Ra đi một cách dễ dàng nên Bình không ý thức được một cách hoàn toàn và triệt để chuyện học hành khó khăn, nghiêm túc mặc dù điều đó đã có lúc làm Bình sợ. Nhờ có sự giúp đỡ của cô Cúc trong việc giới thiệu trường nhận lúc làm hồ sơ, sang Pháp, Bình được ở ngay Paris. Nước Pháp, với Paris là thủ đô ánh sáng, với biết bao danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tất cả những cái đó đã làm Bình ngợp mắt trong ảo tưởng. Bình bỗng quên hết - quên hết nỗi sợ hãi có lúc nào đó ám ảnh Bình. Năm đầu mới sang Pháp, ỷ vào việc có tiền, lại quen thói không phải động não, Bình chẳng chịu học gì cả. Thái đã đưa Bình đi làm thủ tục nhập học ngoại ngữ ở trường Đại Học Xoóc- Bon ( Université Sorbonne ) IV. Cũng như Thái, Bình phải đóng tiền hai khóa học. Mỗi khóa học bốn tháng và mất khoảng hai nghìn ơ - rô ( euro). Vào học được một thời gian ngắn Bình đã nản, bởi Bình thấy xung quanh cũng là người các nước khác đến học, nhưng người ta học nhanh và nói tốt, tiến bộ rõ rệt, còn mình cứ lẹt đẹt mãi. Rồi Bình bỏ dở dang. Lại ghi tiếp khóa thứ hai. Lại đóng tiền. Lại bỏ. Suốt ngày, Bình chỉ lo đi mua sắm quần áo, giày dép loại đắt tiền, đúng mốt và đúng nhãn hiệu có tiếng. vậy là chỉ trong vòng một năm Bình tiêu hết hai mươi ngàn euro. Tiền mẹ Bình gửi sang không đủ, Bình còn dám gọi điện cho chú Thanh làm việc ở cơ quan thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam tại Paris để xin vay thêm. Bình nói là bố mẹ Bình đã biết chuyện và sẽ thu xếp gửi trả chú. Lúc đầu chú Thanh ngần ngại nhưng là người cùng quê, gia đình bố mẹ chú sống ở huyện nơi bố Bình làm việc, lẽ nào chú lại từ chối. Vậy là Bình có thêm cơ hội để tiêu, để ăn chơi thỏa thích. Năm đầu, Bình thi ngoại ngữ nhưng không đủ điểm nên không một trường đại học nào nhận Bình vào học. Thấy Bình không theo học được ngoại ngữ ở Paris, cô Cúc khuyên Bình nên về tỉnh học. Vì Paris, cô Cúc khuyen Bình nên về tỉnh học. Vì thấy Thái cũng phải chuyển về tỉnh năm học đó, nên Bình đồng ý đi cùng. Rồi năm thứ hai, Bình lại thi ngoại ngữ. lại không đủ điểm để có thể ghi danh vào trường đại học. Việc làm giấy tờ của Bình đã gặp ít nhiều khó khăn. Rồi thi tiếp lần thứ ba! Cũng như hai lần trước, Bình lại tiếp tục trượt vỏ chuối. Đến năm học thứ ba, Bình đã phần nào chịu khó tìm hiểu hệ thống giảng dạy ở Pháp và nghĩ rằng nếu lần này đỗ được ngoại ngữ, Bình sẽ cố gắng học. Thực ra, nếu chịu khó học và không bị mất những kiến thức cơ bản trong những năm học phổ thông, đồng thời có phương pháp học thì việc theo học đại học ở Pháp cũng không phải là điều gì quá ghê gớm. Các thầy cô giáo cũng chỉ đòi hỏi học sinh phải nắm được bài giảng, đồng thời phải biết nghiên cứu, tìm tòi mở mang kiến thức, bổ sung cho kiến thức đã học. Họ đâu có đòi hỏi phải học thêm ngoài chương trình, cũng không tổ chức dạy thêm. Họ không bao giờ ra các câu hỏi ở dạng đánh đố học sinh. Khi vào đại học, nếu học tốt và nghiêm túc, sau ba năm, sinh viên sẽ lấy được bằng cử nhân, sau một năm tiếp theo sẽ lấy được bằng cao học ( maitrise ), sau một năm nữa là bằng chuyên sâu ( D.E.A) (Diplôme d’Études Approfondies)... và tiếp theo từ ba đến năm năm mới lấy được bằng Tiến sĩ ( Doctorat ). rất nhiều sinh viên người Pháp, sau bằng cao học, xin ghi danh học tiếp một năm nữa để lấy bằng chuyên nghành ( D.E.S.S )(Diplôme D'études Supérieures Spécialisées ). Với tấm bằng này, không những họ chỉ cần mất tất cả năm năm học ở trường đại học mà còn sau khi ra trường sẽ dễ xin việc hơn. Còn nếu lấy bằng chuyên sâu mà không làm tiếp học vị tiến sỹ thì hầu như công việc của những người này sẽ là giảng dạy hay nghiên cứu. Trong ba năm học để lấy bằng cử nhân, trường đại học chỉ cho phép sinh viên đúp một lần thôi. nếu năm tiếp theo không học được nữa là bị đuổi ra khỏi trường. Muốn được học tiếp, phải ghi danh vào một trường đại học khác và học từ năm thứ nhất. Một năm trở lại, hệ thống giáo dục của Pháp ở bậc đại học có những cải cách mới. Chính phủ Pháp cũng như các chính phủ khác trong Khối Cộng đồng chung Châu Âu, đã đi đến thống nhất coi tấm bằng tốt nghiệp thạc sỹ ( masteur) ( tức là sau khi có bằng cử nhân phải học tiếp hai năm nữa). Vì thế, khi có bằng masteur, thí sinh có thể ghi danh làm luôn bằng Tiến sỹ nếu muốn và nếu được chấp nhận. Ở Pháp, việc chấp nhận tương đương bằng cấp ở các trường đại học cũng khác nhau lắm. Mỗi trường đề ra cho mình những tiêu chí riêng. Có những trường yêu cầu chỉ chấp nhận thí sinh tiếp tục học vị tiến sỹ nếu thí sinh đạt bằng chuyên sâu loâi khác, giỏi trở lên. Tuy nhiên, cũng có những trường lại yêu cầu thấp hơn. Những học sinh khi còn học phổ thông, không có khả năng học lên phổ thông Trung học, có con đường rẽ sang học nghề. Sau hai năm học, học lấy được Chứng chỉ khả năng chuyên ngành (Certificat d'Aptitude Professionnelle - C.A.P). Những học sinh học tốt trong hai năm này và muốn học lên nữa, có thể theo tiếp một năm chuyên ngành đó. Vậy là sau ba năm học tất cả, họ sẽ có Bằng học chuyên ngành ( Brevet des études Professionnelles - B.E.P). Họ có thể học nhiều nghề khác nhau như điện, mộc, nề.... sau đó, họ có thể xin việc làm và trở thành công nhân. Quá trình làm việc, nếu họ yêu nghề, say sưa với nghề, họ có thể trở thành những công nhân bậc cao hay những người thợ lành nghề. Những em học sinh, sau khi học hết lớp 10, không đủ khả năng theo học một trong ba khối của hệ tốt nghiệp phổ thông nói chung khi hết lớp 12 như hệ S học chủ yếu các môn khoa học tự nhiên, hệ ES học các môn khoa học kinh tế, hệ L, học các môn khoa học xã hội, sẽ được hướng sang học tiếp hai năm cuối cấp ở hệ STI, chuyên về khoa học công nghiệp, hoặc STT, chuyên về khoa học công nghệ quản lý... hoặc sẽ được hướng vào một hệ chuyên về một ngành cụ thể nào đó để sau này khi tốt nghiệp phổ thông trung học, có thể học luôn về nghề đó, ví dụ như nghề tạo mốt ( mode ) nghề nhạc, khiêu vũ, nghề đón tiếp khách sạn hay nghề dược, y tá... Đối với công dân nước Pháp, khi xin việc làm, một công nhân giỏi sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn một kỹ sư tồi.