Tôi yêu những buổi chiều chung quanh một ngôi trường con gái. Buổi chiều vàng của niên thiếu? Buổi chiều mà thi sĩ Xuân Tâm đòi đổi hai mai lấy một chiều Buổi chiều chỉ đẹp khi nhuộm vàng nắng yêu Nghĩa là khi ta đón đợi người yêu vào những buổi chiều. Em đến thăm anh một chiều mưa mới thơ mộng. Chứ, một sáng mưa là vất đi. Cho nên, thi ca và âm nhạc của ta rất nhiều buổi chiều. Một nghìn bản nhạc thì có tới chín mươi chín bản vương vấn nắng chiều. Chiều ơi, chiều nay, chiều đi, chiều rơi, chiều bay, chiều tà, chiều buồn, chiều vàng, chiều tím, chiều xưa... vân vân... Với tôi, buổi chiều lý tưởng chỉ là buổi chiều Xuân Tâm, buổi chiều tôi đứng thộn mặt để tìm trong đó ít lời yêu. Cái buổi chiều mơ tưởng nhiều nhất là buổi chiều của cậu con trai vừa lớn thơ thẩn chung quanh ngôi trường con gái. Tôi yêu những buổi chiều đó. Hàng cây, bờ cỏ, bức tường, con đường, vệt nắng đều dễ thương lạ lùng.Ngôi trường người yêu của tôi đang ngồi mơ mộng tình yêu là trường Gia Long. Nàng học nhờ trường Trưng Vương di cư học chiều. Gia Long học sáng. Giá thuở vừa lớn của tôi, trường Trưng Vương nằm trên con đường nhỏ bé, yên lặng Nguyễn Bỉnh Khiêm như bây giờ, thì ngay cả cái chuồng khỉ sở thú cũng dể yêu. Tôi sẽ mua bánh mì, lẻn vào sở thú, kiếm một gốc cây nào sạch sẽ, trãi báo ra nằm. Vừa nhìn trời xanh trên ngọn cây cao vừa gặm bánh mì để tưởng nhớ người yêu. Tôi cho như thế là nhất. Ngủ một giấc dài.thức dậy lang thang đi chọc khỉ, chòng gấu, đùa voi, bỡn cọp... Nếu cổng trường chưa mở cho đàn bướm trắng bay tản mạn khắp lối về thì tôi còn có thể mua ngô rang, đứng trên cầu mơ, thả từng hạt nhử bầy cá đói. Ở trong sở thú, tôi sẽ khắc thơ Sang độc lên thân cây. Nghĩa là hoa, lá, cành bách thảo sẽ bị Sang Độc hết. Bằng thơ của thi sĩ Trương Chi Tôi sẽ diển tả một người đi tìm tình yêu qua hang hùm, miệng cọp. Tôi sẽ... rất tiếc.Bây giờ, Trưng Vương chỉ là tầm gửi trên Gia Long, chỉ là tu hú... học nhờ trường.Hạnh phúc tuyệt vời cho những cậu trai vừa lớn hôm nay có một ngôi trường con gái nằm ở cuối con đường bình yên nhìn sang một khu rừng ái ân tưởng tượng. Một giờ " pẹc ma năng '' sẽ là ngàn giờ thần tiên. Bước chân trên lớp lá khô, ngoái lại nhìn đôi mắt nai của người yêu sẽ thấy mùa thu Lưu Trọng Lư hiển hiện. Nhưng hạnh phúc đó đã bị phá tan bởi tiếng động cơ Honda, Yamaha, Suzuki... Cậu trai vừa lớn hôm nay thích ồn ào. Cậu gỡ ống hãm thanh, lạng xe qua những ngôi trường con gái. Tiếng nổ nhức tai tình yêu. Lối biểu diển xe dọa cán tình yêu. Và tình yêu trốn chạy. Những buổi chiều ở quanh trường con gái hôm nay không đẹp, không phải là chiều vàng như những buổi chiều ở quanh trường con gái hôm xưa, thuở tôi vừa lớn.Thuở tôi vừa lớn, vùng tình yêu không có tiếng động của xe gắn máy. Tôi đi qua đó nhiều lần, lần nào cũng là lần đầu rung động, ngượng ngùng, bẽn lẽn cơ hồ một cô gái đoan trang đi qua một đám đông trai trẻ. Hỡi gốc cây me già ngã tư Phan Thanh Giãn - Bà Huyện Thanh Quan! Còn nhớ cậu trai mười bảy năm trước? Chúng tôi là người tình không chân dung của hàng ngàn học trò con gái. Chúng tôi yêu bất cứ cô nào dù chẳng cô nào yêu chúng tôi. Chúng tôi đuổi theo những tà áo, những màu áo. Yêu thầm lặng. Yêu chẳng dám tỏ tình. Mà vẫn tưởng mình bị ruồng rẫy, phụ bạc. Hỡi cô học trò H.H người tình có chân g của hàng trăm người tình không chân dung. Lúc này, cô đã con bế, con bồng. Cô chả bao giờ biết, yêu cô, có thằng bị bệnh thương hàn chết mất xác. Thằng này là bạn tôi... Khi hai ngón tay nó đưa lên bắt chuồn chuồn, tâm hồn nó sáng suốt vô cùng. Nó giăng giối một câu đe dọa, hãi hùng: - Đứa nào yêu em H.H của ông, ông sẽ giết.Cô H.H học trò Trưng Vương năm xưa, cô còn nhớ buổi chiều mưa tơi tả? Làm sao cô nhớ nổi! Thằng bạn tôi đạp xe theo cô. Đầu không mũ. Mình không áo mưa. Nó xông pha vào mưa gió chỉ để theo cô. Và nó nhuốm bệnh thương hàn, chết vì cô? Ôi, thằng bạn tôi si tình gấp ngàn lần Đoàn Dự. Hàng trăm thằng khác sổ mũi, nhức đầu, cảm cúm, cũng vì cô. Khối thằng bỏ học, sau này trở thành họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, cũng vì cô. Tôi đã cảm khái nhiều quá về những buổi chiều chung quanh một ngôi trường con gái năm xưa. Bây giờ, tôi đang đứng trong buổi chiều đó, dưới một gốc me già. Nắng vàng rữc rỡ; Với tôi, nắng chiều không hề vàng úa trong vùng tình yêu. Cách xa tôi hai chục gốc cây, Nhân cũng đứng dưới gốc cây me già. Nó ghếch chân lên thân cây, tay chống cầm ra chiều tư lự. Cách xa Nhân khoảng ngắn là Quỳnh. Còn biết bao cậu trai khác nữa. Họ cùng tâm trạng của chúng tôi. Tôi móc túi, lôi cái thời khóa biểu tình yêu ra lẩm nhẩm đọc: " Thứ hai, hình học, Đại số, Quốc văn và Quốc văn...'' Thứ hai, hôm nay là thứ hai. Chiều nay là chiều thứ hai. Người yêu của tôi sau khi chán nản vòng tròn, phân giác, bán kính, bình phương, pa ra bôn, đơn thức, đa thức, phương trình bậc hai,lại đang chán nản cái chí làm trai của ông già Nguyễn công Trứ trác tuyệt cách mấy cũng vất vã đi so với bài thì nặng khuynh hướng Sang Độc mà nàng sắp nhận được và sẽ len lén đọc. Tôi ước ao ông via của nàng kiểm soát gắt gao. Và nàng đem thơ của tôi vào cầu tiêu, học thuộc lòng, rồi xé vụn, giật nước để nước mang thơ Sang Độc xuống cống trôi ra sông, ra biển và từ biển, thơ Sang Độc sẽ mưa về nguồn. Thơ trôi ra biển, biển mưa về nguồn! Dạo này, sinh hoạt của chúng tôi bị xáo trộn bởi tình yêu. Ăn cơm trưa xong, ngủ một giấc dài, Nhân, Quỳnh và tôi thức dậy, tắm táp và xuống phố. Chúng tôi cuốc bộ dọc phố Bonard, xuyên qua chợ Bến thành, qua cửa nhà ga xe lửa, quẹo tay phải, đếm đủ cột đèn đường Trương Công Định, xuyên qua vườn Tao Đàn, men vỉa hè số chẳn đường Đoàn thị Điểm. Đến ngã tư đường Phan Thanh Giãn, mỗi đứa chọn một gốc cây mà đóng đồn. Tôi có hai đệ tử tình yêu: Nhân và Quỳnh. Hai thằng theo tôi để học tập yêu đương. Học yêu còn vất vả hơn học vỏ. Nhiều hôm chúng tôi bị con nhà Niệm chơi xỏ, vặn đồng hồ báo thức chậm lại hai tiếng. Lúc chuông reo, chúng tôi thức dậy, tưởng còn sớm, cứ thong thả như cậu Thu đi ở giữa đàng, gặp cậu Xuân gạ đánh khăng ấy. Chừng ngó đồng hồ chợ Bến Thành mới choáng váng. Thế là chạy. Chạy toát mồ hôi. Tới trường, trừơng đã vắng hoe, người yêu tôi về mất rồi. Hôm sau, nàng gửi một bức thư trách móc và tiếc rẻ đêm ấy ngủ thiếu mơ mộng vì không được đọc thơ Sang Độc của thi ssĩ Trương Chi! Tôi dám tự hào rằng, mười bảy năm trước, nếu người ta gửi tôi đi dự giải cuốc bộ hay chạy việt dã ở Thế Vận Hội, tôi sẽ phá kỹ lục thế giới. Không một giãi nào vinh quang bằng giải thưởng của tình yêu. Tôi đã đi nhanh, chạy chậm vì tình yêu, vì một lá thư của người yêu. Nhưng lại rửng rưng với việc làm, nơi làm lương hậu cho một gã thất nghiệp.Em đang học cuối cùng. Em chẳng học được gì cả. Tuần trước, tôi tặng em bài thơ mà dưới tên Trương Chi còn mở ngoặc đơn ghi thêm trong bút nhóm Sang Độc rồi khép ngoặc. Bài thơ này có hai câu coi như... sấm ký: Năm nay em sẽ trượt Vì mải chuyện yêu đươngTôi tin tưởng người yêu của tôi đang viết tên tôi kín các trong vở nháp. Bỗng nhiên, hồn thơ Sang Độc lai láng, tôi phải nuốt nước bọt ừng ực cho hồn thơ khỏi dâng lên. May mắn thay, vào đúng lúc hồn thơ Sang độc có thể quật ngã tôi thì chuông trường reo. Chung quanh tôi, những người bằng tuổi tôi vội vàng đổi thế đứng. Khuôn mặt họ hớn hở. Chắc trái tim họ đang reo vui. Nhiều cậu rút thuốc lá, bật diêm, hít hà hương khói một cách ngượng ngập. Nhiều cậu đi đi, lại lại, mặt cúi xuống nhìn giày. Những đôi mắt, ôi những đôi mắt của những chàng trai vừa lớn đi tìm tình yêu, sao mà quyến rũ thế! Tình yêu chỉ thơ mộng và chân thành trong những đôi mắt ấy. Cổng trường đã mở rộng. Đàn bướm chưa ùa ra. Nhân bước nhanh tới chỗ tôi. - " Ông '' ơi, tôi chờ ông ở đâu? - Mảy về à? - Chứ tôi biết đón ai? Một tháng liền đợi tình yêu dưới gốc cây hoài sao? " Ông '' dạy bí quyết đi! - Mày phải kiên nhẩn. - Kiên nhẩn một tháng rồi. Tôi sợ bị "ông '' Niệm cười thối mũi. - Mày đã " chấm '' em nào chưa? - Rồi. - Đẹp không? - Nhìn xa thì đẹp, lại gần mới hay em bị rỗ! - Thì kiếm em khác và theo em về tận nhà.Quỳnh cũng đã chạy lại. Nó hỏi tôi: - Mình sẽ nói thế nào để em biết mình yêu em?Tôi dạy nó: - Như mày làm bài luận ấy. Mở bài là thẽo. Thẽo hoài. Thân bài liếc và cười. Và kết luận là đưa vào tay em một lá thư. - Đưa bằng cách nào? - Đó là một nghệ thuật.Tôi dọa Quỳnh: - Không có nghệ thuật đưa thư tình, em liệng ngay tại chổ thì mày chỉ còn nước đợi chờ lấy một con vợ mắt toét, cả ngày ăn quà vặt hoặc là mày cạo trọc đầu đi tu.Quỳnh hoảng hốt: - Tôi sợ lấy vợ toét lắm, "ông ''ơi! " Ông '' truyền cho tôi một tí nghệ thuật đưa thư tình " ông '' nhé !Tôi hỏi: - Thế mày đã biết viết thư tình chưa?Nó thộn mặt: - Chưa! - Đêm nay tao sẽ dạy mày cách viết thư tình, lối viết thư mà ở trường học không ai dám dạy mày.Nhân nói: - " Ông '' dạy cả tôi nữa đấy.Tôi anh dũng đáp: - Tao sẽ mở " cua '' dạy hai đứa. Yên chí rồi chúng mày sẽ có người yêu. Thôi, về chỗ! Cố gắng " chấm '' mỗi đứa một em rỗ huê hay hàm răng dưới mái Tây Hiên. Chúc chúng mày đoạt thắng lợi.Hai môn đệ tình yêu của tôi chuồn lẹ. Bướm trắng đã lục tục ùa ra cổng. Phải đứng dưới một gốc cây trước cổng trường con gái vào một buổi chiều vàng niên thiếu mới cảm được hai câu thơ không hiểu của Nguyễn Bính hay Tạ Ký: Không biết là mưa hay nắng đây Một đàn bướm trắng nhởn nhơ bayBướm trắng Trưng Vương nhở nhơ bay. Mắt tôi nhảy múa. Nắng nhảy múa. Hồn tôi mát rượi. Mưa xuân rơi nhẹ xuống hồn tôi. tôi đứng đây. Bất động. Hồn đã lìa khỏi xác để nhập vào hồn một cánh bướm trong rừng bướm. Cánh bướm ấy, em Ngọc yêu dấu, em nữ sinh lớp đệ tứ trừơng nữ sinh trung học Trưng Vương, ngôi trường có nhiều em học trò đã làm vỡ tim những chàng trai Hà Nội? đang và còn làm vỡ tim những chàng trai Sài gòn một thuở vừa lớn. Hạnh phúc thay cho học trò Võ Trường Toãn bây giờ. Các cậu có thể đứng trên lầu cao, dựa ngực vào lan can, thả tầm mắt sang nhìn học trò Trưng Vương mà mơ mộng mà tìm đường vào tình sử. Các cậu đừng dại dột xuống đường chống đối. Hãy xuống đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ xuống đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia nhau từng gốc cây, thập thò chờ đón bươm bướm tan hàng. Đại lộ Thống Nhất đẹp và mênh mông. Quên hàng rào kẽm gai, quên các thầy đội xếp. Để tưởng tượng nắng phai dần, đường rộng hai chiếc xe đạp song song chạy bên lề đường. Tà áo tiểu thư bay nhẹ, gói chặt hồn chàng trai vừa lớn. Đi quãng đường là sống một quãng đời đáng sống.Em Ngọc ra cuối cùng. Những cô học trò đang yêu bao giờ cũng dùng dằng để ra cuối cùng. Như thế anh và em dể tìm nhau. Nàng giả vờ sửa lại sợi dây thun máng cặp sách trên cái ' pọc ba ga '' sau xe. Tôi đã thấy nàng. Nhưng không dám gọi. Làm sao tôi có thể nhìn rõ tôi lúc ấy như nữ sĩ Túy Hồng đã nhìn rõ nữ sĩ trên vách? Tôi nhìn tôi trên vách. Giá gốc cây người ta gắn một chiếc gương? Hay giá có ai lén quay phim cảnh chàng trai vừa lớn diễn tả nỗi xốn xang chờ đợi người yêu trước cổng một ngôi trường rồi chiếu cho tôi xem? Chắc tôi sẽ muốn tự tử. Vì tôi đã đóng thật hay, diễn tả trung thực sự ngớ ngẩn, ngu ngơ, thộn, cả quỷnh của vai trò ngớ ngẩn, ngu ngơ một cách... dể yêu. Ngọc đã phát giác ra gốc cây tôi đứng đợi. Nàng dắt xe trên vỉa hè. Nàng có vẻ khôn ngoan hơn tôi. Chờ nàng tới ngã tư Phan Thanh Giãn - Đoàn thị Điểm, tôi mới dời chỗ đứng. Lúc này tôi biết chân tôi bị tê. Tôi đi cà khật cà khưỡng, mặt nhăn nhó. Rồi tôi phải trả thù mặt đất bằng những cú giậm chân thật lực cho máu tiêu tan. Than ôi, cứ chiều nào cũng đứng đợi em, có thể, tôi mắc bệnh tê thấp! Khi tôi đến ngã tư, nàng đã dắt xe quẹo tay trái và đã đi tới Tòa Đại Sứ Phi Luật Tân. Tôi vẫn thẽo nàng cách xa hai ba chục thước cơ hồ một chàng trai thẽo một cô nữ sinh nào đó mà chưa được cô ta yêu. Thỉnh thoảng, nàng ngoái nhìn tôi. thì tôi vội ngoái nhìn vớ vẩn. Để thiên hạ khỏi biết tôi thẽo nàng hay đã yêu nàng. Nàng dắt xe qua đường Hiền Vương. Nàng đã đến ngã tư Yên đổ - Đoàn thị Điểm. Nàng dừng lại ở cây Xăng Shell cố tình đợi tôi. Bấy giờ, nắng đã tắt. Và chiều dâng màu khói hương. Tôi bước nhanh. Khi tôi đủ can đảm đến gần nàng, hai đứa đã đến ngã tư YênĐổ - Trương Minh Giản. Nàng ngó trước nhìn sau. Tôi ngó ngang nhìn dọc. Và, nhanh hơn điện, hai lá thư tình rút ra từ lúc nào chẳng hay, đứa nọ trao cho đứa kia. Y hệt hai tên ăn cắp chuyền hàng ấy. Làm xong công việc cao cả và mong đợi ròng rã hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nàng lên xe, đạp nhanh về xóm Vẹc. Còn tôi, tôi đứng lặng giây lát, nghĩ tới con đường dài hun hút mà tôi sẽ cuốc bộ từ đây về Nhà Hát Tây. Nếu tôi có vài đồng để đáp xe ô tô buýt xanh nhỉ? Túi tôi chỉ còn năm cắc. Tôi bèn vui ngay vì so với hai môn đệ của tôi, tôi đi với một lá thư tình và về với một lá thư tình chứ chả đến nổi đi không lại về không, ù suông như môn đệ. Tôi phăng phăng bước. Gặp hai môn đệ giữa đường. Tới gần Nhà Hát Lớn, tôi khát nước cháy khô cổ. Hai môn đệ túi rỗng tuếch. Tôi đành gạt hai đứa, lặng lẽ uống năm cắc nước mía để lấy lại phong độ mà ca ngợi tình yêu.Đêm ấy, thi sĩ Trương Chi làm được bài thơ theo khuynh hướng Sang Độc xuất sắc nhất. Bài thơ có một "xì tờ rốp" diễn tả ly nước mía năm hào chỉ!