ăn, người yêu và rồi hôn phu của Liên, giống bọn con trai trong gia đình chúng tôi ở rất nhiều điểm, tiếc rằng phần lớn lại là những điểm không hay. Chàng ta phục sức ẩu tả không thua kém Du, hút thuốc lá nhiều gấp rưỡi và bệnh ngủ trưa còn trầm trọng hơn Du một bực. Về mặt ăn nói thảo luận khoa học, triết lý, chuyện đời và những vấn đề gàn và lẩn thẩn chàng ta xứng đáng là địch thủ của bất cứ ai trong chúng tôi. Văn tính tình lãng mạn và có những lúc bốc đồng bất tử. Hắn luôn luôn chạy theo những gì tuyệt đối ở trên đời. Thói thường, chạy quá nhanh bạt mạng, dễ bị vấp ngã, nhưng chứng nào vẫn tật ấy làm sao mà ngăn cản được một con ngựa rừng phóng lên phi nước đại, mỗi khi trông thấy một cánh đồng cỏ. Ngay khi cầm tay volant chiếc ô-tô hay tay lái chiếc lambretta hay xe Đức của chúng tôi, Văn cũng tự cho là phải đạt cho bằng được tốc lực tuyệt đối của chiếc xe, trong một thành phố đầy xe cộ. Trái với người thường hễ thấy đèn đỏ là tự động bớt tốc lực, Văn rất yêu màu đỏ -- chàng ta thích nhất Liên mặc một chiếc áo màu huyết dụ dù chiếc áo đó sờn độ vài ba chỗ -- vẫn dận ga tăng tốc lực lên lỏi, lạng bên này, bên kia để rồi cuối cùng tông vào đít một chiếc xe nào đó, hay hãm phanh dí mũi vào ông cảnh sát đứng gác ở ngã tư. Như ai nấy đều biết những ông cảnh sát đều không phải là hạng người đi tìm những cái tuyệt đối, ông ấy chỉ quan tâm đến những chuyện tủn mủn và khó chịu là viết những cái giấy phạt, ghi một số tiền rất tương đối hai chục đồng, ba chục đồng gì đó và sau khi lãnh đạm nghe những lời phản đối, lý lẽ dài dòng của Văn, chỉ nói gọn lỏn “Xin ông ba chục đồng tiền phạt. Nếu ông không chịu nộp ngay tôi xin tăng lên thành sáu chục đồng vì tội phá rối trật tự công cộng và cản trở nhân viên thừa hành công vụ”. Hễ nghe tiếng xe phanh két két ngoài đường mọi người gọi ngay “Chị Liên! Anh Văn tới kìa”, trăm lần không sai một. Trong gia đình phe đàn bà ai cũng ngại ngồi trên xe Văn cầm lái, duy chỉ có Sơn là khoái tài lái (xe bay) của Văn mà thôi. Lần nào theo Văn đi bơi về, Sơn cũng khoe: - Ái chà! Hôm nay mới thật nhiều thành tích. Anh Văn tài ghê, chẹt chết một con chó, một con gà; làm ngã bổ chửng một cô solex và hai cô thật bự đi xe đạp đèo nhau. Anh Văn còn huých vào một chiếc xe “tắc-xông-ăng-a-văng” phải đền mất hai trăm đồng và cãi nhau loạn xạ hai ba bận với các tài xế tắc-xi. Họ chửi bọn này ầm lên. Du hỏi Văn: - Thế anh không có phản ứng gì à? Văn nhũn nhặn đáp: - Có chứ! Tôi cũng chửi lại nhưng bằng tiếng Anh, họ không hiểu (Văn rất khá ngoại ngữ) Văn còn có một đặc điểm -- không hiểu nên cho là ưu hay nhược điểm -- chàng ta rất đa cảm và ưa làm những hành động ga lăng khác đời. Khi lên Đà Lạt chơi với một người bạn, Văn viết cho Liên một bức thư dài mười hai trang bằng tiếng Pháp. Lá thư mà Liên hì hục bỏ cả một buổi chiều, cộng tác với Lan để tra tự vị, vì thư nhiều chữ rất khó và đầy những sự ví von bí hiểm. Trong thư có một câu “Anh giống như cây cắc tuýt (cactus), khô khan, mọc lẻ loi giữa xa mạc mênh mông chỉ có nắng và cát và chỉ nở bông hoa một lần trong đời” (sic) Ở Đà Lạt về đến thăm chúng tôi, Văn vừa bước chân vào nhà Du đã chào một câu: - Kìa! Cây cắc-tuýt đầy gai của Liên đã về! Liên bước ra đón Văn reo lên: - À! anh Văn! Em có cái quà này cho anh. Liên cầm ngay một chiếc carte postale vừa mới mua về để trên bàn trao cho Văn, trên chụp mấy cây cắc-tuýt, mỗi cây có đến năm bông hoa. Lan trêu Văn: - Anh bảo tình anh chỉ nở một lần. Vậy bốn, năm lần trước sao anh không nói tới? Định dấu chị Liên hả? Văn cáu lắm nhưng đành cười xòa. Hắn cũng bắt đầu học được một tính tốt của bọn đàn ông trong gia đình tôi, đối với các cô phải phớt tỉnh, luôn luôn giữ miếng và đồng thời phải có một khả năng chịu đựng rất bền bỉ. Cũng như mọi chàng trai tấp tểnh làm rể một gia đình đông người, Văn bắt buộc phải chiều chuông các anh các em của người yêu. Kể đóng vai kẻ rắp ranh bắn sẽ đâu đó có phải là một chuyện dễ dàng và thú vị. Nếu mẹ tôi mời Văn đến ăn một bữa chả cá làm ở nhà, dù Văn rất ghét cá và mắm tôm, chàng cũng không dám nói ra, đành ngồi xem mọi người ăn, thỉnh thoảng gắp một miếng bún chấm nước mắm suông. Liên có hỏi giọng săn sóc: - Kìa! Anh Văn không thích món chả cá em làm với me hả? Văn vội cười gượng đáp ngay: - Đâu có! Chả cá ngon đấy chứ! Nhưng anh bị cúm từ mấy hôm nay nên trong người hãy còn ngây ngất. Thật ra Văn ngây ngất vì đói cồn cào. Me tôi tính cẩn thận nên làm bếp quá lâu, bắt chàng ta chờ đến gần hai giờ trưa để rồi vẫn không được ăn. Biết Sơn thích những “phát minh” nho nhỏ về máy móc và điện, Văn chở đến cho Sơn đầy một xe những cục pin lớn nhỏ của quân đội đã dùng rồi. Bộ óc giàu tưởng tượng của Sơn được dịp hoạt động mạnh mẽ. Trước nhất vì cho mình là một nhà thám hiểm kiêm thợ săn, lặn lội trong rừng sâu đầy nguy hiểm, âm u tăm tối, hắn chế tạo ngay mấy loại đèn pin lớn nhỏ với những công dụng khác nhau. Loại đèn thứ nhất hắn mắc lên chóp một chiếc mũ da cũ của ba tôi, vừa có thể soi sáng vừa có thể sử dụng hai bàn tay tự do để săn và đập muỗi trong màn hắn. Loại đèn thứ nhì mắc vào cái chổi dài để đập chuột và giúp trong màn thò đèn ra có thể tìm thấy đôi guốc của hắn giữa đám giày dép hỗn độn của mọi người trong gia đình, mà không cần bật đèn lớn lên. Hắn còn dùng một hộp pin lớn để chạy một chiếc quạt nhỏ xíu do chính tay hắn ghép thành và mắc ở đầu giường. Đêm đến cả nhà đang ngủ bỗng nhiên nghe tiếng sè sè, giật mình tỉnh dậy hỏi nhau con gì kêu mà nghe kỳ thế. Lan bảo chắc là con dế lớn đang gáy, Liên đoán có lẽ chim sẻ con lạc vào nhà, Du càu nhàu “Cái thằng quái ngáy to quá”. Thực ra đó chỉ là chiếc quát tí hon của Sơn, hắn mắc một đầu dây vào ngón chân, một đầu kia vào núm bật quạt và ngủ quên cựa mình, lúc làm quạt bật chạy, lúc tắt đi. Liên phải dọa mách anh Văn vào bảo anh ấy không cho Sơn pin nữa, nhà bác học kiêm kỹ sư điện học mới chịu dẹp cái quạt kỳ khôi phát ra những âm thanh (dế kêu) và chim sẽ non đó đo. Văn là một người rất dễ say mê, nhưng rồi sự say mê của chàng ta nguội lạnh cũng nhanh chóng không kém lúc nó nổ bùng lên (ngoại trừ tình yêu giữa Văn và Liên). Có hôm Văn mặc quần áo trắng để đánh quần vợt, nách cắp chiếc vợt mới mua đến nhà tôi và nhất định rủ Liên đi tập cái trò thể thao rất quý phái đó. Tuyên truyền một hồi Liên chỉ bảo “Em thích chơi quần vợt lắm, chỉ ngại nỗi một cái ra nắng... đen da xấu lắm”, Du thì chú ý đến luật lệ đánh quần vợt, còn cái việc cầm vợt lên đập vào quả bóng bay sang phía bên kia, hoàn toàn không thích hợp với một người ưa suy tưởng như hắn. Sơn hăng hái nói “Để em đi với anh Văn”. Cả nhà la ầm lên vì nếu Sơn nhất định mặc cái quần blue jean đầy dầu mỡ, mang đôi dép săn-đan da dầy và cứng và khoác lên người cái áo ca-rô đỏ vằn đen của hắn xuất hiện tại hội quán, hắn sẽ làm mất hết tính cách “quí phái” của cái trò thể thao rất hay ho kể trên. Văn hơi bực, nhưng nhất định chiều nào cũng vác vợt đến hội quán một mình, cho đến hôm cuối tháng túng tiền Liên, Lan đòi thết một chầu cơm tây, xi-nê, Văn bán phăng chiếc vợt lấy tiền chiều các cô. Cuộc đời thể thao gia của Văn kết liễu ngay sau buổi cơm tây đó. Dạo mới đi ngoại quốc về, Văn mua một tá áo sơ mi đủ mầu. Nhiều chiếc hắn chưa kịp sỏ tay đã có người bạn đến hỏi “Mày! Cho tao mượn tạm cái áo sơ-mi, mặc đỡ trong mấy ngày ra cấp với cái em”. Văn vui lòng cho mượn ngay, hắn rất tốt đối với bạn. Ít lâu sau, Văn hết cả sơ-mi, khi gặp một thằng bạn mặc chiếc áo màu nhã nhặn, Văn sờ sờ vào tay áo khen: - Chà! Cái áo bảnh quá! Chú mày may ở hiệu nào vậy? Tên bạn sa sầm mặt, tưởng Văn mỉa mai hắn, vì chính chiếc áo đó hắn lấy của Văn trước đây. Vì tính đãng trí Văn mang tiếng là đã cho bạn mà còn tiếc rẻ đòi khéo. Sau khi đã cùng nhau tỏ tình và Văn đã được gia đình tôi chính thức công nhận là hôn phu của Liên, Liên và Văn bước vào một giai đoạn mới không thiếu những chuyện êm đềm, cũng như những chuyện rắc rối và ngộ nghỉnh. Hai bên đều tìm thấy ở nhau những điểm mới lạ, trước kia không ngờ tới. Văn khám phá ra Liên không phải lúc nào cũng diêm dúa thích trang điểm và làm đẹp. Nhiều lần đến thăm Liên vào những lúc bất ngờ như sáng sớm và đêm khuya chẳng hạn, Liên mắt nhắm mắt mở ra đón Văn, đầu lởm chởm những cặp tóc trông chẳng khác nào một con nhím, mặt bóng loáng vì bôi kem nuôi da, áo thì đứt gần hết khuy và thay vào đó những chiếc kim băng, hoặc hở hang đến nỗi Văn phải kêu lên: - Liên ạ! Em có cái lưng đẹp thật đấy! Nhưng à... à... có lẽ để khi nào chúng mình lấy nhau rồi hãy cho phép anh thưởng thức. Hơn nữa nhờ me tôi và chúng tôi làm hắn “sáng mắt ra” nên Văn cũng biết ngay, ngay từ nhỏ Liên cũng đã tỏ ra không phải là một cô gái hiền dịu như hắn tưởng, Lan mách: - Anh có biết cách đây mấy năm chị Liên dữ và ác ghê lắm. Chị ấy kiểm duyệt hét các báo chí rồi mới cho phép Lan xem. Chị ấy lấy thuốc lá của ba châm thủng tất cả hàng chữ chị ấy cho rằng Lan bé quá không được đọc. Báo nào qua tay chị ấy cũng biến thành một cái tổ ong lỗ chỗ. Anh đã ngán chưa? Du tố cáo thêm: - Khi nào cãi nhau Liên có dọa tự tử anh đừng có sợ. Hồi bé cô nàng có biệt tài về nghệ thuật tự tử nhiều lần mà không chết. Chẳng hạn tự tử bằng lá trúc đào pha với dấm. Thứ cây kiếm được cũng khó, vì hình như thành phố Sàigòn không đâu có trồng. Còn bằng cách tuyệt thực trong gia đình kê một cái trạn lớn đầy thức ăn như gia đình tôi, e rằng khó thực hiện đấy! Văn nghe Du nói thế, lộ vẻ băn khoăn hỏi: - Vi sĩ quan có quyền, nên tôi có giữ trong nhà một khẩu súng lục, không biết Liên nhỡ ra... Du vờ suy nghĩ một chút, đoạn xui Văn hãy trình bày vấn đề với Liên xem phản ứng cô nàng ra sao. Văn chưa kịp làm theo lời Du, thời chỉ mấy hôm sau hắn đã có dịp sử dụng khẩu súng đó trong một trường hợp vừa khôi hài vừa bi kịch: Câu chuyện đầu đuôi như sau: Đêm Noel, Vằn cùng hai cô em họ và dăm ông bạn của Văn và vài ông bạn của mấy cô em, đến rủ anh em chúng tôi đi dạo một vòng quanh Catinat Bonard, xem lễ nửa đêm ở nhà thờ và cuối cùng trở về nhấm nháp một cây buche Van đã thửa trước một tiệm bánh ngọt có tiếng. Trong bữa cơm chiều Liên, Lan, Sơn bảo nhau ăn lưng lưng dạ dày, vì nghe đồn cây củi Noel của Văn là một loại củi tạ rất lớn. Bọn chúng tôi nghiêm trang đi trên hè phố khiên ai cũng dòm ngó chỉ trỏ. Thật đúng mỗi người một vẻ. Tôi và Văn mỗi người ngậm một điếu thuốc dài nghêu. Mấy bộ complet mùa nực lại vừa đưa hấp chưa kịp lấy về, nên Văn đánh một bộ complet mùa rét đen xì và dầy cộm -- ý hẳn chàng ta nghĩ Noel là lễ của người Âu có tuyết rơi băng phủ, mặc len dạ cho thêm phần thi vị. Du mặc bộ xanh nhạt của tôi tặng hắn, vừa rộng rãi vừa dài dĩ nhiên vừa nhàu vừa thiếu sạch sẽ... Sơn lừng khừng đi sau bọn chúng tôi một quãng. Hắn cũng mặc complet thắt cravate cẩn thận, nhưng chân đi dép, vì lôi hết giầy của bọn đàn ông trong nhà ra thử không đôi nào vừa với chân hắn, như vậy cũng mát. Mấy ông bạn Văn phục sức rất chững chạc và hợp thời trang, tuy nhiên họ kèm sát hai bên cô em họ Văn, chốc chốc lại ném về phía tôi và Du những cái nhìn nghi kỵ và đe dọa, vì chúng tôi dám tỏ ra thân mật và lại dám xưng “anh” với hai nàng. Còn về phe nữ, Liên diện một chiếc xiêm hàng satin trắng mới may, tôi bỏ tiền ra và bạn Văn thân hành vẽ kiểu. Khi mặc thử ở nhà Du phê bình “có vẻ tầu tầu”. Tôi không đồng ý vì thấy giống kiểm xiêm xòe xòe như mấy thiếu nữ Tây Ban Nha, chỉ có Văn khăng khăng xiêm đúng hết thiếu nữ Ba-lê 1960, ngắn ngang đầu gối. Xin nhắc cũng chính cái xiêm của Liên và bọn tôi không đồng ý giống y phục nước nào, đã đẩy một viên đạn súng lục bay lên trời đêm đầy sao của đêm Giáng Sinh năm đó. Dạo chơi ngoài phố: Văn hơi ngạc nhiên khi thấy các chàng trai trẻ hau háu nhìn mặt Liên rồi hạ tầm mắt xuống ngắm chiếc xiêm hơi ngắn và rồi cười với nhau. Chúng tôi nghe hắn hỏi: - Liên à! Hình như xiêm của em mới co vào ngắn thêm thì phải. Hôm em thử ở hiệu đâu có thế. - Có gì lạ! Em bảo thợ máy nâng thêm lên một gấu nữa đấy... - Sao em không cho anh biết trước? Ngắn quá e... hơi lố. Liên bắt đầu cáu: - Ngắn thì ngắn! Mặc kệ cái xiêm của em. - Mặc sao được! Em đang mặc nó kia mà... - Mặc em! Du lừng khừng bàn góp một câu khiên các cô đỏ mặt: - Có gì! Cởi phăng nó ra là hết cả ngắn lẫn dài. Văn mặt hầm hầm, xăm xăm đi trước hẳn Liên mấy bước. Từ đó trở đi hễ thấy chàng trai nào dám nhìn Liên quá chăm chú, hắn trừng mắt nhếch mép cười gằn một tiếng. Để trêu tức Văn, Liên chốc lại nghiêng nghiêng cái đầu, thưởng cho những kẻ chiêm ngưỡng sách đẹp của cô nàng một nụ cười duyên. Bỗng nhiên một thanh vì mãi nói chuyện với một người bạn đâm xầm vào Văn. Văn dừng phắt lại xẵng giọng: - Anh để quên kính cận thị ở nhà phỏng? Chàng kia nhã nhặn xin lỗi. Văn nhếch mép mỉa mai: - Ông tưởng xin lỗi là đủ hở? - Thưa ông! Tôi nghĩ thế rất đủ. - Thưa ông! Ông nghĩ gì mặc ông, theo tôi “chưa đủ”. - À! Ông muốn cố ý gây sự? - Tôi không muốn gây sự. Tôi “đang gây sự”. Sơn theo dõi những câu đối đáp giữa Văn và Xuân (chàng thanh niên đó là Xuân, bạn tôi) có vẻ rất thích thú. Hắn thì thầm bảo Lan: - Hai người đánh nhau khéo anh Văn thua mất. Anh Xuân bụng bự hơn, nhưng bộ áo da của anh Văn dày hơn có bị đấm cũng đỡ đau. Thấy tình hình đã gay go, Liên vội đến gần hai chàng can thiệp: - Kìa anh Xuân! - Chết chửa tưởng ai hóa cô Liên. Cô mặc đầm trong lạ hẳn đi. Cô cho phép tôi khen: chiếc xiêm cô mặc thật lộng lẫy! Nghe đến chữ “xiêm”, Văn trừng mắt: - Xin ông làm ơn để cái xiêm của vị hôn thê của tôi yên. Xuân tỉnh như không, hơi nghiêng đầu kiểu cách và nhìn Liên: - Tuy ông không đồng ý nhưng tôi vẫn thấy nó rất đẹp và hợp với cô Liên. Văn dằn giọng: - Tôi thấy nó xấu! Tôi và Du vội can hai người ra. Du an ủi Văn “Anh để ý đến chuyện vặt ấy làm gì cho mệt. Tôi cũng đồng ý là xiêm của Liên hơi ngắn, nhưng cái xiêm đâu có quan trọng, cái chứa đựng trong cái xiêm mới đáng ta lưu ý chứ”. Tôi thì khôi hài bảo Xuân “Cái xiêm của Liên thật lộng lẫy! Nhưng dù các anh có đánh nhau vỡ đầu sứt tai, nó cũng không vì thế mà lộng lẫy hơn kia mà”. Tuy được an úi Văn vẫn chưa nguôi hẳn. Hắn lên giọng kẻ cả chỉ trích Liên một thôi một hồi cho hả giận. Nào là Liên coi vị hôn phu chẳng ra gì, thiếu tế nhị, hay thay đổi và không bao giờ chịu hiểu người mình yêu..v.v... Du gật gù đồng ý tất cả những ý kiến của Văn, không cười và mặt tỉnh khô: - Anh cam đảm thật! Tôi không hiểu sao anh có thể yêu nổi một cô gái nhiều tính xấu như Liên. Anh mới biết Liên chứ tôi đã chịu đựng nó từ 20 năm nay. Liên còn nhiều khía cạnh ly kỳ khác mà anh chưa biết đấy... Hắn lừng khừng kể liên tiếp: - Nó vừa ích kỷ lại vừa nhẹ dạ, đầu óc rỗng tuếch, tình cảm thời khô khan lạnh như băng, đã thế lại ăn tham, bướng bỉnh thích làm đỏn xa hoa và lười không thể tả được... Văn bắt đầu cảm thấy lo ngại, nghi ngờ nhìn Du không hiểu Du nói đùa hay nói thật. Chẳng lẽ người tình lý tưởng của hắn lại tệ đến như vậy. Hắn yếu ớt phản đối: - Kể ra anh nói thế cũng hơi quá!... Ờ! Ờ!... Liên có bướng bỉnh thật nhưng điều đó chứng tỏ Liên có bản sắc khác người. Liên có tâm hồn dể cảm xúc đấy chứ, tuy có ích kỷ nhưng rồi tình yêu sẽ khiến Liên bớt đi. Một lát sau, Văn biện hộ cho Liên hăng hái đỏ cả mặt lên. Hắn còn dám kết tội vì Liên yêu hắn tha thiết nên Du bực mình và cố ý tìm cách làm giảm giá trị cô em gái. Cuối cùng Du cười xì xì bảo Văn: - Ê này bồ! Sao anh không mang những lời tán tụng đó đến nói với Liên. Nó đang xịu mặt đi lủi thủi cô độc một mình ờ đằng kia kìa... Văn đỏ mặt và ngượng thực sự vì sự mâu thuẫn của hắn. Tuy nhiên Liên, Văn cũng không ai chịu nhượng bộ và đến khi hai cô cậu trèo lên một chiếc tắc xi ra về, thấy hai người ngồi cách nhau đến một thước tây, chúng tôi đoán khoảng cách thiếu lãng mạn đó chứng tỏ họ vẫn găng với nhau. Xe của chúng tôi vừa đỗ trước nhà của Văn, chúng tôi còn chờ nhau vào một thể, thời một tiếng súng nổ ở trên gác thượng vọng xuống. Các cô ngơ ngác nhìn nhau, Lan cuống quýt dục: - Chết chửa! Các anh lên tiếp cứu mau lên chứ! Không khéo anh Văn bắn chết chị Liên... Mọi người nhất là các ô lao xao bàn tán: - Hay anh Văn tự tử? - Trời!... Có ông nào đi báo cảnh sát hộ. Vừa đề cập đến việc báo cảnh sát, Sơn đã té chân chèo định chạy đi, nếu tôi không lôi hắn lại kịp, Sơn dám thực hiện liền, hắn rất ưa những chuyện ly kỳ có súng nổ, có máu chảy. Một cô đưa ý kiến: - Liên không bắn ai đâu. Ít nhất cũng phải ăn xong chiết buche, cô nàng mới đủ can đảm... Tôi đưa ra ý kiến có lẽ hữu lý nhất: - Hay có kẻ trộm lẩn vào nhà. Khi hai ông bà ấy về nó bị lộ tẩy nên vớ súng bắn cả hai người... Mấy ông bạn của hai cô em Văn đã vội vàng sắn tay áo, lên gân cốt tình nguyện sô lên gác bắc trộm. Nhưng sự thật khác xa tưởng tượng. Khi chúng tôi lên gác thượng thời chẳng thấy xác chết, không có vũng máu nào đọng trên sàn gác, cũng không thấy bóng một anh trộm! Chỉ có Văn, Liên ôm nhau thủ thỉ ngoài sân thượng dưới bầu trời sao lấp lánh. Hỏi ra mới biết vừa về đến nhà Văn, Liên cãi nhau một trận linh đình, Liên bị Văn mắng là “lẳng lơ” nên tát Văn một cái, mắng trả “vũ phu”. Văn nổi xùng hăm hở chạy vào nhà rút súng lục ra khỏi vỏ, hăm hở chạy ra sân nhưng chắc thấy “nạn nhân yêu kiều” của mình mặt tái mét, chàng ta không nỡ. Nếu quay súng bắn mình nhỡ chết thật, đâu còn sống để hưởng đời bên người đẹp, nên Văn bắn đại một phát... lên trời. Trước một viên đạn đầu tiên bắn ra vì mình, tuy không chết ai, chắc Liên cảm động lắm và rơi vào hai cánh tay khỏe mạnh của Văn. Để gán cho viên đạn một lý do dù nhỏ bé nhất, chúng tôi về sau hễ nhắc lại câu chuyện hi hữu trên lại chế Văn là “bắn vịt trời trong đêm Noel”. Thật ra chúng tôi không được ăn cháo vịt trời của Văn bắn rơi nhưng thay vào đó, để chữa thẹn Văn đã mời tất cả mọi người ra hiệu chén một bữa cháo gà thật ngon. Từ khi yêu Liên, Văn cũng còn tìm thêm một nguyên tắc -- mà chúng tôi đã rõ từ lâu -- hay nhất nên theo khi tranh luận với các cô là... thua ngay từ đầu cho đỡ mệt. Đằng nào cũng vậy chẳng thua trước cũng thua sau, đó chỉ là vấn đề thời gian. Mà thời gian là thứ các cô bao giờ cũng hoang phí, không hối tiếc nhất là thời gian của người khác. Một tối thứ bảy, Văn phóng xe đến, lái xe trèo phăng lên bờ hè, hãm đánh kẹt ngay cửa, chạy vội vào, tay cầm một nắm vé gọi: - Liên! Em mặc quần áo mau lên! Anh thết cả nhà một chầu xi nê. Nghe đến xi nê, Liên tươi hẳn mặt lên. Nhưng khi Văn tuyên bố sẽ xem một phim trinh thám, Liên xịu mặt lạnh lùng đáp: - Em không đi đâu! Văn dơ vé ra: - Nhưng anh mua sẵn vé rồi! Liên quay mặt đi. Văn gọi thế nào cũng không ngoảnh mặt lại chỉ nói gọn lỏn: - Mọi người ai đi thì đi. Em ở nhà một mình. Văn quay sang cầu cứu Lan: - Lan khuyên chị Liên đi chứ! Phim hay lắm! Anh suýt phải đánh nhau với mấy chú cao bồi mớ lấy được vé đấy! Lan tuy ngần ngại vì chính Lan cũng không ưa phim trinh thám, nhưng cũng lại bên Liên thì thầm. Liên đẩy Lan ra gắt: - Bảo với anh ấy là chị đau bụng. Văn đã có vẻ nóng mặt, đứng giữa nhà với mấy cái vé. Chàng ta xẵng giọng: - Liên! Anh hỏi lần cuối cùng có đi hay không? Liên nói một mình giọng mỉa mai: - Dễ thường không đi đã chết ai! Họa chăng mấy con vịt nữa bị bắn chết là cùng... Văn vứt vé xuống bàn, hùng hổ ra cửa, nhảy lên xe rú ga rầm rầm và phóng xe từ trên bờ xuống đường khiến mấy thanh niên học sinh hàng xóm tưởng có xe cộ đâm nhau xô cả ra cửa xem: Sơn cầm luôn hai chiếc vé lên gọi Du: - A ha: Anh Du đèo Sơn đi xem đi! Liên quay phắt lại quắc mắt quát: - Để yên vé đấy! Cấm đụng tay vào. Sơn cười hí hí, cổ rụt lại, dơ vé lên ánh sáng lẩm bẩm: - Sao lại cấm đụng vào! À hay vì vé xem phim trinh thám nên có tẩm thuốc độc. Liên nhỏm dậy xông lại gần Sơn, tay dơ cao đe dọa, Sơn chỉ vội ra cửa: - Anh Văn trở lại kìa! Anh xem chị Liên hiền và thùy mị không? Văn vừa quay xe trở lại. Lúc ra đi ồn ào bao nhiêu lúc quay về hắn lại êm ái bấy nhiêu, chẳng ai biết. Văn bước vào phòng ngồi phịch xuống ghế. Liên bỏ vào giường nằm ôm cái gối. Năm phút, mười phút rồi mười lăm phút trôi qua. Mấy chiếc vé xi nê nằm trơ trên bàn giữa nhà không kẻ đoái người hoài. Văn làm ra vẻ thản nhiên, ngồi nói chuyện luật với Du. Liên nằm ở giường chốc chốc lại nấc lên một tiếng, chân tay bức rứt đập xuống giường như người nằm phải một tổ kiến lửa Phi Châu. Sau cùng, ba tôi từ trước đến giờ vẫn ngồi xem sách, lừ đừ đứng dậy, lại gần bàn, cầm mấy chiếc vé lên xem. Ông cụ cau mặt lại, chắc vì đọc thấy hàng số năm chục đồng trên vé balcon. Ông củ ngẩng đầu nghiêm khắc nhìn Văn và dặng hắng một tiếng. Văn lúng túng ngượng nghịu như người bị bắt quả tang đang làm chuyện phi pháp, bật đứng dậy sáp lại gần chỗ Liên nằm. Văn thì thầm những gì bên tai Liên không rõ. Bỗng nhiên Liên tuyên bố giọng bi thảm: - Anh không yêu em nữa rồi! Văn ngạc nhiên mặt ngớ ra. Chắc hắn tưởng gần đây Du bắt gặp hắn đi chơi cùng với các cô xinh xinh ở cạnh nhà, về mách Liên, nên Liên giận hắn. Văn buộc miệng: - À ra thế! Liên nghi ngờ nhìn Văn: - Như thế là như thế nào? Văn lúng túng bào chữa: - Như thế có nghĩa là... à... à anh với mấy cô đó chỉ là bạn. Liên nhỏm dậy hỏi dồn dập: - Mấy cô nào đối với anh chỉ là bạn? Du dặng hắng một tiếng nhìn Văn lắc đầu, một ngón tay để lên miệng Văn vội đánh trống lảng: - À! Anh tưởng em muốn nói tới mấy cô chào anh hôm chúng mình đi xem lễ Noel ở nhà thờ. Liên ngẫm nghĩ một chút đoạn hỏi: - Có cô nào đẹp bằng em không? Văn khôn ngoan đáp ngay: - Một cô mắt hiếng, một cô mũi tẹt và một cô bự bằng me ấy! Tôi và Du phì cười vì không ngờ từ dạo quen Liên, Văn lại học được cái lối nói dối vừa nhanh vừa giỏi đến thế. Thấy Văn cam đoan các cô bạn hắn xấu hơn mình, Liên yên tâm lắm, quay trở lại chuyện xi nê. - Em bảo anh không yêu em vì đến việc nhỏ nhặt như lấy vé xi nê anh còn không thèm hỏi ý em. Sau này lấy nhau anh còn coi em ra gì nữa. Sao hôm nọ anh hứa bất cứ chuyện gì liên can tới anh đều liên can tới em cơ mà... - Em đòi hỏi nhiều quá! Thỉnh thoảng em cũng phải hy sinh một thú vui nho nhỏ để chiều anh chứ! Một người vợ khôn ngoan kiểu mẫu phải chiều chồng... Sau một nửa giờ đồng hồ hùng hồn giảng giải cho Liên một bài học luân lý về sự hy sinh cao cả của một người vợ lý tưởng, hạnh phúc hòa hợp của một cặp vợ chồng biết nhường nhịn nhau và nghe những tiếng “dạ” mát lòng mát ruột, những cái gật đầu thán phục kèm theo câu nói rất ngoan “anh phải lắm” của Liên, Văn chắc để chứng tỏ hắn cũng là một người yêu, có thể so sánh với người vợ lý tưởng hắn vừa ca tụng, chiều Liên lái xe đi trả vé xem phim trinh thám và mua vé xem phim tình cảm mà Văn vừa xem chiều hôm qua với mấy cô em và đã thề lấy thề đề là “không bao giờ đi xem một phim rẻ tiền như thế nữa”. Văn hí hửng tưởng đã cảm hóa và chinh phục được Liên. Ngờ đâu hắn đã mắc mưu đàn bà. Hắn đâu biết phụ nữ chỉ cần đạt tới kết quả... bằng đủ mọi phương tiện. Trong thời gian cưới của Liên-Văn, gia đình tôi thật ồn ào vui vẻ. Mọi người thi đua mời mọc lẫn nhau. Hôm nay Văn mời chúng tôi đến dự sinh nhật của Văn, thời mấy hôm sau Liên mời Văn và mấy cô em họ đến dự một bữa bún thang sinh nhật của Liên và... Lan. Chẳng phải tình cờ hai chị em sinh cùng một ngày một tháng, nhưng đó là sáng kiến tiết kiệm của me tôi. Khi Liên ngỏ ý muốn ăn sinh nhật, me tôi ngẫm nghĩ một chút đoạn bảo: - Bây giờ là cuối tháng cạn tiền rồi. để tuần sau me cho con tổ chức sinh nhật cùng với Lan một thể cho tiện. Ba tôi sốt ruột trước những buổi ăn uống vui chơi của chúng tôi đã có lần mỉa mai: - Sinh nhật với sinh nguyệt hoài! Thế hôm nào chúng nó an sinh nhật ông Doumer với bà đầm xòe. Hôm sinh nhật, Liên phần tinh nghịch phần tò mò nên mời tất cả những ông bạn trai có cảm tình với Liên đến dự xem nó ra làm sao. Điều ngạc nhiên là các ông không như mọi người tưởng, sẽ ác cảm và hầm hè nhau, trái lại chàng Xuân không những mang một bó hoa sen đến tặng lại còn trò chuyện rất tương đắc với Văn. Chàng ta còn xin Liên Văn cho phép đỡ đầu cho con của hai người. Chàng “không có gì lạ” quen Liên từ ba năm nay chưa bao giờ ngỏ một lời tình, hôm đó mới đủ can đảm thổ lộ mối tình tha thiết của chàng qua một lá thư dài dằng dặc. Đó là điều lạ lùng đầu tiên chàng “không có gì lạ” dám thực hiện và cũng là điều lạ cuối cùng. Buổi ăn sinh nhật đang lúc vui vẻ nhất, chàng ta lỉnh ra về. Không ai để ý đến sự vắng mặt của chàng ta. Chỉ có Lan biết và theo ra tiễn. Theo lời Lan tường thuật, thì đôi mắt nai của chàng ta buồn lắm. Chàng ta tâm sự sẽ lên Đà Lạt nghỉ dưỡng thân mấy tháng để quên mối tình tuyệt vọng này. Ngoài ra, các nhân vật quen thân sơ với chúng tôi đều có mặt khá đầy đủ. Không kể những nhân vật khác tuy đóng vai phụ thuộc nhưng cũng không kém phần linh động như: Chúc, anh chàng nhỏ bé trắng trẻo, nói chuyện dềnh dàng rất lâu và rất nhạt, nhạt đến nỗi tôi phải đặt cho cái tên là “chàng hạt đậu luộc”, vì quả thật không có một mùi gì lại nhạt bằng một hạt đậu luộc, dù đã luộc chín cẩn thận. Khiêm, cao lớn đẹp trai hát hay, nhảy giỏi chỉ có tật hay tuyên bố một cách nhũn nhặn là “Tất cả các cô đều... mê tôi”. Nghe hắn nói chuyện người ta có cảm tưởng tất cả những cô gái xinh đẹp từ 17 đến 35, tất cả các bà có chồng nhưng còn xinh đẹp ở đất Sài gòn, đều đã có ít nhất một lần gặp hắn và mê hắn. Nếu có ai hỏi: - Anh có biết Tuyết không? Khiêm trả lời không do dự một giây: - Có chứ! Có phải Tuyết có một nốt ruồi ở má bên phải? Trời ơi tưởng ai xa lạ. Hồi cô ấy mới mười bảy tuổi tôi dẫn cô ấy đi bơi mãi ở hồ Tây Hà nội mà... (Xin chú thích, cô Tuyết này thực ra mới có 16 tuổi và đẻ ở Sài gòn, chưa hề bước chân ra Bắc). - Anh có biết Hồng không? - Dĩ nhiên! Ngày trước cô ấy ở cùng phố tôi! Này! Đừng tiết lộ cho ai biết! Cô ấy viết cho tôi một tập thư dày đến 20 phân. Tôi chẳng buồn trả lời! Trong bữa sinh nhật Liên, biết tính khoác lác của chàng ta, tôi đã giả vờ hỏi Khiêm trước mặt mấy cô, để lừa Khiêm vào tròng: - Ê Khiêm! Nghe nói cô Thúy mê toa lắm phải không? Thúy cao cao, da trắng và ở số nhà 783/B đường N.T.C. ấy mà! Cô ấy hát khá lắm phải không? - Tưởng ai chớ cô đó tôi biết quá! Tôi luyện giọng cho cô ấy mất tháng. Dạo đi Đà Lạt tôi chụp cho Thúy nhiều ảnh lắm! Dán đầy quyển album ở nhà. Tôi liếc Hằng, gặng hỏi thêm Khiêm vì biết Hằng cũng ở phố N.T.C dãy lẻ. - Có đúng số nhà 783/B không? - Đúng chứ tôi đến chơi nhiều lần mà! Hằng tự nhiên nói: - Lạ nhỉ? Thúy nào ở phố N.T.C. mà tôi không biết. Mà... ở phố đó làm gì có số nhà 783. Nhà cuối cùng dãy lẻ chỉ đến số 415. Anh Lam quen cô Thúy à? - Đâu có! Thực ra làm quái gì có cô Thúy nào ở cùng phố Hằng. Tôi vừa tưởng tượng ra đấy. Cả bọn ồ lên cười. Khiêm im thin thít mặt đỏ lên như quả bồ quân và để chữa thẹn chàng ta ăn liền một lúc ba bát thang to tướng. Bữa tiệc của Liên, Lan rất thành công. Làm sao không thành công được khi có tất cả những yếu tố cần thiết: đàn bà xinh đẹp, rượu (dù chỉ là rượu bia), âm nhạc (mỗi người phải hát một bài và thi nhau hát dở và thi nhau vỗ tay khuyến khích người khác để đến lượt mình hát dở không sợ ngượng), một mối tình tuyệt vọng, một mối tình chớm nở (giữa tôi và cô em họ Văn), dăm ba thứ đổ vỡ (cốc, chén) và năm mươi bát thang vừa lớn vừa nhỏ. Thời chưa cưới bao giờ cũng đẹp... với điều kiện đừng quá kéo dài.