Những đồ dùng biết nói

Cái miệng nó mẻ một miếng khá to cho nên cái lòng nó nông choèn, nhẵn bóng. Phần miệng còn lại, thầy và các anh mài dao vẹt đi. Nhìn vào vỏ cối thì biết cái cối này thầy u mua từ lâu lắm bởi nó nhẵn. Nhẵn do vần nhiều, nhưng khi cần lắm chúng tôi mới vần vì nó nặng. "Vần như vần cối đá" mà lị! Bình thường thì cối đá ngồi ở dưới gốc mít.
Nói đến cối lại phải nói đến chày. Chày cứ cối mà nện rất ác. Lưng chày thắt lại bóng như bôi mỡ. Hai nửa cán chày tướp xơ, hai đầu chày tròn xoe và mòn.
Cái cối thế này thì không giã được giò. Chưa thấy nhà tôi giã giò bao giờ!
Con cua bóc mai, bóc yếm cho vào giã nghe cũng vui tai lắm! Cối bị giã kêu choạc choạc! Chỉ một lát thôi, lòng cối đầy cua giã nhuyễn.
Có vừng, có lạc mà giã thì còn phải nói. Mùi lạc, mùi vừng bay sang đến hàng xóm. Sau khi giã xong, cho cơm vào trôn cối tiện tay nện cho vài chày, cơm nát ra quánh lại lẫn vừng rồi nắm lại từng nắm cơm chim, ngon biết mấy!
Bao lần tôi giã riềng để hòa muối, rang làm thức ăn. Riềng bắn vào mắt, cay sè. Nếu nó không bắn vào mắt thì mùi nó xông lên cũng đủ làm cho người ta giàn giụa nước mắt nước mũi, nhìn nhòe cả cối.
Chắc cái cối cũng cay lắm.
U đau bụng kinh niên. Nếu u uống thuốc mặn thì dịu ngay. Nhưng thuốc mặn đắt lắm, lại phải mua tận tỉnh. Có hôm kiếm được tiền u cũng mua. Cầm gói thuốc u tỉnh hẳn như đã khỏi bệnh. U uống dè xẻn từng thìa con.
Tiền đâu mà mua thuốc mặn! Người ta mách rằng: Vỏ sò, vỏ hến, vỏ ốc lâu năm, nó trắng như vôi, rẻ như bèo, họ bán đầy chợ Và, chợ Dạm.
U mua từng rổ về, đổ ở góc nhà. Tối tối u vốc một vốc vùi vào trấu. Trấu nung nấu âm ỉ suốt đêm. Sáng sau, vỏ sò, vỏ hến, vỏ ốc chín nục ra. U cho vào cối giã. U giã nhỏ biến rồi lấy rây, rây. Bột mịn. U uống cũng đỡ đau...
Tất cả những việc ấy về sau tôi làm đỡ u. Vỏ sò, vỏ hến, vỏ ốc, vỏ trai, u gọi chung là "mẫu lệ".
Tôi cho mẫu lệ vào cối giã. Tiếng giã khô khốc. Những mảnh sắc đâm vào chày. Chắc chày cũng đau. Còn lòng cối thì đau lắm.
°

*

U gọi nó là cái cối tân. Cái vành, cái áo bằng nan tre luôn luôn bị vá, bị cạp. Hai cái tai nó bằng tre già màu nâu. Mỗi tai có một cái lỗ tròn xoe. Lúc nào tai cũng tỉnh táo để nghe ngóng. Cối có hai hàm răng bằng gỗ dẻ. U gọi là dăm. Răng nó nhiều, ken vào nhau. Vậy nên người ta nói "chật như nêm cối". Nói đến cối lại phải nói đến cần. Cái cần dài bằng tre đực vàng óng. Đầu cần là củ tre, có cái chốt. Cái chốt bằng tre mà rắn như đanh, móc vào tai cối. Từ chỗ tay cầm có cái thừng buộc từ xà nhà. Đẩy đi kéo lại, cối kêu ù ù. Nhà nào có cối xay, cối giã là nhà khá giả. Vì nghèo quá thì không đóng nổi cái cối. Hơn nữa có thóc đâu mà xay, mà giã. Nhà nghèo năm thì mười họa, khi có thóc thường đi xay nhờ, giã vả.
Thế thì vì sao nhà tôi lại có cối xay? Tôi nhớ một đêm thầy u bàn lâu lắm: Vay tiền để đóng cối. Vay tiền để đong thóc, xoay xở hàng xay hàng xáo mà nuôi nhau. Nghe thế, tôi vui quá. Chao ơi. Nhà sẽ có cối. Nó kêu ù ù đã đủ vui nhà vui cửa rồi.
Ngoài đường ngày nào cũng có một ông quẩy đồ lề đi qua: "Ai cối khôông?". Cả vùng này quen ông và quý ông. Ông ở làng Nguyễn trước kia. Người ta gọi ông là ông phó Thình. Ông được mời vào đóng cối cho nhà tôi. Chỉ ngày một ngày hai, quay đi, ngoảnh lại ông đã đóng xong cái cối xinh xinh. Cái cối xuất hiện như một giấc mộng, ngồi chễm chệ giữa gian nhà trống.
Chọn được ngày lành tháng tốt, u đong một gánh thóc vàng ươm về. Đổ vào lòng cối, u xay thử. Từ xung quanh cối, gạo lẫn trấu chảy xuống vành rào rào như mưa. U vốc lên tay một nắm, tãi ra, thổi phù phù. Cả vốc gạo chỉ lỏi vài hột thóc. U gật đầu: Cối mới, chửa thuần mà được thế này là nhất đấy! Hai thóc một gạo. Hai thúng thóc sau khi xay, giã, giần, sàng xong còn gần đầy một thúng gạo. Ngoài ra còn tấm, cám, trấu. Từ hôm u làm hàng xáo, nhà được ăn cơm tấm luôn. "Ăn no cơm tấm, nằm ấm ổ rơm". Gạo, u đem bán ngay ở chợ Dạm dưới chân chùa Cao. Bán xong, khi về u vui hẳn. Có lãi rồi.
Cứ thế, ngày lại ngày qua, đêm đêm tôi xay lúa với u. Hai u con cầm cần xay. Tiếng cối ù ù trong đêm nhưng không át nổi tiếng thở dồn dập của u.
Vài năm sau, cái cối đã cũ rích. Vành nó bật ra. Cái áo tướp xơ. Răng mòn thín. U thở dài: "Lại phải chạy tiền đóng lại cái cối rồi!".
Bỗng, u ốm năm sáu ngày liền. Trong nhà vắng tiếng ù ù, chỉ có tiếng rên của u. Nhà có hai con gà què. Chuyên ăn quẩn cối xay. Nhặt chẳng được hạt thóc hạt gạo, gà ta ỉa vung ỉa vãi xung quanh cối. Cối lạnh tanh, ngồi há hốc miệng.
Trong giấc mê tôi thấy cối nói:
- Bà chủ ơi! Bà cố chạy tiền chữa cho tôi lành lặn. Tôi lành lặn thì bà cũng khỏi ốm. - Cối nói đúng. Nó vừa được đóng lại lành lặn thì u khỏi ốm.
Đêm đêm tiếng ù ù lại vui cả xóm...
°

*

Gọi là cái chăn ta vì nó là vải của nước Nam ta tự dệt. Thầy u sắm từ ngày mới cưới. Nó có hai lần vải nhưng lại không có lõi bông như chăn nhà người. Vốn dĩ nó là màu nâu. Bây giờ nó bạc phếch, nó mang trên mình hàng trăm miếng vá: Miếng màu đen, miếng màu cháo lòng, miếng nâu, miếng gụ, miếng xanh, miếng vàng... U gọi nó là cái chăn đụp. Cứ càng vá nhiều, nó càng dày ra, nó ấm.
Mùa rét, tôi gọi trẻ con hàng xóm đến nhà trèo lên giường, trùm chăn, ngủ. Trong chăn, những tiếng cười rúc rích vui đáo để! Đã trùm kín rồi mà tôi vẫn nhìn thấy mái nhà. Ngủ, chán, chúng tôi chơi ú tim, giằng xé cái chăn. Chăn bục ra từng mảng. Tôi biết, tối về u sẽ mắng.
Đêm, tôi nằm bên này giường, cứ thấy u giở mình sột soạt trên ổ rơm. Chưa bao giờ u giở mình nhiều đến thế!
Tôi sực nghĩ: Cái chăn rách, gió lùa, u không ngủ được! Những chỗ lành chắc u nhường cho cái Bảng. Cái Bảng ngáy pho pho...
°

*

Gọi là cái chăn tây vì nó là vải được đem từ bên Tây sang. Gọi cho oai. Nó là cái chăn dạ, màu cứt ngựa. Nghe đâu khi nhà đã đông người, thầy sang bới trong đống tầm tầm của nhà bác Ký mua từ tỉnh về. Trong đó có một cái chăn Tây. Thầy mừng quá, bảo bác Ký bán rẻ cho. Cái chăn bạc phếch, mùi mốc meo xông lên. Mùi mốc của những thứ này thì khó ngửi lắm! Tôi giải ra giường, ngồi lẩn mẩn đếm. Nó là ba trăm-hai-mươi-bảy miếng vải ghép lại. Tôi thầm khen. Ông thợ may này là ông thợ may khéo, đã khéo lại chịu khó, nhưng nghèo lắm đây. Họ bán cái chăn đi có thể là do túng bấn. Nhưng cũng có thể họ khá giả sắm được cái chăn khác tốt hơn.
Cái chăn trùm cho những ba người. Thầy, anh Thả duỗi chân ra thì một là hở đầu hai là hở "đuôi". Tôi bé bỏng được nằm giữa, ấm đến ngột, không chịu nổi.
Nửa đêm tôi nhoài người lên. Thầy lại khẽ kéo tôi xuống. Riêng hơi của thầy đã đủ ấm rồi! Lúc quá rét thầy đã từng trùm chăn, phủ phục như một con voi phục ôm tôi gọn lỏn trong lòng. Mùi mồ hôi quen thuộc của thầy; hơi thở phảng phất mùi khói thuốc lào làm tôi thêm ấm. Đêm, được nằm giữa, tôi cứ nhoài lên khỏi đầu mọi người, làm khổ thầy khổ anh. Đã thế, thầy lại nói thầm với anh Thả: "Cái kiểu nằm thế này, lớn lên nó có chí hơn người đây!". Nghe câu ấy bao lần trong các đêm, tôi lại càng hay nhoài, gác cả chân lên vai, lên ngực mọi người.
Người ta nói: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Nhưng cái chăn này khéo co mấy nó vẫn hở đầu, hở chân, lạnh sườn.
Hai cái chăn đang nói: "Bạn ơi! Nay mai bạn đi đâu thì đi, ra sao thì ra, bạn cũng ở trong lòng tôi những ngày bạn thơ bé".
°

*

Những đồ dùng biết nói thật đấy! Tôi đã từng nhìn khắp nhà, những đồ dùng đã sống cùng tôi: Cái võng đay rách. Cái chiếu manh thủng giữa. Cái mâm gỗ mộc "cóc gặm" một góc. Cái giỏ cua trông hình con ong, vá đi vá lại. Cái rổ, cái rá cạp lại. Cái chạn bát xiêu vẹo đầy mọt, đụng vào là bụi bay. Cái giường nứa ọp ẹp nan gãy nan còn. Cái điếu bát nứt vành, chằng dây thép. Đến cái vại nước cũng phải vá xi-măng, v.v...
Tất cả, tất cả chúng đều cất tiếng: "Chúng tôi được sống cùng với tuổi thơ anh. Chúng tôi hoàn toàn không muốn nhờ vả anh cái gì. Chúng tôi chỉ muốn theo dõi từng bước anh đi..."