nh Bốn Linh nói chuyện với chú Năm Mùi về tình hình chiến sự. Bọn Pháp ở Đà Nẵng muốn tốc chiến tốc thắng, nhưng làm không nổi, vì du kích ta hoạt động mạnh lắm. Bốn tháng đã qua, chúng chỉ ra đến Tuý Loan. Ta đánh rất dữ ở Gò Cà, chặn đứng chúng lại. Dù chúng có đến Ái Nghĩa, Hoà Phước nhẩn nha còn được. Trong giai đoạn vừa qua, mọi người phải “quýnh trống chiến”. Ở trên bảo gì thì đã “chúi mũi chúi lái” làm hết cả rồi. Chẳng còn gì phải lo lắng nữa! Chú Năm Mùi rung đùi: - Cứ tạm vậy đã. Kế ta làm là kế lâu dài, ăn làm còn lâu. Rồi đây, ta cứ tỉa dần! Chỗ này vài đứa, chỗ kia vài đứa! Ít cũng hoá nhiều, ai cũng làm được. Biến hoá vô cùng! Thật là Khổng Minh chi kế! Chú Năm Mùi nói xong nhìn ra ngoài thở phào. Trời Hoà Phước trong xanh. Lơ thơ vài chòm mây trắng đứng im, như không bao giờ thay hình đổi dạng. Một cánh buồm trắng sau bãi dâu lấp lánh… Trên cây sung, bọn cà cuống đang trò chuyện. Chợt có tiếng ông Kiểm Lài gọi gấp bên kia rào. Anh Bốn Linh đứng lên hỏi: - Chi vậy, ông Kiểm? Tiếng ông Kiểm Lài hoảng hốt: - Giặc đến đàng cái rồi! - Đàng cái nào? - Đàng cái Ái Nghĩa! - Thiệt không? - Thiệt mà! Ông Kiểm Lài nói chưa dứt lời, tiếng ình oàng nổi lên vang dội. Tiếng nghe gần lắm! Chốc chốc vang lên tiếng tạch, tạch! Anh Bốn Linh rút cây kiếm giắt trên phên, gọi chú Năm Mùi bước nhanh xuống xóm dưới. Tiếng trống báo động phía Giao Thuỷ nổi lên. Anh Bảy Hoành, ông Bảy Hoá, đội tự vệ vác mã tấu chạy băng qua đồng về phía chòm đa Lý. Tôi và thằng Cù Lao vứt đồ đạc xuống hầm, mang nồi niêu, gạo muối theo chị Ba ra vạn. Bà con trong làng gồng gánh đổ về phía sông. Dượng Hương Thư đã bố trí đò chờ sẵn. Tôi ngồi trên đò quay nhìn lại. Hoà Phước vẫn im lìm trong tre mít. Tận nơi xa, một vài cột khói đứng lặng im. Tôi và thằng Cù Lao theo chị Ba qua đò. Tôi yên trí chị Ba đi thẳng lên chỗ mẹ đang tản cư. Nhưng chị Ba rẽ vào một con đường kiệt, im lặng đi mãi. Chị đi theo một con đường nhỏ ngoằn ngoèo đến một xóm hẻo lánh, tên là xóm Cây Thị. Ở đó một chị trạc tuổi chị Ba, nhai trầu nhóp nhép đang chờ sẵn. Chị đó đưa chị Ba đi quanh xóm, chỉ chỗ của anh Huynh nào đó sẽ đến đóng và chỗ dành cho anh Bốn Linh và đội tự vệ qua ở. Bất giác, tôi nói: - Anh Bốn bảo phải tản cư lên Bến Dầu, chị Bốn ở trên đó. Chị Ba quay lại nhìn tôi. Cách nhìn của chị Ba làm tôi chợt hiểu là tôi phải lặng im, không nói như vậy vì không đúng lúc. Chị Ba leo lên một ngọn đồi, trên đồi có một ngôi miếu gọi là Miếu Đôi, Trong miếu chỉ có toàn giường, có đến sáu chiếc giường nhỏ, trải chiếu mới. Bên tường còn có hai chiếc đòn khiêng và hai chiếc võng. Chị Ba nói với chị đang nhai trầu: - Việc chúng mình thế là xong! Còn việc tiêm kim và băng bó, đó là việc của các anh ở huyện. Ở đây khi nhức đầu sổ mũi đã có người tiêm kim. Khi ốm đau có giường nằm. Mọi việc tiếp đón đồng bào t tản cư ở đây thật sẵn sàng và chu tất. ° ° ° Thầy Lê Hảo vừa tản cư qua sông gần xóm Cây Thị. Thầy cho biết rõ là giặc mới đến Ái Nghĩa. Ở Ái Nghĩa, chúng canh súng cối nã khắp quanh vùng. Thầy bảo anh Bốn Linh bên đó nhắn chị Ba phải tìm mua mười ve dầu Nhị Thiên trị cảm. Cứ cho tôi và thằng Cù Lao mang về Hoà Phước, đem giao cho bà Hiến. Giặc chưa đến, cần đưa sang ngay. Chị Ba mua bông, bỏ vào hai cái bọc. Ăn sáng xong, tôi và thằng Cù Lao đi Hoà Phước. Ra đến bến vừa gặp đò. Như vậy là điềm may. Tôi bước lên đò ngồi ngay trước mũi. Gió sớm mát rợi. Sông Thu Bồn toả một màu xanh đến cuối trời. Thằng Cù Lao cúi xuống sông khuấy nước: - Lúc về tắm một cái cho nó mát! Chợt một tiếng đoàng như sét đánh. Thằng Cù Lao bật dậy. Nhiều tiếng nổ dữ dội. Những tràng súng máy nghe gần lắm. Tôi hoảng hốt, nhảy phóc lên bờ. Thằng Cù Lao kéo chạy nép vào một bụi cói ngồi dòm ra. Bên kia sông, một cột khói bốc lên, lại một cuộn khác… Thằng Cù Lao giật thót: - Lửa! Nhà cháy rồi! Lửa! Lửa! Tôi trố mắt nhìn. Xóm trên và xóm giữa của Hoà Phước có nhiều cột khói ùn lên. Một chốc sau, những tràng liên thanh thưa dần. Có tiếng súng bắn từng phát một. Thằng Cù Lao thì thầm: - Súng trường của ta đó! Đến trưa, tiếng súng bên kia sông vẫn chưa im hẳn. Khắp sông không có một bóng thuyền. Đò đã trôi đi đâu, ông lái đò cũng biến mất. Tôi và thằng Cù Lao phải quay về xóm Cây Thị. Một số bà con ở Hoà Phước cũng tản cư qua xóm Cây Thị. Họ qua sông, đi vài cây số rồi dừng lại. Chị Ba bảo tôi và thằng Cù Lao đi quanh một vòng xem ai tản cư qua xóm Cây Thị. Chúng tôi đi một vòng vào chợ. Khi gặp bà con Hoà Phước họ hỏi: - Nhà mày bị cháy không Cục? - Dạ, cháy rồi! - Nhà tao, chúng đốt rồi! Tôi và thằng Cù Lao bắt chước chú Năm Mùi: - Mất của nhưng người còn là quý lắm! Sau này độc lập dựng lại cái khác tốt hơn! Trâu bò đủng đỉnh ngoài đàng đầy vẻ suy nghĩ. Lợn thu hình nằm trong giỏ biết thân phận của mình, chỉ ụt ịt khe khẽ. Bọn chăn trâu đi tản cư gặp thằng Cù Lao reo ầm như lâu lắm mới gặp lại! Đứa nào cũng cho nhau biết những tin tức ở làng, chuyện giặc đốt nhà, chuyện chúng giết trâu. Tôi gặp ông Bốn Rị vừa tản cư sang. Tôi hỏi ngay: - Nhà ông bị đốt chưa? - Mô Phật! Chúng chưa đốt! Xóm mày cháy trụi! Ông nhăn mặt: - Tây đông lắm. Chúng bắn loạn xị loạn xạ. Chúng đốt nhà mày rồi, đốt nhà anh Bốn Linh rồi! May có ông Bảy! Ông không sợ súng. Ông xông vào chữa cháy. Ông nhảy lên mái nhà, tốc tranh, ông chặt chuối ném lên. Ngọn lửa không bắt được, vài nhà chưa cháy. Ông Bốn xắn quần chìa chân: - Tao liều mạng chạy theo ông Bảy. Tao đạp vào lửa phỏng chân đây này! Ông Bốn hổn hển: - Ta tung lựu đạn. Chúng nhào lăn! Chết nhiều lắm! Chúng vào nhà bà Bảy Đá cướp tiền bà rồi! - Tiền của bà chôn dưới đất mà! - Có đứa chỉ điểm, chúng biết hết! Bà xông đến giật tiền lại. Chúng bắn, đoàng! Mô phật! Bà không chết! Tao khen ông Tư Đàm. Ông Tư Đàm áo dài khăn đen, cúi chào các “quan lớn”. Ông khai với giặc ông có mười mẫu dâu, có năm đôi trâu, Cộng sản cướp hết. Nay có các quan về, thù này ông phải trả. Nhưng ông còn sợ, vì Cộng sản đông quá. Lính Cộng sản có đến năm trăm thằng có đủ súng ống. Chúng đào hầm khắp các bờ bụi, hiện nay đang núp dưới đó. Hễ ông nói sai thì ông xin đưa đầu cho quan lớn chặt. Bọn giặc nghe vậy nháy nhau rút lui, Tao khen ông Tư Đàm, ông Tư Đàm giỏi quá! Nói láo làm giặc sợ rút lui! ° ° ° Đồng bào nhiều xã ở bên kia sông tản cư sang bên này sông. Có người tôi biết. Những người này nổi danh khắp tổng. Trước đây, họ đi ngựa hoặc đi cáng qua làng. Họ là những nhà giàu hoặc có chức tước. Người bốc thuốc giỏi, đánh quyền giỏi, học giỏi, nói láo giỏi cũng được nhiều người biết. Trước đây, khi họ đến Hoà Phước, trẻ con biết được, kéo nhau đi xem. Đồng bào bên này kháo nhau bảo dân bên kia sông có nhiều tiền. Bên kia sông là đất dâu tằm, bán bó tơ được bó bạc. Họ đi tản cư mang theo bó bạc to tướng. Cũng đồng bào bên này sông kháo nhau bảo dân bên kia sông nghèo xơ nghèo xác, cũng vì nghề tằm. Hễ thua tằm là bán vợ đợ con, đi tản cư không mang theo được lon gạo! Có tin đồn là ta vừa bắt được Việt gian, mặt mày trông quá dữ tợn. Nó trà trộn với dân tản cư để điều tra tình hình. Nó vào chợ. Ta cho người theo dõi. Quả nhiên nó là gián điệp, nó ra hiệu cho máy bay đến bắn. Tôi và thằng Cù Lao len lỏi trong các xóm chợ chợt thấy hiện ra một con sông. Thì ra cũng là sông Thu Bồn. Con sông đằng xa, vạch một nét thẳng tắp. Hoà Phước bên kia sông kéo thành một vệt xanh thẳm trông lạ lạ, như nơi nào khác. Thường lệ vào lúc sẩm tối địch ở Đà Nẵng nổ một loạt súng. Địch ở Giao Thuỷ cũng nổ một loạt súng. Những chùm pháo sáng từ đồn Giao Thuỷ bay lên, toả những ánh sáng xanh lè rồi phụt tắt. Ở tận cuối trời, một đám cháy loá lên vàng rực. Nhiều đám cháy nổi lên chỗ khác, ngọn lửa cứ sáng đi sáng lại vài lần mới chịu tắt. Có đám cháy gần hơn, làm ửng sáng cả một vùng. Tôi nghe như có tiếng thét bay lên cùng ngọn lửa. ° ° ° Theo chị Ba thằng Cù Lao được cấp trên nhận xét tốt. Nó thuộc thành phần cố nông. Cha nó từng bị lí trưởng đánh phải bỏ làng ra ở ngàoi biển Đông, đã nung nấu ý chí cách mạng. Nó bơi giỏi, lặn giỏi, có cặp mắt tinh, có lỗ tai thính, tất cả ngõ ngách ở làng nó đều biết hết. Về tôi, cấp trên nhận xét tôi đang còn láu táu, thô lỗ, vụng về. Nhưng qua việc làm vừa rồi thấy có tiến bộ. Trong việc đi lấy củi, việc lên xuống Phú Đa tôi có nhớ đường, và khi tập bơi tôi không bị uống nước. Đã được thử thách như vậy, tôi và thằng Cù Lao sẽ được giữ việc tiếp tế cho đội tự vệ, lúc ở tiền tuyến, lúc ở hậu phương. Tôi hơi sốt ruột: - Làm tiếp tế là làm chi chị Ba? - Bên Hoà Phước đang cần bông. Mày và thằng Cù Lao đưa bông tiếp tế. Mày và thằng Cù Lao phải về Hoà Phước. Phải mang muối qua, muối dự trữ bên đó bị tan ra nước. Đợi trời tối hãy đi. Ban đêm, giặc chui hết vào đồng, ta tự do qua lại. Vâng theo lời chị Ba, tôi và thằng Cù Lao phải đi tiếp tế. Ra đến bến đò trời vừa sẩm tối. Trời không một đốm sao. Con đò lướt khe khẽ như đang phân vân phải di vào một nơi đông đặc bóng tối. Một cơn gió thổi mạnh, lác đác mưa rơi. Tôi bước xuống đò, hai tay ôm chặt gói bông, cắm đầu đi về phía trước. Bóng tối và mưa đêm nút kín đất trời. Tôi lò dò bước từng bước một, thằng Cù Lao bước sát theo sau. Bước được một quãng, tôi bị va vào một cành cây. Tôi sờ soạng biết đó là một hàng cây bã đậu. Tôi tránh sang phải, đi vòng quanh. Đi được một chốc lại bị gai cào. Tôi sờ soạng. Đó là những lùm dứa dại. Tôi kéo thằng Cù Lao tránh sang trái. Hết tránh sang trái lại quẹo sang phải. Tất cả những gai góc, bờ bụi, hang hốc như dựng lên đủ thứ chướng ngại vật. Bãi dâu trong đêm mưa rất khác với bãi dâu bát ngát khi tôi ngồi trên lưng trâu Bĩnh giữa làn gió chiều mát rợi. Tôi và thằng Cù Lao đã đi được một lúc lâu. Nhưung cũng chưa phân biệt được đâu là dâu, đâu là sông, đâu là làng nữa. Tôi dừng lại: - Chỗ mô đây, Cù Lao? - Chẳng biết! Lạc hướng rồi! Thằng Cù Lao khịt mạnh: - Đi hết bãi dâu phải gặp triền đất. Phải lên dốc. Lên khỏi dốc là vào làng. Sao chẳng thấy chi hết? Phải tìm chỗ triền đất. Đâm ngang bên phải thử coi. Thằng Cù Lao dắt tôi đâm ngang bên phải. Đi một chốc, chúng tôi va vào một vách đất. Tôi reo lên: - Triền đất đây rồi! Tôi theo thằng Cù Lao leo lên triền. Nhưung cũng không nom được triền đất này nằm đúng nơi nào. Chúng tôi lò dò đi về phía trước, lúc băng qua ruộng, lúc giẫm lên bùn, biết đang đi trên một cánh đồng. Tôi vấp vào một mô đất. Gói bông văng tung. Tôi mò quanh đất. Chẳng thấy bông đâu cả. Thằng Cù Lao nhớ chị Ba có cho nó mấy que diêm, nó đang giữ trong túi áo: - Chà may quá! Lại có giấy đây nữa. Một tiếng “xoẹt”. Que diêm bật lửa. Tia lửa ốm yếu, do dự. Tôi nín thở. Đốm lửa bé thơ lớn dần. Thằng Cù Lao rút giấy đặt cho lửa bắt, nhưng ngọn lửa cứ dửng dưng, leo lắt rồi tắt biến. Tôi hỏi: - Còn nữa chớ? Có tiếng xé giấy rồi một tiếng “soạt” rất khẽ. Que diêm bật sáng. Tia lửa bắt cháy đầy hy vọng. Thằng Cù Lao đưa giấy cho lửa liếm. Lửa liếm sang giấy, lớn dần. Ánh sáng toả ra. Tôi cố tìm xung quanh bông rơi chỗ nào. Chợt một cơn gió nổi lên. Ánh sáng phụt tắt. Tất cả trở nên kín mít. Thằng Cù Lao bảo cứ đi về phía trước nhất định sẽ gặp xóm làng. Tôi đứng dậy bước khập khễnh. Chợt có tiếng quát vang dội: - Đứng lại! - Bắt! Bắt! Bắt lấy nó! Tôi hoảng quá nổi la làng. Tiếng quát to hơn: - Ai? - Chúng tôi! Cục và Cù Lao đây. - Làm gì ở đây? - Đi lạc vào đây! - Cộng sản rồi! Tóm cổ lại. Đưa về đồn cho ông lớn. Người tôi nghe lạnh toát. Tôi đã đi lạc vào hang ổ của giặc. Một thằng chộp tay tôi kéo tôi đi. Thằng Cù Lao bị lôi theo sau. Giặc bắt tôi chui qua những nơi tối mịt, đẩy tôi vào một căn hầm, bên trong chỉ một ngọn đèn dầu le lói. Giặc bắt chúng tôi phải ngồi im. Bên ngoài có tiếng chân chạy. Có tiếng hỏi: - Thằng Cục, thằng Cù Lao phải không? Nếu không phải là ma quỷ thì đó là giọng nói của chú Năm Mùi. Giọng nói đó tôi nghe quen từ nhỏ! Tôi bật dậy: - Chú Năm! Chú Năm! Chú Năm chạy đến sờ đầu sờ cổ chúng tôi, hỏi đầu đuôi mọi việc. Chú bước ra ngoài lấy áo quần khô, bắt chúng tôi thay ngay. Tôi hỏi chú Năm đây là đâu, chú đang làm gì? Chú Năm bảo chú đang ở trên đám đất của một làng. Làng đó ở trong một tỉnh. Tỉnh đó của một nước, Việt Nam. Chú ở đây để “đền nợ nước”. Những nguời vừa bắt tôi và thằng Cù Lao là người của ta cả. Tôi và thằng Cù Lao cố ngủ yên. Ngày mai phải dậy thật sớm để về Hoà Phước. ° ° ° Tôi và thằng Cù Lao được chú Năm Mùi gọi dậy để về Hoà Phước. Trời chưa sáng. Chúng tôi theo chú Năm đi về hướng sao Mai lấp lánh. Tôi đoán đêm qua tôi đi lạc đến chòm đa Lý. Chú Năm dặn những việc cần làm khi về lại xóm Cây Thị. Đi được một quãng, chú dừng lại, chỉ cho chúng tôi cứ đi thằng về phía trước. Hoà Phước ở ngay trước mặt. Chú Năm quay gót, không biết chú về phía nào. Trời sáng dần. Hoà Phước hiện ra trước mặt hoang vu như một nơi nào xa lạ! Ở xóm trên, các lối đi bị xoá mất. Nhìn lâu mới nhận ra chỗ nhà tôi ở. Nhà dưới của bác Úc dính liền với nhà ông Kiểm Lài. Trước kia, hai nhà có một bờ rào ngăn đôi. Rào giậu đều bị hạ, những nhà còn lại như bị dời sang chỗ khác. Nhà trên của tôi cháy trụi. Nhiều nhà khác cũng bị cháy. Tất cả ngổn ngang. Tôi và thằng Cù Lao mò đến nhà bà Hiến dòm vào bên trong. Bà Hiến quấn kín trong chiếu. Tôi gọi: - Bà Hiến ơi! Vẫn im lặng. Tôi gọi to hơn: - Bà Hiến ơi! Cũng vẫn im lặng. Tôi vỗ vào chiếu: - Bà Hiến ơi! Ngủ đã dữ! Thằng Cục và thằng Cù Lao đây này. Chiếc chiếu bật ra. Bà Hiến ngồi dậy, nhìn sửng sốt. Tôi chộp tay bà: - Không phải giặc đâu! Bà Hiến giật thót, chắp hai tay khấn vái: - Nam mô Phật! Vong hồn hai cháu đừng về phá bà, tội nghiệp! Thằng Cù Lao nghiêng sát vào tai bà: - Cù Lao và Cục đây mà! - Mô Phật! Hồn phải cho khôn, hồn đừng có dại. Đừng về phá bà, tội nghiệp! Tôi cãi lại: - Có ai chết đâu! - Thằng Cù Lao chết rồi! Thằng Cục chết rồi! Chú Năm Mùi nói cho bà biết rồi! Bà chiêm bao thấy chúng về thăm bà. Bà Hiến rên rỉ, cố giữ không để bật tiếng khóc. Tôi huơ tay đá chân: - Hai đứa còn sống sờ sờ đây này! Thằng Cù Lao xổ gói quần áo bị ướt, đưa bà Hiến xem: - Nếu chết rồi, sao có được đồ ướt này? Qua sông bị mắc mưa. Đêm qua có mưa, nhớ không? Thằng Cù Lao móc túi rút ve dầu Nhị Thiên của chị Ba cho, xoa vào lỗ mũi bà Hiến: - Người chết làm sao có được dầu này! Bà Hiến chưa hoàn hồn: - Có thật hai đứa đây không? Bà thấy khác quá! Tôi nhìn lại thằng Cù Lao. Quả thật nó khác hoắc. Tôi phì cười. Quần áo cảu chú Năm đưa thay đêm qua quá rộng, làm nó hoá lạ. Thằng Cù Lao nhìn tôi. Nó cũng bật cười. Áo tôi mặc dài quá đầu gối. Thằng Cù Lao giũ đống quần áo bị ướt: - Tối qua hai đứa bị ướt, chú Năm bắt phải thay áo thay quần. Chú dặn phải phơi ngay quần áo ướt để mặc về. Áo quần của chú phải gởi lại đây. Chú sẽ đến lấy. Nghe rõ chưa? Bà Hiến thấy tôi và thằng Cù Lao cười nói tự nhiên đã tươi tỉnh lại. bà sờ tay chúng tôi thấy ấm như tay người sống. Đột ngột, bà khóc oà. Bà Hiến kể lại chú Năm Mùi cho biết tôi và thằng Cù Lao bị chìm đò. Chúng tôi chìm xuống sông, sau đó, không thấy ngoi lên nữa. Ai hỏi bà cứ nói vậy. Cả gia đình tôi cũng chết đường chết sá không còn ai nữa. Bà chẳng thấy ai về làng cả! Chú Năm Mùi dặn tôi và thằng Cù Lao buổi sớm không được ra khỏi nhà. Phải đề phòng giặc đi lùng. Có giặc đến, phải xuống hầm bí mật, có bà Hiến hướng dẫn. Đợi chiều xế mới ra mót ngô ngoài bãi dâu, lúc đó giặc không đi lùng nữa. Đến tối, chúng tôi ra chờ đò về xóm Cây Thị. ° ° ° Xóm Cây Thị bên ngoài cũng như tất cả các xóm khác. Cũng những cây mít, cây chuối, cây cau. Mỗi buổi sáng sớm, con gà trống đứng trước sân rống to không kém con gà trống của anh Bốn Linh lúc trước. Đến nửa buổi bọn gà mái nổi tục ta tục tác khoe với khắp làng chúng đã đẻ trứng. Ngoài xóm chỉ vậy, trong xóm lại khác. Nhà nào cũng đông. Người tản cư về đây không mang trẻ con, lợn gà, nồi niêu, chén bát lỉnh kỉnh như những nơi khác. Có nhà tập trung đến sáu bảy người, toàn là người lớn. Họ không phơi đồ trắng ra ngoài, không lê la ngoài đường. Một số gặp nhau, ngồi dưới gốc mít bàn bạc. Họ rút trong xắc quyển sổ tay, lấy bút chì ghi chép. Có người tản cư đến một hôm, chợt lại đi nơi khác. Có người ngủ suốt ngày, đến tối lại đi đâu. Anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, đội tự vệ thỉnh thoảng cũng có mặt ở xóm Cây Thị. Họ về lấy mìn, lấy lựu đạn, về ngủ một giấc rồi lại đi. Tôi gặp ông Bảy Hoá bước lên đò. Ông mặc áo cà sa, cổ đeo tràng hạt. Khi vào đến xóm Cây Thị, ông Bảy Hoá chỉ mặc bộ đồ cộc, đeo dao găm, tập quân sự. Không chỉ ông Bảy Hoá, người khác khi về lại bên kia sông đều hoá khác như vậy. Chị Bảy Cọ về Hoà Phước mặc chiếc áo vá, đội chiếc nón rách. Chị lấy nước nghệ bôi lên mặt. Người chị xinh đẹp bỗng hoá vàng vọt bủng beo giống đứa ăn mày. Chị Ba vờ quát: - Về bên kia xin ăn, đây không có cơm thừa đâu! Chị Bảy Cọ ngửa chiếc nón rách còng lưng van lơn: - Lạy bà! Thân con đói khổ. Con xin miếng cơm thừa! - Xéo! Bà sai con hầu ra quất cho coi! Chị Bảy quắc mắt: - Tao là Phật Quan Âm đây! Tao giả ăn xin để thử lòng dạ mày. Tao phải bắt mày về chầu âm phủ! Thôi tao đi đây. Tôi và thằng Cù Lao đưa chị Bảy ra đến bến đò lúc nhá nhem rồi quay lại. Tôi biết chị Bảy mang theo lựu đạn về Hoà Phước trao cho tự vệ. Nhiều việc ập đến. Tôi và thằng Cù Lao cũng “búi xồm xồm” như người lớn. Nhiều việc mới đó tôi đã quên. Tôi tiễn bà đốc Thụ và chị Tuyết Hạnh lên thuyền tản cư lên Trung Phước. Thuyền chị Tuyết Hạnh lấn sau bãi dâu là tôi đã quên chị. Thằng Sơn Hải theo ông nó lên nguồn. Sau đó, có người bảo hai ông cháu đã xuống biển. Có một điều chắc chắn là đội tự vệ Hoà Phước ăn mắm của ông Biện Thành. Mắm đến xóm Cây Thị bằng đường nào tôi không biết. Thỉnh thoảng có người gánh mắm, gánh bún đến xóm Cây Thị để đổi khoai. Nhưng khi mở bâu lại thấy lựu đạn với chông sắt. Các thứ đó được chị Ba cất giữ kín đáo, thỉnh thoảng có người về nhận. Nhiều nguời ở tận ngoài Tuý Loan cũng biết tìm đến xóm Cây Thị. Họ hỏi chị Ba như người quen biết. Có một sợi dây bí mật nối tất cả lại. Có đến mười chị ở khắp nơi cũng tìm về xóm Cây Thị. Họ về dự lớp cứu thương. Và bất ngờ quá, cả chị Tuyết Hạnh cũng về dự! Chị biết trước về xóm Cây Thị sẽ gặp tôi và thằng Cù Lao. Gặp lại chị Tuyết Hạnh thật là thích. Không phải chị đi dự lớp, mà chị về để mở lớp huấn luyện. Oai quá! Chị đã học lớp cứu thương, nay về dạy lại. Lớp sẽ mở chỗ Miếu Đôi trên gò. Chị cho biết ông Đốc Thụ cũng sẽ tạt qua xóm Cây Thị để dự lễ bế giảng lớp huấn luyện. Tôi và thằng Cù Lao cũng muốn xin học lớp cứu thương, vì cứu thương cũng oai bằng kĩ sư, bác sĩ… Ở chị Tuyết Hạnh, những cái “sẵn sàng” càng nhiều hơn trước. Chị sẵn sàng vừa dạy vừa nấu cơm, sẵn sàng đi trồng sắn với chị Ba trong núi, sẵn sàng kể tiếp cho chúng tôi nghe những chuyện tướng cướp giật gân. Chú Năm Mùi nói: Con gái của bác sĩ mà giỏi quá! ° ° ° Tình hình trở lại yên tĩnh. Một vài gia đình đã hồi cư. Giặc thường cố thủ trong đồn. Tề nguỵ chúng chưa đặt được. Mẹ tôi, chị Bốn Linh, thím Năm Mùi rất muốn về. Chị Bốn Linh nói giặc bắt thì mình cứ khai: Chồng tôi đi làm cho Việt Minh, tôi níu lại sao được? Chúng hỏi chồng mình đâu, mình nói: “Ông ấy chết bờ chết bụi đâu rồi! Mấy lâu không thấy!”. Tôi và thằng Cù Lao tự do trở về, vì chúng tôi chỉ là bọn con nít. Nay mai mẹ tôi sẽ về. Tôi và thằng Cù Lao phải về trước, ở tạm với ông Bảy Hoá trong chùa. Gạo mắm cứ về xóm Cây Thị mà lấy. Chúng tôi về trước để kịp tỉa ngô. Ban đêm sẽ có chú Năm Mùi, hoặc chị Ba về dọn đất. Tôi và thằng Cù Lao mang gạo, muối, nồi niêu về Hoà Phước, vào chùa ở với ông Bảy Hoá. Nhưng tôi và thằng Cù Lao muốn xây dựng một “lâu đài” để ở và nghỉ ngơi cho sướng. Chúng tôi nhặt hai tấm vách đặt dựa vào nhau làm thành hai mái nhà. Chẳng cần cột. Hai cái vách chụm lại thế cho cột, cho kèo, cho tường, cho tất cả các loại cửa. Thằng Cù Lao cắt mo cau lợp lên nóc. Chúng tôi thỉnh thoảng trốn khỏi chùa, chui vào “ngự” trong lâu đài vừa xây dựng. Nhiều gia đình chưa hồi cư. Làng xóm vắng vẻ. Khi vắng người, loài vật tự do sinh nở. Ao đìa không bị mò vét, tôm cá sinh sôi. Bọn cá quả dắt con cháu bơi lội nhởn nhơ. Tôi và thằng Cù Lao bắt chước người lớn chọn một tấm phên tre buộc túm lại một đầu, lấy cành tre nhét vào bên trong. Tất cả đem dìm xuống ao. Sau vài ngày lại kéo lên, bắt được khối tôm cá. Chuột cũng rất nhiều. Lúc xóm làng còn đông đúc, tiếng cười, tiếng quát, tiếng chó sủa làm chúng hoảng sợ, suốt ngày phải lo chui rúc. Nay được thoải mái, chúng chiếm các bờ bụi, qua lại ngang nhiên. Nhất là chuột đồng, ngô khoai bỏ vãi ngoài đồng nuôi chúng béo núc. Chúng tôi đốt đuốc nhét vào hang. Chuột phóng ra, thằng Cù Lao chộp cổ, chặt đầu, mổ bụng, đem ướp với muối và nghệ, đốt lửa lên nướng. Thịt nhái bén ngon hơn. Nhái nép dưới hòn đất, tôi lật đất lên. Chúng nhảy loạn xị. Chúng tôi bắt bỏ giỏ mang về nhà, cũng làm món nướng. Rau má, rau dền nhiều vô kể. Trời Hoà Phước quả là một kho lương thực vô tận. Tôi à thằng Cù Lao cứ “tự cấp tự túc”. Chẳng cần phải nồi niêu mâm bát gì cả. Ăn xong chúng tôi ra sông Thu Bồn uống nước. Uống xong phải chạy nhanh về nhà. Chúng tôi lo có một chiếc cáng thương binh đã đến đợi. Ngoài việc tiếp tế, tôi và thằng Cù Lao còn giúp ông Bảy Hoá đưa đường cho cáng thương binh đi từ chùa ra đến bến đò Hoà Phước. ° ° ° Bà Hiến chạy gọi mọi người phải mau mau thức dậy vì giặc đang đổ xuống ở bến Hoà Phước. Chúng theo đường sông kéo từ đồn Giao Thuỷ xuống. Nếu giặc vào làng, xóm trên đã có kế hoạch di chuyển vào phía chòm đa Lý. Ông Bốn Rị chạy lên xóm trên cho biết lính quốc gia có đến một trăm thằng. Chúng đốn cây cối ở xóm giữa, sai phá đình làng. Chúng đập hết, phá hết, khuân gạch đem đổ thành đống. Nhiều người xóm dưới bị chúng gí súng bắt đi phu. Một số tản vào trong đồng. Xóm dưới tan hoang. Xóm trên và xóm giữa tán loạn. Ở xóm giữa, ngay chỗ dốc đi xuống bến đò, một cái gì như một ngôi mộ từ dưới đất dần dần nhô lên. Chỉ bảy ngày sau nó vượt lên trên những nhà quanh xóm, giống như con quái vật từ dưới âm phủ trồi lên. Nó có nhiều mồm, mồm loe ra, răng lởm chởm mọc quanh đầu. Ai cũng tránh xa vì thấy ghê rợn. Từ sớm đến tối, con quái vật đứng nhìn chung quanh. Thỉnh thoảng, nó khạc ra một tràng tiếng nổ. Dân Hoà Phước gọi đó là cái lô-cốt. Có người gọi nó là bốt giặc. Nhìn từ bên kia sông thấy nó càng soi mói, càng hung tợn, quái gở. Địch xây lô-cốt ở ngay bến đò Hoà Phước làm cho mọi khó khăn chồng chất. Đò không thể đưa, cáng tải thương không có cách gì để qua sông được! Mọi liên lạc giữa Hoà Phước với xóm Cây Thị bị cắt đứt. Đò Hoà Phước là cửa ngõ vào ra giữa vùng ta và vùng địch. Địch hiểu điều đó, chúng đã cắt con đường huyết mạch. Cáng tải thương phải đi ngả khác, qua con đò khác. Trạm nhận cáng phải đặt nơi khác. Tôi và thằng Cù Lao không còn giúp việc dẫn đường cho cáng thương binh nữa. Anh Bốn Linh và chú Năm Mùi giao cho tôi và thằng Cù Lao một công tác mới. Công việc sắp đến không phải làm nhiều mà phải nghe nhiều. Tai luôn luôn phải vểnh thật cao đón mọi tiếng động, phải chú ý các tiếng mõ. Anh Bốn Linh nói cặn kẽ: - Phải nhớ thật đúng! Chỉ có ba tiếng mõ như thế này cốc, cốc, cốc! Ngừng một tí lại nghe ba tiếng cốc, cốc, cốc. Tiếng mõ vang từ cuối thôn Giao Thuỷ. Ai đánh, không cần biết làm gì. Khi hai đứa đã nghe rõ và đếm đủ ba tiếng thì Cù Lao phải tức tốc chạy sang sông, giả vờ tắm để cắm một cây sào tre xuống nước. Cây sào đó phải nhô lên mặt nước khoảng một sải tay, giống như cây nò của dân chài lưới cắm trên sông để bắt cá. Tôi hỏi: - Cắm cây nò để làm chi anh Bốn? Anh Bốn nói rất chậm: - Đò giang không qua lại được. Liên lạc bị cắt đứt, nhưng ta đã có cây nò. Cây nò làm dấu cho người của ta ở bên kia sông biết rõ động tình của giặc. Cây nò dựng lên tức là giặc đang lùng sục, tình hình đang báo động, chưa thể về được. Khi hết lùng sục, giặc về lại đồn. Lúc đó, hai đứa sẽ nghe hai tiếng mõ, chỉ có hai tiếng: cốc, cốc! Lúc đó, Cù Lao lại chạy ra sông rút cây nò. Cây nò đã rút tức là tình hình đã yên, người của ta có thể về được. Anh Bốn Linh giao cho thằng Cù Lao một cây sào tre mức nhọn, dài khoảng ba sải dùng để làm cây nò. Anh Bốn Linh dặn rõ nơi cắm cây sào. Đó là một nơi khuất lô-cốt Hoà Phước, kín đáo, nhưng người ngồi nép bên kia sông nhìn thấy được. Tôi và thằng Cù Lao bất kì đang làm gì, khi nghe tiếng mõ phải chạy cắm nò rút nò đúng như hiệu lệnh. Tôi và thằng Cù Lao rất thú vị, cắm nò rút nò là cơ hội chạy ngụp lặn ngoài sông. Khi nghe tiếng mõ, thằng Cù Lao vụt chạy trước. Ra đến sông nó moi cây sào nhét dưới cát nhảy xuống sông giả vờ tắm để dựng nò. Dựng xong, nó nhìn nhìn sang kia sông như vừa dựng xong một cây đèn chiếu! Ông Bảy Hoá có một người cháu gọi ông bằng chú ruột, bấy lâu đi làm ăn xa, nay có dịp về thăm ông ở chùa Hoà Phước. Người cháu đó tên là chú Tám. Chú Tám về thăm ông Bảy chỉ mặc bộ đồ cộc bằng vải thô, đội chiếc nón cũ, đi chân đất. Chú Tám không phải “dân thầy”, tay chân không mượt mà trắng trẻo. Chú giúp ông Bảy cuốc vườn trồng khoai. Về Hoà Phước được vài hôm, bà con trong xóm ai cũng mến. Đi ngang qua nhà bà Hiến thấy có tấm phên bị đứt, chú Tám bước đến buộc lại. Ông Bốn Rị che nơi ở tạm, chú Tám chẻ tre, đan phên che giúp. Chú làm từ sáng sớm đến tối như công việc nhà mình. Chú Tám có lời nói dễ nghe. Ai đáng vai cô bác, khi chuyện trò chú dùng chữ thưa, chữ dạ. Nết ăn, ý ở của chú Tám làm ai ai cũng mến. Hôm mới về chùa, gặp tôi, chú bảo: - Này Cục! Cục mặc áo trái kia kìa. Mặc vậy coi chưa đẹp. Tôi không hiểu vì sao chú Tám vừa đến đã biết tên tôi. Chú bảo vừa đến chùa đã nghe nhiều người khen tôi bơi lội vào loại khá, gánh củi vào loại giỏi. Chú Tám biết tôi có nhiều tiến bộ, tôi đã bỏ thói vật lộn, trêu chó, biết chăm chỉ học hành, đã có lúc được thăng làm thầy dạy học. Đối với thằng Cù Lao, chú Tám không chỉ biết những việc hiện nay, mà còn biết những việc đâu đâu. Cha nó xưa kia bị ai đánh, bỏ làng đi đâu, sinh nó nơi nào. Thằng Cù Lao rất ngạc nhiên. Chú Tám giảng giải: Mỗi khi ta làm một việc gì, đều được ghi lại trên mặt, trên mắt, trên mũi, trên má. Một ý nghĩ nhỏ nhất cũng để lại dấu vết trên trán. Hiện nay có sách vở dạy cách đọc những dấu vết đó. Chú Tám lúc đi làm ăn ở Sài Gòn may gặp được ông thầy, ông truyền lại cho chú cách đọc. Tôi hỏi: - Chú làm được như thầy bói không? Thầy bói gieo quẻ biết hết. Hậu vận giàu, nghèo, mấy con, mấy vợ đều biết trước. Chú Tám quả quyết: - Không học bói cũng biết được. Biết được cái trước và cái hiện nay, biết được cái sau này nữa… Chú Tám bảo thằng Cù Lao xoè hai bàn tay, chìa đầu chìa cổ cho chú xem. Xem xong, chú Tám kết luận: - Thằng Cù Lao sau này sung sướng, nhưng không giàu. Chỉ có một vợ. Vợ mất đi, Cù Lao vô cùng thương nhớ, nên cứ ở vậy suốt đời. Tôi chìa đầu chìa tay hỏi: - Còn tôi? Chú Tám bắt tôi cười, bắt tôi giả vờ khóc, bắt tôi bước tới, bước lui, ngồi xuống, đứng lên, chìa trán cho chú xem, chú nói: - Sau này Cục được ăn rất ngon, mặc rất sang, ở nhà rất rộng, có vợ rất đẹp. Nhưng tại sao… không sướng! Chú rất thích chuyện trò với thằng Cù Lao, hỏi nó lắm chuyện tỉ mỉ: Có khi nào nó gặp bọn lính ở lô-cốt Hoà Phước không? Mấy đứa là Tây, mấy đứa là người mình? Chúng cầm súng gì, đội mũ gì, mặc áo gì? Chỉ có một khẩu súng chú cũng hỏi hình thù, dài ngắn, to nhỏ ra sao. Thằng Cù Lao hỏi: - Biết những thứ đó làm chi chú? - Để mà tránh! Cái gì còn mù mờ là không tránh được. Ma quỷ dễ trà trộn với người là vì cứ mù mờ, dễ lầm lẫn, khó tránh. Chú Tám còn biết được trên cây sung ở đầu làng có một cái hốc lớn. Chú ra chỗ cây sung, tìm hiểu về cái hốc. Anh Bốn đã dặn tôi và thằng Cù Lao giúp chú Tám mọi việc. Thằng Cù Lao mách chú Tám: - Phải có cọc sắt. Trước đây chú Năm Mùi lấy cọc sắt đem đóng làm nấc thang… Làm vậy chú Năm leo lên được chỗ chót vót. - Khó lắm! - Sao? - Đóng cọc sẽ làm ồn! Có một cái khó: Đóng xong, phải giữ nguyên cọc trên cây để còn leo xuống. Như vậy mọi người biết hết. Chú Tám còn hỏi thằng Cù Lao rất tỉ mỉ cách gỡ tổ yến ngoài cù lao Chàm. Vách đá thế nào? Hốc núi ra sao? Cách cầm dây, cách vứt cọc, cách đứng, cách leo lên chỗ tổ yến? Chú Tám dòm dòm ngó ngó lên cây sung. Chú lắc đầu: - Cách gỡ tổ yến cũng không dùng được. Dây vứt lên sẽ vướng nhiều cành. Nhưng không chịu thua, thế nào chú cháu ta cũng lên ngồi chơi chỗ cái hốc để hóng mát. Chú Tám bảo tôi đi tìm một lưỡi rựa. Tôi tìm cho chú được lưỡi mác. Chú đi hạ tre, chẻ thành lạt, tước mỏng, bện thành một đàng dây dài rất chắc. Chú chặt tre làm một cây sào dài. Chú Tám đã tìm được cách leo lên cái hốc trên cây sung. Phải leo lên ba đợt. Trước tiên phải buộc dây vào đầu sào. Chú Tám dựng sào lên, dùng sào móc dây vào cành thấp nhất. Móc xong, chú Tám níu dây leo lên. Khi đã leo lên ngồi vững vàng trên cành thấp, chú Tám lại dừng sào móc dây lên cành bên trên. Rốt cuộc chú đã thành công. Chú đã ngồi trong cái hốc. Chú giơ tay báo hiệu chiến thắng. Khi leo xuống chẳng cần phải sào. Chú Tám bảo tôi đứng dưới cứ việc vác sào về cất. Chú Tám cho thằng Cù Lao đã tìm được cái hốc và cách leo. Chú chỉ tìm ra cách móc dây. Công việc của tôi mới thật là quan trọng. Vì tôi vác sào, vì không có đứa nào vác sào thì không thể leo lên chỗ cái hốc. ° ° ° Chùa Hoà Phước lại được đón thêm một vị cao tăng ở chùa Non Nước đến thăm. Pháp danh của ngài là Kiết Ma hoà thượng. Hoà thượng Kiết Ma còn trẻ nhưng đã tu hành đắc đạo, lên đến chức hoà thượng. Tất cả ở ngài đều toá ra sự khổ hạnh của một vị chân tu. Nước da ngài xanh xao nhợt nhạt như người bị đói lâu năm. Đôi má ngài tóp lại, xương mặt ngài nhô lên, xương quai hàm bạnh ra. Cặp mắt ngài lim dim như đang nhìn về cõi Nát Bàn xa xăm của Phật. Hai bàn tay của ngài xương xẩu thường vòng trước rốn. Gặp ai ngài cũng vái: Nam mô Phật! Ở ngài có một cái khiến tôi và thằng Cù Lao vô cùng trọng nể. Đó là cái đầu của ngài. Nó trọc lóc, bóng loáng như cái đầu chày. Muốn có một cái đầu như vậy, hoà thượng đã chịu biết bao đau khổ! Ít nhất hàng tháng ngài phải đưa đầu chịu một hình phạt ghê gớm: cạo trọc! Thằng Cù Lao nói nhỏ vào tai tôi: - Thôi chẳng lên Nát Bàn. Cạo trọc đau quá! Hoà thượng chỉ biết trường trai, nghĩa là chỉ ăn được hoa quả với năm loại ngũ cốc, không thể ăn thịt. Khi biết tôi và thằng Cù Lao đã ăn chuột đồng và nhái bén, hoà thượng thở dài: - Nam mô a di đà Phật! Xin chớ để chúng sinh qua lại ngoài đồng, rủi cái tên bay đạn lạc! Hoà thượng gặp người đến lễ bái thường nói những lẽ huyền vi của Phật tổ. Đối với ngài tất cả những gì thấy chung quanh cũng đều là hư, nghĩa là không có. Ngài thuyết cho ông Kiểm Lài hiểu là cái lô-cốt ta thấy, cái tiếng nổ ta nghe, chẳng qua là do cái tâm ta tạo nên, giống như cái bóng trong gương soi. Lấy gương đi, bóng không còn nữa, vì vậy không nên quá sợ! Ông Kiểm Lài nghe hoà thượng thuyết lí, khoé mắt và lỗ mũi bỗng đầy nếp nhăn, vòng tay thưa: - Bạch hoà thượng, đi qua lô-cốt, nó nổ đoàng! Tôi nổi da gà, lạnh toát xương sống! Tôi và thằng Cù Lao cho hoà thượng nói rất đúng. Cái lô-cốt thực ra không có. Nhất là khi có cơn mưa, cái lô-cốt biến mất. Đối với bà Bảy Đá, ngài vạch rõ cái hòm tiền cũng vì ta tưởng nó là ông chủ, tưởng nó “có” mà thôi. Bà Bảy nghe thông lẽ huyền vi của hoà thượng, vì đã quá rõ, tiền bà có rồi không đó! Ngài đếm tràng hạt đi qua làng, vừa đi vừa niệm Phật. Ngài đi lạc vào chỗ hàng rào vây quanh lô-cốt. Bọn lính giương súng: - A lê hấp! Thằng thầy tu kia, cút mau! Nói xong, nó nện cho thầy một đá. Hoà thượng xem việc đó như ảo, như không hề xảy ra, tuy hoà thượng phải đi cà nhắc. Theo ông Bảy Hoá, hoà thượng Kiết Ma đã đắc đạo vì ngài đã tu nhiều kiếp. Ngài đã hoá thân, có kiếp làm con ếch, có kiếp làm con chim, có kiếp làm con voi trắng. Sau đó hoá kiếp làm thầy bốc thuốc cứu được hàng trăm nhân mạng. Cuối cùng được đầu thai làm vị hoà thượng. Khi đã lên được chức hoà thượng thì người tu hành không còn ở bến mê mà đã đi đến bến giác. Lúc đầu, tôi tưởng cái bến mê hay bến giác ở đâu ngoài biển hay ngoài sông. Sau khi hoà thượng cắt nghĩa tôi mới hiểu ra, bến mê có nghĩa là còn mê muội, còn chủ quan ngu ngốc. Ở bến giác có nghĩa là đã hiểu mọi sự vật, cái gì cũng biết. Hoà thượng biết được nhiều việc cũng vì đã ở bến giác. Việc đó có thực. Vừa đến vãng cảnh chùa, ngài đã biết trước kia thằng Cù Lao tên là Biển, vì nó sinh ra ở ngoài biển. Tên Biển đổi thành Cù Lao. Thằng Cù Lao chửa đến bến giác nhưng cũng đã rời khỏi bến mê. Vì nó có học ở Đà Nẵng, được dự thính một lớp huấn luyện. Sau đó có được gặp bọn lính Tưởng Giới Thạch, bọn lê dương, biết rõ bọn này rất dữ tợn! Có nhiều tối hoà thượng biến mất. Hoà thượng thú thật đã đi rong chơi. Không phải rong chơi ở Hoà Phước mà ngài đã phiêu diêu ra khỏi trần tục. Hoà thượng có phép lạ biết đằng vân, giá võ, chỉ một đêm ngài có thể đi từ đông sang tây, đi vòng quanh quả đất, đi nhanh hơn gió. ° ° ° Thằng Cù Lao học được cách xưng hô đối với một vị hoà thượng. Nó vòng tay thưa: - Bạch hoà thượng! Kiếp trước của hoà thượng là con ếch, sau đó là con voi. Làm sao biết được? Hoà thượng nhìn ra xa: - Khi đã đến bến giác thì có thể thấy lại các kiếp trước của mình. Nguyên kiếp trước của bần tăng là một nhà giàu đi làm quan. Khi đó bần tăng có tất cả, thứ gì cũng nhiều! Tiền bạc, ruộng nương, danh vọng, tớ thầy… nhưng bần tăng thiếu một cái. Cái đó lại rất quan trọng. Đó là cái hiểu được nỗi đau khổ của chúng sinh. Lòng dạ bần tăng cứng dần lại. Thấy vậy, Phật tổ nói: “Lòng dạ của người sắp hoá đá, ta phải cho người đầu thai làm con ếch”. Bần tăng đã làm con ếch. Khủng khiếp quá! Vì không quần áo, bần tăng đã cảm được cái rét của mùa đông. Vì ở trong một cái hang, bần tăng hiểu được cái ngột ngạt của bóng tối… Bần tăng đã “qua cầu” hiểu được thế nào là đói, là rét, là sợ sệt, là cô đơn, dần dần hiểu ra được ý nghĩa của cuộc sống. Đó là hiểu thấu mọi nỗi đau của chúng sinh và ra sức làm giảm nỗi đau đó”. Hoà thượng mắt lim dim ngồi im một lúc, thở ra: - Sau kiếp làm ếch, bần tăng được đầu thai làm con voi trắng. Bần tăng đã sống trong một đàn voi có đến bảy nghìn thớt voi. Voi đầu đàn có bảy ngà. Một hôm, bảy nghìn thớt voi phải đi qua một con đường hẻm. Đó là một con đường độc đạo, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Ngay giữa đàng hẻm có một tổ chim con. Theo lệnh của voi đầu đàn, tất cả phải đi vòng một con đường khác. Đàn voi phải đi mất mười năm mới vượt hết con đường vòng đó. Chỉ mình thằng voi sáu nghìn chín trăm chín mươi chín không tuân theo lệnh của voi đầu đàn. Nó đã giẫm chết chim con. Thằng voi đó sau phải đầu thai làm quỷ sứ. Quỷ sứ sinh con đẻ cháu, đó là bọn xâm lược. Hoà thượng thăm cảnh chùa Hoà Phước được bốn hôm thì chú Tám lại quay về. Chú Tám hiện ra trước cửa chùa vào lúc nhá nhem, theo sau còn có một người lạ mặt. Hai người bước vào liền đóng chốt cửa. Hoà thượng đứng dậy ra đón. Ba người như đã biết nhau từ trước. Chú Tám trải chiếu trên nền gạch bên gian trái. Ba người yên lặng nằm nghỉ. ° ° ° Ban đêm tôi và thằng Cù Lao ngủ trong chùa. Chúng tôi trải chiếu trên nền gạch nằm dồn về một góc bên gian trái. Tiếng tụng kinh của ông Bảy Hoá đều đều nghe buồn thiu. Ngọn đèn dầu lù mù trên bàn thờ rải chung quanh những bóng chập choạng. Bọn ma quỷ trên tranh Thập điện Diêm Vương như sống dậy cứ thập thò. Mờ mờ bóng một chú ếch to bằng chiếc chum ngồi chom hỏm căng mồm rộng hoác. Tôi giật mình, bàng hoàng tỉnh giấc. Thì ra tôi vừa nằm mơ. Quanh chùa lặng im, im cả một làn gió nhẹ. Chân tôi bị chuột cắn nghe đau nhói. Có tiếng ai đang khấn vái trước bàn thờ. Tiếng rất khẽ. Chợt tôi nghe rõ: - Cặp gà trống thiến… chỉ huy lô-cốt… Cửu Cang… Tiếng thì thầm lại chìm xuống. Chợt nổi lên mấy tiếng loáng thoáng: - Tên là Nguyễn Văn Cục… ở xóm trên… Tôi giật thót. Có người đã gọi tên tôi. Tai tôi phút chốc đã vểnh cao, chõ về phía có tiếng nói, hứng mọi tiếng động nhỏ nhất. - Cái lô-cốt… vào bên trong… rõ được… Tôi biết đó là tiếng của vị hoà thượng. Một chốc sau có tiếng thì thầm, không phân biệt được tiếng của ai: - Lí trưởng là Cửu Cang. Thuyết phục nó. Chợt tiếng của hoà thượng Kiết Ma như vui lên: - Cặp gà trống thiến… Dâng bọn ở lô-cốt… Nhờ Cửu Cang đưa vào… Ta đi theo… Phải cho nó gà trống thiến. Tiếng cười khe khẽ. Một vật gì rơi đánh đốp trên bàn thờ. Tất cả trở lại im lặng. Tiếng chú Tám hỏi: - Địa bàn có chưa? - Đủ rồi, gọn! Có tiếng mở cửa rồi tiếng bước chân đi mờ dần trong đêm tối. Sáng hôm sau chú Tám và người lạ mặt đi đâu mất. Hoà thượng Kiết Ma ở lại chùa. Tôi nhìn hoà thượng thấy như có một cái gì khác trước vì trước kia hoà thượng luôn luôn dạy bảo tôi và thằng Cù Lao không nên bắt chuột, không nên giết hại một con kiến. Hoà thượng cũng không ngớt khuyên bảo mọi người chỉ nên ăn dưa với muối, nay giữa khuya lại bàn việc mua gà trống thiến và phải cho ăn gà… Buổi sớm hoà thượng đến dạo chơi chỗ cây sung. Tối đến tôi thấy hoà thượng bước ra trước cửa chùa rồi tan biến trong cõi hư vô mù mịt. Khắp làng xóm cũng chẳng còn những ngọn lửa bếp reo vui hoặc những ngọn đuốc múa nhảy. Chưa mờ sáng, chú Tám lại quay lại chùa. Chú khụt khịt thở to coi bộ mệt nhọc như vừa cuốc đất. Chú vừa nằm xuống thì chợt đâu anh Bốn Linh lại tạt vào chùa. Vừa nhìn thấy tôi, anh liền bảo tôi và thằng Cù Lao phải dậy thật sớm, theo dõi thật kĩ tiếng mõ đánh để chạy cắm nò và rút nò. Tôi cũng rất ngạc nhiên là anh Bốn Linh như đã quen thân với chú Tám đâu từ trước. Anh bàn rất thoải mái về chuyện ông Cửu Cang được giặc đưa ra làm lí trưởng trước đây. Anh kể rõ cho chú Tám biết là vừa rồi ông Cửu Cang có nói với đồng bào. Ông nói như thế này: - Ông Một ở lô cốt bắt tôi đi tìm gà. Tôi biết chắc là thịt xào nấu ở đây là thịt chuột! Ở đây không có vịt gà! Bà con có vịt gà tôi không mách cho ông Một biết đâu. Bà con muốn nuôi gì cứ việc nuôi. Còn việc kê khai dân số, bà con chết đường chết sá tôi biết chi mà khai! Ông Một hỏi chi, tôi nói không biết. Tôi cam đoan như vậy, xin bà con cho tôi ở yên! Nói xong anh Bốn, chú Tám cùng cười. Anh Bốn vội vã đứng dậy để đi nơi khác. Trời vừa tảng sáng. ° ° ° Mới tinh mơ đã có tiếng mõ báo động, nghe rõ ba tiếng: cốc, cốc, cốc, to hơn mọi hôm. Thằng Cù Lao vụt chạy ra sông cắm cây nò. Trong chùa, ông Bảy Hoá, chú Tám đã thức giấc. Sau mái chùa, ngôi sao Mai chưa nhạt hẳn. Tôi định phóng theo thằng Cù Lao, đột ngột một tiếng “véo” vút qua đầu, tiếp theo là một tiếng nổ dữ dội. Hoà Phước như bị xé tan. Gió táp vào mặt. Khắp chùa tung lên. Lại một tiếng nổ khác rất đanh. Mái chùa như bị xốc. Một hòn ngói vỡ lăn lông lốc. Tôi hoảng quá, chỉ kịp chui trước ngách cửa. Một cột khói đùn lên ngay giữa đường làng. Pháo các nơi câu về Hoà Phước. Những loạt súng máy tằng, tằng! Tiếng cắc bọp, cắc bọp nổi lên ngoài bãi dâu. Các tiếng súng lẫn vào nhau gầm rít, hỗn loạn! Ông Bảy thét to: - Giặc tới kia kìa! Ông chỉ về phía bãi dâu. Một toán lính lô nhô đang trèo lên dốc bãi. Chú Tám bước đến, nhanh nhẹn chui dưới bàn thờ bên phải. Chú hất nhanh đồ đạc để dưới bàn thờ, đẩy chiếc mâm đồng ra một bên, giở cái nắp gỗ. Một cái hầm hiện ra. Chú Tám thu người nhảy xuống hầm. Ông Bảy chạy đến đậy nắp hầm lại, đặc chiếc mâm đồng lên trên, đặt mọi đồ đạc nguyên lại chỗ cũ. Ông gọi tôi: - Thắp hương lên các bàn thờ! Ông lấy áo cà sa khoác vào, đội chiếc mũ ni, đến ngồi trước bàn thờ gõ chuông tụng niệm. Ông Bảy ra dấu bảo tôi bước đến, nói xoắn vào tai tôi: - Nó bắn cũng nói không biết, nghe chưa! Cha mày bảo vậy đó! Các loại súng đang gào thét chợt im lặng. Bên ngoài có tiếng xì xào, tiếng quát, tiếng súng. Một tiếng nổ to trước cửa chùa. Cửa chùa ngả sập. Một bọn quỷ sứ xoè nanh xoè vuốt ập vào chùa. Tay cầm súng chĩa về phía trước, chúng dòm ngó, đi qua, đi lại. Ông Bảy vẫn ngồi im tụng niệm. Một đứa gầm lên: - Có Việt Minh đây không? Ông Bảy đứng lên: - Thưa, già chỉ biết niệm Phật, không biết Việt Minh là ai cả. Một thằng chĩa súng: - Có Việt Minh không? Ông Bảy vẫn bình tĩnh: - Không có! Tất cả ầm ầm kéo ra, dồn lại trước cửa chùa. Có tiếng hò hét bên ngoài. Chúng lại kéo vào: - Ông lớn ra lệnh phải sục cho kĩ! Việt Minh hay núp trong chùa! Một thằng rút lưỡi lê thọc vào các xó tường. Nó cúi xuống dưới bàn thờ bên phải, hất chiếc mâm đồng. Một chiếc mâm gỗ lòi ra, nó đâm mạnh lưỡi lê vào chiếc mâm gỗ. Chiếc mâm gỗ muốn bật. Nó hất thêm. Chiếc mâm gỗ bật lên lại rơi xuống chỗ cũ. Tim tôi như ngừng lại. Chú Tám vừa chui dưới chiếc mâm đó. Nó thét vào mặt ông Bảy: - Có hầm bí mật không? - Không có! - Tìm ra Việt Minh tao bắn chết! Nó sục một lúc, lại thét to: - Chẳng có cái mốc gì cả! Tôi thở phào! Chúng hú hí gọi nhau bước ra ngoài vườn chùa. Tiếng giày đinh xa dần. Tiếng tụng kinh của ông Bảy và tiếng chuông chùa cứ vang lên đều đều trong sáng sớm lẫn với tiếng súng nổ. ° ° ° Giặc chia thành ba toán quét Hoà Phước và mấy thôn lân cận. Một toán từ trên xuống, đi dọc mé sông Thu Bồn, đâm thẳng vào Hoà Phước. Một toán từ đường cái quan thọc lên. Toán thứ ba từ phía bắc thọc vào. Toán này khi đến chòm đa Lý bị du kích ta ném lựu đạn, chết ba đứa. Ở Hoà Phước chúng chĩa súng bắt bảy người. Thằng Cù Lao chạy cắm cây nò về chưa đến chùa giặc đã tràn đến. Bí quá, nó chạy dọc bờ bụi đến nép trong cây sung. Ở các thôn khác, giặc bắt mười một người. Tất cả đều bị tập trung ở cuối con đường cái vào đồn Giao Thuỷ. Chúng bắt mỗi người đào một cái hố. Đào xong, chúng bắt xếp thành một hàng dọc. Mười bảy phát súng nổ. Cứ mỗi phát súng là một người ngã gục. Còn lại người thứ mười tám, đó là ông Kiểm Lài, chúng chừa lại. Bắn xong, thằng chỉ huy sai chặt mười bảy cái đầu cho cắm trên mười bảy cây cọc, đóng thành hàng dọc bên con đường cái. Làm xong việc đó, giặc đuổi ông Kiểm Lài về, dụng ý để ông nói lại cho mọi người biết cách trừng phạt của chúng!