Trong lời lẽ của người bào chữa, có một điểm làm mọi người sửng sốt, đó là hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của ba ngàn rúp ác hại ấy, vì vậy là phủ nhận khả năng cướp đoạt số tiền ấy.- Thưa quý vị bồi thẩm, - luật sư bắt đầu, - trong vụ này, bất cứ người nào mới lạ và không thiên kiến đều sửng sốt vì một đặc điểm, đó là: buộc tội cướp của, đồng thời hoàn toàn không có khả năng thực tế chỉ rõ cướp cái gì? Cướp tiền, người ta bảo thế, chính là ba ngàn rúp, mà sự tồn tại thực của nó thì không ai biết. Các vị hãy thử xét xem: làm thế nào chúng ta biết rằng có ba ngàn ấy, ai trông thấy nó? Chỉ có tên đầy tớ Xmerdiakov trông thấy và chỉ ra rằng nó để trong chiếc phong bì có chữ đề. Y nói cho bị cáo và em ruột bị cáo là Ivan Fedorovich điều đó từ trước khi tai hoạ xảy ra. Cả Xvetlova cũng biết. Nhưng dùsao cả ba nhân vật ấy không nhìn thấy tiền, chỉ có Xmerdiakov nhìn thấy, nhưng một câu hỏi tự nó nảy ra: nếu đúng là có số tiền ấy và Xmerdiakov nhìn thấy thì hắn nhìn thấy lần cuối cùng khi nào? Nếu ông chủ lại lấy số tiền ấy từ dưới đệm và cho vào hộp mà không cho hắn biết thì sao? Xin lưu ý rằng theo Xmerdiakov thì tiền nằm dưới đệm, bị cáo hẳn phải lấy ra từ dưới đệm, nhưng giường vẫn không nhàu nát tí nào, điều đó được ghi cẩn thận trong biên bản. Bằng cách nào bị cáo có thể hoàn toàn không làm giường nhàu nát, thêm nữa hai tay vấy đầy máu mà không làm bẩn tấm dra mới cố ý đem ra trải lần này? Nhưng người ta sẽ nói với chúng ta: thế còn phong bì trên sàn? Chính về chiếc phong bì ấy là điều đáng nói. Ban nãy thậm chí tôi hơi ngạc nhiên: vị công tố tài cao, khi nói về chiếc phong bì ấy, đã tuyên bố, chính quý vị nghe thấy đấy, ở chỗ mà ông chỉ ra sự vô lý của giả thuyết rằng Xmerdiakov giết: "Nếu không có cái phong bì ấy, nếu nó không nằm trên sàn như một tang chứng, nếu kẻ cướp của mang luôn nó đi thì cả thế gian này không ai biết có chiếc phong bì đựng tiền, vì vậy là bị cáo đã cướp tiền". Như vậy, duy chỉ có mảnh giấy bị xé rách trên đề chữ, thậm chí theo lời thú nhận của chính bị cáo, là sự buộc tội bị cáo cướp của, "nếu không thì sẽ không ai biết là có cướp của, và có lẽ là có tiền". Nhưng chẳng lẽ chỉ riêng việc mảnh giấy lãn lóc trên sàn là bằng chứng rằng trong đó có tiền và tiền đã bị cướp đi ư? Nhưng người ta đáp: "Xmerdiakov nhìn thấy tiền ở trong phong bì", nhưng hắn nhìn thấy tiền lần cuối khi nào, tôi hỏi. Tôi đã nói chuyện với Xmerdiakov, hắn nói với tôi rằng hắn thấy tiền hai ngày trước khi xảy ra tai hoạ! Nhưng tại sao tôi không thể giả thiết một tình huống chẳng hạn ông già Fedor Pavlovich ngồi lì ở nhà, suốt ruột bồn chồn chờ người tình, vì không có việc gì làm, chợt nảy ra ý nghĩ lấy chiếc phong bì và xé nó ra: "Phong bì làm cái quái gì, có lẽ nàng sẽ không tin, còn nếu ta giơ cho nàng xem một tập ba chục tờ giấy ngũ sắc thì có tác động mạnh hơn, nàng sẽ thèm nhỏ rãi ra", - thế là ông già xé phong bao lấy tiền ra, còn phong bì thì vứt xuống sàn bằng bàn tay oai quyền của ông chủ, và cố nhiên không sợ để lại tang chứng gì cả. Thưa quý vị bồi thẩm, quý vị nghe đấy, giả thuyết như thế, sự kiện như thế có thể có quá đi chứ? Tại sao không nhỉ? Nhưng nếu sự việc như thế có thể có dù lời buộc tội cướp của tự nó tiêu ma: không có tiền, vì vậy cũng không có chuyện cướp của. Nếu phong bì nằm trên sàn như một tang chứng rằng trong đó có tiền thì tại sao tôi lại không thể khẳng định ngược lại, chính là phong bì nằm lăn lóc trên sàn là bởi trong đó không còn tiền, ông chủ trước đó đã lấy ra rồi. "Phải, nhưng vậy thì tiền biến đi đâu, nếu chính Fedor Pavlovich đã lấy ra, khám xét trong nhà không tìm thấy tiền kia mà?". Thứ nhất, trong hộp của ông ta đã tìm thấy một phần tiền, thứ hai là ông có thể lấy tiền từ buổi sáng, thậm chí từ hôm trước, dùng tiền vào việc khác, thanh toán, gửi đi, cuối cùng là thay đổi ý nghĩ của mình, thay đổi tận gốc kế hoạch hành động của mình và không thấy cần thiết phải báo trước cho Xmerdiakov biết thì sao? Nếu giả thuyết như vậy có thể có, chodù chỉ là một khả năng nhỏ nhoi thôi, thì làm sao có thể buộc tội bị cáo một cách dai dẳng và cương quyết như thế rằng bị cáo giết người để cướp của và thực sự có cướp của. Vì như vậy là chúng ta đi vào lãnh vực tiểu thuyết. Nếu khẳng định rằng một vật bị cướp thì cần chỉ ra vật ấy hay ít ra chứng minh rằng chắc chắn rằng vật đó có thực. Đằng này chẳng ai nhìn thấy nó. Mới đây ở Peterburg, một người trẻ tuổi, gần như còn trẻ con, mười tám tuổi, bán hàng rong lặt vặt, giữa thanh thiên bạch nhật cầm rìu vào một tiệm đổi tiền và táo tợn phi thường, điển hình, giết chủ tiệm, lấy đi một ngàn năm trăm rúp mà y đã kịp tiêu đi, người ta tìm thấy tất cả số tiền còn lại. Ngoài ra người tài công trở lại tiệm sau vụ giết người đã báo cho cảnh sát biết số tiền ấy gồm những loại tiền gì, nghĩa là bao nhiêu tờ ngũ sắc, bao nhiêu tờ xanh, bao nhiêu tờ đỏ, bao nhiêu tiền vàng và những loại gì, trên người kẻ sát nhân bị bắt có đúng những loại tiền giấy và nền vàng như thế. Thêm vào đó là sự thú nhận thành khẩn, đầy đủ rằng y đã giết người và lấy chính số tiền ấy. Thế mới gọi là tang chứng chứ, thưa quý vị bồi thẩm. Ở đây tôi biết, tôi nhìn thấy, sờ mó thấy tiền và không thể nói rằng không có tiền. Trong trường hợp này có như thế không? Thế mà đây là chuyện sống hay chết, số mệnh con người. "Đúng vậy, người ta sẽ nói, nhưng ngay đêm hôm ấy anh ta đã ăn uống hoang toàng, tiêu tiền như rác, đã tìm thấy ở anh ta ngàn rưởi rúp, anh ta lấy đâu ra số tiền ấy?" Nhưng chính bởi vì phát hiện thấy ở anh ta có ngàn rưởi rúp thôi, nửa còn lại của số tiền không thể tìm ra được, nên điều đó chứng minh rằng tiền ấy hoàn toàn không phải là số tiền không hề có trong phong bì. Tính thời gian (mà tính hết sức chặt chẽ), cuộc điều tra sơ bộ đã chứng tỏ rằng bị cáo, sau khi từ chỗ người đầy tớ gái chạy đến nhà viên chức Perkhotin, thì không ghé qua nhà và không tạt vào đâu cả, rồi suốt thời gian sau đó, anh ta ở trước mắt mọi người, thành thử không thể tách ra một nửa của ba ngàn và giấu vào đâu cả. Chính đó là nguyên nhân khiến ông công tố giả định rằng bị cáo giấu tiền vào một khe kẽ nào đó ở Mokroe. Phải chăng là giấu trong hầm lâu đài, Udonfơ(1), thưa quý vị? Phải chăng đấy là một giả thuyết hoang đường, lãng mạn? Xin lưu ý, chỉ cần loại bỏ giả thuyết có cái gì cất giấu ở Mokroe là lời buộc tội cướp của bay biến, bởi vì nghìn rưởi ấy ở đâu, biến đi đâu? Bằng phép màu nào nó có thể biến mất, nếu chưng minh được rằng bị cáo không hề đi đâu? Bằng những thiên tiểu thuyết như thế, chúng ta có thể huỷ diệt mạng người như chơi! Người ta sẽ bảo: "Dù sao anh ta không thể giải thích ngàn rưởi anh ta có lấy đâu ra, ngoài ra mọi người đều biết rằng trước đó anh ta chẳng có đồng nào". Vậy thì ai biết điều đó? Nhưng bị cáo đã khai rõ ràng và dứt khoát về việc lấy tiền ở đâu ra, và nếu muốn, thưa quý vị bồi thẩm, trước kia cũng như hiện nay không thể có cái gì dễ tin hơn lời khi ấy, phù hợp hơn với tính cách và tâm hồn bị cáo. Vì công tố thích pho tiểu thuyết của mình: bị cáo tính nết nhu nhược, chịu lấy ba ngàn đồng do vợ chưa cưới đưa ra trong"điều kiện hết sức nhục nhã anh ta không thể để riêng ra một nửa và khâu vào cái túi, nếu như có khâu thì cứ hai ngày anh ta lại tháo ra lấy một trăm rúp và như vậy một tháng là hết nhẵn". Các vị hãy nhớ rằng tất cả những điều đó được trình bày bằng giọng không cho phép phản đối Nhưng nếu sự việc diễn ra hoàn toàn không như trong cuốn tiểu thuyết đã tạo ra, mà ở đây có một nhân vật hoàn toàn không như trong cuốn tiểu thuyết đã tạo ra, mà lại có một nhân vật hoàn toàn khác thì sao? Vấn đề chính là ở chỗ vị công tố đã tạo nên một nhân vật khác! Có lẽ người ta sẽ phản đối: "Có những người làm chứng rằng anh ta đã ăn chơi ở làng Mokroe hết cả ba ngàn rúp lấy của cô Verkhovxeva, một tháng trước khi xảy ra tai hoạ, tiêu luôn một lần hết sạch, thành thử không có chuyện anh ta tách ra một nữa". Nhưng những người làm chứng ấy là ai? Mức độ xác thực của những người làm chứng ấy tại toà đã bị phơi trần. Ngoài ra, miếng bánh trong tay người khác bao giờ xem ra cũng to hơn. Rốt cuộc, không người nào trong số những người làm chứng tự tay đếm số tiền ấy, chỉ phán đoán bằng mắt.Như nhân chứng Maximov khai rằng bị cáo cầm trong tay hai chục ngàn đồng. Các vị thấy đấy, thưa quý vị bồi thẩm, bởi vì tâm lý học có hai đầu, nên xin cho phép tôi dùng đầu kia và ta sẽ xem kết quả ra sao. Một tháng trước khi xảy ra thảm hoạ, bị cáo được tiểu thư Verkhovxeva trao cho ba ngàn rúp để gửi đi bằng bưu điện: có đúng là được trao trong điều kiện nhục nhã, mất phẩm giá như vừa nói ban nãy không? Theo lời khai đầu tiên của tiểu thư Verkhovxeva về việc này thì hoàn toàn không phải như thế; trong lời khai lần thứ hai chúng ta nghe thấy tiếng gào thét giận dữ, trả thù, tiếng gào thét của nỗi căm hờn đã che giấu lâu ngày. Nhưng chỉ riêng một việc người làm chứng khai lần đầu đã không đúng khiến chúng ta có quyền kết luận rằng khai lần thứ hai cũng không đúng. Công tố viên "không muốn, không dám" (đây là lời của ông) đụng chạm đến thiên tiểu thuyết ấy. Thôi được tôi cũng sẽ không đụng chạm đến, tuy nhiên cho phép tôi chỉ đưa ra nhận xét rằng nếu một nhân vật trong trắng, đạo đức cao không phải bàn cãi gì nữa như tiểu thư Verkhovxeva, tôi xin nói, một người như thế mà đột nhiên, tại toà, thay đổi lời khai lần đầu của mình, nhằm mục đích trực tiếp là làm hại bị cáo, thì cũng rõ ràng là lời khai của tiểu thư không vô tư, không bình tĩnh. Chẳng lẽ chúng ta không có quyền kết luận rằng người phụ nữ báo thù có phóng đại nhiều điều? Đúng, chính là phóng đại nỗi hổ thẹn và sĩ nhục do số tiền mình trao gây ra. Trái lại, tiền ấy được trao sao cho còn có thể nhận được, đặc biệt một người nông nổi như bị cáo của chúng ta. Cái chính là anh ta vẫn nhắm sẽ nhận được ba ngàn đồng mà cha còn thiếu anh ta theo sự tính toán. Thật là nông nổi, nhưng chính vì nông nổi mà anh ta tin chắc rằng cha sẽ trả cho anh ta, anh ta sẽ nhận được, vì vậy bao giờ cũng có thể trả cho tiểu thư Verkhovxeva số tiền đưa anh ta nhờ gửi bưu điện, và thanh toán hết nợ nần. Nhưng ông công tố tuyệt nhiên không muốn chấp nhận rằng ngay trong ngày hôm ấy, ngày buộc tội, anh ta có thể lấy ra nửa số tiền và khâu vào cái túi: "Tinh cách anh ta không phải như thế, anh ta không thể có những tình cảm như thế. Nhưng chính ông lại lớn tiếng nói về hai vực thẳm mà Karamazov có thể ngắm nhìn, Karamazov chính là một bản chất hai mặt, hai vực thẳm, ngay lúc có nhu cầu ăn chơi trác táng anh ta có thể dừng lại nếu có cái gì làm anh ta sửng sốt từ phía bên kia. Mà cái phía bên kia ấy là tình yêu, chính là tình yêu lúc ấy bùng cháy như thuốc súng, mà để giữ được tình yêu ấy thì cần có tiền, cần hơn nhiều so với số tiền để ăn uống với chính người yêu ấy. Nàng sẽ bảo anh ta: "Em là của anh, em không muốn lấy Fedor Pavlovich", anh ta sẽ vồ lấy nàng và đưa đi, nhưng phải có tiền mới được. Cái đó quan trọng hơn cả việc nhậu nhẹt. Karamazov không hiểu điều đó sao? Anh ta đau đớn chính vì mối lo âu ấy, - vậy thì có gì khó tin nếu anh ta để dành một số tiền, cất đi phòng xa? Thế nhưng thời gian trôi đi, Fedor Pavlovich không trao cho bị cáo ba ngàn đồng, mà nghe đâu ông già dùng chính số tiền ấy làm mồi nhử người anh ta yêu. "Nếu cha không đưa tiền, - anh ta nghĩ, - thì đối với Ekaterina Ivanovna ta tà kẻ ăn cắp". Anh ta nảy ra ý nghĩ rằng ngàn rưởi mà anh ta vẫn mang trong cái túi ấy, anh ta sẽ đem đến đặt trước mặt Verkhovxeva và nói: "anh là thằng đểu cáng, nhưng không phải là thằng ăn cắp". Vậy là có hai nguyên nhân để giữ gìn ngàn rưởi ấy như giữ lòng ngươi con mắt, không tháo túi lấy từng trăm ra tiêu. Vì sao vị công tố lại không thừa nhận là bị cáo có ý thức danh dự? Không, anh ta có ý thức danh dự, chodù là không đúng, chodù là thường sai lầm, nhưng anh ta có, có đến say mê, và anh ta đã chứng minh điều đó. Thế nhưng công việc trở nên phức tạp, nỗi dằn vặt ghen tuông lên đến tột đỉnh, vẫn hai câu hỏi trước đây lộ rõ ngày một day dứt hơn trong bộ não viêm tấy của anh ta: "Ta mà trả lại cho Ekaterina Ivanovna thì lấy đâu ra tiền để đưa Grusenka đi?". Nếu anh ta điên cuồng như thế, say sưa bét nhè như thế, làm loạn trong các tửu quán thì có lẽ là vì anh ta đau xót quá, không chịu đựng nổi. Hai câu hỏi ấy rốt cuộc gay gắt đến nỗi đưa anh ta đến tuyệt vọng. Anh ta nhờ em út đến hỏi cha ba ngàn đồng lần cuối cùng, nhưng chờ mãi không được trả lời, anh ta xộc vào và cuối cùng là đánh ông già trước mặt một số người. Sau đó thì ông bố bị đánh sẽ không đưa tiền nữa, chẳng biết lấy ở đâu. Tối hôm ấy, anh ta đấm ngực, chính là phần trên ngực chỗ có khâu cái túi và cúi mình nói với em rằng, anh ta có phương tiện để không trở thành kẻ đểu cáng, nhưng dùsao vẫn cứ là thằng đểu cáng, bởi vì anh ta thấy trước rằng sẽ không dùng đến phương tiện ấy, không đủ sức mạnh tinh thần, không đủ cương quyết. Tại sao, tại sao bên công tố lại không tin lời Alecxei Fedorovich khai một cách trong trắng, thành thật, không chuẩn bị và dễ tin như vậy? Trái lại, tại sao lại buộc tội phải tin vào số tiền nhét trong khe hở nào đó, trong hầm lâu đài Udonfơ? Tối hôm ấy, sau khi nói chuyện với em, bị cáo viết lá thư ác hại nọ, và lá như ấy là chứng cứ chính, quan trọng nhất tố giác bị cáo cướp của! "Tôi sẽ hỏi tiền khắp bàn dân thiên hạ, người ta mà không cho mượn thì tôi sẽ giết cha lấy tiền dưới nệm, trong chiếc phong bì buộc dải băng hồng, chỉ cần Ivan đi nơi khác" - cả một chương trình hành động, không anh ta thì ai? "Làm như đã viết!" - công tố kêu lên. - Nhưng trước hết đấy là thư viết lúc say rượu và trong tâm trạng cáu kỉnh ghê gớm; thứ hai anh ta lại viết về chiếc phong bì theo lời Xmerdiakov, bởi vì bản thân anh ta không nhìn thấy cái gói, thứ ba, viết thì viết, nhưng có xảy ra như đã viết không, lấy gì chứng minh? Bị cáo có lấy chiếc phong bì dưới đệm không, có tìm thấy tiền không, thậm chí có tiền thật hay không? Và bị cáo có phải là người hám tiền không, các vị nhớ lại cho, xin nhớ lại cho! Anh ta cắm đầu cắm cổ chạy không phải để cướp của, mà chỉ để biết nàng ở đâu, người phụ nữ làm anh ta buồn khổ, - không phải theo chương trình, không đúng như đã viết, nghĩa là không phải để cướp của như đã suy tính kỹ, mà là bất ngờ: vô tình, cuồng nộ vì ghen tuông! "Phải, người ta sẽ nói, nhưng dùsao anh ta vẫn chạy tới, giết cha và chiếm đoạt tiền". Vâng, rốt cuộc thì anh ta có giết hay không? Tôi phẫn nộ bác bỏ lời buộc tội cướp tiền: không thể buộc tội cướp của nếu không chỉ rõ đích xác cướp cái gì, đây là tiên đề! Nhưng anh ta có giết không, có giết người mà không lấy của không? Phải chăng đó là tiểu thuyết. Chú thích:(1) "Những bí mật của lâu đài Udonfơ", nếu thuyết của nữ văn sĩ Anh Ann Radeliffe (1764-1823), nổi tiếng ở Nga nửa đầu thế kỷ XIX