế!
Vậy là lý do xoá sổ “đơn vị đầu cầu” của tôi đã rõ, nhất là đơn vị đó lại ở dưới sự lãnh đạo của một anh trung úy nhạc sĩ tiểu tư sản, đang nắm trong tay cả mớ “kỹ thuật tư sản”! Tôi biết điều này nhờ cương vị trong ban chỉ huy đoàn, thường được đi họp ngoài Tổng Cục ([4]) và được các bạn tâm huyết rỉ tai cho hay để liệu bề lo thân.
Lúc này tôi không còn sợ bỏ đơn vị, rời quân ngũ lấy gì mà ăn nữa! Tôi đang “nổi tiếng” và sẽ được trọng dụng nếu chuyển tới bất cứ cơ quan nào. Huy Du, Hoàng Vân, Hoàng Đạm, Chu Minh...đều chưa về nước. Người viết được cho dàn nhạc, cho múa, cho phim lúc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường nhạc của ông Tạ Phước (đã “lên” trung cấp) mới đào tạo nổỉ một số viết giỏi ca khúc, hợp xướng như Hoàng Hiệp ([5]), Hồng Đăng ([6])... Cả đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị chỉ trông vào mấy ông Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho ([7])...
Rồi, giữa lúc đang cùng toàn đoàn lao động xây dựng doanh trại của Sư 325 ở vùng cát trắng Quảng Bình, tôi bỗng nhận được lệnh (quân lệnh như sơn) đưa toàn bộ dàn nhạc ra Hà Nội, phục vụ chuẩn bị Đại Hội Đảng!
Tôi mừng như người chết sống lại: Té ra mình còn được tín nhiệm, té ra khả năng chuyên môn của mình vẫn được khẳng định. Ngoài Hà Nội, thiếu gì người mà họ phải điều một đội nhạc 24 người ra để làm cái gì đó chưa biết. Vậy là tôi thu xếp lên đường. Tôi cũng không ngờ lần đi này là “một đi không trở lại” nên đã bỏ mất hết tài liệu, sách báo, tủ đĩa mà tôi mua cho đoàn học tập, đáng tiếc nhất là nhiều vật kỷ niệm nhỏ suốt 15 năm đi lính của tôi, nằm trong hai chiếc thùng gỗ đựng giầy Trung Quốc viện trợ. Nhưng tôi đã “một ra đi là không trở về”, không một chút luyến tiếc, thậm chí không bao giờ quay lại mảnh đất mà tôi liên tục đóng vở kịch đời để tồn tại suốt 10 năm! Tôi còn nhớ như in những cặp mắt ướt lệ, những câu nói thất vọng khi gặp tôi ở công trường E.95 của Hồng Nga, Minh Huệ, Hoài Thu, Bá Sĩ, Đồng Thụ... “Làm sao anh kéo bọn em ra với”! Hoặc: “Thế là anh Hải thoát thân một mình rồi!” Tôi chỉ còn biết động viên: “Nói bậy, đi vài tháng rồi về chứ ai cho đi hẳn mà thoát với chẳng thoát!” Trên đường về thủ đô, tôi luôn nghĩ tới họ. Những vũ công, ca sĩ “lầm đường” sẽ làm gì khi cả dàn nhạc bị điều đi? Phải chăng họ chỉ còn là công nhân xây dựng, phụ hồ, người đẩy xe bò ban ngày, rồi buổi tối xuống lán trại hát cho chiến sĩ nghe với chiếc phong cầm của Dũng, người nhạc công độc nhất được chọn ở lại để tiếp tục “đánh lẻ” lúc cần thiết!
Đội nhạc do tôi và Sĩ Lộc chỉ huy rồi đã ra đến Hà Nội. Nhiệm vụ được giao khá quan trọng: đoàn kịch nói Tổng Cục Chính Trị (Đào Hồng Cẩm lãnh đạo) đang dựng một vở chào mừng Đại Hội Đảng khá đồ sộ.
Chưa bao giờ nhân lực và tài lực được điều động tập trung và dồn dập đến thế. Bên đoàn ca múa, ngoài cái “đinh” Tiếng Hát Biên Thùy của tôi là một loạt tiết mục về chiến thắng, về công ơn trời biển của Đảng, của Bác. Bên đoàn kịch dựng lại cả cảnh chiến đấu trên Đồi A1! Nhưng chỉ “nói không thôi” thì làm sao tạo được khí thế? Vậy là vở kịch nói lại có một dàn nhạc đủ đồng, gỗ, dây, gõ ngồi ở fosse d’orchestre phụ họa. Đó là vở Trước Giờ Chiến Thắng, một vở mà tôi đã đoán trước số phận của nó sẽ ra sao. Nó không thể tồn tại như một tác phẩm văn nghệ vì con người nó đưa lên sân khấu là con người chẳng giống ai và hành động sân khấu đã dìm tình cảm vào không khí ùng oàng đến đinh tai nhức óc. Nó là “chính trị chứ không phải nghệ thuật”. Tuy nhiên, tôi như nắng hạn gặp mưa rào. Chẳng mấy khi được tắm một bữa cho đã! Tôi yêu cầu bổ sung nhạc cụ này, nhạc cụ khác. Chết nỗi, đoàn nào cũng đang dồn dập “làm lớn” để “chào mừng” cả! Cuối cùng, đành bổ sung bằng các em học sinh trung cấp đang học một vài năm gì đó. Tôi còn nhớ 2 anh chàng Tỵ (trompette), Hữu Xuân sau này trở thành “nghệ sĩ lớn” do sớm bỏ cây kèn Hautbois đã thổi cho tôi trong dịp đó mà mỗi lần bị tôi và Sĩ Lộc nhăn nhó do thổi không ra nốt đã có lúc chán nản xin bỏ cuộc. Riêng anh chàng Tỵ do văng bậy ra vì không thổi được nốt pha dièse đã bị tôi quẳng cả cái giá nhạc vào đầu chảy máu. Tôi bị kiểm thảo, phải nhận lỗi nóng nảy!
Nói cho ngay, tôi quả có lợi dụng cái dàn nhạc “giao hưởng tạp pí lù” này để luyện lại “ngón nghề”, thể nghiệm vài suy nghĩ sáng tạo chứ chẳng rung động gì với cái mình viết. Âm nhạc cho sân khấu và điện ảnh mãi sau này chỉ được dùng thay tiếng động không hơn không kém! Âm nhạc, “tốc ký của tình cảm”, cuối cùng chỉ còn là phương tiện gây không khí! Đuổi bắt: âm nhạc! Bước chân gián điệp leo hàng rào: âm nhạc! Đánh rơi cốc nước: cũng âm nhạc! Không bao giờ một đạo diễn bảo nhạc sĩ: Hãy đưa ra các chủ đề âm nhạc cho những nhân vật chính. Hãy theo diễn biến tình cảm của nhân vật mà phát triển chủ đề. Thậm chí cả đến những gala, đại hội nhạc liên hoan Pop, Rock...cái người ta muốn có, muốn hưởng chính là cái... “không khí”! Mấy ai chú ý đến khúc thức, đến lời ca, đến ý nghĩa? Càng không ai để ý đến kỹ thuật hát “phô”([8]) hay không? Phối khí, hòa âm ra sao? Màu sắc dàn nhạc thế nào? Đến với những buổi gọi là “hòa nhạc” đó, có quá nhiều thứ “bị” nghe, quá nhiều thứ “bị” xem để cuối cùng, về nhà chẳng biết mình đã nghe, đã thấy những thứ gì?
Trở lại với “dàn nhạc trời cho”...tôi đã cố bám sát từng màn một của vở Trước Giờ Chiến Thắng, cố xoay sở sao cho vở diễn có thêm không khí chiến đấu, anh dũng, hào hùng bằng cả một tập tổng phổ dày như một bản giao hưởng –– chỉ nói độ dày thôi. Sĩ Lộc thì toát mồ hôi dàn dựng những gì tôi “nặn” ra đêm trước để kịp lắp ghép –– với số nhạc công mà sau này gần như chẳng ai theo được nghề nhạc công đến cùng –– những mẩu nhạc không đầu, không đuôi, không chủ đề có thể cắt bớt hoặc đánh lại (reprise) tùy thích. Cuối cùng, vở diễn rồi cũng xong.
Đoàn kịch nói Tổng Cục Chính Trị được báo chí khen ngợi, tung hô hết lời. Sau đêm ra mắt long trọng tại Nhà Hát Lớn là tiếp tục “phát huy chiến quả” mấy đêm liền ở sân khấu Nhà Hát Nhân Dân rồi đi các đơn vị, các quân khu, sư đoàn biểu diễn chào mừng thành công Đại Hội! Đi đâu cũng có dàn nhạc ngồi chếch một bên sân khấu (dựng ngoài trời vì, ngoài Hà Nội ra, sân khấu nào chứa nổi cả một trận đánh Đồi A1!), đánh lên những khúc nhạc, minh họa thêm cho tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của chiến sĩ Điện Biên một cách hết sức…vô duyên! Điều này càng dễ thấy khi các nhạc công “mượn” đã trở về đơn vị khiến cuối cùng dàn nhạc gần như chỉ còn đánh unisson, chủ yếu chỉ tạo tiết tấu bằng trống, mõ, phèng la! Đã thế, chính cái dàn nhạc lù lù bên sân khấu lại phân tán người xem kịch. Trẻ con thường thích ngồi gần dàn nhạc để xem kèn, xem trống, ngắm ông bắt nhịp, múa gậy (chỉ huy) thật mềm, thật dẻo hơn là xem diễn viên kịch đang cố gắng bắt chước các chiến sĩ lọt vào cửa mở, băng bó thương binh, bò lăn, lê, toài, chạy ào ào lên đỉnh đồi A1 cắm cờ! 
Tôi có ý nghĩ rất sớm là sân khấu kịch nói, nếu cần dùng nhạc, không nên dùng “nhạc sống” (dù có fosse d’orcherstre) vì khi lù lù trước sân khấu, dù chơi có thật hay như dàn nhạc Philadelphia cũng chỉ làm phân tán tư tưởng người xem kịch. Lúc này có thể nhờ đài phát thanh thu thanh hộ, nhưng phát ra bằng cái gì thì không có. Máy ghi âm (magnétophone) là thứ “cấm tư nhân xử dụng”([9])! 
Sau này khi kịch nói được xử dụng âm nhạc qua băng ghi âm (bằng máy cơ quan) thì lại vấp phải hệ thống tăng âm, loa phóng thanh, hầu hết đều của...Tàu! Nhạc phát ra từ hai cái loa sắt cứ léo nhéo, lục cục đến phát khiếp! Nhờ sự lạc hậu về âm thanh ấy mà thời hạn phục vụ Trước Giờ Chiến Thắng của tôi cứ nghiễm nhiên kéo dài! Dù gì đi nữa chúng tôi đã góp sức có hiệu quả tuyên truyền về sự “thành công rực rỡ” của Đại Hội Đảng.
Và tôi đã tranh thủ thời gian “nghỉ tại Hà Nội” để vận động các cán bộ lãnh đạo văn nghệ có nhận thức tiến bộ ngoài quân đội ủng hộ cái “chính nghĩa” rút lui khỏi đời “văn công lính” của tôi. Tôi nói ra tất cả những gì đã phải cắn răng chịu đựng, phải đóng kịch, phải làm ăn giả dối. Bằng những dẫn chứng cụ thể về những cản trở, phá hoại, tôi được không ít người có chức có quyền cảm thông. Hai người mà tôi tin tưởng có đủ khả năng “giải thoát” tôi khỏi cái “địa ngục văn nghệ quân khu IV” là Lưu Hữu Phước và Lê Liêm. Lúc này Lưu Hữu Phước là vụ trưởng Vụ Âm Nhạc và Múa còn Lê Liêm là trung ương ủy viên, trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng.
Sau cuộc gặp gỡ cả một buổi tối tại nhà riêng Lê Liêm, cả hai ông đều thống nhất ý kiến: Chỉ có một cách là rút Tô Hải ra ngoài này – tức là ra Hà Nội.
Nhưng đi đâu, về đâu vẫn là chuyện phải bàn, vì tôi vẫn là quân nhân thuộc Quân Khu quản lý. Tóm lại, cần nghiên cứu, cân nhắc kẻo “bên quân đội” phản ứng. Toàn phòng Văn Nghệ thuộc Tổng Cục Chính Trị lúc này đã được kiện toàn. Trưởng phòng là Hồ Nhị Quang, một cán bộ chính trị chẳng có một xu văn nghệ dính túi. Các trợ lý, sau khi đã loại bỏ hàng loạt những kẻ có vấn đề như Phùng Quán, Tử Phác, Hoàng Cầm, Tạ Hữu Thiện lúc này là những tay vô tài bất tướng, hoặc có chút xíu tài cán thì cơ hội chủ nghĩa số một. Họ đang “tham mưu” cho Tổng Cục một cuộc cải cách đến tận gốc các đoàn nghệ thuật với hướng “gọn, nhỏ, lẻ”, “lấy đại đội làm cơ sở”, lấy “hướng dẫn phong trào”, “lấy ca múa làm chính” vv... Tóm lại, lấy cái vô nghệ thuật làm nghệ thuật, phục vụ kịp thời là chính, cho quần chúng công nông ăn những món ăn rẻ tiền nhất! Chính sự giằng co trong phương hướng xây dựng văn nghệ quân đội này đã đẩy các đoàn văn công vào ngõ cụt. Bế tắc trong nội dung, mâu thuẫn trong hình thức tổ chức, trao số phận hàng ngàn diễn viên vào tay các ông đoàn trưởng “lập trường vô sản vững vàng” tới mức thấy các diễn viên hàng ngày chạy gam, tập thở, phát âm ô, ô, a, a...luyện động tác cơ bản vv…đều là...“ảnh hưởng nghệ thuật tư sản”! Các vị chưa từng là nghệ sĩ như Trịnh Xuân Ngôi, Lê Tín, Nguyễn Thịnh, Nguyễn Trân... và nhiều nhiều ông Bàn, ông Ghế, ông Mít, ông Xoài... gì gì nữa, không đếm xuể, mỗi khi đi họp các đoàn trưởng ở Tổng Cục đều nhất tề “hua-ra” cái phương châm “xé lẻ” các đoàn, đều đồng thanh phê phán cái tổ chức cồng kềnh, xa rời chiến sĩ (!).
Đặc biệt những anh chị em được đi học, dù chỉ là dăm bảy tháng, về đoàn, đối với các ông này, đều trở thành các “phần tử phức tạp”, gây rối, đòi hỏi những điều phi thực tế, thiếu quan điểm quần chúng. “Trước mắt, Đảng yêu cầu chúng ta làm văn nghệ thì chúng ta ra sức cống hiến, nhưng khi Đảng bảo ta làm việc khác hoặc điều ta xuống đơn vị chiến đấu thì ta lại trở về vai trò người lính cầm súng của mình!” Điều này được ông Đồng Ngọc Vân, một cốt cán lãnh đạo văn nghệ, cánh tay phải của Cục Tuyên Huấn và Phòng Văn Nghệ Quân Đội, tay chân của tướng Hoàng Minh Thi, (người đầu tiên có sáng kiến nhốt anh em văn nghệ sĩ trong chuồng trâu), bí thư kiêm đoàn trưởng đoàn văn công Quân Khu IV, tuyên bố trước hội nghị Tuyên Huấn toàn quân một cách rất có...“đảng tính” như vậy! Có điều, tôi phải cảm ơn ông, vì khi nhìn thấy tôi ngồi ngay bên cạnh ông đã chữa lại một chút: “May ra thì ở đây, làm văn nghệ hết đời chỉ có đồng chí Tô Hải!” Chữ “may ra” của ông, về sau tôi càng nghĩ càng thấy đúng. Ông đã tiên đoán được con đường khốn nạn mà tôi sẽ phải liên tục vượt lên để hành nghề cho đến lúc về hưu mà không bị... vào tù!  Vì sao?
Chính trong giai đoạn này, khi tôi tưởng mình được “giải phóng” thì lại là lúc tôi bị rơi vào vùng lốc xoáy của những cuộc tranh giành, những vụ giết người không gươm mà tội phạm không ai khác chính là những kẻ suốt đời coi sự hiểu biết và thông minh là... kẻ thù không đội trời chung, những kẻ luôn tụng niệm lời dạy của những Xít, những Mao, những Trần Phú… là “trí thức không bằng cục phân”.., là “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”.
Phải nói trong số tử vi mà mẹ tôi lấy cho tôi từ khi mới chào đời có nhiều điểm khá đúng. Đúng nhất có lẽ là lời tiên đoán: Tôi luôn có “quí nhân phù trợ”, dù những người phù trợ tôi sau này hầu hết chẳng nên ông nên tướng gì, điển hình là ông Lê Liêm. Tôi cũng gặp may nhờ sự... vô tổ chức của Vụ Tổ Chức lúc bấy giờ.
Số là trong lúc tôi đang lang thang cùng đoàn kịch Tổng Cục đi khuyếch trương sự thành công của Đại Hội thì có lệnh: “Giải tán đoàn văn công quân khu IV, sáp nhập vào đoàn khu V cùng đóng quân ở Nghệ An”!
Dàn nhạc và một số nhóm ca, múa được lọc ra, ai khá nhất thì đưa về Tổng Cục, số còn lại cho...chuyển ngành hoặc giải ngũ. Thế là cái giờ mong đợi của tôi đã tới. Nhưng vì tôi là người của quân khu IV nên nỗi lo phải trở về quân khu để nhận lệnh điều động, lấy giấy tờ, làm thủ tục vẫn còn đó. Tương lai chẳng hứa hẹn điều gì may mắn bởi văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng là cái quái gì với cái Phòng Chính Trị, cái Ban Tổ Chức quân khu. Ở đó người ta chỉ căn cứ vào cái lon trung úy tôi đã đeo 6 năm nay để phân công tác mà thôi, chưa nói đến trò ác ý: Cho tên “trí thức tiểu tư sản” đi...“thực tế lao động, tạo điều kiện cho đồng chí đi sát thực tế, sát cuộc sống hơn!” như từng áp dụng với nhiều văn nghệ sĩ khác. Nói trắng ra là không cho mày làm văn nghệ nữa!
Tôi lại chạy đến ông Lê Liêm, lại trình bày những điều kiện thuận lợi và khó khăn của tôi, nếu trở về Quân Khu. Lúc này chính là lúc Ban Bí Thư trung ương Đảng đang có chủ trưởng cải tổ toàn diện các tổ chức văn nghệ ngoài quân đội sau vụ Nhân Văn rồi vụ “Hậu Nhân Văn” (báo Văn) bằng cách tăng cường một số cán-bộ-đảng-viên-văn-nghệ-sĩ-quân-đội sang các cơ quan bộ Văn Hóa và các Hội. Nhân danh Ban Tuyên Huấn Trung Ương đảng, ông Lê Liêm đã ký quyết định điều động một loạt văn nghệ sĩ đảng viên quân đội về các nhà xuất bản, báo chí, trường nhạc, các hội nghệ thuật...Nhờ quyết định này mà những Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Hà Mậu Nhai, Hà Minh Tuân, Tô Hải... được “biệt phái” từ quân đội sang các cơ quan khác. Chao ôi! Mừng như được về Sài Gòn với cha mẹ và 6 đứa em tôi.
Tuy nhiên tôi vẫn lo cho hai chữ “tăng cường”. Liệu tôi có trở thành “tội phạm văn nghệ” với nhiệm vụ mới không? Tôi sẽ là “nhạc sĩ đích thực” hay tự biến mình thành một tên “sen đầm văn nghệ”? Cân nhắc mãi, cuối cùng tôi chọn Nhà Xuất Bản Âm Nhạc và Mỹ Thuật, nơi có phòng dành cho cán bộ không nhà cửa. Nhà xuất bản này ở số 94 Tô Hiến Thành, chỉ mấy bước là tới nhà tập thể 51 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi ở của vợ tôi lúc này đã trở thành diễn viên Đoàn Kịch Nói Trung Ương, sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Liên Xô Vaxiliép. Tôi trở thành “nhạc sĩ dân thường” từ đó.
Cất biến sao, mũ, quân hiệu, quân hàm...,tôi thành cán bộ biên tập nhạc với mức lương trung úy biệt phái (mất phụ cấp thâm niên theo qui định) suốt 15 năm cho tới “ngày giải phóng” miền Nam 1975 trong cái cơ quan luôn thay tên, đổi chủ đến chục lần. Lúc tách, lúc nhập, lúc mang tên Mỹ Thuật Âm Nhạc, lúc Âm Nhạc riêng, Mỹ Thuật riêng, lúc lại thâu tóm cả Văn Chương vào để thành nhà xuất bản Văn Hóa, sau cùng là nhà xuất bản Văn Nghệ. Mỗi cuộc thay đổi đều kéo theo các cuộc đấu đá để giành giật những chiếc ghế giám đốc, trưởng phòng. Tôi đã thừa kinh nghiệm để không nhận bất cứ chức vụ gì, thậm chí luôn luôn tự hạ mình: “Chớ giao cho tôi lãnh đạo mà hỏng hết việc đấy!” Tôi quyết không rời mục đích đặt ra là sẽ cho tất cả chúng mày, những thằng nhân danh Đảng của chúng mày, nhân danh quan điểm lập trường vô sản của chúng mày để dìm tao xuống đất đen, cho chúng mày thấy “Tao có đủ khả năng tự vươn lên và vươn lên trên mọi mặt, chẳng cần đến cái đồng lương của Đảng!”
Trước mắt, tôi phải lo thu vén, tập hợp lại cái gia đình khốn khổ từ lâu tứ tán khắp nơi. Lòng tự ái và ước muốn “làm cho chúng nó biết tay”, “cho chúng nó tức điên lên” thúc đẩy tôi thực hiện được một số việc mà người khác có khi bỏ ra cả 5, 10 năm chưa chắc đã làm nổi. Đó là gây được một uy tín chuyên môn giữa đất thủ đô và tạo nên một tổ ấm gia đình, khá đầy đủ tiện nghi, nằm chềnh ềnh giữa một phố lớn!
Cũng chính cuộc đua tranh tương đối tự do hơn trong đời “lính tăng cường” này đã cho tôi nhận thức được cuộc đời “hèn sĩ” của tôi chưa thể chấm dứt! Tôi sẽ trở thành “mạt hạng” hơn nếu làm đúng vai trò “tăng cường lãnh đạo”, nghĩa là tìm mọi cách tiêu diệt nhân tài, hạn chế tối đa cái gì là Chân, Thiện, Mỹ. Tôi cũng có thể nhân dịp này, vĩnh viễn rời bỏ vai trò “lãnh đạo” mà từ lâu, tôi vô cùng xấu hổ khi nghe được bao điều “kể tội cộng sản” mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt từ sau cải cách ruộng đất và sau vụ đàn áp anh em Nhân Văn Giai Phẩm.
Cái “tít” đảng viên từ những năm 1960, đã manh nha mang theo quyền và lợi như đi học nước ngoài, đề bạt lên chức, lên lương nên đảng viên đối với quần chúng, là kẻ ăn trên, ngồi trốc, vô tài bất tướng và đáng ghét nhất. “Âm mưu” tự khai trừ mình khỏi Đảng bắt đầu từ những năm 1960 đã được tiến hành êm đẹp. Nhưng đó là chuyện về sau còn lúc này muốn gì thì gì, tôi phải tiếp tục hoàn thành cái nhiệm vụ Đảng giao là “tăng cường lãnh đạo”! Nghĩa là, tôi phải cố gắng sắm nốt vai kịch “hèn sĩ” một thời gian nữa trong các vai càng phụ, càng mờ nhạt càng tốt. Hơn thế, vì biết ơn những người đã ra tay cứu vớt tôi khỏi cái địa ngục văn nghệ quân khu IV, tôi cũng chưa dám có hành động gì để làm họ phiền lòng vì “sản phẩm tăng cường” của Quân Đội mà họ giới thiệu lại là thứ...“khó nhai” sao? Chính nhờ họ, tôi đã trút được cái “mác quân nhân cách mạng”, nhảy vào một sân khấu cuộc đời lớn hơn, rộng hơn tuy cũng lúc nhúc đủ loại “diễn viên”, trung có, gian có, mặt đỏ, mặt xanh, mặt trắng, đủ mọi mầu sắc.
Với cảnh chân ướt chân ráo trở lại “sân khấu” lớn Hà Nội một cách cực kỳ may mắn, tôi cố sắm một vai hết sức phụ trong xã hội: Làm một công chức tốt trong cơ quan và làm một nhạc sĩ thực thụ ngoài đời, không mơ tưởng tơ hào địa vị gì, dù nhỏ nhất. Tôi cố tạo cho mình thành thứ “chẳng đáng quan tâm” của... bất cứ ai, trừ những nhà hát, các xưởng phim, các đoàn văn công lớn, nhỏ đang xô đến gõ cửa số nhà 26B phố Huế của tôi! 
Thế là đã quá đủ, quá tốt, quá hạnh phúc rồi!
Vậy là nhờ cái vô tổ chức của tổ chức giữa ba hệ thống Đảng – Chính Quyền – Quân Đội, tôi từ một “quân nhân nhạc sĩ đảng viên” bỗng được quyết định của Trung Ương Đảng điều về tăng cường cho bên chính quyền, khi đang công tác tại đoàn kịch Tổng Cục Chính Trị.
Mặc dầu có quyết định do trưởng ban Tuyên Huấn (nay là ban Văn Hóa Tư Tưởng) đóng dấu hình chữ nhật hẳn hoi, nhưng giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng từ cơ sở thì tôi... không có! Lý do: muốn có mảnh giấy này tôi phải trở về Quân Khu đối mặt với hàng ngàn khó khăn phức tạp, thậm chí có thể bị ngăn cản sự ra đi quá tốt đẹp này, dù họ chẳng có chút gì ưu ái muốn giữ tôi ở lại!
Một ý đồ táo bạo đã hình thành trong tôi.
Sau khi trao đổi với một số bạn cùng chí hướng, cái ý đồ nung nấu từ lâu nhưng không tìm được lối thoát nay đã có thể thực hiện: Tranh thủ cơ hội có một không hai này rời bỏ ngay hàng ngũ những kẻ “tiên phong ăn gian nói dối” một cách an toàn, hoặc ít thương tích nhất.
Việc “đảng viên xin ra Đảng” còn tệ hơn “đảng viên bị khai trừ”. Cả hai đều là tai họa khôn lường chẳng những cho tôi, mà còn cho cả vợ con tôi nữa. Cách Đảng đối xử với những người “ly khai” kiểu Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng... nham hiểm, phi nhân tính thế nào luôn là lời cảnh cáo cho ai có tư tưởng đã vào Đảng lại bỏ Đảng hoặc bị Đảng khai trừ. Ngay cả dư luận xã hội (được Đảng nhào nặn) cũng lên án những người như thế, coi là “phần tử nguy hiểm”, thậm chí không bằng “quần chúng bình thường”. Chết nỗi, đã là văn nghệ sĩ đảng viên thì khó có ai không bị mắc bẫy cộng sản không ít thì nhiều? Trừ những tên “cốt cán” khốn nạn, cho tới hôm nay vẫn “tọa hưởng kỳ thành” những “quả thực” của chế độ, vẫn tiếp tục bốc thơm cái chủ nghĩa diệt chủng bị cả loài người lên án, còn có biết bao người chỉ vì muốn tồn tại mà phải sống hèn, nghĩ hèn và làm việc cũng hèn suốt bao năm trời!
Tôi nghĩ tới những lần phải cắn răng nín lặng trước hành động giết người, kể cả giết những đồng chí, bè bạn tôi trong các cuộc chỉnh Đảng, chỉnh quân, nhất là trong “cải cách ruộng đất”. Tôi nghĩ tới số phận những người thân, họ hàng và bao người quen biết bị cướp sạch nhà cửa, của cải trong các thứ cải tạo này nọ, hết “cải tạo công thương” đến “cải tạo tư sản.” Tôi nghĩ tới bao đồng nghiệp, đồng khóa đã bị mất hết chỉ vì bị...địch bắt trong chiến đấu hoặc do có những ý tưởng, những sáng tạo khác người như trường hợp một số đồng nghiệp trong nhóm Nhân Văn, Đất Mới. Tôi lại nghĩ tới những vị tá, tướng, những bà mẹ nuôi bộ đội suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp cuối cùng bị đấu tố, bị truy bức bằng những trận đòn hội chợ rồi bị bức tử, bị xử bắn bởi các tòa án của mấy ông bà nông dân...
Tôi ôn lại cả quá trình tôi đã sống hèn thế nào khi trên cương vị đảng viên phải cắn răng chấp hành nghị quyết chi bộ do ba tên cấp ủy vô học lãnh đạo... Vậy mà, “đảng viên Tô Hải” đã thoát chết, thậm chí còn được tín nhiệm để “tăng cường lãnh đạo” cho bên “nhân dân” nữa!
Những câu hỏi đặt ra với tôi lúc này là có nên tiếp tục sống hèn, sống “vâng, dạ” mãi để tồn tại không? Có nên cùng chịu trách nhiệm với những kẻ đang nhân danh Đảng mà nhắm mắt tô hồng mãi cái chủ nghĩa khùng điên, vô học, vô đạo, vô lý, vô luân mãi không? Nhất là mọi thông tin về chủ nghĩa cộng sản, với câu khẩu hiệu khôi hài “Prolétaires de tous les pays, dispersez-vous!”([10]) đã tràn lan khắp thế giới. Tôi nghĩ đến các vụ Khrushov công khai vạch tội Stalin trong đại hội đảng CSLX, tiếp đến vụ đàn áp đẫm máu ở Budapest, vụ xe tăng Liên Xô tiến vào Praha...
Nói trắng ra là tôi quá ngán những lời hứa hẹn hão huyền, phi lý, phản khoa học... của những người cộng sản cuồng tín hay cuồng quyền lực? Tôi thấy phải từ bỏ không thương tiếc cái tổ chức bắt tôi gật đầu theo mọi chỉ thị, kể cả gật đầu đồng ý bỏ người vào tù không xét xử. May là tôi chưa gặp trường hợp phải giơ tay đồng ý bắn ai bao giờ.
Chỉ đứng ngoài Đảng, tôi mới có điều kiện để nghĩ và làm theo ý mình. Tôi cho rằng với tài năng của mình, lúc bấy giờ, dù ra khỏi biên chế Nhà Nước, tôi cũng thừa sức sống, chẳng lệ thuộc vào cấp ủy nào, vào bè phái nào.
Tôi sẽ không còn phải đi họp những cuộc họp phổ biến các nghị quyết thu hồi ruộng đất vừa mới chia xong tay cho nông dân để bắt họ vào các hợp tác xã, “đưa vào tập thể” mấy cái máy khâu tàng của những cửa hiệu may, tịch thu cửa hàng của những người bị coi là giàu có sau khi chụp cho họ cái mũ tư sản, “kẻ thù giai cấp”...Còn cả ngàn vạn chuyện vô lý, cả ngàn vạn tội ác tầy trời nữa nhưng không một cá nhân, một Bộ Chính Trị, một Ban Bí Thư nào có lời xin lỗi nhân dân hoặc có một văn bản nào công nhận cái quá khứ đầy tội ác với Đất Nước với Lịch Sử! Những sửa sai lặt vặt về sau như phục hồi danh dự muộn màng cho những ông như Kim Ngọc, bí thư Vĩnh Phúc, như Nguyễn Hữu Đang... hoặc kết nạp lại Hoàng Cầm, Lê Đạt vào Hội Nhà Văn, cho in tác phẩm của Trần Dần, Phùng Quán... đều được lặng lẽ làm, cũng như đã lặng lẽ đưa những Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên ([11]), Lê Huy Vân ([12]) vào tù chẳng cần xét xử...!
Có thể nói chưa bao giờ tôi có dịp kiểm điểm bản thân trên cương vị đảng viên sâu sắc đến như vậy, chưa bao giờ tôi nhận ra mình chính là “kẻ vừa có tội vừa là nạn nhân” rõ ràng đến thế và tôi mong được trở lại đứng trong hàng ngũ 70 triệu quần chúng nhân dân như trong những ngày hiếm có trong đời này. Vậy thì, nhân cơ hội Trung Ương giới thiệu mà cơ sở (chi bộ) lại chưa giới thiệu này, sao không tranh thủ “đào thoát”? Nhưng quả thật, tôi cũng hơi...“hốt” và chưa dám thôi tiếp tục...sống hèn!
Thế nhưng như thể Trời định, khi tôi toan trở về Quân Khu lấy giấy tờ, làm thủ tục đi khỏi đấy thì đơn vị của tôi đã giải tán! Một số, kể cả chính trị viên kiêm bí thư Đồng Ngọc Vân được tướng Hoàng Minh Thi, “kẻ tử thù của văn công Quân Đội” ra quyết định điều về đoàn ca múa Tổng Cục Chính Trị và được đề bạt...tổng đoàn trưởng lãnh đạo luôn ba bốn đoàn ca múa, kịch, cải lương. Thật ra, cũng có một lần, do bị thúc bách quá, tôi đến gặp ông bí thư cũ khi ông đã chuyển hẳn về Hà Nội, ngỏ ý “xin” ông xác nhận cho tôi là “đảng viên”. Ông không những không đùn đẩy trách nhiệm cho hết Tổng Cục Cán Bộ lại Ban Tổ Chức Quân Khu theo thói thường, để thoái thác, mà còn lên giọng ghép tôi vào tội “vô tổ chức” khi “hai, ba lần có lệnh Quân Khu gọi mà không “về” nên bây giờ mới xảy ra tình trạng mất liên lạc thế này! Dù sao thì điều kiện để thoát khỏi tiếng “phản Đảng” đã có.
Tôi liền đưa ông giám đốc kiêm bí thư Đảng nhà xuất bản Âm Nhạc và Mỹ Thuật Nguyễn Đình Tính tới gặp ông bí thư cũ của tôi để ba mặt một lời cùng xem xét sự vụ. Kết luận: “Rõ ràng đồng chí Tô Hải vẫn thiết tha với Đảng. Mọi trục trặc giấy tờ có gây hậu quả thế nào, đồng chí Tô Hải cũng không phải chịu trách nhiệm vì đã báo cáo tổ chức”. Từ đó chỉ còn chuyện xác minh xem tôi có “vô tổ chức” hay không, khi tôi lần chần không quay lại Quân Khu làm mọi thủ tục cần thiết? Và trong chuyện tôi chuyển công tác, ai là người có quyền điều động? Chuyện này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công văn đi, lại suốt hai ba năm trời giữa các cơ quan gồm nhà xuất bản, bộ Văn Hóa, Tổng Cục Chính Trị, Quân khu IV... May cho tôi, chính sự ngu dốt và quan liêu, chính cái thứ trách nhiệm chẳng ai chịu trách nhiệm còn tồn tại đến hôm nay đã đẻ ra một trường hợp không tiền khoáng hậu: Tôi trở thành một “quần chúng có sinh hoạt đảng”.
Cứ như thế, tôi tiếp tục sống “lửng lơ con cá vàng”.
Họp đảng viên văn nghệ sĩ thì Tuyên Huấn Trung Ương triệu tập. Họp chi bộ cơ sở thì...còn chờ giấy giới thiệu của đảng ủy cơ sở cũ “đang” ở quá trình giải quyết! Chẳng phải đảng viên cũng chẳng phải quần chúng. Điều lợi ngay trước mắt là tôi được miễn mọi trách nhiệm để chỉ chuyên tâm làm nghề...
Tuy nhiên, mở đầu một giai đoạn mới, vào một vai mới, trên một sân khấu mới, với những bạn diễn mới, cái gì đang chờ đợi tôi?
Liệu sự đánh đổi lấy tự do, liệu ý định sống “đờ-mi-hèn” của tôi có thành hiện thực, có xứng đáng với sự trả giá của tôi, của gia đình tôi hay không?
Chú thích:
([1]) Charles-Louis Hanon (1819–1900), nhạc sĩ sáng tác, thầy giáo đương cầm nổi danh người Pháp.
([2]) Carl Czerny (1791-1857), nhạc sĩ sáng tác, thầy giáo đương cầm, tác giả nhiều sách giáo khoa âm nhạc nổi danh người Áo gốc Séc.
([3]) Thuận Yến, tên thật Đoàn Hữu Công (1935), nhạc sĩ.
([4]) Tổng Cục Chính Trị.
([5]) Hoàng Hiệp, tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn (1931), nhạc sĩ, có những ca khúc được nhiều người biết như Lá Đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô Gái Vót Chông…
([6]) Hồng Đăng (1936), nhạc sĩ với các ca khúc Hoa Sữa, Lênh Đênh, Biển Hát Chiều Nay…
([7]) Doãn Nho (1933), nhạc sĩ, đại tá QĐNDVN được biết tới với những ca khúc Tiến Bước Dưới Quân Kỳ, Người Con Gái Sông La, Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng, Chiếc Khăn Piêu...
([8]) Tiếng Pháp: faux – sai, lạc điệu.
([9]) Chính nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn phải đăng ký máy dưới danh nghĩa cơ quan Hội Nhạc Sĩ.
([10]) Vô sản tất cả các nước, hãy bưông nhau ra! (tiếng Pháp).
([11]) Vũ thư Hiên (1933), nhà văn, nhà báo, bị tù trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng” (1967-1976). Từ 1997 sống tại Pháp, được biết đến nhiều qua tiểu thuyết Miền Thơ Ấu, hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày.
([12]) Huy Vân (1931-1969?), đạo diễn điện ảnh với phim Một Ngày Đầu Thu, bị tù trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng”(1968-1973).