Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Chương 3
Giám định ý khoa và một funt(1) hạt dẻ

Giám định y khoa cũng không giúp gì nhiều cho bị cáo. Vả lại chính Fedorovich cũng không trông cậy vào đó lắm, như sau này đã rõ.
Về căn bản, nó xảy ra chỉ theo sự khẩn nài của Ekaterina Ivanovna đã cố mời một bác sĩ danh tiếng từ Moskva về. Việc bào chữa cố nhiên không thể vì thế mà thua thiệt, khá lắm thì có thể có lợi về điểm nào đó. Tuy nhiên phần nào đã xảy ra chuyện nực cười vì có sự bất đồng phần nào giữa các bác sĩ. Các giám định viên đó là: ông bác sĩ nổi tiếng mới đến, rồi đến bác sĩ Gherxenstube của chúng ta, cuối cùng là bác sĩ trẻ tuổi Varvinsky. Hai người sau cùng ra làm nhân chứng do ông biện lý gọi. Người được hỏi đầu tiên với tư cách giám định là bác sĩ Gherxenstube.
Đấy là ông già bẩy mươi tuổi, tóc bạc và hỏi, tầm vóc trung bình, rắn chắc. Trong thành phố chúng tôi mọi người đều quý trọng ông. Ông là một bác sĩ tận tâm, một người tuyệt diệu và sùng tín, một gemơgutơ(2) hay "giáo hữu xứ Moravia", tôi không rõ ông đã ở vùng chúng tôi lâu lắm rồi và tư cách hết sức đứng đắn ông tốt bụng và yêu người, chữa những người ốm nghèo và nông dân không lấy tiền, ông đích thân đến nơi nhà tranh vách nát của họ và cho họ tiền mua thuốc, nhưng ông ương bướng như con la. Ông đã có định kiến gì thì không thể làm ông thay đổi ý kiến được. Thêm nữa, hầu hết mọi người trong thành phố đều biết rằng ông bác sĩ nổi tiếng mới tới, trong vài ba ngày ở vùng chúng tôi, đã cực kỳ chê bai khả năng của bác sĩ Gherxenstube. Số là ông bác sĩ Moskva lấy hai mươi nhăm rúp một lần khám bệnh, nhưng một số người ở vùng chúng tôi mừng rỡ vì ông ta đến, không tiếc tiền để đến khám. Tất cả những người bệnh ấy, trước khi ông đến, cố nhiên chữa bác sĩ Gherxenstube, thế là ông bác sĩ nổi tiếng phê phán cực kỳ gay gắt cách chữa của bác sĩ Gherxenstube. Rốt cuộc khi đến thăm bệnh nhân thậm chí ông ta hỏi thẳng: "Thế nào, ở đây ai chữa cho các người, Gherxenstube phải không? Hê-hê!". Bác sĩ Gherxenstube, cố nhiên biết tất cả những chuyện ấy. Thế là cả ba bác sĩ lần lượt ra cho toà hỏi. Bác sĩ Gherxenstube tuyên bố thẳng rằng "tính không bình thường về khả năng trí tuệ của bị cáo tự nó bộc lộ rõ" tiếp đó, sau khi trình bày lý do, mà tôi không thuật lại ở đây ông thêm rằng sự không bình thường đó bộc lộ rõ chủ yếu không chỉ qua nhiều hành động trước kia của bị cáo, mà cả bây giờ, lúc này, khi ông già bác sĩ, với sự thẳng đuột chất phác của mình, vạch rõ ràng bị cáo khi vào phòng xử án, "có vẻ lạ thường và kỳ quặc không hợp với hoàn cảnh, bước đi như người lính và mắt nhìn chằng chằng thẳng về phía trước, trong khi đúng hơn là phải nhìn vẻ bên trái, nơi có các bà, bởi vì anh ta là người rất mê phải đẹp, và hắn là phải nghĩ rất nhiều về việc các bà lúc này nghĩ gì về anh ta", - ông già kết luận bằng thứ ngôn ngữ dặc sắc của mình. Cần nói thêm rằng ông sẵn lòng nói nhiều bằng tiếng Nga, nhưng mỗi câu đều theo kiểu cách Đức, tuy nhiên điều đó không bao giờ làm ông lúng túng, vì suốt đời ông có chỗ yếu coi tiếng Nga của mình là kiểu mẫu, "hay hơn cả tiếng Nga của người Nga" và thậm chí ông rất thích dùng phương ngôn Nga vì cho rằng phương ngôn Nga hay hơn và giàu sức diễn cảm hơn hết mọi phương ngôn trên đời. Tôi xin lưu ý rằng trong lúc nói chuyện, do đãng trí, ông thường quên những từ bình thường nhất mà ông vẫn biết rất rõ, nhưng không hiểu tại sao lại lọt khỏi trí nhớ của ông. Nhưng khi ông nói tiếng Đức cũng như vậy, khi ấy ông luôn luôn khua tay trước mặt như tìm cách chộp lấy một từ lẩn mất, và không ai có thể bắt ông tiếp tục nói nốt trước khi tìm ra từ đã mất. Nhận xét của ông về việc bị cáo khi vào phòng lẽ ra phải nhìn các bà gây nên tiếng rì rầm tinh nghịch trong công chúng. Tất cả các bà rất yêu ông già của chúng ta, họ cũng biết rằng ông sống độc thân suốt đời, sùng tín và trong trắng, coi phụ nữ như nhưng nhân vật thượng đẳng cao quý! Và thế mọi người đều cảm thấy nhận xét bất ngờ của ông lạ lùng ghê gớm.
Ông bác sĩ Moskva, đến lượt mình khẳng định một cách gay gắt và dai dẳng rằng ông coi tình trạng trí tuệ của bị cáo là không bình thường, thậm chí "ở mức độ cao nhất". Ông nói nhiều và khôn khéo về bệnh "ám ảnh" và "cuồng loạn" và kết luận rằng theo tất cả những dữ kiện thu thập được, trước khi bị bắt mấy ngày, bị cáo chắc chắn ở trong trạng thái ám ảnh bệnh hoạn và nếu bị cáo đã phạm tội, thì tuy có biết, nhưng hầu như vô tình, hoàn toàn không đủ sức đấu tranh với sự cuốn hút tinh thần bệnh hoạn lôi kéo mình. Nhưng ngoài bệnh ám ảnh, bác sĩ còn xét cả bệnh cuồng loạn nó báo trước, theo lời ông, con đường thẳng tuột tới sự mất trí hoàn toàn. (N.B. Tôi thuật lại bằng lời của tôi, còn bác sĩ giải thích bằng ngôn ngữ chuyên môn uyên bác). "Mọi hành động của anh ta trái ngược với lương tri và logic, - ông ta nói tiếp. - Tôi chưa nói về điều tôi không nhìn thấy tức là về chính hành động phạm tội và toàn bộ tai hoạ ấy, nhưng sang ngày thứ ba, khi nói chuyện với tôi, anh ta có cái nhìn trân trân khó giải thích. Anh ta cười bất ngờ mà đáng lẽ không nên có. Trạng thái cáu kỉnh thường xuyên khó hiểu, những lời lẽ kỳ dị: "Becna, đậu đước học" và những điều khác không đáng có". Nhưng bác sĩ đặc biệt xét bệnh "cuồng" đó ở chỗ bị cáo không thể nói về ba ngàn rúp mà anh ta cho là mình bị lừa mà không nổi xung khác thường, trong khi anh ta nói và nhớ lại tất cả những thất bại và xúc phạm khác của mình một cách khá thoải mái. Cuối cùng, theo chứng nhận, vẫn hệt như ước kia, mỗi lần đề cập đến ba ngàn đồng ấy, anh ta gần như phát rồ, trong khi đó người ta làm chứng rằng anh ta không vụ lợi và không ky cóp. "Về ý kiến người bạn đồng nghiệp bác học của tôi, - ông bác sĩ Moskva kết thúc ý kiến của mình một cách mỉa mai rằng bị cáo khi vào phòng xử, lẽ ra phải nhìn các bà chứ không nhìn thẳng trước mặt thì tôi xin nói rằng ngoài tính chất mua vui, ý kiến ấy sai lầm căn bản. Vì tuy tôi hoàn toàn đồng ý rằng bị cáo, khi vào phòng xử, nơi quyết định số phận của mình, đáng ra không nhìn trân trân về phía trước như vậy, điều đó quả thực có thể coi là dấu hiệu về trạng thái tinh thần bất binh thường của anh ta vào lúc ấy, nhưng đồng thời tôi khẳng định rằng anh ta phải nhìn không phải về phía bên trái chỗ các bà, mà trái lại phải nhìn về bên phải, đưa mắt tìm luật sư bào chữa mà anh ta hy vọng ở sự giúp đỡ của ông và bây giờ tất cả số phận anh ta tuỳ thuộc vào việc bào chữa của ông". Ý kiến của mình, bác sĩ diễn đạt một cách kiên quyết và nhất mực.
Nhưng sự bất đông giữa hai giám định viên bác học có vẻ khôi hài đặc biệt do kết luận bất ngờ của bác sĩ Varvinsky được hỏi sau cùng. Theo quan điểm của ông, bị cáo hiện giờ cũng như trước kia, ở trạng thái hoàn toàn bình thường, tuy trước khi bị bắt quả thật anh ta có bị kích động thần kinh đặc biệt, nhưng sở dĩ như vậy là do nhiều nguyên nhân hiển nhiên: ghen tuông, giận dữ, say liên miên v.v… Nhưng trạng thái tinh thần đó không thể bao gồm "sự ám ảnh" đặc biệt nào như vừa nói. Còn về việc bị cáo phải nhìn về bên trái hay bên phải khi bước vào phòng thì "theo ý kiến khiêm tốn của ông", bị cáo chính là phải nhìn thẳng trước mặt, như đã nhìn trong thực tế, vì ngồi trước mặt anh ta là chánh án và các thành viên hội đồng xét xử mà tất cả số phận anh ta bây giờ là tuỳ thuộc vào họ, "thành thử, nhìn thẳng trước mặt là anh ta chứng minh trạng thái trí tuệ hoàn toàn bình thường vào lúc ấy", - bác sĩ trẻ kết luận lời khai "nhũn nhặn" của mình hơi hăm hở.
- Hoan hô thầy lang! - Mitia kêu lên từ chỗ của mình. - Hoàn toàn đúng như vậy!
Cố nhiên Mitia bị chặn lại, nhưng ý kiến của bác sĩ trẻ đã có ảnh hưởng hoàn toàn quyết định đến phiên toà và công chúng, bởi vì như sau này đã rõ, mọi người đều đồng ý với ông. Tuy nhiên, bác sĩ Gherxenstube ra khai với tư cách nhân chứng, đã hoàn toàn bất ngờ làm lợi cho Mitia. Là người sống lâu năm ở thành phố, biết rõ gia đình nhà Karamazov, ông khai mấy điều rất có lợi cho việc "buộc tội", rồi bỗng nhiên, như nghĩ ra điều gì, ông thêm:
- Nhưng chàng thanh niên tội nghiệp này có thể có được một số phận tốt hơn vô kể, bởi vì thời thơ ấu cũng như sau này, anh ta có tấm lòng tốt, tôi biết điều đó. Nhưng phương ngôn Nga có câu: "Một người thông minh thì tốt, nhưng nếu có một người thông minh khác đến thăm thì càng tốt hơn, vì khi đó có hai bộ óc thông minh, chứ không phải một…
- "Một trí thông minh thì tốt, hai càng tốt hơn", - viên biện lý sốt ruột nhắc lại, đã từ lâu ông biết ông già có thói quen nói chậm, dề dà, không bối rối vì ấn tượng gây nên và việc bắt người ta phải chờ đợi, trái lại, ông rất quý trọng sự hóm hỉnh trì độn, tự mãn của người Đức. Ông già thích pha trò.
- Ồ vâng, tôi cũng nói như thế, - ông già bướng bỉnh đỡ lời, - một trí thông minh thì tốt, hai thì càng tốt hơn nhiều. Nhưng một người thông minh khác không đến, và anh ta dùng trí thông minh của mình… ờ, dùng vào đâu nhỉ? Cái từ ấy, anh ta dùng ai thông minh của mình vào đâu nhỉ?, tôi quên béng mất rồi, - ông ta xoay một tay trước mắt, - à phải, spasiren.
- Chơi bời chứ gì?
- Vâng, chơi bời, tôi định nói thế. Trí óc anh ta lang bang chơi bời và lạc sâu đến nỗi đánh mất bản thân mình. Trong khi đó đấy là một chàng trai cao quý và nhạy cảm. Ồ, tôi rất nhớ anh ta từ lúc còn con nít, bị bố bỏ rơi ở sân sau, chân không giầy, quần chỉ còn độc một chiếc cúc.
Giọng nói của ông già chính trực đượm một âm thanh nhạy cảm và thấm thía. Fetiukovich giật mình, như linh cảm thấy điều gì và bám theo ngay.
- Ồ, vâng, hồi ấy chính tôi còn trẻ… Tôi… Ồ vâng, hồi ấy tôi bốn mươi lăm, tôi vừa mới đến đây. Tôi cảm thấy thương hai thằng bé và tôi tự hỏi: tại sao ta lại không mua cho nó một funt… Ồ vâng, một funt gì nhỉ. Tôi quên mất tên nó rồi., một funt cái mà trẻ rất thích ăn, nó gọi là… ông bác sĩ xua tay, - nó mọc trên cây người ta hái về đem cho…
- Táo phải không?
- Ồ, không! Một funt, một chục quá táo chứ không phải một funt… nó nhiều và nhỏ xíu, bỏ vào mồm và cr-ă-ã!
- Hạt dẻ?
- Vâng, hạt dẻ, tôi định nói thế. - Bác sĩ xác nhận, hết sức bình tĩnh, như thể ông không hề phải tìm từ. - Tôi mang đến cho nó một funt hạt dẻ, bởi vì thằng bé chưa bao giờ được ai mang cho một funt hạt dẻ, còn tôi giơ một ngón lay lên và nói với nó: "Này cháu bé, Gott der Vater(3), nó cười và nói: "Gott der Sohn - Gott der Sohn"(4). Nó vẫn cười và lắp bắp: " Gott der Sohn - Gott der heilige Geisl(5). Nó lại cười và cố sức nói: "Gott der heillige Geisl". Còn tôi bỏ đi. Hôm sau nữa tôi đi qua đó, nó gào lên gọi tôi: "Chú ơi, Gott der Vater, Gott der Sohn" và chỉ quên "Gott der heillige Geisl", nhưng tôi nhắc lại cho nó nhớ và tôi lại rất thương nó. Nhưng rồi người ta đưa nó đi nơi khác, tôi không gặp nó nữa. Hai mươi ba năm trôi qua, một buổi sáng tôi ngồi trong phòng làm việc, đầu đã bạc trắng, bỗng nhiên một thanh niên đang tuổi nở hoa bước vào, tôi không thể nào nhận ra, nhưng nó giơ một ngón tay lên, vừa cười vừa nói: "Gott der Vater, Gott der Sohn, Gott der heillige Geisl". Bây giờ tôi đến để cảm ơn ông về một funt hạt dẻ, hồi ấy chẳng có ai mua cho tôi một funt hạt dẻ bao giờ cả, chỉ có ông mua cho tôi". Thế là tôi nhớ lại thời thanh niên hạnh phúc của tôi và chú bé nghèo khổ chân đất chạy trong sân, trái tim tôi xúc động và tôi nói: "Anh thanh niên biết nhớ ơn bởi vì suốt đời anh đã nhớ đến funt hạt dẻ mà tôi đã mang lại cho anh hồi còn thơ ấu". Tôi ôm lấy anh ta và cầu phước cho anh ta. Tôi khóc. Anh ta cười, nhưng cũng khóc. Bởi vì người Nga rất hay "cười lúc cần phải khóc". Nhưng anh ta khóc, tôi thấy điều đó. Còn bây giờ thì, hỡi ôi!…
- Bây giờ tôi khóc, ông già người Đức ạ, bây giờ tôi khóc, ông là người của Chúa! - Mitia bỗng kêu lên từ chỗ của mình.
Dùsao, câu chuyện gây cho công chúng một ấn tượng có phần thuận lợi. Nhưng hiệu quả chính có lợi cho Mitia là lời khai của Ekaterina Ivanovna mà tôi sẽ kể dưới đây. Và nói chung, khi bắt dằu đến những người làm chứng à décharge(6), nghĩa là những người do luật sư bào chữa mời lên, thì số phận dường như bỗng thật sự cười với Mitia và đáng chú ý nhất là bỗng bất ngờ cười với chính việc bào chữa. Nhưng trước khi hỏi Ekaterina Ivanovna, người ta còn hỏi Aliosa, anh chợt nhớ tới một sự việc có vẻ như là lời chứng bác bỏ một điểm buộc tội quan trọng nhất.
 
Chú thích:
(1) funt = 409g
(2) Gemơgutơ là phong trào xã hội lòn giáo xuất hiện ở Gemogut xú Xacxomia thế kỷ XVIII, phổ biến ở Nga thế kỷ XVIII-XIX. Nó có mục đích coi cải tạo tinh thần con người, gốc rễ từ học thuyết "giáo hữu Moravia" giáo phái Tsec ra đời giữa thế kỷ XV
(3) Chúa cha ( tiếng Đức).
(4) Chúa cha - Chúa con (tiếng Đức).
(5) Chúa con - Chúa thánh thần (tiếng Đức)
(6) gỡ tội (tiếng Pháp)

Truyện Anh em nhà Caramazov Lời người dịch Lời tác giả Quyển 1: Câu chuyện một gia đình - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Quyển 2: Cuộc họp mặt không đúng chỗ - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Quyển 3: Những kẻ ham nhục dục
Chương 1
Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Quyển 4: Vò xé
Chương 1
Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Quyển 5: Pro và Contra(1)
Chương 1
Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Quyển 6. - Chương 1 Chương 2 Chương 2 (2) Chương 3 Chương 3 (2) Quyển 7 - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Quyển 8 - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Quyển 9 - Điều tra sơ bộ - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Quyển 10. Mhững chú bé - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Quyển 11. Anh Ivan Fedorovich - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Quyển 12. Sai lầm của tòa án - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Phần kết - Chương 1 Chương 2 Chương 3