Một đường trong thành Cổ Loa. Lạc hầu và Lữ Phong cùng vào. LẠC HẦU: -Sứ mệnh của bộ chúa rât nặng nề và khó khăn. Bọn Cung, Đống thì ương ngạnh, mà Cao Lỗ, Nồi hầu thì không ưa bộ chúa. Cuộc nghị sự vừa qua cho thấy rõ điều đó. LỮ PHONG: -Nhưng họ có cản việc cử tôi đâu? LẠC HẦU: -Họ thấy đức vua cũng chủ hoà nên không tiện nói đấy thôi. Thế nào mà họ chẳng tin cho bọn con họ coi chừng bộ chúa. LỮ PHONG: -Xin quan Lạc hầu chỉ cho phương lược xử sự với bên Triệu. LẠC HẦU: -Bộ chúa thừa mưu lược, hà tất phải hỏi ý kiến tôi. Tuy nhiên, theo thiển ý, cầu thân hơn đối địch. Mọi sách lược không gì hơn chữ “hoà”. Cần nhất là đừng để cho bọn Cao Cung lộng hành. Bọn chúng đang cần lập công đấy. À, bộ chúa nên mang theo bộ phẩm phục bắc triều mà Triệu hoàng tử biếu hôm nọ để mặc khi giao thiệp với bên kia cho tiện. Kìa! Đặng tiên sinh đã đến kia. ĐẶNG GIẢO (vào, vẻ xởi lởi): -Kính chào hai đại nhân. Nghe tin Lữ đại nhân sắp lên đường công cán nơi viễn trấn, (Lữ Phong lộ vẻ ngạc nhiên nhìn sang Lạc hầu, nhưng ông này không để ý. Còn Đặng Giảo thì lờ đi tiếp tục nói) Triệu hoàng tử sai tôi đến chào tiễn, nhân tiện tặng đại nhân một tên hầu cận, một con chiến mã và một số đồ nhật dụng. Xin cho biết những thứ ấy phải đưa đến nơi nào cho tiện? LẠC HẦU: -Đặng tiên sinh thật là chu đáo. Có lẽ đưa đến tư dinh Lữ bộ chúa là tốt nhất, phải không quan bộ chúa? LỮ PHONG: -Xin đa tạ hậu tình của Triệu hoàng tử và tiên sinh. Phong này đâu dám phiền hoàng tử và tiên sinh như thế. Những món quà trước đây tiên sinh thân đem đến nhà, tôi không tiện từ chối đã vô cùng áy náy rồi. ĐẶNG GIẢO: -Những vật mọn thôi mà. Thật chẳng xứng để tặng những bậc đức cả tài cao như quan Lạc hầu và quan bộ chúa. Ngày nay bộ chúa sắp đi xa ; đường lên biên giới dặm dài trắc trở cần có ngựa tốt, có hầu cận tháo vát và đồ nhật dụng chu tất. Tâm trí bộ chúa còn bận dành cho đại sự, e không kịp nghĩ đến riêng mình, nên chúng tôi mạo muội lo giúp một phần nhỏ thôi. Xin đừng từ chối làm bẽ mặt Triệu hoàng tử. LẠC HẦU: -Triệu hoàng tử và Đặng tiên sinh đã có lòng tốt như vậy, Lữ bộ chúa không nên phụ lòng. LỮ PHONG: -Thật không biết nói thế nào, chỉ biết cầu cho hoàng tử và tiên sinh vạn phúc mà thôi. ĐẶNG GIẢO: -Quan trấn thủ biên giới mới bên Nam Việt cũng họ Lữ đấy. Chẳng hay đại nhân có quen biết không? LỮ PHONG: -Thưa, tôi chưa được tường họ tên. ĐẶNG GIẢO: -Đô uý Lữ Trạch đấy mà. LỮ PHONG (sửng sốt): -Tôi có một người chú tên họ như thế. Hồi xưa, khi quân Tần tràn đến quê tôi, thúc phụ tôi cùng một bộ phận gia tộc họ Lữ bị nghẽn lại, có lẽ người này chăng? LẠC HẦU: -Nếu đúng là lệnh tôn thúc phụ thì thuận tiện cho công việc của bộ chúa rồi. ĐẶNG GIẢo (chắp tay vào trán): -Quả lòng trời run rủi. Lữ đô úy là bạn chí thân của tôi, phiền Lữ đại nhân chuyển lá thư riêng của tôi cho ngài (trao thư). LỮ PHONG (trân trọng nhận thư): -Tôi phải về sửa soạn lên đường, xin kính biệt hai vị. LẠC HẦU, ĐẶNG GIẢO (cùng nói): -Xin chúc thượng lộ bình an. (Lữ Phong ra) ĐẶNG GIẢO: -Cầu trời cho Nam Việt, Âu Lạc mãi mãi hoà đồng để muôn dân an cư, lạc nghiệp. LẠC HẦU: -Tôi cũng không cầu mong gì hơn thế. ĐẶNG GIẢO: -Triệu vương nghe danh ngài vẫn mong có lần hội ngộ. LẠC HẦU (có vẻ hớn hở): -Tôi thật cảm kích về lượng bể của đại vương. ĐẶNG GIẢO: -Xin đại nhân xá cho tội đường đột. Mấy lâu nay tôi thấy hình như đại nhân có chuyện lo nghĩ. Chẳng hay tôi có thể san sẻ hầu ngài chút gì được không? LẠC HẦU (hơi ngần ngừ một chút rồi thổ lộ): -Chẳng dám giấu tiên sinh, tôi chỉ có một mụn con trai... ĐẶNG GIẢO: -Lệnh công tử thật là một trang nam nhi tài đức vẹn toàn, đường tiến thân chỉ còn chờ phong vân gặp hội. Có gì mà đại nhân phải lo nghĩ? LẠC HẦU: -Cháu nó đã mười bảy tuổi đầu rồi mà vẫn chưa yên bề gia thất, tôi lấy làm lo lắm. ĐẶNG GIẢO: -Từ ngày được trông thấy lệnh công tử, tôi đã nẩy ý hay nhưng chưa dám mạo muội. Nay được đại nhân tin cậy bộc bạch nỗi lòng, tôi xin mạnh dạn tỏ bày. Số là Triệu vương có một ái nữ trạc tuổi công chúa Mị Châu. Vế sắc thì khó nói ai hơn ai. Về đức thì đoan trang, hiền thục có một. Có lẽ chỉ kém công chúa đây về mặt... chất phác. Nhưng nói trộm phép Thục chúa, chứ con nhà vương giả không thể thô lậu như con nhà dân thường. Chẳng hay đại nhân có cho phép tôi được thu xếp việc này không? LẠC HẦU (cố không đổi vẻ mặt): -Triệu công chúa là lá ngọc cành vàng nơi cung cấm bắc phương, con trai tôi đâu dám cao vọng. ĐẶNG GIẢO: -Đại nhân quá khiêm nhường. Nay tuy tạm thời khuất thân thờ Thục chúa, nhưng quan Lạc hầu chẳng phải dòng dõi Hùng vương sao? LẠC HẦU: -Nhưng trộm nghĩ con gái bắc quốc ít lấy chồng ngoại tộc. ĐẶNG GIẢO: -Triệu vương vẫn sở nguyện Nam Bắc một nhà. Lúc tiễn Triệu hoàng tử sang đây giao hiếu, ngài đã căn dặn hoàng tử và chúng tôi tìm mọi dịp kết thân hai nước. Việc này tôi đã cho người về dò ý đại vương, ngài ra chiều thuận ý. LẠC HẦU: -Thế tiện nam phải sang ở rể bên Phiên Ngung? ĐẶNG GIẢO (cười lớn): -Phương bắc không có tục ở rể. Nhưng nếu lệnh công tử làm một sủng thần ở triều đình Nam Việt thì đại nhân nghĩ sao? LẠC HẦU: -Nếu việc này thành, tôi không biết lấy gì đền đáp ân đức của Triệu đại vương và công ơn của đại nhân. ĐẶNG GIẢO (cười ngụ ý): -Ơn nghĩa chúng ta còn về lâu về dài, lo gì thưa đại nhân. (Nghiêm trang) Việc này dù sao cũng phải được Thục vương chuẩn nhận, nhưng chắc không có gì trở ngại. Chúng ta sẽ bàn tiếp sau. Khoan hãy lộ ra với các triều thần. Bây giờ xin bái biệt. (Ra). LẠC HẦU (nói như khấn): -Tạ ơn trời đất. Phen này thử xem con trai Cao Lỗ có may hơn con ta không!