-- I --


-- IX --

     iệp Quận công Hoàng Ngũ Phúc và Thái giám Phạm Huy Định, sau khi đã giết xong Thái tử Lê Duy Vỹ, Vũ Bá Cảnh và Nguyễn Lệ liền cùng về “Súy phủ” phục mệnh.
Tĩnh Đô vương ngự trên sảnh đường, lắng nghe hai người trình thuật xong mọi việc liền cười ha hả:
- Kẻ nào thuận với ta thì sống, kẻ nào nghịch với ta thì phải chết!... Tiểu hoàng môn đâu, hãy lấy rượu ra đây để ta thưởng Việp Quận công và Phạm thái giám mỗi người một cốc!
Phạm Huy Định chắp tay nói:
- Khải Chúa thượng, tiểu thần có một điều muốn nói, chỉ e Chúa thượng không cho phép.
- Đừng nói một điều, ngay là mười điều, cho phép hiền khanh cứ nói ta nghe!
- Khải Chúa thượng, Lê Duy Vỹ tuy đã chết rồi mà họ Lê vẫn tại vị. Một khi còn vua, lại có chúa, sự tranh giành, sự âm mưu khuynh phúc sẽ chẳng bao giờ dứt. Hạ thần lấy làm lo về chỗ ấy...
Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc vơ ngay lấy ý kiến của Thái giám:
- Khải Chúa thượng, chính tiểu tướng cũng cùng một ý nghĩ với Phạm thái giám. Tiểu tướng nghĩ rằng Lê với Trịnh cứ xung đột nhau hoài, ấy là một điều không may cho thiên hạ thần dân. Họ Lê thì cứ hết tên này đến tên khác âm mưu phản loạn. Nhà chúa im đi thì trong nước sẽ phân chia bè đảng loạn lạc lung tung. Thẳng tay trừng trị ư? Tiếng ác sẽ quy cả về nhà chúa. Nay, muốn tránh các phiền nhiễu ấy, trong nước chỉ nên có một vua mà thôi. Nghĩa là nhà chúa sẽ trả quyền nhất thống cho nhà Lê hay nhà Lê phải bị tiêu diệt để giang sơn cho nhà chúa. Điều sau này, họ Lê chắc không đời nào chịu. Còn điều trước, nếu nhà chúa ưng thuận chẳng hóa ra bỏ phí cả công phu mấy đời của các đấng Tiên Vương hay sao? Chi bằng, nhân lúc uy danh của Vương thượng đương vang lừng khắp nước, Vương thượng nên chính đế vị, ban chiếu ra hiểu dụ trong ngoài rồi vua tôi mình cùng mưu hạnh phúc thái bình cho trăm họ là hơn cả!
Tĩnh Đô vương gật gù:
- Nhị vị hiền khanh bàn phải lắm và đấy cũng là ý ta. Duy có một điều nên ngại là từ khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa, dựng nên cơ nghiệp đương triều, ơn huệ đối với thần dân trải mấy trăm năm khiến lòng người còn mến phục lắm. Ta vọng động bây giờ, ngộ lòng người không thuận, lại vin vào cớ phù Lê mà sinh biến thì lúc ấy tính sao?
Việp Quận công đáp:
- Khải Chúa thượng, thiên hạ đã bao kẻ nổi loạn với cái danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh” mà rốt cuộc có ăn thua gì! Huống hồ, hùng binh trong tay Chúa thượng hàng bao nhiêu vạn, hổ tướng kể có ngàn viên, lại thêm Chúa thượng là bậc trí dũng kiêm toàn, lo gì những đám giặc cỏ ấy. Gia dĩ, vinh hoa phú quý ở đời này ai chê? Cứ thưởng cho hậu vào, ân uy gồm đủ là thiên hạ trị.
Phạm Huy Định hùa theo:
- Tự cổ Đế vương, ai có đức thì được thiên hạ. Nhà Lê giữ được ngôi báu, hưởng phúc trời bấy lâu đã đủ lắm. Nhà Trịnh có thay nhà Lê, chẳng qua cũng là ứng vào lẽ tuần hoàn tự nhiên.
Trịnh Sâm đắc chí nói:
- Nhị vị hiền khanh nói rất phải, để ta xem...
Tĩnh Đô vương vừa phán dứt lời, bỗng trời đất tối sầm hẳn lại...
Thì ra, một đám mây hiện ra từ phương Đông, đã lặng lẽ lan khắp bầu trời từ lúc nào. Đám mây rất dày, đen đặc như khói, thành ra vầng thái dương bị che kín hẳn. Đương giữa trưa mà như đêm ba mươi Tết, giáp mặt không trông thấy nhau.
Bọn Tiểu hoàng môn vội vàng đánh lửa châm vào các ngọn nến, trong khi một tiếng ồn ào từ xa vẳng vào “Súy phủ” như tiếng một trận phong ba.
Cái hiện tượng xảy ra thực phi thường.
Tĩnh Đô vương mất hẳn sự bình tĩnh, quay hỏi tả hữu:
- Quái! Có nhật thực mà sao tòa “Khâm Thiên Giám” không báo trước?
Trăm quan đáp:
- Khải Chúa thượng, việc này chính là một điều gở thình lình phát sinh, chứ không có dấu hiệu báo trước để “Khâm Thiên Giám” kịp làm bản khải!
Tĩnh Đô vương lo lắng thất thố, bởi Vương chợt nghĩ đến những câu nói cuối cùng của Đông cung Thái tử Lê Duy Vỹ mà Thái giám vừa mật khải lại.
Vương đứng phắt dậy truyền:
- Hoàng lão tướng mau cùng ta vi hành ra xem quang cảnh dân gian xem thế nào!
- Phụng mệnh!
Hai chúa tôi Trịnh Vương lập tức ra khỏi Súy phủ. Nhờ lúc nhập nhoạng, không ai rõ mặt, Trịnh Vương được tự do đi khắp nơi và nghe được nhiều chuyện khiến Vương phải sờn lòng.
Thoạt tiên là câu chuyện của một tên lính Thiết đột hốt hoảng chạy từ ngục đề lĩnh ra cửa Đại Hưng bảo với một tên túc vệ:
- Đức ông Hoàng trừ bị hại rồi!
Hắn nói xong cắm cổ chạy nhưng được mấy bước liền quay lại:
- À này, việc là việc quốc gia bí mật, khôn hồn thì giữ cho kín kẻo lại rụng đầu!
Tên Thiết đột đi khỏi, tên Túc đệ liền vơ ngay lấy mấy bạn đồng ngũ:
- Các bác có rõ chuyện gì không? Đức ông Hoàng trừ bị hại rồi! Ấy việc quốc gia bí mật, các bác giữ cho kín kẻo oan gia đấy!
Thế là, như lửa trên thuốc súng, cái việc quốc gia bí mật chớp mắt đã chạy khắp kinh thành. Dân gian xôn xao một cách lạ. Họ kháo nhau:
- Thảo nào mà có điều gở! Chắc hẳn oan hồn Đức ông hiển linh để báo oán họ Trịnh...
Những câu ấy làm cho Tĩnh Đô vương bồn chồn lo lắng khôn xiết kể. Lại thêm ở các đường phố, cảnh bối rối, hỗn loạn mỗi ngày một tăng.
Các nhà giàu sợ quân gian thừa cơ, vội thét gia nhân đóng cửa ầm ầm và đốt đèn sáng rực.
Bọn gian phi thì túm năm tụm ba, giở trò cướp giật và chòng ghẹo những đàn bà con gái.
Tiếng quát tháo, tiếng kêu gọi, tiếng đồ vật đổ vỡ cứ như trong một cảnh loạn lạc tơi bời.
Tĩnh Đô vương và Việp Quận công đi quanh mấy phố xem biết tình hình rồi vội lộn về “Súy phủ”.
Vương truyền gọi viên Đô đốc cai quản đội lính nội sai và phán:
- Ngươi mau mau điểm quân ra giữ trật tự các phố! Hãy giải tán những cuộc tụ họp! Hãy chém cổ những quân cường đạo đi cho ta!
Viên võ tướng đi rồi, Tĩnh Đô vương hỏi Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Định:
- Điềm gở hiện ra hôm nay khiến dân gian náo loạn, các khanh có cách gì để yên bụng chúng không?
Hoàng Ngũ Phúc đáp:
- Khải Chúa thượng, nhật thực nguyệt thực tuy là những hiện tượng hiếm thấy, mà thực ra vẫn chẳng có gì gở lạ! Xưa nay, nhật thực, nguyệt thực, địa chấn, sơn băng xảy ra kể đã nhiều chứ phải đâu lần này mới thấy mà Chúa thượng quan tâm!
- Dù ta không quan tâm nữa, bụng chúng cũng vẫn cần phải vỗ yên.
Phạm Huy Định nói phứa:
- Cứ mặc chúng rồi tự khắc đâu vào đấy!
Tĩnh Đô vương lắc đầu, vẻ mặt vẫn chưa thôi lo lắng:
- Không được! Việp Quận công hẳn đã nghe rõ dân chúng xôn xao như thế nào? Chúng kháo nhau là oan hồn của Duy Vỹ hiển linh báo oán họ Trịnh đấy!
- Khải Chúa thượng! Dân chúng ngu mê biết gì!
- Ồ, nó lú nhưng chú nó khôn! Biết đâu những kẻ thừa cơ sẽ không nắm lấy dịp này rồi vẽ vời ra để xui giục trăm họ phản đối ta?
Việp Quận công tỏ ý suy nghĩ một lát, đoạn nói:
- Khải Chúa thượng, tiểu tướng nghĩ muốn yên bụng chúng cũng dễ...
Tĩnh Đô vương cả mừng:
- Lão tướng có kế gì hay?
- Khải Chúa thượng, chỉ cần sai một bậc văn thần thảo một tờ cáo thị giảng rõ cái lý sở dĩ nhiên của nhật thực và nguyệt thực, rồi khuyên dân chúng cứ yên nghiệp làm ăn, không nên nghe những kẻ cuồng ngôn vọng ngữ mà mang tội...
- Phải, kế ấy được!
Phạm Huy Định chắp tay thưa:
- Làm thế không bằng lợi dụng ngay cơ hội phao ra rằng cái điềm gở ấy bảo nhà Lê đã suy đồi bạc đức nhiều quá, khiến cho Thượng đế nổi giận và ý muốn có một cuộc dời đổi lớn lao...
Tĩnh Đô vương vỗ tay khen:
- Diệu kế! Chân diệu kế!