MỘT QUYẾT ĐỊNH CỦA MẸ TÔI Ngay đầu năm tôi học trường Bưởi, mẹ tôi đã có một quyết định, khiến đời tôi sau theo một hướng mà chính người và các bác tôi không ai có thể ngờ được. Ngày nay càng nghĩ lại tôi càng thấy công lớn của người và càng không hiểu đã có cái gì xui khiến người nảy ra quyết định đó. Thời đó (1927-1931) cổ học ở nước nhà (mà ở Trung Quốc cũng vậy) cực suy. Các nhà Nho trong nhóm Nam Phong như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc... tự lãnh cái việc “bàn giao” cổ học cho phái tân học (dịch và giới thiệu văn học, triết học Trung Quốc và Việt Nam) đã cố gắng nhiều nhưng các cụ tuổi cao, sức giảm, mà tờ Nam Phong không thọ thêm được bao năm nữa. Trần Trọng Kim cũng nhận rằng “nhà cổ học… đã đổ bẹp xuống”, mà “người trong nước đang háo hức về sự bỏ cũ theo mới, không ai nghĩ đến nó nữa”, nên ông rán “vẽ lại bản đồ Nho giáo... để giữ lấy cái di tích” (bài Tựa bộ Nho giáo xuất bản lần đầu vào năm 1929 hay 1930). Ông là người nửa tân nửa cựu (hồi nhỏ được học chữ Hán khá lâu), tiếp tục công việc bàn giao của các nhà cổ học trong phái Nam Phong, mà công trình của ông có giá trị lớn, các nhà cựu học không ai hơn được. Tôi nhớ, một buổi chiều đầu mùa hè, trong một giờ toán, thầy Quỳ, cầm cuốn Nho giáo (thượng?) đưa lên cao, giới thiệu với chúng tôi và bảo đại ý rằng: “Học một ngàn quyển không bằng viết được một quyển như quyển này. Nhớ nhiều bao nhiêu cũng không bằng sáng tác được một chút thôi”[1]. Tình hình cổ học như vậy mà hè năm 1928 (tức hè cuối năm thứ nhất của tôi ở trường Bưởi), mẹ tôi xin bác Hai cho tôi về Phương Khê ở trong dịp hè để học chữNho “mà sau này đọc được gia phả bên nội bên ngoại, chứ không lẽ con cháu nhà Nho mà không biết gốc gác ông bà”. Muốn cho con cháu biết gốc gác ông bà thì bác tôi chỉ cần dịch hoặc viết lại gia phả ra chữ Quốc ngữ, cần gì phải học chữ Hán. Thâm ý của mẹ tôi là muốn cho tôi biết đạo Nho, giữ được truyền thống nhà Nho chăng? Vậy là từ đó, trong hai mùa hè liên tiếp, tôi về Phương Khê hai tháng, trước kia chỉ về chơi một tuần hay nửa tháng. CON ĐƯỜNG HÀ NỘI – SƠN TÂY Lúc này ở Bắc đã có xe hơi đưa khách trên hai đường Hà Nội – Hà Đông, và Hà Nội – Sơn Tây. Sau mới có thêm những đường Hà Nội đi Bắc Ninh, đi Nam Định, đi Vĩnh Yên, Phúc Yên… Xe đi Hà Nội – Sơn Tây – phủ Quảng Oai – Trung Hà của hãng Mỹ Lâm. Tiền xe mới đầu tôi nhớ đâu như năm hào đi Sơn Tây (40 cây số) sau hạ xuống còn ba hào. Đi xe hơi vừa rẻ vừa tiện hơn đi xe kéo nhiều, sáng đi thì chiều tới quê tôi rồi, không phải tìm nhà quen nghỉ đêm tại Sơn Tây như trước; nhưng tôi vẫn nhớ nỗi mệt nhọc mà vui thời đi xe kéo, nhớ những buổi sáng gió hiu hiu, ngồi xe nhìn những hàng nhãn đã có trái bên lề đường, những cảnh họp chợ ở xa xa trong xóm dưới gốc đa cách đường lộ năm sáu trăm thước, những con đường đất đỏ ở giữa cánh đồng lúa xanh đưa vào cổng làng bằng gạch quét vôi trắng nổi bật giữa một lùm tre, những con ngựa đá đứng trơ trơ trước một cái lăng của một vị đại thần nào đó – nghe nói những con ngựa đó đã qua sông, nghĩa là con sông (sông nào tôi không biết) xưa chảy trước mặt nó, sau đổi dòng, chảy qua sau lưng – tôi nhớ những quán lá bên đường dưới gốc một cây muỗm hay gạo ở Nhổn, ở Phùng, và khi thấy những đồi thông xa xa, những hàng mít thân đầy trái ở bên đường thì tôi mừng rơm: đã sắp đến Sơn Tây, sắp hết cái cực hình ngồi chen chúc suốt bảy tám giờ trong một chiếc xe bánh sắt lắc lư dưới nắng. Một lần đã xế chiều, trời âm u muốn mưa, anh em tôi tới một trạm nào đó, phải đổi xe - vì đường xa phải đi từng chặng - mà chỉ kiếm được mỗi một chiếc do một người đàn bà nhà quê kéo thay cho chồng đang đau. Thấy vậy, lòng tôi bất nhẫn, nhưng không có cách nào khác, và ngồi xe tôi thương hại cho chị ta quá, chỉ mong mau tới trạm sau để đổi xe. Cảnh đó có lẽ chưa thương tâm bằng cảnh đàn bà phải làm trâu kéo cày mà tôi được nghe nói chứ chưa thấy. LỚP HỌC CỦA BÁC TÔI Bác tôi năm đó còn làm thầy đồ, sáng nào cũng dạy khoảng hai chục học trò từ lớn tới nhỏ. Người lớn nhất hăm lăm hăm sáu tuổi, đã có vợ, đi học thì chít khăn, mặc áo the dài nhưng chân đất, tới nghe bác tôi giảng nghĩa sách thuốc cho. Bác tôi không làm ông lang, không tiếp bệnh nhân, cho nên không dạy thực hành: “vọng, văn, vấn, thiết”, mà cũng không dạy cách ra toa, gia giảm ra sao tùy trường hợp. Người đó đem một pho sách thuốc lại đọc, chỗ nào không vỡ nghĩa thì hỏi bác tôi, thế thôi. Học như vậy thì khó đoán bệnh, trị bệnh được. Nhiều nhà Nho học thuốc cách đó, rồi khi hành nghề thì nghề lại dạy nghề. Có dăm sáu học trò non hai chục tuổi, phần nhiều ở làng khác đi ba bốn cây số lại học; họ học kinh Thi, kinh Lễ, hoặc Bắc sử... Những trò nhỏ tuổi hơn học Mạnh tử, Luận ngữ... nhỏ nhất học Tam tự kinh. Họ tới rất sớm, chia nhau người quét sân, lau bộ phản ở giữa mái hiên, người đun nước, mài nghiên son. Khi bác tôi bắt đầu dạy thì bọn lớn đưa bài họ đã chép ở nhà cho bác tôi chấm câu, trong khi họ đứng bên trả bài hôm trước, xong rồi, bác tôi mới giảng bài mới cho, có khi cho họ tập làm câu đối ngăn ngắn. Không ai đủ sức để học làm thơ, làm phú. Họ chỉ cốt học được, viết được một văn tự bán nhà bán ruộng và kí tên để sau làm tổng lí. Những học trò nhỏ thì bác tôi phải viết chữ son cho chúng tô; còn dạy chữ thì giao cho học trò lớn đảm nhiệm, bác tôi chỉ kiểm soát lại thôi. Hai chục học trò mà có tới bốn năm trình độ, có một số ít học cùng một sách như Luận ngữ hay Mạnh tử, nhưng không cùng bài, người thiên trước, người thiên sau. Dạy như vậy khoảng ba bốn giờ mới xong, vừa kịp buổi cơm sáng, trong ba giờ đó không được nghỉ, trừ phi có khách tới. Cuối cuốn Nhà giáo họ Khổng (Cảo Thơm - 1973), tôi đã tả không khi vừa nghiêm, vừa thân mật trong lớp học của người. TÔI HỌC CHỮ HÁN VÀ DẠO ĐỒNG QUÊ Dạy cho họ xong rồi, buổi chiều bác tôi mới dạy cho tôi. Hồi nhỏ tôi đã được học chữ Hán khoảng một năm rưỡi; bảy tám chín năm sau vào trường Bưởi, mỗi tuần được học chữ Hán một giờ, nên đã biết một số chữ. Năm đầu (1928), bác tôi cho tôi học bộ Ấu học Hán tự tân thư, cuốn thứ tư (cuối) rồi năm sau cho học bộ Việt sử, chắc cũng trong loại “tân thư” nữa. Công việc của tôi là chép lại vào một tập giấy Tây, bằng bút sắt và mực Tây[2], bài học trong sách, rồi bác tôi giảng nghĩa cho. Tôi chỉ cốt học để “đọc được gia phả”, không làm văn, thơ, nên không cần học thuộc lòng, không cần biết cách đặt câu, chỉ nhớ mặt chữ, hiểu nghĩa là được rồi. Bài đầu, bác tôi cho tôi học độ bảy chục chữ về đạo tu thân; rồi lần lần bài dài hơn, hai tháng sau, cuối vụ hè, tôi đã học những bài từ hai trăm tới ba trăm chữ. Mỗi bài bác tôi giảng cho chừng hai chục chữ trở lại, có những chữ tôi biết rồi nhưng cũng giảng thêm. Mỗi chữ, tôi học những nghĩa thông thường của nó và những từ ngữ mà nó là thành phần. Chẳng hạn trong bài đầu có chữ 清 thanh là trong (nghĩa này tôi biết rồi), bác tôi giảng thêm thanh còn nghĩa là xong, như sự thanh là việc xong rồi, và chỉ cho tôi những từ ngữ: thanh bạch, thanh bình, thanh tĩnh, thanh minh, thanh khiết, hoàng các thanh phong. Vậy là do chữ thanh tôi biết thêm được năm sáu chữ khác. Mỗi ngày bác tôi bỏ ra độ một giờ riêng cho tôi. Tôi không phải học thuộc lòng, cũng không phải phiên âm, dịch ra Việt ngữ, chỉ cần nhớ mặt chữ và nghĩa thôi, như đã nói ở trên. Tôi còn giữ tập chữ Hán năm đó, tất cả được 61 bài. Bài cuối có câu: “Người đi học ngày nay nên mài bỏ hai chữ “khoa cử” đi, phóng mắt nhìn đại dương tìm bờ bến, đừng nhận lầm lưng cá là bờ”. Vậy bộ đó do một số nhà cựu học tiến bộ soạn sau phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1960, đọc lại tôi thấy đã quên một số chữ như thủy mẫu là con sứa, và tôi ngạc nhiên rằng: du thuyết, thuyết khách chính ra phải đọc là du thuế, thuế khách. Nhưng tôi tiếc bác tôi không có học Tây, không giảng cho tôi cách cấu tạo từ nguyên của một số chữ, và cho tôi biết khi nào thì đọc là thuyết (khi là danh từ), khi nào đọc là thuế (khi là động từ)[3]. Mà chẳng riêng bác tôi, tất cả các nhà Nho thời trước, cả thầy Thẩm Quỳnh dạy trường Bưởi, có chút tân học, đều vậy hết. Nhất là cách dùng các hư tự: chi, hồ, giả, dã... thì không cụ nào giảng cả, để cho học sinh học nhiều, thấm lần rồi tự hiểu lấy. Những bài luân lí trong tập “Ấu học” đó không có gì hấp dẫn, nhưng thường trích những câu của Khổng, Mạnh, như bài đầu, có câu: “Khổng tử viết: Thanh tư trạc anh, trọc tư trạc túc” (Khổng tử nói: Nước trong thì người ta dùng để giặt dải mũ; nước đục thì người ta dùng để rửa chân); lại thêm thỉnh thoảng bác tôi cũng cao hứng đọc cho tôi chép một vài câu thơ như: “Nhất kị hồng trần Phi tử tiếu, vô nhân chi thị lệ chi lai”[4], tả nỗi mừng của Dương Quí Phi khi thấy trong đám bụi đỏ một người phi ngựa chở trái vải ở Quảng Đông về kinh cho nàng. Nhờ vậy tôi biết được chút ít về cổ học. Thời đó tôi ham biết văn thơ Trung Quốc, nghe những tên như Văn tâm điêu long, Chiêu minh văn tuyển, Tiền Xích bích phú, Qui khứ lai từ là trong lòng vang lên một điệu trầm trầm như nhớ nhung cái gì, nhưng khi gợi ý với bác tôi thì người gạt đi: “Cháu học tiếng Tây mà muốn biết những cái đó làm gì? Phải tốn công mười năm đèn sách mới hiểu được, mà cái học Nho bây giờ đã thành vô dụng rồi. Thím Tư (tức mẹ tôi) muốn cho cháu về đây học bác để sau này đọc được gia phả bên nội bên ngoại. Bác nghĩ vậy là phải, còn văn thơ cổ nhân thì thôi. Để sức mà tìm hiểu khoa học, cháu”. Đó là tâm trạng chung các nhà nho thời đó; các cụ thấy cái hại của thứ văn chương “tám vế”, thấy tụi “bạch quỉ” chiếm được nước mình chỉ nhờ tàu chiến của họ mạnh, súng ống của họ tốt, nên chỉ muốn cho con cháu chuyên học kĩ thuật của phương Tây để sau này vượt họ, đập lại họ như Nhật Bản năm 1905. Các cụ “mài bỏ” hai chữ khoa cử rồi, muốn tẩy xoá luôn cả văn thơ Trung Quốc. Học chữ Hán chơi bời như tôi thời đó thì mỗi ngày chỉ mất độ hai giờ, kể cả công chép bài. Nhớ được chữ nào thì nhớ, bác tôi không ép. Cho nên tôi rãnh lắm: đọc tiểu thuyết Pháp, ra cổng xóm ngắm núi Tản, vào chơi nhà một người trong họ, xay lúa, giã gạo giúp anh em trong nhà, và gần như chiều nào, ăn cơm xong cũng theo bác ra đồng thăm lúa, hóng gió, lâu lâu đi chơi chợ Vân Sa, chợ Mơ (chợ làng Thanh Mai) chỉ để mua mấy chục tờ giấy bản, hoặc một gói nhân đơn (thuốc tiêu), một ve dầu bạc hà. Bác tôi thích dắt tôi đi thăm các ngôi mộ kết, như mộ tổ họ Phùng ở làng tôi, mộ tổ cụ Lê Anh Tuấn ở Thanh Mai, mộ tổ họ tôi ở Phú Xuyên…, chỉ cho tôi tay long, tay hổ, thế nào là tàng phong, tụ thuỷ, đâu là án, đâu là minh đường… Tôi không mấy tin, không sao nhận định được long mạch, nhưng cũng “dạ, dạ”; mà bác tôi cũng chẳng cần biết tôi hiểu hay không, miễn có người nghe là đủ rồi. Bác tôi mến tôi nhất trong số mấy anh em trong nhà, đi đâu cũng gọi tôi theo. Một phần vì tôi lanh lợi hơn cả, một phần vì biết số tôi sau này khá hơn cả, nhưng một phần có lẽ cũng vì tôi có tính khẳng khái. Đây là chuyện cũ. Hồi tôi học lớp nhì, về ăn Tết ở quê. Năm đó em trai tôi cũng ở Phương Khê vì mẹ tôi nhờ bác tôi răn đe nó; nó ham đi chơi quá, sợ sẽ lêu lổng. Nó khoảng mười tuổi, hôm mùng ba hay mùng bốn Tết, gây lộn với một đứa cháu họ trước mặt bác tôi và vài người trong họ. Thấy em tôi bị thằng cháu ăn hiếp mà người lớn không ai can, tôi nổi dóa, xông vào đấm cho thằng đó một cú mạnh, mắng: “Cháu mà dám đánh chú hả?”, rồi quay lại bảo em tôi: “Cứ đánh nó đi, đừng sợ. Về Hà Nội mách mẹ, không thèm ở đây nữa”. Nói xong, tôi chạy băng ra cổng, ra đồng. Một người lớn đuổi theo ba bốn trăm thước, hụt hơi mới bắt tôi được. Tôi hầm hầm đi về, không nói gì cả, định bụng sáng hôm sau sẽ dắt em tôi xuống Hà Nội. Thái độ là thái độ phản kháng bác, mà bác cũng như cha. Vậy mà bác trai, bác gái tôi không nói gì cả, coi như không có việc gì xảy ra. Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi nguôi rồi, không trốn về Hà Nội nữa. Tôi không nhớ sau tôi có kể lại vụ đó cho mẹ tôi nghe vụ đó không, nhưng gần tới nghỉ hè, mẹ tôi xin bác tôi cho em tôi về Hà Nội. Cũng vào vụ Tết năm sau hay năm sau nữa, bác tôi cho tôi một đồng bạc trắng để mua sách vở. Tôi nhất định không lấy, vì “con có đủ tiền rồi”, bác tôi đặt vào tay tôi, tôi cũng đặt lại xuống giường, trước mặt nhiều người trong nhà, trong họ. Bác tôi khen: “Thằng này có hùng tâm”, hai tiếng đó tôi mới được nghe lần đầu và nhớ hoài. Tính không ham tiền của tôi đã có từ hồi đó, và suốt đời, dù gặp cảnh nghèo túng, tôi cũng không bao giờ mượn tiền của ai, cũng không nhận tiền của bạn bè tự ý giúp đỡ. Con trai tôi bây giờ giữ được đức đó mà bà ngoại tôi di truyền lại. Hai vụ đó cả họ ai cũng biết, nên về quê tôi được nhiều người nể, nhất là khi tôi đậu tiểu học (hồi đó đậu tiểu học cũng như hồi xưa đậu khóa sinh) rồi vô trường Bưởi. Bác tôi biết tôi nóng tính nhưng thẳng thắn, lễ phép, mau hiểu, nên hay khuyên bảo tôi. Tôi đã chép lại trong cuốn Tổ chức gia đình lời người khuyên tôi khi hai bác cháu ở trên gò có ngôi mộ tổ cụ Lê Anh Tuấn (cả ngôi mộ cụ Lê Anh Tuấn nữa) bước xuống: “Bác đã vào thăm nhà thờ họ Lê ở Thanh Mai. Nghĩ cảnh thanh bạch của cổ nhân mà đáng phục. Ông Lê Anh Tuấn làm Tham tụng (như tể tướng) mà rất nghèo, suốt đời ki cóp, cất được mỗi ngôi nhà ngói, hiện nay dùng làm nhà thờ họ Lê. Nhà đó chỉ nhỏ bằng nửa nhà mình. Cụ Cúc Hiên (tức Lê Đình Duyên), thầy học của ông nội, cũng đậu tiến sĩ, làm đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám mà cũng nghèo như vậy. Cháu đã có dịp vào thăm nhà thờ cụ ở làng Hạ Đình, có thấy chạnh lòng không? Cụ nghè làng Vẽ mà bác gọi là ông chú, còn bần hàn hơn; khi đã khoa bảng rồi mà ở một căn nhà tranh mái giột tường xiêu, mỗi bữa cơm chỉ có dăm con tép và bát rau muống. Chúng mình tài đức không bằng các cụ mà ở nhà ngói, cơm thường có thịt có cá, nhiều khi bác nghĩ cũng tự lấy làm thẹn. Đức giản dị, thanh bạch của cổ nhân, chúng ta đã đánh mất đi nhiều rồi. “Số cháu sau này sẽ khá vì có Thiên phủ, Lộc tồn ở Thiên di, bác ngại cho cháu dễ mắc bẫy xa hoa mà lương tâm tán tận, nên bác khuyên cháu noi gương cổ nhân, và nhớ lời này: “Đời sống vật chất thì nên dưới mực trung, còn đời sống tinh thần thì nên trên mức ấy”. Lời khuyên ấy tôi nhớ hoài, hồi tôi dạy học ở Long Xuyên, năm 1951-1952, đem ra khuyên lại học trò, và mới năm ngoái, một người trong số học trò đó, đã 46, 47 tuổi, lại thăm tôi, bảo không bao giờ quên được bài học ấy. Tôi rất mừng, thế là bác tôi vẫn còn sống trong tâm hồn tôi, tâm hồn học trò tôi, mặc dù người đã trở về với cát bụi hơn 45 năm rồi. GIA ĐÌNH BÁC TÔI Không, cái đức giản dị, thanh bạch của cổ nhân, người không hề đánh mất chút nào cả, suốt đời giữ được trọn. Thân hình mảnh khảnh, thấp, trán rộng và cao. Vẻ mặt nghiêm, nhưng tính tình thì khoan, lúc vui thường nói đùa nữa. Ở nhà bận một bộ áo cánh bằng vải tám, thô, dày, khuy cài bên trái theo kiểu xưa, chứ không ở giữa ngực; đi dạy học thì chít thêm cái khăn lượt, khoác thêm chiếc áo dài vải thâm; khi nào xuống Hà Nội - trong 13 năm tôi chỉ thấy ba lần: lần cha tôi mất, lần bà ngoại tôi mất, và lần thay mặt bác Ba đi điếu cụ Lương văn Can - người mới bận chiếc áo the duy nhất của người, có lẽ may từ khi cưới vợ và tới khi mất vẫn còn. Bác gái tôi cũng như mẹ tôi, là con dòng thứ của một cụ phủ, mồ côi cha sớm, ở với anh làm chánh tổng, người mảnh khảnh, trắng trẻo, hoạt bát, môi mỏng, chỉ lo việc nhà chứ không tháo vát, cương trực như mẹ tôi; biết sợ chồng, cưng con, và đối với tôi rất tốt. Sống cũng giản dị, ở nhà thì mặc toàn áo vải thô nhuộm nâu, đi đâu xa mới bận chiếc áo the cũng duy nhất, may từ hồi cưới. Rất ít giao thiệp, ở trong làng không hề lại nhà ai chơi. Cả hai bác tôi đều là hạng người cần kiệm, trì thủ, khéo giữ tổ nghiệp, khuếch trương được một chút, chứ không gây được cơ đồ. Có bốn người con trai, về già mới thêm một con gái út. Không một người nào thông minh, chỉ có người thứ nhì, kém tôi một tuổi, học tạm được, đậu tiểu học Pháp Việt, làm hương sư trong làng, còn ba người kia học chữ Hán cả chục năm mà không đọc nổi một bức thư, chữ Quốc ngữ thì viết sai nhiều. Bác tôi hình như có đi thi Hương một lần, rớt rồi bỏ luôn. Văn thơ chắc không hay, thực thà chứ không tài hoa. Cũng như hầu hết các nhà Nho, người nhờ sách, nhưng đọc ít vì không có sách để đọc. Trong bài Kỉ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn, cuốn Mười câu chuyện văn chương (1975) tôi đã nói bác tôi chỉ có hai cái “cặp” sách gồm sáu bảy chục cuốn: Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, tự điển Khang Hi, Đường thi, Tình sử, Văn tâm điêu long, Liêu trai..., ít cuốn truyện nôm: Kiều, Hoa Tiên.... ít sách thuốc, tử vi, địa lí, bói… Vậy mà đã vào hạng có nhiều sách nhất trong tổng. Suốt đời, người chỉ đọc đi đọc lại mấy chục cuốn đó. Tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu người cũng có đọc, nhưng trong nhà không có. Nhờ biết chữ Quốc ngữ, làm được bốn phép toán, cho nên sau khi ông nội tôi qui tiên, người làm tổng sư, dạy chữ Nho và Quốc ngữ cho trẻ trong tổng (cả tổng chỉ có một trường). Khi trường đó dẹp rồi, người về nhà làm thầy đồ mười mấy năm, mãi đến gần năm chục tuổi mới làm hương sư trong làng, lương 10 đồng một tháng do làng trả. Làm thầy đồ, tuy cả tổng đều biết tiếng, nhưng lộc không được bao nhiêu: ngày giỗ, ngày Tết, cha mẹ học trò biếu một thúng gạo hay một con gà, một bánh chè mạn, một cân đường, một hai trái bưởi... Đôi khi người cũng ra toa cho một bệnh nhân, lấy số tử vi cho một đứa nhỏ, làm giùm một đôi câu đối cho bà con, nhưng toàn là vị tình hay để tiêu khiển cả. Nhờ có vườn ruộng ông bà tôi để lại, nên người tạm đủ sống. Cái vui của người là được khắp tổng trọng vọng, ngay đến quan phủ và quan huấn đạo cũng nể. Cuối cuốn Nhà giáo họ Khổng (Cảo thơm – 1973) tôi đã tả không khi vừa trang nghiêm vừa thân mật trong lớp học của người. Gia đình bác tôi sống cực kì thanh đạm, mà cũng không thể khác được, vì nghèo. Mỗi ngày chỉ ăn hai bữa, bữa sáng vào khoảng 10 giờ, bữa chiều vào khoảng 4, 5 giờ. “Tứ thời rau muống, tứ thời tương”. Rau muống nhà trồng mà tương cũng nhà làm. Đổi bữa thì tùy mùa, có cà, đậu, rau lang... Thỉnh thoảng mới mua vài bìa đậu phụ của một người bán dạo. Lâu lâu bữa cơm mới có vài con tép (tôi không bao giờ thấy có cá lớn như cá chép, cá quả...), một hai cái trứng gà chiên, một dĩa thịt kho. Chỉ những ngày giỗ mới có thịt gà và xôi vò. Bác tôi bao giờ cũng nuôi sẵn một hai con gà trống thiến “nhồi” ngô cho mập để cúng tổ tiên. Tết năm nào mẹ tôi cũng gởi về bóng, mực, nấm hương, hồ tiêu, mộc nhĩ, tôm he, măng khô... cho nên trên bàn thờ có được vài món đồ nấu. Nhưng chính bác trai tôi phải nấu lấy vì bác gái quê mùa, không biết. Tóm lại, lối sống y hệt lối sống nông dân, chỉ khác chúng tôi không phải ăn độn, ngày Tết được ăn cỗ có đồ nấu. Có điểm này đáng ghi: quanh năm bác tôi bận một bộ áo cánh bằng thứ vải thô như quần áo nông dân; dù cũ, màu trắng ngả ra màu cháo lòng thì cũng mặc cho tới rách, nhưng không khi nào nhuộm nâu. Hình như trong nhà không bao giờ dùng xà bông. Có lẽ bận đồ trắng như vậy để tỏ rằng bác tôi thuộc giới biết chữ, làm thầy, chứ không thuộc giới chân lấm tay bùn. Nhưng có khi bác tôi không cần giữ thể diện. Tôi còn nhớ, tháng sáu hay tháng bảy âm lịch, những ngày mưa lớn, châu chấu (trong Nam gọi là cào cào) ướt cánh, đậu trên ngọn lúa, bám vào thân lúa, rất dễ bắt; mấy anh em chúng tôi xách một cái giỏ đi bắt ngay trên mấy thửa ruộng của nhà trước cống xóm. Đứa nào đứa nấy ở trần, chỉ bận chiếc quần, dò dò theo bờ ruộng, “chộp” độ nửa giờ được vài trăm con, đem về vặt càng, cánh đi, cho vào một cái chảo đất, chiên với nước muối cà, ít mỡ và ít hành, ăn rất ngon: bùi, béo. Có đêm chúng tôi vác đuốc ra đồng vồ ếch, bác tôi dẫn dầu, vồ được chủ nào là cười vang cả cảnh đồng. Được độ mươi con thì về. Sáng hôm sau bác gái tôi làm món ếch xáo măng, ngon tuyệt. Ếch, bác tôi gọi là gà đồng, có lẽ vì thịt nó trắng, ngọt như thịt gà chăng? Nhờ những buổi bắt châu chấu, bắt ếch rất vui đó, chúng tôi có thêm được chút protéine; vì dân quê Bắc, Trung từ xưa tới nay, thời nào cũng thiếu protéine, lúc nào cũng thèm thịt. Đọc cuốn Việc làng của Ngô Tất Tố, chúng ta thấy dân quê ganh tị nhau từng miếng thịt mỏng dính, dài hai đốt tay, chúng ta không nên khinh họ mà nên thương hại họ. Nhiều vụ đánh nhau, gây thương tích, kiện nhau ở phủ huyện, nguyên do là tại chia thịt không đều. Những câu tục ngữ như “Một miếng ở làng bằng một sàng xó bếp”, những tục khao vọng, việc chẳng quan trọng gì như được lên lão, mua được chức nhiêu, xã, đậu bằng sơ học (hết lớp ba), cũng đặt ra ăn uống linh đình, mời hương chức và bà con tới dự, không có tiền thì bán ruộng, cầm vườn đi, nếu không thì bị làng chê cười, không công nhận địa vị, chức vị, bằng cấp của mình; rồi như thói nhớ ngày giỗ của bà con, hàng xóm còn hơn ngày giỗ nhà mình để lại làm giúp mà được mời ăn; thói đâu động đũa động bát là bu lại; ăn uống no say rồi còn đem phần về nhà nữa: một cục xôi, vài miếng thịt mỏng gói trong cái lá chuối; tất cả những hủ tục mà nhóm Tự Lực văn đoàn và Ngô Tất Tố chế giễu tàn nhẫn, truy nguyên tới cùng thì một phần lớn chỉ tại dân quê thiếu thịt, thiếu protéin. Trong Nam dân quê không quá nghèo, vài chục năm trước có rất nhiều tôm cá, rùa, chim... nên không thèm thịt như dân quê Bắc, Trung, không có những tục, những thói xấu kể trên. Nay đã khác rồi: từ ngày Giải phóng, cán bộ ngoài Bắc đem vô đây thói mỗi chút mỗi “liên hoan”, họp nhau ăn uống, chắc cũng chỉ vì họ thiếu protéin. Nghe nói ở Bắc có nơi chỉ đặt một trạm bơm nước vô ruộng mà từ khi dự định tới khi hoàn thành, mổ hết 100 con heo. Một điềm đặc biệt này nữa là bác tôi không hề dự việc làng, không có một chức vị gì trong làng, không bao giờ ra họp ở đình, không hưởng một chút quyền lợi gì - như phần công điền được chia - mặc dầu đóng đủ thuế điền thổ và thuế thân cho làng. Như vậy là tự đặt mình lên trên các hương chức; nhưng vì gia đình nào trong làng cũng có một hai đời học ông nội tôi hoặc bác tôi, hương chức nào cũng là học trò cũ của bác tôi, nên người làng cho như vậy là tự nhiên; có một vài người thấy chướng, nhưng không nói gì, vì biết mình lẻ loi. Bác tôi còn sống thì gia đình được yên; người mất rồi, vì bốn người con không ai khá, bị người làng khinh thị, chèn ép, mới sinh ra nhiều chuyện, mà nhà cửa suy rất mau. Điểm này, sau tôi sẽ trở lại. Bây giờ tôi hãy kể qua tình cảnh nông dân, tức toàn thể các gia đình khác trong làng, mục đích chỉ để ghi lại vài nét về xã hội Việt Nam trong thời đại nông nghiệp.
[1] Mãi năm năm sau, đi làm có tiền, tôi mới mua được bộ đó trong một tiệm tạp hoá ở Bạc Liêu.[2] Giấy Tây: loại giấy manh, không có gạch hàng. Mực Tây: mực ngâm nước, không phải mài như mực Tàu (theo Nam Sơn Trần Văn Chi, Một thời để nhớ, DatViet.com). (Goldfish).[3] Có sách bảo cách phân biệt như vậy chỉ có từ đời Đường. Thời cổ danh từ và độnh từ đọc như nhau hết.[4] Trích trong bài Quá Hoa thanh cung của Đỗ Mục. Tương Như dịch là: “Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cười nụ/ Vải tiến mang về, ai biết đâu”. (Goldfish).
[1] Mãi năm năm sau, đi làm có tiền, tôi mới mua được bộ đó trong một tiệm tạp hoá ở Bạc Liêu.[2] Giấy Tây: loại giấy manh, không có gạch hàng. Mực Tây: mực ngâm nước, không phải mài như mực Tàu (theo Nam Sơn Trần Văn Chi, Một thời để nhớ, DatViet.com). (Goldfish).[3] Có sách bảo cách phân biệt như vậy chỉ có từ đời Đường. Thời cổ danh từ và độnh từ đọc như nhau hết.[4] Trích trong bài Quá Hoa thanh cung của Đỗ Mục. Tương Như dịch là: “Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cười nụ/ Vải tiến mang về, ai biết đâu”. (Goldfish).