Cứ vào độ Tết, thuyền làng biển Cọp Râu Trắng ra khơi là làng nghề vui như hội. Trên cây cột buồm thuyền nào cũng có một chiếc cung uốn bằng mây. Vào khoảng đứng bóng, nhìn xuyên qua bầu trời thấy nhiều vệt sáng từ dãy đảo nhấp nhô trên mặt biển giăng qua giăng lại như cung cầu vồng. Phút chốc từ trong vệt sáng tách ra những dấu chấm sóng đôi từng cặp. Rồi từ chiếc cung mây trên cột buồm xuất hiện hai con két màu lam, mỏ đỏ đứng giao cánh, mắt chớp chớp. Người làng tôi gọi đó là két đảo. Tết đến két đảo bay đan dệt trên mặt biển, rồi đậu trên cây cột buồm để cho điềm lành đến với mọi người. Năm ấy, tôi lên tám tuổi, nghe bà cụ Roong người gốc Chiêm tu trong chùa Cát kể chuyện về két đảo. Ngày xưa chỉ có két núi sống theo bầy ở tận núi cao. Xưa lắm, có nàng công chúa con vua Chiêm nuôi một bầy két núi. Két núi hót líu lo bên cạnh công chúa. Vào một năm, bất ngờ giặc Chân lạp tiến công giết chết vua Chiêm và phò mã, rồi bắt ép công chúa lấy một tên tướng giặc. Công chúa đau đớn giả câm khóc bên mộ chồng. Bầy két luôn ở bên công chúa cất những tiếng hót buồn thê thảm. Biết không thể nào dụ dỗ, mua chuộc được công chúa, tên tướng giặc bắt hết bầy két cắt cánh thả vào lửa. May sao có một đôi két trốn trong túi áo công chúa. Biết mình không thể sống, công chúa mở túi, đôi két cất cánh bay bổng hướng ra biển để sinh sôi nảy nở thành họ két đảo tận ngoài khơi. Từ đó, cứ độ tết, két đảo bay vào chùa cát quây quần bên bà cụ Roong. Thường mỗi năm một hai đôi két đảo để cho bà cụ Roong bắt đem bán lấy tiền. Bà cụ Roong biết những đôi két này không thể chết, không thể xa bà, nên bà vẫn cứ đan lồng nhốt két, bán cho người trên đồng. Năm đó, chú Sáu trên đồng về thăm ba má tôi, rồi rủ tôi đi xem chợ Tết. Gặp bà cụ Roong, chú Sáu hỏi mua một con két để treo chơi Tết. Bà cụ Roong để ngửa bàn tay vào lồng. Một con két bước lên bàn tay bà cụ, trông nó thật buồn. Bỗng hai con két cùng lúc cất lên tiếng kêu két... két... Tôi theo chú Sáu về đồng. Đến nhà, chú Sáu treo lồng két lên cành cây ổi. Chú quấn vào chân két một vòng dây thép rồi trở vào nhà. Đến khi trở ra, chú bỗng kêu lên: - Con két đâu rồi? Mấy thanh đang bằng dây mây đã bị mỏ két xé vụn và bẽ gãy từ lúc nào. Tôi nhìn lên ngọn cây ổi, thấy con két đứng nghiêng mắt nhìn ra bầu trời. Lát sau con két vụt bay vào khoảng không. Năm ngày sau, chú Sáu tôi quyết định mua con két khác để chơi Tết. Ra đầu ngõ chợ vẫn bà cụ Roong ngồi bên chiếc lồng. Chú Sáu nhìn vào lồng thấy bốn con két đứng giao mỏ im lặng. Chú xem đi xem lại, rồi bất ngờ "ủa" một tiếng. Chú Sáu lại nhìn bà cụ nghi ngờ. Bà cụ Roong nhìn lại chú Sáu, giọng bà trầm trầm. - Con két của chú đó. Tôi biết thế nào chú cũng trở lại đây mà. Chú Sáu ngạc nhiên. - Sao lại thế hở cụ? Bà cụ Roong giọng buồn buồn: - Két đảo sống có đôi, bắt một con đi sao được. Chú Sáu chưa hết nghi ngờ: - Lần này cháu mua một con nữa: Bàn tay bà cụ thật khéo léo mở chiếc vòng thép trong chân con két ra, rồi quấn hai chiếc vòng bằng một thứ rễ cây màu lam vào chân hai con két. Bà cụ nói: - Hai chiếc vòng rễ cây này để chúng luôn sống bên nhau, chú mua thì cứ mua nhưng rồi hai đứa nó lại trở về quê đảo của nó thôi. Bà cụ bắt hai con két đứng trên hai vai chú Sáu, rồi mím môi hà hơi vào hai chiếc mỏ két. Hình như hai con két hiểu, đầu gật gật. Một năm sau, cũng đúng vào độ Tết, chú Sáu về làng Cọp Râu Trắng báo cho ba má tôi biết đôi két đảo đã bay đi đúng như lời bà cụ Roong đã nói trước.