Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 8

XV.
Thứ năm 15 tháng 6. 1922
Xem xong ở vùng thành Reims rồi, đến 5 giờ rưỡi chiều thời lên xe lửa đi ra Verdun. Đến nửa đường, ở nơi gọi là Saint-Hilaire, phải đổi xe. 8 giờ rưỡi tối mới đến Verdun, mặt trời chửa lặn hẳn, còn trông rõ phố phường, nhưng thật là tàn phá cả. Cũng có ít nhiều nhà mới dựng lên, nhưng nhà cũ đổ nát còn ngổn ngang cả. Thành Verdun này là một nơi yếu tắc (place forte) trấn mặt Đông nước Pháp, nên trong mấy năm chiến tranh quân Pháp với quân Đức đánh nhau ở đây dữ lắm. Thành ở hai bên bờ sông Meuse, địa thế hiểm yếu, chung quanh những tường lũy, những cửa ô, những hầm, những ụ, kiến trúc kể đã kiên cố, nên trong bốn năm trời quân Đức dùng đến một trăm tám mươi vạn người (180.000) hết sức đánh mà không lấy được. Sự chống giữ thành Verdun này, thế giới cho là một cái đại chiến công đệ nhất trong lịch sử. Chung quanh thành Verdun, cách mấy dặm, lại có một dẫy đồn lũy cũng kiên cố lắm, như đồn Vaux, đồn Douaumont, v.v..., sáng mai sẽ đi xem một lượt. Vùng này đã thành một nơi kỷ niệm về chiến tranh, nên khách du lịch ngoại quốc đến đông lắm. Bọn mình vào nhà trọ tên là Le Coq Hardi, thấy người Pháp ít mà người các nước thật nhiều, nhất là người Anh người Mỹ, v.v... Ăn cơm tối, ngủ đấy rồi sáng mai đi xem thành phố và các đồn các lũy.
Định 10 giờ sáng đến thăm nhà thị sảnh thành Verdun, để tỏ lòng kính phục cái hùng uy của các quân tướng Pháp trong bốn năm đã liều sống chết mà chống giữ thành này, khiến cho quân Đức đến thất bại và Đồng minh được toàn thắng. Vậy sáng dậy sớm đi dạo chơi các phố. Chỉ trông thấy quanh mình nhanh nhản những nhà đổ tường xiêu. Song đã có nhiều phố dựng lên nhà mới, hàng quán la liệt, buôn bán sầm uất. Nhờ có khách du lịch các nơi đến đông, nên thành phố đã có cái cảnh vui vẻ. Xem ra đây là chỗ đóng quân, nên có cái khí vị riêng, cái khí vị nhà quân vậy. Buổi sớm hôm nay trời sáng sủa bảnh bao, nên trông phong cảnh không có vẻ tiêu điều như chiều hôm qua mới đến. Ở Verdun này nghe nói có thứ kẹo ngon có tiếng. Anh em đi chơi đã mệt, bèn vào hàng kẹo mua mỗi người mấy trăm "gam". Ở nơi chiến địa có khác, đến kẹo cũng nặn ra hình súng, đạn, cối xay, đại bác. Ai nấy ăn dăm mười viên "trái phá", rồi trước mười giờ về trọ nghỉ để đi ra nhà thị sảnh.
Nhà thị sảnh này cũng bị tàn phá, nay mới chữa qua lại. Đến nơi có ông thị trưởng ra tiếp ở trong phòng hội đồng. Quan cai trị Eutrope thay mặt các phái viên An Nam nói mấy lời để tỏ lòng cảm phục dân thành này vì sự can đảm chịu nạn trong bấy lâu. Ông thị trưởng trả lời kể cái cảnh khốn nạn của dân Verdun trong bốn năm ròng rã không mấy ngày là không nhận được mấy trăm mấy nghìn quả phá của quân Đức ở tứ phía bắn vào. Đoạn rồi ông đưa cho xem một tấm biển gắn những huy chương của các nước tặng thành Verdun: Bắc đẩu bội tinh của nước Pháp, "mền đay" quân công của nước Anh, nước Nga, nước Ý, nước Nhật, v.v... Khi ra về cái phái viên có để lại mấy trăm quan để quyên vào việc trùng tu thành Verdun.
Ở nhà thị sảnh ra, liền đi ra nơi nghĩa địa Faubourg Pavé ở ngoài thành. Đây có sáu nghìn cái mả những lính tử trận, là những người còn nhận được xác chôn tử tế, chứ phần nhiều thời sau mới nhặt được xương, rời rạc mỗi nơi một mảnh, không còn biết là ai nữa. Số quân Pháp chết trận ở vùng Verdun này có tới 40 vạn người. Phái bộ có thửa một vòng hoa để viếng ở nghĩa địa.
Về ăn cơm trưa ở nhà trọ, rồi lên xe ô tô của công ty Le Bourgeois đi thăm các trận địa và đồn lũy ở quanh thành. Kể thì đến hơn một chục nơi là những nơi xung yếu đánh nhau dữ mấy năm trước, nhưng không thể đi cho khắp được. Vậy chỉ định đi đồn Vaux, đồn Douaumont, và nơi gọi là "Hầm lưỡi lê" (Tranchée des baionnettes) mà thôi. Vả trừ nhà binh học chuyên môn thời xem xét địa thế mới có ích lợi, chứ chúng mình trông chỗ nào cũng như chỗ nào, cũng một cái thảm trạng phá hoại đảo điên như thế, cũng những gò đống hang hốc như thế cả. Mặt đất đứng xa trông lỗ chỗ như một nắm "rong đá" (éponge), mà cứ như thế đến hàng chục cây-lô-mét. Có chỗ trái phá lớn nổ quật đất lên thành một vực sâu, rộng bằng cái hồ cái ao. Mà những nơi ấy trước kia toàn là những làng xóm đông đúc người ở cả. Đến một chỗ người ta chỉ cho chúng tôi nói: "Đây là làng Mỗ; chính chỗ ta đứng đây là nhà thờ làng. Làng này bị bắn dữ quá đến bao nhiêu nhà ở cho chí nhà thờ tan tành hết, và bị vùi lấp hay là bắn ra mấy nghìn mấy trăm thước ngoài xa. Trận xong rồi, tìm không biết làng ở đâu nữa. Mãi mới nhận được chỗ này là nhà thờ, là đoán phỏng chừng như thế, chứ không còn dấu vết gì nữa. Bây giờ chỉ có cây câu rút chôn ở đây, để cho người sau biết đây là làng Mỗ." Xem thế thì biết sự phá hoại dữ là dường nào. Đồn Vaux, đồn Douaumont chắc khi xưa là xây dựng kiên cố lắm, bây giờ cũng chỉ còn đống đất đống gạch lù lù đó thôi, không còn nhận biết ra quy mô một nơi pháo đài đồn lũy gì nữa. Người hướng đạo có thắp nến cho chúng tôi vào xem các hang hầm và đường tụy đạo [1]. Trong đó lắm chỗ quanh co ẩn khuất, kể cũng đã hiểm, nhưng đi ghê quá, có nơi như sắp đổ sụp vào đầu, người ta phải đặt gióng để giữ. Một cái đồn hiểm như thế này, tưởng tượng như cái tổ chuột hay tổ kiến vậy. Thế mà quan quân ở trong này hàng tháng hàng năm, nhiều khi đoạn tuyệt giao thông với đại quân ở phía sau, chung quanh bị vây cả, đạn bắn xuống như mưa, mà đồ ăn hết, nước uống không có, lại bị trái phá nổ chôn sống ở trong hầm không biết bao nhiêu mà kể, cái khổ thật không bút nào mà tả cho được. Ông văn sĩ Henry Bordeaux có làm một quyển sách tả về sự thất thủ đồn Vaux và cái cách quan tư Raynal coi đồn chống lại với quân Đức thế nào. Thật là một vị tướng anh hùng, dẫu sau thế cùng không thể giữ được nữa, bị quân Đức bắt, mà người Đức cũng phải phục, đãi một cách đặc biệt, vẫn để cho đeo gươm. Đồn Vaux này bị quân Đức quân Pháp đánh đi đánh lại mấy lần, bây giờ tan tành không còn gì nữa. Chỉ còn mấy đường tụy đạo, lúc trước đầy những xác người chết hôi thối và những quả phá đạn lựu, có cái chưa nổ, nguy hiểm lắm; gần đây quan binh mới cho sửa dọn để khách du lịch vào xem.
Đồn Douaumont đại khái cũng như thế. Cạnh đồn có một nơi gọi là "Hầm lưỡi lê". Nguyên chỗ này là một đường hầm hố của quân Pháp đóng. Một hôm quân sắp tiến lên để sang chiếm dẫy hầm bên kia của quân Đức, đã cắm lưỡi lê (baionnettes) vào đầu súng, chỉ đợi lệnh là nhẩy lên, chợt có một quả phá cực lớn rơi vào, đánh bật đất lên che kín cả dẫy hầm, cả toán quân đều bị chôn đứng, lưỡi lê hãy còn chô chổ trên mặt đất như một đám chông. Sau quan binh cứ để y nhiên như thế, cho rào lấy để làm kỷ niệm. Một người nhà giàu nước Mỹ tên là Georges E. Rand quyên tiền để xây chung quanh như hình một cái mả cực lớn, đứng ngoài trông vào hãy còn thấy những đầu lưỡi lê trên mặt đất. Người Mỹ này sau khi quyên tiền xây mả được ít lâu thời đi tàu bay bị ngã chết. Ngoài cửa có cái biển đá khắc đề rõ cả như thế.
Cách đấy một ít, có một nơi để xương các quân lính chết trận (ossuaire). Những quân lính chết ở các đồn lũy và trận địa quanh thành Verdun này nhiều quá, sau khi tìm thấy xương tan tác trên mặt đất, dưới hầm hố, không nhận biết là của ai nữa. Vậy phải chia trận địa ra làm mấy khu, đánh số rõ ràng, rồi những xương nhặt được ở khu nào để riêng ra khu ấy, tạm đặt vào mấy chục cái quan quàn một chỗ, để đợi hoặc là thiêu đi, hoặc là xây mả mà chôn lấy. Chỗ quàn này dựng cái nhà xoàng, đặt bàn thờ có ông cố coi, khách thập phương đến quyên tiền nhiều lắm. Bước chân vào chỗ này, thấy thương tâm vô cùng. Phần nhiều những người đến đây là có cha con anh em chết trận ở gần đây cả, nét mặt rầu rầu, giọt châu lã chã, coi thảm quá! Có người bước ra về lại còn lấy cái thiếp danh để lại, gài lên trên áo quan! Chẳng biết người thân của mình có ở trong đống xương này không, và có biết gì nữa không?...
Trời đã chiều bèn quay xe trở về Verdun. Quan binh trong thành có bụng tốt cho người đưa anh em đi xem các đường tụy đạo chạy ngầm quanh lũy thành, như một dẫy phố dưới đất, mà sâu tới mười tám hai mươi thước. Trong cũng rộng như các hầm rượu ở thành Reims, mà có phòng bị kiên cố hơn. Khi nào nguy cấp thì quân lính trong thành ẩn vào đấy mà bắn ra. Người ta có chỉ cho chúng tôi cái buồng quan Thống tướng Pétain thường ở đấy mấy bữa thế quân đương nguy kịch để cầm quân cho tiện. Quan Pétain này là người rất có công to trong trận Verdun, ở đây xem chừng ai cũng kính phục lắm, nói đến ngài thời chỉ gọi trống là "Le Maréchal", nghĩa là "Tướng quân". Xem xong rồi, chúng tôi có ký tên vào quyền sổ kỷ niệm, trong đó có chữ ký của vua quan và khách du lịch các nước nhiều lắm, người Tàu người Nhật ký bằng chữ nho, thật là đủ các thứ người, đủ các thứ chữ.
Về trọ nghỉ được một chút thời vừa đến giờ ra ga, lên xe lửa về Paris. Xe chạy từ 5 giờ 50 phút, mãi đến 10 giờ rưỡi đêm mới tới Kinh đô. Bữa cơm tối ăn ở trên xe lửa. Trong hành khách ngồi cùng toa có hai vợ chồng già ở xa lắm, đến Verdun để nhận mả con, nhưng không tìm thấy, nay lủi thủi về, trông mặt buồn quá! Than ôi! Một phen chiến tranh này đã tổn mất bao nhiêu nước mắt của loài người!...
XVI.
Thứ sáu, 16 tháng 6
Ba ngày vừa rồi thật là đầy đặn. Du lịch thế mới gọi là du lịch. Song nếu ngày nào cũng đi như thế thời nhọc quá. Và mắt trông toàn là cái cảnh điêu tàn thảm đạm cả, trong lòng cũng không thấy vui gì. Người ta thường nói văn minh có hai mặt: một mặt vui vẻ tươi cười, một mặt âu sầu ủ rũ. Cái cảnh rực rỡ ở Kinh đô, chiều chiều hàng mấy trăm ô tô nối đuôi nhau chạy quanh cửa Khải hoàn, cái chạy thẳng vào "Rừng", cái ở "Rừng" đi lại, một bên thời vừng thái dương đỏ ối sắp lặn ở chân trời, ánh sáng chiều còn phản chiếu trên đường dài sơn hắc ín lấp loáng như tấm gương to, một bên thời những lâu đài san sát, nhấp nhô trong đám cây rậm xanh rì, trên mái hãy còn rãi bóng tà dương, dưới nhà đã thấy đèn điện sáng nhoáng, đó là cái mặt vui vẻ của văn minh. Mà cái cảnh buồn rầu của văn minh là cảnh chiến trường mình vừa qua mấy bữa trước đây: lại là cảnh mấy xóm thợ thuyền lam lũ ở ngay chốn Kinh đô này; lại là những bi kịch hằng ngày xẩy ra trong xã hội, đầy rẫy trên báo chương, chồng giết vợ, vợ giết chồng, cha giết con, con giết cha, nhân ngãi giết lẫn nhau, khẩu súng lục liên hầu thành như cái cơ quan [2] tất yếu của xã hội để giải quyết những vấn đề khốn nạn về kinh tế, vì muôn việc ở đây, cho đến việc ái tình nữa, rút lại cũng là một vấn đề kinh tế cả.
Hôm qua đi mệt, sáng nay ngủ kỹ đến mười giờ mới dậy, không đi chơi được đâu cả. Buổi trưa này, hội Đông Pháp Công thương ủy hội" (Comité du Commerce et de l'Industrie de l'Indochine) có mời các phái viên ăn tiệc ở hiệu cao lâu Le Doyen, có quan Thượng thư Sarraut làm chủ toạ. Hội này là họp cả những tay "sù" có quyền lợi to ở bên ta, như các chủ công ty rượu, công ty mỏ, công ty xe lửa, công ty vận tải v.v...
Các phái viên đến dự tiệc hôm nay, quá nửa mặc áo gấm hết: có thế trông mới đẹp. Nhưng mà những ông Tây ăn tiệc bữa này, toàn là những người đã ở qua bên ta cả, đã từng sai khiến người ta cả, còn có lạ gì cái vẻ áo gấm của người Nam Việt mình!... Tiệc xong tất phải có diễn thuyết. Quan Thượng thư đứng lên diễn, đại khái nói về sự giàu có ở bên mình, và tán dương cái công những nhà công thương Pháp giúp cho sự giàu có đó.
Ở cao lâu ra, ông nghị viên Nam kỳ Outrey đưa các phái viên vào Hạ nghị viện xem. Bữa nay nghị viện vắng lắm, các ông nghị lơ thơ có mấy chục ông, còn người xem thì lại ít nữa. Là bởi hôm nay không còn bàn chuyện gì quan hệ. Khi mình đến thời thấy một ông nghị đương diễn thuyết về giá thóc lúa, xem chừng cũng ít người thích nghe. Cho nên anh em ở xem chừng nửa giờ rồi về.
Cả buổi chiều hôm nay là ông nghị Outrey định đưa anh em đi thăm các nhà báo lớn ở Paris, đã có tin trước cho các nhà ấy biết, nên đều có sửa soạn đón tiếp cả.
3 giờ 1/2 đến nhà báo Le Journal. Nhà này to nhất ở Paris; vào trong như một cái lâu đài mênh mông bát ngát, bốn bề rặt những bức vẽ đẹp của các tay danh hoạ đời nay. Nhà báo người ta như thế, chẳng bù với các báo quán của mình! Ngay trong bọn mình đây, cũng có hai ông chủ báo, chứ chẳng vừa! Hai ông "chủ" hôm nay phải một bữa! Đến thăm nhà báo, hai ông là tay làm báo "danh giá" ở nước nhà, tất phải thay mặt anh em mà nói mấy lời chúc mừng bạn "đồng nghiệp" bên quý quốc: ấy mới rầy! Nhưng mà thôi, cũng đành liều quấy quá vài lời cho xong chuyện; mình là dân đàn em, dẫu có sơ suất cũng chẳng ai chấp nào. Vậy hai anh em chia nhau: ông Vĩnh nói ở nhà Le Journal, mình nói ở nhà Le Matin. Hùng biện quá, không nhớ nói những câu gì nữa!
Nhà báo nào cũng có đặt tiệc "sâm banh" để mừng các phái viên, và đưa đi xem các buồng máy.
4 giờ 1/2 đến nhà báo Le Matin, nhà này cũng lớn chẳng kém gì Le Journal. Hai tờ báo này là phổ thông nhất ở nước Pháp, trong dân gian đọc nhiều lắm, mỗi ngày xuất bản có tới mấy trăm vạn số.
5 giờ 1/2 thời đến nhà báo La Liberté. Nhà báo này nhỏ, nhưng chủ bút là ông Aymard, trước làm thầy kiện ở Sài Gòn, nên ông nghị Nam kỳ đưa các anh em đến thăm nhân thể.
Tối đi xem Hội chợ Neuilly ở ngoài thành phố Paris. Những hội chợ này là cuộc mua vui của hạng bình dân nước Pháp, bán hàng có ít mà các trò chơi rất nhiều, thường thường là những trò đánh số, bắn giải, ngựa máy, v.v... Đi chơi những chỗ này dễ nghiệm được cái tâm lý những kẻ thường dân ở đây: xem ra tính ham chơi và nhẹ dạ, tự nhiên, không kiểu sức [3]. Lắm trò tưởng là trò trẻ con, mà người lớn cũng vào chơi, không ngượng ngập gì cả. Anh em vào một nơi đề là "cái nhà xoay": bước chân vào bị quay nhào đi một cái, ngã rúi người xuống. Chơi thế mới sướng! Thế mà các anh các chị xem ra khoái lắm.

°

Thứ bảy, 17 tháng 6. 1922
3 giờ chiều hôm nay đi xem "Nghĩa sĩ từ" ở Nogent sur Marne, cách thành Paris về phía Đông chừng mười cây-lô-mét. Đây là nơi kỷ niệm những quân sĩ An Nam bị tử trận ở Pháp trong hồi chiến tranh vừa rồi. Chỗ này chính là vườn thí nghiệm các cây cỏ thuộc địa; nguyên khi Đấu xảo Thuộc địa ở Marseille năm 1906 có làm một cái nhà gỗ kiểu An Nam để đấu xảo, gọi là "cái nhà Thủ dầu một", xong cuộc Đấu xảo thì nhà ấy đem tự Marseille về đây, dựng ở giữa vườn để làm như một cái phòng thí nghiệm về thực vật học. Kịp đến khi chiến tranh, bộ Thuộc địa định sửa sang lại, làm một nơi để kỷ niệm các quân sĩ Việt Nam đi tòng chinh mà chẳng may bị chết trận ở bên này, giao cho Hội "Đông Pháp Kỷ niệm" (Le Souvenir indochinois) có quan nguyên Học chánh Gourdon đứng đầu trông nom. Bây giờ thời nghiễm nhiên là một cái đền thờ vậy. Dưới trời Tây mà phảng phất có một nơi miếu mạo như bên ta, nhác trông thấy lòng quê luống những bồi hồi. Giá được vài cây đa, cây đề, cây muỗm, cây gạo ở trước sân, hay một lũy tre nữa ở đàng sau thời hệt như ngôi đình bên mình. Hồn tử sĩ ở miền minh mạc [4], ví còn quanh quất đâu đây, tưởng cũng hay đi lại chốn này để mơ màng trước cái hình ảnh tổ quốc ở nơi khách địa cho bớt nỗi thương nước nhớ nhà. Vào đến trong đền thời hương án chỉnh tề, hương hoa ngào ngạt, trướng đối rủ rê. Lại kia bức hoành phi của Hội Khai Trí gửi tặng năm xưa, bốn chữ Hán nét vàng còn chói lọi mà mặt gỗ đã nứt rạn. Thường thường những đồ sơn đồ gỗ của mình đem sang Tây hay nứt như thế, là vì khí trời bên này khô hanh, không ẩm thấp như bên ta, phải dùng thứ gỗ thật khô mới chịu được.
Trong anh em có ông khéo kiếm được một thẻ hương và nhớ mua được bao nến đem tự Paris đi, mỗi bàn thờ thắp mấy nén hương, đốt một cây nến, rồi cúi vái, gọi là tỏ tấm lòng mỗi người thương tiếc kẻ đồng bào.
... Xem hết trong đền xem đến ngoài vườn, có dựng một tấm bia kỷ niệm riêng cho những chiến sĩ theo đạo Gia tô không thờ trong đền, trong lòng vơ vẩn như thế. Mãi đến chiều anh em mới thơ thẩn ra về.
Khi về có rẽ vào rừng Vincennes. Rừng này cũng như rừng Boulogne, là một nơi đi chơi mát của người Paris. Bên ta không có những "rừng chơi" như thế này, chỉ có những "rừng hoang", "rừng rậm"; nói đến rừng là nghĩ ngay đến những nơi ma thiêng nước độc, thú dữ người mường. Rừng bên ta là "rừng nhiệt đới" (forêt tropicale), là tổ hổ beo, là hang sốt rét; tuy cũng là cái kho lâm sản quý báu, nhưng không phải là chỗ sống người, lại quyết không phải là chỗ cho người ngao du. Rừng đây là rừng ôn đới, chẳng qua là cái vườn cái trại lớn, đủ có vẻ sầm tịch [5] cho người ta được hưởng cái thú lâm tuyền, nhưng không sầm tịch quá đến u uất lặng lẽ khiến cho người ta ghê sợ. Chung quanh thành Paris thường có những nơi rừng như thế, những ngày mùa hè nóng nực, hay những buổi chủ nhật tạnh ráo, ngoài thành phố đến chơi đông lắm. Ở giữa rừng Vincennes này có một trường tập bắn của pháo binh. Ngoài cửa rừng trông ra ngoài phố thì có một cái lâu thành cổ, xưa làm pháo đài, nay làm trại lính, kiến trúc kiên cố mà quy mô hùng vĩ, thật là một kiểu thành cũ đẹp nhất ở nước Pháp. Tiếc vì có binh lính đóng, khách du lịch không thể vào xem khắp ở bên trong được. Nghe nói trong thành có một sở bảo tàng bày những đồ cổ của nhà binh, có cho khách xem, nhưng hôm nay quá giờ rồi.
Tối hôm nay có hẹn lại ăn cơm ở nhà ông P., đường Saint-Germain. Ông hiện làm quản lý công ty "Đông Pháp và Phi châu Tổng Thương cục" (Union commercial indochinoise et africaine), tức là sở chính của nhà "Gô đa" Hà Nội ta. Vào khoảng năm 1908, chính ông đã làm quản lý nhà "Gô đa" bên ta mấy năm, nên ông vẫn nhớ bên An Nam lắm, hôm gặp ở tiệc "Công Thương ủy hội" có ý ân cần hỏi han và hẹn hò đến nhà chơi để giới thiệu cho bà vợ, ông em và hai cô con gái biết, vì ông đã từng nghe mình diễn thuyết ở trường Thuộc địa mấy tuần trước. Bà vợ người nhã nhặn vui vẻ lắm; hai cô con thì cô lớn sắp ra thi tú tài kỳ này, cô nhỏ thì chính sinh ở bên ta năm trước, nhưng hai cô cũng không còn nhớ gì về bên An Nam mấy tí nữa; còn một cậu con nhỏ nữa cũng đương đi học. Trước khi về nhà riêng, ông P. có hẹn đến chỗ hội sở ông gần đường Royale để cùng lại bộ Lao động (Ministère du Travail) tiếp chuyện và đón ông em ông làm sảnh trưởng ở đấy, rồi cùng về nhà nhân thể. Chức sảnh trưởng trong một bộ (Directeur de ministère) cũng là một chức to, gần bằng như tham tri thị lang trong Bộ ta. Ông này lại có chân "Tham chính viện" (Conseil d'état), kể cũng là một bậc quan lại danh giá. Người có học thức rộng và am thông việc chính trị lắm. Chuyện vãn ít lâu, rồi ba người cùng về nhà riêng ông P. Ở đường Saint Germain. Tiệc chỉ có mình là người lạ, cả nhà xúm lại nghe chuyện bên An Nam; hai ông bà thì nhắc lại chuyện cũ, lại hỏi về những sự thay đổi trong khoảng mười năm nay; hai cô và cậu con thì nghe ra dáng có ý tứ lắm, như nghe giảng một bài địa dư vậy, thỉnh thoảng hỏi một vài câu dí dỏm cũng buồn cười, nhất là cô lớn lại có vẻ phong vận hữu tình lắm, tưởng giá chuyến này ra thi vào kỳ vấn đáp được hỏi về bên An Nam, cô chắc biết được nhiều điều hơn chị em, không sách nào có, và bấy giờ có lẽ cũng nhớ đến anh thầy giáo tình cờ ở đâu lại nói chuyện cho mình nghe. Nhưng hiện nay con mắt mơ màng cô đương nghĩ ngợi gì? Có lẽ hồi tưởng đến thuở nhỏ ở bên An Nam chăng? Nhưng cô sở biết [6] người An Nam bấy giờ chắc chỉ mới biết thằng bồi Ba, thằng bếp Tư, thằng xe Năm mà thôi, chứ đã biết người An Nam là giống gì. Nay nghe chuyện như phảng phất mơ màng, cảnh cũ tình nay, giao cảm trong lòng, cũng khó biết được cô nghĩ ngợi gì. Nhưng mà con mắt hữu tình thay! Miệng cười có duyên thay! Không có cái vẻ đường đột tự do như các cô con gái Tây khác, lại có cái vẻ dịu dàng thuỳ mị như một vị tiểu thư khuê các ở Đông phương. Bây giờ mình mới biết cái ý nhị phong thú của con gái Ba Lê... Ông sảnh trưởng thì nói chuyện chính trị, chuyện giáo dục, tỏ ra một người có ý tưởng rộng rãi; ông xưa nay không nghiên cứu về việc thuộc địa, nhưng ông nói nước Pháp ở thuộc địa phải có một cái chính sách khoan dung đại độ, hợp với nhân đạo, thời mới thoả lòng những bậc tấn thân [7] và tiếp được dư luận trong nước. - Mãi đến mười một giờ mới cáo từ ra về.

°

Chủ nhật, 18 tháng 6
Hôm nay gặp ông B. học trò trường Thuộc địa, năm thứ nhì, ban Đông Pháp. Ông sắp thi lên lớp nhất (năm thứ ba). Sang năm mà đỗ tốt nghiệp thì sẽ được bổ sang làm quan cai trị ở bên ta. Bấy giờ sẽ là một vị quý quan sang trọng, có lẽ chẳng nhớ hay là chẳng muốn nhớ đến anh em mình nữa. Nhân ông nghe mình diễn thuyết ở trường hôm nọ, muốn làm quen, cho nên hôm nay hẹn đến trọ chơi, đưa cho xem mấy tờ báo có bình phẩm về bài diễn thuyết của mình. Tính vui vẻ, hay nói đùa. Mà có một cái tài lạ, là chưa sang bên ta bao giờ, chỉ học tiếng An Nam ở bên Tây mà nói đã sõi lắm, hát được bằng tiếng ta, nhịp Tứ đại cảnh! Hỏi ra mới biết rằng khi chiến tranh ông có được ở gần lính An Nam, nên có dịp tập nói tiếng ta nhiều. Hạng này mà sang làm việc bên ta thì sành lắm đây, có lẽ sành hơn... quan An Nam. Cũng là một tay "hách" sau này đó.
4 giờ chiều hôm nay, quan Thượng thư Sarraut và ông nghị viên Outrey tiếp các phái viên Nam Bắc kỳ ở Kinh tế cục để giới thiệu cho ông nghị trưởng Hạ nghị viện Raoul Perret. Nhân có đặt một cuộc chớp bóng các "phim" về Đông Pháp, tân khách mời đến xem đông lắm, toàn là những nhân vật thuộc về "thuộc địa giới" (les milieux coloniaux), nghĩa là những người trong các giới mà có quan hệ gần xa đến các thuộc địa, như nghị viên, nhà báo, các nhà công thương, các quan binh, các quan lại thuộc địa, v.v... Tức cũng là một cách quảng cáo cho Đông Pháp; và thứ nhất là quảng cáo riêng cho... quan Thượng và ông Nghị ta. Các phái viên hôm nay phần nhiều áo gấm cả. Đúng giờ ông nghị trưởng đến, các phái viên đứng dẹp ra hai bên đón chào, rồi một ngài phái viên nam trung thay mặt anh em đọc một bài chúc mừng, mình đứng xa cũng không nghe được câu gì cả. Nghe đâu bài này là ông nghị Nam kỳ đã soạn sẵn cho học thuộc lòng, đại khái cũng là tỏ cái lòng rất kính trọng ông nghị trưởng, rất trung thành với Đại Pháp. Chính cuộc nghênh tiếp ông nghị trưởng hôm nay cũng là tự ông Outrey xướng ra. Nhân bữa đi thăm cố hương đức cha Bách Đa Lộc, ông có tra trong gia phả đức cha thấy họ Perret cũng có họ xa với đức cha, ông bèn mượn sao lấy cả thiên gia phả, và định hôm nay mời ông nghị trưởng Raoul Perret đến để tặng ông bản sao ấy giữa chỗ công đồng, tỏ ra rằng ông cũng có quan hệ với Đại Pháp. Thật như phương ngôn ta nói rằng: Thấy người sang thì... Nhưng mà nghĩ cũng là một cách thù tạc khéo. Người ta ở đời muốn cho tiến đạt chỉ cần phải thạo những cách đó là đủ. - Trong đám đông các tân khách, mình lại được gặp ông đốc trường Thuộc địa, chính là anh em họ với ông nghị Nam kỳ, đứng nói chuyện giờ lâu, có cả bà vợ, người con gái và người rể, thảy đều bình phẩm về bài diễn thuyết của mình bữa trước. Ông nói rằng ông thật không ngờ cuộc diễn thuyết ấy có đặc sắc như thế, vẫn tưởng rằng người An Nam nói thời không khỏi ra ngoài những câu tán tụng thường, biết đâu lời thành thực dễ cảm người và nhiều chỗ nói thật mà không mất lòng, ông cho là khéo. Mình nghe được lời khen như thế, dẫu không đến nỗi nở mũi ra, nhưng trong bụng cũng thích, - nhân tình ai chẳng thế? - định về trọ biên vào nhật ký cho nhớ, vì xem ra ông này nói cũng thực tình, chứ không phải là lời đãi bôi.

°

Thứ hai, 19 tháng 6
Gặp quan Đại tướng P. Ngài chỉ cho các chỗ nên đi xem ở Paris, lại hứa sẽ giới thiệu cho mấy ông nghị viên.
3 giờ chiều cùng với cậu H.Đ.D., học sinh trường Thuốc, đến thăm bà lớn Sarraut ở nhà riêng, đường Latour Maubourg. Nguyên khi ở Hà Nội đi, lệnh tế [8] là quan Chánh Liêm phóng ở Phủ Toàn quyền có cho giấy giới thiệu, nên bữa nay đến chào Bà lớn. Quan Thượng thư và Bà lớn không ở Bộ, vẫn ở nhà riêng. Bà lớn ân cần hỏi han, nói rằng vẫn nhớ bên An Nam lắm, khen người An Nam là một dân tộc khôn khéo, chăm chỉ và có tính thuần thục, dễ thương.

°

Thứ ba, 20 tháng 6
Ông F. là chánh Công ty Rượu Đông Pháp có mời các phái viên về ăn cơm trưa ở nhà riêng ông ở làng Torsy, Seine et Marne, cách Paris 25 cây-lô-mét. Sáng sớm cho mấy cái ô tô đón anh em cùng đi. Cái biệt thự của ông đẹp lắm, đặt tên là Les Charmettes, chung quanh có cái trại mấy mẫu trồng các hoa quả. Hoa hồng không biết đến mấy chục thứ, quả hạnh (cerises) thời nặng trĩu trên cành, kể hàng mấy trăm gốc cây. Lại có đặt nhà "ôn thất" (serres) để trồng các thứ hoa cỏ lạ ở nhiệt đới. Trong vườn giữ sạch như li như lai, không có một cái lá rụng, một cái cành khô. Ông nói mỗi năm kinh phí về cái trại này tới mấy chục vạn quan. Tính ông thích làm vườn, những khi nhàn hạ thường ra trồng cây xới đất, cho là một cách thể thao tốt. Ông được tiếp anh em lấy làm vui vẻ lắm, vì phần nhiều ông đã từng quen biết bên An Nam. Dự tiệc, ngoài ông và các phái viên An Nam đủ mặt cả, còn có ông em ruột ông làm đại lý trong Công ty, bà em dâu, và hai đứa cháu gọi ông bằng ông bác. Hai thằng bé ngộ quá, mình chơi đùa với chúng nó lại càng thêm nhớ đến lũ con ở nhà. - Tiệc xong, chuyện vãn giờ lâu, rồi ra ngoài vườn chụp mấy cái ảnh làm kỷ niệm.
Chiều gặp hai ông D. và G. là hai người cán sự trong Hội "Đại Pháp Thuộc địa viện" (Institut Colonial française), ở đường Volney. Khi còn ở Marseille hai ông đã viết thư mời mình hễ đến Paris thời lại chơi, có ý muốn mời diễn thuyết ở Hội. Hôm nay hai ông cũng nhắc lại lời mời ấy, nhưng nói rằng đến cuối tháng tám hay đầu tháng chín các hội viên mới đông đủ cả. Mình không chắc còn ở đến bấy giờ không, nên không dám nhận. Vả sang đây là để đi chơi cho biết đó biết đây, phải có rộng thì giờ mới xem xét được, nếu cứ diễn thuyết hoài thì thành ra chỉ đóng cửa ngồi trong buồng mà cắm cổ viết, còn thú gì nữa. - Hai ông lại nói rằng hội Thuộc địa này là gồm nhiều người có danh giá, có thế lực ở nước Pháp, có ý muốn khoáng trương ra các thuộc địa, lập các hội sép [9] ở mọi nơi, hỏi mình có thể đương được việc cổ động cho Hội ở bên ta không. Khi ra về, có đưa cho nhiều những chương trình, thể lệ và giấy má của Hội để về xem cho kỹ.

°

Thứ tư, 21 tháng 6
Gặp ông nghị viên A. chủ tạp chí Revue du Pacifique (Thái Bình Dương tạp chí). Ông này là người đồng hạt với quan Toàn quyền Long, mới được nghị viện cử xét về sổ dự toán Đông Pháp, lại mới lập ra một tập nguyệt báo để nghiên cứu về việc á Đông. Cũng là một tay sắc sảo trong phái thuộc địa ở nghị viện. Có người nói có ngày ông sẽ sang làm Toàn quyền Đông Pháp. - Buồng giấy ông ở cùng một nhà với Kinh tế cục Đông Pháp. Ông tiếp chuyện giờ lâu, hỏi han các việc bên An Nam; lại mời viết bài cho tạp chí của ông.
Gặp cô K., tổng thư ký hội "Đông Dương ái Hữu" (Socitété des Amis de l'Orient), ở viện Bảo tàng Guimet. Mình đã hẹn làm một bài diễn thuyết cho Hội này, trước khi dời Paris. Vậy bữa nay đến để định đầu bài và định ngày trước. Ngày thời định vào thứ tư mồng 5 tháng bảy mà đầu bài thời là nói về "Thi ca Việt Nam" (La Poésie Annamite). Đã không muốn nhận diễn thuyết ở đâu nữa, nhưng Hội "Đông Phương" là một hội có tiếng, năm ngoái đã nghênh tiếp ông văn sĩ Ấn Độ Tagore, nay mời đến mình, cũng là một sự danh giá cho mình, nên cũng phải cố vậy. Thế là lại mất ba bốn ngày nằm hầm trong buồng để soạn bài. Mà ở đây tài liệu không có, sách vở không có, soạn cũng khó. Chỉ có một quyển Kiều, tối tối mấy anh em cùng trọ họp nhau lại pha chè uống cùng ngâm với nhau mà thôi.
Buổi tối đi xem hát ở rạp Grand Guignol, đường Chaptal. Gần đây nghe tiếng rạp này xướng ra một lối diễn kịch mới, thiên hạ hoan nghênh lắm. Đặc sắc của rạp này là diễn những bài ngăn ngắn, khiến cho mỗi buổi diễn được bốn năm bài [10], bi kịch, hí kịch xen lẫn nhau, và bài nào cũng chú trọng về bộ [11], về cảnh, không kém gì lời văn.
Trong chương trình hôm nay có năm bài, bốn bài hí kịch độ một hồi hay hai hồi ngăn ngắn và một bài bi kịch có hai cảnh (tableaux). Bài sau ấy là lối "kịch bằng cảnh" (pièce en tableaux), lấy cảnh mà giúp thêm cho lời nói, lối này tưởng các rạp ở nước ta có thể châm chước mà phỏng theo được.
Bài bi kịch xem cảm động quá, đề là "Một đêm ở Luân Đôn" (Une nuit à Londre ou The Black Veil) của Gustave Frajaville và C. Choisy (là quản lý rạp Grand Guignol) rút trong thuyết bộ [12] của nhà văn sĩ nước Anh Dickens và đặt thành cảnh. Truyện một người đàn bà già có con phạm trọng tội phải án xử tử thắt cổ, sớm mai hành hình, đêm đến tìm một ông thầy thuốc danh sư nọ, kêu van ông ngày mai đúng giờ ấy đến nhà bà cứu cho một người sắp chết, nhưng không nói rõ vì cớ gì; hôm sau ông đến, xác mới khiêng về, nhưng đã chết rồi không thể cứu được nữa. Bấy giờ ông mới hiểu là người tội nhân mới bị thắt cổ; nhưng người mẹ trông thấy xác con như phát điên lên, cứ ôm lấy mà than khóc kể lể một cách rất thảm thiết, một mực van ông cứu cho, bà nói: "Con tôi dại dột, nó quá nghe anh em mới đến nỗi này, chứ nó không đáng tội. Tôi xin ngài, tôi van ngài cứu cho con tôi, nó chưa chết đâu." Ông thầy thuốc bấy giờ trong lòng cảm thương bi đát vô cùng, vẫn biết rằng kẻ phạm tội với xã hội, thời xã hội có quyền trừng trị, ấy là lẽ công bằng, nhưng mà trị kẻ có tội mà để thương, để xót, để đau, để khổ cho người không tội, há phải là lẽ công bằng sao? Song cái công lý của người đời chỉ biết thô lược như thế thôi; người ta ăn ở với nhau lấy một công lý mà xử chưa đủ, phải có lòng từ bi bác ái mới được, vì trông thấy cái cảnh đau khổ của bà già này, ai là người cầm lòng cho đang?... - Diễn khéo quá, tài quá, dáng bộ cảnh bày hiển nhiên như thực, khiến người xem rùng mình sởn tóc, lay chuyển cả quả tim, cảm kích đến phải chẩy nước mắt ra. Có bà đầm ngồi bên nức nở khóc đến mười lăm phút đồng hồ. Người ta nói có khi có người cảm kích quá ngất người ngã ra. Trong bài kịch, lời nói không có mấy, mà những lúc không nói lại là chỗ hay nhất.
Xét ra văn diễn kịch phải là văn cứng cát lắm mới được; văn quốc ngữ ta bây giờ còn non nớt, dùng vào diễn kịch không khỏi khuyết điểm. Vậy nếu bây giờ có một lối kịch như lối kịch bằng cảnh đó, lấy cảnh mà giúp sức cho lời văn, thời hợp với trình độ của ta lắm. Vả lại lối này là đoản kịch, chỉ một vài hồi mà thôi, và diễn không đầy một giờ đồng hồ, tưởng bắt chước cũng không khó.
Trong lời quảng cáo của rạp Grand Guignol này có nói: "Rạp Grand Guignol ngày nay cả thế giới đều biết tiếng là nơi kịch trường ở Paris diễn được lắm bài ly kỳ, có khi kết cấu cũng bạo, nhưng bao giờ cũng có đặc sắc văn chương. Rạp này đã có một lối riêng, thiên hạ đến xem đặt tên cho là genre Grand Guignol, bất cứ hí kịch hay bi kịch, bao giờ cũng có một cái vẻ đặc biệt, có khi cảm kích vô cùng. Những bài bi kịch thời hành động mau, và giống hệt như sự thực, vì lối diễn kịch này không có dung được những cảnh giả dối. Phàm diễn ra là đều diễn cái chân tướng của sự đời, nồng nàn, mãnh liệt, khốc hại, hung tàn, cốt lấy thực, mà trong sự thực có cái vẻ đẹp thâm trầm ở đó. Hí kịch thì bao giờ cũng có văn chương, cũng có trí tuệ, khi thời sự xảy đột ngột, khi thời đối đáp dĩnh ngộ [13], làm cho tức cười không nhịn được, v.v...".

°

Thứ năm, 22 tháng 6
Ngày thứ năm, ở Théâtre Française (tức là Comédia Française) thường có diễn kịch ban ngày, và diễn những kịch cổ điển cho học trò các trường xem. Nhân xem nhật báo thấy hôm nay diễn bài Le Bourgeois gentilhomme của Molière (tức ông Vĩnh dịch là "Trưởng giả học làm sang"), anh em rủ nhau đi xem. Bắt đầu diễn từ 1 giờ 30 trưa, đến 5 giờ mới xong.
Bài này Hội Khai Trí đã diễn năm trước, chắc là không bao giờ bằng người ta được, nên có ý nhận kỹ xem họ hơn mình cái gì. Phường hát ở đây là những tay nghề có tiếng trong nước, mà bài này lại là một bài cổ kịch, họ diễn đi diễn lại không biết đến mấy trăm mấy nghìn lượt rồi, chắc là phải thạo lắm, phải hay lắm. Thế mà cứ bình tình mà xét, cũng không lấy gì làm tài cho lắm, sánh với bọn tài tử của mình diễn năm nọ cũng là một tám một mười mà thôi, chứ không đến nỗi cách xa nhau một trời một vực, như mình vẫn tưởng thế. Nhưng có ý nhận ra không phải là họ không có thể làm hơn nữa đâu, nhưng vì là bài cổ kịch nên họ cũng diễn chiếu lệ đó mà thôi, không có ý cẩn thận, không có ý trau chuốt, nên còn có chỗ sơ suất, còn có chỗ khuyết điểm.
Độ này ở nghị viện đương thảo luận về vấn đề cải cách trung học, nên theo hẳn về đường tân học hay là nên giữ lấy phần cổ học La Mã Hy Lạp. Có hai đảng phản đối nhau: đảng tiến bộ thì theo về tân học, đảng bảo thủ thì muốn giữ cổ học. Mà chính phủ có ý khuynh hướng về đảng bảo thủ, muốn đổi lại chương trình trung học, đặt thêm phần cổ văn Hi - La xen vào với các môn học mới khác. Không những ở nghị viện các đảng cãi nhau phân vân, mà trong dân gian cũng chỗ này diễn thuyết, chỗ kia hội họp, kẻ bàn ra, người bàn vào, kẻ tán thành, người phản đối, bên nào cũng có một phần lẽ phải cả. Tối hôm nay có một cuộc diễn thuyết của hội Université nouvelle (nhất danh là Les Compagnons), thuộc về đảng tiến bộ, tổ chức tại Hôtel des Sociétés savantes, đường Danton, để cùng bàn về vấn đề ấy. Nhật báo đăng có mấy ông giáo trường Đại học Sorbonne diễn thuyết. Vậy cơm tối rồi, thủng thẳng đến nghe xem nghị luận thế nào. Người dự cuộc cũng đông lắm, mình đến thì đã thấy bắt đầu rồi. Có hai ông giáo Guignebert và Mornet diễn thuyết, đại khái nói rằng cổ văn tuy hay thật, nhưng không thích hợp với thời nay, không nên cưỡng bách con trẻ phải học, sợ chậm mất thì giờ của chúng nó và hại đến các món khác còn cần hơn. Sự giáo dục cần phải ban bố cho khắp trong dân gian: ấy là nghĩa vụ cốt yếu của một nước dân chủ. Vậy phải mở rộng các trường trung học cho trẻ con bình dân vào không đặt chương trình khó khăn để hạn chế. Trong bình dân thiếu chi những con trẻ thông minh tuấn tú: phận sự của quốc gia là phải ra công đề bạt cho những trẻ ấy được hưởng sự giáo dục hoàn toàn, và sau này có cách trổ tài xuất chúng. Vậy quốc gia phải cấp lương học cho những trẻ có tư cách ở các trường tiểu học để cho chúng nó vào trung học được. Bậc trung học phải mở rộng cho cả quốc dân, chứ không thể để riêng cho một bọn có tư bản được. - Hai ông giáo này nói thạo lắm: ôn tồn dễ nghe mà lại có cái vẻ hoạt bát hùng hồn. Nghe biết là những người đã quen giảng học, và cũng quen nói với công chúng.
Ở một nước tự do có khác, bất cứ chuyện gì cũng có thể đem ra công chúng mà nghị luận được. Kẻ nói đi người nói lại, quốc dân đứng giữa mà phán đoán. Chính phủ ở trên mà chiết trung, tưởng còn hơn là cái chính sách "bịt bung", rút lại chẳng có lợi cho ai hết. Song cho được đủ tư cách nghị luận hay là phán đoán, cái trình độ văn minh cũng phải kha khá mới được, nếu còn thấp kém lắm thì dẫu được quyền bàn cũng chẳng biết bàn gì, được quyền nói cũng chẳng biết nói sao, nói lắm bàn lắm càng lại nát chuyện nhiều, huống lại còn biết phán đoán sự hay sự không, lẽ phải lẽ trái là gì nữa! Nhưng muốn nâng cao trình độ dân thì có cách gì? Duy có sự học mà thôi...

[1]Đường chui dưới lòng đất.
[2]Công cụ.
[3]Giả dối lòe loẹt bề ngoài.
[4]Minh: tối, mạc: yên lặng.
[5]Ngày nay hay nói trầm tịch với nghĩa vắng vẻ sâu kín.
[6]Sở: điều mà, cái mà, cô sở biết tức điều mà cô biết.
[7]Kẻ thượng lưu trí thức.
[8]Người con rể bà.
[9]Phân nhánh.
[10]Vở (kịch).
[11]Diễn xuất.
[12]Các bộ tiểu thuyết.
[13]Thông minh.