ô bé hỏi người lính: - Tết năm nay nữa, ông bao nhiêu tuổi? Hình như người đàn ông không chờ đợi câu hỏi bất ngờ đó nơi cô gái. Ông gỡ điếu thuốc khỏi môi. Điếu thuốc bị ngậm chết ở một vị trí khá lâu/có lẽ thế/cho nên khi được gỡ ra, một lớp giấy mỏng còn dính lại nơi môi. Người đàn ông gỡ bỏ lớp giấy mỏng trước khi trả lời cô gái: - Tôi già rồi. - Bao nhiêu và thế nào mà ông cho là già? Người đàn ông nâng tách cà phê lên nhưng không uống ngay, trong lúc cô gái nghịch cái thìa trong tay và mắt chờ đợi: Nghĩ một lát, mỉm cười, đặt tách cà phê xuống, ông nói: - Như cô và tôi, chúng ta đã ở hai đầu dây ngăn cách. Chúng ta như hai cực của một ngày. Tôi đã xế chiều và cô mới bình minh. Khi cô thực sự bình minh, thì đó là lúc tôi vào sâu bóng tối. Người lính nhìn qua khung kính lớn, dãy thung lũng trải dài với thảm cỏ mướt xanh uốn lượn như con sóng lớn. Một vài cây phong đổi mầu lá ối đỏ, trang điểm nó. Dáng chiều từ chân đồi hắt ngược lên càng khiến những chiếc lá phong bầm đỏ và tối hơn. Người lính chỉ tay vào thung lũng: - Cô thấy gì ngoài khung kính này? - Buổi chiều vàng, một buổi chiều vàng trong nhạc của Nguyễn văn Khánh. Ông biết bài đó? Người con gái đáp như trúng tủ trong một cuộc thi vấn đáp? - Phải... “trên đồi thông chiều đã xuống dần mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng...” - Ông có biết là tôi yêu bản nhạc đó, như yêu một cảnh đời mình đã... khuất. - Cô nói như một bà già năm mươi! - Vâng! Khi tôi chửa được một nửa của tuổi đó. Người con gái không che giấu tự tin và chút gì giống như hãnh diện trong câu trả lời của mình. Người lính lắng tâm hồn và cảm xúc ông vào đôi mắt mở lớn, trong veo, không một gợn đục. Từ đôi mắt thơ ngây ấy, những lời nhạc như tiếp tục vẳng lên: “Chiều nay viếng thăm hồn cố nhân, ta nên đau thương gắng bước hoài, đời chỉ có riêng em mà thôi”. Những hình ảnh xưa cũ, như một trận bão bất ngờ trút xuống trong thần trí ông. - Tôi bốn mươi rồi. Tết này nữa, tôi đúng bốn mươi. Người con gái như không hề ngạc nhiên về tuổi tác của người lính. Làm như cô đã biết trước tuổi ông. Cô nói: - Vì thế, ông cho rằng ông đã già, quá già rồi. Người lính gật đầu. Ông di di mẩu thuốc lá trong chiếc gạt tàn; - Đúng thế. Nếu cô biết rằng các cụ mình có câu: “Tam thập nhi lập, từ thập nhi bất hoặc...” Tôi đã mười năm bước qua tuổi ba mươi mà chưa “lập”, thì nói gì... Người lính ngập ngừng trước khi tiếp: - Tôi không còn tuổi trẻ nữa. - Ông nói thế nghĩa là sao? Người lính nén tiếng thở dài: - Nghĩa là tôi không còn cơ hội. Tôi không còn những yếu tố căn bản là tuổi trẻ, lòng hăng say, để bắt đầu hay để làm lại. Cô gái múc một thìa kem. Nàng hé môi hàm răng trắng đều và cặp môi đỏ tự nhiên. Cô ngậm như cắn thìa kem. Cô khép đôi mắt, như để tận hưởng cảm giác mát lạnh và hương vị ngọt ngào của thìa kem chảy tan trong cơ thể? Bất ngờ, cô hỏi: - Ông biết tôi bao nhiêu không? - Tôi không hề để ý tới tuổi cô. Chỉ biết cô còn bé lắm. Người con gái hin hin mũi, tinh nghịch: - Bé cỡ nào, ông? Người lính lúng túng: - À... À... Bé lắm. Bé như là bé... tý hon. Cô gái đưa tay che miệng cười. Tiếng cười cô ròn rã, vang ấm một góc quán. - Tôi mười tám. Tết này, tính theo tuổi ta, tôi mười chín. Cô đăm đăm nhìn những giọt nước đang tạo hình trên ly kem khi nói. Như một tiếng thở dài lúc cô thêm: - Mười chín mà tôi thấy mình như đã ngoài ba mươi! - Tại sao? - Không phải tại tôi cảm thấy tôi già trước tuổi. Rất thường, tôi tự thấy, tôi còn nhỏ lắm. Còn trẻ con lắm trong cả ý nghĩ, tư tưởng của mình. Nhưng đôi khi, đôi khi thôi, ông biết không, tôi tự hỏi, rồi tôi sẽ ra sao? như thế nào? làm được những gì ở năm hăm chín, bốn mươi? Tôi luôn thấy tôi lạc lõng trong tất cả mọi “pạc ty” của bạn bè. Tôi cũng không một chút ham muốn trước phấn son, không một chút rạo rực trước quần áo hôm nay, quần áo mà người ta gọi là quần áo “disco” đó ông. Không phải tôi làm bộ. Không phải tôi giả cách. Ba mẹ tôi tuy không khuyến khích nhưng cũng chẳng cấm cản tôi. Tôi biết rõ điều đó. Vấn đề là tự thâm tâm, tự một chỗ nào đó trong tâm hồn tôi, tôi không thấy thích, tôi không thấy ham muốn những thứ đó. Bạn tôi có đứa bảo tôi bị bệnh. Bệnh lãng cảm. Tôi không hiểu rõ lắm bệnh này và, thực sự cũng chẳng mấy quan tâm... Có thể người lính không chờ đợi những lời đối thoại như vậy. Ông lúng túng: - Cô không sợ bạn chê là nhà quê sao? Cô gái lắc đầu: tự tin: - Không. Cho đến hôm nay, tôi không hề có một mặc cảm nào khi đứng trước mặt bạn bè. Tôi có lố bịch không ông /?/ Nếu tôi nói với ông rằng tôi biết những gì tôi hơn bạn bè tôi. - Cô làm tôi nhớ em gái tôi. Nó cũng bướng, cũng “lý sự” như vậy! Cô gái mỉm cười. Nụ cười nhiều phần miễn cưỡng: - Tôi có nói nhiều quá không ông? Người lính lắc đầu: - Có bao giờ cả một ngày cô không được nghe một tiếng nói nào chưa? Tiếng mẹ đẻ! Tôi đã nhiều lần trải qua cảm giác đó. Cảm giác thèm khát muốn phát điên vì thiếu tiếng nói. Nhưng lúc ấy, thì ngay cả tiếng lảm nhảm, vô nghĩa với tôi cũng cần thiết. Chưa kể, càng nói cô càng cho tôi cảm tưởng khoảng cách giữa cô và tôi được ngắn lại phần nào. Người con gái không giấu hân hoan. - Ông nói thật? Thật phải không ông? - Tôi có thể nói dối với tất cả mọi người, trừ... cô. Người con gái dướn gương mặt hạnh phúc, rực rỡ về phía người đàn ông. Tuy nhiên, như chưa tin hẳn, cô gái hỏi thêm: - Tại sao lại trừ tôi? - Tại cô là cô bé. Bé tý hon. Cô gái như không còn kìm giữ được lòng sung sướng, rất nhanh và rất tự nhiên, cô đặt tay cô lên bàn tay người lính. Ông xoay ngược bàn tay, nắm lấy bàn tay nhỏ, mềm như được làm bằng bột của cô gái. Từ từ, những ngón tay xạm nắng bóp xiết những ngón tay chỉ còn là một màu trắng sữa. Cô bé thốt kêu: - Ông... ông Lãm. Người lính như đang bơi trong cơn mơ sảng: - Học... Ông buông tay cô. Bàn tay người con gái trơ vơ trên mặt bàn nhung màu huyết dụ, rung động như phần cánh bị thương của một con chim sâu. Vài giây sau, người con gái mới rút tay về... Bóng tối như từ đáy thung lũng dâng lên mỗi lúc một cao, cùng lúc với sương mù bám vào cửa kính, làm thành một lớp vải voan mỏng. Tự lòng quán nhìn ra, người ta chỉ còn thấy được những cây phong gần nhất. Lúc này, chúng giống những ông già mặc áo bành to, đang rộng đôi tay, ngửa mặt, lặng im khấn nguyện một điều gì đó với trời đất. Người kính châm điếu thuốc mới. Cô bé đã trả hai bàn tay xuống gầm bàn như lúc ban đầu. Cô day mặt về phía cửa kính. Người đàn ông cố gắng (sự cố gắng thấy rõ trong giọng nói ngượng ngùng của anh): - Tôi thật đáng trách... Tôi không định thế... Cô bé quay lại. Đôi mắt đỏ, nhưng miệng nàng cười: - Đâu có. Ông. Giọng nói của người con gái lúc đầu còn đượm nhiều xúc động, trước khi bớt dần: - Học... ồ tôi không hiểu... ừ mà tôi cũng không hiểu tại sao nữa? Là người lớn, ông... Người lính lắc đầu! - Học tưởng người lớn biết tất cả mọi thứ. Người lính cười, thở ra như vừa trút đi khỏi lồng ngực một sức nén ép khủng khiếp: - Không phải người lớn thì cái gì cũng biết. Có khi còn ngược lại, như tôi. - Ngược lại? Ông Lãm? Học không hiểu! - Tôi muốn nói có nhiều điều trẻ con biết mà, người lớn thì không... Cô buột miệng: - Xì! Ông Lãm “xạo”. Học không tin. Người lính nghiêm mặt: - Thật đó. Cô bé cong môi: - Chẳng hạn? - Chẳng hạn trẻ con biết làm cho người già trẻ lại. Trong khi người già bất lực. Họ không không biết cách nào để làm cho trẻ con trở nên trẻ con hơn nữa. - Nhưng người già biết cách làm cho trẻ con già thêm phải không? Người lính mỉm cười: - Chính thế. Sự nguy hại của trẻ con chơi với người lớn ở chỗ đó. - Học không còn là bé nữa. Học đã bước vào tuổi mười tám. Học lớn rồi. Phải không ông Lãm? Người lính dùng một câu hỏi thay cho câu trả lời: - Cô định làm gì ở những ngày tháng đầu tiên của tuổi mười tám? Cô gái ngẫm nghĩ: - Học không biết nữa. Ơ mà Học thấy có nhiều điều trước đây, Học không thể làm được, nhưng bây giờ thì đã... - Thí dụ một vài điều? Cô gái mím môi để khỏi cười. Đôi má nàng au đỏ. Nàng lắc đầu: - Không. Học chẳng thể nói ra với ông. - Sao vậy? - Học mắc cở. Với lại... - Với lại? - Kỳ lắm. Mà thôi, Học không nói đâu. Học sẽ không bao giờ nói ra đâu. Ông Lãm đừng bao giờ hỏi nữa... Càng nói, người con gái càng rơi sâu trong sự mắc cỡ của chính nàng. Hình như người lính cảm biết được một điều gì đấy. Ông dọa: - Lỡ... Người con gái cướp lời: - Không. Không nha. Ông Lãm. Cô bé ngước mắt nhìn người lính vẻ khẩn khoản. Người lính cười. Nụ cười khoan hòa, như nụ cười của một người cha chiều lòng một đứa con gái nũng nịu. - Ừ! Tôi sẽ chẳng bao giờ tôi hỏi Học điều đó. Làm như hai người cùng ngầm hiểu điều họ có thể... không hiểu hay hiểu sai! Tuy nhiên, phần cô gái vẫn là nụ cười. Nụ cười mang theo hương thơm ngọt ngào của thìa kem chảy tan một lần nữa trong cô.. Người lính trả tiền và đưa cô gái ra khỏi ngôi quán. Đêm thẳm sâu và lạnh. Cô giấu đôi bàn tay vào túi áo vest, trong khi người lính thọc hai tay vào túi quần sau khi cài nốt những khuy áo còn lại của chiếc bành tô. Họ sóng bước. Trong lúc người lính trở nên trầm ngâm thì cô gái ngược lại, liến thoắng hơn. Cô nói: - Ở đây không có chợ Tết! - Ừ không có chợ Tết. - Cũng không có cả ciné giống như ở quê nhà nữa. - Cũng không cả ciné... - Ông Lãm... - Gì Học? - Tết ông Lãm làm gì? - Ngủ. Tôi ngủ cho qua Tết. - Tết ai lại ngủ? - Nhưng tôi ngủ. Và uống rượu... - Thế ông không định đi thăm Học sao? - Ừ nhỉ! Phải đi thăm Học. Cô gái không thể biết người lính nói sẽ đi thăm Học hay đó là câu hỏi? Cô dám ngước mặt lên nhìn mặt người đàn ông. Cô sợ ông phật ý. Nàng chợt nhận thấy từ lúc bước ra khỏi quán, người đàn ông như rơi vào một thế giới khác! Nhưng cô không quan tâm. Niềm vui, hay hạnh phúc nếu có thể nói được như vậy, khiến cô chỉ muốn nói bất cứ điều gì chợt đến. Đây là lần đầu tiên, cô được đi chơi khuya với người lính. Cũng lần đầu tiên, cô cho rằng người đàn ông không còn nhìn cô như một đứa con nít. Ta đã lớn. Ta đã mười tám. Ta đã... Ta đã... Cô muốn thét to, muốn la lớn cho vỡ trong lồng ngực, cho tất cả thành phố đều phải biết rằng cô đã mười tám. Cô đã bắt đầu một tình yêu! Họ chậm bước rồi dừng lại ở một ngã tư có đèn. Người lính đưa tay ấn nút. Họ chờ băng ngang đường. Người con gái nói: - Ông Lãm. - Gì Học? - Sắp Giao Thừa chưa? Người lính vén tay áo, nhìn đồng hồ. - Còn hai tiếng nữa. Dấu hiệu cho phép băng ngang đường chuyển từ màu đỏ sang xanh. Người con gái không có vẻ gì muốn bước đi: - Ông Lãm. - Sao Học? Người con gái im lặng giây lát, rồi nói giọng thật nhỏ: - Học chưa muốn về. Những nếp nhăn xếp hàng trên trán người lính. Ông đặt tay lên vai cô: - Phải về chứ. Muộn rồi. Cô gái cúi mặt như che giấu thất vọng và xấu hổ của mình. Người đàn ông lại đưa tay bấm nút đèn. Người con gái lại nói: - Ông Lãm. - Gì Học? - Sao ông không nói gì với Học? Lần này cô bạo dạn ngước nhìn người lính. Ông hỏi: - Học muốn điều gì? - Gì cũng được. Dấu hiệu băng ngang đường lại chuyển từ đỏ sang xanh. Ánh sáng xanh của ngọn đèn đường, không làm mất đi màu đỏ gấc trên gương mặt cô gái. Đôi cánh mũi của cô phập phồng như nhịp theo hơi thở gấp rút trong cô. Người lính nắm chặt bàn tay. Bất giác, như không kìm giữ được nữa, ông vòng tay qua vai cô: - Học - Dạ. Người lính im lặng. Ông không biết nên hay phải nói điều gì trong? Sự im lặng kéo dài cho đến lúc người con gái lên phải cất tiếng: - Ông Lãm. - Gì Học? - Sáng mai mồng một, Học đến nhà ông Lãm. Vừa nói dứt câu, người con gái không để người lính kịp trả lời, đã vùng thoát khỏi vòng tay người lính. Cô chạy băng qua bên kia đường, giữa lúc đèn xanh đã trở lại màu đỏ. Người lính trở về nhà đúng giao thừa. Ông đặt tay lên đùi. Nhắm mắt. Mơ hồ thấy mình trong dáng ngồi của pho tượng “tiếc thương”, ở nghĩa trang quân đội ở Biên Hòa. Nhưng cùng lúc, ông cũng nhớ lại rằng, pho tượng ấy không còn nữa. Nó đã bị giật đổ. 1980