Thời hoa đỏ

    
ô giáo dạy Văn gấp sổ điểm lại, ngay lập tức nó rời mắt khỏi cuốn sách giáo khoa. Phù, thế là sóng gió đã qua. Trời thương kẻ có đức. Nhưng làm gì ba mươi phút nữa đây? Cô giáo viết đầu bài lên bảng và bắt đầu thao thao về một cái ông nhà thơ nào đó. Nó chẳng thấy hứng thú gì. Ôi dào! Cô bảo hay thì vâng, hay; cô bảo có tư tưởng thì dạ, có tư tưởng. Cô bảo là có phong cách riêng, riêng như thế nào? Đã không ít lần nó thấy cô giảng đại loại là: “những câu thơ rất, rất Xuân Diệu”. Ô hay! Thơ của Xuân Diệu mà không rất Xuân Diệu thì sao? Chẳng lẽ cô lại nghĩ là Xuân Diệu đi chép thơ của người khác à? Bình luận thế thì khác gì “Mèo lại hoàn tiểu hổ”. Bình luận phải được như anh Long Vũ trên truyền hình ấy, hài hước mà sâu sắc, thế mới “năm bờ oăn” chứ.
Nó che một cú ngáp, nhìn sang thằng Long “Đan-cô” [1]. Cái biệt danh “Đan-cô” ra đời từ bao giờ? A, có lẽ là từ năm nó học lớp 6 hay lớp 7 gì đó, cũng trong một giờ Văn, Long đang gà gật thì bị cô giáo hỏi:
- Đan-cô dùng cái gì để soi đường cho bộ lạc?
Long hốt hoảng, thành thử đáng ra phải nói là dùng trái tim thì hắn nói nhịu thành: “Đan-cô dùng... cái chim”. Hôm ấy, khối đứa suýt đứt ruột vì cười.
Long “Đan-cô” cũng ngáp liên khúc như nó, đúng là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Bỗng thằng Hoàng quay xuống vứt cho nó mảnh giấy vo tròn. Nó khẽ khàng giở trong ngăn bàn và đọc:
- Đố mày biết ông nhà văn nào có tên tây nhất?
“Anh Đức” - Nó viết ngay xuống dưới rồi ném trả Hoàng. Hoàng lại hí hoáy viết:
- Đố mày có ông nhà thơ nào có tên tròn nhất?
- “Chế Lan Viên chứ gì?”.
- Ừ, thế tao đố mày ông nhà văn nào mê vẽ nhất? - Hai đứa bắt đầu chuyển sang thể loại văn nói.
- Mê vẽ nhất à à... Tô Hoài. Tô Hoài đúng không? - Nó thì thào.
- Đúng!
- Đến lượt tao. Tao đố mày: Ông nhà thơ nào đỗ đạt nhất?
- Nguyễn Khuyến - Hoàng đáp.
- Hừ - Nó xì một tiếng.
- Văn Cao? Đoàn Giỏi?
- Sai toét!
- Thế ai?
- Trần Đăng Khoa. Đăng Khoa chẳng là đỗ đạt thì gì?
- Đông!
- Dạ! - Nó bật dậy như lò xo.
- Mang vở ghi lên đây tôi kiểm tra!
- Dạ, em quên! - Nó lại nói dối, không sao, nói dối là thuộc tính của con người và sinh giới nói chung.
- Anh làm gì có vở mà quên. Anh coi thường môn Văn không thèm học phải không?
- Dạ không ạ!
- Không cần học chứ gì?
- Dạ không ạ!
- Không là không như thế nào?
- Dạ là không phải thế ạ. Em xin lỗi cô ạ!
- Không phải xin lỗi, xin lỗi mà lần sau vẫn thế thì xin làm gì. Anh ngồi xuống!
- Hừ, chuyện nhỏ như con thỏ ăn cỏ, bỏ qua! - Giờ ra chơi, nó ngắm cái tên mình trong sổ đầu bài và nói.
- Chẳng nhỏ đâu, phải đọc bản kiểm điểm trước lớp thì da mặt cũng hơi bị dày đấy! - Diễm vừa lấy lại cuốn sổ vừa nói.
- Ít dày lắm. Đây quen rồi!
- Không biết ngượng với Đun-xi-nê à?
- Tí ngượng thôi.
Thằng Tuấn sà đến bảo:
- Bác viết luôn cho em một bản!
- Vụ gì?
- Thì đấy, giờ Sử hôm thứ ba.
Trong mọi thứ văn chương, có lẽ sở trường của nó là viết... kiểm điểm. Mà nói cho cùng, văn chương kiểm điểm mới là đỉnh “E-vơ-rét” của văn chương. Một bản kiểm điểm hay chẳng dễ viết chút nào. Bởi vì nó phải làm rung động tâm hồn người nghe, làm người nghe thấy được sự thành khẩn, sự đáng thương và những hoàn cảnh khách quan, những diễn biến tâm lý xô đẩy một con người trong trắng đến chỗ lỗi lầm. Một bản tự kiểm xuất sắc là một bản kiểm điểm có tính chiến đấu cao, hướng thiện và có tính nhân văn cao độ. Quyết chiến với thói hư tật xấu, quyết đoạn tuyệt với những lỗi lầm, quyết làm một cuộc cách mạng bản thân. Viết làm sao để mọi người thấy rằng tác giả dù đang ở trong bóng tối nhưng tâm hồn luôn hướng ra ánh sáng. Viết làm sao để không lặp lại giữa bản kiểm điểm tuần này và bản kiểm điểm tuần sau. Viết làm sao để vừa kế thừa được tính truyền thống song lại kết hợp được tính hiện đại. Có tài không thôi chưa đủ, còn cần cả cái tâm nữa. Và điều quan trọng hơn cả là phải định hình được một phong cách riêng, rất... rất gì nhỉ? Nó cười để kết thúc những ý nghĩ giễu cợt bằng những ngôn từ nó nhặt được trong các giờ Văn, kết thúc chuỗi ý nghĩ vẩn vơ trong đầu nó.
- Bài kiểm tra làm Văn đây bà con ơi! - Thủy ào ào.
- Của hiệp sĩ đây này!
- Mấy đấy?
- Ba!
- Lại ba! - Nó chẳng thấy buồn. Nó liếc qua lời phê. Gì thế này? “Chỉ bình tán lung tung, không nắm được tác phẩm”. Cô phê đúng thật! Bởi vì cho đến tận bây giờ, nó vẫn chưa biết cái tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” ấy viết về cái gì. Hôm kiểm tra, nó lờ mờ đoán rằng tác phẩm này viết về trăng. Lại nhớ có lần cô bảo ánh trăng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Mà tác phẩm này nằm trong dòng văn học thời chiến tranh. Thế thì phải có tính chiến đấu, tính cách mạng, phải đặt lý tưởng trước cái tôi cá nhân, phải hòa tình yêu lứa đôi vào công việc, chứ không thể là sáng trăng của Nam Cao, không thể giống “vầng trăng ai xẻ làm đôi” trong truyện Kiều, không thể như một công thức ăn chơi Cầm - Kỳ - Thi - Họa... của các Đông phương tài tử. Cũng không thể là quả bóng bạn nào đá lên trời như trong thơ của họ Trần.... Và cứ thế là nó tán, cuối cùng cũng bôi ra được hai trang. Hai trang ba điểm, bình quân điểm rưỡi một trang, trong khi bọn kia viết tám trang đẫy đà mới được bảy điểm. Như thế, nếu xét về chất thì văn chương của nó xứng đáng là... số một.
- Mấy? - Nó hỏi.
- Năm - Tuấn càu nhàu - Có bao giờ khác đâu. Nhìn đến tên em là cô giáo cho năm hoặc bốn.
Nó lắc đầu:
- Không phải thế đâu!
- Lại còn không à? Văn này có phải văn của em đâu! Em chép từ ba quyển những bài văn mẫu đấy!
- Thợ lắp ráp à? Công năm điểm là ngon rồi!
- Ngon gì, xe máy Việt Nam cũng... lắp ráp đấy, sao vẫn đắt thế? Bác xem, cả cái trường này có đứa nào tự mình làm một bài văn không? Đều là đầu thầy A, đuôi thầy B cả đấy ạ. Sao chúng nó vẫn được điểm cao?
Nó cười không nói gì.
- Bác mấy?
- Ba. Kỳ này dễ yếu quá.
- Không sao, lại dùng cái bài hôm trước bác giúp em.
- Sợ cô giáo nhớ!
- Sợ quái gì. Nếu lộ, em bảo là em nhầm, có liên quan gì đến bác đâu?
- Ừ, thề nhé!
Thế là nó phi ra ngoài quán ngồi. Lát nữa vào giờ, cô giáo gọi điểm, đến tên nó, Tuấn sẽ réo: Năm.
Trót lọt 2 lần rồi. Quá hay, đấy chính là kế “biến không thành có” trong tam thập lục kế của các binh gia thời xưa. Mà nó nghĩ ra cách này từ bao giờ nhỉ? Bắt đầu có lẽ từ cái lần cô bảo sẽ không ghi điểm vào sổ ngay. Để cho bọn chúng xem lại bài xem có cái gì cần trao đi đổi lại không. Ôi dào! Vẽ chuyện. Nhưng mà thế lại hóa hay. Lại hóa ra là cô đã tạo cho chúng một cách về đích an toàn. Nó nhớ có ai đó nói rằng: “Mọi lối đi đều ở ngay dưới chân mình”. Chí lý quá! Chí lý quá!
Xét cho cùng thì nó cũng là kẻ mê văn chương chữ nghĩa. Nhưng những thứ nó mê như Ba người lính ngự lâm, Bá tước Mông-tơ Cristo hay Trăm năm cô đơn... lại không được đưa vào sách giáo khoa. Ngay cả cách ra đề Văn nữa. Tại sao không ra một đề kiểu: Em hiểu gì về Tản Đà? hay Em đánh giá như thế nào về Hoàng trong “Đôi mắt”. Có nghĩa là phải làm sao cho học sinh nói lên được những điều họ nghĩ, họ trăn trở. Đây thì: Bằng lập luận hãy chứng minh tính chiến đấu của tác phẩm..., không thì lại: Có ý kiến cho rằng... Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Ý kiến à? Ý kiến hay danh ngôn thì cũng chỉ thể hiện góc nhìn các nhân vật. Mọi vật đều vận động, tại sao lại bắt công dân thế kỷ XXI có cách nghĩ như người thế kỷ trước nhỉ? Thế mà ở đâu cũng thấy nói lấy người học làm trung tâm. Trung tâm gì? Trung tâm của sự nhồi nhét à?
Thứ bảy. Nó đến lớp sớm hơn lệ thường. Nó phải mang bản kiểm điểm đến cho Tuấn sao lại. Nhìn thấy Diễm và Hà kều, nó bảo:
- Ê bọn này vẫn ngồi ở đây à. Cái Lan “thùng phuy” đang khóc lóc sụt sùi ở dưới nhà xe kia kìa.
- Sao?
- Làm sao, người tình của nó dứt áo ra đi chứ làm sao!
- Láo toét!
Nó chẳng thèm đáp, nói bâng quơ: “Kể cũng tội, vừa chiều qua đến nhà “thùng phuy” vẫn thấy nó nằm bên cạnh Lan. Tỉnh dậy nó còn cọ râu vào mặt Lan. Thế mà tối qua nó đã đi rồi!”.
- Láo toét!
- Đừng có nói bậy!
- Lại còn không à? Đây này, “thùng phuy” vào đây này!
Lan “thùng phuy” bước vào mắt vẫn hoe hoe.
- Sao thế? - Cả Hà và Diễm cùng đứng lên.
- Con mèo tam thể của tao ăn phải bả tối hôm qua chết rồi!
- Đấy, thấy chưa? - Nó đắc chí.
Hà lườm nó:
- Đồ hiệp sĩ phải gió, làm chị mày cứ tưởng...
- Tưởng gì! Đầu óc toàn những ý nghĩ đen tối!
Nó quăng cái cặp đánh rầm xuống bàn và ngồi vào ghế. Có một tờ giấy gấp nhỏ, gài ở ngăn bàn, có vẻ cố tình dành cho nó. Gì thế nhỉ, nó vội vàng mở ra:
Đ.K.S nghĩa là Đời – Khổ – Sở
Mang cái danh hiệp sĩ mà hèn
Lừa thầy, dối bạn thường xuyên
Ba thành năm, ai bắc thang lên hỏi trời
.
Nó tức tím ruột, đỏ mặt vì ngượng. Đứa nào thế không biết. Mẹ cha thằng Bá Kiến. Nó mà biết đứa nào thì nó nhổ hết ba mươi sáu cái răng nanh, răng cửa, răng hàm. Cả giờ học nó ngồi ngay như phỗng. Ức quá, gừ gừ, ức quá. Đứa nào, đứa nào nhỉ. Nó muốn cãi nhau quá. Cuối cùng thì nó viết vào bên dưới tờ giấy ấy một dòng to đùng: “Có giỏi thì ghi tên xem nào, đừng có lén lút như đồ ăn cắp. Không dám xưng tên thì ngươi cũng chỉ là đồ hèn”.
Sáng thứ hai. Nó lại đi học muộn. Suốt cả đêm hôm qua nó đoán già, đoán non. Cái nét chữ ấy chắc chắn là chữ con gái, chắc là ở lớp nó rồi. Có phải là của Quỳnh không nhỉ? Không, chắc là không bao giờ có chuyện ấy đâu!
Hết giờ chào cờ nó mới vào trường, phi vội lên lớp, lùa tay vào ngăn bàn.
“A, thế ra ngươi vẫn còn một chút sĩ diện, nhưng ngươi tiểu nhân quá, muốn tìm ta để trả thù có phải không, Hiệp sĩ hèn? Ký tên: Cúc Trắng”.
A, a. Nó lại bị chửi rồi. Cúc Trắng à... Cúc Trắng... Nó lại bắt đầu đoán mò đoán mẫm. Cuối cùng nó viết vào mảnh giấy: “Gửi Cúc Trắng. Xin cảm ơn vì nhờ bạn, tôi đã nhận ra lỗi của mình. Xin lỗi vì những gì không phải. Mong được biết tên”. Ấy là nó đã dùng đến chước “Khổ nhục kế” để dụ địch.
Sáng hôm sau nó nhận được thư.
“Ta thấy thất vọng vì ngươi vẫn chưa muốn hối cải. Đừng hòng lừa được ta”.
Thế là 3-0. Nó bị dẫn bàn liên tục. Đã đến thế này thì... được rồi, nó sẽ làm toáng lên một mẻ. Cái đứa nào xưng danh là Cúc Trắng kia sẽ phải một phen xấu hổ.
Giờ ra chơi, nó cho phát thanh trên những cái loa chạy bằng cơm của lớp rằng: có một cô nàng xưng danh Cúc Trắng viết thư để ở ngăn bàn để cưa cẩm nó.
- Thế bác tính thế nào? - Tuấn hỏi.
- Mèo nào lại chê mỡ. Đây, tớ gửi cho nàng một lá thư hơi bị mùi đấy! - Cả bọn chuyền tay nhau đọc oang oang, cười như nắc nẻ. Nó liếc kẻ bị nghi ngờ. Kẻ ấy cũng cười.
Bẵng đi một thời gian nó không còn nhận được thư từ ngăn bàn nữa. Nó đinh ninh diệu kế “dĩ độc trị độc” của nó đã thành công mỹ mãn. Nó không làm cái trò cũ nữa. Nó học văn cẩn thận hơn vì dẫu sao, kỳ thi tốt nghiệp cũng đang tiến lại gần. Những ngày học cuối cùng đã có phần uể oải. Lưu bút cũng đã đầy ắp những sắc màu mùa hạ.
Một hôm đột nhiên nó nhận được thư Cúc Trắng: “Hẹn gặp buổi chiều hôm tổng kết”.
Tự nhiên, nó thấy bồn chồn.
Buổi liên hoan chia tay kết thúc lúc ba giờ. Khóc lóc, sụt sùi, chúc tụng. Nó cố tình nấn ná ở lại. Quỳnh Đun-xi-nê cũng vẫn chưa về. Nó xoay xoay cái chìa khóa trong tay. Quỳnh hỏi nó:
- Đông có bận gì không?
- À, ừ, có, sắp phải về đây.
- Thế à? - Quỳnh lưỡng lự - Chúc thi tốt nhé!
- Ừ. Chúc Quỳnh thi tốt.
Quỳnh đạp xe về.
Nó đợi, nhưng Cúc Trắng không đến. Và nó đinh ninh đó chỉ là một chuyện đùa.
Đôi khi người ta cứ mải cầu mong những điều tốt đẹp ở đâu đâu mà chẳng hề biết rằng hạnh phúc vừa tuột qua tay.
Chú thích:
[1] Nhân vật trong thyần thoại Nga, người đã móc trái tim mình ra làm đuốc đưa bộ lạc đến với ánh sáng, tự do.
HẾT

Xem Tiếp: ----