Chương 8

Ngọn đèn buông từ nóc không có trần của một căn gác hẹp, chiếu một thứ ánh sáng vàng đục xuống cái bàn đen ở giữa nhà, gần cái lan can gỗ cầu thang. Ngoài ra, mọi vật đều chìm trong bóng tối: cái nóc thấp với cái rui mè nặng trịch, cái bàn thờ tít bên trong, trên tường xây bằng vôi tam hợp lâu ngày vàng ngậy, bộ tứ bình với cái khung đen và những tranh Tam quốc đã bị thời gian hun khói. Qua cái cửa sổ trông xuống ngõ – mà chấn song là một chữ triện tráng men xanh – bên ngoài gió lay mạnh cái chụp đèn đầu ngõ bốc mù khói sương. Tuy mới vào khoảng tám giờ tối mà như đã khuya lắm. Chung quanh đều im lặng, cái im lặng không bình thường đối với những người ở cái khu phố chằng chịt những đường ngang ngõ tắt này, giang sơn của những rạp hát, những tiệm ăn, tiệm giải khát, tiệm thuốc phiện, những hàng quà, hàng bánh bán rong, những đào kép cải lương, những phu phen thợ thuyền, những khách trú, những làng chơi, những lưu manh yêu tạ, những con người sống cái cuộc sống phù hoa lam lũ, lừa lọc ê chề, càng về đêm càng ồn ào, quay cuồng rối rít.
Nhưng trong cái gian gác này, còn phảng phất hình dáng của kinh thành xưa cũ, ở vào giữa một cái ngõ hẻm lầy nhầy, hôi hám, ngày thường không có vẻ lương thiện lắm, cuộc sống nhộn nhịp khác hẳn bên ngoài.
Họ có tất cả tám chín người. Tu, anh phu khuân vác ở Cột đồng hồ, một người trạc bốn mươi tuổi, hai vai rộng và chắc nịch như lực điền, da mặt dày lên vì sự vất vả và tính thật thà. Mộng Xuân, anh kép cải lương, khoảng mười bảy, mười tám, ngưởi ẻo lả, mặt trắng bệch, tóc mai dài, ăn mặc chải chuốt một cách lẳng lơ. Người phu và anh kép ngồi ở đầu bàn. Hai bên bàn, ngồi trên cái tràng kỉ nặng, mấy người học sinh đang lúi húi kẻ khẩu hiệu. Trước bàn thờ, trong bóng tối, một học sinh đứng giảng cách bắn súng lục cho một anh học sinh khác. Riêng Loan thì ngồi trước cái bàn kê gần cửa sổ, và đang phóng to cái bản đồ Hà Nội. Anh tạm thời ở với Trần Văn để làm cái công việc mà anh mới được giao cho. Thỉnh thoảng, anh quay lại nhìn những người bạn mới, trừ Mộng Xuân ra, còn toàn là học sinh và thợ thuyền.
Mộng Xuân, tay cầm một tập giấy bạc, hỏi:
- Các đại huynh còn ai góp nữa không? Chưa được năm trăm. Chả bù với anh em nhà cải lương nhà đệ, chỉ bảo một tiếng là họ góp tiền mua luôn được hai khẩu súng trường. Bây giờ mà diễn một tối lấy tiền mua súng thì phải biết, vừa có tiền, rạp vừa đỡ vắng. Năm trăm có được không, anh Long? Thôi, để cho tiểu đệ đi. Giặc đánh tới nơi rồi!
Anh bước kiểu cách như đi trên sân khấu tới gần Long đen đứng trước bộ tứ bình, tay cầm khẩu súng lục. Mộng Xuân vào nghề đã được bốn năm nay. Trước anh chỉ đóng những vai chạy cờ. Mới đây, anh được đóng vai Triệu Tử Long, rồi Ngũ Tử Tư. Anh được mọi người chú ý trong buổi diễn vở Tàn phá Cô Tô. Có nhiều người khóc khi Ngũ Tử Tư bị vua Phù Sai cho tam ban triều điển. Nhưng cái đêm đầu tiên anh được hoan nghênh ấy thì cũng là đêm cuối cùng rạp anh diễn ở Hà Nội để hôm sau toàn ban tản cư. Mộng Xuân đưa tập giấy bạc cho Long đen:
- Hãy cầm lấy nào.
Bọn học sinh vỗ túi quần đồm độp. Một anh nói:
- Hết rồi. Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì tiền. Bán đi, vừa bán vừa cúng. Việc nước cả.
Long đen không cầm xấp giấy bạc, vừa đẩy Mộng Xuân vừa nói:
- Thế thì cho em theo các anh, các anh giữ lấy cả tiền, cả súng.
Tu không vui lắm. Gần đây, khắp các phố, người ta kẻ ít người nhiều thi nhau góp tiền mua súng, mua lựu đạn. Nhưng anh chẳng có gì. Hôm nay, nếu không có một yến gạo của ủy ban cho thì anh không biết lấy gì mà ăn. Tu thấy ngượng với anh em. Mà họ lại vừa bầu anh làm tiểu đội trưởng, thay một ông chủ hiệu vàng bạc sau vụ Yên Ninh đã bỏ về quê. Anh nhìn Long đen rồi lại nhìn mấy anh học sinh ồn ào mới kéo đến, chưa lên hết cầu thang đã đòi ngay cho công tác. Một người nói bô bô:
- Nó gây ra vụ Yên Ninh là nó chết. Bộ đội kéo về đông lắm rồi, đông hơn hôm qua, đông hơn hôm kia. Trong thành chúng nó lục đục, lính Đức nổi loạn, nó giết nhau chí choé, giải phóng thủ đô đến nơi rồi. Cho chúng tôi vào tự vệ.
Tu chưa kịp có ý kiến thì họ đã sà ngay vào đám học sinh đang kẻ khẩu hiệu, nói chuyện ríu rít:
- Đưa tớ kẻ với. Tớ kẻ rất đẹp. Ồ, vui quá. Thanh niên sống chết với thủ đô. Thanh niên sống chết với thành Hoàng Diệu.
- Kẻ một thứ có được không?
- Cả hai thứ. Một đằng nêu được hai tiếng thủ đô, một đằng nêu được sự tuẫn tiết của cụ Hoàng Diệu.
- Cụ Hoàng Diệu thì hơi bi. Cụ chết nhưng thằng Pháp nó vẫn hạ được thành Thăng Long. Mình chết nhưng không thể mất Hà Nội.
- Cốt nêu cái tinh thần cảm tử thôi. Lính nhà Trần thích chữ Sát Thát thì mình viết lời thề sống chết.
Mộng Xuân quay lại nói:
- Xin các huynh cho đệ ghi tên đã. Lần này chúng ta ở lại sống chết với Thủ đô thật, dù da ngựa bọc thây, thịt nát xương tan cũng không lùi bước. Trước đây ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra. Các huynh hiểu cho, như thế là không được. Các huynh đến là mừng rồi. Nhưng xin cho đệ ghi tên.
- Các anh không phải ghi tên gì cả. Chúng tôi đã vào, chúng tôi không ra. Anh xem cánh tay tôi đây. Tôi chơi súng bị thương. Nhà ép tản cư. Nhưng tôi ở lại. Những người tình nguyện không phải ghi tên. Đây là một lời hứa danh dự, một lời thề cảm tử. Cái chết đẹp nhất là cái chết vô danh.
Mộng Xuân quay hỏi Tu:
- Thế nào anh?
Tu vẫn không nói, cả cái tấm lưng vững chãi, rộng nghiêng về một bên, bàn tay trái nắm ngón tay phải một cách cung kính, rụt rè. Anh không được thoải mái với cái chức tiểu đội trưởng mà anh từ chối không được. Anh vốn kính nể những người ăn mặc sạch sẽ, mặt mũi sáng sủa. Anh cúi xuống ngồi im. Long đen tiếng lên nói:
- Ghi tên thì ghi tên cả. Ghi cả tên tôi vào. Không ghi thì thôi. Tôi xin vào từ mấy hôm trước.
Bộ răng vàng của anh rít chặt, cái mặt choắt đen thui nhăn nhúm. Long đen trước làm nghề nặc nô, sau làm yêu Nhà máy nước đá. Hồi cách mạng anh ta đi lấy cắp súng của Tàu trắng bán cho cục Quân giới. Sau can vào vụ giao toàn súng hỏng, anh bị bắt giam mấy ngày. Gần đây, anh đã báo cho công an bắt được một ổ in bạc giả, và làm giấy cam đoan cải tà quy chính. Anh muốn vào tự vệ, nhưng ở đâu người ta cũng ngại.
Mộng Xuân nói:
- Hay là để đợi ông Trần Văn về.
Bỗng có tiếng rầm rập ở cầu thang. Sờn, anh thợ xẻ, chạy lên, theo là sau một đứa trẻ. Sờn quay lại nói:
- Lên đây, lên đây, Lai.
Tiếng một cô gái tên là Tuyết léo nhéo ngoài ngõ:
- Có đào đường nữa không thì các anh bảo nhá. Em đợi ở đây. Em mượn thêm được một cái cuốc rồi đấy.
Sờn nói xuống:
- Cứ ra trước đi.
Sờn trạc ngót ba mươi tuổi, mặt vuông, cằm bạnh, thớ thịt hai bên quai hàm luôn luôn đụng đậy như đang nhai cái gì. Anh như không biết rét, chỉ phong phanh một bộ quần áo nâu, cổ quàng một cái khăn mặt bông còn mới. Anh dắt chú bé vào:
- Đấy, chú muốn gì thì nói đi, Lai.
Chú bé đứng tựa lưng vào lan can, vừa thở vừa nhìn mọi người. Đấy là một đứa trẻ khoảng mười ba, mười bốn tuổi, mặc cái quần cộc, một cái áo sơ-mi người lớn bằng ka-ki vàng, lùng bùng sau cái áo sợi đan màu đỏ kệch. Một tay nó cầm con dao, một tay xách một cái hòm nhỏ. Tóc nó dài đến mái tai, ngả nghiêng như lúc bị bão.
Anh học sinh bị thương ở tay đặt bút xuống bàn, hỏi chú bé mà Sờn gọi là Lai, giọng thân mật, kiểu cách. Anh cố làm ra vẻ không phân biệt sang hèn:
- Em muốn gì? Em mang cái gì đấy?
Chú bé ngẩng đầu, tay lúng túng đưa cái hòm ra sau lưng, cái mặt lem luốc của nó như ửng đỏ, giọng của nó khê khê gần như vỡ tiếng:
- Thưa cậu, cháu đi đánh giày mũ.
- Thật à?
- Cháu đi đánh giày đã được hai năm rồi. Cháu tủi lắm, cứ phải cúi xuống ôm chân người ta. Hôm qua, ở Bờ Hồ, cháu đánh giày cho một thằng Tây, nó không trả tiền, cháu đòi, nó đánh. Cháu quăng cả mấy hộp xi xuống hồ. Cháu đã thề là không làm cái nghề ấy nữa.
Lai tựa mạnh vào cái lan can lung lay. Nó hết nhìn người này đến người khác bằng đôi mắt ti hí đã có vẻ gian gian láu lỉnh của một đứa trẻ phải sống cuộc đời lăn lộn của Hà Nội lầm than. Anh học sinh hỏi:
- Thầy u em đâu?
- Cháu đã tản cư với u cháu. Nhưng ở Hà Đông buồn lắm. U cháu chẳng buôn bán gì được. Cháu nói với u cháu lại cho cháu ra Hà Nội. U cháu cho cháu một đồng bạnc. Cháu đi qua chợ mua được con dao này. Cháu chỉ lo Hà Nội đánh nhau rồi. May còn có chuyến xe điện, cháu cứ thế nhảy lên, xin với ông công-tôn cho đi không. Về đến Bờ Hồ, may quá vẫn chưa có gì. Các anh vẫn đang đào hố tác chiến.
- Hà Nội sắp đánh nhau rồi mà u em cũng để cho em vào ư?
- Về Hà Nội còn hơn ở ngoài ấy. Các cậu ơi, ở ngoài ấy, ai hỏi cháu ở đâu về cháu cũng phải giấu, không dám bảo là người thủ đô tản cư, xấu hổ lắm.
Tiếng cười đồng tình nổi lên. Lai run run, không hiểu vì nó sợ hay vì trận gió lạnh lùa vào. Tu đến ngồi xổm trước mặt Lai, bàn tay to lớn của anh cầm lấy con dao, một thứ dao rựa mảnh dẻ. Anh hỏi một cách nhẹ nhàng:
- Em đến có việc gì?
Lai cúi mặt, đặt cái hòm xuống sàn, nói khe khẽ:
- Cháu xin vào tự vệ.
- Tự vệ? – Tu nói không thành tiếng.
- Bác ơi, có được không? Cháu chẳng có gì đâu. Cháu chỉ có con dao này thôi.
Tiếng bút không sột soạt trên giấy nữa. Tiếng lách tách của cò súng cũng im bặt. Mọi người sán tới gần Lai. Ngon tay cái của Tu sợt sợt trên cái lưỡi sáng của con dao. Lai đứng thở nghẹn ngào, mặt nó vừa khiêu khích, vừa giận dữ. Tu thấy thương chú bé. Nó cũng lam lũ như đứa con lớn của anh. Hồi lâu, Lai nói:
- Ở đây cũng không nhận cháu ư? Xin vào bộ đội, các anh ấy cũng không nhận, các anh ấy chỉ nhận con nhà giàu, chúng nó có quần áo, chúng nó biết hát. Nghèo thì Tây cũng khinh mà ta cũng khinh.
Lai ngơ ngác như một con chim lạc. Cái miệng nứt nẻ của nó mở ra, không hiểu nó cười hay nó khóc. Anh học sinh nói:
- Lúc này không ai phân biệt sang hèn. Trước cái chết, ai cũng ngang hàng.
Lai đứng thẳng:
- Thế thì cậu nhận cháu vào nhé. Cháu được vào thì khối thằng bạn cháu cũng xin vào.
Tu vòng tay lớn ôm lấy Lai. Anh nói:
- Vào tự vệ là cầm chắc cái chết trong tay. Các anh lớn phải ở lại. Em còn nhỏ ở lại làm gì? Con anh bằng tuổi em, anh cũng phải cho nó đi tản cư với mẹ nó.
- Nhưng cháu không sợ chết.
- Ai nỡ để cho em phải hi sinh. Tuổi em không nên ở trong này.
Lai lườm Tu, giằng lấy con dao. Cúi xuống xách cái hòm lên, nó bước ra cầu thang. Bỗng nó quay lại nói:
- Nghèo cũng khổ. Bé cũng khổ. Thế thì cháu ở với ai? Cháu đi đâu bây giờ? Mấy thằng bạn cháu biết làm gì bây giờ? Thôi được. Cháu lại đi tìm bộ đội vậy. Cháu lại đi tìm các cậu tự vệ khác. Cháu đi đến chỗ nào nhận cho cháu ở lại thì thôi.
Tay vịn lan can, Lai tìm lối xuống, ngẫm nghĩ thế nào, nó oà lên khóc. Long đen nhảy tới, cầm tay Lai:
- Thế thì hai anh em ta cùng đi. Ở lại thủ đô chẳng phải là độc quyền của ai cả.
Sờn giữ chú bé đánh giày lại:
- Đêm tối thế này thì đi đâu? Cứ ở lại đây!
Lai quay lại, cái hòm nhỏ của nó rơi mạnh xuống sàn gác.
°

*

Loan cảm động nhìn mọi người đang đứng sát lại. Những thân hình còn mảnh dẻ tương phản với những cái vóc nặng nề, cục mịch, những đầu bóng mượt với những mớ tóc bù rối. Nhưng thư sinh mặt trắng mới từ bỏ mái trường họp với những người phu, người thợ chỉ có hai bàn tay trắng, những người mà ngày thường không ai gọi là người thủ đô, nhưng đến lúc này lại bám lấy thủ đô hơn cả mọi người. Ngay cả đối với Long đen, Loan cũng thấy có cái gì đáng mến. Loan trở về bàn tiếp tục vẽ bản đồ, bâng khuâng giữa cái cảnh vừa quen vừa lạ. Anh cảm thấy mình không riêng lẻ, vì các bạn học sinh rất nhiều. Anh chưa biết Tu và Sờn lắm. Nhưng nếu đối với các bạn học sinh anh còn dè dặt, thì đối với anh phu, anh thợ, Loan gần gũi được ngay. Họ thật thà đối với anh, cũng như họ thật thà trong việc bảo vệ cái thành phố đã bạc bẽo với họ. Loan có cảm tình đối với những người lao động. Nhà anh nghèo, bố mẹ làm ruộng, chân lấm tay bùn. Mấy tháng ở Hà Nội anh cũng chỉ chung đụng với những người bình dân. Anh không dám qua các phố Hàng Đào, Hàng Bạc, mà chỉ lang thang các ngõ hẻm trong thành phố hoặc các vùng ngoại ô. Qua những lớp chính trị, những buổi đi nghe nói chuyện, qua những sách về chủ nghĩa cộng sản mà anh tìm kiếm đọc, anh bắt đầu có một ý niệm về địa vị của những người lao động, những con người mới của thời đại, những người đang được đề cao trong xã hội, những người bị nhiều áp bức, đang đứng lên quyết liệt trong cuộc đấu tranh giành công lí và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Buổi sáng hôm nay, gặp Dân ở Cửa Nam, Loan đã thích ngay, nhất là sau lại biết anh ta xuất thân là thợ. Đến bây giờ Loan vẫn giữ nguyên trong trí cái hình ảnh lạc quan yêu đời của anh công nhân bộ đội ấy.
Tất cả những con người ấy đang cùng với anh chuẩn bị xông vào cuộc chiến đấu sống chết với quân thù. Loan thấy yên tâm hơn trong cái việc vẽ bản đồ mà mới đầu anh còn cưỡng lại. Anh không hiểu làm sao mình đang làm văn, làm tính bỗng đùng một cái phải làm ngay cái việc không ngờ này. Anh vẽ kém, nên càng lúng túng. Anh nhìn cái bản đồ vẽ dở, buồn vì chẳng thấy được chút tâm hồn nào của mình vào đó. Công việc của anh thợ nặn sáng ngày! Từ trong lòng anh vọng lên những câu thơ anh đã làm những còn giấu mọi người, những câu thơ có trăng sầu và bến vắng, có cố hương và khách li tao, có hình ảnh người áo tím xứ Huế xa xôi phải gật nước mắt đi lấy một người chồng mà mẹ cha ép gả. Nhưng mơ mộng gì nữa khi bầu trời Tổ quốc không còn là bình minh của hương sắc mà đục ngầu những hình thù tối đen của mũ đỏ và thổ phỉ, khi trong tất cả những cái phố dần dần hiện lên dưới tay anh, bao nhiêu thanh niên đang ầm ầm đào hầm đắp ụ. Anh thấy gắn mình vào cuộc sống chung quanh. Anh cố rập theo đúng nguyên bản, sợ sai một tí thì ảnh hưởng đến kế hoạch quân sự sau này. Anh hình dung người cán bộ đứng xem bản đồ của anh để chỉ huy các trận đánh, và lòng anh rạo rực. Anh cắm cúi vẽ, tay run run vì rét và vì sự quan trọng của công việc. Nhưng rồi mắt anh cay xè, hoa lên. Bàn tay cóng dừng lại. Loan thiu thiu buồn ngủ. Giấc mơ ngắn ngủi lờn vờn những tên Đồng Xuân, Hàng Lược, Hàng Đồng, Hàng Da, Hàng Điếu, Hàng Bút, Hàng Bè, những cái tên đã có âm hưởng trong lòng anh từ ngày anh còn bé, những cái tên anh thường nhắc nhở và ngưỡng vọng một cách thiết tha như tất cả bà con của anh ở một miền Trung xa lắc. Đầu Loan đập mạnh xuống cái bản đồ nguệch ngoạc.
Loan choàng thức dậy thì thấy Trần Văn đã về, và đứng giữa bọn Tu, cái đầu húi ngắn nhô lên cao, nét mặt nghiêm một cách kì lạ. Mọi người xúm nghe anh. Tiếng Trần Văn trầm trầm, lành lạnh, như mang cả cái lạnh lẽo bên ngoài vào.
- Không ai ở nhà nữa. Phải tập trung để bảo vệ nhau, đề phòng những vụ Yên Ninh. Pháp có thể đánh ta bất cứ lúc nào. Khu đã cương quyết. Không thoái thác vào đâu được nữa. Đêm nay phải tập trung ở các tổ tác chiến.
Loan rón rén bước lại, có cảm tưởng như sắp sửa đánh nhau và họ chuẩn bị ra trận. Trần Văn gật đầu bảo Loan tới gần. Anh nói thầm thì như trong một buổi họp của hội kín, kích thích vì say sưa và bí mật:
- Bắt đầu từ bây giờ, phải coi như là đã tác chiến rồi, lúc nào cũng phải sẵn sàng. Không còn có cuộc điều đình nào ở Bắc Bộ phủ nữa. Ai nấy về thu xếp quần áo tới chỗ tập trung ngay. Tôi đã đến thăm các nhà ấy, ở đầu phố Hàng Đào. Ta sẽ đóng ở tầng thứ ba, tức là cái nhà thờ. Chủ nhà đã dọn đi hết. Chỉ còn có một người giữ nhà, là ông già Tư. Ông cụ này khó tính một chút, đặt điều kiện này, điều kiện nọ. Mình không đi mạnh, nói to này, không được làm suy suyển đồ đạc. Của người ta như thế nào phải giữ nguyên như thế.
Một tiếng cười hắt ra rồi im ngay. Sờn hỏi:
- Ăn uống thế nào?
- Ở đấy cả. Ăn chung…
Sờn định nói cho Tuyết đến thổi nấu cho, và ăn luôn vào đấy. Tuyết chẳng biết sinh sống bằng cách gì. Nhưng lại thôi vì chắc ai cũng ghê con nhà thổ. Anh thò tay vào túi áo, lấy ra một tập giấy vuông vuông màu đỏ nhạt, nhìn mọi người đang hồi hộp trước mặt anh:
- Đây là chứng minh thư khu phát cho chúng ta. Của người nào đã có ghi tên sẵn. Nếu đánh nhau, thì đây là cái vật đảm bảo nhất để nhận ra nhau. Mất là nguy đến tinh mạng. Để lọt vào tay kẻ gian còn có thể bị chịu tội nữa.
Gian nhà bỗng nhiên lạnh ngắt. Gió rít trên mái. Trần Văn lặng lẽ phân phát cho mọi người. Ai nấy đều nín thở. Anh đưa cho Loan và nói:
- Loan sẽ về ở với ban tuyên truyền.
Loan run run cầm lấy cái chứng minh thư, mắt trố ra nhìn thấy tên mình. Anh có cảm tưởng như bắt đầu giờ phút này anh sẽ chuyển vào một cuộc đời đầy nguy hiểm, và cái giấy này buộc anh vào một cái gì chặt chẽ, cứng như thép. Anh thấy lạnh suốt từ gáy đến chân. Anh không đứng vững, đầu gối cứ run lên.
Long đen len vào tới trước mặt Trần Văn, giơ bàn tay vẽ chằng chịt:
- Anh cho em một cái.
Trần Văn nói:
- Bây giờ Long chưa có. Nhưng rồi thế nào anh cũng có. Người nào ở lại kháng chiến cũng đều có cả.
- Bây giờ em chưa có thì bao giờ em mới có. Các anh không tin thằng Long đen này ư? Tiền đây em giả lại các anh. Súng đây, em để lại cho các anh. Các anh còn đòi Long đen cái gì nữa? Bao giờ mới hết nghi cái thằng Long đen chó má này? Chả nhẽ tôi lại chờ để bị bắt. Không đâu, tôi không cho ai bắt tôi như một đứa lưu manh nữa. Tôi không đến nỗi là không biết nghĩ đâu, các anh ạ.
Nhiều bàn tay khác tua tủa chìa xin giấy. Một tay xách hòm, một tay níu lấy áo Trần Văn, Lai nói:
- Cậu cho cháu một cái. Cháu lạy cậu, cậu ơi! Cháu cũng xin sống chết với thủ đô như các cậu đây mà.
Bàn tay Long đen vả vào má đôm đốp. Anh làu bàu bước ra. Tiếng chân Long đen chạy ầm ầm dưới cầu thang rung cả cái sàn gác.