Chương II: Những chuyện kể về khúc tráng ca Quảng Trị

HỒI ỨC VỀ NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẤU, VỀ SINH HOẠT, TÂM TƯ, TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG THỜI KHẮC ÁC LIỆT, ĐẦY KỶ NIỆM.
Kỷ niệm giải phóng Quảng Trị
Trung tướng LÊ TỰ ĐỒNG
Nguyên phó Chính ủy Mặt trận B5
Đã ba mươi năm trôi qua, trí nhớ không còn nguyên vẹn, nhưng các sự kiện lớn thì tôi không thể nào quên. Còn nhớ ý đồ tiến công giải phóng Trị - Thiên của cấp trên giao cho Mặt trận B5 rất nặng: Vừa phải phối hợp với các chiến trường toàn miền Nam, vừa phải gắn bó mật thiết với địa phương, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị cho mặt trận đấu tranh ngoại giao.
Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 phải xây dựng kế hoạch rất cụ thể, tỉ mỉ để trình lên Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phê duyệt. Kế hoạch được thông qua, sáng ngày 30/3/1972, chiến dịch bắt đầu nổ súng.
Chỉ mấy ngày đầu, quân ta đã đập tan tuyến phòng ngự vòng ngoài rất kiên cố của đối phương được xây dựng và củng cố hàng chục năm. Ta đã giải phóng hai huyện Cam Lộ, Gio Linh và buộc trung đoàn 56 của đối phương ở điểm cao 241 phải đầu hàng.
Ngày 27/4/1972 ta mở tiếp cuộc tiến công. Ngày 1/5/1972 ta làm chủ Đông Hà - Ái Tử và Thị xã Quảng Trị. Ngày 2/5/1972 ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Tàn quân đối phương tháo chạy về bờ Nam sông Mỹ Chánh, quân ta truy kích đến bờ Bắc sông Mỹ Chánh, thì ta cũng đuối sức. Không có lực lượng dự bị, nên quân ta dừng lại ở phía Bắc sông.
Ngày 20/6/1972, ta mở tiếp đợt tấn công lần thứ ba, nhưng tình hình lúc đó đã khác: thế và lực của ta không mạnh, thời cơ cũng đã qua, nên đợt tấn công này không đạt kết quả.
Qua hai đợt tấn công, quân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị trong điều kiện phi pháo rất ác liệt. Quân Mỹ rút đi rồi, nhưng máy bay, pháo binh, kể cả pháo hạm vẫn ở yểm trợ cho quân ngụy.
Sau khi củng cố và bổ sung lực lượng, ngày 28/6/1972, đối phương mở cuộc phản kích lớn, ta đánh trả. Sau 81 ngày đêm chiến đấu cực kỳ quyết liệt, đối phương chiếm lại được huyện Hải Lăng và sáu xã thuộc huyện Triệu Phong và Thành cổ Quảng Trị. Mãi đến Chiến dịch Xuân năm 1975, ta mới giải phóng nốt phần đất nói trên.
Trong chiến dịch tấn công giải phóng Quảng Trị, ta đã giáng một đòn chí tử vào chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Lần đầu tiên ta mở chiến dịch binh chủng hợp đồng quy mô lớn, thắng lợi giòn giã, ta giải phóng một vùng đất khá rộng, làm cho địch bị thiệt hại nặng nề.
Quảng Trị được giải phóng trước toàn quốc ba năm. Thế nhưng Quảng Trị là một trong những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất. Sau khi được giải phóng, Quảng Trị đúng là một bãi chiến trường, đất đai bị cày xới, chỉ thấy một màu đỏ chói chang, không còn một ngọn cây nguyên vẹn!
Tôi được may mắn trở lại vùng đất này hồi tháng 12 năm 2001. Đông Hà nay là tỉnh lỵ mới của Quảng Trị, có chợ mới xây lại, bộ mặt của tỉnh thêm vui tươi. Tỉnh có hai nghĩa trang lớn: Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 là nơi để nhân dân tỏ lòng biết ơn đối với các liệt sĩ. Đó là điều đáng trân trọng. Đồng bào cả nước - đặc biệt đồng bào các tỉnh phía Bắc - thường xuyên lui tới hai nghĩa trang này.
Tận mắt nhìn thấy sự thay đổi ở vùng đất này mà lòng tôi rộn niềm tin! Mong sao những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của núi rừng trùng điệp này cũng có sự đổi mới, như vậy thì còn gì vui sướng hơn!