TÀO THÁO
- 4 -
Mấy bản án mưu sát

    
hàm những ai chống đối hoặc đắc tội với Tào Tháo thì hầu như kết cục đều không hay. Nếu không tìm được sai sót thì vu là mưu phản, tội mưu phản không xong thì vu là “có bụng phỉ báng”. Bụng phỉ báng là mơ hồ, là không cần chứng cứ nên bắt ai cũng được. Buộc tội “có bụng phỉ báng” để giết người, Lưu Bang đã làm, Hán Vũ đế Lưu Triệt cũng đã làm, đến Tào Tháo càng dễ dàng hơn. Thôi Diễm, một người đạo đức cao thượng nhất, phẩm hạnh đoan chính nhất, tác phong chính phái nhất, được dân chúng cũng ngưỡng mộ nhất, đã bị Tào Tháo giết bằng cách đó.
Thôi Diễm tự Quý Khuê, là danh sĩ đức cao vọng trọng nhất thời đó. Sử sách coi là “thanh trung cao lượng, nhã thức kinh viễn, suy phương trực đạo, chính sắc vu triều”, tức là thanh liêm trung trinh, chính phái nho nhã, vừa cao phong lượng tiết vừa nhìn xa biết rộng, dáng vẻ đường hoàng, ung dung lên triều, nghe nói, vừa nhìn thấy Tào Tháo đã thấy phục và sợ (Thái tổ vừa kính vừa ngại). Thực tế thì Tào Tháo cũng rất tôn sùng Thôi Diễm, nói Thôi Diễm có “Bá Di chi phong”, “Sử Ngư chi trực”(1), “bần phu mộ danh nhi thanh, tráng sĩ thượng xưng nhi lịch”, cho rằng Thôi Diễm là tấm gương của quần chúng, mẫu mực của thời đại.
Thôi Diễm cũng không phụ kỳ vọng của mọi người. Trong thời gian đảm nhiệm chức vị “bộ trương tổ chức” và “bộ trưởng nhân sự”, Thôi Diễm đã đề bạt một loạt nhân tài ưu tú, tuỳ tài mà dùng, không dựa vào tình cảm, khiến cho “triều đình mạnh mẽ thiên hạ thái bình”, tuyệt không dùng kẻ hư bại, tạo dựng một triều đình đầy triển vọng.
Thôi Diễm lỗi lạc quang minh, lòng dạ ngay thẳng. Vào những năm cuối đời, Tào Tháo thường phải lo nghĩ về chuyện lập tự. Không biết nên lập Tào Phi là con trưởng hay lập Tào Thực là đứa có tài nhất, liền có thư hỏi riêng trăm quan, mong mọi người cho biết ý kiến, thư trả lời phải được dán kín. Riêng Thôi Diễm không dán thư, trả lời công khai, nói theo nghĩa của sách “Xuân Thu” lập tự phải lập trưởng, hơn nữa Ngũ quan Trung lang tướng (Tào Phi) còn là người nhân hiếu thông minh, thuộc dòng chính thống. Thôi Diễm tôi, nguyện lấy cái chết để giữ chính đạo. Tào Tháo xem xong lấy làm kinh ngạc. Bởi Tào Thực là cháu rể của Thôi Diễm. Thôi Diễm không tiến cử Tào Thực lại tiến cử Tào Phi, là hết sức công tấm, ngay như Tào Tháo cũng phải “thở ngắn than dài”, kính phục Thôi Diễm chí công vô tư.
Nhưng một người như vậy cũng bị Tào Tháo giết chết và hoàn toàn do vu khống. Lý do giết người là “có bụng phỉ báng”.
Lấy cớ bụng phỉ báng làm lý do giết người căn bán là chăng có nguyên do. Sự việc là thế này: Sau khi Tào Tháo làm Nguỵ vương, có người tên là Dương Huấn dâng biểu ca tụng công huân, thịnh đức của Tào Tháo, một số người nói Dương Huấn là phi nghĩa, dối trá, xun xoe trước quyền thế. Thêm nữa, họ nói tới Thôi Diễm, nói Thôi Diễm là “bộ trưởng tổ chức” chưa nghiêm túc sâu sát khi tiến cử Dương Huấn làm quan. Thôi Diễm liền đọc bản tấu chương của Dương Huấn và viết cho Dương Huấn một bức thư ngắn, nói: “Tình biểu, sự giai nhĩ! Thời hồ thời hồ, hội đương hữu biên thời. Từ đây mà có bán án.
Bây giờ chúng ta cũng chẳng có cách gì để biết rõ động cơ và những suy nghĩ chân thực Thôi Diễm đã viết trong thư, nhưng rõ ràng bức thư đó có phần hàm hồ, từ ngữ lờ mờ hiểu sao cũng được, tạm dịch thế này: “Ta đã xem biểu chương, sự tình có thể coi là được! Thời gian ôi thời gian, sẽ biến đổi theo thời gian, nhất định tình huống sẽ biến đổi!”. Điều mấu chốt ở đây là: Việc có thể coi là được kia là việc gì và tình huống sẽ biến đổi kia là tình huống nào. Nhưng cũng có thể hiểu là: Lời lẽ trong biểu chương của Dương Huấn có thể coi là được hoặc việc Dương Huấn dâng biểu chương có thể coi là được, và tuỳ theo thời gian dịch chuyển, cách nhìn của mọi người về Dương Huấn cũng sẽ có biến đổi. Hiểu như vậy là hiểu qua sự việc, thuận lý thành lời.
Nhưng người mật báo kia lại giải nghĩa khác. Hắn dịch ra như thế này: Ta đã xem biểu chương, những việc người họ Tào kia làm có thể coi là được! Thời gian trôi qua, rồi sẽ có biến. Vì vậy Tào Tháo tức giận nói: Trăm họ sinh con gái thường nói “sinh con gái thôi”, “tạm gọi là được”. Nhưng “thôi” là từ không hay. “Rồi sẽ có biến”, nói như vậy là thiếu khiêm tốn, có dụng ý khác! Thôi Diễm liền bị xử cạo trọc đầu, làm lao dịch. Thôi Diễm bị sỉ nhục, nhưng vẫn thản nhiên, hành vi sắc thái như thường, không hờn giận sợ sệt, không uốn gối van xin. Kẻ mật báo nọ lại đến nói với Tào Tháo, 1 hôi Ưiêm không hê nhận tội, hơi cái. Tào Tháo liền hạ lệnh: Thôi Diễm tuy nhận hình phạt, nhưng vẫn kết giao với tân khách, nhà cửa đông đúc như ngoài chợ, vẫn vuốt râu khi nói năng, vẫn trừng mắt nhìn người, bụng dạ như có điều bất mãn! Ba hôm sau, viên quan phụ trách giám sát lại đến báo, Thôi Diễm vẫn chưa tự sát. Tào Tháo tức giận nói: Chẳng nhẽ Thôi Diễm nhất định để bản vương, phải động dao động búa hay sao? Thôi Diễm nghe nói vậy liền gật đầu, đó là sai lầm của tôi, không biết Tào công lại có ý đó. Thế rồi thanh thản tự tận.
Thôi Diễm chết, rõ ràng đó là án oan lớn nhất. Ngay như Trần Thọ lúc viết sử, đã phải nói: “Thái tổ (Tào Tháo) hay nghi kỵ, những kẻ không chịu như Khổng Dung nước Lỗ, Hứa Du, Lâu Khuê ở Nam Dung, bị giết vì cậy quen mà không tôn trọng, còn Thôi Diễm, đến nay người đời vẫn còn thương tiếc, đến nay vẫn là oan uổng”. Thực tình, Thôi Diễm không hề “không tôn trọng”, mà chính Tào Tháo đã có cớ để giết. Năm 204, Tào Tháo công phá Nghiệp thành, bình định Viên thị, lĩnh Ký Châu mục. Thôi Diễm vừa được cứu từ ngục Ký Châu ra, theo hầu biệt giá của Tào Tháo, Tháo dương dương tự đắc nói với Thôi Diễm, hôm qua ta vừa xét lại hộ khẩu, thấy được thêm ba mươi vạn người, Ký Châu quả là một châu lớn! Nào ngờ Thôi Diễm lại nói, nay thiên hạ lỵ tán, chín châu tan rã, anh em họ Viên gây can qua, người dân Kỷ Châu xác chết đầy đường. Nay vương sư tới đây, chưa nghe nói tới dân khỏi cảnh lầm than, đã nói tới được bao nhiêu binh giáp, mở rộng thực lực, chẳng nhẽ đó là điều già trẻ gái trai trong châu kỳ vọng ở minh công sao? Lời nói nghiêm nghị đúng mực đó làm cho tân khách ở bên sợ hãi bạc mặt, Tào Tháo vội vã xin lỗi Thôi Diễm và sự tự đắc kia cũng biến mất. Đây là lời nói đúng, nói thẳng khiến mọi người kính nể. Nhưng u nhọt cũng kết từ đó. Cần phải nói thêm, kết oán từ năm 204, đến năm 216 mới giết người, Tào Tháo chờ đợi mười hai năm, một cuộc chờ đợi khá lâu.
Đừng quên rằng trong thời đại chuyên chế, những kẻ nắm quyền lực luôn muốn đả kích báo thù, công báo tư thù, đương nhiên Tào Tháo không phải ngoại lệ. Bởi vì ngay cả những hoàng đế, các quan viên bất tài vô năng nhất cũng luôn dùng thủ đoạn đó. Cái khác nhau chỉ là: Có người thì trở mặt luôn, lập tức trả thù; có người vì mục tiêu xa hơn, lợi ích lớn hơn mà nhẫn nhịn, rồi tính sổ sau.
Kẻ trở mặt ngay là kẻ thô lỗ, loài chó ngựa; người tính sổ sau là anh hùng hoặc gian hùng.
Thôi Diễm lấy cái chết để chứng minh mình là quân tử, Tào Tháo lấy cái chết của Thôi Diễm để chứng minh mình là gian hùng.
Cái chết của Khổng Dung thì lại khác.
Khổng Dung tự Văn Cử, nghe nói là cháu đời thứ hai mươi của Khổng Phu Tử. Khổng Dung thông minh từ bé, được coi là “thần đồng”. Năm mười sáu tuổi cùng với anh là Khổng Bao tranh giành chịu chết vì tội bao che Trương Kiệm bị bọn hoạn quan hãm hại, Khổng Dung được coi là “nghĩa sĩ”. Thế là Khổng Dung nổi tiếng khắp thiên hạ, người người đều biết, cùng với Biên Nhượng, đã nói ở phần trước, là “quan viên lớp sau”. Năm ba mươi tám tuổi là Bắc Hải tướng. Sau này được Tào Tháo mời về Hứa Xương làm tướng tác đại thần (bộ trưởng kiến thiết) chủ quản các công trình. Mỗi khi triều đình có hội nghị ở ngự tiền, Khổng Dung luôn là người phát ngôn, cầm trịch các khanh đại phu khác chỉ là uỷ viên.
Khổng Dung tài cao tiếng lớn, tính khí và điệu bộ, đương nhiên cũng không nhỏ. Năm 197, Viên Thuật xưng đế, Tào Tháo muốn lấy việc công báo thù riêng, nhân đó muốn giết chết thái uý Dương Bưu người có quan hệ hôn nhân với Viên Thuật. Sau khi biết tin, Khổng Dung tìm đến Tào Tháo, nói: “Chu thư” viết: “Cha con anh em, tội không liên can”, huống chi Dương Bưu chỉ là họ hàng của Viên Thuật. Tào Tháo nói thẳng luôn: Đây là ý của hoàng thượng. Khổng Dung thầm nghĩ, phải vạch mặt ngươi! Mới hỏi lại: Chẳng nhẽ Thành vương muốn giết Thiệu công, Chu công cũng nói là không biết? Nay thiên hạ kính nể ngài, vì ngài thông minh, nhân trí, làm việc công minh. Nếu lại lạm dụng giết người vô cớ thì e người trong thiên hạ đều phải lo lắng. Đầu tiên, Khổng Dung này đường đường là nam tử hán nước Lỗ, ngày mai sẽ không lên triều! Tào Tháo thấy nói cũng có lý nên không giết Dương Bưu, nhưng từ đó trong lòng đã kết oán.
Về phần mình, Khổng Dung quyết không để Tào Tháo yên, mỗi khi có dịp, liền bới móc lỗi, châm biếm và cố ý làm loạn để xổ hết những điều bất mãn với Tào Tháo. Tào Tháo công phá Nghiệp thành. Tào Phi cướp Châu thị - vợ Viên Hy, về làm thiếp.
Khổng Dung liền có thư gửi Tào Tháo, nói năm đó Vũ vương đánh Trụ đem Đát Kỷ thưởng cho Chu công. Tào Tháo biết Khổng Dung học rộng, nên cho chuyện đó là thật, liền hỏi đã đọc ở sách nào. Khổng Dung nói: “Ngày nay chuyện xảy ra ngay trước mắt”. Lại như, Tào Tháo muốn tiết kiệm lương thực, liền hạ lệnh cấm rượu. Khổng Dung liền lên tiếng phản đối, rằng trên trời có tửu tinh, dưới đất có tửu tuyền, nhân gian có tửu đức, vậy sao lại cấm rượu? Hơn nửa, từ xưa thường vì đàn bà mà mất nước, vậy sao không cấm đàn bà? Tào Tháo rất bất bình, nhưng Khổng Dung vai to, tiếng lớn, Tào Tháo đành cho qua, “bề ngoài khoan dung, bề trong thì bất bình”.
Nếu Khổng Dung chỉ nói mấy lời châm biếm, khắc nghiệt đó thì có thể Tào Tháo đã nhẫn nhịn cho qua. Tiếc rằng Khổng Dung còn muốn công kích cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Tào Tháo. Mỗi khi Tào Tháo đưa ra một quyết sách lớn, Khổng Dung đều phản đối, làm sao Tào Tháo có thể nhẫn nhịn được? Thêm nữa, quan hệ giữa Khổng Dung và Lưu Bị là không bình thường, vừa lúc Tào Tháo muốn dùng binh Kinh Châu. Nếu để một người như vậy ở trong triều thì yên tâm sao được? Vì vậy Tào Tháo quyết định phải tiêu diệt Khổng Dung trước khi tiêu diệt Lưu Bị.
Nhưng Khổng Dung không phải loại sâu bọ vô danh, muốn giết hắn phải theo trình tự từng bước một. Vì vậy Tào Tháo liền bổ nhiệm Si Lự làm kiểm sát trưởng (ngự sử đại phu), xét xem Khổng Dung có vấn đề gì không. Si Lự vốn đã bất hoà với Khổng Dung, được tin dùng nên đã hiểu ngay ý của Tào Tháo. Si Lự thu thập nhanh tội chứng của Khổng Dung và cho một người là Lộ Tuý báo tài liệu lên. Điều quan trọng nhất trong đó là câu nói bốc “Người có thiên hạ, cứ gì là phải là mão kim đao”, mão kim đao là chữ lưu. Đó là lời mưu phản đương nhiên kẻ đáng giết phải giết. Thế là Khổng Dung bị nhốt ngay vào ngục, bị xử chết, bêu thây ngoài chợ, vợ con đều bị giết sạch.
Có điều Tào Tháo giết Khổng Dung không vì tội danh “mưu phản” mà vì tội danh “bất hiếu”. Theo phát hiện của Lộ Tuý và tội trạng công bố sau này. Khổng Dung có hai “lý luận phản động”.
1. Cha và con có ân tình gì? Bàn về ý nghĩa thì đó chỉ do tình dục phát túc mà thôi. Mẹ và con có gì là tình thương yêu? Chỉ như vật dụng để trong vại sành, sau khi lấy ra thì hết quan hệ.
2. Gặp lúc mất mùa, có chút gì ăn, nếu cha không tốt thì nên cho người khác. Nói như vậy rõ ràng là bất hiếu! Cho nên trong lúc ban bố tội trạng, Tào Tháo tỏ vẻ hằn học: “Làm trái lẽ trời, bại hoại luân lý, tuy giết thị triều, nhưng hận là muộn”, không những đáng giết mà còn giết quá muộn.
Đây là sự trị tội điển hình vì lời nói và cũng là nền chuyên chế chính trị điển hình. Trước hết, chúng ta không rõ có đúng là Khổng Dung đã nói như vậy không. Nhưng Tháo nói có là có, không được bàn thêm. Nhưng dù là có thì nhiều lắm cũng chỉ là nói bậy nói bạ, có sai nhưng không có tội. Nhưng đó là thời đại Tào Tháo. Không nghĩ tới nhân quyền, ngay như “có bụng phỉ báng cung là có tội, hương chi day lại là lời công kích diên cuồng”? Đương nhiên là đáng chết.
3. Tào Tháo từng nói: “có tài thì dùng”, cướp chị dâu nhận vàng, bất nhân bất hiếu có hề chi, vậy sao chỉ vì bất hiếu mà giết người? Lẽ nào nói mà không làm, tự mình vả vào mặt mình? Hơn nữa, đây chỉ là mấy lời bất hiếu của Khổng Dung, Tào Tháo lại quy kết thành đường lối tổ chức, chính sách nhân sự, đây mới càng nên giết? Có điều chúng ta lại không thể hỏi Tào Tháo mấy lời đó. Đúng như Lỗ Tấn đã nói: “Nếu chúng ta đến hỏi Tào Tháo thì e rằng Tào Tháo sẽ giết nốt chúng ta”(2).
Tào Tháo giết Khổng Dung với tội danh bất hiếu là có dụng ý sâu xa. Lần nữa chứng tỏ Tào Tháo là chính trị gia đầy mưu kế, còn Khổng Dung làm việc như con mọt sách. Trước hết, Hán triều luôn chủ trương trị thiên hạ bằng đạo hiếu. Tào Tháo giết Khổng Dung chứng tỏ mình luôn ủng hộ đạo hiếu, mà ủng hộ đạo hiếu cũng tức là ủng hộ Hán thất. Việc làm quang minh chính đại, đồng thời còn rửa sạch được mối nghi ngờ Tào Tháo “cướp quyền”, về mặt chính trị Tào Tháo được thêm một phiếu. Thêm nữa, làm như thế không chỉ tiêu diệt xong thể xác Khổng Dung, còn có thể hạ thấp danh dự Khổng Dung. Nghĩ xem, là cháu đời thứ hai mươi của Khổng Tử lại chủ trương bất hiếu thì nhân phẩm còn giữ được không? Một người phản bội lại tổ tiên lẽ nào lại không đáng giết? Hiển nhiên, Tào Tháo không chỉ muốn giết Khổng Dung, mà còn muốn Khổng Dung mang tiếng xấu muôn đời. Chiêu này thực độc ác và lợi hại, vì vậy, Trần Thọ khi viết “Tam quốc chí” đã không dám đưa chuyện Khổng Dung vào.
Nói thêm, khi giết Khổng Dung, Tào Tháo còn có mục đích là chỉnh sửa phong khí. Có điều phong khí chẳng có quan hệ gì với hiếu hay bất hiếu, nhưng lại quan hệ lớn đến chính trị. Chúng ta đều biết, những năm cuối thời Đông Hán, nhiều danh sĩ gắng giữ mình trong sạch, nhưng cũng không ít kẻ lại uốn gối cầu vinh. Nhưng bất kể là loại “thanh cao” nào đều có chung một đặc điểm: Tài khí lớn, tính khí cũng lớn; hoặc không có tài khí nhưng tính khí rất lớn. Họ tự cho mình là thanh cao, không chịu đi lại với lũ tục nhân, cũng không chịu hợp tác với người cầm quyền, hoặc vờ không biết có sự hợp tác đó. Nếu chỉ là cá nhân giở trò thì không có gì đáng ngại, đằng này họ lại muốn đưa tác phong, tính khí đó vào lĩnh vực chính trị, tạo nên ảnh hưởng lớn, khiến Tào Tháo nhiều lần phải đau đầu. Tào Tháo là người phi thường luôn làm những việc phi thường trong thời khắc đặc biệt, Tháo muốn chuyên chính, lẽ nào lại chịu để người khác ngày ngày chửi rủa mình? Tháo muốn dùng người, sẽ không tha cho những ai không hợp tác. Cần phải giết để nhắc nhở mọi người, đó là chỉnh sửa phong khí, Khổng Dung chỉ là một con gà trống trong số đó. Vì vậy Tào Tháo muốn giết Khổng Dung, muốn phê phán Khổng Dung. Còn với người có tài khí và tính khí cũng rất lớn, địa vị và ảnh hưởng không bằng Khổng Dung thì không động tới, giao cho người khác giết.
Người đó là Nễ Hành.
Nễ Hành tự Chính Bình, người Bình Nguyên (huyện Bình Nguyên, Sơn Đông ngày nay). “Hậu Hán thư” nói: “Nễ Hành từ nhỏ đã có tài hùng biện, tính khí cao ngạo, không coi ai ra gì”, cũng tức là làm việc tuỳ hứng, cao ngạo cương trực, luôn thích phản đối, không hợp với người khác và cũng chẳng coi ai ra gì. Có thể vì tính nết tương đồng, nên Nễ Hành có quan hệ tốt với Khổng Dung, hai người thường nói đủ mọi chuyện. Nghe đâu Khổng Dung từng nói hai điều bất hiếu đó với Nễ Hành và Nễ Hành đã tuyên truyền ra ngoài. Lộ Tuý còn phát hiện thấy hai người thường tâng bốc lẫn nhau. Nễ Hành nói Khổng Dung là: “Trọng Ni bất tử” còn Khổng Dung tâng bốc Nễ Hành là “Nhan Hồi tái sinh”. Trong tài liệu trình báo lên, Lộ Tuý nhắc đến Nễ Hành nhiều lần, đủ thấy về một ý nghĩa nào đó, án của Khổng Dung là tiếp nối án của Nễ Hành.
Trước hết, Nễ Hành bị giết vì đắc tội với Tào Tháo. Khổng Dung mê tài của Nễ Hành, nên nhiều lần tiến cử Nễ Hành với Tào Tháo. Bản thân họ Tào cũng rất mến người tài, cũng rất muốn xem mặt vị nhân sĩ này. Nhưng Nễ Hành lại xem thường Tào Tháo, nên nói mình có bệnh điên, không muốn đến, còn ngấm ngầm nói lời đại nghịch, châm chọc Tào Tháo. Làm sao Tào Tháo có thể chịu nổi? Nhưng nghĩ đến tài khí, tiếng tăm của Nễ Hành, Tào Tháo không nỡ giết, chỉ muốn đánh gục uy phong của Nễ Hành. Lại nghe Nễ Hành giỏi đánh trống, liền cho triệu Nễ Hành làm quan trống, đặt tiệc lớn thết khách, nghe thử âm trống. Lần này Nễ Hành đến và tiếng trống mới âm vang tinh tế làm sao, “thần thái khác thường, âm tiết bi tráng, người nghe thảy đều cảm kích”. Nễ Hành lại đi đến trước mặt Tào Tháo, nhưng quan phụ trách lễ nghi đã ngăn lại, phải thay y phục chuyên dùng của quan trống đã, sao nghĩ có thể ăn mặc như thế này? Nễ Hành nói: Được. Rồi từ từ cởi bỏ từng cái một, người trần như nhộng ngay trước mặt Tào Tháo, lại từ từ thay mặc chế phục, không hề cảm thấy xấu hổ, còn chơi trống lần nữa mới đi. Lúc này, Tào Tháo không biết nên trốn đi đâu. Có điều, Tào Tháo vẫn là Tào Tháo, Tháo cười khà khà nói với quan khách: “Ta định bụng làm nhục Nễ Hành, chẳng ngờ mới là người bị nhục”.
Khổng Dung cũng hết sức bất bình về chuyện này, đã trách cứ Nễ Hành một hồi, đồng thời nhiều lần ca ngợi Tào Tháo là người trọng tài. Nễ Hành bằng lòng gặp Tào Tháo. Khổng Dung mừng rỡ vô cùng, chạy đến báo tin cho Tào Tháo, Tào Tháo cũng rất mừng, căn dặn gia nhân hễ Nễ Hành đến phải báo ngay. Nào ngờ cứ thế chờ cho đến chiều Nễ Hành mới tới, và không phải tới để xin lỗi mà tới để mắng mỏ. Lúc đó, Lễ Hành mặc áo vải thường, đầu quấn khăn thô, tay cầm gậy gỗ, ngồi ngay trước cửa đại doanh, mở miệng chửi bới. Vừa chửi lại vừa đập gậy xuống đất, chửi bới có ngọn có ngành, ra âm ra sắc. Quả nhiên Tào Tháo nổi giận, quay lại nói với Khổng Dung, thằng nhãi Nễ Hành là cái quái gì thế? Ta muốn giết hắn, bất quá chỉ như giết chuột mà thôi!
Nễ Hành đúng là kẻ không biết điều. Ít ra cũng không nên bán rẻ Khổng Dung, Tào Tháo cũng xem thường. Có thể vì quá khinh bỉ, Tào Tháo đã không thèm giết, mà đẩy Nễ Hành sang chỗ Lưu Biểu. Lưu Biểu có tiếng khoan dung và yêu quý kẻ sĩ, sau khi đến đó, Nễ Hành như được thay cung đổi dây, hoà thuận cùng nhau, có thể đó là biện pháp hay. Nhưng tiếc thay, giang sơn khó đổi, bản tính khó dời, cuối cùng thì Nễ Hành lại ầm ĩ với Lưu Biểu. Lưu Biểu đành phải đẩy Nễ Hành sang chỗ Hoàng Tổ. Hoàng Tổ là người thô lỗ, chịu sao được cung cách của Nễ Hành? Trong một buổi yến tiệc, Nễ Hành lại nói lời khiếm nhã. Hoàng Tổ liền trách cứ, Nễ Hành đã mắng chửi đối đáp. Hoàng Tổ quá giận, sai người lôi ra đánh. Lúc này Nễ Hành càng lồng lộn, mắng chửi. Hoàng Tổ hết chịu nổi, hạ lệnh giết Nễ Hành. Chủ bạ của Hoàng Tổ cũng căm giận Nễ Hành, đã cho giết luôn. Lúc này Nễ Hành mới hai mươi sáu tuổi.
Nễ Hành chết, một phần là do mình tự chuốc lấy. Nễ Hành cũng quá đáng. Trong số những văn sĩ chết oan, Nễ Hành là người ích kỷ cực đoan. Tự cao tự đại là biểu hiện của ích kỷ. Nễ Hành chỉ thấy có mình, không thấy có người khác. Nễ Hành xem thường tất cả mọi người. Để biểu hiện cái gọi là ngạo khí của mình, Nễ Hành chẳng ngại gì, đã đẩy người bạn là Khổng Dung đến chỗ rất khó xử? Không thể coi đó là anh hùng, chỉ có thể coi là cặn bã.
Sự thực thì, cái gọi là ngạo cốt của Nễ Hành không hề là chính nghĩa, chỉ là biểu hiện của một thứ ác tính đến mức muốn hạ thấp người khác, đề cao mình. Lúc đó kinh đô Hứa Xương vừa xây dựng xong, hào kiệt các nơi đổ về, nhân tài chật ních, có người đề nghị Nễ Hành nên qua lại với Trần Quần, Tư Mã Lang. Nễ Hành vênh mặt lên, nói: “Ta có thể kết giao với loại giết lợn bán rượu chăng? Trần Quần tự Trường Văn, ông nội, cha và chú đều là danh sĩ đương thời, bản thân cũng là bạn của Khổng Dung, cũng là quan trọng triều, không là người giết lợn. Tư Mã Lang tự Bá Đạt, con em thế gia, là anh cả của Tư Mã Ý, đương nhiên, cũng không phải là kẻ bán rượu”. Một người hỏi Nễ Hành: “Thế Tuân Úc và Triệu Trĩ Trường thì sao? Tuân Úc là một nhân tài, là mưu sĩ hàng đầu của Tào Tháo; Triệu Trĩ Trường là tướng quân dẹp giặc thời đó, ăn rất khoẻ”. Thế là Nễ Hành bĩu môi nói luôn, với bộ mặt của họ Tuân đó chỉ đáng được làm quan coi sóc tang lễ và với cái bụng ấy họ Triệu kia có thể làm gián bếp mời khách. Tóm lại, Nễ Hành xem thường tất cả, có thể vừa mắt một chút chỉ có Khổng Dung và Dương Tu. Nễ Hành cũng chẳng nể nang gì, thường nói với người khác, chỉ có thằng lớn Khổng Văn Cử (Khổng Dung) và thằng tiểu tử Dương Đức Tổ (Dương Tu) còn hợp được, những thằng bé khác chẳng có gì đáng nói. Nễ Hành nói những câu đó lúc mới hơn hai mươi tuổi, Khổng Dung đã bốn mươi tuổi bị gọi là thằng lớn. Rõ ràng Nễ Hành điên khùng đến chừng nào!
Một người vô lễ điên khùng như vậy thì không thể có quan hệ tốt với mọi người, nhưng gần như Nễ Hành cũng không muốn có mối quan hệ tốt đó. Lúc Nễ Hành bị Tào Tháo đuổi, mọi người ra tiễn, Nễ Hành lại làm mình làm mẩy, rất lâu mới tới. Mọi người tức giận, nên ai ngồi cứ ngồi, ai nằm cứ nằm, đều không để ý đến Nễ Hành. Nễ Hành liền ngồi phịch xuống và khóc rống lên. Mọi người hỏi vì sao khóc. Nễ Hành nói: “Người ngồi như nấm mồ, nằm như xác chết, ta bị kẹp giữa mồ mả và xác chết, không buồn sao được?”. Một người thích chửi bới, chửi bới cay độc như vậy, có ai sẽ thích thú đây?
Nễ Hành bốc đồng, hay mắng người nên đã phải chết. Lúc đến chỗ Lưu Biểu, Nễ Hành được coi là thượng khách, Nễ Hành lại luôn châm chọc sô quan viên bên cạnh Lưu Biểu. Thế là số người này liền đến to nhỏ với Lưu Biểu, nói Nễ Hành thừa nhận tướng quân nhân ái khoan hậu, nhưng đó là lòng nhân ái của đàn bà, không có năng lực quyết đoán, thể nào rồi cũng thua. Lời nói đó đánh trúng vào nhược điểm của Lưu Biểu, nhưng Nễ Hành đâu có nói thế, nhưng cứ nói đó là lời của Nễ Hành thì ai cũng tin. Thế là Lưu Biểu từ xấu hổ thành tức giận, liền đẩy Nễ Hành đến chỗ Hoàng Tổ. Tào Tháo để Nễ Hành đến chỗ Lưu Biểu, vì biết Lưu Biểu khoan hậu, thể nào cũng cho Nễ Hành một lối thoát, hy vọng Nễ Hành sẽ tốt hơn. Lưu Biểu biết Hoàng Tổ là kẻ thô lỗ, còn đẩy Nễ Hành sang đó, hẳn có ý không cho Nễ Hành sống tiếp, thậm chí là mượn dao giết người.
Rốt cuộc, Nễ Hành chết vì không có pháp chế và nhân quyền. Dù Nễ Hành có ác độc, đáng ghét tới đâu, ít nhiều cũng là có tội, nhưng không đáng chết. Nhưng có thể khẳng định nếu Nễ Hành có ở trong một xã hội đủ pháp chế và nhân quyền, cũng chẳng được mấy người yêu thích.
Xét một cách tương đối thì Dương Tu chết có phần không rõ ràng. Dương Tu tự Đức Tổ, là con của thái uý Dương Bửu, là người thông minh tuyệt đỉnh, tài hoa có thừa, ngay kẻ cuồng vọng Nễ Hành cũng thừa nhận Dương Tu là một nhân vật và thường gọi là “thằng nhỏ”. Dương Tu còn là người khiêm nhường, cung kính. Dương Tu chết không phải vì đã đắc tội với bất kỳ ai. Các sử gia đều cho rằng Dương Tu chết là do việc tranh giành ngôi thái tử giữa Tào Phi và Tào Thực, Dương Tu lại giúp Tào Thực. Sau khi Tào Tháo quyết định lập Tào Phi làm thái tử, để ngừa việc Dương Tu giúp Tào Thực tranh giành với anh, gây phiền hà, huynh đệ tương tàn, nên trước lúc lâm chung hơn trăm ngày, Tào Tháo đã giết Dương Tu.
Điều đó thực đáng ngờ. Đúng là Dương Tu có giúp Tào Thực, nhưng chưa phải là tư đảng của Tào Thực. Sau khi Tào Phi được lập làm thái tử, Dương Tu muốn rời xa Tào Thực. Nhưng Tào Thực lại lôi kéo Dương Tu, Dương Tu “không dám từ chối”. Tào Thực vẫn là con cưng của Tào Tháo, tuy không làm được thái tử, nhưng cũng không mắc tội. Dương Tu từng xuất thân danh môn, bốn đời là thái uý, nhưng lúc đó ngay như hoàng đế cũng trở thành con rối trong tay Tào Tháo thì thái uý là cái gì chứ? Nếu Dương Tu không chơi với anh em họ Tào thì có thể thế nào đây?
Huống hồ quan hệ giữa Dương Tu và Tào Phi cũng không tồi. Dương Tu từng tặng bảo kiếm cho Tào Phi, Tào Phi vô cùng thích thú luôn mang theo bên mình, về sau Tào Phi lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Lạc Dương, vẫn mang theo thanh bảo kiếm đó. Một hôm, Tào Phi ra khỏi cung, bỗng thấy nhớ Dương Tu, liền ôm bảo kiếm, ra lệnh dừng xe, rồi quay lại nói với tả hữu: “Năm đó Dương Đức Tổ bảo đây là thanh kiếm của Vương Mao. Vương Mao bây giờ ở đâu?”. Đến khi tìm thấy Vương Mao, Tào Phi đã ban cho Vương Mao lương thực và áo quần. Tục ngữ có câu “yêu ai, yêu cả tông ti họ hàng”. Tào Phi yêu quý thanh bảo kiếm, nên yêu quý luôn cả Vương Mao, còn muốn trọng thưởng; gọi Dương Tu bằng tự, không phải bằng tên. Rõ ràng Tào Phi rất có cảm tình với Dương Tu, hoặc tối thiểu cũng không có phản cảm. Người mà Tào Phi không muốn giết, cớ gì Tào Tháo phải giết thay?
Tào Tháo vì mình nên đã giết Dương Tu.
Con người Dương Tu, tuy được mọi người thừa nhận là thông minh, nhưng thực ra chỉ là khôn vặt. Dương Tu phò tá Tào Thực, vì đoán rằng phần nhiều Tào Tháo sẽ lập Tào Thực. Vì vậy, tuy cả hai anh em đều đi lại với Dương Tu, nhưng Dương Tu vẫn nghiêng về Tào Thực. Sau khi Tào Thực thất thế, Dương Tu định bỏ, đó là biểu hiện của khôn vặt, láu lỉnh. Dường Tu từng hướng dẫn cho Tào Thực một số chiêu hay, đó đều là chơi trò khôn vặt. Một lần, Tào Tháo lệnh cho hai anh em Tào Phi,
Tào Thực ra công cán ở ngoại ô Nghiệp thành. Trước đó, Tào Tháo cho dặn những người gác, không được cho ai ra ngoài. Dương Tu đã đoán ra cách sắp đặt của Tào Tháo, nên đã nói trước với Tào Thực, ngộ nhỡ người gác cửa không cho ngài ra, ngài có thể giết hán vì đã có vương mệnh trong tay. Kết quả, Tào Thực ra ngoài, Tào Phi thì không? Nhưng với cách sắp xếp lần này, Tào Tháo muốn khảo sát tổng hợp về hai anh em, tức là khảo sát cả tài lẫn đức. Xét về bề ngoài thì Tào Thực đã thắng, nhưng để lại cho Tào Tháo ấn tượng: Tào Phi nhân hậu, Tào Thực tàn nhẫn, thực tế là thua. Dương Tu biết một mà không biết hai, tầm nhìn hạn hẹp, vì vậy mới nói là khôn vặt.
Từ chỗ khôn vặt, Dương Tu luôn là người tự bê đá đập vào chân mình. Dương Tu thích phỏng đoán những suy nghĩ của Tào Tháo, luôn giúp Tào Thực biết cách trả lời một số vấn đề và viết thành đáp án. Mỗi khi Tào Tháo có việc hỏi đến, chỉ cần chép lại những đáp án thích hợp, đã chuẩn bị sẵn, rồi gửi lên, mong Tào Tháo có được ấn tượng “tài trí nhạy bén”. Qua một, hai lần, Tào Tháo sinh nghi, Tào Thực dù có thông minh đến mấy, cũng không thể nhanh như vậy!
Cử người đi xem xét và đã tìm ra nguyên nhân. Từ đó, Tào Tháo đã nhìn Tào Thực bằng con mắt khác và càng thêm ghét Dương Tu.
Đáng tiếc, Dương Tu không tự biết mình, nên luôn luôn chơi trò khôn vặt. Là chủ bạ bên cạnh Tào Tháo, nhưng Dương Tu có bao giờ chịu chăm chỉ ngồi ở phòng làm việc, mà cứ bỏ ra ngoài chơi. Nhưng lại sợ Tào Tháo có việc cần hỏi, nên trước khi ra ngoài, đã phỏng đoán suy nghĩ của Tào Tháo, và theo thứ tự viết thành đáp án, còn dặn người hầu, nếu thừa tướng có lệnh xuống, cứ theo thứ tự đó mà trả lời. Nào ngờ người tính không bằng trời tính, một trận gió thổi qua, thứ tự đáp án đã bị đảo lộn. Thị tòng vẫn theo trước sau để trả lời, đương nhiên không khớp. Bỗng nhiên Tào Tháo tức giận, cho gọi Dương Tu đến hỏi: Dương Tu không dám giấu, đành phải nói thực. Khi nhìn Dương Tu đối phó với mình trong lòng Tào Tháo tự nhiên vô cùng căm ghét.
Tệ hơn nữa là Dương Tu muốn thể hiện tính khôn vặt của mình trước mặt mọi người. Một lần Tào Tháo đi thị sát phủ tướng quốc mới xây, xem xong không nói gì, chỉ cho người viết một chữ “Hoạt” trên cửa. Dương Tu liền cho tháo cửa ra làm lại, phân tích rằng, chữ “Hoạt” trong chữ môn là chữ “Khoát” (nghĩa là rộng). Thừa tướng chê cửa quá to. Một lần khác, có người biếu Tào Tháo một hộp bơ, Tào Tháo ăn một miếng rồi viết chữ “Hợp” lên nắp hộp và đưa cho mọi người. Mọi người chưa hiểu, Dương Tu cầm hộp và ăn luôn, còn nói, chẳng phải “Mỗi người một miếng” sao? Nếu nói đó chưa phải là hành động thô thiển, khiếm nhã, thì những biểu hiện của Dương Tu trước ba quân đã làm Tào Tháo có ý muốn giết rồi. Năm 219, Tào Tháo thống lĩnh đại quân từ Tràng An ra Tà Cốc, tiến quân vào Hán Trung, chuẩn bị quyết chiến với Lưu Bị, nào ngờ Lưu Bị lại ém quân chỗ hiểm, cố thủ không đánh. Tào Tháo muốn đánh nhưng không tiến được, muốn thủ lại không có chỗ, tiến thủ đều khó. Một hôm thuộc hạ xin khẩu lệnh trong quân, Tháo chỉ nói, “kê cân” (gân gà). Dương Tu nghe xong đi thu dọn hành trang luôn. Mọi người vội hỏi lý do Dương Tu nói: “Món gân gà này ăn thì vô bổ, vứt thì tiếc, chúa công dự định quay về”.
Lần này Dương Tu lại đoán đúng, nhưng chỉ e lần này Dương Tu sẽ mất đầu. Quả nhiên, chưa đến nửa năm sau, Tào Tháo đã giết Dương Tu, với tội: “Tiết lộ ngôn giáo, giao kết chư hầu”, tương đương với các tội tiết lộ bí mật quốc gia, câu kết bè đảng, nói lời mê hoặc dân chúng.
Nghe đâu trước khi chết, Dương Tu từng nói với người khác: “Chết thế này còn hơn là muộn”. Nhưng nếu Dương Tu cho rằng mình chết do can hệ với Tào Tháo, chết như vậy là không rõ ràng. Dương Tu không hiểu mình đang sống trong thể chế chuyên chế mà Tào Tháo là một trong mấy kẻ “chúa nghi kỵ” trong chế độ đó. Loại nhân vật này luôn luôn nghi kỵ và đề phòng. Họ sợ nhất và hận nhất những ai đoán thấu tâm can của mình. Bởi vì muốn duy trì nền thống trị độc tài chuyên chính của họ thì phải thi hành chính sách ngu dân và đường lối chính trị đặc vụ. Họ muốn nắm vững tất cả về người khác, nhưng lại không muốn người khác biết được suy nghĩ của mình, ngoài những điều họ muốn ám chỉ hay nhắc nhở. Tóm lại, kẻ độc tài cần phải thần thánh hoá mình, có vậy mới là “thiên uy khó lường”, khiến người khác phải lo sợ, còn mình thì thoải mái hành sự. Dương Tu nhìn thấu tâm can Tào Tháo, còn đoán được Tào Tháo sẽ hỏi gì trước gì sau, như yậy thực đáng sợ. Có một nhân vật như chiếc máy X-quang ở ngay cạnh, Tào Tháo còn có thể chơi trò chính trị không? Nếu Dương Tu đoán được nhưng không nói ra, có thể sẽ hay hơn. Đằng này Dương Tu lại nói khắp nơi, kích động một số người không thần phục, chí ít cho Tào Tháo là không sâu sắc. Vì vậy, cái đó trước sau gì cũng phải nhổ. Có thể nói, Nễ Hành chết vì không hiểu người, Dương Tu chết vì quá hiểu người. Nhưng cả hai đều không hiểu chính mình và không hiểu giữa người với người phải xử sự như thế nào.
Nói đơn giản, Thôi Diễm chết vì trung thành chính trực, Khổng Dung chết vì không thức thời, Nễ Hành chết vì điên khùng xằng bậy, Dương Tu chết vì tự coi mình là thông minh. Thôi Diễm chết là oan nhất. Nễ Hành chết vô nghĩa nhất.
Chú thích

(1) Bá Di được coi là điển hình của người “quân tử”, nghe nói Bá Di, mắt không nhìn việc ác, tai không nghe điều ác, là vua của mình mới thờ, là dân của mình mới khiến. Sử Ngư là điển hình của “trực thần”, vì Linh công không nghe lời trung của ông, nên trước lúc lâm chung có để lại di chúc, không cho người nhà làm tang lễ ở chính đường, cuối cùng thì dùng cách, lấy thi thể để khuyên, Vệ Linh công đã phải sửa chữa sai lầm. Vì vậy Khổng Tử nói: Chính trực thay, Sử Ngư! Đất nước có đạo, Sử Ngư thẳng như mũi tên, đất nước vô đạo, Sử Ngư vẫn thẳng như mũi tên. Mạnh Tử nói: Nghe theo phong cách Bá Di thì kẻ tham cũng thành liêm, kẻ đớn hèn cũng biết lập chí.
(2) Lỗ Tấn: “Quan hệ giữa phong độ và văn chương Nguỵ Tám, giữa thuốc và rượu” (Tác giả).