Đại Nhân Vật
Hồi 7
Con người của Lưu tiên sinh

Không ai biết hắn tên gì, chỉ biết hắn họ Lưu.
Cũng không ai biết hắn làm nghề gì, chỉ nghe những người biết hắn đều gọi hắn là “Lưu tiên sinh”. Có lẽ do dáng cách đạo mạo của hắn, quả thật, trông hắn có phong tư như một tiên ông.
Không ai biết hắn bao nhiêu tuổi, chỉ biết da dẻ hắn còn mịn lắm, mịn mà hơi mét, trắng mét nên thấy hơi xanh, cằm hắn có chỗ râu thật đen, nhỏ mà ngắn.
Người ta đoán hắn nhỏ lắm cũng phải năm mươi.
Không ai biết võ công của hắn đến mức nào, người ta chỉ biết nhiều người sợ hắn, kể cả Vương đại nương là tay bản lãnh phi thường, cũng sợ hắn luôn.
Chưa ai thấy tận mắt hắn giao đấu với ai, nhưng có kẻ thấy hắn giết người - hắn ngồi ở đâu thì y như là chết luôn ở chỗ đó, nhưng khi hắn động thì cái động của hắn không ai thấy.
Hắn hành động thật nhanh, phi thân cũng thật nhanh - không biết nhanh đến mức nào, nhưng người ta biết hắn có thể theo cỗ xe hai ngựa và đến trước cỡ tàn điếu thuốc.
Thư Hương không biết hắn tói hồi nào, nhưng khi Dã Kỳ vừa chạy ra và nàng vừa nhìn xuống bàn chân mình, chỗ Dã Kỳ vừa hôn, nàng phát rùng mình là nàng nghe tiếng nói:
- Không ngờ Đào tiểu thơ năm tháng lọc lừa, cuối cùng rồi lại chọn trúng một con người như thế! Đúng là một giai nhân có mắt tinh đời!
Thư Hương ngẩng mặt lên.
Lưu tiên sinh đang ngồi trên khung cửa sổ.
Hắn ngồi y như pho tượng, bất động, y như hắn là... một bộ phận trong khung cửa đó.
Y như là khi người ta đóng khung cửa sổ đó, người ta đã “đóng” hắn vô luôn.
Thư Hương đỏ mặt, nàng quên cả sợ, nàng la lớn:
- Ông nói cái gì?
Lưu tiên sinh điềm đạm mỉm cười:
- Tôi nói hắn rất thích cô và hình như cô cũng đã để... mắt xanh vào hắn, kể cũng thật xứng đôi vừa lứa.
Trên bàn có một bình trà.
Cái bình bằng sành khá lớn, có lẽ cũng cần lớn để tương xứng với cái bàn.
Thư Hương chồm tới chụp lấy cái bình, ráng sức ném thẳng vào mặt Lưu tiên sinh.
Hắn làm như không thấy, ngồi bất động.
Cái bình khá nặng, Thư Hương lại ráng sức, với đà đó, cái bình va vào mặt Lưu tiên sinh, chắc chắn bộ mặt hắn nứt ra.
Thế nhưng khi cái bình vừa bay tới, hắn vụt phùng miệng thổi ra như người ta thổi bụi, cái bình vụt bay trở lại, rơi xuống chỗ mặt bàn khi nãy, y như người ta cầm lên đặt xuống nhẹ nhàng.
Đôi mắt Thư Hương như đứng tròng.
Không lẽ hắn có tà thuật?
Nếu có thể gọi đó là võ công thì Thư Hương chỉ nghe nói trong truyền thuyết, người ta gọi đó là “Khí công”, nhưng chưa nghe nói trong võ lâm hiện tại có ai luyện được môn công phu đó.
Lưu tiên sinh vẫn điềm đạm như không có chuyện gì xảy ra. Hắn nói từ từ:
- Ta là con người từ trước đến nay thường hay tác hợp cho kẻ khác. Ta thường lấy đó làm vui, vì âu cũng là chuyện giúp người ta thỏa nguyện, nhị vị đã xứng đôi vừa lứa như thế nhất định sẽ yêu cầu Vương đại nương gả nàng cho hắn.
Giọng hắn lại càng chẫm rải hơn:
- Đào tiểu thơ không biết chớ Vương đại nương rất hay nghe lời ta lắm.
Thư Hương vụt thét:
- Không, ai cho ngươi làm...
Lưu tiên sinh vẫn từ từ:
- Đâu có cần ai cho, nhưng khi ta đã muốn làm thì chắc không ai ngăn nổi.
Thư Hương chồm dậy, nhưng rồi nàng ngã xuống, nàng lại phát run.
Nàng biết cái hạng người như hắn, hắn nói là hắn làm y.
Và không hiểu sao, có lẽ đã khủng khiếp khi nghĩ đến Vương đại nương, Thư Hương vụt tung mình lên đâm đầu lao mình vào vách đá.
Vách xây bằng đá xanh, góc đá nhô lởm chởm, bằng vào cái phóng đó, đầu của Thư Hương chắc chắn sẽ thành ba.
Một con người yếu sức đến đâu, nhưng nếu đứng trên giường phóng vào như thế, sức mình ghê hồn.
Nhưng nàng quyết chết, có lẽ nàng nhớ đến lời cô gái áo hồng: “chết chưa chắc khổ hơn”...

*

Nàng nhớ câu nói cô gái áo hồng: “chết chưa phải là cái đáng sợ...”, vì thế nàng quyết chết, nhưng nàng quên câu kế: “cái đáng sợ là không chết được”.
Quả thật nàng không chết được.
Vách đá xanh phải cứng lắm, nhưng khi đầu nàng dộng và chợt nghe mềm như... nệm.
Đầu nàng không dộng vào vách đá mà lại dộng vào bụng của Lưu tiên sinh.
Lưu tiên sinh đứng dựa sát vào vách đá lúc nào không biết, y như hắn là một trong những viên đá trong vách đó.
Y như người ta xây tấm vách đó đã có hắn rồi.
Hắn đứng bất động, đứng dán vào vách, mặt hắn trơ trơ.
- Nếu quả thật cô không bằng lòng thì cô cũng khỏi cần phải chết.
Thư Hương cắn răng, nước mắt trào ra.
Lưu tiên sinh nói tiếp:
- Nếu quả thật cô không ưng hắn thì cũng còn có cách.
Thư Hương buột miệng hỏi:
- Cách gì?
Lưu tiên sinh nói:
- Giết hắn.
Thư Hương sững sờ lặp lại:
- Giết hắn?
Lưu tiên sinh chậm rãi:
- Không ai có thể ép buộc cô làm vợ một xác chết, có phải thế không?
Thư Hương chớp chớp mắt:
- Tôi... tôi có thể...
Lưu tiên sinh nói:
- Tự nhiên là cô có thể, vì hắn đang yêu cô, chính vì thế mà cô có thể giết hắn dễ như chơi.
Lời nói của hắn quả chứng tỏ hắn có nhiều kinh nghiệm.
Bất cứ một người đàn ông mạnh rợn cách mấy, người đàn bà có yếu đến bực nào, yếu như bún thiu, nhưng nếu khi người đàn ông đã quá yêu người đàn bà, sức mạnh dễ bị ngã dưới bàn tay yếu ớt đó như thường.
Hầu hết những người đàn bà đều có thừa cách và thừa sức sát hại người đàn ông đã yêu mình, nhất là đối với một kẻ đang yêu say đắm thì lại càng dễ dàng hơn nữa.
Thư Hương cúi mặt, nàng nhìn hai bàn tay của mình trân trối.
Kế bên bàn tay của nàng vụt có một ngọn đao.
Ngọn đao trần...

*

Lưỡi đao có sắc màu thật lạ lùng.
Tự nhiên là nước thép ánh lên, không phải nước thép xanh, không phải nước thép tím, đó là thứ nước thép ửng hồng.
Nghe nói đời Minh có “Tử Kim Đao”.
“Tử” là màu tía, vì thế khi thanh đao vung lên, màu tía sáng bầm như màu máu đặc, mỗi khi ánh “tử quang” cuốn dậy là có một bựng máu tưới theo.
Đó là thanh đao của dòng họ Bạch.
Thư Hương có nghe, nhưng nàng chưa nghe thanh đao có màu hồng như thanh đao này bao giờ.
Sắc thép của thanh đao mà giống in làn má của cô gái đương xuân.
Lưu tiên sinh nói:
- Thanh đao này tốt lắm, chẳng những đặt sợi lông lên thổi nhẹ một cái là đứt làm đôi, mà cứ liếm vào da là đã quyện vẳng vào yết hầu ngọt xớt.
Hắn nói tiếp bằng một giọng từ từ:
- Mỗi một thanh đao quý đều có tên, thanh đao này cũng vậy. Nó là “Nữ Nhân đao”.
“Nữ Nhân đao”.
Thanh đao có màu thật lạ mà lại có tên thật lạ.
Thư Hương nhíu mày:
- Tại sao lại có cái tên lạ lùng như thế?
Lưu tiên sinh vẫn với giọng chậm rãi cố hữu, nhưng lại còn có vẻ chậm hơn, người ta nghe giọng nói mường tượng như một người đang kể về một thức ăn ngon và phẩm bình hương vị:
- Vì nó mỏng và dịu dàng như lưỡi người đẹp, sắc bén và nguy hiểm như lòng dạ mỹ nhân, nó nhẹ nhàng vừa với tầm tay của bất cứ người đàn bà nào dùng nó kết liễu người đã yêu mình, nó là báu vật.
Những tiếng nói sau cùng bỗng nghe như xa vắng và khi Thư Hương ngẩng mặt lên, thì hắn đã mất dạng rồi.
Thuật khinh công của hắn gần như ma quỷ.
Thư Hương đưa thanh đao lên gần quan sát, nhưng nàng vội rút vào tay áo.
Bên ngoài có tiếng bước chân.
Nàng xuôi tay xuống, lưỡi đao nằm dọc phía sau.
Dã Kỳ xồng xộc chạy vào.
Hắn trở lại một mình.
Hắn nhìn Thư Hương bằng đôi mắt vui mừng như người ta gặp vật gì quý báu. Hắn chồm sát tới bên nàng vừa thở hổn hển, vừa nói:
- Quả nhiên cô không đi... quả nhiên cô đợi tôi...
Thư Hương tránh tia nhìn hau háu của hắn, nàng hỏi:
- Đào Liễu đâu?
Dã Kỳ nói:
- Tôi không tìm được, bởi vì...
Hắn nói chưa được hết câu, vì hắn nghe nhói ở tim.
Hắn không thấy vì đôi mắt đờ đẫn của hắn bận dán vào mắt Thư Hương, cho nên nàng vung tay mà hắn vẫn chưa hay, cho đến khi hắn nghe nhói thì lưỡi “Nữ Nhân đao” đã lút sâu vào tim hắn.
Dã Kỳ khựng lại như sửng sốt và hai bàn tay như mười trái chuối của hắn chụp vào cổ Thư Hương.
Hai tay hắn siết cổ nàng, và hắn rống lên:
- Tại làm sao ngươi giết ta?... Ta đã làm sai lầm chuyện gì?
Thư Hương không thể trả lời.
Cổ nàng bị nghẹt, toàn thân bất động...
Bàn tay hộ pháp của Dã Kỳ mà thêm một chút sức nữa là cổ nàng sẽ y như cọng cỏ bị bứt làm đôi.
Nàng hoảng hốt, nàng run rẩy, nhưng nàng vẫn không nói được.
Nàng biết nàng sẽ chết, vì Dã Kỳ không thể tha nàng.
Không ngờ, thình lình, tay hắn vụt lỏng ra...
Ánh lửa phẫn nộ trong mắt hắn từ từ dịu xuống và tắt ngấm, thay vào đó là sự đau khổ tràn đầy.
Hắn nhìn sửa Thư Hương và nói:
- Quả thật... cô cần nên giết tôi... tôi không trách... tôi không trách cô...
“Tôi không trách cô”...
Hắn lặp đi lặp lại nhiều lần bốn tiếng đó, giọng hắn yếu lần, mặt hắn giật giật, tròng mắt hắn bạc màu...
Hắn từ từ quỵ xuống...
Hắn ngã xuống rồi nhưng mắt hắn vẫn chăm chăm vào mặt Thư Hương, hắn gắng sức nói từng tiếng một:
- Tôi không tìm được em cô, vì nàng đã trốn thoát rồi... nhưng quả thật tôi đã cố tìm... tôi không có lừa cô...
Hắn ngoẻo đầu tắt thở.
Khi mới trở lại, phần lo Thư Hương bỏ đi, hắn thở hồ hộc, nhưng bây giờ thì hắn chết thật im, hắn không rên rỉ, không gaò rống theo sức hắn, hắn bình tĩnh mà chết, êm đềm mà chết.
Có lẽ hắn chết trong cái bằng lòng.
Hắn không làm việc quấy, hắn không lừa dối Thư Hương...
Thư Hương đứng sửa như trời trồng, thình lình, nàng nghe áo quần nàng đẫm ướt.
“Tôi không trách cô”.
“Tôi không lừa cô”.
Nàng lạnh toát mồ hôi.
Hắn không có, nhưng nàng có.
Nàng đã lợi dụng hắn, lừa dối hắn, và giết hắn.
Hắn đã lầm lỗi chuyện gì?
Soảng!
Thanh đao vấy máu trên tay nàng rơi xuống, rơi trên nền đá, rơi cạnh chân nàng.
Còn nước mắt?
Nước mắt đâu không chịu rơi theo? Phải chăng vì không còn nước mắt để rơi?
- Cô có biết không? Vừa rồi, hắn giết cô dễ như chơi.
Lưu tiên sinh trở lại.
Thư Hương không nhìn hắn, nàng ngơ ngẩn:
- Tôi biết.
Lưu tiên sinh nói:
- Hắn không giết cô là tại hắn yêu cô, cô có thể giết hắn cũng tại vì hắn thật quá yêu cô.
Giọng nói của Lưu tiên sinh nghe như xa vắng mơ hồ.
- Hắn yêu cô, đó là sự sai lầm duy nhất của hắn, nhưng hắn không biết đó là sự sai lầm.
Có phải thế không?
Có phải hắn đã sai lầm không?
Một con người nếu yêu một người không nên yêu, quả đó là sự sai lầm đáng sợ.
Sự sai lầm đó không thể nào dung được.
Thế nhưng nước mắt của Thư Hương đã rơi, nước mắt trào rơi dài theo má, rơi xuống áo vàng.
Không bao giờ nàng nghĩ là nàng lại có thể rơi nước mắt đối với một con người như thế. Nhưng nước mắt nàng đã rơi thật.
Nàng đứng trơ trơ, để mặc cho dòng nước mắt trào ra rơi xuống, nàng không buồn đưa tay lên chậm...
Nhưng ngay khi đó thì nàng vụt nghe một giọng dìu dịu ngọt ngào:
- Đi về, khách đã tan cả rồi, Vương đại nương đang đợi muội đi về.
Giọng nói ngọt lịm của Mai thư.
Nghe đến ba tiếng “Vương đại nương”, Thư Hương tưởng chừng như ngọn roi da quất ngang vào mặt, nàng thụt lùi run giọng:
- Không, tôi không về đâu hết...
Mai thư cười, giọng cười cũng ngọt xớt như lời nói:
- Coi, sao vậy tiểu muội muội? Chẳng lẽ để cho chị bồng sao?
Thư Hương nhứ sắp khóc:
- Tôi van xin Mai thư, xin Mai thư hãy để cho tôi đi...
Mai thư cười:
- Làm sao đi được? Từ trước đến giờ, những người đến đây rồi thì có ai đi được đâu em?
Giọng nói dịu ngọt lạ lùng, nhưng lọt tai Thư Hương bỗng như những mũi dùi nhọn hoắc.
Lưu tiên sinh vụt nói:
- Nếu cô quả thật muốn đi, thì ta có cách.
Thư Hương mừng muốn phát điên:
- Làm sao? Cách gì?
Nàng thừa biết cái cách của Lưu tiên sinh nhất định là hữu hiệu.
Lưu tiên sinh nói:
- Chỉ cần cô hứa với tôi một việc, tôi sẽ chỉ cách làm cho đi khỏi chỗ này.
Thư Hương hỏi:
- Hứa chuyện gì?
Lưu tiên sinh nói:
- Hứa rằng cô sẽ bằng lòng ưng tôi làm chồng.
Mai thư cười hắc hắc:
- Lưu tiên sinh đang đùa đó chứ?
Lưu tiên sinh hỏi:
- Ngươi cho rằng ta đang đùa à?
Mai thư vẫn cười:
- Giả như cô ta có bằng lòng thì tôi cũng không thể bằng lòng.
Lưu tiên sinh nói từ từ:
- Ngươi không bằng lòng thì ta sẽ giết ngươi.
Mai thư cứ cười, nhưng nếu nghe kỹ thì giọng cười bây giờ đã có phần gượng gạo:
- Giết tôi thì có thể, nhưng còn Vương đại nương...
Vừa nghe ba tiếng “Vương đại nương” là Thư Hương vụt la lên:
- Bằng lòng, tôi bằng lòng!
Tiếng của nàng chưa dứt thì Mai thư ngã xuống.
Không có một tiếng la, vành môi của người thiếu phụ tuyệt sắc vẫn chưa tắt kịp nụ cười.
Khi nàng cười, khóe miệng và khóe mắt có những đường nhăn. Bây giờ, máu theo những đường nhăn đó chảy xuống...
Mới đầu chỉ theo những đường nhăn, nhưng sau đó thì loang đỏ mặt.
Trên trán Mai thư có một lỗ trống hốc.
Thứ ám khí ghê hồn.
Nụ cười ở vành môi của Mai thư cũng vẫn chưa tan, trong khi máu đã tràn gần kín mặt, cái miệng xinh xinh của người thiếu phụ bây giờ dễ sợ làm sao!
Thư Hương rùng mình, nàng quay nhanh trở lại.
Lưu tiên sinh không thấy.
Không biết hắn đã đi tự bao giờ.
Thư Hương không nghĩ gì thêm nữa, nàng không thèm nghĩ vào đâu nữa, nàng tông thẳng ra cửa cắm đầu chạy riết.
Nàng không nhìn gì cả, không nghĩ gì cả, nàng cứ chạy.
Đêm tối như mực, bốn phía đen hù.
Thư Hương không thấy gì cả, vì nàng không hề nhìn một vật gì. Bốn phía tối thui.
Thế nhưng cứ hễ hơi chậm chân lại một chút là từ trong bóng tối gần xa nàng phảng phất nhìn thấy bộ mặt hơi xanh, lạnh ngắt của Lưu tiên sinh ẩn hiện.
Nàng không dám ngừng lại, nàng bất kể gai gốc bụi bờ, nàng cắm đầu chạy chết.
Chạy không dám lơi, không dám ngó, chạy riết cho đến khi nàng qụy xuống...

*

Cuối cùng thì Thư Hương quỵ xuống.
Chỗ nàng quỵ xuống hình như có một phiến đá bằng.
Nàng vừa quỵ xuống thì chợt nghe một giọng nói... từ từ:
- Cô đã đến rồi đó sao? Tôi đơi ở đây này.
Giọng nói của Lưu tiên sinh.
Không biết hắn ngồi trên phiến đá đó bao giờ, hắn ngồi bất động, hắn ngồi sừng sựng, y như hắn là một mô đá nhô trên phiến đá.
Y như là khi phiến đá đó còn trong lòng đất là đã có hắn rồi.
Hắn ngồi lặng lẽ, mặt hắn trơ trơ xanh mét, y như mặt chết.
Thư Hương cắn răng mở trừng đôi mắt...
Không, không phải là ảo ảnh, quả thật Lưu tiên sinh ngồi đó.
Dáng cách lạnh băng băng như cái xác chết của hắn, ngàn đời nàng cũng không thể nhìn lầm.
Thư Hương như muốn phát điên, nàng la lớn:
- Đợi tôi? Tại làm sao lại đợi tôi?
Lưu tiên sinh từ từ nói:
- Tôi có một chuyện muốn hỏi cô.
Thư Hương hỏi lại:
- Cái gì? Chuyện gì?
Lưu tiên sinh hỏi:
- Tôi hỏi xem chừng nào cô mới lấy tôi.
Thư Hương nhảy dựng lên:
- Lấy ai? Ai nói lấy ngươi?
Lưu tiên sinh vẫn từ từ, hình như trong đời hắn không có chuyện gì gấp cả, hắn nói:
- Chính miệng cô nói, cô hứa bằng lòng.
Thư Hương dậm chân:
- Không, ta không có hứa... ta không có hứa...
Nàng lao mình tới trước, nàng chạy thật nhanh.
Thật không ai ngờ, sau khi chạy một khoảng đường xa, đuối sức, đuối đến mức phải quỵ xuống, thế mà bây giờ nàng lại phát giác mình chạy còn mau hơn lúc ban đầu.
Chính Thư Hương cũng không ngờ mình lại được nhanh và khỏe như thế ấy.
Con người khi đã đến bước đường cùng, tiềm lực bỗng tăng lên một cách phi thường, chính bản thân con người ấy cũng không ngờ được.
Nàng chạy thật nhanh, chạy thật xa, thật xa mới dám quay đầu nhìn lại.
Phía sau tối mịt, không thấy bóng họ Lưu.
Thư Hương thở phào và bỗng nhiên nàng cảm nghe như không còn gân cốt, nàng ngã chùi xuống đất.
Lần này nàng ngã nhằm triền núi, dốc núi thoai thoải, nàng ngã xuống và lăn tròn.
Con người khi gặp chuyện nguy hiểm, kinh hoàng, bao nhiêu tiềm lực trong người dốc ra một lượt, cho đến khi qua cơn đó thì mới hay bao nhiêu sức đã cạn sạch rồi, bây giờ muốn gượng thêm một chút nữa cũng không còn được.
Thư Hương cảm nghe như gân đã giãn hết, xương rung lên từng lóng một, khi thân hình nàng bắt đầu lăn thì nàng cố gượng, nhưng khi đã không còn gượng nổi, nàng nhắm mắt buông trôi.
Triền núi có sỏi nhỏ, nàng lăn còn có trớn, Thư Hương lăn tỏm vào một cái hang.
Hang không sâu lắm nhưng khá rộng, không biết đó là hang chồn hay hang rắn.
Nhưng Thư Hương không sợ.
Hang chồn cũng được, hang rắn cũng xong, vì những thứ đó không đáng sợ bằng gã họ Lưu.
Hồ ly tuy giảo quyệt, nhưng vẫn không bằng cái giảo quyệt của hắn. Độc xà tuy dữ, nhưng vẫn không đáng sợ bằng con người đó.
Thư Hương thành tâm khấn nguyện, xin trời cao thương xót cho đừng bị Lưu tiên sinh đuổi theo, chỉ cầu thoát khỏi tay người đó thì cho dầu thánh thần có đày ải nàng cách nào, có bắt nàng phải làm sao, nàng cũng cam tâm tình nguyện, không bao giờ than vãn.
Lời cầu khẩn của nàng quả nhiên hiển linh.
Thật lâu, thật lâu, không thấy Lưu tiên sinh xuất hiện.
Nàng nằm ngửa mặt thấy sao đã thưa dần.
Đêm đã quá khuya.
Đêm đã sắp dứt và ngày mai sắp đến.
Thư Hương thở hắt một hơi dài, toàn thân nàng nghe phiêu phiêu nhẹ bổng.
Nàng bỗng nhiên tự hỏi: “không biết trọn một ngày nay nàng đã làm nhũng chuyện gì?”
Chỉ trong một ngày, nàng cảm thấy phảng phất như dài hơn mười tám năm mà nàng đã sống.
Trong một ngày nay, nàng đã bị người ta lừa dối và cũng lừa dối người ta.
Hơn lên một chút là nàng đã giết người.
Những người lừa nàng đều là những người nàng tín nhiệm, bất cứ người nào tín nhiệm cũng đều đã lừa nàng.
Chỉ có một người không lừa nàng, chỉ có mỗi một người đối xử tốt với nàng, nhưng lại bị nàng lừa và độc hơn nữa là bị nàng giết.
Bây giờ nàng mới nhận ra rằng con tim thiện ác của người đời không thể lấy hình sắc bên ngoài mà xét được.
“Ta đã làm những chuyện gì?”
“Cuối cùng ta còn có thể xem là một con người được nữa không?”
Nàng tự vấn và cảm nghe lòng đau đớn, toàn thân nàng đau đớn, phảng phất như có muôn ngàn ngọn roi đang quất nghiến da thịt của nàng.
Chẳng lẽ kiếp người như thế?
Chẳng lẽ như thế mới đúng là kiếp người?
Nàng bỗng hoài nghi, nàng hoàn toàn không hiểu được.
Nàng không hiểu trong sinh mạng con người có bao nhiêu chuyện bất công bình, có bao nhiêu thống khổ?
Ai chịu đựng được thì mới đúng là một con người.
Người sống còn là phải chịu đựng, trong sự chịu đựng, có một cái nghĩa là phấn đấu.
Tiếp tục chịu đựng không ngừng, cùng đồng nghĩa với tiếp tục phấn đấu không ngừng, kẻ nào lơi đi là chết.
Bởi vì sanh mạng con người được lớn lên trong thống khổ. Không thống khổ, không chịu đựng thống khổ, trốn tránh thống khổ, cuộc sống trở thành vô vị...