Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Chương 2
Báo động

Ông cảnh sát trưởng của chúng ta, Mikhail Makarovich Makarov, một trung tá hồi hưu, chuyển sang làm tham sự bậc bảy, là một người goá vợ và tốt. Ông đến tỉnh nhà ba năm trước, nhưng đã giành được thiện cảm của tất cả mọi người, cái chính là ông "biết họp bạn". Nhà ông không bao giờ vắng khách, hầu như không có khách đến thăm thì ông không sống nổi. Ngày nào cũng có khách đến ăn ở nhà ông ta, dù chỉ là một người, không có khách cùng ăn thì ông không ngồi vào bàn. Thỉnh thoảng có những bữa chỉ cốt để mời khách, lấy cớ này cớ nọ, đôi khi là những cớ hết sức bất ngờ. Món ăn tuy không cầu kỳ, nhưng thịnh soạn, bánh nướng có nhân rất ngon, rượu vang tuy không ngon lắm, nhưng uống tha hồ. Ở phòng đầu tiên có một bàn bi- a, phòng bày biện rất lịch sự, trên tường có treo nhưng bức hình ngựa đua nước Anh đóng khung đen, mà ai cũng biết rằng đấy là vật trang trí cần thiết của mọi phòng bi-a của người sống độc thân. Tối nào người ta cũng chơi bài tuy chỉ có một bàn. Nhưng thường thường giới thượng lưu ưu tú nhất của thành phố, gồm cả các bà mẹ và các cô con gái, vẫn họp mặt ở đây để khiêu vũ.
Mikhail Makarovich tuy goá vợ, nhưng sống có gia đình, cùng ở với ông có người con gái đã goá chồng và là mẹ của hai đứa con gái, cháu gái của ông. Các cô cháu đã lớn, đã thôi học, nom cũng dễ ưa, tính tình vui vẻ, tuy mọi người đều biết các cô chẳng có của hồi môn, nhưng các cô vẫn thu hút được thanh niên thượng lưu đến nhà ông mình. Mikhail Makarovich chẳng lấy gì làm tài giỏi, nhưng ông ta thực hiện chức trách của mình không kém gì nhiều người khác. Nói thẳng ra ông ta là người ít học, cũng chẳng bận tâm tìm hiểu cho rõ ràng phạm vi quyền hành của mình. Đối với một số cải cách của triều đình đương thời(1), chẳng những ông không hiểu rõ lắm, mà còn hiểu hơi sai, đôi khi là sai lè lè, không phải vì khả năng quá kém, mà chỉ vì ông vô tâm, không có thời gian đi sâu vào mọi việc. "Các ngài ạ, tâm tính tôi nặng phần võ biền hơn là phần dân sự", - ông ta tự nói về mình như thế. Thậm chí hình như ông vẫn chưa có quan niệm rành mạch dứt khoát về những lý do đích xác của cuộc cải cách nông dân, mà ông nhận biết dần dần, năm này qua năm khác nhờ kinh nghiệm thực tế, một cách bất đắc dĩ, vậy mà ông là một địa chủ kia đấy. Petr Ilych biết chắc rằng tối hôm ấy nhất định anh ta sẽ gặp ở nhà Mikhail Makarovich, một vị khách nào đó có điều không biết đích xác là ai. Lúc ấy ở nhà ông ta có hai ông khách đang ngồi đánh bài: ông biện lý và viên bác sĩ của Zemstvo(2) là Varvinsky, một người trẻ tuổi vừa từ Peterburg đến vùng chúng tôi, anh ta vừa tốt nghiệp loại ưu trường đại học y Peterburg. Ông biện lý, thực ra là phó biện lý, nhưng người ta vẫn gọi ông là biện lý, tên là Ippolit Kirinlovich, là một người đặc biệt, chưa già, mới có ba mươi nhăm, nhưng coi bộ rất dễ ốm lao, lại lấy một bà vợ béo ú và không sinh đẻ, ông ta có anh tự ái và hay cáu kỉnh, nhưng đầu óc khá vững vàng và thậm chí tốt bụng. Có lẽ điều tai hại nhất trong tính cách ông là ông tự đánh giá mình hơi quá cao so với giá trị thật của ông ta. Vì thế ông ta thường xuyên buồn bực. Thêm nữa, ông ta có đôi chút khuynh hướng cao cả và nghệ thuật, chẳng hạn thích phân tích tâm lý, tự cho là hiểu sâu tâm hồn con người, có năng khiếu đặc biệt nhận ra kẻ phạm tội và tội ác. Bởi thế ông ta cho rằng mình bị đối xử bất công và không được thăng thưởng xứng đáng, ông luôn luôn tin chắc rằng cấp trên không đánh giá ông đúng mức và có những kẻ thù ghét ông. Những lúc buồn nản, thậm chí ông còn doạ sẽ đi làm luật sư về các vụ hình sự. Vụ Karamazov giết cha đến bất ngờ dường như khơi động tất cả sinh lực của ông: "Một vụ án có thể vang động khắp nước Nga". Nhưng đấy là tôi nói quá sớm mất rồi.
Ở phòng bên cạnh, các cô cháu gái ngồi tiêp viên dự thẩm trẻ tuổi của toà án Nikolai Parfenovich Nekhliudov mới từ Peterburg đến vùng chúng tôi hai tháng trước. Sau này người ta nói chuyện với nhau và lấy làm ngạc nhiên rằng tối hôm "xảy ra vụ phạm tội" tất cả các nhân vật ấy dường như bảo nhau tụ họp tại nhà ông viên chức hành pháp. Thế nhưng sự việc đơn giản hơn nhiều và xảy ra hết sức tự nhiên: hôm trước bà vợ ông biện lý Ippolit Kirinlovich đau răng, ông ta phải lánh đi nơi khác để khỏi phải nghe bà ta rên la; viên bác sĩ thì buổi tối không thể không đánh bài. Nikolai Parfenovich Nekhliudov thì đã ba ngày trời dự tính tối hôm ấy sẽ làm như tình cờ đến nhà Mikhail Makarovich, thực hiện một mưu đồ nham hiểm làm cho bà con gái cả của ông ta là Olga Mikhailovna sửng sốt vì anh ta biết điều bí mật của bà ta, biết hôm nay là sinh nhật của bà ta điều mà bà ta muốn giấu bọn chúng tôi, để khỏi phải mời mọi người đến khiêu vũ. Sẽ tha hồ cười và nói xa xôi về cái tuổi của bà ta, mà hình như bà ta sợ để lộ tuổi, và bây giờ anh ta nắm được bí mật của bà ta thì ngày mai anh ta sẽ nói với tất cả mọi người, v.v và v.v… Về khoản này anh chàng trẻ tuổi là tay tinh nghịch, chính các bà đã đặt cho anh ta cái biệt hiệu là gã ma lanh, và xem chừng anh ta lấy thế làm thích thú. Tuy nhiên, anh ta thuộc loại người tử tế, con nhà gia thế có giáo dục và có những tình cảm tốt lành, tuy thích ăn chơi, nhưng rất hồn nhiên và bao giờ cũng lịch sự. Bề ngoài nom anh ta nhỏ nhắn, yếu sức và ẻo lả. Trên những ngón tay thanh mảnh và nhọt nhạt của anh ta bao giờ cũng lấp lánh mấy chiếc nhẫn hơi quá to. Khi thi hành chức trách của mình, anh ta làm bộ quan trọng lạ thường, như thể anh ta coi chức nghiệp và phận sự của mình là thiêng liêng. Đặc biệt khi hỏi cung nhưng kẻ giết người và gian phi thuộc lớp bình dân, anh ta biết cách làm cho họ luống cuống và thực sự khiến họ kính trọng anh ta hay ít nhất cũng hơi ngạc nhiên.
Khi vào nhà cảnh sát trưởng, Petr Ilych thực sự bàng hoàng: anh ta bỗng thấy rằng ở đây người ta đã biết hết rồi. Đúng vậy, người ta thôi chơi bài, thậm chí cả Nikolai Parfenovich cũng bỏ mấy cô nàng chạy đến, và bộ dạng nom đến hung hăng. Petr Ilych được biết một tin choáng người là ông già Fedor Pavlovich quả thật đã bị giết chết tối hôm ấy ở nhà ông ta, bị giết và bị cướp của. Mãi đến lúc này anh ta mới được biết như sau:
Marfa Ignatievna, vợ của Grigori (lão bị đánh gục dưới chân tường), tuy ngủ say li bì trên giường và có thể cứ ngủ như thế đến sáng, nhưng bỗng nhiên mụ thức giấc. Ấy là vì tiếng rú động kinh ghê gớm của Xmerdiakov, hắn vẫn nằm bất tỉnh ở phòng bên - khi bắt đầu cơn động kinh bao giờ hắn cũng rú như vậy và những cơn động kinh bao giờ cũng làm cho Marfa Ignatievna khiếp sợ, gây cho mụ cảm giác đau đớn, suốt đời như vậy. Không bao giờ mụ quên được. - Nửa thức nửa ngủ, mụ chồm dậy và gào như mê man chạy hộc tốc sang buồng Xmerdiakov. Trong buồng tối om, chỉ nghe thấy người bệnh ngáy một cách đáng sợ và vội vã. Thế là Marfa Ignatievna la lên và gọi chồng, nhưng mụ chợt nhớ ra rằng lúc mụ trở dậy thì hình như chồng không có trên giường. Mụ chạy về giường và lại sờ soạng, nhưng quả thật giường trống không. Vậy là ông lão đã bỏ đi, đi đâu? Mụ chạy ra bậc tam cấp và đứng đấy rụt rè gọi. Cố nhiên không có trả lời, nhưng giữa bầu đêm thanh vắng, mụ bỗng nghe thấy ở đâu xa xa trong vườn có tiếng rên rỉ. Mụ lặng nghe; tiếng rên ra lặp lại, và rõ là ở trong vườn. "Trời ơi, nghe như tiếng kêu của Lizavota Xmerdiasaia hồi ấy!" - ý nghĩ thoáng hiện trong đầu óc rối loạn của mụ. Mụ rụt rè bước xuống bậc thềm và thấy rõ cửa vườn bỏ ngỏ. "Đúng là ông lão nhà ta ở đấy" mụ nghĩ, tới gần cổng vườn và bỗng nghe rõ mồn một tiếng Grigori gọi mụ: "Marfa, Marfa!" - tiếng gọi yếu ớt, rền rĩ, đáng sợ. "Lạy Chúa cứu vớt chúng con khỏi tai hoạ", - Marfa Ignatievna thì thầm và đâm bổ tới chỗ có tiếng gọi, vì vậy mụ đã tìm thấy Grigori. Nhưng tìm thấy không phải ở chân tường, chỗ lão bị dành gục, mà cách tường khoảng hai chục bước. Về sau mới biết rằng khi tỉnh lại, lão bò đi, chắc là bò rất lâu, mấy lần ngất đi, lại mê man bất tỉnh. Mụ nhận thấy ngay người lão bê bết máu và lập tức mụ gào toáng lên. Grigori khẽ lắp bắp một cách rời rạc: "Nó giết… giết cha… gào cái gì, đồ ngốc… chạy đi, gọi…". Nhưng Marfa không chịu thôi, vẫn gào la và bỗng nhiên, thấy cửa sổ phòng ông chủ để mở và sáng đèn, mụ chạy tới gọi Fedor Pavlovich. Nhưng nhìn vào cửa sổ, mụ thấy cảnh tượng khủng khiếp: ông chủ nằm ngửa trên sàn, không động cựa. Tấm áo choàng sáng màu và chiếc sơ mi trắng đẫm máu. Cây nến trên bàn soi rõ mồn một máu và khuôn mặt người chết. Khiếp hãi tột độ, Marfa Ignatievna chạy ra khỏi vườn, mở then cổng, cắm đầu chạy ra sau nhà sang bà hàng xóm Maria Kondratievna. Bà hàng xóm cùng cô con gái bà ta đã đi ngủ, nhưng tiếng đập cửa dồn dập, điên cuồng và tiếng la thét của Marfa Ignatievna khiến họ thức giấc và đâm bổ đến cửa sổ. Marfa Ignatievna la khóc, kể lể một cách rời rạc, nhưng cũng nói được cái chính và gọi họ sang, giúp. Vừa hay đêm hôm ấy gã lang thang Foma ngủ ở nhà họ. Họ tức khắc dựng gã dậy, và cả ba cùng chạy đến chỗ xảy ra án mạng. Lúc đi, Maria Kondratievna đã kịp nhớ ra rằng lúc chín giờ, bà ta có nghe thấy tiếng kêu gào vang động khắp nơi, từ vườn vang ra - cố nhiên đấy là tiếng của Grigori khi lão hai tay bíu lấy chân Dmitri Fedorovich đã ngồi trên bờ tường và gào lên: "Thằng giết cha!" "Có người nào bỗng gào lên rồi ngừng bặt" - Maria Kondratievna vừa chạy vừa trỏ chỗ. Chạy đến chỗ Grigori, hai người phụ nữ có Foma giúp sức, chuyển lão vào căn nhà ngang. Họ thắp đèn và thấy Xmerdiakov vẫn chưa cất cơn, vẫn vật vã trong buồng của hắn, mắt trợn lên, mép sùi bọt. Họ lấy nước pha giấm vã lên đầu Grigori, nước làm lão tỉnh hắn, và lão hỏi ngay: "Ông nhà có bị giết không?". Hai người phụ nữ và Foma liền đến chỗ ông chủ, và khi vào vườn, họ thấy ngay rằng không chỉ cửa sổ, mà cửa lớn từ nhà ra vườn cũng mở toang, mà suốt tuần nay đêm nào ông chú cũng đóng chặt cửa từ chiều, ngay cả Grigori cũng không được phép gõ cửa với bất cứ lý do nào. Thấy cửa ra vào để mở, tất cả bọn họ, hai người phụ nữ và Foma, không dám vào, "để sau này khỏi lôi thôi".
Khi họ trở lại, Grigori lập tức bảo họ chạy đến cảnh sát trưởng. Thế là Maria Kondratievna đã chạy đi và làm cho mọi người ở đấy nhốn nháo lên. Bà ta chỉ đến trước Petr Ilych có năm phút, thành thử anh ta không phải chỉ đem đến những phỏng đoán và suy luận, mà là người chứng kiến tận mắt, câu chuyện anh ta kể lại càng xác nhận sự phỏng đoán chung về việc ai là kẻ phạm tội (điều mà trong thâm tâm, cho đến phút cuối cùng, anh ta vẫn không tin).
Họ quyết định hành động cương quyết. Viên phó cảnh sát trưởng được lệnh lấy bốn nhân chứng và theo đúng mọi quy tắc mà tôi không miêu tả ở đây, vào nhà Fedor Pavlovich và tiến hành điều tra tại chỗ. Viên bác sĩ của Zemstvo, anh chàng sôi nổi mới về tình nguyện đi cùng với cảnh sát trưởng, ông biện lý và ông dự thẩm. Tôi chỉ nói vắn tắt: Fedor Pavlovich bị giết chết hẳn, sọ bị đập vỡ, nhưng bằng dụng cụ gì? - Nhiều phần chắc hơn cả là bằng chính cái dụng cụ mà sau đó đã dùng để đánh Grigori. Họ đã tìm thấy vật đó sau khi nghe Grigori thuật lại sự việc, lão đã được săn sóc qua loa về y tế, và bằng một giọng yếu ớt, hổn hển, lão kể lại khá mạch lạc việc lão bị đánh gục như thế nào. Người ta mang đèn đi tìm dọc bờ tường và tìm thấy cái chày đồng vắt ngay trên lối đi trong vườn, ở chỗ dễ thấy nhất. Trong căn phòng nơi Fedor Pavlovich nằm, không có sự lộn xộn đặc biệt nào cả, nhưng sau tấm bình phong, cạnh giường của lão, người ta nhặt được trên sàn một chiếc phong bì lớn, bằng giấy dày, cờ phong bì công văn ngoài có đề: "Ba ngàn rúp tặng thiên thần Grusenka của tôi, nếu em tới", bút tích của Fedor Pavlovich: "tặng con gà con của tôi" Trên phong bì có ba dấu niêm phong to bằng xi đỏ, nhưng phong bì đã bị xé và bên trong không còn gì: tiền đã bị lấy hết. Họ tìm thấy trên bàn cả dải băng hồng buộc chiếc phong bì.
Trong lời khai của Petr Ilych, có một điều gãy ấn tượng cực mạnh đối với ông biện lý và ông dự thẩm, đó là: điều phỏng đoán rằng rạng sáng nhất định Dmitri Fedorovich sẽ dùng súng tự sát, chính gã quyết định như thế, chính gã nói điều đó với Petr Ilych, gã nạp đạn vào súng trước mặt anh ta, gã đã viết một mẩu giấy, cho vào túi v.v. Khi Petr Ilych vẫn chưa tin, doạ sẽ đi báo để ngăn cản vụ tự sát thì chính Mitia toác miệng cười và trả lời: "Không kịp đâu". Thành thử phải đi gấp đến Mokroe bắt kẻ phạm tội trước khi hắn thực sự tự sát
"Rõ rồi, điều đó rõ rồi! - Viên biện lý nhắc lại, hết sức kích động. - Quân quỷ sứ ấy bao giờ cũng như vậy: ngày mai ra sẽ tự sát, nhưng trước khi chết hãy ăn chơi xá láng đã". Câu chuyện Mitia mua rượu và các thứ ở trên như thế nào chỉ càng làm cho viên biện lý nóng nảy thêm. "Các ông hãy nhớ tới gã trai đã giết thương gia Onxufiev lấy đi mười lăm ngàn rúp, rồi hắn lập tức đi uốn tóc, sau đó thậm chí cũng không thèm cất giấu số tiền, mà cầm ngay trong tay, đến với gái". Tuy nhiên, họ phải chậm lại vì còn điều tra, khám xét nhà Fedor Pavlovich, làm một số thủ tục v.v. Tất cả những việc đó đòi hỏi thời gian, vì thế họ điều viên cảnh sát khu vực Mavriki Mavrikievich Smerxov đi trước họ hai tiếng đồng hồ đến Mokroe, viên cảnh sát này lên thành phố từ sáng hôm trước để lĩnh lương. Mavriki Mavrikievich được chỉ thị: khi đến Mokroe không được đánh động gì cả, không ngừng theo dõi "kẻ phạm tội" để chờ các nhà chức trách đến, cũng như chuẩn bị các nhân chứng, cảnh sát địa phương…
Mavriki Mavrikievich đã hành động đúng như thế, giữ incognito(3), chỉ có Trifon Borisovich là người quen cũ của y được y cho biết một phần bí mật của công việc. Thời gian ấy đúng là quãng thời gian Mitia gặp chủ nhà ở bao lơn, trong bóng tối, lúc ông ta đang tìm chàng, và chàng nhận thấy ngay vẻ mặt và cách nói của Trifon Borisovich có cái gì khang khác. Như vậy, không một ai, kể cả Mitia, biết rằng mình bị theo dõi; còn hộp đựng súng thì Trifon Borisovich đã lấy trộm và cất giấu kỹ từ lâu. Mãi đến năm giờ, gần tảng sáng, các nhà chức trách, ông cảnh sát trưởng, ông biện lý và ông dự thẩm mới đến, đi bằng hai cỗ xe ngựa. Còn bác sĩ ở lại nhà Fedor Pavlovich để sáng ra mổ tử thi, nhưng cái chính là anh ta quan tâm đến bệnh trạng của thằng hầu Xmerdiakov: "Những cơn động kinh dữ dội và kéo dài như thế, lặp đi lặp lại liên tục trong hai ngày đêm là rất hiếm gặp, đáng cho khoa học nghiên cứu", - anh ta hăm hở nói với những người ra đi, và những người kia vừa cười vừa chúc anh khám phá ra điều mới mẻ. Thêm nữa, ông biện lý và ông dự thẩm nhớ rất rõ bác sĩ nói hết sức cả quyết rằng Xmerdiakov không sống nổi đến sáng.
Bây giờ, sau một chập giải thích dài dòng nhưng hình như là cần thiết, chúng ta trở lại thời điểm của câu chuyện mà ta đã dừng lại ở quyển trước.
Chú thích:
(1) Ý nói những cải cách lớn về xã hội, hành chính, pháp lý dưới thời Alexandr II (N.D)
(2) Hội đồng quán tri địa phương thời Nga hoàng (N.D).
(3) Giấu tung tích (N.D).

Truyện Anh em nhà Caramazov Lời người dịch Lời tác giả Quyển 1: Câu chuyện một gia đình - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Quyển 2: Cuộc họp mặt không đúng chỗ - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Quyển 3: Những kẻ ham nhục dục
Chương 1
Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Quyển 4: Vò xé
Chương 1
Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Quyển 5: Pro và Contra(1)
Chương 1
Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Quyển 6. - Chương 1 Chương 2 Chương 2 (2) Chương 3 Chương 3 (2) Quyển 7 - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Quyển 8 - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Quyển 9 - Điều tra sơ bộ - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Quyển 10. Mhững chú bé - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Quyển 11. Anh Ivan Fedorovich - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Quyển 12. Sai lầm của tòa án - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Phần kết - Chương 1 Chương 2 Chương 3