- Chương Kết -

Lần thứ hai, khi Hòa làm Trưởng ty công chánh ở một tỉnh Đông Nam bộ sau năm 1970. Vị Đại tá tỉnh truởng hạ mệnh lệnh: “ Tiểu khu đã giải tỏa chốt Bầu Cá, công chánh sửa chữa gấp cống bị phá hoại để tái lập lưu thông gấp.”. Hòa lái xe jeep dẫn đầu đoàn xe cơ giới tiến gần đến chân cống. Cách cống chừng 20 mét, quân Giải phóng pháo kích. Kinh hãi đén thót tim, Hòa phát hoảng, mặt cắt không còn giọt máu, anh vội ra lệnh quay ngay đoàn xe về tỉnh lị. Mấy trái pháo nổ ùng oàng như rượt đuổi đoàn xe công chánh. Hòa biết mình bị lừa. Làm người cần mẫn, tử tế cũng không dễ. Họ đã sử dụng Công chánh chẳng khác gì lao công phục dịch. Cái giá tính mạng của công chánh chỉ bằng con chốt trên bàn cờ.
Hai chú cháu xoay sang chuyện diễn biến chiến cuộc. Không khí trò chuyện nghiêm trang, nặng nề, chứa chất ưu tư của hai người. Nói cười không rổn rảng.
- Chiến sự bây giờ dữ dội hơn trước An nhỉ?
- Đúng thế chú ạ.
- Trên toàn cõi miền Nam, không nơi nào có thể nói là không có chiến tranh. Ngay ở tỉnh chú làm việc, những cuộc hành quân “tảo thanh” của quân đội Việt Nam cộng hòa cùng những cuộc pháo kích đánh trả của Việt cộng xảy ra như cơm bữa. Nay diễn ra ở huyện này, mai diễn ra ở ấp kia. Còn ở chiến trường lớn, An thấy thế nào?
- Chúng cháu là lực lượng Tổng trù bị cũng phải căng ra trên khắp các mặt trận, các quân khu. Từ năm 1971 hết trận Nam Lào lại đến Cao nguyên rồi Quảng Trị...trận nào cũng dữ dội đẫm máu.Không chỉ ở mức độ đại đội, tiểu đoàn tham chiến như những năm đầu 60. Những năm 70 này, quân lực Việt Nam cộng hòa tham chiến ở mức trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và còn hơn thế nữa. Các quân binh chủng cùng tham gia, phối hợp tác chiến như mặt trận Hạ Lào, Quảng Trị...nhiều tổn thất lắm.
Dừng lại giây phút, nhấp ngụm cà phê đá, hít hơi thuốc PallMall, tàn lửa lập lòe, An như đang đắm mình với suy tư về cuộc chiến. Anh tiếp tục mạch chuyện, đôi lông mày nhíu lại, lời nói chậm rãi, rành rẽ. Chú đã biết, chiến tranh lan rộng ra cả miền Bắc dù rằng quân đội Mỹ đã rút khỏi miền Nam theo cam kết Pari nhưng, để làm suy yếu đối phương, gây sức ép tối đa, máy bay Mỹ tiến hành đánh thẳng vào Hà Nội bằng B52. Những cây cầu lớn ở miền Bắc như Long Biên, Hàm Rồng và con đường chiến lược ở bắc Trung bộ, dọc Trường Sơn vẫn là mục tiêu bị đánh phá dữ dội bằng bom tạ bom tấn. An nhấp ngụm cà phê, trầm ngâm, nét mặt hơi căng thẳng, thoáng lộ vẻ thất vọng, giọng như chùng xuống:
- Vậy mà ở miền Nam, Việt cộng vẫn tăng cường sức mạnh chiến trường cả vũ khí và quân số. Những cuộc giao tranh dữ dội trên chiến trường không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Chú cầu mong chiến tranh mau kết thúc.
- Ai cũng mong như vậy. Chiến cuộc kết thúc sớm hay muộn cháu không tiên đoán nổi. Có lẽ nó sẽ còn đẫm máu hơn.
- Vì sao vậy?- Chú Hòa lắc đầu thở dài.
- Vì đây là cuộc vật lộn sinh tử, một mất một còn, không khoan nhượng giữa những người theo lý tưởng quốc gia chống Cộng ở miền Nam và những người theo lý tưởng Cộng sản ở miền Bắc.
B52 đánh phá miền Bắc không đem đến niềm vui cho Hòa và An, chỉ làm cho cả hai băn khoăn lo ngại. Bởi một lẽ đơn giản, nơi ấy có những người ruột thịt, có những thân nhân quyến thuộc của họ. Trên đời này, không một ai mong muốn cha mẹ, anh em mình hứng chịu bom đạn chết chóc, dù rằng họ ở trận tuyến đối lập, khoác trên người lý tưởng gì đi chăng nữa.
Cả hai chú cháu đã nhiều lần nghe BBC và đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội, hai người biết tường tận về mức độ tàn phá hủy diệt của B52. Không chỉ Hà Nội, Hải Phòng bị đánh phá mà Nam Định, Quảng Ninh... cũng bị hàng trăm, hàng ngàn tấn bom đạn của bao nhiêu loại máy bay Mỹ rải xuống.
Băn khoăn về những người thân ở miền Bắc thường trực trong lòng Hòa và An. Không ai bảo ai, cả hai né tránh nói đến những con số thống kê chết chóc của thường dân miền Bắc, họ là những người lương thiện vô tội bị máy bay Mỹ đánh bom sát hại. Hòa mấy lần thở dài, mặt nhăn nhó, câu chuyện của hai chú cháu chốc chốc lại gián đoạn. Vẩn vơ trong suy tư, không ai dám phán đoán thân nhân của mình ở đất Bắc rất có thể là nạn nhân của bom đạn B52. Họ chỉ cầu mong bom đạn đừng bao giờ trút lên đầu thân nhân của mình.
An không kể về giấc mơ khủng khiếp của mình cho chú Hòa biết. Đêm ấy, anh mơ thấy trên trời, đàn máy bay nhào lộn, tiếng rú rít đến lọng óc, nó trút ra hàng chùn bom đen kịt, vùn vụt lao xuống mặt đất. Tiếng bom rung chuyển. Chao ôi! Thằng Pha, đúng là thằng Pha em ruột anh, bị mảnh bom găm vào đầu vào thân xác, máu đỏ đầm đìa. Bên nó bao nhiêu là xác chết không toàn thây. Thảm thương quá, Pha chết mắt mở trừng trừng nhìn An như cầu cứu, như vĩnh biệt. Nó chết không người vuốt mắt.
An giật mình choàng dậy, tim đập loạn nhịp, mồ hôi toát ra đầm đìa. Anh đến ban thờ thắp nén hương, khấn nguyện cho bố mẹ, cho thằng Pha cùng mấy đứa em nơi đất Bắc thoát vòng bom rơi đạn nổ. Lòng trĩu nặng âu lo cùng phân vân chiếm ngự nhưng rôì An tự trấn tĩnh mình, ấy chỉ là giấc mơ vu vơ quái đản. Cái sự thật về Pha đúng như thần giao cách cảm của An, rồi sau này, khi đã đi di tản sang Mỹ, anh mới nghiệm ra đó là sự thật nghiệt ngã của chiến tranh.
Chú Hòa lại xoay sang than phiền về chuyện Ty Công chánh bây giờ thiếu nhân lực. Trai tráng đi quân dịch cả rồi, thanh niên mười tám, đôi mươi phải cầm súng ra trận, khó ai tránh nổi. An phụ họa theo, ở miền Bắc có lẽ cũng tương tự. Anh kể, đôi lần ngoài mặt trận, đơn vị anh bắt được một vài tù binh, toàn lính trẻ măng. Đột nhiên Hòa liên tưởng đến em trai của mình ở đất Bắc, anh phân vân nói bâng quơ, thằng Chúc ở miền Bắc không hiểu có phải vào lính không. Chẳng ai có thể trả lời cho Hòa lúc này. Thế nhưng câu hỏi của chú lại làm An liên tưởng tới mấy đứa em trai của mình. Các em của anh đã bước vào tuổi mười tám, mười chín, có lẽ cũng đã trở thành lính cả rồi. Dòng suy tưởng của An được đẩy đi mau lẹ. Anh nhíu lông mày, mặt cau lại. Nếu tham chiến cùng một mặt trận, anh em không biết mặt nhau, những viên đạn vô tình vô cảm như những con mắt mù, chúng sẽ chẳng buông tha. Cùng máu mủ, cùng cha cùng mẹ sinh ra lại tàn hại nhau, cuộc chiến tàn nhẫn quá. Anh thầm khấn, cầu Trời Phật, xin Cô phù hộ độ trì để anh em con đừng bao giờ giết hại lẫn nhau. An hít hơi thở thật sâu, tưng tức lồng ngực để giải tỏa những suy nghĩ miên man vô định, đượm màu bi đát.
Như thể muốn cắt đứt những suy tư nặng nề, chú Hòa hồ hởi xoay sang chuyện của mình. Tháng sau chú đi tu nghiệp ngắn hạn trong vòng vài tháng ở Mỹ rồi trở về nhận chức Phó giám đốc Nha Kế hoạch của Tổng cục Kiều lộ. Gương mặt Hòa rạng ngời, nụ cười tươi tắn, bảo rằng, ước nguyện được du học ở Mỹ, quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới đã thành sự thật. Hòa sẽ được chứng kiến và học hỏi phương pháp thi công làm đường trên nền đất yếu. Đôi mắt sáng của Hòa long lanh, chớp chớp, dòng suy tư miên man chảy trôi, anh ngẫm nghĩ, đồng bằng Việt Nam nói chung, vùng quê Bắc Bộ của anh và Nam Bộ nói riêng đều là vùng thổ nhưỡng có nền đất yếu. Rồi đây kĩ thuật làm đường trên nền đất yếu sẽ được thực thi và những cây cầu sẽ nối bờ sông nước. Suy nghĩ lãng mạn của Hòa thăng hoa.
An nhìn chú, niềm hứng khởi của Hòa như nhập dẫn, lan truyền đến An. Anh khoe với chú về con đường binh nghiệp trưởng thành của mình, hàm Trung tá mới được phong và huân chương Bảo quốc được tặng thưởng bởi công trạng ngoài mặt trận.
Cái lon cấp tá lính dù của An trở thành đề tài lôi cuốn Nga hào hứng góp chuyện. Cô nhìn chằm chặp vào hai bông mai gắn trên ve cổ áo An, vẻ mặt tươi rói, Nga kể, mình buôn bán ngoài chợ cũng lắm rắc rối bực mình. Ngày mới bán hàng bị lũ anh chị đầu chợ, núp bóng cậy quyền của ông to bà lớn để bắt nạt, tranh cướp khách hàng. Thế rồi, dần dần khôn lên, dùng chiêu “rung cây dọa khỉ”, Nga đốp chát lại bọn chúng rằng, thằng An cháu tao là thiếu tá Nhảy dù. Muốn bắt nạt con này ư? Dễ ợt, để tao gọi nó cho bọn bay bắt nạt, chịu không? Chúng ngẩn mặt e ngại, hết giở trò này nọ. Nga triết lí, người khôn ngoan phải biết lợi dụng, không để cho người đời chèn ép. Thời buổi này người ta ngại lính Dù, lính Biệt động ngang tàng liều lĩnh. An cười, có chút hãnh diện về đoàn quân Nhảy dù.
Ở cái thời buổi tướng lãnh nắm quyền điều hành đất nước, binh lính dữ dằn, lăm lăm khẩu súng trong tay, người ta kiềng nể binh lính tướng tá cũng là lẽ thường tình. Thời nào chức to chẳng lộng quyền, kẻ thấp cổ bé họng phải nín nhịn. Chẳng ai dại gì mà đụng độ với lính tráng.
Tạm biệt vợ chồng chú Hòa, An trở về Sài Gòn, nhận lệnh cùng đơn vị Nhảy dù tham chiến ở chiến trường Quảng Trị. Thành Cổ Quảng Trị được quân Giải phóng chiếm giữ và phòng thủ với hỏa lực mạnh. Sát vòng đai thị xã, các chốt phòng thủ càng dày đặc hơn, hỏa lực được tăng cường gấp bội. Quân lực Việt Nam cộng hòa được lệnh tái chiếm Quảng Trị, tiêu diệt địch quân, thu hồi bằng được từng tấc đất Thành Cổ. Đoàn quân Nhảy dù đảm nhiệm mũi tiên phong làm nhiệm vụ xung kích. Lúc thì tiến lên, khi phải lùi, dằng co từng ngày, nhiều ngày. Khi tung lựu đạn, lúc cận chiến bằng lưỡi lê. Tấn công lúc xẩm tối, đánh khi mờ sáng thực hiện mệnh lệnh thu cho được từng tấc đất, từng góc phố đã đổ nát hoàn toàn. Máy bay quần thảo trút bom không ngớt. Pháo các cỡ của quân lực Việt Nam cộng hòa không ngừng nhả đạn với cường độ cao nhất, lớn nhất từ trước đến nay. Việt cộng không đầu hàng, kháng cự quyết liệt. Mỗi thước đất chiếm lại được đo bằng chiều dài thân xác người lính. Khoảng đường từ Mỹ Chánh đến Quảng Trị 15 km là 15 cây số máu.
 Tiểu đoàn pháo Nhảy dù của An được lệnh tác xạ ngày đêm không ngừng vào mục tiêu. Thật là địa ngục trần gian. Muốn bị thương dễ lắm, chỉ cần giơ tay lên khỏi miệng hố hoặc thò tay ra khỏi cửa hầm là dính đạn liền. Kẻ chết bởi sức ép của bom, của pháo thảm lắm, máu tai, máu óc ộc ra. Mũi tiên phong là lính dù chịu tổn hại nặng nề được thế chỗ bằng Thủy quân lục chiến. Trận địa pháo của An đặt ở ngoại vi trận địa bị phản pháo dữ dội, quân số hao hụt già nửa. An dùng ống nhòm từ xa nhìn về Quảng Trị, chỉ thấy một trời khói đất mịt mù. Tiếng bom, tiếng đạn, súng lớn súng nhỏ đôi bên không còn phân biệt được, chỉ nghe ầm ĩ như sấm rền rĩ cả bầu trời. Bất giác An cảm tưởng thành phố Quảng Trị đang rung lên vì cơn địa chấn nặng nề, nó bị tàn phá đến rợn người. Thành Quảng Trị được tái chiếm bằng sắt thép và vô vàn máu xương đồng đội của An. Không một tấc đất nào không bị bom đạn cày xới, không một vật gì trên mảnh đất trong thành cổ lại không bị đạn.
Nhìn cảnh tan hoang đổ nát của bãi chiến trường, lòng An dấy lên niềm tiếc nuối, bao giờ nơi đổ nát này được tái thiết, bao nhiêu sinh linh đã lìa đời? Tuy vậy, lúc này anh không đào sâu vào cái nguyên nhân sâu xa gây ra cảnh đổ nát này, chỉ biết rằng, nơi đây là vị trí có tầm chiến lược mà các nhà cầm quân đôi bên đều muốn chiếm giữ.
Thế mà thấm thoắt đã hai năm trời trôi mau sau trận chiến mùa hè đổ lửa chiếm thành Quảng Trị. Bây giờ đoàn quân nhảy dù của An vẫn phải có mặt ở quân khu 1, lập tuyến phòng thủ Huế, Đà Nẵng. An lại phải cơ cực với nắng gắt miền Trung, nếm đủ những cơn gió Lào nóng nực muốn sấy khô sự sống. Chiến sự vùng Quân khu 1 đêm ngày rền vang tiếng súng.
Ly cà phê đá, lon bia lạnh có làm dịu đi cái nóng nực bức bối trong người nhưng không làm dịu bớt nỗi bất bình. Đầu An tỉnh táo, óc phê phán trỗi dậy sự suy xét. Từ sự trải nghiệm hơn chục năm của người sĩ quan nhảy dù nơi chiến trường, anh ngán ngẩm với nhiệm vụ đóng chốt. Sự khâm phục của An đối với các vị tướng lãnh ở bộ Tổng tham mưu bị xói mòn. Bộ tham mưu của quân lực Việt Nam cộng hòa không đủ tỉnh táo khôn ngoan để tận dụng sức mạnh tiềm ẩn của binh chủng Nhảy Dù. Sở trường của Nhảy dù nào phải là phòng thủ. Sở trường của đoàn quân Nhảy dù là hành binh giải tỏa, giáp chiến đánh địch dù là một chọi hai hoặc hơn thế nữa. Lính Nhảy dù không quen với trận chiến phải co cụm mà là phải bung ra đánh nhanh, đánh mạnh, thắng mau để kết thúc chóng vánh chiến trường - An nghĩ thế. Anh không hiểu một sự thật là, từ quân khu 1 đến quân khu 2, quân khu 3, quân khu nào cũng xin bộ Tổng tham mưu tăng viện, yêu cầu sự có mặt, đóng chốt của những đơn vị thiện chiến thuộc lực lượng Tổng trù bị để ứng phó với quân Giải Phóng đang ngày một mạnh lên.
Phải phòng thủ khác gì bắt hổ báo canh nhà, vô hình chung đoàn quân Nhảy dù chịu số phận trở thành những mục tiêu ổn định cho lực lượng đặc công và cả bộ binh, pháo binh của địch quân. Vì vậy Nhảy dù lâm vào hoàn cảnh chung, bị tổn thất thiếu hụt quân số. Binh chủng Nhảy dù mất đi thế áp đảo, mất đi nhuệ khí tiến công táo bạo, mạo hiểm của đoàn quân nổi danh xông trận, dũng mãnh chống Cộng. Tuy vậy, An vẫn tâm niệm đứng vững trên trận tuyến.
Giờ đây quân đội của chính quyền Sài Gòn như kẻ hụt hơi đuối sức không còn ở thế chủ động trên chiến trường Miền Nam. Sau khi Phước Long mất, mặt trận Buôn Mê Thuột bùng nổ dữ dội. Quân Giải Phóng với lực lượng chính quy đông đảo, có chiến xa, đại pháo yểm trợ, bởi vậy đã làm chủ chiến trường Buôn Mê Thuột ngay từ đầu. Chỉ trong bảy ngày chiến đấu họ đã xóa sổ một trung đoàn bộ binh của quân đội Sài Gòn. Liên đoàn Biệt động quân bị tổn thất tám mươi phần trăm, các đơn vị pháo binh, thiết vận xa bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù phi đoàn Không quân của quân đội Sài Gòn đã ứng cứu gan dạ để yểm trợ cho cánh quân dưới đất, đánh những chiến xa, những giàn đại pháo của địch quân, có ngày ba phản lực cơ, một trực thăng bị bắn cháy, bị nổ tung. Bi kịch Buôn Mê Thuột thất thủ sau một tuần cố thủ làm chấn động toàn cõi miền Nam, chẳng khác nào một trận động đất khủng khiếp, đến như các tướng lãnh cũng phải bàng hoàng.
Với An, Buôn Mê Thuột thảm bại làm anh lo ngại, hoang mang. Anh phỏng đoán những người mang sắc phục quân lực Việt Nam cộng hòa bị tổn thương tinh thần đáng lo ngại. Buổi tối, thành thông lệ, An đi một vòng quanh vị trí đơn vị mình đóng quân để kiểm tra, đôn đốc canh phòng. Còn yên tâm, vị trí canh phòng vẫn duy trì sự hiện diện của binh sỹ làm nhiệm vụ. Tuy nhiên trong trại, nhóm này, nhóm kia, đại đội nào cũng có người râm ran bàn chuyện thảm bại Buôn Mê Thuột. Chuyện tử trận, thương vong, tan hàng như chính họ được chứng kiến. Thực ra họ được nghe từ radio. An nói với họ, chúng ta là những người lính chiến, không được loan truyền những tin không chính thức, gây hoang mang. Viên đại úy đại đội trưởng phản ứng lại: “Thưa trung tá, tin thất thủ Buôn Mê Thuột do đài BBC và Hoa Kỳ phát đi rõ ràng lắm”. An nhíu lông mày bất lực, cau trán ngao ngán, buột thở dài. Anh biết người đại úy ấy nói không sai, chính anh cũng được nghe tin dữ này từ đài BBC và cả đài Sài Gòn nữa. Tuy vậy anh vẫn nói, lính dù chúng ta phải cố gắng, giữ vững tinh thần.
An muốn binh sỹ dưới quyền mình và quân nhân nói chung trong bất cứ trạng huống nào cũng không thể suy giảm nhuệ khí. Và rồi, buồn quá, khi anh rời bước thì binh sỹ lại rộ lên chuyện chiến trường, có người mở radio nghe tin chiến sự. An hiểu rằng, lo âu khiếp nhược dẫn đến nhút nhát khi chiến sự xảy ra, gặp cơ sự hiểm nghèo người lính dễ tan rã tinh thần, tê liệt ý chí chiến đấu rồi chạy trốn hoặc đầu hàng nhục nhã. Ý nghĩ ảm đạm ấy cứ lởn vởn làm anh hoang mang, cặp lông mày đậm nhíu lại bất thường. Nếu sự thật ấy xảy ra thì ân hận biết chừng nào.
Trước ngày Buôn Mê Thuột có nguy cơ thất thủ, trung tuần tháng ba năm 1975 tại tòa Bạch Dinh ở Cam Ranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã khẩn cấp triệu tập các viên tướng cao cấp: Khiêm, Viên, Quang, Phú để đánh giá tình thế chiến trường, bàn định cách ứng phó với diễn biến mau lẹ của chiến cuộc trên toàn cõi Việt Nam cộng hòa đang trong cơn nước sôi lửa bỏng. Tình thế cực kỳ nguy hiểm, vận mạng sống còn của Việt Nam cộng hòa đang chờ đón những quyết định hệ trọng của Tổng thống và tướng lãnh chóp bu.
Cam Ranh, Nha Trang miền thùy dương chan hòa gió biển. Vùng vịnh đẹp, êm đềm sóng xanh. Làn gió biển dịu mát, tưởng rằng sẽ làm cho tướng lãnh, lãnh đạo đất nước và quân đội đủ tỉnh táo để đưa ra những quyết sách cứu thua làm hồi sinh sức mạnh chiến đấu của quân lực Việt Nam cộng hòa, làm thay đổi cục diện chiến trường, làm thay đổi thế trận lâm nguy. Trái lại, thực tế chiến trường làm họ rối trí, những chiến thắng lớn liên tiếp của địch quân làm cho ai nấy bối rối, nản lòng có chiều hoang mang.
Và rồi, Tổng thống và các tướng lãnh đã vội vã đưa ra quyết định chiến lược chứa đầy hiểm họa của sự thất bại hoàn toàn. Giới tướng tá Sài Gòn gọi đó là “Quyết định Can Ranh”.
Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã công bố quyết định Cam Ranh, ông ra lệnh “tái phối trí trên toàn cõi lãnh thổ, rút bỏ quân khu 1 và 2 dồn quân về quân khu 3 và 4 để chống giữ”.
Cuộc rút quân hỗn loạn nói chính xác hơn là tháo chạy để bảo toàn mạng sống diễn ra khẩn trương, ngay sau khi quyết định lui quân của Tổng thống Thiệu ban bố. Quân đoàn I và quân đoàn II tức thời khai triển cuộc tháo lui.
Thuộc vùng trách nhiệm của quân đoàn I, tầu Hải quân nhốn nháo ở nơi bến đỗ. Trên mặt boong đầy lính, tải trọng đến mức tối đa, mũi tàu nhằm về hướng Nam. Nơi bến bãi thuộc Huế và Đà Nẵng đủ loại sắc phục quân nhân và thường dân, vợ con lính tất tưởi bám theo. Cha gọi con, vợ gọi chồng. Lính bại trận từ mặt trận rút về, lính tại vùng trách nhiệm đổ ra bến cảng. Mũ nón, áo quần, giầy lính cũ của binh lính vất vương vãi trong doanh trại, lề đường, bến bãi. Lẻ tẻ xảy ra chạm súng của các sắc lính Việt Nam cộng hòa nhằm tranh giành quyền được xuống tàu trước. Trên quốc lộ 1 xuôi về phía Nam xe nhà binh, xe tải, xe jeep cắn đuôi nhau bóp còi, rú ga inh ỏi xin đường. Chiến xa M48, M41, xe kéo pháo 175 li, 155 li tăng tốc, tranh đường điên loạn. Những bộ mặt hằm hằm dữ dằn, ánh mắt gườm gườm, tiếng chửi tục, quát tháo của thượng cấp. Binh lính lăm lăm súng ống. nai nịt trang bị tề chỉnh như đang lâm trận tuy thực chất là vội vã rút lui. Sỹ quan điều hành cuộc triệt thoái, lui quân thật vất vả nhưng bất lực trước thực trạng hỗn quân, bất lực trước thực trạng vô kỷ luật được hỗ trợ bằng súng đạn hung hăng. Mệnh lệnh dõng dạc của tướng tá không mấy hiệu quả lúc này.
Cuộc triệt thoái rút bỏ cao nguyên của quân đoàn II còn thê thảm hơn nhiều. Tổ chức và hệ thống chỉ huy cuộc rút quân quá tồi tệ. Dường như các cấp chỉ huy lộ rõ hành vi vô trách nhiệm, không có sự phối hợp. Quân giải phóng truy đuổi ráo riết. Biết bao binh sỹ tử thương trong cuộc tháo chạy bởi pháo của quân Giải Phóng, bom của không quân Việt Nam cộng hòa thả nhầm vào quân mình và còn bởi mìn được gài từ trước trên tỉnh lộ 7 phát nổ. Tất cả lực lượng chiến xa, pháo binh nặng, đại bác 175 và 155 li của quân đoàn II phải bỏ lại hoặc bị tiêu diệt. Hàng vạn lính tinh nhuệ của quân lực Việt Nam cộng hòa bị chết trên đường lui quân. Tuy nhiên, phần lớn lính của quân đoàn I và một số phần của quân đoàn II rút lui được về Sài Gòn và các tỉnh lân cận đô thành. Đơn vị Nhảy dù của An rút về Sài Gòn.
Đường phố Sài Gòn nhan nhản sắc lính. Sinh họat, cuộc sống nơi đô thành không còn không khí bình yên. Ngày hôm sau nhộn nhạo hơn ngày hôm trước, buổi chiều nhốn nháo, rối loạn hơn buổi sáng. Chợ búa xao xác, mất đi không khí tấp nập kẻ mua người bán. Nhà hàng, cửa hiệu thưa khách, không ít cửa hiệu đóng cửa im ỉm. Bầu không khí hoang mang, hoảng loạn như vết dầu loang từ trong nhà đến ngoài phố, từ chợ búa đến công sở. Những ngày này Sài Gòn bỗng rộ lên những tin đồn về những cánh quân, sư đoàn lừng danh của Việt Cộng đang từng giờ từng phút áp sát bốn phía Sài Gòn. Nơi này bị bại trận, nơi kia thất thủ. Tin đồn nhảm loan tryền làm hoảng hồn những người yếu bóng vía. Nào là cuộc tắm máu của Việt Cộng sẽ vô cùng thảm khốc, phụ nữ có móng tay sơn lòe loẹt sẽ bị nhổ sạch, sỹ quan binh lính và những người cộng tác với chính quyền Sài Gòn sẽ không thoát khỏ sự tàn sát đẫm máu hoặc bị tống giam đến mọt đời, tài sản của người giàu bị tịch thu…
Người Sài Gòn bắt đầu toan tính đến việc rời bỏ xứ sở bằng máy bay hay tàu thủy, dấn thân vào cuộc di tản đã bắt đầu chớm nở và rộ lên như lên cơn sốt sau cái ngày Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Nga và Vạn - người bạn hàng chung vốn kinh doanh, rối bời lo lắng tiếc ngẩn ngơ lô hàng điện máy mà hai người hùn vốn với nhau, nhập từ Hông Kông, giờ này đang nằm chất đống ở kho bãi cảng Sài Gòn. Nga thúc giục Vạn mau chóng xoay xở để tiêu thụ lô hàng ấy nhằm thu hồi ngay vốn liếng. Van hộc tốc phóng xe tìm đến các đầu mối tiêu thụ. Họ nhất loạt lắc đầu từ chối dù anh đã hạ giá chỉ bằng phân nửa giá gốc. Những ngày náo loạn này, không mấy ai dám nghĩ đến chuyện đầu cơ buôn bán. Kẻ bĩu môi, người nhăn mặt thở dài. Một đại gia lắc đầu quầy quậy, xua tay nói, chẳng ai rồ dại mà ôm hàng lúc này, cho cũng chẳng nhận, giữ được mạng sống là quý lắm rồi, hãy gác chuyện làm ăn sang một bên. Có lẽ ông ta nói đúng - Vạn nghĩ. Anh quay về thuật chuyện với Nga.
 Nga đăm chiêu, thở dài thườn thượt, héo hắt ruột gan. Vốn liếng mấy chục cây vàng chẳng khác nào đổ xuống sông xuống biển, không cánh mà bay. Vận hạn đen đủi quá, cơ sự này, cuộc sống sinh nhai rồi sẽ ra sao? Nga đưa mắt nhìn gương mặt buồn phiền, nhăn nhó đến thảm hại của Vạn, chợt mủi lòng. Hai thân phận cùng mất mát, chung cảnh ngộ sạch trơn vốn liếng muốn chụm vào nhau để được chia sẻ an ủi. Mắt Nga mở to đắm trong ngẩn ngơ hoang dại. Vạn trao ly nước mát lạnh cho Nga như một cử chỉ an ủi. Anh nói, cảnh ngộ rủi ro, mình đã gắng sức, chẳng quản công, mong gỡ lại vốn liếng cho cả hai, nhưng vì thời cuộc ngặt nghèo quá. Sài Gòn lâm vào cảnh hỗn loạn rồi, chẳng riêng gì mình chịu thua thiệt, nhiều người mất trắng đang tính chuyện di tản. Nga nhích lại gần Vạn, cử chỉ thân tình như muốn cám ơn nỗi vất vả vừa qua của anh đã dành cho mình. Cô nắm bàn tay Vạn áp vào khuôn ngực căng đầy của mình nói, Nga không trách anh đâu. Vạn nhìn Nga, ánh mắt đắm đuối rưng rưng, bàn tay nhè nhẹ đặt lên bờ vai Nga, rồi bàn tay vòng quanh lườn áp Nga vào mình. Trong khoảnh khắc cả hai quên đi hết thảy những nỗi bận tâm trên đời. Cảm giác dịu êm, nóng ấm của cơ thể người đàn bà phốp pháp, dồi dào sinh lực mơn trớn. Nga với tay đóng cửa, Vạn xiết chặt Nga vào lòng, vòng tay mầm mẫm của người đàn bà ôm ghì người đàn ông. Hơi thở gấp gáp, xao động dấy lên mau chóng, tràn đầy khao khát dù không phải là lần đầu họ trao thân cho nhau. Bàn tay tự do của người đàn ông thả sức lân la, tìm kiếm những vùng miền nhạy cảm vừa nhấp nhô vừa kín đáo của người đàn bà. Cả hai cuốn lấy nhau trên chiếc ghế đệm dài. Nga thủ thỉ, chỉ tiếc từ nay chúng mình không còn hùn vốn cùng nhau để kiếm lời. Chợt cô nghĩ xa xôi, rồi những phút lạc thú thế này có còn nữa không? Hơi thở dài bỗng nhiên buông ra.
Cả hai rời nhau, quay về với hiện tại. Số hàng hóa được bày bán tại cửa hiệu này, Nga đã hạ giá, kịp bán tống bán tháo từ mười ngày nay, vớt vát được phần nào. Hai người cùng nghĩ tơi khoản nợ vặt mà khách hàng quen chưa trả, họ bàn nhau khẩn cấp đòi nợ.
Đã hai ngày qua Nga đi đòi nợ, mệt rũ người. Buổi trưa uể oải bước về ngôi nhà của mình. Gian phòng giờ này tĩnh lặng, đứa con gái lớn nằm dài trên giường, đứa bé ngồi buồn thiu, không trò chuyện. Thấy má về, chúng hớn hở, ào ra ôm chân má. Ba hôm nay, trường học đóng cửa. Ở nhà bật xem tivi, không có chương trình nào chúng thích. Chán quá, chỉ còn một việc là ngong ngóng chờ ba, chờ má về.
Giờ này ba nó chưa về. Nga vào bếp làm cơm, nấu nướng vài món ăn. Con gái lớn dọn mâm bát lên bàn, sẵn sàng cho mâm cơm gia đình. Trời nắng gắt. Căn phòng bật quạt vẫn nóng. Nga nhăn mặt, thầm trách chồng, giờ này anh còn bận bịu việc gì ở công sở. Đến chán, bao người rối bời chuyện đi hay ở mà ông lại đủng đỉnh cứ như thể người vô tâm hay sao. Lại nghĩ đến lô hàng bị mất trắng nơi bến cảng, ánh mắt Nga lại ngẩn ngơ tiếc nuối nhưng rồi cô trấn an mình, hãy quên đi cho nhẹ nhõm, anh Hòa cũng chẳng biết việc này.
Nga nhếch mép cười tinh quái, lan man nghĩ, anh Hòa khờ lắm, chẳng biết con này có thú vui riêng, những đam mê cùng Vạn, Hòa không mảy may ngờ đến. Nhìn hai con, gương mặt nó giống bố, phút giây thức tỉnh, đôi gò má Nga và cả đôi tai ran ran nóng lòng dấy lên chút ăn năn về hành vi phản bội thiếu chung thủy. Tuy vậy, trong giây lát, Nga đã tìm được lý do biện minh, ở đời phải kiếm tìm để thỏa mãn hứng thú khát khao.
Chiếc xe jeep màu xám rêu do viên sỹ quan Dù cầm lái xịch đỗ sát cửa nhà Hòa. Người sỹ quan ấy là Trung tá An. Anh xuống xe, bước nhanh đến gõ cửa rồi đẩy cửa bước vào. Những lần đến nhà chú Hòa, An thường mặc bộ đồ dân sự sáng màu, đeo cặp kính mắt thời thượng, dáng điệu hoạt bát trẻ trung. Người ta khó nhận ra anh là sỹ quan quân đội mà chỉ có thể phỏng đoán là người chững chạc, có thể là công chức bạn của Hòa, hay một thương gia có mối quen biết với Nga. Thế nhưng, lần này, trên người An tề chỉnh bộ quân phục sỹ quan Dù với lon trung tá trên ve áo như báo trước cuộc viếng thăm bất bình thường, có điều hệ trọng.
An mới về từ quân khu 1, theo lệnh “Tái phối trí” của tổng thống rút quân về phòng thủ Sài Gòn. Nước da anh xạm màu nắng gió miền Trung, gương mặt lộ vẻ nghiêm trang, căng thẳng. Đôi lông mày đậm hơi xếch nhíu lại hiện vẻ lo âu, nặng tâm trạng bối rối. Sau lời chào Nga, anh hỏi, chú Hòa đâu? Nga cho biết, giờ này chú Hòa chưa về - rồi chép miệng thở dài, trỏ mâm cơm đã dọn sẵn than phiền, cơm canh đã nguội lạnh cả rồi.
Những ngày gần đây Hòa thường về muộn, ít hồ hởi trò chuyện vui đùa với vợ con, đêm khuya chong đèn ngồi nghĩ ngợi nung nấu. Hòa nói với vợ, tình thế này chẳng nói được điều gì sẽ xảy ra, không hiểu rồi đây việc làm và đời sống gia đình mình sẽ ra sao. Anh hay ôm bên người chiếc radio bán dẫn, bật âm thanh nho nhỏ, chỉ đủ cho anh nghe tin tức chiến sự, rồi ngao ngán lắc đầu vẻ buồn chán. Hôm qua Hòa nói bâng quơ, có lẽ gia đình mình sẽ thu xếp di tản ra nước ngoài rồi lại có vẻ phân vân do dự lắm, bảo rằng, còn lựa xem tình thế, bạn bè nơi công sở có ra đi như mình không?
Anh chậm rãi, giọng chùng xuống. Anh nói với Nga mà như khẳng định thời cuộc: “Sài Gòn không thể giữ được nữa đâu. Tình hình chiến sự diễn biến xấu lắm”.
Phải rồi, quân số hơn một triệu của quân lực Việt Nam cộng hòa đang tan tác. Tại Sài Gòn chỉ còn một vài đơn vị nhỏ đang tử thủ ở những vị trí then chốt, đầu não, làm sao có thể cản nổi bước tiến đang thừa thắng của đoàn quân Việt Cộng đông đảo gấp bội. An định nói Xuân Lộc thất thủ đồng nghĩa với cửa ngõ lớn nhất của Sài Gòn bị mở toang và đương nhiên đoàn quân của Việt Cộng tiến vào Sài Gòn sẽ không còn gặp trở ngại đáng kể. Nước cờ đang ở thế bí. Quân lực Việt Nam cộng hòa mất đi căn bản sức lực chiến đấu, không còn khả năng bảo vệ Thủ đô cũng như phần lãnh thổ còn lại sau lệnh:”Tái phối trí” của Tổng thống. Chẳng còn cơ may nào để lật ngược tình thế. Bởi vậy, một số tướng lĩnh cao cấp cùng quan chức đã lên máy bay, lên tàu cùng gia quyến, giờ này rời Việt Nam. Thế nhưng, Nga lại không phải là người tâm giao mà An có thể thổ lộ chân tơ kẽ tóc về tình thế tồi tệ lúc này, cùng những suy nghĩ phán đoán của anh. Diễn biến chiến sự hết sức nguy cấp, sự mất còn của Sài Gòn đang theo chiều tàn cục của thể chế Việt Nam cộng hòa.
Chợt nghĩ tới Lữ đoàn Dù đồng đội cùng binh chủng với An và Sư đoàn bộ binh ở mặt trận Xuân Lộc bị xóa sổ, viên tướng chỉ huy tự sát làm cho anh chua xót. Đôi lông mày của An đã thành lệ, nó nhíu lại một khi anh nghĩ ngợi hoặc nặng tâm trạng. Sự tổn thương trong lòng đang tác động mạnh đến tâm lý một sỹ quan lâu năm như An, làm gương mặt anh thêm già dặn nghiêm nghị. Giờ này Việt Cộng đang gấp gáp vào cửa ngõ Sài Gòn, thế là cái thể chế Việt Nam cộng hòa cùng lý tưởng quốc gia chống Cộng mà An cùng quân lực Việt Nam cộng hòa ra sức bảo vệ đang sụp đổ. Sẽ chẳng còn lâu la gì nứa, có lẽ chỉ một sớm một chiều nữa thôi, đội quân của những người cộng sản sẽ phất cờ chiến thắng, sẽ tràn ngập đô thành Sài Gòn. Nghĩ tới giây phút này, An bàng hoàng, tất cả như sụp đổ dưới chân anh. Người anh vã mồ hôi, mặt biến sắc. Một sự thay đổi căn bản đang ló diện, thế trận tan hoang mà thật trớ trêu, An là chiến binh của đoàn quân tan hàng bại trận.
An đã dự định sẵn trong ý nghĩ và sẽ hành động về con đường thoát hiểm cho bản thân và gia đình mình, đó là con đường di tản rời Sài Gòn. Chỉ duy nhất con đường ấy là cứu cánh. Đột nhiên anh hởi Nga:
- Chú thím đã dự liệu dứt khoát đi hay ở chưa?
Nga hỏi lại:
- Phải dứt khoát ngay à, còn An sẽ nhất quyết di tản chứ?
An gật đầu như không hề do dự. Và rồi, không cần thiết phải nghe câu trả lời của Nga ra sao, anh vội đứng dậy, nói nhanh:
- Chào thím. Cháu cần gặp chú Hòa, bây giờ cháu đến nơi làm việc của chú để tìm vậy.
Rời căn nhà của chú Hòa, xe jeep chở An tức tốc nổ máy rồi vội vã lao nhanh. Tiếng còi xe liên hồi để xin đường, nó tăng tốc vượt lên giữa phố phường nhốn nháo người xe. Xe đến Tổng cục Kiều lộ nơi chú Hòa làm việc. Công sở vắng ngơ vắng ngắt. Hôm nay nhiều nhân viên của Tổng cục và ông Tổng cục phó cũng vắng bóng ở nhiệm sở. Tòa nhà cao tầng của Tổng cục nhiều ô cửa đóng im ỉm như thể để tránh những hòn tên mũi đạn vô tình lạc đến. Người giàu tưởng tượng hình dung tòa nhà trầm mặc, rũ buồn ngậm ngùi trước thế cuộc đang lụi tàn. Một nhân viên ló đầu từ căn phòng rộng nhưng chẳng có mấy ai, nhìn An trả lời, thưa ông Trung tá, ông Hòa cùng với người bạn đã rời nhiệm sở chừng hơn một tiếng rồi. An lắc đầu thất vọng biết rằng, không thể biết đích xác giờ này chú Hòa đang ở đâu để tìm gặp.
 Thế là chấm hết, chẳng còn cơ hội gặp chú trước giờ phút An di tản rời Sài Gòn. Anh băn khoăn, liệu chú Hòa có kịp di tản hay không. Do dự, chậm trễ lúc này là không còn cơ hội rời Việt Nam. Anh chỉ còn biết thầm cầu trời cho chú gặp may mắn. Anh lắc đầu thở dài.
An lập tức quay gót, lên xe tìm đến nhà Bá Hoán. Anh dự định thuyết phục Bá rời Sài Gòn cùng gia đình anh di tản vào ngày mai. Gặp Bá bước chân ra cửa, hai người quay vào nhà để trò chuyện. Anh hỏi, Bá đi đâu vào lúc này? Đường phố Sài Gòn nhốn nháo lắm, Bá chẳng nên ra đường - anh lo lắng cho sự an toàn của Bá.
Đúng như An nói, lúc này, xe nhà binh, xe cảnh sát, đủ loại xe dân sự, xe Honda, xích lô, xe đạp như đổ ra mặt đường, rủ nhau đua chen tốc độ.
Sắc phục quân nhân chen trang phục dân thường ngược xuôi, hối hả. Tất cả cùng gấp gáp, nháo nhào vội vã như tranh giành thời gian. Vẻ mặt âu lo, căng thẳng trên gương mặt bộc lộ qua hành vi và lời nói đầy hoang mang, mặc dù không thiếu người chờ mong, sẵn sàng bằng lòng chấp nhận một thể chế mới. Đường phố như ong vỡ tổ đang theo chiều hỗn loạn.
Tiếng động cơ hỗn tạp, đinh tai nhức óc. Trên không phận Sài Gòn những chuyến máy bay rời phi trường vội vã lao lên không trung. Đã bắt đầu xuất hiện máy bay trực thăng của Hải quân thuộc hạm đội 7 của Mỹ phục vụ cho di tản, bay trên bầu trời Sài Gòn. Âm thanh gầm rú của máy bay phản lực, tiếng ầm ĩ nặng nề của máy bay vận tải. Ở khu đại sứ quán Mỹ, trực thăng dập dìu lên xuống. Người di tản bu ngoài cổng thấp thỏm chờ trông. Ở phi trường Tân Sơn Nhất nhộn nhạo người di tản bằng đường hàng không. Kẻ lên được máy bay thở phào, ấy là những quan chức cỡ bự, những người nhiều thế lực, thân nhân phi công. Phần đông các bộ trưởng, quan chức, tướng lãnh cùng gia quyến rời Sài Gòn vào mấy ngày áp chót của tháng tư sôi sục, nóng bỏng này. Hành lý gọn nhẹ mang theo lên máy bay là những va li chứa đồ quý giá: Vàng, hạt xoàn, kim cương và không ít đôla. Những chiếc va li to, chứa áo quần và đồ sinh hoạt gia đình bị vứt lại cả đống ngoài cửa sân bay và ngay chân cầu thang máy bay. Quân Giải Phóng không có ý định đánh chặn các máy bay di tản.
Bến cảng Sài Gòn, cảng quân sự nhộn nhạo chưa từng có. Đủ loại sắc phục thuộc các quân chủng của quân lực Việt Nam cộng hòa đều hiện diện ở khu vực bến cảng. Họ là sỹ quan cấp tá cấp úy, là binh sỹ, chỉ mấy ngày trước đây còn là quân số trong biên chế của các đơn vị, các binh chủng, các quân đoàn 1, 2, 3… hoặc là các quân nhân đóng giữ Sài Gòn. Giờ này họ và bố mẹ vợ con chờ trực lên tàu di tản. Các tàu Hải quân từ chối chở thường dân. Các vị sỹ quan thuyền trưởng nắm quyền tối thượng, có toàn quyền cho ai được lên tàu bởi họ đang làm chủ các hạm thuyền. Kẻ bất phục tùng sẽ bị bắn bỏ. Lính thủy đứng bên cầu tàu, đứng trên mặt boong, lăm lăm vũ khí trong tay, đạn đã lên nòng, mặt đằng đằng sát khí như đang lâm trận, sẵn sàng vãi đạn vào những kẻ không tuân lệnh để duy trì trật tự kỷ luật. Đương nhiên kẻ mang hàm sỹ quan, mang sắc phục quân nhân cùng gia đình có nhiều cơ hội để có mặt trên những con tàu quân sự rời Sài Gòn. Những người lính thủy đang làm chủ các con tàu biết rằng họ phải đối xử mềm mỏng với đám quân nhân đang sử dụng vũ khí cá nhân. Gặp bước đường cùng, bị dồn vào thế bí, họ liều lĩnh bóp cò nổ súng để uy hiếp. Lính thủy ở một con tàu nọ hống hách, cản bước một biệt động quân xấn xổ bước lên cầu tàu, lập tức bị lãnh đủ hai ba viên đạn găm vào ngực, phải gục ngã trên mặt boong, máu loang thấm đẫm áo. Lẽ đương nhiên, khi lên được tàu, kẻ sát nhân kia lập tức bị trừng phạt, đạn găm vào ngực vào đầu. Lên được tàu, không mấy người thoát khỏi những khoản đóng lệ phí bằng vàng, đôla, đồng hồ quý…
Tàu chở hàng, chở khách, tàu vận tải các cỡ, đồng loạt biến thành tàu chở người di tản. Mặt boong đông nghẹt người, chất đầy hành lý mang theo. Cảnh nhộn nhạo chưa từng có.
Tiếng văng thề chửi tục, tiếng quát nạt, tiếng thét, tiếng gọi nhau, tiếng khóc của trẻ thơ xen cả tiếng súng làm cho khu bến cảng náo loạn âm thanh. Tất cả trong cảnh tất bật chen chúc. Những gương mặt căng thẳng âu lo, nét mặt nhăn nhó nhọc nhằn mỗi người một vẻ. Nước mắt của ông già bà cả, của phụ nữ trẻ em nhiều hơn bao giờ hết. Cuộc ra đi không có người đưa tiễn, chỉ có nắng và gió đưa chân họ. Những con sóng triền miên, ì oạp vỗ mạn tàu như muốn chia sẻ bao nhiêu niềm chua xót, buồn thương.
An nói với Bá Hoán, hoàn cảnh ngặt nghèo, thúc bách lắm rồi, không chậm trễ được. Nội trong ngày mai, gia đình anh sẽ lên tàu rời Sài Gòn ra nước ngoài, xin mời Bá cùng gia đình mình ra đi. Và rằng, bốn năm giờ sớm mai ô tô của gia đình anh sẽ đến đây đón Bá. Đôi mắt Bá Hoán và An gặp nhau, cùng một lúc rơm rớm nước mắt.
Bá Hoán tần ngần, sửng sốt, lặng im mãi, chưa trả lời…Ngày mai sẽ rời Sài Gòn ư? Phải bỏ lại căn nhà này đây. Xót xa tiếc nuối chiếm ngự. Phút giây im lặng, căn phòng trở nên tĩnh lặng khác thường. Suy tư của Bá Hoán lặng lẽ ngược dòng qúa khứ… Thời gian thấm thoát trôi nhanh, thế là đã tròn hai mươi năm rời đất Bắc, phải xa rời quê hương, thân nhân quyến thực để vàp Nam sinh sống. Giữa Sài Gòn nhộn nhịp mà lòng dạ không nguôi tưởng nhớ quê nhà. Trên đời này có lẽ không một ai rũ bỏ được sợi dây tình cảm, nó ràng buộc người ta với nơi chôn rau cắt rốn. Với Bá Hoán nó ám ảnh không thôi. Không thể đếm xuể, bao đêm ngày, hình ảnh ngõ thôn quanh co, bờ tre ngả bóng, mái rạ thâm thấp và làn khói bếp xanh mờ, vấn vít trong ký ức. Và cả khi chìm vào giấc ngủ thì hình ảnh ấy cùng với cánh đồng làng, con sông nhỏ, hình ảnh anh trai, các chị em gái của bà cứ chập chờn trong mộng. Bà mong ước, giá mà có cơ hội được nuôi các anh, các chị em của mình lấy dăm bữa nửa tháng thì vui biết mấy. Tỉnh dậy sau giấc mơ, bà lại day dứt. Nỗi day dứt trở thành niềm khắc khỏai, mong ngày được trở lại quê nhà, được gặp thân nhân ruột thịt dù là chỉ một lần mới thỏa. Mơ ước của bà liệu có thực hiện được không? Bá Hóan lắc đầu, thở dài. Bà đã rời bỏ chính thể miền Bắc để vào Nam. Bây giờ tính sao đây!... Ở lại, người ta có làm tội làm tình mình không? Những người miền Bắc di cư như bà có được yên ổn không? Có cái gì chới với, bồng bềnh tựa con thuyền lênh đênh giữa hai dòng nước đang chảy xiết làm nó xoay ngang, xoay dọc. Phải rời Sài Gòn ư? Phải vất vưởng nơi đât khách quê người xa lạ mà tuổi tác đã cao thì rồi sẽ ra sao? Như thế có còn cơ hội nào để một lần trở lại với quê hương làng xóm để gặp thân nhân ruột thịt. Lòng rối bời như canh hẹ, bà Hóan đột nhiên ngồi ngẩn người, gương mặt đờ đẫn mông lung suy tư, hoang mang chiếm ngự trong lòng. Bà thở dài rất nhẹ tựa một làn gió thoảng, không muốn cho cháu bà đoán biết được nỗi buồn vời vợi gửi trong hơi thở ấy. Tâm trạng ngổn ngang ấy của bà, lẽ đương nhiên, chẳng ai lúc này có thể trả lời cho bà được. Thật là đi cũng dở mà ở không yên.
Chao ôi? chỉ ngày mai vợ chồng con cái thằng An sẽ rời Sài Gòn ư? Ừ, nó lính tráng mà là sỹ quan, ở lại khó mà bảo toàn tính mạng. Nó coi bà như mẹ đẻ, còn bà, thực lòng coi nó như con. Ở cái đất miền Nam này chỉ có nó và thằng Tân – Tân gọi bá Hoàn là cô, hai đứa cùng thân thiết với bà. Thằng Tân cũng quý và thân thiết với bà nhưng thật là éo le, con vợ nó chẳng ra cái gì, nhạt nhẽo lắm, tính tình không hợp với bà. Sau này tuổi già khó mà nhờ cậy vợ chồng thằng Tân.
 Lòng bà tê tái. Chỉ ngày mai thôi, An sẽ rời Sài Gòn. Vậy là ở nơi phương trời xa xôi, vợ chồng con cái nó sẽ chẳng có bà và ngược lại bà sẽ mất tất cả đàn cháu. Sao cuộc đời lại nhiều trớ trêu đến thế. Không, không thể vĩnh viễn xa rời đứa cháu mà mấy chục năm nay nó đã gắn bó với bà và chính bà đã dựng vợ cho nó. Ở lại Sài Gòn trong thời thế đổi thay mà tương lai không thể đoán trước được bất kỳ điều gì sẽ đến với bà, thật là không ổn. Bà sẽ phải sống thui thủi, không người ruột thịt, mà bà có còn trẻ nữa đâu, tuổi già đang sầm sập gõ cửa. Đây mới là điều đáng sợ, lòng bà tê tái. Người ta sẽ cô quạnh biết chừng nào nếu thiếu vắng thân nhân ruột thịt, thiếu vắng tình người. Suy nghĩ của bà Hoàn chín muồi, ngả theo chiều di tản cùng gia đình An, bà chậm rãi, giọng buồn như buông xuôi, ừ, ngày mai Bá sẽ thu xếp di tản cùng gia đình con. Nghe được điều Bá Hoán nói, anh mừng quá, cảm giác nhẹ nhõm xuôi xẻ trong lòng, nở nụ cười hiếm hoi. An hẹn bá giờ ra đi. Lưỡng lự trong giây lát, Bá Hoán nói, ngày mai tự Bá sẽ đến nhà An vào lúc bảy giờ để đi rồi cùng nhau ra bến cảng. Bá Hoán bảo, chỉ có giờ ấy là phù hợp với sự thu xếp của mình, không thể sớm hơn được. An không thể hiểu cụ thể những gì Bá cần thu xếp trước khi ra đi. Điều ấy, Bá Hoán không muốn nói ngọn ngành chi tiết với cháu. An tự nhủ, phải tuân theo ý Bá, không thể ép buộc Bá được. Anh từ biệt Bá, khẩn trương lên xe về nhà mình.
Ngay sau khi An ra về, Bá Hoán khóa cửa, vội vã rời nhà, hòa vào dòng người xe hỗn tạp trên đường phố đang hoảng loạn. Bà len lỏi vào các ngõ hẻm mà những ngày qua mình đẫ quẩy gánh hàng rong, bán cho những người trong hẻm. Muốn bán được hết gánh hàng phải thuận lòng bán cho vài khách mua chịu. Họ là những người nghèo, không dư dả đồng tiền nhưng là người tử tế, có thể tin cậy. Hẻm nào mà gánh hàng của bà đi qua cũng đọng lại vài người mắc nợ. Bây giờ thì bà phải đi đòi, người ta trả cho đồng nào còn hơn là mất trắng. Bá Hoán dự định, chiều và tối nay tập trung vào việc đòi nợ. Đêm về, sắp xếp đồ đạc cho việc ra đi. Sáu giờ sáng mai, bà sẽ thuê một chuyến xích lô chở theo vài thứ đồ dùng cá nhân cần thiết nhất đến nhà An để cùng gia đình cháu di tản.
Sẽ cùng cháu di tản ra nước ngoài, Bá Hoán không muốn mình là gánh nặng mà nó phải nuôi nấng. Thằng An, gánh nặng vợ con nặng nề lắm. Bà phải tích cóp vốn liếng phòng thân. Giờ đây gom nhặt được đồng nào thì rồi ra sẽ mát mặt, đỡ phải mang tiếng nhờ vả cháu con. Bá Hoán đẩy dòng suy tư của mình trôi vô định theo bước chân vội vã trong hẻm ngõ sâu hun hút. Những giọt mồ hôi đã rịn ra từ lúc nào bà không cần biết. Nó dính dấp nơi lưng áo.
Những người nợ nần, có người, nhà họ cửa đóng then cài, khóa trái im ỉm, bà Hoán lắc đầu, chép miệng bước mau. Có người nói khó, xin khất nợ, bà đành lòng vậy. Có người trả được chút ít, và không ít người như cảm thông với tuổi già phải tối hôm mò mẫm, họ dồn tiền trả nợ không thiếu một đồng. Lại có người trả nợ xong, họ chào từ biệt, mời Bá Hoán đồng quà tấm bánh, ngày mai họ lên đường di tản.
Sau khi rời nhiệm sở Tổng cục Kiều lộ, Hòa cùng người bạn rủ nhau đến nhà của người bạn thân khác để trò chuyện, luận bàn và tham khảo ý kiến của nhau về tương lai thế cuộc, về việc quyết định di tản hay ở lại Sài Gòn.
Bữa ăn trưa đã xong, ba người phá lệ thông thường, như không một ai có nhu cầu, không ai muốn ngủ trưa lúc này. Cả ba ngồi trong phòng khách sang trọng, điều hòa mát lạnh. Họ đều chung nhận định: Quân lực Việt Nam cộng hòa đã thảm bại trên khắp các chiến trường trọng yếu, đồng nghĩa với chính quyền Sài Gòn thất bại, đã kiệt sức, khó mà đứng nổi nếu không muốn nói là hết hơi. Tình hình nước Mỹ cũng bi đát lắm, chính đảng đối lập và lưỡng viện quốc hội ở thời điểm này không ủng hộ Tổng thống nước họ về chính sách đối với Việt Nam cộng hòa. Cho nên chính phủ Mỹ không còn mặn mà với chính quyền Sài Gòn, họ đành bó tay, không thể can thiệp để cứu vãn tình thế. Ông Dương Văn Minh lên thay ông Thiệu quản lý đất nước nhưng không có thực lực nên chẳng thể đảo ngược được thế cuộc. Quân đội Việt Nam Việt Cộng lúc này mạnh hơn lúc nào hết, họ đang làm chủ đa phần lãnh thổ Việt Nam cộng hòa. Yết hầu của thủ đô Sài Gòn đã và đang bị bóp nghẹt sau thảm bại ghê gớm ở mặt trận Xuân Lộc. Nội các chính phủ của ông Minh có danh mà không có thực lực, như kẻ tay trắng vậy. Nguy cơ đầu hàng cộng sản trong nay mai là một tất yếu khó tránh khỏi. Nếu không đầu hàng thì đô thành Sài Gòn thành bãi chiến trường, thảm họa khó lường và rồi ngày một ngày hai cũng rời vào tay cộng sản. Chẳng còn bao lâu nữa, thể chế mới - thể chế của những người Cộng sản nắm quyền sẽ được thiết lập tức thời trên toàn cõi miền Nam.
Người bạn của Hòa trầm ngâm:
- Có tin đồn đại, Việt Cộng chiếm được Sài Gòn sẽ sảy ra cuộc tắm máu thê thảm. Chuyện này có hay không “moa” ( tôi ) không thể khẳng định nhưng cũng khó bác bỏ.
Cả ba im lặng, đầy hoang mang lo lắng.
Nghĩ tới địa vị của công chức có hạng và cuộc sống hiện hữu của mình, Hòa và hai bạn cùng chung tâm trạng lo âu về thân phận và cuộc sống tương lai. Niềm tiếc nuối đè nặng nỗi lòng. Căn phòng không có tiếng cười vui, cũng không có lời nói rổn rảng pha lẫn hài hước hỏm hỉnh như những lần gặp nhau trước kia của họ. Bầu không khí của căn phòng như chùng xuống, nhuốm âu lo, căng thẳng của thế sự. Tiếng thở dài chốc chốc lại phát ra không của người này thì của người kia. Tiếng lách cách của ly cà phê đang uống được đặt xuống đĩa nghe rõ mồn một. Ngụm cà phê ngon đen sánh, không ai còn nhận ra cái vị đậm đà của loại cà phê cứt chồn Buôn Mê Thuột. Mùi cà phê thơm lựng khuếch tán trong căn phòng cũng chẳng làm cho ai để ý. Chất cafein vẫn làm tròn vai trò của tố chất kích thích làm bộ não của ba người khá tỉnh táo, các nơron không thôi làm việc.
Hòa lên tiếng, phá vỡ sự trầm lặng đến ngột ngạt. Anh nói với dụng ý nêu đề tài, khơi vấn đề:
- Có người khuyên “moa” ở lại Sài Gòn và rằng, di tản hay ở thì ai cũng phải làm việc để mưu sinh. Đất nước này vừa trải qua cuộc chiến khốc liệt, cầu đường bị hư hại quá nhiều vì bom đạn. Những ngày tới đây, người ta phải sớm bắt tay vào việc phục hồi tu bổ. Chính thể nào đi chăng nữa cũng cần người am hiểu kỹ thuật chuyên môn – Hòa ngưng lại, anh ngước nhìn nét mặt, ánh mắt hai bạn để dò chừng thái độ. Cả hai đồng loạt lắc đầu, chép miệng, không một chút hào hứng. Hòa chưng hửng, lặng im. Một người đặt câu hỏi:
- “Toa” ( anh ) có tin rằng mình hòa nhập được với chính thể mới không? “Moa” chắc rằng, cuộc sống sẽ đảo lộn ghê gớm. “Toa” có nghĩ đến việc họ phân biệt đối xử với những người như tụi mình không? “Moa” tự mình không giải đáp được câu hỏi này.
Hòa phân vân, đôi mắt sáng của anh chớp chớp, ánh mắt lộ vẻ lo âu. Câu hỏi mà bạn đặt ra với mình đòi hỏi Hòa phải tự lục vấn bản thân. Có lý do nào để mình bị phân biệt đối xử? Với công việc chuyên môn, mình làm thiết kế và điều hành thi công những cây cầu, những con đường cho xứ sở nhằm phục vụ lưu thông đi lại. Như thế chẳng nên tội. Nhưng nếu họ suy diễn không khách quan, thiếu thiện chí có thể gán ghép việc làm cầu đường là để phục vụ đắc lực cho những cuộc hành quân của quân lực Việt Nam cộng hòa chống lại quân Giải Phóng. Điều làm cho anh băn khoăn hơn ấy là mình đã từng làm Trưởng ty Công chánh mấy tỉnh và rồi, tu nghiệp nâng cao ở Mỹ trở thành kỹ sư đặc hạng. Giờ đây lại đương chức phụ tá Giám đốc, một công chức cao cấp. Hoang mang lo lắng dần dà xâm nhập nỗi lòng như mưa dầm thấm đất làm nét mặt Hòa đượm phiền muộn. Còn việc có hòa nhập được với thể chế mới hay không? Thoáng chợt nghĩ lăn tăn trong óc về những người anh ruột thịt của Hòa, họ đã nhập thân với chế độ cộng sản. Ấy là anh Khiêm, anh Tản, anh Minh đã bỏ nhà lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống giặc Pháp từ những năm 1946, 1947. Có lẽ bây giờ các anh đang giữ những chức vụ địa vị không kém. Hòa liên hệ tạt ngang, thằng cháu An là sỹ quan khóa 7 Thủ Đức ra trường trước năm 1960 bây giờ đã là Trung tá lính dù, cảnh ngộ thật trớ trêu. Dòng suy nghĩ lại quay về các anh của Hòa làm anh phần nào yên tâm, thư thái, chút bình yên chiếm ngự. Lẽ nào chế độ mới lại nỡ kỳ thị, đối xử tệ bạc với mình. Hòa uống ngụm cà phê mát lạnh, nhận ra cái vị đậm đà, ngòn ngọt, thơm thơm đọng ở đầu lưỡi. Anh duỗi chân ngửa đầu trên ghế sa lông êm ái, hít một hơi căng lồng ngực rồi từ từ thở nhẹ với cảm giác nhẹ nhõm. Người bạn kia của Hòa bỗng lên tiếng, bày tỏ thái độ:
- “Moa” e rằng chúng ta đều khó lòng thích nghi với thể chế mới. Các “Toa” nghe radio nên đã biết, người miền Bắc quen sống với điều kiện lương thực và nhu yếu phẩm được phân phối định mức theo tem phiếu, tất tật từ cây kim sợi chỉ, manh quần tấm áo đến cân gạo, quả trứng. Ruộng đất là của hợp tác xã, xưởng thợ là của nhà nước, hết thảy là của chung, nghèo chung, khổ chung - dừng lại trong giây lát, người bạn phân trần, “Moa” ư? Không chịu nổi kham khổ, quen sinh hoạt hàng ngày phải có cà phê, ngụm rượu, đi ô tô, ở nhà lầu có điều hòa nhiệt độ. Hỏi rằng như thế thì chung sống làm sao được với thể chế cộng sản.
Người bạn thứ hai vẻ do dự, dè dặt tiêp lời:
- “Moa” cũng đôi lần nghe Đài phát thanh Hà Nội nên được biết thể chế cộng sản phân chia dân chúng thành các giai tàng xã hội. Nếu “moa” sống ở miền Bắc sẽ là người thuộc tầng lớp tiểu tư sản trí thức. Rồi đây, chế độ cộng sản được xác lập ở miền Nam, tiểu tư sản trí thức như “moa” có lẽ không bị tù đày, bắn bỏ đâu.
Hòa ngước mắt chằm chặp nhìn bạn, biết rằng anh ta gián tiếp bộc lộ ý định ở lại, không đi di tản.
Người bạn thứ nhất nửa hài hước, nửa chua chát:
- Ông có – lông – bò có công tìm ra Châu Mỹ. Bây giờ ta buộc phải dấn thân tìm vận may ở hải ngoại, lập công với chính mình vậy.
Cả ba cười gượng gạo.
Nghe hai bạn bộc bạch như vậy, Hòa hoang mang lắm, đôi mắt sáng của anh chớp chớp liên hồi. Dòng suy tư của Hòa phút chốc cồn lên. Hòa cũng nghiện cà phê nhưng không nghiện rượu. Cuộc sống khan khổ thiếu thốn miếng ăn qua lâu rồi, giờ đây chỉ còn trong ký ức như truyện cổ tích xa xưa. Gia đình anh chưa xếp vào hàng giàu có ở cái đất Sài Gòn này nhưng cũng có nhà lầu khang trang đủ tiện nghi, lại có ngót chục hecta đồn điền cà phê ở Lâm Đồng – có khi là địa chủ cũng nên – Hòa nghĩ. Chiếc xe Phiát sang trọng mới tậu năm ngoái. Đồng lương của Phụ tá giám đốc đủ đảm bảo cho gia đình Hòa mức sống trung lưu giữa đô thành Sài Gòn. Ấy là chưa kể thủ nhập buôn bán của vợ… Phải rồi, những điều mà bạn của anh nói về hiện tình cuộc sống miền Bắc không hề là chuyện lạ tai. Ai nghe radio đều biết người miền Bắc phải sống với định mức quy ra tem phiếu. Mặc dù đến giờ này, Hòa không thể hình dung được thật rõ nét về chế độ sinh hoạt theo tem phiếu là thế nào, chỉ mơ hồ hiểu, bởi nhu yếu phẩm khan hiếm, của cải vật chất thiếu thốn nên phải chia nhau theo kiểu bình quân chủ nghĩa, theo đầu người. Lẽ đương nhiên người có chức quyền được thụ hưởng nhiều tem phiếu hơn thường dân lam lũ. Đại loại là cuộc sống miền Bắc nghèo khó, nhiều thiếu thốn. Việc phải hòa nhập với cuộc sống như thế làm Hòa băn khoăn, hoang mang. Thoáng chợt âu lo ập đến. Năm 1954 mình đã rời đất Bắc vào Nam, như thế liệu thể chế mới có thành kiến không? Và nữa, thằng cháu An lại là trung tá của quân đội Sài Gòn, rất có thể mình bị liên lụy…
Ba giờ chiều, cuộc hội kiến của ba người bạn lắng lại, lòng họ nặng nề đầy ưu tư. Quan điểm đều đã được bày tỏ trước thế cuộc đang mau lẹ biến chuyển từng giờ từng phút, việc phải ra đi hay ở lại thật vô cùng bức xúc. Bước ngoặt thời thế hiện hình trước mắt. Người bạn thứ nhất và Hòa cùng chung định hướng ấy là hành động di tản rời Sài Gòn vào ngày mai dù rằng, họ chẳng rõ rồi đây, ở nơi đất khách quê người sẽ sống ra sao. Người bạn thứ hai lòng đầy phân vân, không muốn xa rời mảnh đất Sài Gòn, muốn yên phận ở lại.
Hòa và hai bạn rủ nhau đi thị sát, tìm hiểu các địa điểm tập kết di tản ở sân bay, bến cảng. Chiếc xe Phi-at của Hòa chở hai bạn hướng về phi trường Tân Sơn Nhất. Bao nhiêu là xe quân sự các cỡ, xe ôt tô đủ loại đỗ dài dặc ngoài cổng và bên trong sân bay.
 Cổng sân bay đông nghẹt người. Suy đi tính lại, họ thấy việc lên máy bay di tản thật mong manh. Hy vọng ngày mai có thêm nhiều chuyến bay cất cánh.
Chiếc Phi-at quay đầu, hướng về phía Tòa sứ quán Mỹ, nhằm thăm dò khả năng di tản bằng trực thăng Hải quân Mỹ. Ở cổng vào lính Thủy quân lục chiến Mỹ cao lừng lững khoác súng đứng án ngữ. Mũ sắt đội đầu, quần áo nai nịt như các chiến binh sẵn sàng vào trận mạc. Việc kiểm tra giấy tờ ngặt nghèo, phải có giấy xác nhận do quan chức cao cấp của Tòa đại sứ cấp. Người ta xô đẩy, chen chúc. Khả năng di tản bằng con đường này không ưu ái với những người như Hòa. Cả ba cùng nhăm mặt, cau mày, lắc đầu, chép miệng khó chịu.
Chiếc Phi-at bẻ ngoặt tay lái. Người bạn ngỏ ý mời Hòa và người bạn kia về nhà mình ăn bữa cơm tối và ngủ đêm tại nhà mình để cùng bàn việc, sáng mai ra bến tàu xem xét, chọn lựa con tàu nào ưng ý nhất, đảm bảo cho cuộc hành trình di tản trên biển thuận lợi.
Ở nhà, Nga nóng lòng sốt ruột chờ đợi Hòa. Nhưng người gần nhà, cùng phố với Nga như đang lên cơn sốt, bị cuốn vào cuộc di tản. Vợ chồng ông chủ tiệm cà phê Trăng Ngần ở kề bên nhà Hòa sang gặp Nga chào từ biệt để ngày mai ra đi sớm sủa. Nga nóng lòng như lửa đốt, mong Hòa về để bàn thảo việc di tản. Đã mấy lần ra ra, vào vào, mở của ngóng nhìn, khi thì dõi về cuối phố, khi thì ngược về phía đầu phố, vẫn không thấy tăm hơi Hòa.
Nhìn những căn nhà đối diện phía bên kia mặt phố, qua khung cửa, Nga biết rằng mấy nhà này ở lại, nhà kia đang bận bịu với công việc sắp xếp, gói ghém đồ lề chuẩn bị cho di tản.
Bỏ lại ngôi nhà đang ở, đau xót dứt ruột Nga cũng sẽ di tản. Nghe người ta nói, việc buôn ván lớn ở chế độ mới sẽ không suôn sẻ nên không giàu lên được, khổ lắm, nên phải tìm đường di tản.
Nghĩ đến việc ra đi cần bàn bạc với chồng, cơn bực bội dồn đến. Càng mong Hòa nỗi bực tức càng bùng phát, tưởng phát điên lên được. Không thể biết vì lý do gì mà Hòa vẫn chưa về, Nga tặc lưỡi, nửa than phiền, nửa chửi đổng “Khốn nạn quá”, rồi lẩm bẩm như thẳng thừng với Hòa: “Thôi thì mặc xác, đến nông nỗi này, việc ông ông lo, việc tôi tôi làm. Ông đi hay ở tôi chẳng cần biết, còn con này sẽ ra đi”.
Bây giờ thì Nga giục hai con sắp xếp những đồ dùng cá nhân của mình mang theo, còn mình mở ngăn kéo tủ lấy ra món đồ nữ trang quý giá. Nào vòng vàng, dây chuyền, nhẫn quý, những cây vàng nguyên thỏi và xếp tiền, xếp vào chiếc cặp con đóng khóa. Nga loay hoay bận bịu với việc chọn lựa những đồ dùng sẽ mang theo. Mấy tiếng đồng hồ trôi mau, ba chiếc vali lớn đã xếp chật cứng đồ đạc. Túi sắc căng phồng vật dụng mà vẫn tiếc những thứ không thể mang theo. Sàn nhà ngổn ngang, bừa bộn trăm thứ vứt lại, cánh tủ mở toang như có kẻ trộm vừa đột nhập để lục lọi tìm kiếm đồ vật quý giá.
Căn phòng đã lên đèn, những ngọn đèn đều chong chong như ngơ ngác buông ra thứ ánh sáng nhàn nhạt buồn tẻ, phủ lên mọi vật. Nga mệt nhoài, uống một hơi cạn cốc nước mát, ngả người trên ghế sa lông hổn hển thở. Hai đứa con gái ngóng mãi bố. Bây giờ thì chúng đã lăn ra ngủ trên giường như chẳng cần quan tâm đến gì xảy ra. Phố xá vẫn hối hả, chộn rộn, người xe hoảng loạn. Âm thanh của đàn đàn, lũ lũ ô tô, xe máy ngoài đường phố Sài Gòn vẫn có lúc không át nổi âm thanh âm âm như tiếng sấm rền từ chân trời xa vọng lại của đại pháo. Bất chợt lại nổi lên tiếng súng dẹt đùng trên các đường phố đầy người và lính. Đó là những cuộc chạm súng lẻ tẻ trong sự hỗn tạp, lộn xộn vô cùng của Sài Gòn lúc này.
Bỗng có tiếng chuông cùng tiếng gõ cửa gấp gáp. Ngỡ tưởng Hòa về, Nga ra mở cửa, nhưng người ào vào nhà lại là Vạn. Đưa mắt nhìn đồ đạc ngổn ngang trong căn phòng, anh biết rằng Nga chuẩn bị cho việc di tản. Vạn hỏi:
- Chuẩn bị xong cả rồi chứ.
Nga gật đầu.
- Ngày mai lên đường, giờ nào em ra đi?
- Còn tùy thuộc anh Hòa, giờ này anh ấy chưa về.
- Anh dự định 5 giờ sáng mai ra bến tàu để kịp ra đi. Tình hình khẩn cấp lắm, e rằng chậm trễ sẽ không còn cơ hội.
Âm âm loạt đạn pháo từ xa vọng lại như tiếng sấm rên cuối chân trời phụ họa cho điều Vạn nói. Nga thở dài đưa mắt nhìn Vạn, ánh mắt lưu luyến như tiễn biệt. Ngồi thừ người một hồi lâu rồi như chợt bừng tỉnh, Nga nói như năn nỉ:
- 5 giờ sáng mai, anh nán lại chờ mẹ con em đi cùng. Trên đường di tản em mong có người đàn ông nương tựa lúc khó khăn. Con tàu chẳng may gặp sóng to gió lớn, mẹ con em biết trông cậy vào ai.
Lời khẩn cầu của Nga đủ sức thuyết phục Vạn, anh gật đầu rồi ôm Nga vào lòng, cô béo vào lườn anh, cả hai cười hi hí. Tà áo ngủ trên ngực của Nga phát lộ làn da trắng ngần, nhô lên phập phồng. Máu tham đàn ông nổi lọan, Vạn không kìm được khát khao, anh hôn môi, má và bàn tay lân lân miền ngực nõn nà. E ngại bất ngờ chồng về, Nga không cho phépVạn tiến xa hơn nữa. Anh nuốt nước miếng. Nga phân bua, chồng em mà về thì còn mặt mũi nào nữa, đợi khi khác. Buông Nga ra, Vạn vội vã từ biệt.
Đêm ấy, Nga chập chờn nửa thức nửa ngủ, 3h sáng cô bật dậy. Trước lúc ra đi, cô băn khoăn ngẫm nghĩ về những ngày chung sống với Hòa. Nga biết chồng yêu mình lắm, anh tôn thờ nghĩa vợ chông, tận tụy với vợ, là người cha thương con, chiều chuộng hết mực. Tổ ấm gia đình là niềm trông đợi là chốn an ủi, là mái ấm, là cõi yên bình phẳng lặng cho anh cư ngụ.
Con người anh là con người của việc làm, của lòng tốt. Niềm đam mê đến độ đắm đuối của anh dành cho kỹ thuật cầu đường. Cuốn sách kỹ thuật làm đường mà anh mới xuất bản được kỹ sư và sinh viên công chánh ngưỡng mộ. Được san sẻ kinh nghiệm và hiểu biết cho đồng nghiệp là lý do để anh viết sách. Với mình, Nga chúa ghét chồng viết sách, bởi đồng tiền kiếm được chẳng đáng là bao.
Tìm giấy, bút, Nga viết mấy dòng gửi lại chồng trước lúc ra đi:
“Chỉ còn trong thời khắc ngắn ngủi nữa, mẹ con em sẽ rời căn nhà này để ra đi. Em đoán rằng rồi anh cũng di tản như mẹ con em. Trong cơn nước sôi lửa bỏng, chậm trễ có khi hỏng việc. Em đành cùng con ra đi mà không có anh di cùng…”
Nga - vợ anh.
Nga không thể cho phép mình ở lại với chồng mà bỏ lỡ cuộc di tản. Nga mơ hồ nghĩ đến Vạn. Vậy mà, nước mắt Nga có giọt rớt trên trang thư, có giọt rớt xuống sàn nhà ngổn ngang những đồ vật thải loại.
Viết xong lá thư để lại trên mặt bàn, Nga gọi con dậy cho chúng tỉnh ngủ, cô gọi xích lô, ba mẹ con mang theo hành lý đến nhà Vạn vào lúc 5 giờ. Buổi sáng hôm ấy, mẹ con Nga đã lên đường di tản ra nước ngoài.
Khi mẹ con Nga tìm đến nhà Vạn cũng là lúc Hòa và hai người bạn đang xem xét nơi tập kết xuống tàu, dự kiến sẽ đến cầu cảng nào. Được chứng kiến cảnh đông nghẹt người chen chúc, tranh giành nhau lên cầu tàu, người bạn thứ hai ngậm ngùi nói với Hòa, ngại cảnh di tản quá, “moa” ở lại Sài Gòn. Dù cho phải nhọc nhằn, khốn khó, tin rằng sẽ vượt qua. Anh ta thở dài thườn thượt, giọng buồn rầu não lòng, chỉ mong hai bạn gặp may mắn trên đường di tản. Rồi đây, ở phương trời nào thì chúng mình cũng là bạn, luôn cầu chúc cho nhau vạn điều may mắn…
8 giờ Hòa trở về, mở khóa bước vào nhà mình. Đồ đạc vương vãi ngổn ngang trên sàn nhà, căn phòng vắng lặng. Hòa hoảng hốt, gọi thất thanh vọng lên tầng hai: “Em ơi”! “Thùy, Trang đâu?”- Thùy, Trang là tên hai đứa con gái của anh. Tuyệt nhiên không một hồi âm, im lặng đáng sợ. Lồng ngực Hòa nghẹt thở, nhịp thở như hắt ra, tim đập thình thịch hỗn loạn. Hoang mang cực điểm làm mặt Hòa biến sắc, hồng cầu như cũng biết sợ hãi, chúng đã mau lẹ lặn chìm vào huyết mạch sâu kín. Hòa không dám nghĩ tới cái sự thật tàn nhẫn “Vợ con đã bỏ anh, bỏ nhà ra đi di tản”.
Mở toang cánh cửa, anh hớt hải chạy sang nhà bên cạnh, để hỏi han, thầm mong vợ con anh giờ này đang có mặt bên ấy, đang chờ anh, đợi anh để cùng nhau lên đường di tản. Họ chẳng biết vợ con anh giờ này ở đâu. Người ta lặng lẽ, ngơ ngác, như muốn chia sẻ nỗi buồn tê tái trong lòng Hòa.
Toàn thân phút chốc rã rời, Hòa loạng choạng như người mất hồn bước vào nhà. Bây giờ anh mới phát hiện ra trên mặt bàn có lá thư vợ để lại. Đọc nhanh rồi đọc lại lá thư, Hòa sững sờ, mắt nhòa lệ. Những con chữ làm anh sây sẩm mặt mày, đầu óc choáng váng, mồ hôi vã ra. Anh khóc như trẻ nhỏ, chưa bao giờ anh khóc to đến thế và, có cả tiếng sụt sịt, nghẹn ngào nức nở và lời than thở thống thiết. Khóc một hồi lâu, chợt như bừng tỉnh. Bây giờ nỗi ân hận và sự bao dung độ lượng cùng một lúc chiếm ngự suy tư của Hòa. Anh trách mình, ngày và đêm qua sao lại vắng nhà để đến nông nỗi này.
Thôi thì, kẻ đi trước, người đi sau. Nghĩ như vậy, Hòa không nặng lòng trách oán mà chuyển thành thương vợ, thương con. Anh vội vã lựa chọn vài thứ đồ dùng cá nhân, mấy bộ quần áo, dăm cuốn sách xếp gọn vào chiếc vali cũ. Sau hơn một tiếng đồng hồ Hòa đã khóa cửa rời nhà mình phóng xe ra bến cảng.
Hơn 11 giờ anh còn chen chúc nơi bến cảng. Người đông nghẹt, không thấy vợ con, nước mắt Hòa trào ra. Anh không đủ sức chen lên cầu tàu. Vậy mà, con tàu cuối cùng đông nghẹt ngươi đã rúc còi rời bến…
Cái đêm mà Hòa ngủ lại tại nhà bạn mình cũng là đêm vợ chồng An không ngủ. Suốt buổi chiều và tối, cho đến tận đêm khuya, hai vợ chồng bận bịu với việc thu xếp, chọn lựa những vật dụng, đồ đạc cần mang theo khi đi di tản. Mấy chiếc va li và túi đựng căng phồng đồ đạc được xếp chồng chất lên chiếc ô tô con của gia đình. Thi thoảng, lắng tai nghe sẽ nhận ra tiếng ì ầm rền rĩ của đạn pháo từ xa vọng lại, lúc thì thưa thớt, lúc thì cấp tập. An phân biệt được đó là âm thanh các lọai đạn pháo của quân Giải phóng mà anh đã từng biết, được nghe trong các trận chiến. Vậy là, giờ này quân lực Việt Nam cộng hòa đang vào thời điểm cáo chung vô cùng bi đát. Đến như Sư đoàn Nhảy dù thiện chiến hàng đầu, là niềm kiêu hãnh của quân lực Việt Nam cộng hòa cũng phải nếm mùi bại trận đau đớn. Đoàn quân Nhảy dù tan tác cùng chung số phận với các quân binh chủng khác nên An phải bỏ xứ mà đi. Thế là chấm hết đời quân ngũ, kết thúc đời trận mạc. Sáng mai gia đình anh và Bá Hoán sẽ cùng đi di tản. Tối nay Bá Hoán đang chuẩn bị hành trang cho cuộc ra đi của đời mình-An nghĩ thế.
Sự thật về Bá Hoán không phải như suy nghĩ của An. Bà vẫn đang lầm lụi, lê bước trong các ngõ hẻm. Bàn chân rã rời của bà nhẫn nại bước đi dưới ánh đèn hắt ra từ các khung cửa trong ngõ tìm đến các căn nhà của khách nợ để thu lại những đồng tiền, dù chẳng phải là nhiều nhặn. 12 giờ đêm Bá Hoán mới trở về căn nhà vắng lặng của mình. Đêm nay bà không ngủ, hai, ba giờ đêm vẫn lụi hụi sắp xếp những đồ lề cần thiết mang theo cho việc di tản. Bỏ lại những manh quần, tấm áo cũ kỹ, bỏ lại cái nồi, cái xoong và rổ bát đĩa cũng thấy tiếc. Hôm qua bà nói với những người trong xóm về ý định bán đi ngôi nhà nhỏ của mình. Không ai bày tỏ việc mua nhà lúc này. Đành phải tính đến chuyện cho đi hoặc cứ khóa trái cửa lại trước lúc ra đi-Bá Hoán nghĩ vậy, mặt tư lự, nước mắt ứa ra xót xa, tiếc nuối.
Rồi chợt nghĩ đến chuyến ra đi, mong sao gặp điều may mắn, bà lẳng lặng bước đi tới nơi đặt ban thờ giữa nhà, đốt thẻ hương. Mùi hương thơm lan tỏa khắp gian nhà. Chia thẻ hương cắm trên mấy bát, hai bàn tay thành kính chắp trước ngực, mắt ngước nhìn tấm ảnh đức Phật, bà cầu xin Thần Phật linh thiêng, cầu xin ông bà tiên tổ phù hộ độ trì cho bước đường ra đi của mình được may mắn, suôn sẻ. Khấn vái xong, bà ngậm ngùi, thở dài buồn bã.
Tại nhà An lúc này, trên ban thờ cũng sáng trưng những ngọn đèn đủ màu quả nhót nhấp nháy. Đĩa ngũ quả đủ màu, que hương đang ngun ngút cháy đỏ, làn khói xanh lam vấn vít. Vợ chồng anh quỳ trước ban thờ. An chắp tay khấn cầu bà Cô linh thiêng, xin phù hộ, che chở cho gia đình mình trong bước tha hương, ra đi di tản. Anh cảm nhận rõ ràng trong cơ thể anh đang lướt tới một làn sóng linh diệu, trong thinh không mờ ảo của bóng Cô. Bàn tay anh run run vái lạy.
Anh đốt tiếp ba que hương cắm lên bát, bây giờ thì anh khấn nguyện Thần Phật, đôi bàn tay chắp trước ngực vái liền ba vái. Lời khấn nguyện trôi trong ý nghĩ mà chỉ anh mới rõ, mình đang khấn điều gì. An bày tỏ nỗi lòng trước Thần Phật. Đã 15 năm anh theo nghiệp lính, là sĩ quan pháo binh của binh chủng Nhảy dù, đã tác xạ hàng nghìn trái pháo về phía địch quận. Bao nhiêu lần hân hoan tràn ngập vì đạn pháo trúng đích, đồng nghĩa với việc bao thân xác đã lìa đời vì những loạt đạn pháo ấy, những thân xác anh không biết mặt, biết tên. Người chiến binh nào cũng mong hạ thủ đối phương để giành quang vinh chiến thắng. Đó là quy luật của chiến tranh, An không ngoài lẽ thường ấy. Mệnh lệnh phát hỏa mà anh ra lệnh là công việc của sĩ quan chỉ huy. Mệnh lệnh ấy còn chứa đựng nỗi bất mãn, giận hờn và cả sự hận thù bởi, anh không thiện cảm với những thế lực mà anh được các nhà tâm lý chiến nói rằng, đối phương không ưu ái với ông bà, cha mẹ và họ hàng của anh. Những thành kiến ấy được khoác lên người bằng trang phục hào hoa “ Lý tưởng quốc gia chống Cộng”.
Thưa Quan Thế âm Bồ tát, thưa các đấng thần phật linh thiêng-An lầm rầm khấn khứa, con không có được sự thanh thản khi phải chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy thảm khốc. Nếu phải cầm súng ngắn, bấm cò để sát hại ai đó ngay trước mặt mình, chắc rằng tay con sẽ run rẩy, nhuệ khí sẽ tan biến bởi, phải chứng kiến một sinh linh lìa đời thảm thương quá. Con vẫn tâm niệm lời Bá con dạy, rộng lòng từ bi bao dung. Chỉ trong thời khắc ngắn ngủi nữa, buộc lòng phải cùng vợ con di tản rời Sài Gòn, xa quê hương xứ sở. Con đường di tản sẽ lắm gian nan, con cúi xin Đức Thần Phật độ lượng, mở lòng che chở. An vái rồi cúi gập mình như người xin xá tội.
Gần nửa tiếng khấn nguyện trước ban thờ đã xong. An ngong ngóng chờ Bá Hoán đến để lên đường di tản. Đứa con trai mười tuổi hỏi mẹ, nhà mình ai giữ cho. An và Li do dự nhìn nhau phân vân rồi cùng tránh né trả lời con. Vợ chồng An sẽ bỏ lại ngôi nhà tầng mới xây cách đây vài năm này. Đứa con gái đòi cho nó mang theo con mèo tam thể có bộ lông mượt mà. Ôm mèo trong lòng, tay nó không ngừng vuốt ve. Đứa con trai hỏi bố, cho được mang theo con chó. An lắc đầu không đồng ý. Biết rằng không thể mang theo con Tô Tô mà chúng đã nuôi mấy năm nay, bữa ăn này mấy đứa con cho Tô Tô ăn những miếng giò to, miếng thịt gà ngon nhất. Đứa con trai nói với con chó, Tô Tô ăn cho no, mày không đi di tản được đâu, đi xa lắm. Con chó nhìn chủ với ánh mắt thân thiện quyến luyến, rên ư ử, đuôi vẫy lia lịa. Chờ cho chó ăn xong, đứa con trai buộc xích dắt chó, mở cửa bước ra đường, thả chó dưới vỉa hè cách nhà mình năm bảy chục mét rồi chạy ù về nhà. Nó thở hổn hển, đóng sập cửa lại. Con Tô Tô đứng ngơ ngác ngoài vỉa hè trong giây lát rồi quay đầu về tìm nhà. Chó rên ư ử ngoài cửa, Li nói với con, thôi, cứ cho Tô Tô vào nhà, khi nào đi mới được thả nó ra đường, rồi có người sẽ nhặt nó về nuôi. Tô Tô được vào nhà, mắt long lanh như có nước, vẫy đuôi tíu tít, cuốn lấy chủ, cọ mãi bộ lông vào người, vào chân mấy đứa trẻ rồi nằm phủ phục dưới chân Li, mắt thao láo nhìn chủ.
An nhìn đồng hồ treo tường, đã 7 giờ. Không tin vào mắt mình, anh liếc nhìn đồng hồ Ra-đô đeo tay, kim cũng chỉ 7 giờ. Cảm giác thời gian như thách đố. Vậy mà giờ này Bá Hoán chưa đến. Nhìn đôi lông mày An nhíu lại, Li biết rằng chồng mình băn khoăn, lo lắng. Li lựa lời nói, Bá tuổi cao nên đi đứng chậm chạp, vợ chồng mình nán lại chờ thêm ít phút.
Với thực tế đã nếm trải nơi chiến trường, tình huống khẩn trương phải quyết đoán mau lẹ. Anh giục cả nhà lên xe. Li khóa cửa, mẹ con lã chã nước mắt. Chiếc xe con lao đến nhà Bá Hoán. Căn nhà khóa cửa. Ai nấy thở dài, gương mặt đầy âu lo. Chiếc xe quay đầu với tốc độ chậm chạp trên đường. An nói như ra lệnh, cả nhà chú ý nhìn hai bên vệ đường, thấy Bá, xe sẽ dừng lại đón Bá lên xe. Vẫn không thấy bóng dáng Bá Hoán, mặc dù chiếc xe con đã đảo qua nhà An lần cuối. Liếc nhìn đồng hồ đã 9 giờ, An nói với Li, đành phải đi thôi. Tiếng súng rộ lên ở góc phố kề bên, nghe gần lắm. Tiếng súng như thúc giục, chiếc xe tăng tốc ra bến cảng, trên con đường rải rác đây đó người ta vất lại quần áo, giầy, mũ lính.
Thời khắc này, Bá Hoán tay xách, đầu đội, vai khoác túi. Không có chiếc xích lô nào để thuê lúc này. Bá đành đi tắt qua ngõ hẻm để rút ngắn độ đường đến nhà An. Hơn 9 giờ, Bá Hoán đến cửa nhà An. Trước cửa nhà chỉ có con Tô Tô nằm phủ phục. Cửa nhà đã khóa, bà biết rằng gia đình An đã ra đi. Nước mắt Bá Hoán như được quyền tự do trút ra trên gò má nhăn nheo, nó đọng thành rãnh nước trên những nếp nhăn dưới đôi mắt. Ngồi bệt dưới bậc cửa, mồ hôi ướt đầm lưng áo, Bá thở dốc. Toàn thân rã rời, buồn tê tái trong lòng. Ngửa mặt nhìn trời, nước mắt vẫn không thôi ứa ra. Bá Hoán ngẫm mình phận bạc, chịu kiếp “Trời đày”, chẳng gặp điều suôn sẻ. Bàn chân như không thể lê nổi bước nữa.
Thật may, ông già đạp xích lô qua đường đỗ lại, mời bà lên xe về nhà. Ông đoán đúng, bà ta lỡ chuyến di tản. Ông nói với Bá Hoán, thân già không đủ hơi sức chen lấn để lên tàu lúc này được đâu. Ông chậm rãi an ủi, di tản hay không di tản, ở đâu cũng phải làm lụng để sinh nhai. Tuổi già, ở lại quê nhà cũng phải. Bá Hoán gật đầu, quay trở lại ngôi nhà của mình, chấm dứt ý định đi di tản đầy gian nan.
Vợ chồng con cái An vừa bước lên mặt boong con tàu di tản. Chợt có tiếng gọi thất thanh: “Ông An ơi! Chờ con với”, “Ông trung tá nói dùm cho con lên tàu…” An ngoái lại, nhận ra người đàn ông gọi mình. Anh ta mặc áo lính đang xô lấn bước lên cầu tàu. Viên sĩ quan Hải quân đứng sát cầu tàu quát lớn: “Thằng kia làm rối kỷ luật, trật tự. Đứng lại”. Không tuân lệnh, anh vẫn lấn lướt vượt lên. An nhận ra nước da đen đúa, mắt lồi lồi nhiều lòng trắng của Cội. Cũng là lúc Cội bị viên sĩ quan Hải quân trên tàu giáng mạnh báng súng trúng mặt. Cú giáng quá mạnh, Cội ngã dúi, lăn xuống biển. Hắn chết chìm vì đau choáng, bong bóng ùng ục sủi lên, nổi trên mặt nước.
Không có ai đưa chân tiễn biệt An, chỉ có nắng gió và những cơn sóng thầm lặng ì oạp dưới thân tàu.
Nội thành Sài Gòn vẫn đang rộ lên tiếng súng. Xe tăng và đoàn quân Giải phóng đã chiếm được Bộ Tổng tham mưu của quân lực Việt Nam cộng hòa. Đoàn quân tiến vào nội thành, mau lẹ làm chủ phố phường. Không có cuộc tắm máu.
Cuộc di tản chấm dứt.
Trưa hôm ấy, lá cờ xanh đỏ phần phật bay trên nóc dinh Độc Lập.
Hà Nôi, 2009.
Bùi Đức Ba


Xem Tiếp: ----