Tiếng sủa dồn dập không ngừng của hai con Jack và Jick từ cổng nhà nội đến tận trong vườn khiến Má và Hạ phải vội vã mở cửa nhà chạy ra. Hai con chó quấn quít, nhảy chồm và xoay tròn quanh Thảo Vy. Hạ la lên mừng rỡ rồi cùng má chạy đến phụ Vy đem mấy chiếc giỏ xách vào nhà. Má hỏi: -Vì sao con được về? Làm sao nghỉ học được? Thảo Vy thở hổn hển: - Chú bảy Mỹ vào sài Gòn thăm bác Tư. Con xin nghỉ học ba ngày về thăm nhà. Khi nào chú vào Sài Gòn lại, con sẽ đi theo. Ngồi bệt xuống đất, lục lọi trong mấy chiếc giỏ, thỉnh thoảng đẩy mấy con chó lùi ra khỏi mặt, con nhỏ nói không ngừng: - Con mua xấp vải tơ này cho má nè. Con chọn màu lam vì con biết má chỉ thích màu này thôi. Còn mấy cái áo thun này cho chị Hạ. Hạ ngồi yên trên giường nhìn các thứ con nhỏ bày trên nền nhà và ngắm nó. Thảo Vy không còn để tóc dài như thời gian còn ở Nha Trang. Mái tóc cắt ngắn so le từ màng tang đến vai làm nổi bật đôi mắt đen tròn trên khuôn mặt trái soan. Giọng nói của con nhỏ thay đổi là lạ. Giọng nói Nha Trang pha Sài Gòn. Đột nhiên Thảo Vy bỏ vung vãi các thứ xuống nền nhà và đứng lên: - Con phải vào nhà chào nội và các cô, các bác chứ không sẽ bị la. Dứt lời, Thảo Vy đứng dậy đi nhanh ra khỏi nhà. Hai con chó theo sau con nhỏ, thi đua chạy vào nhà nội. Niềm vui đến ập với Hạ. Mỗi lần Thảo Vy về, Hạ được rất nhiều quà Sài Gòn. Con nhỏ không có tiền mua quà, nhưng thường để dành những món quà mà con bác Tư từ Mỹ gửi cho. Ngày mai, Hạ sẽ dẫn Thảo Vy đến thăm Anh để khoe với con nhỏ là Hạ có đứa em xinh xắn và đặc biệt này. Ngày hôm sau, chị em Hạ đến thăm Anh. Hai người bạn trai của Anh mời chị em Hạ đi uống nước. Anh luôn miệng khen ngợi: - Thảo Vy xinh hơn Đan Hạ bao nhiêu lần. Vy vừa trắng, vừa có cái miệng thật duyên. Hạ không phản đối điều Anh nói và cảm thấy hãnh diện vì mình có một đứa em gái dễ thương, xinh xắn. Long cố tạo vẻ lễ phép: - Hạ! Cho Long gọi Hạ bằng chị được không. Hạ cười nhẹ: - Thảo Vy không thích khiêu vũ đâu. Long liến thoắng: -Tuyệt vời! Những người biết khiêu vũ không thích có bạn gái biết khiêu vũ. Trầm ngâm và mơ màng một lúc, Anh nói: -Nếu Long có bạn gái, Anh hết còn có dịp biểu diễn trong những buổi dạ vũ nữa rồi. Làm sao có bạn đi nhảy đây? Long “ba hoa”: - Đừng lo! Bạn gái Long rất hiền và biết thông cảm lắm. Mặc cho cả bọn cười nói, Thảo Vy không tham gia. Con nhỏ biết mọi người để ý nên rất khép nép và nhu mì. Không ngừng quan sát thái độ của nó, Hạ thấy thích tính tình nó vô cùng. Tuy sống ở Sài Gòn gần ba năm, con nhỏ không ảnh hưởng lối sống ồn ào của thành phố lớn. Có lẽ đời sống ôn hòa của thành phố biển, và của hàng dừa, biển xanh, cát trắng đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm hồn con nhỏ ngay từ thời thơ ấu mà không hoàn cảnh nào có thể thay đổi được. Suy nghĩ đến cái khép kín của Thảo Vy và nỗi buồn riêng của mình, Hạ phân vân tự hỏi nhiều lần không hiểu có nên tiết lộ với Thảo Vy không. Cuối cùng, Hạ quyết định không nói gì cả bởi vì Hạ thấy những điều bận tâm của Hạ không đúng. Hạ cố giữ nỗi buồn này mãi mãi cho riêng mình và tự hứa là sẽ cố quên đi. Anh lên tiếng hỏi làm Hạ giật mình: - Sao Hạ không giới thiệu Triệu với Thảo Vy đi? Hạ đỏ mặt, nói lãng: - Thảo Vy biết tất cả đều là bạn của Hạ rồi còn giới thiệu gì nữa? Anh cố tình không tha: - Bạn đặc biệt đó chứ. Thảo Vy có biết anh Triệu là bạn trai đặc biệt của chị Đan Hạ không? Vy giương đôi mắt tròn ngạc nhiên: -Vậy hả? Hạ đỏ mặt hơn nhưng không phản ứng gì. Nhìn khuôn mặt ngây ngô “tuổi hoa, tuổi ngọc” của Thảo Vy, Hạ chợt nhớ những lời văn đơn giản và ngọt ngào của con nhỏ trong các bài báo Tuổi Hoa, rồi quyết định để Thảo Vy sống ngọt ngào đơn giản như văn thơ của nó. Không muốn thanh minh chuyện riêng tư của mình, Hạ chỉ cười xa vắng. Sau buổi đi chơi, Thảo Vy thì thầm bên tai Hạ “Anh Triệu hiền, và đẹp trai, xứng với chị Hạ ghê đi!” Hạ mỉm cười và cảm thấy rất hãnh diện. Nhưng khi đặt mình trên giường và nhìn mái ngói loang lổ trên trần nhà, nụ cười của Hạ biến mất đi. Hạ không nên nghĩ đến việc xa xôi. Gia đình, môn đăng hộ đối, và sự chênh lệch trình độ của má với những người lớn khác trên đời tạo cho Hạ một khoảng cách xa vời vợi. Bài vở và cơn lười biếng khiến cho Hạ làm những việc tương phản. Trải chiếc chiếu cũ dưới lùm cây khế, Hạ đặt một chồng sách vở xuống rồi nằm dài chống cằm trên hai tay khoanh trước mặt. Hạ không biết mình nên làm cái gì trước, cái gì sau. Học ôn lịch sử hay ôn các động từ của tiếng Pháp? Từ lúc Thảo Vy trở vào Sài Gòn, Hạ thấy nhớ con bé và những ngày đi chơi với con nhỏ nhiều hơn. Hạ thở dài, úp mặt trên chồng sách, ngửi mùi cà phê rang thơm ngào ngạt của nhà bán cà phê Hương Hương bên đường bốc sang. - Hạ ơi! Hạ ơi! Tiếng kêu của nhỏ Ái đánh thức cơn lười biếng của Hạ. Hạ ngẩng đầu lên, quay mặt về hướng nó: - Gì vậy? Làm người ta hết hồn! Nói xong Hạ lại cúi gục xuống trên chồng sách. - Tui có chuyện quan trọng cần bật mí với bà đây. Hạ lại ngẩng đầu lên: - Gì mà quan trọng vậy? -Tui đi xem phim với tụi bạn, thấy thằngTriệu đi với con Anh. -Có lẽ Triệu đi với Anh và bạn anh ta nữa đó. -Ngoài hai đứa đó, tui không thấy ai nữa. - Vậy thì sao? -Là chuyện kỳ cục chứ sao nữa! Ái kết luận. Nha Trang quả là nhỏ, bất cứ chuyện gì cũng được biết, cũng bị đồn đãi. Hạ bâng khuâng không hiểu có gì đã xảy ra? Giữa Anh và Triệu có chuyện gì? Nếu hai người có lòng với nhau thì Hạ sẽ vui lòng chúc phúc cho cả hai, tại sao hai người đưa Hạ vào cái vòng luẩn quẩn, cái trò chơi đuổi bắt trong tình yêu như thế. Hạ giận Anh, giận Triệu và tự giận chính mình. Hạ giận Anh đã giới thiệu người con trai mà con nhỏ đã có tình ý. Hạ giận Triệu đã cố giữ người anh ta thích mà không cần biết anh ta có xây được tình cảm không. Hạ giận chính mình bởi vì Hạ có bao giờ yêu Triệu đâu sao lại đòi hỏi sự yêu thương của anh ta. Hạ không hiểu những ích kỷ này xuất phát từ cái gì nhưng Hạ thật sự bị hụt hẫng với những điều Ái thổ lộ ra. Ái lên tiếng: - Thôi để cho bà nằm ôm “cục buồn”. Tui vào nhà giã muối ớt ra ăn khế. Một lát sau, con nhỏ lộc cộc đi ra, đập vào chân Hạ, nói lớn: - Ngồi dậy, cho tui bỏ mấy cái này xuống coi. Hạ uể oải ngồi dậy, nhìn Ái đặt các thứ dao, rổ và chén muối ớt trên mặt chiếu. - Bà suy nghĩ gì vậy? Có phải nghĩ đến bài hát đúng tâm trạng của mình không? Hạ nhăn nhó: - Bài gì chứ? Ái rống to, hát lộn xộn những lời dịch của bài nhạc ngoại quốc: - “Những khi lỡ coi phim buồn thường làm tôi khóc ngất ngây. Chợt trông thấy anh và cô bạn thân nói, cười cùng bước vô...” Hạ nguýt thật dài: - Cải lương chi bảo! Ái lấm lét nhìn ra cổng: - Bà nghĩ gì cũng được, còn tui thì đang nghĩ không hiểu cô Út có đi chợ về bất tử không? Nếu thấy tui hái khế, bả ca hát bội chứ đừng nói cải lương. Hạ bật cười nhìn lên cây khế. Cây khế ngọt này là gia tài của bọn Hạ. Những người lớn trong nhà Hạ ít khi hái hay ăn trái trong vườn. Chỉ có cô Út thường quét vườn nên luôn luôn để ý những cây trái như nhãn, mãng cầu, ổi sẻ, khế... Chỗ nào mất dấu là cô biết ngay. Khi phải quét những cành lá rơi trên sân, trên đất cát, cô chưởi lung tung. Cô biết thủ phạm là hai đứa, nhưng không rõ đứa nào, nên chỉ la um sùm, bóng gió. Mà thời gian la như vậy phải là cả ngày, hay ít nhất là sáu giờ đồng hồ! Bởi cô có nhiều đặc điểm không bình thường nên cả nhà ai cũng chiều cô. Hai đứa không muốn nghe ồn ào, nhưng trái cây quyến rũ trong vườn luôn luôn cám dỗ tội lỗi. Cho nên, hái trước, nghe chưởi sau là chuyện cả hai thường làm. Ái gom các trái khế mọng nước vào một chỗ, lựa một vài trái ngon nhất để qua một bên rồi đặt mấy trái còn lại vào cái rổ. Ái hỏi: - Bà muốn chia một nửa khế này cho bạn bà không? - Không! Bữa trước tui cho tụi nó rồi. - Xì!!! Giận bạn bè giờ không cho tụi nó ăn khế nữa hả? Không có quân tử chút nào! Hạ cãi: - Đâu phải như vậy! Bà đã hái thì lấy hết đi, để mai cô Út có chửi thì ráng banh tai ra nghe một mình. Lấy vài trái khế đem đến giếng để rửa, miệng con nhỏ oang oang khắp vườn: - Nói vậy chứ bà giận tụi nó cũng được thôi. Bạn bè chơi cái kiểu gì kỳ cục quá à! Hạ ráng gân cổ, nói to không kém gì nó: -Bà biết gì mà nói! Mới thấy người ta đi xem xi nê đã nghĩ lung tung. Đúng là đầu óc có sạn. Ái đi lại, chìa trái khế trước mặt Hạ và nói: -Mệt cho lũ con nít của bà quá à! Thôi ăn khế đi. Hạ với người lấy cái dao cau gọt các đường gân của quả khế rồi xắt lát nó thành các miếng ngôi sao mỏng. Nhón một miếng vào muối ớt, Hạ nhóp nhép hỏi: - Con nít là sao? Bộ bà lớn lắm hả? Ái chanh chua không kém: -Tui không lớn nhưng không thích quen tụi ngang tuổi. Quen cái lũ con nít ngang tuổi chán chết! Tụi nó không biết ga lăng gì cả. Bà đi chơi với tui còn có lý hơn. Ngưng một lúc để nhai, Ái nói tiếp: - Thực sự tui thấy thằng Triệu đi chơi riêng với con Anh tui cũng ức dùm bà. Cái tụi nhỏ lóc chóc là vậy. Hạ nên đi chơi với Ái, quen với người lớn tốt hơn. Hạ nheo mắt cười khi nghe câu nói cuối ngọt ngào của Ái. Con nhỏ này khi muốn Hạ làm gì thì thường xưng tên rất thân mật với Hạ. Tuy Hạ là vai chị trong mối quan hệ bà con nhưng Hạ nhỏ hơn Ái một tuổi. Ái không muốn gọi Hạ là chị và Hạ không muốn xưng chị với Ái nên hai đứa lúc nào cũng xưng hô với nhau “bà” và “tui”. Những lúc đặc biệt, cả hai thường xưng tên nhau như bè bạn. Hạ hỏi cho qua chuyện: - Đi chơi đâu? Với ai? - Chiều nay anh Hoàng và Đoàn mời tui với bà đi uống nước ở quán cà phê Lys. Hạ trố mắt ngạc nhiên hỏi dò: - Mấy anh không quân, anh của bạn bà đó hả? Sao lại mời tôi? - Thực ra mấy ảnh chỉ mời tôi thôi nhưng tôi mời bà đi nữa. - Chuyện tức cười quá à! Mấy ảnh chỉ có mời bà, sao lại kéo tui đi theo làm gì? - Tui đi một mình ngại quá. Bà đi với tui đi mà! Đi chơi với người lớn họ lịch sự hơn mấy đứa đang học trung học nhiều lắm. Hạ nhăn nhó: - Mấy người đi dạ vũ mà không lịch sự hả? Nhưng mà tui chiều bà vậy. Chỉ có lần này thôi đó! - Ừ, bây giờ tui phải dọn dẹp nếu không bị tế cả ngày. Buổi chiều hôm ấy, Ái không ăn cơm để chờ bạn đến. Con nhỏ rối rít gọi Hạ vào nhà nội khi thấy chiếc xe Jeep đậu trước nhà. Hai anh chàng lính không quân đẹp trai, quân phục gọn gàng, hiên ngang vào tận trong phòng khách của nhà nội. Sau khi lịch sự chào những người lớn trong nhà, họ xin phép cho hai đứa đi chơi. Thấy họ khá tự tin khi giao tiếp với những người lớn trong gia đình, Hạ thầm phục Ái đã nhận định quá chính xác về mấy người con trai lớn tuổi này. Chào những người lớn trong nhà xong, Ái ẻo lả bước theo hai anh chàng lính không quân ra đến cổng. Hai người này thay nhau lịch sự mở rộng cổng nhà, mở rộng cửa xe. Cử chỉ của họ làm cho Hạ có cảm tưởng như mình là nhân vật quan trọng,hay quí phái nào đó.Và điều này khiến cho Hạ trở nên kín đáo hơn; không biết hòa nhập vào đối thoại của mọi người như thế nào, chỉ ngồi im lặng trên xe và trả lời khi bị hỏi đến. Từ nhà Hạ đến quán cà phê Lys khoảng vài trăm mét thôi mà Hạ cảm tưởng như xa lắm. Ngột ngạt vì không khí không quen thuộc, cho nên khi xe vừa dừng là Hạ đã lách mình chui qua khỏi tấm bạt bên hông cửa xe để nhảy ra ngoài. Ái chờ cho các anh này đến mở cửa mới từ từ, đủng đỉnh bước ra khỏi xe. Hạ nhìn Ái, biết con nhỏ giận nên lảng lờ nhìn cảnh vật trước quán. Quán cà phê Lys này nổi tiếng nhất Nha Trang vì trước cửa có một cây si rất đặc biệt. Cây si này rất lớn với nhiều cành lá sum suê vươn tận đến mái nhà. Có rất nhiều dây rễ rũ xuống từ các cành nên cây si vừa có vẻ thơ mộng của liễu rũ vừa có vẻ man dại của sự cô đơn chờ đợi. Từ hình ảnh các dây rễ si dài vời vợi mà lũ con gái trường Hạ thường chọc những anh chàng chờ đợi và theo đuổi dai dẳng ở các góc đường của trường Nữ Trung Học Huyền Trân là “những người trồng cây si” hay là “những cây si biết nói”. Nhưng mà, “những cây si” ở trước trường Nữ Trung Học Huyền Trân thường sắp hàng dài trong giờ tan trường nhất định nên có bè, có bạn chứ không đơn độc và cố định muôn đời như cây si của quán Lys này. -Vào đi Hạ. Hạ chớp mắt, gật đầu rồi bước theo các anh lính không quân và Ái vào chỗ ngồi. Liếc nhìn Ái, Hạ bắt chước theo những cử chỉ của con nhỏ để khỏi bị giận hờn phiền phức. Thấy Ái chọn món kem dừa, Hạ cũng vội nói theo: - Hạ cũng ăn kem dừa. Gặp lại Triệu tại nhà Anh, Hạ mời anh ta ra một góc vườn để tìm sự thật: - Triệu đi xem phim với Anh phải không? - Phải, vì Anh mời và nói có Hạ đi cùng. Đến nơi không thấy Hạ, nhưng lỡ rồi nên đi luôn. Đưa đôi mắt buồn nhìn Triệu, Hạ trách: - Hạ nghĩ chỉ có những người có tình ý nhau như nhân tình mới đi xi nê riêng với nhau thôi. Triệu bực dọc: -Triệu không có tình ý gì với ai cả; thích thì đi với bạn, chứ không nghĩ xa xôi. Hạ hỏi vặn: -Triệu không nghĩ nhưng người khác nghĩ. Cả thành phố đều biết Hạ thường đi dạ vũ với Triệu. Mọi người đều nghĩ Hạ là bạn gái của Triệu. Hạ chưa từng đi xi nê riêng với Triệu, sao Triệu đi xi nê với người khác được? - Phải, tụi mình chưa bao giờ xem xi nê riêng với nhau. Bởi vì có mời, Hạ cũng không chịu đi. Mọi người biết Hạ thường nhảy với Triệu nhưng người ta không hiểu là Hạ không có tình cảm gì với Triệu cả. Hạ hoảng hốt và bối rối khi nghe những lời này. Chưa lần nào Triệu nói nhiều và có thái độ bực tức như thế. Hạ thấy giận Ái đã tiết lộ những điều không có lợi cho Hạ. Hạ không biết gì hơn là thành thực nói hết ý nghĩ của mình: - Đúng vậy, Hạ không có tình cảm. Nếu Triệu tìm được tình cảm, thì hãy chia tay. Chúng ta không cần tạo một sự gượng ép. Ngày hôm đó là ngày cuối cùng Hạ đến nhà Anh. Con nhỏ vui tươi và vô tư đến độ Hạ hiểu rằng mình đã nhận định sai lầm về tình cảm của hai người. Hạ nhớ lại sự khó khăn của Anh trong những lần rủ Hạ đi chơi và hiểu ra vì sao Anh không thể rủ Hạ đi xi nê như đã nói với Triệu. Hạ cảm thấy hổ thẹn vì sự nghi ngờ của mình. Tuy nhiên qua sự việc, Hạ hiểu rõ Triệu hơn để quyết định chấm dứt mối quan hệ không kết thúc. Trước đây, Hạ thường mơ mộng sẽ có một mối tình cao thượng làm khuất phục trái tim của Hạ nhưng đến lúc này, Hạ thấy rõ tình yêu dường như đặt trên nền tảng có qua, có lại. Hạ còn thấy rõ là mình không thể đòi hỏi tình cảm người nào khác khi mình không có tình cảm với họ. Quyển sách mà Hạ yêu thích nhất là quyển “Uyên Ương Gãy Cánh”. Câu chuyện trong sách đã làm cho Hạ trầm ngâm và suy tư về những tình tiết không may của một mối tình dang dở và trái tim chân thành của người con trai. Lời văn trong sách hay đến độ Hạ không hiểu tác giả viết từ một chuyện có thật hay bịa đặt do trí tưởng tượng. Bởi vì người ta thường nói là những tình yêu chân chính và cao cả luôn luôn xuất hiện trong sách vở chứ không bao giờ tìm thấy trong đời sống, vì vậy, hy vọng có một tình yêu cao thượng để được xoa dịu những ưu tư mơ hồ chỉ là ảo tưởng mà thôi. Hạ cảm thấy hụt hẫng như mất hết niềm tin yêu. Còn lại, những lời bóng gió, vô vị, những bài thơ ca ngợi xa xôi chỉ là khoảng không vô vọng. Những thơ mộng xa vời ấy chỉ thích hợp cho những cô gái đẹp và giàu sang như các bậc vương giả mà thôi. Hạ biết thân phận và hoàn cảnh gia đình mình nên không bao giờ muốn nghĩ đến những gì ngoài tầm tay với. Tìm một người yêu mình và mình cũng cũng yêu người ấy không phải là một việc dễ dàng. Hạ chỉ muốn tìm lại thói quen cũ là mơ mộng và thì thầm với biển hay với những nhành dương.
/div>
http://eTruyen.com