Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Chú tiểu hiền triết

Thuở Phật Ca Diếp còn tại thế, Ngài có một tăng đoàn gồm 20.000 tỳ kheo đã diệt tận các lậu hoặc. Mỗi khi du hóa một nơi nào, tất cả chúng Tỳ kheo ấy đều theo Phật Ca Diếp, cũng như 1250 Tỳ kheo thường đi cùng với Ðức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta.

Một hôm, Phật Ca Diếp và Tăng chúng của Ngài đi đến thành Ba La Nại, dân chúng đua nhau đến đảnh lễ cúng dường và nghe Ngài thuyếp pháp. Sau khi thọ thực xong, Phật nói lời tùy hỷ công đức như sau: “Này các cư sĩ, trong thế gian có bốn hạng người. Thế nào là bốn? Một là những người tự mình làm phước bố thí, nhưng không khuyến khích kẻ khác làm. Hạng người này, trong tương lai được giàu có nhưng không được nhiều người theo. Hai là những người khuyên kẻ khác bố thí, nhưng tự mình không bố thí. Hạng nggười này đời sau có phước báo được đông người theo, nhưng không có của cải. Ba là những người tự mình không bố thí cũng không khuyên người bố thí. Hạng người này đời sau không có của cải cũng không có người theo, phải sống cô độc, ăn cơm thừa của kẻ khác. Bốn là hạng người vừa tự bố thí, vừa khuyên người bố thí, hạng người này trong tương lai sẽ được cả hai phước báo: giàu có và đông người theo”.

Khi nghe như thế, có một người khởi lên ý nghĩ: “Ta cố làm sao để được hai phước ấy”. Rồi vị ấy đến đảnh lễ Phật, bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, xin Ngài đến thọ thực làng con vào ngày mai, để chúng con được phước cúng dường.

 Phật Ca Diếp hỏi lại:

- Ngươi muốn cúng dường bao nhiêu vị Tỳ kheo?

- Bạch Thế Tôn, Tăng chúng của Ngài gồm bao nhiêu?

-  Hai mươi ngàn.

- Bạch Thế Tôn, ngày mai xin Ngài  đem theo tất cả Tỳ kheo ấy.

Ðức Phật nhận lời. Người kia cầm một mảnh bối diệp (xưa dùng lá cây khô để viết chưa có giấy) trở về làng, rồi đi từng nhà khuyên sửa soạn cúng dường Phật và chúng Tăng tùy khả năng của mỗi gia đình. Có nhà tình nguyện cúng dường 500 vị, nhà 200 vị, nhà 100 vị, nhà 50 vị v. v. . . Người kia đều ghi dấu vào lá bối để hôm sau thỉnh đúng số Tỳ kheo đến từng nhà. Trong làng, có một gia đình rất nghèo đến nỗi ông chủ được mệnh danh là “ông Chúa Nghèo”. Người kia cũng không quên ghé vào nhà Chúa Nghèo để tạo phước cho ông ta. Khi Chúa Nghèo nghe người kia muốn mình cúng dường chúng Tỳ kheo thì giật bắn người lên:

- Ối bạn ơi! Bạn coi nhà cửa tôi đây, đến một chỗ ngồi cũng không có, làm sao tôi cúng dường gì được? Tôi có đồng xu nào đâu? Hãy đến những nhà cao cửa lớn kia!

- Này bạn, không phải chính vì vậy bạn mới nên nhân cơ hội này mà gieo giống phước sao? Vì sao bạn phải nghèo? Phải chăng bạn chưa từng giúp ai một chút gì cả.

Chúa Nghèo ngẫm có lý bèn ưng thuận:

-  Ðược.Vậy thì xin bạn ghi cho tôi cúng dường một vị tỳ kheo. Người kia bằng lòng nhưng không ghi vào lá vì y nghĩ rằng một vị thì ít quá, chẳng cần ghi làm gì. Y từ giã, tiếp tục đi phổ khuyến.

Chúa nghèo gọi vợ ra, cho hay ý định cúng dường một vị Tỳ kheo của mình, và đề nghị với vợ cùng đi làm mướn để đủ tiền sắm sửa các thứ. Người vợ bằng lòng ngay và cả hai cùng đi đến một nhà phú hộ. Nhà này sẳn lòng mướn hai vợ chồng làm việc một buổi chiều hôm ấy để chuẩn bị cho việc cúng dường hôm sau. Họ mướn Chúa Nghèo giã gạo, còn bà vợ thì gánh nước. Hai vợ chồng làm việc rất hăng hái, nét hân hoan lộ hẳn trên gương mặt, đến nỗi chủ nhà hỏi nguyên do. Khi được biết họ làm mướn để có tiền mua thực phẩm cúng dường một vị Tỳ kheo, phú ông cảm khái, trả công gấp bội. Với số tiền nhận được họ mua ít gạo thơm hảo hạng, trái cây quí và ít đồ vặt vãnh để nấu nướng.

Sáng hôm sau, Chúa Nghèo dậy sớm đi hái rau bên bờ sông về cho vợ làm thức ăn. Một người đánh cá hỏi:

- Chúa Nghèo hái rau làm gì sớm thế?

- Tôi hái rau để cúng dường một vị Tỳ kheo.

- Thế à! Vị nào ăn rau của Chúa Nghèo cúng dường chắc là hên lắm đó. Này, làm hộ tôi việc này được chăng? Ðây tôi có mấy xâu cá đỏ, Chúa Nghèo đi bán dùm. Tôi bận coi lưới. Mỗi xâu hai đồng.

-  Ðược.

- Chúa Nghèo xách cá đi bán một chốc đã hết, vì nhà nào cũng đang cần thức ăn để cúng dường. Khi trở về giao tiền cho chủ, Chúa Nghèo từ giã:

- Thôi tôi đi đây, sắp tới giờ cúng dường rồi.

- Này Chúa Nghèo, tặng Chúa Nghèo xâu cá đỏ đây, về mà nấu.

- Cảm ơn lắm.

Chúa Nghèo sung sướng xách cá và rau đem về cho vợ. Khi ấy, từ trong tịnh xá của Ngài, Phật Ca Diếp đã biết được một người nghèo đang thành tâm sửa soạn cúng dường một vị Tỳ kheo. Ngài cũng biết được rằng tất cả chúng Tỳ kheo đã được sắp đặt vào từng nhà, mỗi nhà sẽ cúng dường một số Tỳ kheo. Duy chỉ có nhà Chúa Nghèo chỉ cúng có một vị, người phổ khuyến quên ghi vào lá, do đó mà y đã không chừa một người nào cho Chúa Nghèo.”Vậy chỉ còn ta để cho Chúa Nghèo gieo ruộng phước”. Phật nghĩ thế, và Ngài lấy làm hoan hỷ, vì Phật vốn thương những kẻ nghèo cùng. Vừa khi Ngài có ý định như vậy, thì vua trời Ðế Thích cảm thấy chiếc ngai vàng đang ngồi rung mạnh, “Có chuyện gì thế?” Vua trời ngẫm nghĩ, và biết chính tấm lòng thành khẩn của Chúa Nghèo ở dưới thế đã làm chấn động đến chư thiên. “Ta phải giúp Chúa Nghèo một tay để sửa soạn món ăn cúng dường Phật”. Ðế Thích cùng với vợ rời thiên cung bay xuống, hóa làm hai vợ chồng nghèo đang đi tìm việc làm. Ðến gần nhà Chúa Nghèo, Ðế Thích hỏi:

- Nhà có việc gì làm không? Cho chúng tôi làm với.

- Ông lão ơi! Chúng tôi có nhiều việc làm lắm, nhưng thú thật là chúng tôi không có tiền để trả công ông lão.

- Bạn làm gì thế?

- Chúng tôi làm thức ăn cúng dường vị Tỳ kheo.

- Ồ, việc phước ấy thì tôi cũng muốn hùn. Tôi không cần trả công đâu.

- Tốt lắm. Vậy lão hãy gíup chúng tôi. Xin vâng.

Rồi hai vợ chồng Ðế Thích bước vào nhà, Ðế Thích bảo:

- Bây giờ, để chúng tôi làm thức ăn cho. Bạn hãy đi thỉnh vị Tỳ kheo của bạn đi.

Chúa Nghèo đi đến vị phổ khuyến hôm qua. Y bảo:

- Ồ bạn! Tôi quên bẵng. Không còn vị Tỳ kheo nào cho bạn thỉnh vì tất cả đều nhận lời các nhà khác rồi.

Không thể nào tả nỗi tuyệt vọng lớn lao của Chúa Nghèo lúc ấy. Chúa Nghèo đấm ngực, lăn ra mà khóc.

-Trời đất ơi! Bạn hại tôi rồi! Suốt hai hôm nay, chúng tôi làm việc tối mắt tắt đèn để chờ đợi bữa trưa nay cúng dường một vị Tỳ kheo! Vậy mà bây giờ bạn bảo không còn vị nào! Bạn phải cho tôi một vị Tỳ kheo! Không thì tôi chết mất. Hu hu.

Quần chúng bu lại xem đông. Người kia bối rối năn nỉ:

- Này Chúa Nghèo, xin Chúa Nghèo đừng làm t ội tôi nữa. Tôi lỡ đi mà. Chúa Nghèo tha cho tôi đi.

- Không biết! Phải cho tôi một v ị Tỳ kheo! Hu hu, hu hu.

Túng quá, người kia đánh bạo đề nghị:

- Thôi chúa Nghèo hãy đứng dậy, tôi bày cho một cách này. Ðấng Ðạo sư chưa nhận lời của ai, vì rất đông vua chúa đại thần đều muốn thỉnh Ngài. Vậy bạn hãy đến thỉnh Ngài đi. Ngài rất thương những người nghèo chắc Ngày sẽ nhận lời bạn đấy. Ngài đang ngồi trong tịnh xá nói pháp cho các bậc thượng khách nghe.

Chúa nghèo nghe lời, đứng lên đi đến tịnh xá. Vua và đình thần đang nghe pháp, thấy Chúa Nghèo tiến tới thì ngăn lại (vì họ tưởng Chúa Nghèo đến xin đồ ăn thừa):

- Chúa Nghèo chưa đến giờ ăn đâu.

- Tôi biết. Tôi đi thỉnh Phật về nhà tôi thọ trai.

Ðức Phật mỉm cười, chìa cái bình bát của Ngài ra, trao cho Chúa Nghèo một cách thân mật. Chúa Nghèo ôm lấy bình bát của Phật vào lòng, mặt mày hớn hở như đứa bé vừa được kẹo. Các ông Hoàng và đại thần chạy theo đề nghị:

- Chúa Nghèo, hãy nhường cái bát ấy cho ta cúng thức ăn cho Phật. Ta sẽ cho Chúa nghèo 1000 đồng.

Chúa Nghèo trân trọng ôm bình bát của Phật về nhà để bày thức ăn. Vua đang ngồi gần Phật ngẫm nghĩ: “Lão Chúa Nghèo chắc chẳng có gì ngon lành mà cúng dường Ðức Thế Tôn đâu. Chi bằng ta sắm sẵn các thức ăn thượng vị đựng trong một cái bát khác, chờ khi Chúa Nghèo dâng lên Phật ta sẽ đổi thức ăn của ta cho Phật dùng.

Ðến giờ thọ thực, Phật Ca Diếp đến nhà chúa Nghèo. Vua đi theo ý định như trên.Nhưng khi Phật vào nhà Chúa Nghèo. Ðế Thích hóa trang để dâng Phật một bát đầy thức ăn mùi thơm bay khắp không gian. Vua bẻn lẻn cáo từ Phật trở về

Do phước báo cúng dường Phật Ca Diếp, Chúa Nghèo được sanh lên cõi trời cho đến khi Phật Thích Ca ra đời mới trở xuống trần thế, sanh vào nhà một thí chủ thân tín của Ngài Xá Lợi Phất. Khi mang thai Chúa Nghèo người mẹ bổng thông minh khác thường, những người trong gia đình ai có bệnh tật gì đều được khỏi và trở nên thông tuệ. Do đó hài nhi được Tôn Giả Xá Lợi Phất đặt tên là Hiền Trí. Khi lên 7, Hiền Trí xin mẹ xuất gia làm đệ tử Tôn giả.

Tôn giả dạy cho chú tiểu những uy nghi phép tắc phải theo trước khi đưa chú vào thành khất thực. Lần đầu tiên ôm bát theo hầu thầy ra đường, chú hỏi Ngài khi thấy một con đê:

- Bạch Tôn giả, cái kia là cái gì?

- Chú tiểu, đấy là một con đê.

- Bạch Tôn giả, con đê dùng để làm gì?

- Ðể dẫn nước đi khắp nơi nào người ta muốn.

- Nhưng bạch Tôn giả, nước có hiểu biết gì không?

- Không đâu, chú tiểu. Nước là vật vô tri giác.

- Bạch Tôn giả, thế thì người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri giác đến bất cứ chỗ nào người ta muốn hay sao?

- Chính vậy, chú tiểu

- Hiền Trí nghĩ: “Nếu người ta có thể hướng dẫn một vật vô tri tùy theo ý muốn thì tại sao ta lại không thể nhiếp phục theo tâm ý mình để chứng A La Hán quả?”

Ði thêm một quãng, chú thấy những người làm tên đang hơ những cây tên trên lửa và nheo mắt nhắm để uốn chúng cho thẳng. Chú tiểu hỏi:

- Bạch Tôn giả họ làm chi vậy?

- Họ đang uốn những cây tên cho thật thẳng.

- Cây tên có lý trí không?

- Không nó là vật vô tri.

Chú tiểu nghĩ: “Nếu người ta có thể uốn nắn một vật vô tri cho thẳng theo ý muốn, thì ta cũng có thể nỗ lực điều phục tâm ý để chứng quả A La Hán”

            Một lát sau, hai thầy trò gặp những người thợ mộc đang đẽo bánh xe, chú lại hỏi:

- Bạch Tôn giả, họ làm gì thế?

- Ðây là thợ mộc đang đẽo bánh xe.

- Bánh xe có lý trí không?

- Không, bánh xe chỉ chạy theo ý người muốn.

Khi ấy chú tiểu trao y bát cho thầy và bạch:

- Bạch Tôn giả, con muốn trở về.

            Tôn giả Xá Lợi Phất không nói một lời đỡ lấy y bát trên tay chú tiểu. Chú tiểu vái chào thầy xong còn quay đầu lại dặn Tôn giả:

- Bạch Tôn giả, khi nào Ngài đem thức ăn về cho con, xin Ngài chỉ cho con toàn một cá vàng ngon nhất ấy.

- Ở đâu ta có thể kiếm được thứ ấy, chú tiểu?

- Bạch Tôn giả nếu Ngài không thể kiếm được nhờ phước đức của Ngài, thì Ngài cũng sẽ kiếm được do phước đức của con.

Tôn giả Xá Lợi Phất vốn cẩn thận, Ngài sợ chú tiểu ngủ ngoài trời có thể bị rắn cắn, hay sâu bọ đốt, bởi thế Ngài trao chìa khóa cho chú tiểu và bảo:

-         Hãy mở cửa tịnh thất của ta mà vào.

Chú tiểu vâng lời. Vào phòng Tôn giả, chú bắt đầu tỉnh tọa thiền quán. Khi ấy Ðế Thích ở trên trời cảm thấy chiếc ngai vàng rung động, và nhận ra rằng chú tiểu Hiền Trí đang ngồi thiền quyết chứng quả A La Hán trong ngày đó, nên Ngài muốn giúp chú một tay. Ngài bảo thần mặt trời phải đi chậm lại, kéo dài buổi sáng ra trọn ngày, và sắc cho Tứ Thiên vương đứng gác bốn góc chùa, đuổi hết chim chóc ra khỏi vườn đừng gây tiếng động. Do đó, tịnh xá Cấp Cô Ðộc trở nên yên tĩnh lạ thường. Thỉnh thoảng mới có một âm thanh rất nhỏ gây nên bởi một chiếc lá vàng lìa cành rơi xuống.

Trong khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất vào nhà người thí chủ quen biết để khất thực. Gia chủ vừa mua về một mớ cá đỏ nấu nướng xong đem đặt vào bát Ngài. Tôn giả định đem về cho chú tiểu như lời chú tiểu dặn nhưng gia chủ xin thỉnh Tôn Giả cứ dùng, sẽ còn phần khác để Tôn giả đem về. Tôn giả ngồi lại thọ thực.

Ðúng lúc ấy, từ tư thất của Ngài, đức Ðạo Sư quan sát bằng Phật nhãn thanh tịnh thấy chú tiểu có thể chứng quả A La Hán trong vài giờ nữa. Nhưng nếu Tôn giả Xá Lợi Phất mà về lúc này, đem thức ăn vào phòng cho chú tiểu thì lỡ mất dịp đắc quả của chú. Do đó Ðức Phật quyết định đi đến tịnh thất của Tôn giả để đón đường. Vừa khi Tôn giả trở về, Ngài gặp ngay đức Ðạo Sư đứng trước cửa. Tôn giả thi lễ, đức Ðạo Sư hỏi vị thông tuệ của Ngài về một số câu hỏi trong luận tạng, chỉ cốt kéo dài thời gian cho chú tiểu có thể đắc quả. Khi biết Hiền Trí đã chứng quả, Ngài bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:

- Bây giờ, này Xá Lợi Phất, hãy đem thức ăn vào cho chú tiểu Hiền Trí đi.

Tôn giả khỏ cửa. Chú tiểu bước ra đỡ lấy bát trên tay Ngài đặt xuống một nơi, rồi bắt đầu quạt cho Ngài. Tôn giả bảo:

- Này chú hãy ăn sáng đi.

- Bạch Tôn giả, còn Tôn giả thì sao?

- Ta đã ăn rồi.

Khi chú tiểu mới ngồi xuống quán tưởng năm điều rồi thọ thực. Khi chú đã ăn xong, rửa bát và dọn dẹp xong, thì mọi sự mới trở lại bình thường: Mặt trời bắt đầu lặn, trăng từ từ lên, Tứ thiên vương hết canh gác bốn góc chùa. Ðế Thích trở về thiên cung ngồi vào chiếc ngai vàng thường lệ. Chúng Tỳ kheo bảo nhau:

- Thật kỳ lạ! Hôm nay buổi sáng hầu như dài suốt cả ngày, mà buổi chiều lại ngắn có một khoảnh khắc. Tại sao thế nhỉ?

Ðức Ðạo Sư giải thích:

- Ðúng thế, này các Tỳ kheo, chính vì chú tiểu 7 tuổi kia phát tâm chứng quả A La Hán, mà tất cả trời Ðế Thích, Tứ Thiên Vương, thần mặt trời, thần mặt trăng đều hỗ trợ cho công việc của chú ấy. và để canh chừng chính Như Lai cũng đã phải bỏ cả thì giờ nghỉ ngơi cho chú bé, một người nhân quán sát con đê dẫn nước, thợ làm tên, người làm bánh xe, mà quyết tâm nỗ lực thiền định để chứng quả.

“Người đào đê dẫn nước. Người làm tên uốn tên

Thợ mộc đẽo gỗ, còn người trí thì lo điều phục tâm mình”

(Pháp cú 80)

Thích Nữ Trí Hải

“Không ai làm cho anh cao thượng, cũng không ai làm cho anh thấp hèn, mà chỉ có những hành động của anh làm cho anh cao thượng hay thấp hèn mà thôi”.

 

Nhờ nghe Phật pháp khỏi

phải tự thiêu

 

Xưa kia tại nước Bùi Phiến Xá, có một người đàn bà tên Ðề Vi, going Bà La Môn. Nhà rất giàu, chồng chết không con, phải ở góa một mình không người che chở. Theo phép Bà La Môn, những ai sống không được như ý thì nên tự thiêu. Các vị Bà La Môn liền đến khuyến hóa nàng Ðề Vi nên tự thiêu để được sanh lên cõi trời Na La Diên, lại nên thỉnh cho đủ 100 vị Bà La Môn để thiết đại hội cúng dường và đem trâu bò của cải bảo vật cúng dường cho 500 Bà La Môn, rồi đem củi chất lên làm một giàn hỏa để tự thiêu trên bờ sông Hằng.

Các vị Bà La Môn sẽ chú nguyện cho nàng tiêu trừ tất cả tội lỗi nặng nhẹ, để đời sau được sống trong gia đình đông đúc, thọ mạng vô lượng và sung sướng không cùng. Nàng Ðề Vi nhất thiết nghe theo và cho dựng một giàn củi để tự thiêu.

Lúc bấy giờ có vị Sa Môn hiệu là Biện Tài, giữ giới học rộng, thường lấy từ tâm giáo hóa chúng sanh làm lành tránh dữ rất nhiều. Khi Ngài được tin nàng Ðề Vi muốn tự thiêu, liền đến hỏi:

- Nàng dùng giàn củi để làm gì?

Nàng Ðề Vi thưa:

- Tôi muốn tự thiêu để diệt trừ những tội chướng đã tạo nên.

Ngài Biệi Tài nói:

- Những tội chướng gây ra luôn luôn tùy theo tâm thức, đâu có thuộc về thân thể. Nay nàng thiêu thân làm sao diệt tội được. Vả lại, tội phước theo tâm mà sanh, tâm niệm pháp lành thời quả báo lành, tâm niệm pháp dữ thì quả báo dữ. Trong khi tự thiêu đốt, thế nào tâm cũng sanh đau khổ áo não, thời làm sao trông mong diệt được tột được quả báo lành. Về lý chắc nàng khó hiểu, nay tôi đem một vài ví dụ cho nàng rõ. Như có người đau bệnh khổ não, lại bị một người mắng chửi đánh đập, người bệnh có thể giữ thiện tâm không sầu não chăng? Nàng nay cũng vậy. Vì muốn diệt tội thân trước, nên thiêu thân. Trong khi lửa đốt thân thể thì đau đớn vô cùng, tâm sanh khổ não đến lúc mạng chung liền sanh vào cõi địa ngục, chịu khổ lại kịch liệt gấp trăm ngàn vạn lần.

Lại ví dụ như con bò kéo xe, vì ghét kéo xe nên đạp cổ xe đi. Nhưng nếu cỗ xe trước bị hư thì cỗ xe thứ hai sẽ được thay vào, làm sao tránh thoát được.

Nghiệp tội của nàng chưa hết, nếu có đốt trăm ngàn thân cũng không bao giờ xa lìa. Vả lại, nhhững nghiệp tội ở A tỳ địa ngục, phải tám vạn lần chết, tám vạn lần sống, trọn hơn một kiếp mới trừ diệt tội. Nay nàng chẳng qua thiêu thân chỉ có một lần, làm sao hết tội được.

      Nàng Ðề Vi thưa:

- Xin Ngài giảng cho con nghe, phương pháp diệt trừ tội lỗi.

Ngài Biện Tài đáp:

- Tâm trước tạo ác, như mây che mặt trăng. Tâm sau khởi niệm lành, như ngọn đuốc trừ tối tăm. Nguồn gốc nghiệp tội do thân, khẩu, ý nghiệp tạo các nghiệp hành. Nàng nay chân thành sám hối, cải tà quy chánh, xả thân thọ thân, chí thành Phật đạo.

Sau đó Ngài Biện Tài đem pháp Thập Thiện trao dạy cho nàng Ðề Vi. Nàng Ðề Vi hoan hỷ lãnh thọ, dâng cúng các món trân bảo và thỉnh cầu Ngài Biện Tàì ở lại giáo hóa. Ngài từ tạ rằng:

Nàng đã thọ lãnh phép Thập Thiện đó là pháp thí, nàng nên đem mà dạy bảo mọi người. Ðó là chính cách đáp ân thiết thực nhất nàng đã được độ, tôi không cần lưu lại làm gì. Tôi còn phải đi giáo hóa nơi khác, và xin trả lui các món trân bảo cúng dường. Vì người tu hành không bao giờ dùng những đồ vật quý báu. . .

Minh Châu

“Ai biết sửa đổi lỗi lầm thì người ấy được tiến hóa trong giáo pháp của Như Lai.”

 

Ông sư Huyền Trân

           

Xưa ở chùa Quang Minh, làng Hậu Bỗng, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, có một vị sư tên Huyền Trân, tu đắc đạo. Một đêm, nằm thấy Phật Di Ðà báo mộng rằng: Nhà ngươi tu hành có công đức, trời Phật độ cho kiếp sau được làm vua nước Tàu. Nhà sư thức dậy lấy làm kỳ dị, gọi các đạo tràng bảo rằng:

            - Ðêm, Thầy thấy mộng lạ, đến khi Thầy chết hãy lấy bút son mà viết trên vai Thầy mười chữ rằng: “Nhà sư tu ở chùa Quang Minh, nước An Nam”, rồi đem thiêu đừng có chôn!

            Khi vị sư chết, tuổi đã chín mươi, các đạo tràng làm theo như lời dặn trước.

            Ðời vua Hoàng Ðịnh, nhà Lê, ông tiến sĩ tên là Nguyễn Tự Huyện sang cống vua Khang Hi nước Tàu, vua Khang Hi phán hỏi:

- Ngươi có biết chùa Quang Minh, ở nước An Nam, thuộc về tỉnh nào?

Ông ấy tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần chỉ biết chùa Quỳnh Lâm, chùa Thiên Phúc, còn chùa Quang Minh thì thần không rõ.

Vua nói rằng:

- Khi Trẫm giáng sinh, ở trên vai có mười chữ son, hẳn là kiếp trước Trẫm tu ở chùa ấy. Nay Trẫm muốn bỏ những chữ ấy đi, mà không phép nào rửa sạch.

Ông ấy tâu lại rằng:

- Dám xin có phải thế, thì lấy nước giếng chùa ấy mới rửa được.

Vua dặn rằng:

- Thế thì khi về, người tâu với vua Lê cho đi tìm, lấy hộ Trẫm nước giếng ấy.

Ông Nguyễn Tự Huyền về tâu lại với vua Lê như thế. Rồi ông tìm đến chùa Quang Minh, lấy một vò nước đem sang Tàu, dâng vua Khang Hi. Vua Khang Hi lấy nước ấy rửa, thì những chữ son đi ngay. Nhà vua mừng lắm, mới đưa cho ông ta ba trăm lạng vàng, nhờ đem về tu bổ chùa Quang Minh cho lịch sự.

Nguyễn Bình

Truyện cổ tích Việt Nam

“Làm sao hiểu được luân hồi,

Rõ thân kiếp trước, biết nơi sau về?”

 

Nguyễn Minh Không

 

Nguyễn Minh Không người làng Ðàm Xá, phủ Tràng An ( Nam Ðịnh) tên là Nguyễn Chí Thành. Lúc nhỏ đi học, sẩy gặp Từ Ðạo Hạnh, mới theo học đạo Ðạo Hạnh hơn 40 năm. Ð ạo Hạnh khen là người có chí, cho ấn quyết và đổi tên là Minh Không Thiền sư, cho ở riêng một chùa Quốc Thanh.

            Khi Ðạo Hạnh sắp hóa bảo Minh Không rằng:

- Ngày xưa Phật Thế Tôn ta, đạo quả đã tròn, mà còn có báo Kim tỏa, huống chi lâu nay phép đạo suy mòn, thì ta giữ mình làm sao cho xiết được, kiếp sau ta ở ngôi nhân chủ, chắc là không khỏi bệnh nợ, ngươi nên nghĩ nghĩa thầy trò, đến bấy giờ hãy cứu cho ta.

- Ðến khi Ðạo Hạnh hóa rồi Minh Không trở về quê nhà, cày cấy làm ăn, trụ trì hơn 20 năm, không cần tiếng tăm với đời.

Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư đời vuaThần Tôn (1136) vua bổng sanh ra một bệnh dị kỳ, thuốc chữa thế nào cũng không khỏi tinh thần phiến loạn, tiếng gào thét kinh người (tục truyền vua hóa hổ) các thầy thuốc, có hằng nghìn muôn người, nhưng không ai biết chữa bằng cách nào cả.

Minh Không nghe tin làm vậy, mới chống gậy đến các chỗ trẻ con chơi, cho chúng ăn quà và dạy chúng nó hát rằng:

            “Tập tành vông, có ông Nguyễn Minh Không chữa được Hoàng Thái tử”.

            Dần dần đám trẻ nào cũng hát câu ấy, tiếng đồn đến triều đình. Triều đình sai sứ đi hỏi thăm, mà tìm được Minh Không, Minh Không thấy sứ giả đến triệu mình, mới thổi một nồi cơm con, cho bọn chèo thuyền cùng ăn.

Sứ giả nói rằng:

- Bọn chèo thuyền đông lắm, có một niêu cơm con thế kia, thì ăn làm sao?

Minh Không nói:

- Hãy cứ ăn đi, lúc nào thiếu sẽ hay.

Minh Không mới sai giở cơm ra rá, thì càng giở càng nhiều, h àng mấy trăm người ăn mà vẫn không hết. Chúng càng ngạc nhiên lấy làm lạ. Ðến lúc ăn xong, Minh Không bảo các quân chở thuyền rằng:

- Các anh hãy ngũ đi một lát, đợi lúc nào có nước chảy thủy triều lên sẽ đi.

Chúng nghe lời nằm ngủ cả trong thuyền, một lát tỉnh dậy thì thuyền đã ngược đến kinh đô rồi, ai nấy đều mừng rỡ cho là phép tài.

Minh Không đến kinh, các thầy thuốc cùng các phù thủy đang túc trực cả trên điện, mỗi người dùng một cách chữa bệnh cho vua, mà vẫn chưa thấy kiến hiệu. Trông thấy Minh Không đến, ăn mặc quê mùa cộc kệch, dân chúng ai cũng khinh bỉ không thèm chào hỏi đến. Minh Không lấy một cái đinh dài độ năm, sáu tấc, đóng lên trên cột nói to lên rằng:

- Hễ ai rút được cây đinh này ra, thì mới chữa được Hoàng đế.

Nói hai, ba câu, không ai thèm trả lời, Minh Không mới lấy hai ngón tay trái nhổ ra, cái đinh ấy bật ngay.

Minh Không đến tận trước mặt vua thét to lên rằng:

- Ðại trượng phu đã phú quý mà làm đến Thiên tử, sao lại còn cuồng loạn như thế?

Vua sợ hãi run lật bật, Minh Không sai lấy cái vạc to, đổ nước hòa thuốc vào đun lên, đun sôi một trăm lần, Minh Không ra tắm cho vua, tắm xong thì vua khỏi bệnh.

Vua khỏi rồi, phong Minh Không làm quốc sư, thưởng cho vài nóc nhà lấy thuế mà ăn.

Ðến năm Ðại Ðịnh thứ hai Minh Không mất, bấy giờ đã 76 tuổi, Minh Không mất rồi thiêng lắm, nhiều sự hiển linh. Phàm dân xã cầu mưa đảo nắng tất nghiệm. Các chùa ở huyện Giao Thủy, huyện Phả Lại, đều tô tượng Minh Không để thờ cả.

Nguyễn Bình

Truyện cổ tích Việt Nam

“Các việc làm (Nghiệp) của tôi là của cải của tôi

Các việc làm của tôi là gia tài của tôi.

Các việc làm của tôi là cái thai bọc lấy tôi.

Các việc làm của tôi là hạng phái của tôi.

Các việc làm của tôi là chỗ tôi gởi thân.”

 

Vọng phu

 

Khi người đang hái hoa

Lòng say mê lạc thú

Niềm vui kia chưa thỏa

Tử thần đã lôi xa

Pháp cú 48

Một buổi sáng ở thiên đường, vua trời Ðế Thích đi vào Lạc viên ở cung trời 33 cùng với 1000 tiên nữ hầu hạ. Năm trăm nàng leo lên cây hái hoa tung xuống, năm trăm nàng lượm hoa kết thành tràng để trang sức cho vua trời, chồng của họ. Một nàng đang h ái hoa trúng gió nặng, hồn lìa khỏi xác ngay khi ngồi trên cây. Thân thể nàng tan biến mau lẹ như hơi sương (vì là tiên nên thể xác nhẹ hơn người trần) và thần thức nhập vào thai cung của một phụ nữ thuộc hàng trưởng giả  thành Xá Vệ. Khi xuất thai và dần dần lớn thành một thiếu nữ. Nàng vẫn nhớ kiếp vừa qua của mình và mong mỏi được về cõi trời hầu hạ Ðế Thích như trước. Nàng thường đến Kỳ Viên tịnh xá Cấp Cô Ðộc để cúng dường Phật và chúng Tăng với một nguyện bất di dịch: “Mong rằng với phước đức này con được trở lại với chồng con”. Các Tỳ kheo đều lấy làm lạ về lời nói của thiếu n ữ, và đặt cho nàng một biệt hiệu là “Vọng phu”.

            Vọng phu ti ếp tục bố thí cúng dường như vậy cho đến 16 tuổi, cha mẹ gả ch ồng cho nàng và lần hồi sinh được bốn con. Một ngày kia sau khi đến tịnh xá cúng dờng Ph ật và chúng Tăng trở về Vọng phu cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, liền lên giường nằm một lát rồi trút hơi thở cuối cùng.

Thần thức nàng trở về cõi trời 33 trong khi các tiên nữ đang bận rộn  kết hoa để trang hoàng cho Ðế Thích. Khi vua trời thấy nàng liền hỏi:

- sáng nay sao ta không thấy nàng, nàng đi đâu?

- Thưa thần thiếp chết giấc một hồi, rời khỏi thiên cung.

- Nàng nói cái gì thế? (Ðế Thích ngạc nhiên).

- Quả thế, muôn tâu thánh thượng, thần thiếp đ ã chết đi một lát.

- R ồi nàng tái sanh ở đâu?

- Tâu, ở một gia đình trong Xá vệ.

- Nàng ở đấy bao lâu?

- Sau mười tháng ở trong thai, thần thiếp ra khỏi thai mẹ. Khi lên 16 tuổi thần thiếp được gả chồng, có 4 con. Thần thiếp đã tu phước và bố thí liên miên, ước nguyện được trở về thiên cung sum họp với thánh thượng.

- Ðời sống của con người dài bao lâu?

- Tâu thánh thượng, chỉ có 100 năm thôi ạ?

- Ôi ngắn thế kia ư?

- Dạ tâu thán thượng.

- Nếu đời sống con người ngắn ngủi như vậy, thì chúng ta không làm được cái gì? Chắc chúng phải tạo phước lành gấp lắm?

- Dạ không, trái lại, tâu tháh thượng, con người ở  dưới ấy vẫn mê ngủ, buông lung, bê tha làm như chúng sẽ sống mãi hoài, làm như chúng sẽ không bao giờ chết.

- Vua trời nghe xong, buồn rầu bảo:

- Nếu như lời nàng nói, con người chỉ sống có 100 năm mà lại mê ngủ, buông lung, bê tha thì biết bao giờ chúng mới giải thoát khỏi khổ?

Ngày hôm sau ở Xá Vệ khi chúng Tỳ kheo vào làng đến chỗ thường lệ vẫn được nàng Vọng phu tiếp đón, thì thấy lạnh ngắt như tờ. Không có chỗ ngồi, nước uống được xếp đặt như mọi khi. Họ hỏi:

- Nàng Vọng phu đâu rồi?

Dân chúng thưa:

- Bạch chư Ðại đức, nàng ấy đã chết chiều qua, sau khi cúng dường trở về.

            Khi ấy những vị Tỳ kheo chưa chứng quả bỗng thấy lòng buồn man mác nhớ đến những săn sóc chu đáo của người tín nữ hôm qua mới đó, mà nay đã ra người thiên cổ. Trở về họ hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, Vọng phu tạo phước cúng dường nhiều cốt để được gặp chồng. Tại sao nàng vừa mới ở với chồng chưa bao lâu, hương lửa đang nồng mà đã phải chết như vậy? Bây giờ tái sanh ở đâu?

- Này các Tỳ kheo, không phải Vọng phu ước được với chồng hiện tại của nàng đâu. Nàng vọng là vọng cái người chồng cũ của nàng trên cõi trời thứ 33 ấy, và bây giờ đã được toại nguyện. Hiện giờ nàng trở lại hầu hạ Ðế Thích trong Lạc Viên. Một đời nàng trải qua dưới thế gian này không bàng nửa buổi sáng trên cung trời Ðế Thích.

- Ồ, Bạch Thế Tôn, đời con người ngắn ngủi. Mới buổi sáng nàng ấy cúng dường thực phẩm cho chúng con, mà chiều đã nghe nàng ấy chết r ồi.

- Quả thế, các Tỳ kheo, đời con người ngắn ngủi lắm.Trong khi chúng khát khao những lạc thú cõi trần mà chưa được thỏa mãn, cúng đã bị thần chết mang đi.

Thích Nữ Trí Hải
___

Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết
Bèo hợp để mà tan
Người gần để ly biệt.

Mục Lục Cổ Tích Chiếc cầu muôn thuở - Truyện cổ Phật Giáo Tôn Giả tí hon - Truyện cổ Phật Giáo Không đau ruột bằng - Truyện cổ Phật Giáo Dạy khỉ nói - Truyện cổ Phật Giáo Mục Kiền Liên - Truyện cổ Phật Giáo Bát cơm cúng dường - Truyện cổ Phật Giáo Vườn Nai - Truyện cổ Phật Giáo Duyên xưa nghiệp củ - Truyện cổ Phật Giáo Ca Lưu Ðà Di - Truyện cổ Phật Giáo Phật Pháp nan văn - Truyện cổ Phật Giáo Tâm nhìn - Truyện cổ Phật Giáo Nắm tro tàn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích chim tu hú - Truyện cổ Phật Giáo Ông trưởng giả keo kiệt - Truyện cổ Phật Giáo La Hầu La xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo đức trở về - Truyện cổ Phật Giáo Không biết mình điên - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng 4 vợ - Truyện cổ Phật Giáo Chú tiểu hiền triết - Truyện cổ Phật Giáo Nhờ nghe Phật pháp khỏi phải tự thiêu - Truyện cổ Phật Giáo Ông sư Huyền Trân - Truyện cổ Phật Giáo Nguyễn Minh Không - Truyện cổ Phật Giáo Vọng phu - Truyện cổ Phật Giáo Hồ ly vượt bể mót vàng - Truyện cổ Phật Giáo Trư hòa thượng - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích con muỗi - Truyện cổ Phật Giáo Phước Huệ song tu - Truyện cổ Phật Giáo Quạ cú thù nhau - Truyện cổ Phật Giáo Vô duyên với Phật thì không độ được - Truyện cổ Phật Giáo Bà lão kỳ dị - Truyện cổ Phật Giáo Voi trung nghĩa - Truyện cổ Phật Giáo Nhà sư vướng lụy - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cây huyết dụ - Truyện cổ Phật Giáo Công đức xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Vị Sa Di giữ giới - Truyện cổ Phật Giáo Vạ mẹ - Truyện cổ Phật Giáo Hòa thượng cua - Truyện cổ Phật Giáo Hái hoa cúng Phật - Truyện cổ Phật Giáo Con trâu - Truyện cổ Phật Giáo Sư bác quản tượng - Truyện cổ Phật Giáo Cây táo núi Thíết Sơn - Truyện cổ Phật Giáo Chàng ngốc - Truyện cổ Phật Giáo Mãnh lực lời nguyền - Truyện cổ Phật Giáo Nụ cười em bé - Truyện cổ Phật Giáo Gương mặt hoa mè - Truyện cổ Phật Giáo Ðoạn đường phải đến - Truyện cổ Phật Giáo Người dốt giác ngộ - Truyện cổ Phật Giáo Một chút lửa địa ngục - Truyện cổ Phật Giáo Pothila ông sư rỗng - Truyện cổ Phật Giáo Dưới gốc mai vàng - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 13