ÀO-TSÀ! Ngày tết đầu năm. Cái ngày trăm công nghìn việc đều xếp xó cả. Người ta bày ra hội hè đình đám, chè rượu tưng bừng để chung vui cùng vạn vật. Cái ngày mà linh hồn trai gái thanh niên thổn thức rung động theo tiếng kèn điệu hát, như cùng hòa với khúc nhạc xuân tình đầm ấm trong thiên địa gian. Cái ngày mà sương mù khí lạnh tiêu tan đi như một giấc mộng thê lương... Cái ngày long trọng ấy, từ sáng sớm, người ta đã kéo nhau đến bãi đất phẳng ngay trước nhà cụ tổng để dự cuộc tung «còn» năm mới. Cảnh bãi «còn» mỗi lúc một ồn ào náo nhiệt vì không những dân động Đèo Hoa lấy làm một cái bổn phận thiêng liêng phải đến dự cuộc, ngay những người ở các vùng lân cận, cũng chẳng quản băng rừng vượt suối, tìm lại mua vui. Các khu rừng chung quanh kế tiếp nhả ra những lớp sóng người cuồn cuộn, tràn lan... Trên nệm gấm thiên nhiên xanh dịu, áo xiêm, khăn yếm rỡ ràng san sát đủ các màu lạ vẻ kỳ. Đàn ông con trai, người nào cũng to lớn khỏe mạnh. Đầu họ quấn những khăn vải chàm mới tinh, hoặc thêu những đường sóng ngũ sắc, hoặc dính những bông hoa tròn bằng bạc. Mình mặc áo xanh dài viền ngũ sắc, chân bó kha cắt hồng. Người nào cũng thắt dao, cài trong những vỏ gỗ bị trổ hoa, vai thì đeo kèn lau buộc bằng dây chỉ sặc sỡ. Đàn bà con gái, đứng quây thành từng bọn, mặn mà tha thướt như những khóm hoa quí trong một cảnh vườn Thượng uyển. Trên những mái tóc mây bóng nhoáng, những chiếc khăn thêu quấn chểnh mảng mà hữu tình. Cũng có người để đầu trần, chỉ cài sơ mấy cành hoa rụng, nom lại càng mỹ miều khả ái vì đã phô hết được cái màu da đằm thắm, những cái trán sáng sủa, những cặp má hây hây, những nụ cười tươi, những cặp mắt lóng lanh dưới những nét liễu cong cong... Cổ và cổ tay người nào cũng nặng trĩu những vòng bạc, phản ánh triều dương, lập lòe rực rỡ. Tiếng kim sang sảng hòa với giọng nói dịu như hơi xuân, với tiếng cười dòn như pha lê, thành một thứ âm nhạc kỳ tuyệt... Trên bãi cầu, người đến đã đông lắm. Mấy ông đàn anh lúc đó mới tự trong nhà cụ tổng kéo ra. Cụ tổng Khoan, người già tuổi và danh vọng nhất, cầm một nắm hương đi đầu. Theo sau là hai đứa đồng nam đồng nữ bưng mỗi đứa một cái khay gỗ trên để tám quả còn làm bằng mo cau cắt tròn như đồng bạc, giữa cắm mấy chiếc lông gà nhuộm phẩm ngũ sắc. Cụ tổng làm lễ khai cuộc, đọc những lời khấn Trời, khấn Đất, khấn Núi, Sông, Thần, Thánh. Tà ma có thể giáng phúc, chiêu họa cho người. Rồi, cất cái giọng nghiêm trang đĩnh đạt, cụ hát một bài ca về tôn giáo, một bài Tụng thần ca rất cổ, truyền lại từ mấy mươi thế kỷ này. Bao nhiêu kèn lau nhất thời hoạ theo... Đám đông im lặng đến nỗi con muổi rừng bay nghe tiếng. Hát xong, cụ tổng điểm những người dự cuộc bắt sắp thành hai hàng, nam đông nữ tây, đoạn trao cho mọi bên tám quả cầu xanh đỏ. Trai gái cứ mỗi bên một cặp, lần lượt tiến ra giữa bãi đua tài. Cuộc chơi phảng phất như ta chơi quần vợt, chỉ khác cái là họ giao cấu bằng bàn tay. Bên nữ giao trước. Bên nam phải đón cầu trả hắt lại, cứ như thế độ mười lần. Bên nào để cầu chạm đất là thua. Mà, hể thua, tất phải trụt khăn, tháo vòng nộp phạt, cho đến lúc tan cuộc mới lấy về. Bên ngoài, khán giả hò reo khuyến khích, tiếng vang động như một cảnh chiến trường. Thấy ai đánh hay, họ gọi tận tên để khen ngợi. Ai bị hụt thì họ chê cười nhạo báng kỳ cho đỏ mặt tía tai. Những đấu thủ, vì vậy, phải hết sức trổ tài. Mà cả hai bên đều càng đánh càng dẻo, chạy nhảy càng lanh lẹn, cuộc chơi càng hăng hái vô cùng. Cứ hết mọi ván thi, sau tiếng hoan hô nhiệt liệt của công chúng, bao nhiêu kèn lau lại cử một khúc mừng phe đắc thắng... Trong đám đông ai cũng vui cười ấy, Cang-Ngrào thành ra một kẻ lẻ loi. Anh thẫn thơ khắp bãi cầu, chỗ nào các cô tụ hộp, anh cũng lần đến tìm tòi. Hơi thấy bóng người thiếu nữ nào ở xa đi tới, trái tim Cang-Ngrào cũng đập thình thình, hy vọng rằng bóng thướt tha kia tức là người mình đang mong đợi... Ô hay? Sao Peng-Lang không đến? Peng-Lang không đến thì Cang-Ngrào vui với ai? Anh nhớ rằng cũng ngày này năm ngoái, khi hai người chưa hỏi nhau, Peng-Lang đã đến bãi «cồn» sớm nhất, để tặng anh cái nụ cười đầu tiên của mùa xuân mới. Sau, Cang-Ngrào không thể gan được nữa, chạy lại hỏi ông trương: - Con không thấy Peng-Lang đâu? - Ừ nhỉ? Chẳng biết sao nó không đến, lại bận việc gì hẳn. - Ngày hôm nay còn ai bận việc gì nữa! - À thôi! Có dễ Hoài-Anh vào mừng tuổi, dị nó bắt ở nhà dọn rượu... - Hoài-Anh à? - Ừ... Cang-Ngrào đã thấy cái nhà của cậu ta ở gò Sắn chưa? - Có, con có thấy một lần. - Ồ nỏ, sang trọng quá đi mất! Cang-Ngrào yên lặng. Thốt nhiên, pháo nổ vang trời. Cuộc đánh cầu đã kết liễu. Trai gái đôi nào cặp ấy, kèn hát tự tình với nhau... Em đừng hẹn, Em đừng quá ngại ngùng, Anh cũng như Gà sống kia đi dạo khắp vùng, Gặp gà mái trên mặt đồng, đang bới đất. Gà sống lại ra chiều hấp tấp, Bới chán rơm, nhặt thóc gọi vang lên! Hễ có đôi, muôn việc đều nên, Vật vô tri còn biết vậy, đáng khen chăng là? Gặp nhau đây, ta lại với ta? Ước gì Như chim liền cánh, như hoa liền cành!
*
* *
Em cười như hoa xuan phô cánh thắm, Em nhìn như sóng gợn mặt hồ thu! Gặp em rồi, long ngớ ngẩn, ngẩn ngơ Trên cành trông nhện vuong tơ mà buồn.*
* *
Khúc ruột sầu như dao cắt làm đôi! Chỉ vì anh mà em những đứng ngồi khôn ôn. Lược biếng chải, cơm ăn chẳng thiếc, Ngẩn ngơ nhìn bóng chiếc khóc thầm... Núi rừng xa cách... bao giờ cho kết chặt dải đồng? Muốn đi tìm thấy cụ Tơ hồng mà hỏi cho ra? Cang-Ngrào nghe mọi người tình tứ, lòng càng đau xót. Cả tâm hồn như chìm đắm trong lớp mây mù. Anh thủng thằng trở về, ngẫm thấy rõ những sự thiệt hại do cái nhà lộng lẫy trên đỉnh gò kia đã ép anh phải chịu. Cang-Ngrào không thể đem lời nói diễn tả hết những điều mình nghĩ, nhưng anh cũng có cái cảm tưởng đau đớn rằng cái hạnh phúc đời anh đang gặp bước nguy nan. Ừ, đi lại mãi cái nhà ấy, Peng-Lang biết đâu rồi sẽ chẳng có những sự ham muốn không hay? Biết đâu rằng sau khi được nếm mùi xa xỉ, Peng-Lang sẽ chẳng đem lòng chán nản cuộc sinh hoạt thuần túy, đạm bạc chốn rừng xanh?