Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Ông Trưởng Giả Keo Kiệt  

Cách thành Vương Xá không xa có một gia đình ông Truởng giả mệnh danh là keo kiệt. Bởi vì, mặc dầu ông sở hữu tài sản kho đụn chất đống, gia súc ruộng vườn mênh mông bát ngát, ông không bao giờ sử dụng của ấy cho vợ con hay cho chính mình, nói gì đến người thiên hạ.

Một buổi sáng, sau khi có việc đến cung vua trở về, ông keo kiệt trông thấy một người ăn xin đang gặm một miếng bánh tiêu giữa đường (thứ bánh làm bằng bột mì trộn đường bỏ vào dầu sôi phồng lên làm thành một cái bánh rỗng ruột). Ông thèm quá định bụng về bảo vợ làm như vậy. Nhưng về đến nhà, ông suy nghĩ: “Nếu ta nói cho bà ấy biết ta thèm bánh tiêu bà ấy sẽ làm cho cả nhà cùng ăn, thì sẽ tốn kém quá nhiều bột, đường, mè, dầu mỡ, và các thứ khác. Chi bằng lặng thinh tốt hơn”. Nghĩ như vậy ông keo kiệt lặng lẽ vào phòng, leo lên giường nằm thở dài sườn sượt, chiến đấu với cơn thèm, nhưng sợ hao tốn ông không dám thố lộ cùng ai nỗi thèm khác ấy.

Bà vợ thấy chồng buồn bã, đến bên hỏi han:

-         Sao ông buồn rầu như vậy? Có chuyện gì không?

-         Không có gì đâu, bà ạ. Vua có rầy rà gì ông chăng?

-         Không có.

-         Các con trai, con gái, dâu,rễ, cháu chắt, người ăn, kẻ làm , tôi tới trong nhà, có đứa nào làm ông phật lòng hay không?

-         Tuyệt đối không có chuyện ấy. Vậy thì, ông đang ao ước một điều gì?

Ông keo kiệt nghe vợ nói vậy, càng sợ tốn hao của cải, nên nhất quyết không hở môi, vẫn nằm bất động mà thở dài. Bà vợ năn nỉ:

-         Này, ông hãy nói đi, ông muốn cái gì thì bảo?

Ông Trưởng giả nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi mới thở dài não ruột mà bảo: Phải tôi thèm một chuyện.

-         Thèm chi, ông nói ra thử tôi nghe.

-         Tôi thèm ăn một cái bánh tiêu.

-         Trời đất quỷ thần ơi! Bộ mình nghèo lắm sao? Tạo sao ông không bảo tôi ngay? Thứ bánh đó làm dễ ợt. Tôi có thể làm ngay một mớ bánh tiêu, cho dân chúng cả thành phố này ăn..

-          Này, nhưng tại sao bà nghĩ điên rồ như vậy? Dân chúng ai làm nấy ăn, mắc gì tới bà?

-         Vậy thì, tôi có thể làm bánh cho hết thảy người ở con đường này ăn.

-         Cái đầu của bà làm sao vậy hả? Tại sao lại cứ nghĩ chuyện ngoài đường?

-         Vậy, tôi có thể làm bánh cho cả nhà ăn.

-         Bà điên mất rồi. Bà có biết nhà ta đông đến mấy trăm mấy ngàn miệng ăn không?

-         Vậy, tội sẽ làm bánh cho ông, tôi, và các con chúng ta ăn.

-         Tại sao bà phải bận tâm với chúng nó?

-         Vậy, tôi sẽ làm bánh cho ông và tôi ăn thôi.

-         Nhưng còn bà, bà ăn bánh tiêu làm gì đã chứ?

-          Vậy, tôi làm bánh cho một mình ông ăn thôi.

-         Bà nói vậy nghe mới được. Nhưng ở trong cái nhà này, chúng ta làm gì cũng nhiều người trông thấy. Vậy bà hãy đem bột, đường, dầu, mè và các thứ soong chảo, lò bê đi lên tuốt trên tầng lầu thứ 7, ở chót vót trên cao ấy, chúng ta mới làm bánh được, khỏi bị ai nhòm ngó.

-         Ðược rồi.

Bà vợ soạn tất cả dụng cụ và vật dụng làm bánh, lễ mễ bưng lên từng lầu chót. Ông Trưởng giả xách xâu chìa khóa đi theo, khóa hết các lối đi lên. Sau khi đến tầng lầu cuối, khóa cửa xong, ông mới bắt đầu bảo vợ khuấy bột chiên bánh.

Lúc ấy, tại Kỳ Viên Tịnh xá, Ðức Ðạo sư bảo Tôn giả Mục Kiền Liên:

-         Này Mục Liên, trong thành phố kia, có ông Trưởng giả keo kiệt đang ngồi trên tầng lầu chót mà chiên bánh vì sợi mọi người thấy. Vậy ông hãy vận thần thông mà đến đó, đem tất cả người và bánh lại cho ta. Trưa nay ta và chúng Tỳ kheo sẽ độ ngọ bằng bánh ấy và cải hóa Trưởng giả keo kiệt.

-         Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Mục Kiền Liên vâng lời vận thần thông đi đến chỗ trưởng giả Ngài hiện hình đắp y chỉnh tề đứng giữa hư không, ngay trước cửa sổ. Ông keo kiệt nhìn ra giật mình tự nhủ: “Chính vì sợ gặp những người như vậy mà ta mới leo tận đây, thế mà Sa môn này cũng lò dò tới được, lại đứng ngay trước cửa sổ! Rồi ông tức giận nói lớn:

- Này Tỳ kheo kia, muốn gì mà đứng như trời trồng ở đó? Dù ngươi có đi tới đi lui cho mỏi cả chân, cho thành một con đường mòn giữa hư không, ngươi cũng không được gì đâu.

Tức thì vị Tôn giả đi tới đi lui. Ông keo kiệt tức mình bảo:

- Ngươi đi tới đi lui làm chi cho mất công! Dù ngươi có ngồi kiết già giữa trời, ngươi cũng không được gì đâu.

Vị Tôn giả liền ngồi kiết già giữa hư không. Ông keo kiệt liền bảo:

- Ngồi kiết già làm chi đó? Vô ích mà thôi! Cho dầu ngươi có phun ra khói đi nữa, ngươi cũng không được gì đâu.

Tôn giả liền phun khói vào cửa sổ, khói lên đầy đặc cả căn phòng. Sợ Tôn giả sẽ làm cho căn phòng phát hỏa nên ông keo kiệt  không dám nói thêm “Dù ngươi có phun lửa ngươi cũng không được cái bánh nào! Ông tự nhủ: “Sa môn lì lợm này có lẽ nhất quyết ăn cho được bánh của mình mới chịu đi”. rồi ông bảo vợ:

- Này bà, thôi thì hãy chiên một cái bánh nhỏ xíu đưa cho ông ta đi cho xong.

Bà vợ lấy một ít bột bỏ vào chảo dầu. Nhưng cái bánh phồng lên đầy cả chảo. Ông bảo bà:

- Bà lấy nhiều bột quá để tôi lấy cho.

Ông lấy một chút bột dính đầu muỗng bỏ vào chảo. Do thần lực của tôn giả, cái bánh này còn lớn hơn cái trước. Ông keo kiệt cứ tưởng mình lấy nhiều bột, nên tiếp tục chiên cái khác nhỏ hơn mới đem cho. Nhưng càng ngày bánh cứ càng lớn, không thấy cái nào nhỏ cả, ông bèn bảo bà:

- Thôi bà hãy lấy đưa cho ông ấy bất cứ cái nào, một cái một mà thôi.

Bà vợ lấy một cái từ nơi rổ bánh đã chiên. Nhưng bà không rứt ra được cái nào, nên bảo:

- Ông ơi, bánh mắc dính với nhau. Tôi không thể nào gỡ ra được một cái.

- Ðể tôi gỡ cho.

Rồi ông cầm một cái bánh đã chiên, bà cầm rổ bánh, cả hai cố kéo ra một cái mà biếu vị Sa môn. Nhưng ông không tài nào rứt ra được, mồ hôi đổ ra nhể nhại, ướt cả mặt mày y phục. Mắt hai vợ chồng đỏ ngầu vì khói do Tôn giả phun ra, cuối cùng ông Trưởng giả mệt nhoài, không thiết gì nữa, bảo vợ:

- Này bà, tôi không ăn uống gì nữa hết. bà hãy đem hết rỗ bánh cúng đường vị Sa môn đi.

Mục Liên Tôn giả thu hồi thần lực là cho hết khói, rồi thuyết pháp cho ông keo kiệt nghe. Nghe xong ông phát sinh lòng tin thanh tịnh đối với Tam bảo, cung kính mời: Bạch Tôn giả, xin Ngài hãy tới đây, ngồi trên chỗ này mà dùng bánh của con.

-         Này Trưởng giả, Ðức Ðạo sư đang chờ để dùng bánh này. Ta hãy đem tới cúng dường Ngài.

-         Bạch Tôn giả, nhưng hiện giờ Ngài ở đâu?

-         Ngài đang ở Kỳ Viên Tịnh xá, cách đây chừng 45 dặm.

-         Quỷ thần ơi, xa như vậy làm sao chúng con kịp giờ Ngài dùng ngọ?

- Trưởng giả, nếu ngươi muốn, ta sẽ đưa ngươi, vợ ngươi và bánh đến nơi Ngài trong chớp mắt. Ðỉnh cầu thang ở nguyên chỗ, nhưng cái chân cầu thang này sẽ ở ngay chỗ vào Tịnh xá. Các ngươi sẽ đến đó trong thời gian ngắn hơn đi bộ xuống bảy từng lầu.  

Bạch Tôn giả, như vậy rất tốt.

Tôn giả liền hoá phép cho cái chân cầu thang ở ngay cổng Tịnh xá trong chớp mắt. Vợ chồng ông keo kiệt xuất hiện trước đấng Ðạo sư, đảnh lễ và thỉnh Phật dùng bánh. Khi Phật và chúng Tỳ kheo ngồi vào bàn ăn ông Trưởng giả đặt một cái bánh vào bát của Ngài. Tăng chúng thì dùng bánh từ rổ do bà vợ dâng lên. Vợ chồng Trưởng giả cũng được dùng bánh thỏa thích. Sau khi Ðức phật, Tăng chúng và hai cư sĩ dùng xong bữa, rổ bánh vẫn còn nguyên vẹn như cũ. Ðức Phật bảo đem bánh ấy để ngoài cổng Tịnh xá cho chim ăn. Ðến nay nơi ấy vẫn còn được gọi là động bánh.

Ðức Phật thuyết tùy hỷ pháp cho  hai cư sĩ. Khi nghe xong thời pháp của Phật, ông bà Trưởng giả đều đắc quả Dự lưu (nhập dòng thánh). Họ đảnh lễ Phật bước lên cầu thang và do thần lực của Tôn giả Mục Kiền Liên, đến ngay tầng bảy của lâu đài mình. Ðức Thế Tôn nhân đấy đã khen Tôn giả Mục Kiền Liên một lời mà sau được ghi vào kinh Pháp cú như sau:

“Này các Tỳ kheo, một vị Tỳ kheo muốn cải hóa một gia đình mà không làm mất tín tâm của họ, không phiền nhiễu họ, thì phải như ong hút mật hoa, chỉ giữ lấy mùi vị, không làm tổn thương hương sắc và như vậy chính là hạnh của Pháp Tử Mục Liên!”.

Thích Nữ Trí Hải

“Nhân quả kia kìa có sai đâu

Thử xem trần thế khắp hoàn cầu

Giàu nghèo, sướng khổ sang hèn đó

Khác biệt do nhân tạo thuở nào”.

 

La Hầu La Xuất Gia 

 

Lúc Ðức Phật còn tại thế, một hôm Phật bảo Ngài Mục Kiền Liên rằng: “Ông hãy về thành Ca Tỳ La Vệ kính thăm Phụ vương, Thúc Phụ và bà Di mẫu của ta, ủy dụ mẹ của La Hầu La hãy cắt tình ân ái cho La Hầu La  xuất gia làm Sa di. Tình ân ái giữa mẹ con thương nhau chỉ trong giây lát, chết rồi bị đọa vào địa ngục, không bao giờ được biết nhau. Nếu La Hầu La xuất gia chứng đạo, thời sẽ trở lại độ cho mẹ, trọn đời ra khỏi luân hồi sanh tử như ta ngày nay vậy”.

Ngài Mục Kiền Liên liền đến thành Ca Tỳ La Vệ trình bày ý định của đức Phật, bà Gia Du Ðà La nghe tin có sứ giả của Ðức Phật đến tìm bắt La Hầu La, liền đem con lên trên một lầu cao và đóng bít tất cả ngõ vào. Ngài Mục Kiền Liên liền dùng thần thông vào tiếp kiến, bà Gia Du Ðà La bất đắc dĩ phải làm lễ kính thăm Ðức Thế Tôn và hỏi sứ mệnh của Ngài đến đây có việc gì. Ngài Mục Kiền Liên nói rằng: “Thái tử La Hầu La nay đã chín tuổi nên cho xuất gia tu học Thánh đạo để tự giải thoát và giải thoát cho mọi người. Chính bổn ý của Ðức Phật là như vậy”.

Bà Da Du Ðà La đáp: “Ðức Thích Ca Như Lai khi còn làm Thái tử cưới hỏi tôi làm vợ, tôi phụng thờ Thái tử như phụng thờ một vị thiên thần. Chưa được ba năm, Thái tử vượt thành xuất gia tu đạo, lòng tôi đau khổ biết bao, tự nghĩ sau khi Thái tử thành Ðạo, chắc có thể cùng nhau tương kiến. Nhưng từ khi Ðức Phật thành đạo, hoàn toàn quên hết tình nghĩa cũ đối với những người thân cựu, lạt lẽo hơn người dưng nước lã, khiến tôi phải sống cô độc khốn cùng. Ngày nay Ngài lại muốn chiếm đoạt con tôi , thời còn gì tàn khốc hơn nữa. Thái tử thành đạo tự nói là từ bi nhưng nay Thái tử làm cách biệt mẹ con tôi, thời từ bi của Ngài ở chỗ nào? Mong Ngài hãy trở về bạch lên Ðức Thế Tôn, nỗi lòng của tôi cho Ngài rõ.”

Ðức Mục Kiền Liên liền từ tạ, đến kể lại câu chuyện cho vua Tịnh Phạn hay. Vua liền bảo bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề đến khuyên nhủ nàng Da Du Ðà La, bà đến khuyên ba lần, nàng nhất quyết không nghe và thưa rằng: “Ngày tôi còn ở nhà, vua của tám nước tranh nhau đến cầu tôi, cha mẹ tôi đều từ chối, để dành riêng tôi cho Thái tử là bậc xuất chúng hơn người. Nếu Thái tử không muốn ở đời, thời ân cần cầu tôi làm gì? Phàm ở đời, lập gia đình thành vợ thành chồng, đều mong có con cháu nối giòng, đó chính là chánh lẽ ở đời. Thái tử đã đành tâm đi rồi, nay lại đòi đem La Hầu La đi, cho tuyệt hẳn giòng dõi truyền thống thời còn có nghĩa lý gì nữa”.

Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề liền im lặng không biết nói gì. Ðức Phật hiểu được tâm trạng câu chấp và buồn khổ của nàng Da Du Ðà La, liền dùng vị hóa nhơn đến nói rằng: “Nàng còn nhớ thệ nguyện của nàng không? Thời ta còn làm vị Bồ Tát lấy 500 đồng tiền bạc mua 5 bông sen của nàng để dâng cúng Ðức Phật Ðịnh Quang, nàng còn gởi hai bông sen nhờ ta dâng cúng Ðức Phật, và cầu xin đời đời kiếp kiếp làm vợ của ta. Ta có nói với nàng: Ta là vị Bồ Tát, có nguyện bố thí tất cả, nếu nàng muốn làm vợ ta, thời nếu ta có bố thí cả quốc thành thê tử cho đến tự thân, nàng phải hoan hỷ. Nàng đã thỏa thuận cùng ta rồi, sao nay nàng lại thương tiếc La Hầu La không muốn rời bỏ”.

Nàng Da Du Ðà La nghe nói liền biết sự lỗi lầm của mình, làm lễ sám hối với Ngài Mục Kiền Liên, ân cần giao phó cho Ngài, và khóc lóc từ biệt con. La Hầu La biết mẹ sầu muộn liền khuyên giải mẹ và từ tạ mẹ mà đi. Vua Tịnh Phạn liền bảo các nhà hào tộc, mỗi nhà cử cho một người con trai cùng xuất gia với La Hầu La.

La Hầu La cùng với 50 vị công tử đến đảnh lễ Ðức Phật. Ðức Phật sai Ngài A Nan cắt tóc cho La Hầu La và 50 vị công tử, cho xuất gia, bảo Ngài Xá Lợi Phất làm Hòa Thượng, Ngài Mục Kiền Liên làm A Xà Lê truyền trao 10 giới Sa Di. Ðức Phật giảng kinh Phiến Ðà La nói về tội báo các đời trước cho các vị Sa Di nghe.

La Hầu La nghe kinh, trong lòng lấy làm ưu sầu, bạch Phật rằng: Bậc Hòa Thượng đại trí đức, thọ lãnh các món cúng dường tối thượng, kẻ tiểu nhi ngu mà không có đức, ăn đồ tín thí của người, đời sau chịu khổ như Phiến Ðà La. Vậy nên chúng con rất lo lắng, nguyện Phật cho chúng con bỏ đạo về nhà để khỏi các tội lỗi”.

Ðức Phật dạy: “Như có hai người bị đói, gặp được người chủ đãi bữa cơm ngon, tham ăn quá no. Một người có trí, liền uống thuốc xổ, gìn giữ nghỉ ngơi nên giữ được mạng sống. Một người vô trí sát sanh tế lễ để cầu được sống, không ngờ đồ ăn chất chứa không tiêu, nên bị đau phải chết, đọa vào cõi địa ngục. Người sợ tội mà xin bỏ đạo về nhà thật là kẻ vô trí. Các con đã có nhơn lành được gặp ta, thời nên uống thuốc cứu khổ, thời khỏi phải chết”.

La Hầu La nghe lòi Phật dạy, hiểu rõ chơn nghĩa của sự tu hành, đảnh lễ chân thật, vâng theo lời giáo huấn của đấng Thế Tôn.

La hầu La chưa chứng đạo, nên tâm tánh còn thô tháo chưa được thuần thục, lời nói ít thành tín.

Một hôm, Phật bảo La Hầu La: “Ngươi hãy về ở tại tịnh xá Hiền Ðề, giữ miệng nhiếp ý, siêng tu kinh giới”.

La Hầu La vâng theo lời Phật dạy, về ở tịnh xá Hiền đề 90 ngày, tàm quý tự hối, ngày đêm không dừng nghỉ. Ðức Phật đến thăm La Hầu La hoan hỷ đảnh lễ, sửa soạn chỗ ngồi thỉnh Phật an tọa, nhiếp tâm đứng hầu một bên Phật. Phật bảo La Hầu La:

- Ngươi  hãy bưng chậu nước đến đây, rửa chân cho ta.

La hầu La vâng lời rửa chân Ðức Phật. Khi rửa xong Ðức Phật bảo La Hầu La: Ngươi có thấy nước rửa chân trong chậu kia không?

-         Bạch Thế Tôn, con thấy.

-         Nước ấy có thể dùng để ăn uống súc miệng được không?

-          Bạch Thế Tôn, không thể được. Nước ấy trước kia trong sạch, nay vì rửa chân trở thành nhớp đục nên không thể dùng.

Phật dạy:

-         Ngươi cũng như vậy, là con ta, là cháu vua Tịnh Phạn, bỏ sự vui sướng ở đời, làm vị Sa Môn, nếu không tinh tấn, nhiếp thân giữ miệng, thời sẽ bị ba món độc là tham sân, si làm nhơ nhớp tâm ý, cũng như nước kia không thể dùng được.

Phật lại bảo La Hầu La:

- Hãy đổ chậu nước kia đi.

La Hầu La liền đổ nước trong chậu ra.

 Phật dạy:

- Chậu kia không còn nước nhớp nữa, vậy có thể đựng đồ ăn uống được không? Bạch Thế Tôn, không thể dùng được, vì đã mang cái tên chậu đựng nước rửa và đã từng chứa nước không sạch.

Phật dạy La Hầu La:

-  Ngươi cũng như vậy, tuy làm vị Sa môn, miệng không nói thành tín, tâm tánh lại cang cường, chẳng niệm tinh tấn, thường bị tiếng đồn không tốt. Thật cũng như cái chậu rửa kia không thể đựng đồ ăn được.

 Ðức Phật lại lấy ngón chân hất cái chậu rửa, khiến chạy lăn tròn, nghiêng qua nghiên lại vài lần rồi mới dừng lại. Phật lại hỏi La Hầu La:

-         Ngươi có tiếc cái chậu này bị bể không?

-         Bạch Thế Tôn, cái chậu để rửa chân là vật không quý giá gì. Trong ý tuy cũng có tiếc đôi chút, nhưng không đến nỗi thiết tha lắm.

Phật bảo La Hầu La:

- Ngươi cũng như vậy, tuy là người Sa môn, không nhiếp thân và miệng nói lời thô ác làm hại nhiều người, thời trong chúng không ai thương, người tri thức không ai tiếc, thân chết bị luân chuyển trong ba đường dữ, sống chết vô lượng, các vị Hiền Thánh không ai thương tiếc, cũng như ngươi nói không tiếc cái chậu vậy.

La hầu La nghe lời Phật dạy lấy làm hổ thẹn và sám hối tất cả lỗi lầm đã phạm. . .

Minh Châu

“Hãy xem người thợ rèn dung sắt, phải cạo bỏ tất cả sét bẩn, mới trở nên đồ dùng tốt.

Người học Ðạo phải bỏ tất cả thói xấu, mới trở nên trong sạch được”.

 

Ðạo đức trở về  

 

Trị vì kinh thành Ba La Nại, một thời kia, là going họ Sudasa. Nhà vua thì ham mê săn bắn hơn chăm lo đến đời sống dân chúng. Trong một cuộc săn, nhà vua mải miết đuổi theo đàn hươu tơ nên lạc vào rừng sâu. Ðến khi dừng lại, mệt quá, vua ngũ thiếp đi. Và lúc ngài thức giấc, ngài thấy một con sư tử cái đang ngồi cạnh liếm chân ngài ra chừng luyến ái. Ngài cũng vuốt ve hắn một cách thân mật như quen biết nhau từ thuở nào. . .

Câu chuyện lạ lùng trên đây lần lần theo thời gian xóa mờ đi thì một hôm kia ngạc nhiên khác đến. Người ta thấy đi vào kinh thành Ba La Nại một con sư tử cái to lớn, trên lưng nó cõng một đứa bé mới sinh. Nó đi thẳng vào cung điện, trao đứa bé cho nhà vua rồi trở lại rừng sâu.

            Nhà vua không có con nên nhận đứa bé làm con minh và đặt tên là Kamasa (Chân vằn) Kamasa lớn lên rất nhanh chóng và được vua cho đi học ở Ta Xi La. Tại đây, Kamasa làm quen với nhiều hoàng tử ở nhiều nước, trong đó có hoàng tử Su Ta Ma mà ta sẽ biết sau này.

Ðến sau cua cha mất, Kamasa được lập lên ngôi, kế tục giòng họ Sudasa cũng nhớ các của trước, Kamasa duy trì được nề nếp cũ nhưng chỉ mỗi một điều khác là nhà vua rất thèm thịt. Ðó là bản tính mà ông thừa hưởng của mẹ. Người đầu bếp biết tính vua nên bữa nào cũng sửa soạn đầy đủ nhiều món thịt kho nướng ngon lành. Cho đến một hôm kia, trước bữa ăn, vì sơ ý anh ta không cất đặt đồ ăn kỹ lưỡng nên tất cả các món thịt đều bị bọn chó săn chén hết sạch. Hôm ấy là ngày lễ nên các cửa tiệm đều đóng cửa. Và chạy đủ hết mọi nơi cũng không thể mua được mẩu thịt nào, tình thế thật là nguy cấp. Vợ người đầu bếp bỗng nảy ra một sáng ý. Chị ta lén xẻo một miếng thịt đùi của người tù vừa bị xử trảm đem vào cho chồng. Rồi hai vỡ chồng hối hả chiên xào với nhiều đồ gia vị thơm tho. . .

Mới vào ngồi vào bàn ăn nhà vua đã để ý ngay đến mùi vị khác thường. Rồi nhà vua gạn hỏi tên đầu bếp về món thịt mới lạ này. Người đầu bếp sợ hãi nói quanh và đến cuối cùng phải thú thật. Rồi hắn nén thở chờ sự trừng phạt mà hắn dự đoán sẽ rất nặng nề. Nhưng, nhà vua không tỏ vẻ giận dữ mà trái lại khen ngợi hắn, nhà vua lại còn dặn dò kỹ lưỡng rằng sau này nhà vua chỉ thích một món thịt ấy thôi.

Ở miền khí hậu nóng của xứ Ấn Ðộ khó mà giữ được thịt tươi sang đến ngày hôm sau, nên cứ mỗi ngày phải hạ thịt một người. Những tên tù lần lược đem ra chém để lấy thịt dọn cho vua. Nhưng rồi cũng đến cái ngày mà nhà tù hết người. Thế là cái tên đầu bếp khốn nạn lại phải đi săn người. Những người đi về khuya thường bị bắt cóc, trẻ con đi chơi một mình thường bị mất tích, gieo một kinh khủng trong khắp kinh thành  mãi cho đế một hôm người ta bắt được hung thủ. Tên đó chẳng phải ai khác là tên đầu bếp của nhà vua. Người ta dẫn hắn ra trước pháp đình với cả xâu thịt đùi treo ở cổ hắn. Hắn nhận tất cả tội lỗi và cung khai là hắn làm theo lệnh nhà vua. Dân chúng rất đổi ngạc nhiên. Rồi nhớ đến cái giòng giống sư tử của ông vua khát máu, người ta đều hiểu được sự thật. Mọi người phẩn uất, định nổi dậy lột mặt nạ thật ông vua độc ác. Nhưng Kamasa đã đứng dậy, vung gươm vạch một lối thoát để trốn vào rừng sâu cùng với tên đầy tớ.

Cũng vào thời kỳ đó, trong lúc ở thành Ba La Nại cái màn khủng khiếp diễn ra thì ở xứ Indra (gần Ðề Ly bây giờ) không khí sinh hoại lại khác hẳn. Nhà vua thuộc giòng họ Khu Ra và Thái tử Su Ta Ma ( tiền thân của Ðức Phật) là người đức hạnh. Dân chúng sống yên ổn thanh bình. Người ta thường đọc lên rất nhiều bài thơ ca ngợi hạnh phúc và lòng đạo đức của Thái tử. Thái tử Su Ta Ma còn trao nhiều giải thưởng quý giá cho những đoạn văn thơ lỗi lạc. Hơn một lần Thái tử đã thưởng hàng chục lạng vàng cho những áng thơ tuyệt tác đến nỗi vua cha phải tìm cách khuyên can. Nhưng Thái tử đều một mực xin cha được như nguyện vì theo ý ngài thì không có kho của cải nào trên đời này quý giá bằng nhhững ý tưởng cao đẹp thoát lên từ những lời thơ hay.

Một buổi sang đầu mùa, lúc Thái tử đi đến vườn hoa để dự hội mùa Xuân, Ngài gặp một ông lão Bà La Môn, ông lão từ Ta Xi La đến, quần áo còn dính đầy bụi đường, đến tìm Ngài để đọc cho Ngài nghe bốn đoạn thơ tuyệt tác với hy vọng mong ở Ngài một phần thưởng xứng đáng. Vì còn phải dự lễ nên Thái tử hẹn sẽ gặp lại ông già khi Ngài trở về. Ngài không quên dặn người nhà phải đối đãi với ông già rất tử tế. . .

Buổi lễ đã khai diễn. Người ta chào đón Thái tử trong những điệu múa tươi đẹp như hoa hồng nở, trong những lời ca trong lành như gió reo ánh sang. Bỗng một tiếng gầm lớn. Cuộc vui dừng lại. đoàn lính hầu cận Thái tử đã sẵn sang để bảo vệ Ngài chống với một kẻ lạ mặt cao lớn, thân hình đầy lông lá trông vô cùng man rợ đang tiến về phía Thái tử, Thái tử Su Ta Ma bình tĩnh hơn bao giờ hết và nhận ra kẻ lạ mặt là Kamasa, bạn cùng học tại Ta Xi La. Ngài khoác tay cho lính đừng chống cự. Kamasa rống lên như một thú rừng rồi chạy xổ tới, trông khỏe như voi và nhanh như gió bão. Hắn cõng Thái tử lên vai và chạy biến vào rừng sâu.

Kamasa đã làm gì trong rừng này từ sau khi từ bỏ kinh thành Ba La Nại. Thật khó kể hết những hành vi tàn bạo của hắn. râu tóc hắn mọc dài ra. Áo quần hắn rách tươm, dính đầy bùn và máu. Hình thù khhủng khiếp ấy đã làm nhiều người đi trong rừng chết ngất, Trước khi biến thành thịt ngon để vào bụng hắn.

Một hôm kia, hắn săn suốt ngày mà không tìm được một người nào. Lúc trở về dưới gốc cây đa dùng làm nhà cho hắn lâu nay, Kamasa đói cào ruột. Hắn bổng thấy một bóng người, hắn nhảy xổ đến, giết chết. Hắn gọi tên đầu bếp. Hắn gọi đã năm bảy lần mà vẫn không thấy trả lời. Tức giận hắn định đứng dậy đi tìm thì bổng hắn nhìn kỹ lại xác người nằm dưới chân hắn. Ðó! Người nằm dưới chân hắn không ai khác là tên đầy tớ của hắn. Không một chút cảm động, hắn tự tay phanh thịt tên đầu bếp tại chỗ mà trước đây tên kia đã quay thịt rất nhiều người. Thế là từ ngày ấy hắn phải đích thân làm đầu bếp.

Cũng chưa bằng lòng, Kamasa còn đón bắt 99 vị hoàng tử, phần lớn là bạn bè của hắn hồi ở Ta Xi La về giam dưới gốc cây đa. hắn định bắt đủ một trăm để cùng chọc huyết một lượt lấy máu tế thần cây, và Thái tử Su Ta Ma là người thứ một trăm.

Tất cả đều đã sẳn sàng. Hắn đặt Thái tử Su Ta Ma xuống đất với một cử chỉ thắng trận. Hắn tuyên bố cho Su Ta Ma biết ý định của hắn. Su Ta Ma không hề mất bình tĩnh nhưng bổng nhiên mắt Thái tử rươm rướm ướt. Kamasa cười chế nhạo, hắn nói:Thái tử còn tiếc nhiều điều lắm phải không. Và danh vọng và thú vui và vợ con ngài. . .

Phải! Ðối với Kamasa hắn chỉ hiểu chừng ấy. Làm sao mà hắn có thể biết rằng hiện Thái tử Su Ta Ma đang nghĩ đến ông lão Bà La Môn, đến bài thơ tuyệt tác mà ông ta sắp đọc cho Ngài nghe, đến hy vọng được khen thưởng của ông lão, đến lời hứa của Ngài với ông lão chưa thực hiện được. Ông ta sẽ thất vọng buồn khổ biết bao nhiêu!

Suy nghĩ một lát, Thái tử Su Ta Ma bèn tỏ cho hắn biết và xin hắn để cho mình được trở về làm tròn lời hứa. Ban đầu hắn nhất định không thuận vì hắn không tin rằng Su Ta Ma sẽ trở lại với hắn. Nhưng đến khi Su Ta Ma chỉ vào gươm mình mà thề lời thề danh dự của người Su Ta A. với ngay cả Kamasa, phải chăng lời thề danh dự đó tác động đến tâm hắn. Hay là hắn muốn thử lòng thủ tín của người bạn hắn chăng. Chỉ biết rằng cuối cùng hắn để chịu cho Thái tử Su Ta Ma trở về gặp ông lão Bà La Môn.

Su Ta Ma được mọi người đón mừng nhưng việc đầu tiên của Ngài là đến gặp ông lão Bà La Môn để ông ta khỏi chờ đợi. Thái tử chăm chú nghe ông ta đọc bốn đoạn thơ tuyệt tác. Bốn đoạn thơ có mãnh lực phi thường! Nó kích động tận tâm can những đức tín cao đẹp của con người. Ngài ghi sâu bài thơ vào lòng. Ngài thưởng cho lão rất hậu. Rồi Ngài ghé lại từ biệt vua cha. Vua cha không muốn Su Ta Ma trở lại một mình sợ thiệt hại đến tính mạng Thái tử, lại còn muốn cử một đội binh hùng mạnh để chấm dứt cuộc đời tàn bạo của Kamasa. Nhưng Thái tử can vua. Và giữ đúng lời hứa ttrước mặt kẻ thù, Su Ta Ma trở lại một mình.

Su Ta Ma trở về đúng hẹn làm Kamasa kinh ngạc. Sự coi thường cái chết của Ngài đã làm cho nó cảm phục. Rồi tự nhiên đến lượt hắn, hắn tò mò muốn nghe bốn đoạn thơ huyền  diệu. Su Ta Ma từ chối vì cớ rằng những lời thơ hay không thể để lọt vào tai kẻ không xứng đáng. hắn chột dạ nhưng lòng muốn biết lại mạnh hơn, nên cố gắng nén tức giận. hắn từ tốn xin Thái tử đọc cho nó nghe. Một lát sau biết là đã đến lúc hắn tình tĩnh để hiểu. Su Ta Ma đọc lên toàn bài thơ một cách nồng nhiệt như ông lão Bà La Môn trước đây đã đọc cho Ngài. Bài thơ có tác dụng kỳ diệu. Nó khơi dậy các điều lành trong tâm của một kẻ hầu như đã mất hẳn tánh người. Nghe xong Kamasa yên lặng suy nghĩ rồi đáp lại hắn hứa cho Thái tử ao ước bốn điều.

Sau khi cân nhắc, Thái tử Su Ta Ma phát biểu lần lượt các điều ước của mình. Ðầu tiên, Ngài ước cho Kamasa, người bạn của Ngài thời niên thiếu được sống lâu. thật không thể nào ngờ được, Kamasa không thể nào ngờ được người sắp bị hắn ăn thịt lại không có một ác ý gì với hắn, trái lại còn đặt nhiều tình cảm với hắn.

Ðiều thứ hai, Ngài ước rằng 99 vị hoàng tử đang bị giam cầm sẽ được trả lại tự do. Kamasa chấp thuận điều này một cách dể dàng.

Ðiều thứ ba, các vị hoàng tử sẽ cùng được thả ra cùng trong một lúc ở đây, kamasa hơi do dự một chút vì hắn sợ sẽ bị trả thù nhưng sau hắn cũng bằng lòng.

Chỉ còn một điều ước cuối cùng. Ðã ba lần rồi, Su Ta Ma chưa uớc gì về Ngài cả. Kamasa đoán chắc thế nào lần này hắn cũng sẽ nghe Thái tử Su Ta Ma ước về sự giải thoát của mình. Nhưng hắn lầm vì Su Ta Ma đang ao ước một lần nữa về hắn. Ngài ước rằng: Từ nay về sau Kamasa sẽ bỏ cuộc đời man dã. Thật là một lời sét đánh, trong tâm Kamasa có một cuộc nổi loạn. Hắn, kẻ đã từ bỏ của cải, đất đai ngôi báu để sống theo bản chất hung hãn, giờ đây hắn trở về con đường hiền lành của con mồi của hắn? Chưa khi nào hắn có ý nghĩ như thế. Nhưng lần này có một sức mạnh đang truyền khí lực vào những cái gì tốt còn sót lại trong tâm hắn. Và bài thơ ban nãy, và người đang đứng trước mặt nó, quả đã tiếp sức cho nó một nguồn lực, một nguồn lực tinh thần dồi dào. Cho nên trong cuộc chiến đấu bên trong, Kamasa đã tự thắng được mình.

Kamasa đã tự thấy được tội ác của mình. Nó hối hận quá, sụp xuống chân Thái tử Su Ta Ma tỏ lòng muốn quay về con đường lành.Trong lúc đó trên khắp cõi trời đất vạn vật đều rung động tỏ nỗi vui mừng chào đón sự thắng lợi của Thái tử Su Ta Ma.

Thái tứ hoan hỷ đỡ Kamasa dậy, giúp Kamasa thực hiện những điều đã thuận hành, Kamasa cắt dây cởi trói, trả lại tự do cho 99 vị hoàng tử trước sự vô cùng ngạc nhiên của họ.

Những điều quan trọng cần phải giải quyết là việc đưa Kamasa trở lại kinh thành Ba La Nại. Làm thế nào bảo không còn sự căm hờn của dân chúng, của những kẻ bị mất con, mất chồng, mất người thân thuộc? Tội ác của tên đầu bếp, hắn đã nhận cái hậu quả tai hại trong dạ dày của chủ hắn rồi. Còn tất cả tội lỗi của Kamasa, Kamasa phải chuộc bằng tất cả việc lành sau này của mình. Ai phải bảo đảm điều đó với dân chúng? Giải quyết khó khăn này, không thể trông cậy vào người nào ngoài Su Ta Ma.

Thái tử Su ta Ma cùng với 99 vị hoàng tử Kamasa về thành. Ngài đứng ra phân giải với dân chúng. Tin ở Ngài, dân chúng bằng lòng tiếp đón Kamasa.

Ngày hôm sau khắp kinh thành mở hội. Trước mọi người, Kamasa hứa giữ gìn tập tục tốt và đức hạnh. Rồi mời 99 vị hoàng tử và Thái tử Su Ta Ma cùng dự bữa tiệc chào mừng ngày trở về của đức hạnh trong tâm tư con người, ngày thắng lại của lẽ phải, ngày hết âu lo của kinh thành.

Quảng Huệ

“Thắng lợi thì bị oán thù, thất bại thì bị đau khổ, kẻ nào không màng đến thắng bại, kẻ ấy sẽ sống một cuộc đời hòa hiếu an vui”.

 

Không biết mình điên 

 

Ngày xưa, tại một xứ nọ trong nước Ấn Ðộ dân chúng sống đời bình yên, mưa thuận gió hòa, chưa khi nào gặp phải thiên tai hạn hán.

Nhưng chẳng ngờ, một chiều hôm đó, bầu trời mây đen giăng kín và trút xuống cơn mưa, ngập tràn hồ ao sông biển, dân chúng uống phải thứ nước mưa ấy ai nấy thảy đều loạn tâm, cuồng trí, cởi bỏ y phục, nhảy múa như những kẻ điên. Họ hốt đất bùn tô trét đầy mình mẩy, mặt mày. Trải qua bảy ngày như vậy mọi người mới tỉnh cơn cuồng loạn, nhưng họ chẳng biết do nguyên nhân nào gây nên sự kiện này.

Trong triều đình, vị vua đang trị vì xứ ấy là một bậc minh quân, tài trí một hôm thấy trời kéo mây đen, nhà vua biết được đó là cơn mưa độc sắp trút xuống, bèn lấy đồ đậy miệng giếng lại. Lúc ấy cả thành, nước mưa độc tràn xuống ao hồ sông suối, dân chúng uống thứ nước ấy đều bị cuồng loạn như lần trước.

Sáng hôm sau, nhà vua lâm triều thấy quần thần, bá quan văn võ đều trần truồng, bùn đất dính khắp thân thể, ngồi chầu hai bên. chỉ có một mình nhà vua vì không uống phải thứ thuốc độc ấy nên bình tĩnh sáng suốt, mình mặc áo long phụng, đầu đội mão cửu long gắn đầy châu báu, ngồi trên long ỷ. Quần thần thấy vậy, ngơ ngác, chủ chỏ nói với nhau rằng: “Ồ kìa! Thằng khùng! Nó làm cái gì mà dị hình dị tướng như vậy, chắc là nó điên. Nó quấn cái gì cùng mình chẳng giống ai, chúng ta hãy hỏi tội nó”.

Nhà vua nghe quần thần bàn tán với nhau như vậy sợ hãy, liền nói rằng:

- Ta có thú thuốc hay, có thể trị được bịnh này. Các ông hãy chờ ta một chút, ta đi lấy thuốc đem ra ngay. Nhà vua trở vào cung trút bỏ y phục trần truồng giống như bọn quần thần rồi lấy đất bùn trét lên mình mặt rồi trở ra. Bọn người thấy thế vui mừng, hớn hở, cho rằng ông ta đã hết điên, giống y như mình.

Trải qua bảy ngày chất độc tan hết, mọi người đều tỉnh lại, thấy mình trần truồng lấy làm xấu hổ, về nhà mặc quần áo rồi lâm triều nhưng khi ấy nhà vua lại ngồi trần truồng trên long ỷ, đầy mình đất cát nhơ nhớp, quần thần ngó thấy kinh ngạc nói rằng:  Ðại vương là bậc đa mưu trí tuệ tại sao cuồng loạn như vậy?

Nhà vua nói:

-  “Tâm ta thường vắng lặng không biến đổi, chính các ông bị cuồng loạn”.

Ðấng Thế Tôn cũng lại như vậy, chúng sanh bị màng vô minh làm mê mờ, cuồng loạn, nếu nghe bậc đại Thánh Trí giảng thuyết về các pháp bất sanh, bất diệt , nhất tướng. . . thì cho đó là lời cuồng loạn. Bởi vậy Như Lai tùy theo chúng sanh mà phương tiện, nói thiện bất thiện, hữu vi, vô vi vậy.

Giới Ðức

Không lửa nào có thể ví được với lửa của tham dục.

Không có ngục tù nào có thể ví được với ngục tù của oán hờn.

Không mối ràng buộc nào có thể ví được với sự rối loạn của tâm trí.

Không đau khổ nào giống như sự đau khổ của loài người.

Nhưng chẳng có hạnh phúc nào lớn bằng sự an định của tâm trí.

 

Chuyện chàng 4 vợ  

 

Một chàng kia có bốn bà vợ.

 Bà thứ nhất, được chồng mến yêu, đi đứng, nằm ngồi, làm lụng không rời nửa bước. Ăn uống, áo quần thường được chồng lo cho trước hết. Lạnh nóng đói khát xem sóc tùy thời, chìu theo ý muốn, chẳng bao giờ cùng nhau to tiếng.

Bà hai, đi đứng nói năng, thường ở hai bên tả hữu. Chồng gặp thì vui, xa chút thì buồn.

Bà ba, thỉnh thoảng năm thì mười họa, khi cùng cực thiếu thốn, mới được anh chồng nghĩ đến.

Bà thứ tư, hẩm hiu hơn hết, bị chồng sai bảo đủ chuyện , phục dịch đủ điều, nhưng chẳng bao giờ thèm hỏi đến.

Một ngày kia, anh chồng hấp hối, kêu bà vợ thứ nhất vô bảo:

-         Ngươi phải đi theo ta.

Bà thứ nhất trả lời:

-         Tôi không thể theo anh được. Anh chồng nổi xùng, hỏi:

Ta vốn yêu mi nhất, thường cưng chìu ngươi đủ thứ. Tại sao chẳng chịu theo nhau!

 Bà vợ đáp:

- Anh tuy có lòng yêu mến tôi thật, nhưng tôi không thể đi.

Anh chồng bèn kêu bà hai đến bảo:

-         Mình đi theo tôi đi.

Bà này đáp:

-         Anh yêu mến chị cả sao không bắt chị ấy đi, tôi đâu có đi theo anh được.

Anh chồng bèn nạt nộ:

-         Ngày trước, ta tìm mi thật khổ sở không thể tả xiết. Nào chịu lạnh, chịu nóng, nhịn ăn nhịn tiêu mới giữ được mi. tại sao chẳng chịu đi với ta.

Bà hai vẫn đáp tỉnh bơ:

- Bởi lòng anh tham dục mới tìm đến tôi, chớ tôi đâu có cần gì anh. Nay sao lại đem việc gian khổ ấy buộc nhau lằm gì!

Quá ngao ngán, anh chồng phải kêu đến bà vợ ba mà rằng:

-         Mình nên đi theo tôi.

Bà ba tỏ ra lưu luyến, nhưng chỉ khóc lóc mà nói:

-         Tôi với anh ân nghĩa nặng lắm. Nay đến phút cuối cùng, tôi xin đưa tiễn anh tới ngoài thành ngoài thành mà thôi, không thể theo anh đi đến tận chỗ anh ở được.

Sau cùng, anh chàng bốn vợ đành phải kêu bà vợ thứ tư, người thường ngày bị chàng ta hất hủi, mà bảo đi theo mình. chị vợ này bảo chồng:

- Tôi đã xa lìa cha mẹ tôi đi theo hầu hạ anh, thì việc sống chết vui khổ phải có mặt với nhau. Giờ đây, tôi xin theo anh đi cho đến chỗ.

Bốn bà vợ trên là bốn thí dụ:

-         Bà thứ nhất, dụ cho thân xác con nguời. Người đời, ai nấy ưa mến xác thân mình như anh chồng kia mê bà nhất. Nhưng đến khi chết, nó nằm trơ trơ nơi đất, nào chịu đi theo.

-         Bà hai, dụ cho của cải tiền bạc. Khi được thì vui. chẳng được thì buồn. Nhưng đến lúc chết của cải hoàn trả cho đời, nào chịu đi theo.

-          Bà ba, dụ cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, bạn hữu. Sanh thời lấy ân nghĩa tình ái, cùng nhau tưởng mến. Nhưng khi chết, dù họ có khóc lóc than van, cũng tiễn đưa được nhau tới nghĩa địa là cùng, rồi ai về nhà nấy. thương nhớ có lâu lắm cũng chẳng qua mười ngày là lại ăn uống cười nói mà dần quên người chết.

-         Bà tư, dụ cho tâm ý của con người. Trong thiên hạ, ai mà không có lúc tự ái, bảo thủ ý mình, buông thả tâm ý, tham dục giận dữ, chẳng tin chánh đạo. Ðến khi chết, chỉ có tâm ý là chịu đi theo để phải đọa vào ác đạo.

Cho nên, phải săn sóc tâm ý, bằng cách luôn luôn nhớ tới nó mà thắng tâm chánh ý.

Báo Bát Nhã

“Tâm như nhà họa sĩ, vẽ các tranh ảnh.
Tâm như người nô lệ bị các món phiền não sai khiến.
Tâm như vị quốc vương làm mọi việc tự tại.
Tâm như bọn giặc cướp khiến tự thân bị đau khổ.”

Mục Lục Cổ Tích Chiếc cầu muôn thuở - Truyện cổ Phật Giáo Tôn Giả tí hon - Truyện cổ Phật Giáo Không đau ruột bằng - Truyện cổ Phật Giáo Dạy khỉ nói - Truyện cổ Phật Giáo Mục Kiền Liên - Truyện cổ Phật Giáo Bát cơm cúng dường - Truyện cổ Phật Giáo Vườn Nai - Truyện cổ Phật Giáo Duyên xưa nghiệp củ - Truyện cổ Phật Giáo Ca Lưu Ðà Di - Truyện cổ Phật Giáo Phật Pháp nan văn - Truyện cổ Phật Giáo Tâm nhìn - Truyện cổ Phật Giáo Nắm tro tàn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích chim tu hú - Truyện cổ Phật Giáo Ông trưởng giả keo kiệt - Truyện cổ Phật Giáo La Hầu La xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo đức trở về - Truyện cổ Phật Giáo Không biết mình điên - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng 4 vợ - Truyện cổ Phật Giáo Chú tiểu hiền triết - Truyện cổ Phật Giáo Nhờ nghe Phật pháp khỏi phải tự thiêu - Truyện cổ Phật Giáo Ông sư Huyền Trân - Truyện cổ Phật Giáo Nguyễn Minh Không - Truyện cổ Phật Giáo Vọng phu - Truyện cổ Phật Giáo Hồ ly vượt bể mót vàng - Truyện cổ Phật Giáo Trư hòa thượng - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích con muỗi - Truyện cổ Phật Giáo Phước Huệ song tu - Truyện cổ Phật Giáo Quạ cú thù nhau - Truyện cổ Phật Giáo Vô duyên với Phật thì không độ được - Truyện cổ Phật Giáo Bà lão kỳ dị - Truyện cổ Phật Giáo Voi trung nghĩa - Truyện cổ Phật Giáo Nhà sư vướng lụy - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cây huyết dụ - Truyện cổ Phật Giáo Công đức xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Vị Sa Di giữ giới - Truyện cổ Phật Giáo Vạ mẹ - Truyện cổ Phật Giáo Hòa thượng cua - Truyện cổ Phật Giáo Hái hoa cúng Phật - Truyện cổ Phật Giáo Con trâu - Truyện cổ Phật Giáo Sư bác quản tượng - Truyện cổ Phật Giáo Cây táo núi Thíết Sơn - Truyện cổ Phật Giáo Chàng ngốc - Truyện cổ Phật Giáo Mãnh lực lời nguyền - Truyện cổ Phật Giáo Nụ cười em bé - Truyện cổ Phật Giáo Gương mặt hoa mè - Truyện cổ Phật Giáo Ðoạn đường phải đến - Truyện cổ Phật Giáo Người dốt giác ngộ - Truyện cổ Phật Giáo Một chút lửa địa ngục - Truyện cổ Phật Giáo Pothila ông sư rỗng - Truyện cổ Phật Giáo Dưới gốc mai vàng - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 13