XVIII. [1] Thứ sáu, 23 tháng 6 1922 Buổi sớm đến thăm quan cai trị C. Ở Kinh tế cục, đưa bản thảo bài diễn thuyết ở trường Thuộc địa để đem in. Nguyên sau hôm diễn thuyết có nhiều quý quan khuyên nên in bài diễn thuyết, cho công bố được rộng hơn. Nhưng in sách ở bên này đắt lắm, lấy tiền đâu mà làm được. Vả lại không phải là thứ sách bán được; có in ra chẳng qua cũng để tặng các nhà văn sĩ, hay nhà chính trị có để ý về việc thuộc địa để mong cho người ta biết đến nước Nam mình một chút, thế mà thôi. Cũng có một vài cái báo muốn xin để đăng, nhưng đăng trong báo thì lẫn lộn với các bài khác, tất không ai chú ý đến. Bên này người ta còn nhiều những việc tầy đình, việc thuộc địa, việc nước Nam mình có ai cho vào đâu. Thật có đi ra ngoài mới biết thế giới là rộng. Các báo lớn bên này, thường mỗi tuần lễ hay nửa tháng mới có một mục nói về việc thuộc địa, mà đặt vào trang thứ tư hay thứ năm, chứ có được vào trang nhất hay trang nhì bao giờ. Như mình chuyến này cũng là may lắm, được mấy cái báo như La Dépêche coloniale, L'éclair, l'Echo de Paris, Comoedia, chú ý đến, nói về sự diễn thuyết và lại trích mấy đoạn diễn thuyết nữa. Song bài nhật báo thời cũng không ai để ý xem cho kỹ làm gì. Nhân nói chuyện với quan cai trị C., ngài nói rằng để sẽ bàn với Kinh tế cục xuất tiền ra in cho, không ngại gì, vì Kinh tế cục vẫn có một bộ tùng thư in những bài khảo cứu về Đông Pháp. Bởi thế nên hôm nay đem bản thảo đến cho ngài, ngài hứa sẽ bảo in riêng ra mấy trăm quyển để gửi về nhà, còn ở Pháp này muốn biếu hay tặng những ai, cứ kê tên ra sẵn, khi nào in xong sẽ gửi thẳng cho những người ấy. Thế thật là tiện cho mình đủ đường. Chiều hôm nay được quan đại tướng P. cho phiếu vào xem ở Thượng nghị viện. May lại gặp giữa buổi một ông nghị (nghe đâu thuộc về đảng xã hội, không rõ tên là gì) đương chất vấn chính phủ về việc trong khi chiến tranh quan binh có kết án lầm mấy người lính đem xử tử vì tội tháo lui trước quân giặc, sau xét ra mới biết rằng án ấy oan và mấy người lính kia vô tội, tức gọi là cái án Vingré. Ở Thượng viện tuy thường vẫn êm ái hơn ở Hạ viện, nhưng cũng có khi nghị luận kịch liệt; hôm nay kể cũng là một buổi kịch liệt. Ông nghị chất vấn chính phủ này hết sức công kích bọn quan binh vì võ đoán mà đã làm chết oan mấy mạng người, công kích chính phủ đã dung túng những cách võ đoán như thế. Ông nói rất là hùng hồn cảm động: có một lúc ông đập tay xuống bàn mà nói to lên rằng: "ừ, nào có phải thiệt oan mấy mạng người mà thôi đâu, còn để cái khổ cái nhục cho người sống nữa! Các ngài có nghĩ đến tình cảnh những cha mẹ, những vợ con mấy người chết oan ấy không? Các ngài có nghĩ đến cái đau đớn, cái tủi nhục vô cùng của lũ trẻ con kia, trong khi các trẻ con khác trong làng có cha anh đi trận về, nào là mền đay, nào là bội tinh, nghênh ngang vang vẻ trong làng xóm, mà mình hễ thò mặt ra đầu ngõ thời người ta vạch mặt gọi tên nói rằng: "Thằng này là con thằng phản quốc đây. Cha nó ngày trước đã bị xử tử". Các ngài có nghĩ đến những nông nỗi đắng cay chua xót ấy trong lòng một kẻ hài nhi không? Kẻ hài nhi ấy sau này là dân nước đấy, là lính nước đấy! v.v." - Quan Binh bộ là ông Maginot, người cao lớn, giọng dõng dạc, rõ ra cái thái độ một quan Thượng thư Binh, lên diễn đàn đáp lại, đại khái nói rằng: "Chính phủ cũng biết án đó là lầm, tội đó là oan. Nhưng mà đương buổi chiến tranh bối rối, những sự oan uổng ấy làm sao mà tránh cho khỏi được? Vả lại, dù thế nào nữa, việc đã dĩ nhiên rồi, bây giờ nói sao cũng không thể khôi phục được mệnh người nữa. Như vậy thì dở dói ra làm chi cho thêm nỗi đau lòng. Thôi thời bây giờ chính phủ đã nhận lỗi, sẽ ra sức giúp đỡ cho cha mẹ vợ con những người ấy, ban tiền dưỡng lão, tiền tuất cô [2], tiền tuất quả [3] cho người ta được yên thân. Vả trong buổi binh hoả dị kỳ, những người chết oan chết khổ biết là bao nhiêu, biết mấy mươi nghìn vạn mà kể: tổng chi cũng là chết cho nước cả! v.v." - Quan Binh bộ hết sức biện bạch, mấy ông nghị về đảng phản đối nhất định không nghe, xin phải tra cho ra lỗi tự ai và làm tội những viên tướng tá đã kết cái án oan ấy. Hai người nói cùng giỏi cả, nói xong đảng nào vỗ tay cho người đảng ấy, biểu đồng tình. Duy người xem thì không có phép vỗ tay, phải giữ thái độ khách bàng quan, nghe nói hay, nghe nói dở, cũng phải cứ nghiêm lặng như không; ấy là lệ trong nghị viện như thế! Sáng sớm mai Hoàng thượng đến Paris. Mình tuy không dự sự gì, nhưng cũng là người An Nam, tưởng nên cùng anh em ra đón ở ga cho phải phép. Song tự mình đã không đóng vai gì mà đánh cái áo gấm xúng xính, thời chỉ tổ cho thiên hạ chỉ trỏ vô ích, thà rằng làm hoàn toàn một anh khách quan còn hơn. Bởi thế nên mấy bữa nay phải đi cắt một bộ jaquette mấy trăm quan, lối này là một lối lễ phục không trọng thể mà cũng không tầm thường, trung bình, mặc vào dịp nào cũng được. Mình mặc jaquette, đầu đội mũ "quả dưa" (melon), coi cũng "ra phết" một thầy "thư ký toà sứ” (toà sứ đây không phải như toà sứ bên mình). Vào hiệu ảnh chụp cái ảnh gửi về nhà, người thợ ảnh cho là một viên quan lại ở toà sứ Nhật Bản, nhưng lại nói rằng: "Ông là người Nhật thì khí cao quá". Mình nghĩ bụng rằng nếu quả được là người Nhật, - dẫu là một người Nhật "quá khổ" nữa mặc lòng, - thì còn gì bằng!...
[1]talawas: Trong tác phẩm đã in, chúng tôi không thấy có phần XVII tiếp sau phần XVI (tại talawas, nó kết thúc ở kỳ 8/13), chưa rõ là do đây là phần không được sử dụng đến trong bản in lần này hay do có sự nhầm lẫn hoặc sơ suất nào đó.[2](Tiền trả/ bồi thường cho) con bị mất cha.[3](Tiền trả/ bồi thường cho) vợ bị mất chồng.[4]Lược bỏ câu nguyên văn tiếng Pháp.[5]Đến như.[6]Điêu khắc.[7]Bạn đồng nghiệp.[8]Đứng đầu cả.[9]Người sống lâu ở một vùng, người bản địa.[10]Rõ ra.[11]Nhà xây bằng đá.[12]Khác đã từng trải việc đời.[13]Diễn viên nổi tiếng.[14]Ngày nay thường gọi là Bảo tàng lịch sử tự nhiên.[15]Điệu bộ, diễn xuất.[16]Khí tiết thanh cao, không dính trần tục.
°
Thứ bảy, 24 tháng 6 10 giờ sáng, Hoàng thượng đến Paris, đi chuyến xe lửa riêng ở Lyon lên; đỗ ở ga Bois de Boulogne là nhà ga để riêng đón các bậc vua chúa. Hoàng thượng đi cùng với quan Thượng thư Thuộc địa Sarraut; quan Giám quốc và quan Thủ tướng có phái đại biểu ra đón. Kèn, trống, cờ, quốc ca, lính bồng súng, lính kỵ mã, nghi vệ cũng như nghi vệ thường, tưởng không có gì là đặc biệt. Có lẽ chỉ có lạ mắt cho người Paris là các sắc gấm sặc sỡ của các quan hộ giá. Mình không được biết thành Paris xưa nay đón các bậc đế vương các nước thế nào, nên không thể so sánh được lần này với các lần kia khác nhau thế nào. Nhưng nhận ra người đứng xem ít lắm. Nghe khách qua đường thấy đám lạ dừng lại xem, chỉ thấy nói: "ồ! họ ăn mặc hay nhỉ! kỳ nhỉ!"; có người lại hỏi lẫn nhau: "Người nước nào vậy?". Anh em cất mũ cúi chào, thế là hết phận sự thần dân ở nơi khách địa, rồi vua quan trảy về dinh quan Thuộc địa, bọn mình cũng nhân mũ cao áo dài thuê xe hơi dạo quanh một vòng phường phố, mặc dầu cho thiên hạ cho là người Tàu hay người Nhật, cũng chẳng hề phải biện bạch là giống An Nam. Cơm trưa rồi, đi chơi cửa hàng Bon marché ở đường de Sèvres. Hàng này vào hạng các "cửa hàng lớn" (grands magasins) như Le Louvre, Le Printemps, Galeries La fayette, v.v..., bán đủ các đồ hàng, thứ nhất là đồ ăn mặc. Hàng này rộng bằng mấy dẫy phố thông luôn, tầng trên, tầng dưới, tầng hầm, ngõ ngang, ngõ dọc, thang cuốn, thang máy, kẻ lên người xuống, người ra kẻ vào, lúc nào cũng tấp nập như ngày hội, đi vào đấy không khỏi lạc đường, vào phố này mà ra tận đầu phố kia. Nhân vào khu bán các đồ chơi trẻ con, mua mấy thằng phệnh, con thú và cái xe, để gửi về lũ trẻ ở nhà cho vừa kịp tết tháng tám. Nhà hàng nhận gói gửi cẩn thận, chỉ phải chịu thêm tiền bưu phí mà thôi. Lũ trẻ nhận được mấy gói này chắc là mừng lắm. Nghĩ đến chúng nó lại càng thêm nhớ; nhưng mình nhớ nhà có lẽ nhà lại nhớ mình hơn, vì người đi còn có dịp khuây khoả, chứ kẻ ở thường hay chuyên lòng tơ tưởng; đó cũng là cái thường tình của người ta, dẫu người anh hùng còn không khỏi, huống nữa là kẻ tầm thường. Nhưng có người nặng tình thê tử quá, chưa bước chân ra khỏi cửa đã thương nhớ sụt sùi, lúc nào cũng như đeo cái mặt sầu kẻ tha hương, như thế thì cũng quá. Người nước mình phải cái nỗi gia đình bận bịu, lắm khi cũng ngăn trở cho người có chí. Ở hàng Bon Marché ra, cạnh ngay đấy là đường du Bac. Sực nhớ đây chính là nơi nội sở của hội Truyền giáo Viễn Đông (Séminaire des Missions étrangères) cố R. cùng đi tầu với chúng mình mấy tháng trước có hẹn khi nào lên Paris vào đây thăm, mà bấy lâu chưa có dịp nào. Anh em bèn rủ nhau vào thăm cố. Đây chính là nơi nhà giòng chính để luyện tập các cố đi sang truyền giáo ở bên ta. Trong phòng khách thấy có treo mấy cái hình Đức cha Bách Đa Lộc. Cố được gặp mặt anh em lấy làm vui vẻ lắm, hỏi han về sự cảm giác ở Paris thế nào. Sự cảm giác của chúng mình thì chắc là tốt cả, chỉ hiềm không có thể ở nơi đây lâu được mà thôi. Về phần cố thời nói rằng vì bận công việc nhiều, có lẽ đến cuối năm hay đầu sang năm mới trở lại á Đông được.°
Chủ nhật, 25 tháng 6 Còn nhớ Maurice Barrès có câu nói rằng: "Nhìn bức tranh đẹp mà cảm, không phải là cảm cái nét bút nó vẽ khéo, không phải là cảm cái mầu sắc nó tốt tươi, chính là cảm cái tâm tình của người hoạ giữa lúc cầm bút vẽ vậy" [4]. Vậy thời muốn hiểu một bức hoạ phải hiểu cái tâm tình của người hoạ. Như xem bức tranh Tàu, vẽ một cái lều gianh với một khóm trúc ở giữa đám núi đá gồ ghề, tưởng ngay đến cái cuộc đời thanh tĩnh của một người đạo sĩ ẩn mình ở chốn sơn lâm; hay là vẽ chiếc thuyền con đủng đỉnh trên mặt nước thời nghĩ ngay đến cái tư cách an nhàn phóng dật của một tay thi ông mặc khách nào lấy gió mát trăng thanh làm bạn, câu thần chuốc rượu làm duyên mà vui qua ngày tháng trong chốn sơn thủy hữu tình. Chí ư [5] trông bức tranh mẫu đơn tức nghĩ đến cái vẻ đẹp của người mĩ nhân; trông bức tranh tùng bách, tức tưởng đến cái tiết tháo của người cao sĩ. Bởi thế nên mắt nhìn mà lòng cảm, vì tựa hồ như người xem trông qua bức hoạ mà thấu được tới tâm tình của người hoạ vậy. Nay đối với các bức danh hoạ của Tây, mình không hề có cái cảm như thế bao giờ. Một người thuần cựu học mà xem tranh Tây không có cảm gì thì còn có lẽ, chứ mình cũng sở đắc ở Tây học ít nhiều mà không biết thưởng thức cái hay cái đẹp của mĩ thuật Tây phương, thì cũng lạ thật. Có lẽ bởi cái óc tối tăm mà chưa khai quang được ra chăng? Hay là bởi con mắt thịt thiếu cái tia sáng về mỹ thuật? Chẳng hay bởi cớ gì, nhưng trông những bức vẽ đàn bà trần truồng thỗn thện, thịt bắp vai u, thật không hiểu cái ý tứ của hoạ giả thế nào. Nghe người ta cắt nghĩa thì cũng biết vậy; đọc thấy trong sách thì cũng hiểu vậy; thấy người khen thì cũng khen theo cho khỏi mang tiếng dốt, chứ cứ thực thì chẳng có cảm một chút nào. Có lúc nghĩ lẩn thẩn những bức hoạ họ cho là tuyệt bút kia, giá đáng kể hàng muôn hàng triệu, tưởng giá có người cho để treo nhà cũng không lấy làm thích, vì không hiểu nó là cái gì. Nhiều khi vẫn lấy cái đó làm một điều khuyết điểm trong sự giáo dục của mình, mà tự lấy làm băn khoăn một mình. Vì những cái công trình mỹ thuật kia, cả một phần thế giới có tiếng là văn minh đều công nhận là tuyệt phẩm tuyệt tác, mà mình tuyệt nhiên không biết cảm phục, thời chẳng là ngu và dốt lắm dư? Cũng biết thế, nhưng không thể làm sao được, thời thà thú thật rằng ngu và dốt còn hơn miễn cưỡng mà a dua. Song xét cho cùng ra thì có lẽ là bởi cái tinh thần của Đông Tây khác nhau, thuộc về đường học vấn, đường nghĩa lý thời sự mâu thuẫn ấy còn có thể giải quyết điều hoà được, chứ thuộc về đường mỹ thuật, đường cảm giác thời sự mâu thuẫn ấy lại càng biểu lộ ra rõ rệt vậy. Bởi thế nên sách tây, nghĩa lý tây, ta có thể hiểu được, mà đàn tây, hát tây, tranh tây, ta không bao giờ hiểu được bằng người Tây. Có khi tưởng rằng hiểu, mà xét kỹ ra thật chưa hiểu, vì không có cảm. Lại có khi miễn cưỡng muốn cảm cho được, nhưng cái cảm đó không cho là thành thực được. Cho nên mỗi lần thấy có người nhìn bức tranh tây khen là đẹp, nghe bài đàn tây khen là hay, mình vẫn tự hỏi không biết lời khen ấy có quả là thành thực không? Đông Tây tuy vậy vẫn còn xa cách nhau lắm. Nhân hôm nay đi xem bảo tàng Le Louvre một lần nữa, nên về mới nghĩ ngợi lan man và nghị luận lông bông như thế. Trong mấy giờ đồng hồ, mắt nhìn không biết mấy nghìn bức tranh, mấy trăm pho tượng, thật là bao nhiêu cái tinh xảo của văn minh mỹ thuật Thái Tây trong mấy trăm năm tích tụ cả lại đây, nhiều cái cũng biết là đẹp, cũng phục là khéo, nhưng thật chưa được hiểu rõ cái tinh thần nó thế nào. Khi xem xong ra về, mua mấy pho sách về nghề hoạ và nghề chạm [6] của nước Pháp (sách bán ngay trong nhà bảo tàng) và một hộp cartes postales chụp ảnh những tranh và tượng đẹp nhất trong viện này. Bao giờ về nhà rảnh thì giờ thử nghiên cứu xem có hiểu được cái tinh thần của mỹ thuật Thái Tây không. Nếu thật không thể cảm được thời có lẽ phải chịu cho cái câu của văn sĩ nước Anh Rudyard Kipling: "Đông là Đông, Tây là Tây, không bao giờ gặp nhau được" là phải vậy. Ông V. giỏi thật. Ít người có cái tài tháo vát như ông. Nghĩ bọn mình đi chơi ở Paris, nếu cứ cuốc bộ thì không đi được mấy tí, mà mỗi bước một lên xe thì hại tiền quá; nhân đọc báo thấy có người có cái ô tô muốn bán, ông liền mua ngay, rồi làm đơn xin sở tuần cảnh cho giấy phép cầm máy lấy. Muốn được phép phải cầm máy thử trong mấy nghìn thước, ở nơi đường phố đông đảo, mà đường phố bên này nguy hiểm hơn bên ta biết bao nhiêu. Thế mà ông "thi" được, chẳng kém gì các trạng "sô - phơ" bên này. Ông nói rằng mua cái xe như thế, tự mình cầm máy được, thì chỉ phải mất tiền dầu mà đi chơi tiện biết bao nhiêu, nếu xem ra xe tốt dùng được thời khi về sẽ đem về, nếu không tốt lắm thời sau này bán lại cũng không thiệt gì. Cái xe sơn vàng, hiệu Berliet, trông cũng ra dáng. Hôm nay mới lau dầu xong, anh em lên xe, dạo chơi phường phố, nghiễm nhiên ra một bọn phong lưu công tử. Ông chủ cầm máy, một người ngồi bên cạnh trông bản đồ xướng lên từng phố. Lắm lúc đi đường nọ ra đường kia, vì có ai thuộc đường đâu. Nhưng đi đã không có mục đích thời đi đâu thì đi, đâu cũng là đi chơi cả. Bọn mình ở nhà ai cũng có công này việc nọ, bước chân ra cửa là có việc phải đi, có nơi phải đến, nay mới biết cái thú đi chơi lông bông. Hôm nay đem cả M.B. học trò trường Thuộc địa, - sắp quan cai trị chúng mình nay mai đây, - cùng đi chơi. Đi bâng quơ một hồi, rồi sau định lên thẳng xóm Mông Mạc, nhưng không phải là chủ ý thăm các "chị em", vì "chị em" đây - cũng như chị em bên ta, - không có "làm việc" ban ngày, và xóm này giữa thanh thiên bạch nhật thường vắng ngắt buồn tênh, chỉ bắt đầu từ 8, 9 giờ đêm trở đi mới thấy đèn như sao sa, người như kiến cỏ, tiếng đàn ánh ỏi, khói thuốc mịt mù. Xóm Mông Mạc không phải chỉ là một xóm thuyền thợ nữa. Trừ mấy phố lớn toàn những hàng ăn, hàng rượu, rạp múa, rạp hát, còn thì những đường dốc quanh co, nhà ở cũ kỹ, vì đây chính như một nơi cao nguyên ở giữa thành Paris, cho nên lên chơi đây gọi là "lên dốc" hay lên "lên đống" (monter vers la Butte). Ở chỗ cao nhất có dựng một toà nhà thờ tên là Basilique du Sacré-Coeur" (nhà thờ Quả tim thánh), kiểu romano-byzantin, trông rất là vĩ đại, xây ngoài bằng cương thạch, trong bằng cẩm thạch, lại lồng những kính vẽ rất lộng lẫy, dài 100 thước, rộng 50 thước, trên có cái mái tròn cao 60 thước và cái gác chuông cao hơn 90 thước. Nhà thờ này bắt đầu làm từ năm 1875 bằng tiền của thập phương cúng, mãi đến năm 1921 mới xong. Trèo lên trên gác chuông thời gồm được toàn cảnh thành Paris, trông vùng ra bốn bề được tới 50 cây-lô-mét. Quả chuông đây có tiếng là to nhất nhì trong thế giới, đúc năm 1895, nặng tới 1 vạn 7 nghìn 7 trăm 35 kí-lô. Trước mình vẫn tưởng rằng các nhà thờ lớn là lối kiến trúc đời xưa, nhất là đời Trung cổ, thiên hạ có lòng sùng đạo hơn bây giờ, không ngờ ngày nay lối ấy cũng còn thịnh hành mà giữa thế kỷ thứ 19 người Tây phương còn có đủ lòng tín ngưỡng mà dùng tới năm mươi năm trời, mấy trăm triệu bạc để dựng nên một nơi giáo đường vĩ đại như thế này. - Hôm nay là ngày chủ nhật, thập phương đến lễ đông lắm; bước chân vào trong nhà thờ thấy người đứng chật ních cả, phần nhiều là những hạng bình dân, người lao động, tiếng đọc kinh, tiếng cầu nguyện, tiếng chuông đánh, om om như trong một cái đỗng lớn, mà ở giữa bàn thời hàng nghìn cây bạch lạp lấp lánh trong xa xa. Coi cũng có cái vẻ uy nghiêm thật. Ở nhà thờ ra trong bụng vơ vẩn, nghĩ rằng người ta ở đời có sống là có khổ, cho nên tôn giáo nào cũng bày phương cứu khổ cho loài người. Xem như những bọn làm ăn lam lũ này, đầu tắt mặt tối cả ngày, chiều đến vào cầu ở nhà thờ cũng quên được nỗi lao khổ đi ít nhiều, và mong rằng đời này khổ đời sau có lẽ được sướng hơn. Lòng tín ngưỡng là cái của quý của loài người, người nào đã mất lòng tín ngưỡng thời cũng nên tự tiếc cho mình mà trông thấy kẻ khác có tín ngưỡng, dẫu sự tín ngưỡng ấy biểu lộ ra ngoài một cách thật thà nữa mặc lòng, cũng không nên đem lời gièm pha báng bổ. Nhân sực nhớ đến chiều ngày 30 tết năm nọ, hàng phố đã đóng cửa, các nhà đã lên đèn, pháo đã bắt đầu nổ lác đác ở vài nơi, chợt đi qua trước một cái miễu nhỏ ở phố kia, thấy một người đàn bà quần nâu áo vải đương cầm mấy nén hương lum khum vừa khấn vừa vái, khấn một cách thiết tha và nói to như người kêu trước cửa quan: "Tấu lậy đức Thánh mẫu, thân con cực khổ trăm đường, nay là tối ba mươi rồi, chạy chợ cả ngày không được mấy hào bạc mà chồng ở nhà chỉ cờ bạc rượu chè, tối về không có tiền cho nó thì nó đánh nó chửi. Tấu lạy Thánh mẫu, xin Thánh mẫu phù hộ cho chốc nữa về nó đừng hành hạ, để cho ông vải con được yên trong ba ngày tết..." - Tự đó thấy những sự lễ bái trong dân gian, không dám làm mặt kẻ cả cao thượng mà bĩu miệng chê bai nữa, biết rằng sự tín ngưỡng là cái thuốc giải phiền cho người đời... Chung quanh nhà thờ rặt những đường phố ngúc ngoắc, chỉ những lên dốc xuống dốc hoài, mà nhà cửa coi ra dáng cổ lắm, xe ô tô phải gửi một lão chủ quán ở tận dưới phố xa kia, vì không thể nào trèo lên được, dốc hơn là dốc Tam Đảo. Cạnh nhà thờ có một bức tượng đồng, hình một người võ sĩ phải chịu tội, đến gần xem thì thấy đề rằng: "tượng võ sĩ De La Larre, năm 1766 bị Giáo hội làm tội ở thành Abbeville vì đi trước một đám rước đạo không ngả mũ chào." Hỏi ý cái tượng ấy làm ra là bởi thế nào thì ông B. nói rằng tượng này do một phái dân sở tại đây không tin sự lễ bái, muốn tỏ ý phản đối việc lập nhà thờ, bèn cũng quyên tiền dựng ngay cạnh đây, cho thiên hạ biết cái thói chuyên chế độc ác của giáo hội xưa nay vẫn hay bách hại những người không tin đạo mình. Ở nước tự do có khác, tư tưởng gì cũng có cách biểu lộ ra được. Khi quay xe về có rẽ vào một nơi đề là "nhà thị sảnh" (mairie) mà trông ra dáng tồi tàn, không phải như các nhà thị sảnh khác. Sau mới biết nhà thị sảnh đây không phải là nhà thị sảnh chính thực, chính là một nhà thị sảnh "hoạt kê". Người Mông Mạc đây có tính hiếu tự do và thích khôi hài, cho nên hay làm nhiều chuyện kỳ khôi, không phải là phản đối với quan quyền, nhưng có ý nhạo báng quan quyền. Cho cách cai trị của nhà nước là phiền, một bọn hiếu sự bèn rủ nhau tuyên bố xóm Mông Mạc độc lập, đặt làm một "chợ tự do" (commune libre), cũng bầu thị trưởng, cũng đặt thị sảnh, cũng có hội đồng, cũng có phần việc, nhưng nhất thiết làm trái nhà nước cả, để làm một chuyện chơi đùa. Nhà "thị sảnh" đây tức là nơi họp tập của bọn hoạt kê hiếu sự đó. Gần đến nơi chỉ nghe thấy những tiếng kèn nói, tiếng người say rượu hò hét và đập bàn đập ghế om sòm. Thấy vậy, bọn mình đều lùi ra cả. Nghe nói trong nhà có cuộc đấu xảo, bày những tranh vẽ của các tay tài tử "nghèo đói" ở trong xóm để bán lấy tiền lập một kho trữ kim cứu giúp cho họ, nhưng thấy các tài tử to tiếng quá không dám vào. Định bữa nào vào chơi đây phải đánh cái "cát két" lệch, đeo cái "cà vạt" nghiêng, và tập lấy cái giọng lè nhè be bét như anh em, thời mới thật là hợp cách. Biết đâu? Nếu có thì giờ ở lâu bên này, có lẽ cũng có ngày thí nghiệm một phen như thế; cũng là một cách khảo cứu phong tục vậy. Gần bảy giờ tối mới đánh xe về trọ. XIX. Thứ hai, 26 tháng 6 1922 Hôm nay Hoàng thượng cùng quan Sarraut đến thăm nghĩa sĩ từ ở Nogent sur Marne. Sẵn có ô tô, anh em cũng đánh bộ "gia két", đội mũ "mơ lông" chạy xe về Nogent xem lễ. Quan nguyên học chính Gourdon làm hội trưởng hội "Đông Pháp Kỷ niệm" (Le Souvenir Indochinois), diễn thuyết chúc mừng, Hoàng thượng đáp lại mấy câu, chắc là những lời hùng biện cả, nhưng đứng xa chẳng nghe thấy chi hết. Xong rồi Hoàng thượng vào thắp hương trong đền, ra đặt vòng hoa sắt ở cái đài Kỷ niệm những chiến sĩ theo đạo Thiên Chúa ở ngoài vườn, dạo quanh vườn một lượt, rồi lên xe, vua quan trẩy về Paris hết. Còn chúng mình ở lại rẽ vào Joinville le Pont tìm mả một người học sinh An Nam ở nghĩa địa làng. Người ấy có cha mẹ ở Nam kỳ viết giấy nhờ ông V. có qua đấy thì vào thăm. Ai ngờ chốn nhà quê xa xôi ở nước Pháp này mà cũng có nắm xương của con em Nam Việt. Cậu này sang học đây năm trước, chẳng may bị bệnh chết. Hội Aliance française tống táng hẳn hoi, rồi sau đem di hài vào đây chôn cùng với mấy anh em học sinh người Bắc nữa. Mả xây kiên cố lắm, trên có tảng đá trắng khắc đủ tên tuổi rõ ràng. Các cậu là những bậc thanh niên tuấn tú của nước nhà, vì ham tân học mà bỏ cửa bỏ nhà, lìa cha lìa mẹ, sang du học tận đây, mong rằng chóng được tốt nghiệp về nước đem tài học mà thi thố cho ích quốc lợi dân, chẳng may nắm xương đất khách, ngọn cỏ rầu rầu, khiến cho kẻ đồng bào lạc bước đến đây, luống những ngậm ngùi. Nhưng các cậu dù thác mà vẫn có công với nước: các cậu là kẻ hy sinh cho sự học mới vậy. Hồn có thiêng xin phù hộ cho các anh em du học sau này học hành được tấn tới. Trưa hôm nay được tiếp một thầy mật thám đến hỏi giấy thông hành. Chừng là nhân Hoàng thượng ở Paris nên sở cảnh sát cho dò xét những người An Nam ở bên này để phòng sự bất kỳ. Đó cũng là việc thường và là bổn phận của cảnh sát mỗi khi có các vua chúa qua lại, không lấy gì làm lạ. Tối quan Giám quốc có đặt tiệc mừng Hoàng thượng ở cung Elysée. Tiệc xong có cuộc tiếp kiến ở trong cung, mời đông người lắm. Các phái viên An Nam cũng được có giấy mời. Vậy cơm tối xong, quá chín giờ anh em cùng đi, chẳng dám mong được yết kiến bề trên cùng quan Quốc trưởng Đại Pháp, nhưng sẵn có giấy cũng là một dịp được xem qua trong cung thế nào. Vào cửa đường Faubourg Saint Honoré, ngoài có lính "đầu rồng" canh, coi cũng oai vệ. Thoạt vào thì có một đội những viên "thừa phái" (huissier), mặc áo dấu, đeo dây xuân thu bằng bạc loảng xoảng bên mình, kẻ đón mũ, người cất áo, rồi đưa vào một viên chừng là đầu thừa phái, mình phải xưng tên chức cho người ấy biết, rồi người ấy dẫn vào trong sa lông, quan Giám quốc cùng phu nhân đứng ngay đấy để tiếp khách, người ấy xướng tên lên, quan Giám quốc bắt tay chào, mời vào trong. Đi vào hết sa lông nọ đến sa lông kia, rồi đến một nơi cực rộng, chừng là chỗ nhẩy đầm, hết thảy đều trải thảm bằng nhung đỏ và bốn bề những kính đứng cả. Coi thì thật là rực rỡ, song cũng không thể xem kỹ được mọi nơi. Dạo qua một lượt, nói chuyện với mấy ông Tây quen, rồi chừng 11 giờ anh em ra về. Thế cũng đủ đến khi về nước nhà "loè" với bà con rằng ta đã được bắt tay quan Giám quốc!...°
Thứ ba, 27 tháng 6 1922 Sáng hôm nay cùng quan sáu L. đến thăm Hội Thương nghiệp Địa dư (Société de Géographie commerciale) ở đường Tournon. Hội này có đã mấy chục năm nay, chuyên nghiên cứu về địa dư quan hệ với thương nghiệp; có cái thư viện cũng khá nhiều sách về địa dư học. Cứ ngày mồng 10 mỗi tháng, Hội có đặt một tiệc tháng buổi trưa (déjeuner mensuel) ở "nhà cao lâu các Hội Bác học" (Restaurant des Sociétés savantes), họp các hội viên ăn cơm và nghe diễn thuyết. Lại ba tháng xuất bản một tạp chí in những bài lai cảo của hội viên về các vấn đề địa dư và kinh tế. Nơi hội sở cũng nhỏ, có mấy phòng để sách chật cả. Hiện nay hội trưởng là ông thượng nghị viên Morel, và tổng thư ký là ông hạ nghị viên Lorin, ông này cũng là một tay bác học, kiêm giáo học ở trường Đại học Bordeaux. Quan sáu L. đưa xem mọi nơi rồi giới thiệu mình cho ông Lorin. Ông người hoạt bát linh lợi lắm, tiếp một cách rất nhã nhặn. Ông thay mặt Hội mời nếu ngày mồng 10 tháng sau còn ở Paris thời lại dự tiệc tháng ở Hội và làm một bài diễn thuyết cho đồng nhân [7] nghe. Mình nhận lời. Chuyện vãn ít lâu rồi từ biệt ông Lorin và quan sáu L., về trọ nghỉ. Quan sáu có gắn bó rằng rồi ngài sẽ giới thiệu cho vào chân hội viên. Buổi chiều nằm hầm đọc sách, không đi chơi đâu. Tối buồn, anh em họp nhau lại pha chè uống, ăn bánh ngọt, rồi đem truyện Kiều ra ngâm, càng ngâm càng thấy hay, tự đắc rằng văn chương An Nam quán thế giới! [8]°
Thứ tư, 28 tháng 6. 1922 Quan sáu P. muốn giới thiệu cho mình làm quen với các tay chính trị có quan hệ với thuộc địa, đã viết thư cho ông Diagne là nghị viên Sénégal hẹn sớm hôm nay mình đến thăm tại nhà. Ông ở đường Avenue Alphonse XIII, thuộc về khu thứ 16, đường dốc lại khuất khúc, tìm nhà khó quá. Ông này là người da đen, thổ trước [9] đất Sénégal, nhưng học tây giỏi lắm, nghiễm nhiên như một người Pháp vậy. Vả ở Sénégal vốn có sáu hạt người dân đã nhập Pháp tịch, có đủ quyền lợi công dân Pháp, nên được bầu nghị viên ở Hạ viện Pháp. Ông chính là nghị viên thay mặt sáu hạt đó. Ở nghị viện ông cũng là một tay có thế lực trong phái thuộc địa, có tài ăn nói, thường can thiệp vào các việc nghị luận, chứ không ngồi yên như các ông nghị thuộc địa khác. Ông ít biết việc bên ta, nhưng có ý muốn hỏi han dò xét, nói rằng tuy là nghị viên Sénégal nhưng phàm việc các thuộc địa khác có việc gì nên vận động ở nghị viện ông cũng sẵn lòng. Xem chừng ra tay hoạt bát "láu lỉnh" lắm. Người da đen đất Senégal mà âu hoá được như ông, tấn tới được đến thế, tưởng cũng ít có vậy. Người một giống mà hoá hẳn được theo một giống khác, thời tính tình tư cách thế nào, đó cũng là một vấn đề nên nghiên cứu, giá được quen biết ông này lâu thì có lẽ cũng xét được kỹ càng. Nhưng mới nhất kiến thế này, không thể nào biết được nhân cách người ta thế nào. Xét bề ngoài và cách giao thiệp thì uyển nhiên [10] là một ông Tây đặc... chỉ khác có sắc da và dáng mặt mà thôi. Nghe nói phu nhân là người Pháp mà có nhan sắc lắm: ái tình thật không phân biệt gì giống loài. Buổi chiều đến thăm ông D. Ở Institut Colonial français, ông nói chuyện ý muốn cổ động lập một chi Hội ấy ở bên ta.°
Thứ năm, 29 tháng 6 1922 Ngày hôm nay thật là đi chơi "lu bù" (nói giọng các công tử bột bên ta), chạy ô tô từ 10 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm, xem cũng được nhiều nơi mà lại được một sự gặp gỡ bất kỳ. Buổi sáng đi xem nghĩa địa Père Lachaise. Nói đến nghĩa địa đừng tưởng là một nơi tha ma mộ địa bỏ hoang nào đâu; đây chính là một cái thành của người chết, mà ở trong đường đi lối lại khang trang, thạch thất [11] lâu đài nhan nhản, danh hoa dị thảo cũng nhiều. Cái thành của người chết mà cũng là chỗ đi chơi cho người sống, vì cảnh tượng đây không có cái gì là vẻ đìu hiu buồn bã cả. Người ta nói mỗi năm, vào ngày lễ Toussaint và lễ mồ (mồng 1, mồng 2 tháng 11), có tới 10 vạn người đến thăm mồ và vãng cảnh ở đây, thật là: Dập dìu tài tử giai nhân Ngựa xe như nước áo quần như nêm. Nơi này là nơi nghĩa địa lớn nhất đẹp nhất thành Paris, và có lẽ cả Âu châu nữa; một là phần nhiều những bậc danh nhân nước Pháp đời xưa đời nay an táng tại đây, hai là những nhà nào giàu có sang trọng mới vào chôn đây được, cho nên ngôi mộ nào cũng có kiểu riêng, mà kiểu nào cũng có đặc sắc cả. Tự cửa đi vào có một con đường rộng như đường thông cù, chạy thẳng băng vào một cái thạch đài, tức là đài kỷ niệm (Monument du Souvenir). Đài này là một cái tường đá lớn chạm các hình người tả ra những cái trạng thái sầu thảm của sự chết. Phàm nỗi sinh tử biệt ly làm cho người ta đau đớn, diễn ra nét mặt dáng người thế nào, đều như in vào tấm đá, hiện ra trước mặt, khiến cho khách tang hải [12] bước chân vào đến đây cũng phải tâm niệm trong mấy phút mà tỉnh ngộ giấc mộng trần hoàn. Đài kỷ niệm là công trình của nhà điêu khắc Bartholomé. Ở trong thời chia ra từng khu, cả thảy có 97 khu, rộng tới 44 mẫu tây (chừng 130 mẫu ta). Khu nào cũng có những mộ đẹp, hoặc đẹp vì cách kiến trúc, hoặc đẹp vì chất đá đủ các sắc, hoặc đẹp vì những hình tượng chạm khắc vào đấy, nhiều cái mộ thật là những đại công trình về mỹ thuật, không thể nào xem cho khắp hết được. Còn những danh nhân chôn ở đây cũng không biết bao nhiêu mà kể. Như ở khu thứ 4, có mả của họ Rochefoucauld; mả của nhà lý học Arago; nhà bác học Barthélemy Saint Hilaire; nhà triết học Cousin; nhà chính trị Ledru Rollin; quan giám quốc Félix Faure; thi nhân Alfred de Musset, có cái tượng bán thân bằng cẩm thạch, lại có cây liễu rủ che, coi rất có vẻ thơ; văn sĩ Arsène Houssage; - khu thứ 7, có mả của tay đại danh kỹ [13] Rachel, đã từng "nổi danh tài sắc một thì", vào khoảng tiền bán thế kỷ 19; mả Héloise và Abélard, là một đôi tình nhân có tiếng về đời Trung cổ, đã diễn ra một đoạn tình sử rất ly kỳ, trên mả xây như hình một cái long đình, có tượng hai người nằm song song; - khu thứ 8 có mả của thi nhân Chénier; - khu thứ 9, mả nhà triết học Royer Collard; - khu thứ 11, mả văn sĩ Bernardin De Saint Pierre; - khu thứ 12, mả tay kép có tiếng Talma; - khu thứ 17, mả nhà đại triết học Auguste Comte; - khu thứ 25, mả hai thi hào La Fontaine và Molière, là hai người chôn ở nghĩa địa này trước nhất; - khu thứ 26, mả văn sĩ Alfonse Daudet; - khu thứ 44, có cái mả nhà thần linh học Allan Kardec, làm bằng mấy tấm đá nguyên chồng lên như kiểu những cổ mộ đất Bretagne, trông cũng kỳ; ông này sinh thời nổi tiếng về khoa thần linh học, nay còn có người mê tín đến lễ bái, nghe đâu có linh ứng nên thấy những đồ lễ tạ bày la liệt cả; - khu thứ 48, mả văn hào Balzac; - khu thứ 52, mả nhà đại sử học Michelet và văn sĩ Buloz sáng lập ra tạp chí Revue des Deux Mondes; - khu thứ 64, có đài kỷ niệm những quốc sĩ tử trận năm 1870-1871; - khu thứ 87, có xây một cái lò thiêu xương để dùng những khi hoả táng, và một cái đài có chia ra từng ô để đựng tro những người hoả táng (tên tây gọi cái đài ấy là Colombarium). Xem nghĩa địa xong, chạy xe về Vincennes ăn cơm trưa ở một nhà hàng trông ra thành Vincennes. Ăn đã muộn, anh em định ngồi nghỉ đây một chút rồi lại đi chơi. Hai giờ đi xem Vườn Bách thú (Jardin des Plantes). Bác vật viện [14] (Muséum d'Histoire naturelle) tức là ở đây. Dạo qua trong vườn xem các khu nuôi những giống chim muông thú dữ, rồi vào xem trong các sảnh, như sảnh Động vật học, sảnh Khoáng vật học và Địa chất học, sảnh Thực vật học chia ra hai trường lớn lắm. Ngay cửa vào có một cái nhà cổ mới chữa lại, gọi là "nhà ông Buffon" (maison de Buffon), ông là một nhà bác vật kiêm văn học có tiếng, khi xưa ở đây từ năm 1773 đến năm 1788, nay cái nhà ông ở vẫn giữ để làm kỷ niệm. Ở trong vườn, về phía tả, là nơi đại diễn đàn, để những khi diễn thuyết hay là hội họp đông. Bên cạnh sảnh Địa chất học, có một cái đại thư viện đựng 25 vạn quyển in, 2 nghìn quyển sách viết và vô số những địa đồ. Nghe nói có một bộ sách bác vật của Tàu viết bằng tay, có tranh vẽ, tám quyển, quý lắm, nhưng không được xem. - Sau cùng vào xem trong Bác vật viện, ngay cửa vào thấy một cái tượng bằng đá trắng hình một con đười ươi đánh nhau với một người ấn Độ, nét chạm coi đã hùng lắm. Trong viện vô số những bộ xương các giống cổ động vật, có bộ xương con voi thượng cổ dài 25 thước; còn những xương và sọ các giống người đời xưa đời nay không biết bao nhiêu mà kể, người An Nam mình cũng có. Lại có những tranh vẽ về phong tục các giống người; có một bộ vẽ các hạng người An Nam vào khoảng năm 1860, coi y phục của các cụ đời bấy giờ cũng hơi khác bây giờ. –Còn trong vườn, trong sảnh, trong viện, đâu đâu cũng bày la liệt những tượng đá tượng đồng, hoặc để hình dung các vật trạng, hoặc để kỷ niệm các danh nhân. Cây kỳ, cỏ lạ, hoa đẹp, sắc tươi, rải rác khắp mọi nơi; không những là một chốn khảo cứu cho nhà bác học, lại là một cảnh ngoạn mục cho khách lịch du. Năm giờ chiều mới ở vườn Bách thú ra, trước khi lên xe mua một mớ cartes postales các giống thú lạ để gửi về cho các trẻ nhỏ ở nhà. Nào là sư tử, nào là hổ báo, nào là hươu nai, nào là vượn khỉ, mỗi cô mỗi cậu được mấy con giống, xem mà tranh nhau ỏm tỏi! Còn cái con nai cao cổ kia, chắc anh chị nào cũng thích, ta phải mua đến nửa tá mới đủ... Trời còn sớm, định đánh xe vào "rừng" chơi. Dạo được vài vòng, xe đi từ từ, ai ngờ tình cờ gặp gỡ, thấy hai mĩ nhân thấp thoáng dưới bóng cây. Anh em bàn nhau: "Theo phép lịch sự của Thái Tây, thấy mỹ nhân đi đất, mình phải đón lên xe đưa đến đầu rừng mới phải, anh nào dám xuống mời hai cô lên?" Anh nọ giục anh kia, rồi đỗ xe ở một góc rừng, giả đò xuống ngồi ghế để nghỉ chân. Chợt mỹ nhân đi đến nơi, con mắt tủm tỉm cười, anh em đứng lên chào: "Hai tiểu thư xem chừng đi đã nhọc, chúng tôi đã sẵn xe, về đâu chúng tôi xin đưa". Hai cô cám ơn, rồi nhận ngay, chỉ nhà cho đưa về, nhưng chúng mình giả đò không biết đường, cứ chạy xe quanh co trong rừng, mãi tối mới đưa đến nơi. Hai cô xem chừng cũng không phiền hà gì mà trò chuyện rất vui vẻ. Cơm tối rồi, lại chạy xe dong trong thành phố đến 12 giờ đêm mới về trọ. Cái cảnh tượng Paris ban đêm, chúng mình thật đã như in trong rèm mắt. Hôm nay chạy xe suốt ngày, dùng cũng hại dầu, nhưng chơi cũng thoả chí.°
Thứ sáu, 30 tháng 6. Người An Nam ta, hoặc sang du học, hoặc sang làm việc ở Paris được một năm nay đã thành lập một hội ái hữu, đặt là Association Mutuelle des Indochinois, hiện ông kỹ sư Cao Văn Sến (người Lục tỉnh, lấy vợ đầm) làm hội trưởng. Hội này được Bộ Thuộc địa và Kinh tế cục Đông Pháp (tức là Phủ Toàn quyền bên ta) tán trợ. Gần đây mới thuê được cái nhà ở đường Du Sommerard để làm hội sở, sắp khánh thành nay mai. Nhân có Hoàng thượng sang, quan Thuộc địa Sarraut muốn tổ chức một cuộc ca nhạc để quyên tiền và cổ động cho Hội. Cuộc ca nhạc ấy nhờ được một bà tài tử – Mme Marthe Rennesson – đứng chủ trương, định vào chiều hôm nay từ 2 giờ đến 6 giờ, tại rạp hát Edouard VII. Anh em phái viên đều có giấy mời cả, nhưng ai cũng mua vé để giúp vào Hội. Đúng giờ, Hoàng thượng và quan Thượng thư đến để chủ toạ. Trong chương trình có đủ lối ca xướng, như hát, ngâm, đọc văn, diễn kịch, khiêu vũ, v.v., và đào kép toàn là những tay có tiếng ở các rạp hát lớn Paris đến giúp, như Comédie français, Opéra Comique, Opéra, Odéon, Trianon Lyrique, mỗi người chỉ mươi mười lăm phút thay đổi nhau luôn, thật là vui tai sướng mắt, không mấy khi có dịp cùng một lúc mà được nghe nhiều những tay danh ca diệu kỹ như thế. Nhất là nghe ngâm thơ và đọc văn thì hay tuyệt. Mình học chữ tây trong bao lâu thật chưa từng được nghe có người đọc câu thơ câu văn tây thanh tao minh bạch, như rót vào tai như thế. Một bài văn hay mà không có người đọc hay thì tựa hồ như nó kém hay đi; được người đọc hay thì cái hay như tăng lên bội phần vậy. Như nghe cô Madeleine Roch, rạp Comédie Français, đọc thơ Victor Hugo; cô Nizan cũng rạp Comédie Français ngâm bài La vieille maison (Cái nhà cổ) của André Rivoire; cô Paule Andrai rạp Odéon ngâm bài La tristesse des Bêtes (Cái buồn của giống vật) của Jean Richepon và bài L'Innocence (Tấm lòng băng tuyết) của bà bá tước De Noailles, thật sướng quá, bấy giờ mới biết thưởng hết cái thú văn chương. Không những có giọng mà lại có bộ [15], không những có bộ mà lại có tình, có tứ nữa, chỗ nào vui ra vui, chỗ nào buồn ra buồn, có ngậm ngùi than thở, có chỗ dí dỏm tươi cười, tựa hồ như đọc đến câu nào thì để cả tâm hồn tình tính vào câu ấy, có vẻ linh hoạt dễ cảm người. Tưởng người không hiểu văn Tây, cứ nghe giọng xem bộ cũng lĩnh lược được cái tình ý nghĩa lý trong bài văn vậy. Ả đào ta ví biết được cách ngâm thơ đọc văn như thế thì nghề xướng ca tưởng cũng không phải không có giá trị. Tiếc thay toàn là những kẻ vô học, lại tuyệt nhiên không có cái cảm tưởng gì cao thượng về nghề mình cả, khi cất tiếng lên hát thì hát một đàng người một nẻo, tựa hồ không quan hệ gì với nhau, và chẳng khác cái ống lưu thanh vặn máy. Văn chương mình không phải không có bài hay và nghề hát mình không phải tất nhiên là đê tiện; làm cho đê tiện đi là ở tự người theo nghề không biết tự tôn và tự trọng. Cô đào nào đọc được bài Tì bà cho réo rắt, tả được hết cái tâm sự của khách Tàm Dương, trong khi đọc như tưởng mình là người thương phụ đem nỗi lòng mà tỏ cáo với kẻ tri âm, hay là ngâm được bài Thu hứng cho ra cái cảnh hiu hắt lạnh lùng, đem cái giọng tiêu tao, cái bộ não nuột mà tăng giá cho cái văn chương bi thu tiêu sái [16] của cổ nhân, há chẳng phải là một bậc tài tình mà tài đáng trọng, mà tình đáng thương dư? Ngạn ngữ Tây có câu: "Không có nghề dở, chỉ có người hư mà thôi", thật thế. Nhưng người hư đây tưởng không một là con nhà nghề, mà có lẽ cả khách làng chơi vậy...[1]talawas: Trong tác phẩm đã in, chúng tôi không thấy có phần XVII tiếp sau phần XVI (tại talawas, nó kết thúc ở kỳ 8/13), chưa rõ là do đây là phần không được sử dụng đến trong bản in lần này hay do có sự nhầm lẫn hoặc sơ suất nào đó.[2](Tiền trả/ bồi thường cho) con bị mất cha.[3](Tiền trả/ bồi thường cho) vợ bị mất chồng.[4]Lược bỏ câu nguyên văn tiếng Pháp.[5]Đến như.[6]Điêu khắc.[7]Bạn đồng nghiệp.[8]Đứng đầu cả.[9]Người sống lâu ở một vùng, người bản địa.[10]Rõ ra.[11]Nhà xây bằng đá.[12]Khác đã từng trải việc đời.[13]Diễn viên nổi tiếng.[14]Ngày nay thường gọi là Bảo tàng lịch sử tự nhiên.[15]Điệu bộ, diễn xuất.[16]Khí tiết thanh cao, không dính trần tục.