Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Vô duyên với Phật thì không được Phật độ

 

Trong thời Ðức Thích Ca còn tại thế, khi đó có ông Trưởng giả tên là Tu Ðạt, ông Trưởng giả này có một bà lão già tên là Tỳ Ðề La để coi giữ nhà cửa, tất cả kho tàng vàng bạc. . . cũng đều tin cậy phó thác gìn giữ. Nhân một hôm ông Trưởng giả thỉnh Phật và chúng Tăng để cúng dường. Những vị Tỳ kheo có bệnh thì ông lại phải dùng mọi thứ thích nghi để cung cấp cúng dường.

Bào lão ở thấy vậy sanh lòng tham ghen ghét mà nói rằng: “Ông Trưởng giả nhà này thật là ngu si mê hoặc, đến nỗi xin thụ giáo qui y cả những Sa môn đi khất thực, có đạo nào mà như vậy”.

Bà ta lại sanh ra ý niệm: “Không muốn nghe thấy cái tên Tam Bảo nữa”.

Hoàng hậu của vua Ba Tư Nặc là Mạt Lợi phu nhân nghe biết chuyện đó, liền nói: “Ông Tu Ðạt Trưởng giả này thương mến bà lão ở như thương yêu nàng Liên Hoa kiều diễm vậy”. Tức thời sắc cho ông Trưởng giả Tu Ðạt phải sai vợ đến chầu hoàng hậu”.

            Trưởng giả phu nhân đến nhà vua kính lễ Hoàng hậu và tâu rằng:

- Kính thưa Hoàng hậu, người ở nhà tôi quả thật ác khẩu, bất tín phỉ báng Tam Bảo.

Hoàng hậu nói:

- Sao không đánh đập đuổi đi?

Trưởng giả phu nhân thưa:

- Tâu hoàng hậu: Ðức Phật là cha của tất cả chúng sanh, thương tất cả như con đỏ, Ngài coi kẻ oán người thân như ruột thịt, huống người ở già này mà Ngài lại không thương? Ta là con Phật, há còn đánh đập làm chi.

Hoàng hậu nghe Trưởng giả phu nhân tâu rồi, tâm rất hoan hỷ mà nói rằng:

- “Tôi muốn thỉnh Phật và Chúng Tăng, bà nên sai người ở ấy đến trợ giúp việc cúng dường cho tôi, trước khi Phật và Chúng Tăng đến”.

- Ông Trưởng giả liền sai người ở đem vàng bạc đến giúp nhà vua để cúng dường Phật và chúng Tăng.

- Khi Ðức Phật và Chúng Tăng tới cửa nhà vua, thì người ở kia thấy rồi tâm sinh ra buồn rầu tức thời muốn bỏ chạy đi. Ðức Phật ở trước người kia, giơ tay hoá thành 10 Ðức Phật, thần tướng trang nghiêm phóng ra hào quang sang lớn, mỗi Ðức Phật lại nói ra mọi pháp mầu nhiệm.

Người ở kia ra về lại sợ thấy Phật nên không dám đi, Ðức Phật bảo người đó rằng: “Ngươi thật là vô duyên đối với ta, ta lấy Phật nhãn xem biết ngươi chỉ có duyên với ông La Hầu La mà thôi”.

Ðức Phật dùng Phạm âm sai ông La Hầu La qua để hóa độ.

Bấy giờ Ngài La Hầu La thừa sức uy thần của Phật dùng thần túc bay đi trên hư không mà đến, khi người ở thấy Ngài La Hầu La có sức thần thông tự tại từ trên hư không mà xuống, tâm sinh ra rất vui mừng chưa từng có, liền cầu xin quy y.

Bấy giờ Ngài La hầu La vì thương người ở kia mà nói các pháp cho nghe, nghe rồi xin thọ Tam quy, ngũ giới, liền chứng được sơ quả Thánh nhân Tu Ðà Hoàn.

Tâm Minh.

“Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe,

Chúng Tăng khó gặp, Tín tâm khó sanh. . .”

 

Bà lão kỳ dị

 

“Tâm phàm phu xoay vần theo ngũ dục xao động không thể nắm bắt. Chỉ những người nào điều phục được tâm mình mới được yên vui”

Câu thứ 35 trong kinh pháp Cú có duyên khởi như sau:

Thuở Phật còn tại thế, trong xứ Kiều Tất La có một khu làng, nằm dưới chân núi là Mã Ðề thôn. Tại đấy có một bà lão sống một mình với một gia tài phong phú. Bà được mệnh danh là Mã Lão mẫu. Vào một ngày an cư sau khi Ðức Phật chỉ dạy cho chúng Tỳ kheo pháp quán 32 thể trược trong thân, có 60 vị đi đến Mã Ðề thôn để thực hành thiền quán. Bà lão cho xây cất một tu viện cho 60 vị ấy cư trú và cúng dường đầy đủ về y phục, thực phẩm, dược phẩm, mền chiếu trong suốt mùa an cư. 60 vị Tỳ kheo ấy muốn tinh tiến tu hành nên cùng đặt ra một quy luật như sau: Không được hai vị Tỳ kheo đứng hay ngồi tại một chỗ đồng thời với nhau. Ðại chúng chỉ nhóm họp hai lần trong ngày là sáng sớm trước khi vào rừng tọa thiền và chiều tối sau khi ở rừng về, để bái yết vị Thượng Tọa chúng trưởng. Tuy nhiên nếu có Tỳ kheo nào bị bệnh, thì hãy đánh một hồi kẻng tất cả nhóm lại lo cho bệnh nhân.

Sau khi thỏa thuận quy luật trên, chúng Tỳ kheo đi vào rừng mỗi ngày. Một hôm bà lão đem thực phẩm tới chùa cúng dường, không thấy ai cả, bà bèn hỏi những người ở xung quanh, làm cách nào để gặp chúng Tỳ kheo. Có người biết quy luật nói trên, bày cho bà đánh kiểng. Tức thì từ trong rừng, các vị Tỳ kheo lần lượt trở về. Bà lão lấy làm quái lạ thấy mỗi người đi từ một hướng, không ai đi chung với ai, nên nghĩ thầm: “Có lẽ các Ðại Ðức có chuyện cãi vã nhau chăng?” Khi họ đến gần, bà lão hỏi ngay câu ấy, và được trả lời: “Không đâu lão mẫu”. bà lão hỏi:

- Nếu quý vị không xích mích thì tại sao khi tới đây quí vị đi chung, mà bây giờ mỗi người đi mỗi ngã?

- Lão mẫu, chúng tôi mỗi người ngồi một gốc cây riêng để thực hành một phép quán của Thế Tôn chỉ dạy.

- Thưa quý Ðại Ðức, phép quán gì thế?

- Lão mẫu, chúng tôi quán 32 thể trược nơi thân.

- Thưa, phép quán ấy chỉ dành cho các vị Tỳ kheo mà thôi hay cư sĩ như lão cũng được tập tành?

- Ồ, lão mẫu, phép quán ấy ai muốn học cũng được cả, không ai cấm.

- Vậy xin Ðại Ðức dạy cho lão với.

- Ðược lão hãy nghe kỹ.

Rồi một Tỳ kheo đảm trách dạy cho bà lão phép quán 32 thể trược trong thân, để đi đến nhận thức rõ ràng về hoại diệt, chết chóc luôn luôn ẩn lặng trong thân mình. Bà lão thuộc lòng ngay phép quán và tinh cần tu tập đến nỗi bà đắc được quả vị thứ ba (bất lai) trong bốn thánh quả, trước các vị Tỳ kheo. Với thiên nhãn thiền định siêu nhân, bà quán thấy tất cả những vịTỳ kheo chưa ai được đạt cái gì, và sau khi quán sát kỹ, bà thấy họ có khả năng chứng quả A La Hán. Khi nhận thấy điều này bà lão quyết định hỗ trợ cho chúng Tỳ kheo đầy đủ về mọi mặt, để họ có thể mau chứng quả. Vị nào thích hợp với món ăn nào, thức uống nào, bà cung cấp đúng nhu cầu của họ. Bà thận trọng không cúng dường những thực phẩm có vị chua cho người nào yếu bao tử. Vị nào ưa ngủ gục trong lúc tọa thiền bà lão cúng trà đậm, vị nào yếu phổi, bà cúng thêm mền và áo lạnh. Trong tâm vị nào tưởng đến món ăn gì, bà lão biết ngay, và đáp ứng. Nhờ sự chăm sóc ấy, sau khi giải hạ, 60 Tỳ kheo trở về bên Phật với sắc diện hồng hào tươi nhuận, và tiến bộ khá hơn trên đường tu.

Phật âu yếm nhìn đàn con trở về và bảo:

- Này các Tỳ kheo, chắc chắn các con được an vui, sức khoẻ, thực phẩm đầy đủ trong mùa an cư?

- Dạ thưa vâng, bạch Thế tôn. Chúng con được an vui, sức khỏe, và khỏi lo gì đến chuyện ăn uống. Bởi vì, có một bà lão ở Mã Ðề thôn biết được tận thân tâm chúng con, đến nổi chúng con vừa ước món gì là có ngay món đó.

Các Tỳ kheo thi nhau kể về bà lão dị kỳ cho Phật và Tăng ở Xá Vệ nghe. Một vị Tỳ kheo nghe xong, quyết đi đến Mã Dề thôn để thiền định và xin Phật:

- Bạch Thế Tôn cho con đến đó.

Phật bằng lòng, sau khi ra đề tài cho vị ấy thiền quán. Vị Tỳ kheo lên đường đi đến Mã Ðề thôn khi đến ngôi chùa của bà lão bỏ vắng, vị ấy nghĩ:

“Mình nghe bà lão dường như biết được tâm kẻ khác.Vậy nay mình vừa mới tới, quá mệt vì đường xa không thể quét dọn chùa. Mong sao bà lão cho người đến quét dùm”. Bà lão đang ở nhà riêng, biết được ý ấy, bèn cho một người đến quét chùa. Vị Tỳ kheo lại ao ước trong lòng “Ước chi mình có được ly nước mát lạnh mà giải khát”. Bà lão cho người đem ly nước lạnh cho vị Tỳ kheo. Hôm sau, vừa thức dậy, vị Tỳ kheo ước: “Mong sao bà lão dọn cho mình một bữa điểm tâm nhiều bơ và thức ăn ngon lành:. Bà lão cho người đem bữa điểm tâm như người ấy muốn. Vị Tỳ kheo kia nghĩ: “Bà lão đã cho ta mọi thứ ta ao ước. Bây giờ ta muốn gặp mặt bà, mong sao bà hãy đích thân đến, mang cho thật nhiều thứ ăn loại cứng loại mềm”. Bà lão đi đến chùa cùng với thức ăn cúng dường đúng sở thích của vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo hỏi:

- Lão mẫu, có phải bà là Mã lão mẫu không ?

- Thưa vâng.

- Bà có tha tâm thông à?

- Tại sao Ðại Ðức hỏi vậy?

- Vì bà đã cho tôi mọi thứ tôi nghĩ đến.

- Nhiều vị Tỳ kheo cũng có tha tâm thông.

- Tôi không nói các Tỳ kheo, tôi muốn hỏi bà.

Bà lão vẫn tránh né bằng cách nói:

- Thưa Ðại Ðức đâu cần phải có tha tâm thông mới có thể cúng dường các thứ ấy?

Khi ấy vị Tỳ kheo bắt đầu hoảng sợ, nghĩ: “Khốn thay” Kẻ chưa chứng đạo như ta thì có khi nghĩ tốt nhưng lắm khi nghĩ bậy. Nếu lỡ có một ý bậy bạ khởi lên, bà lão sẽ tóm lấy cổ ta như tóm bắt một kẻ trộm, và liệng hành lý ta ra khỏi chùa. Ta sẽ bị khốn đốn với bà lão. Chi bằng ta hãy thoát khỏi chốn này.

Nghĩ như vậy xong, vị Tỳ kheo nói với bà lão:

- Này lão bà, tôi muốn rời khỏi nơi đây.

- Ðại Ðức đi đâu?

- Trở về Thế Tôn.

- Ðại Ðức ở lại ít lâu đã.

- Không , tôi không thể ở lại. Tôi phải đi ngay.

Nói xong, vị Ðại Ðức của chúng ta thu xếp hành lý thoát ra khỏi ngôi chùa bà lão, vừa đi vừa thở phào nhẹ nhõm cả người, như vừa trốn thoát khỏi tử nạn. Khi trở về vườn Cấp Cô Ðộc, đến đảnh lễ Phật, Phật hỏi:

- Sao, con không ở Mã Ðề thôn nữa à?

- Bạch Thế Tôn, bà lão ấy biết hết mọi ý nghĩ trong tâm con, và con nghĩ rằng, kẻ chưa chứng đạo như con thì có khi nghĩ tốt, nhưng cũng nhiều khi nghĩ bậy, lỡ mà con có ý nghĩ gì xấu, bà lão ấy sẽ túm lấy đầu con như bắt kẻ trộm, và làm cho con khốn đốn.

- Con ơi, chính nơi ấy con cần nên cư trú.

- Bạch Thế Tôn, con không thể nào ở chỗ ấy được nữa.

- Này Tỳ kheo, con có thể chỉ giữ một điều này thôi không?

- Ðiều gì bạch Thế Tôn, con chưa hiểu.

- Chỉ giữ cái tâm của con, không làm việc gì khác nữa.

Sau khi nghe lời dạy của Phật, vị Tỳ kheo trở lại làng bà lão. Với thiên nhãn bà biết được vị Tỳ kheo sắp đắc quả nên càng chu đáo cúng dường để hộ trợ vị Tỳ kheo chóng đạt được mục đích. Do đó, chỉ trong vài ngày vị ấy đắc quả A La Hán.

Sau khi chứng quả, vị ấy suy nghĩ: “Bà lão ấy quả thực giúp ta rất nhiều. Nhờ bà ấy mà ta thoát ly được vòng sống chết. Không biết chỉ trong kiếp này bà ấy giúp ta, hay nhiều kiếp trước cũng vậy? Vị La Hán nhập định quán sát các tiền kiếp thì biết được rằng trong 99 kiếp trước, bà lão đã làm vợ mình và bà ấy đã ngoại tình với những người đàn ông khác đã làm cho mình phải thất điên bát đảo. Bà lại còn âm mưu giết mạng sống của mình. Khi biết được điều ấy, vị La Hán nghĩ: “Ồ, tín nữ này đã phạm biết bao tội lỗi!”

- Bà lão ngồi trong nhà riêng biết được tâm niệm của vị A La Hán. Bà nghĩ thầm: “Vị ấy đang nghĩ về tội lỗi 99 kiếp trước của ta. Nhưng trong vòng luân hồi đã qua, có lần nào ta giúp vị ấy không? Bà lão nhập định thấy ở kiếp 100 về trước, bà đã cứu mạng sống của vị A La Hán ấy, khi vị ấy là chồng bà. Do đó, bà dùng thần giao cách cảm bảo vị La Hán:

- Hãy quán tiếp, đi sâu thêm nữa vào quá khứ.

- Bằng thiên nhỉ thông vị La Hán nghe được hiệu lệnh trên, và tiếp tục quán sát đến kiếp thư 100 về trước của mình, thì thấy quả nhiên bà lão cứu mạng mình. Vị La Hán nghĩ: “Tín nữ này quả giúp ta rất nhiều”. Sau khi nghĩ như vậy, ngay tại chỗ vị ấy nhập Niết Bàn vô dư y.

Thích Nữ Trí Hải

“Nghìn sông cơn nước lưu giao

Mênh mông muôn dặm nơi nào không trăng

Hư không chẳng vướng mây ngàn

Minh linh hiển lộ màu xanh da trời”.

 

Voi Trung nghĩa

 

Từ kinh thành Ba La Nại, ngược dòng sông hằng độ ba bốn ngày đường, người ta đi kiếm một khu rừng rậm của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Khu rừng già này có rất nhiều cây gỗ quý. Ven rừng, bên triền sông, một đám nhà lá san sát nhau, đây là một làng nhỏ. Dân làng kể cả đàn ông, đàn bà và trẻ em độ trên vài trăm người. Họ sống về nghề làm gỗ. Họ hạ cây, xẻ ván ghép thành bè chở về bán tận kinh thành. Công việc tuy vất vả nhưng họ kiếm được khá tiền để nuôi miệng họ và cả gia đình.

Một hôm kia, trong lúc mọi người trong làng đang hì hục đốn cây, cưa gỗ trong rừng, họ nghe có chân thình thịch bước đến và tiếng rống đau đớn. Rồi một con voi khổng lồ hiện ra, nhắc bước nặng nhọc trên ba chân. Chân trước bên phải của nó nâng lên khỏi mặt đất bàn chân sưng húp lên. Nó chậm rải, nhăn nhắc, tiến đến rừng các thợ rừng, tỏ ý cầu cứu họ. Thấy dáng điệu hiền lành của voi, một người thợ rừng đến gần, vết thương đang làm mủ. Cũng khá trầm trọng, nhưng đối với các người thợ rừng quen sống trong rừng sâu và từng gặp những tai nạn như thế, họ thấy không khó khăn gì trong việc cứu chữa cho voi. Họ gỡ gai ra, nặn hết mủ, rồi rửa chân voi bằng nước nóng. Họ hái lá, nhai nhỏ, rịt vào vết thương. Voi thấy dễ chịu, nhẹ hẳn đi. Và chỉ còn thời gian là vết thương sẽ lành. Voi gật đầu ba lần tỏ vẻ cám ơn rồi từ biệt.

Thời gian qua. Người ta cũng không nhớ ra câu chuyện trên đã xảy ra đã bao lâu rồi. . . Bỗng một hôm, một con voi đã đi vào giữa đám thợ đang làm việc. Phải rồi chính là con voi hôm nọ. Nhưng trông nó mập mạp, tươi trẻ hơn hôm trước nhiều. Vết thương ở chân đã lành hẳn rồi. Nó bước mạnh dạn. Nó đến bên người đã cứu chữa cho nó hôm trước mà quỳ xuống. Nó tỏ ý muốn gíúp đỡ các người thợ rừng để trả ơn họ. Không ai ngờ lại có câu chuyện như thế. Người ta đứng im xem nó làm gì. Voi đứng dậy, đến bên các cây vừa hạ xong, dùng vòi khuân các thân cây to đem đến chỗ cưa rồi những bó gỗ từ trại cưa đến bờ sông. Sức khoẻ của nó thật là kinh khủng. Nó làm một cách gọn gàng công việc của vài mươi người. Thế là từ đó, trong đoàn thợ gỗ có thêm một năng lực vô cùng dồi dào và chen vào trong tiếng cưa, tiếng búa đốn cây, lâu lâu lại có tiếng voi rống trầm hùng, vui vẻ. . .

Năm, tháng trôi qua, sức khoẻ của voi không còn như buổi mới đến. Các người thợ rừng cũng thấy rõ điều ấy nên không để voi làm nhiều. Cho nên một hôm voi thấy không thể tiếp tục công việc nặng nhọc được nữa, nó cúi chào mọi người rồi đi lẫn vào rừng sâu. Ai cũng thương nó đã giúp quá nhiều cho họ.

Nhưng đến chiều, voi lại trở về và dẫn theo một con voi trẻ đẹp. Ðây là con voi con, chịu tuân theo lời cha, đến đây để thay thế cha nó mà trả ơn cho các người thợ rừng. Thật là cảm động. Nhiều người thợ rừng đã rưng rưng nước mắt.

Voi con tiến đến gần. Lông nó trắng như tuyết. Ðôi mắt voi sâu, hiền lành và cương quyết. Toàn thân voi như thoát lên một oai lực làm cho mọi người kính nể. Ðích rồi! Voi con là một con voi chính thống. Cũng cần phải nhớ rằng đời xưa, voi chính thống có một thể lực lạ thường trong các trận chiến tranh. Sức khỏe nó, hơi hám nó có thể trong phút chốc làm tan rã bao đàn voi của địch quân để đem lại thắng lợi chắc chắn cho chủ nó.

Voi con làm tất cả công việc trước đây cha nó đã làm cả ngày. Voi hết sức gíúp đỡ các người thợ rừng, rồi đến chiều voi trở về làng chơi đùa với bọn trẻ con sau khi đã tắm rửa sạch sẽ. Mọi người vì thế đều thương mến và kính phục voi.

Có một điều lạ là duy nhất có nhiều lúc phải lăn lộn ngoài sông nhưng không bao giờ voi đại tiện bừa bãi trong dòng nước. Những đống phân của voi khi nào cũng tìm thấy ở nơi cao ráo và kín đáo.

Nhưng cuộc đời không luôn bình thường như thế, có một lần trời mưa to suốt ba ngày. Nước sông Hằng dâng lên ngập cả vùng. Nhiều bè gỗ bị nước cuốn trôi phăng. Dân làng bị thiệt hại nhiều, và đến khi nước rút xuống, nước cũng đã rút theo các đống phân voi. Những đống phân to này lềnh bềnh trôi đi và một hôm tình cờ đưa dạt vào bờ, trong đám lau gần kinh thành Ba La Nại. Chỗ này lại là chỗ bầy voi của nhà vua thường tắm.

Khi trời nắng ráo lên, bọn quản tượng nhà vua, lại dẫn voi đi tắm. Ðến nơi, cả bầy voi năm trăm con cùng nhận ra một mùi đặc biệt, mùi của con voi chính thống, một con voi chúa. Cả bầy voi dừng lại, không con nào dám xuống nước. Rồi bỗng chúng sợ hoảng lên, dựng thẳng đuổi, cắm đầu chạy trốn mặc sức cho bọn quản tượng tìm hết cách trấn tĩnh chúng, không ai hiểu nguyên do kỳ lạ này. Sau cùng, nhờ kinh nghiệm của một quản tượng cao niên, họ dự đoán rằng: Tất trong nước sông có điều gì khác thường. Theo ý đó, người ta tìm tòi và thấy được trong đám lau, vật “quý báu” trên kia. Ðiều này đã làm họ nghiệm rằng trên dãy rừng Hy Mã Lạp Sơn phải có một con voi chính thống. Họ tâu lên nhà vua điều nhận xét của họ. Vua Ba La Nại mừng rỡ vô cùng. Ngài truyền lệnh chuẩn bị thuyền lương để vượt ngược sông Hằng.

Nhà vua đã mất công tìm kiếm nhiều ngày ròng rã. Mãi đến hôm kia nhà vua đến làng của đoàn thợ rừng đông đảo. Nghe vua đến, mọi người đều nghỉ tay, cùng với vợ con họ ra bờ sông để đón tiếp. Có người đã nói với vua:

Tâu Bệ hạ nếu ngài cần dùng đến gỗ, cần dùng đến chúng con thì không phiền gì Ngài phải đến đây, nhọc thân Ngài. Chỉ cần có lịnh của Ngài là chúng con sẽ đích thân mang đến tận tay Ngài những điều gì Ngài muốn.

Nhà vua không trả lời, chỉ đăm đăm nhìn voi. Nhà vua ngắm kỹ làng trắng tinh bạch của lông voi, đôi mắt cương quyết lạ thường của voi. Một lúc sau vua quay lại các người thợ, nói với họ:

Ðiều ta muốn đòi hỏi ở các ngươi không phải là gỗ rừng mà chính là con voi đang đứng đàng kia.

Dân làng ngơ ngác. Nhà vua thiếu gì voi mà phải băng rừng tìm cho được con voi khuân gỗ của họ. Dâng voi cho nhà vua? Họ thấy không tiếc cái công sức mà voi đã giúp họ, nhưng họ mến thương lòng trung nghĩa của voi. Tuy vậy họ cũng không dám trái ý vua. Riêng đám trẻ con thì tỏ ý không bằng lòng. Chúng nghĩ đến những buổi chiều trèo lên mình voi, đùa giỡn với voi và chúng muốn khóc rống lên.

Mọi người quay nhìn về phía voi đang đứng im không nhúc nhích. Nó còn món nợ ân nghĩa phải trả đối với thợ rừng. Vua dò đợc ý voi và hỏi thăm dân làng. Biết được câu chuyện đầu đuôi, nhà vua càng tỏ ý khâm phục voi hơn nữa. Rồi nhà vua sai khuân vác lương thực dưới thuyền để thưởng tặng cho toàn thể dân  làng, tặng cho mỗi người đàn bà 2 đồng để sắm áo quần nói là để trả ơn thay con voi. Nhưng voi chưa chịu đi, nhìn sang các bạn thiếu niên đang âu yếm nhìn về phía voi  rơm rớm lệ. Nhà vua đem tiền túi phát cho mỗi đứa bé 1 đồng gọi là chút tình đối với các bạn thân mến của voi. Bọn chúng phải cầm lấy tuy trong lòng không đứa nào tích nhận cái mà hằng ngày chúng mơ ước.

Lúc bấy giờ voi mới chịu bước đi, voi đến gần vua, cúi đầu cảm tạ và chịu đi theo đoàn thuyền để trở về kinh thành. Trước khi lên đường, voi còn nhìn lại toàn thể dân làng và núi rừng quen thuộc một lần chót, vô cùng lưu luyến.

Ðến kinh thành nhà vua dành cho voi một sự săn sóc ân cần. Nhà vua gọi là voi D õng Mãnh bộ giáp trận thật oai vệ. Vua ngồi trên lưng voi, dạo khắp các đường lớn trong kinh thành trước khi đưa voi về nhà riêng của nó. Vua xem Dõng Mãnh như người bạn thân thiết và Dõng Mãnh thường quấn quít bên vua, xem thật hết lòng trung nghĩa.

Ít lâu sau đó, Hoàng hậu có thai. Ngày sanh đẻ gần đến thì một chuyện đau đớn bất thình lình xảy đến: Vua băng hà. Cả triều đình đều nhất trí dấu không cho voi hay. Người ta sợ tin buồn này sẽ làm tan vỡ tim gan Dõng Mãnh.

Liền ngày hôm đó, một tin hung dữ khác lại đến làm náo động cả kinh thành. Ðó là tin quân lính nước Cô Xa La hùng hổ tràn vào, và vua Cô Xa La định nhân cơ hội Ba La Nại thiếu vua, chưa có người kế nghiệp mà muốn tóm thâu đất nước, chiếm đoạt ngôi báu. Quân giặc đã vây chặt kinh thành.

Các cửa thành Ba La Nại đóng kín. Triều đình đã gởi người thương thuyết với vua Cô Xa La hoãn việc tấn công bảy ngày nữa, chờ Hoàng hậu sanh đẻ, hẹn 2 điều, hoặc là sẽ mở cửa thành khi Hoàng hậu sanh công chúa, hoặc là sẽ nghinh chiến khi Thái tử ra đời để kế tục ngôi báu. C ô Xa La bằng lòng.

Ngày thứ bảy đúng theo dự tính của các ngự y. Hoàng hậu sanh ra được Thái tử. Thế là giòng vua đã có người kế nghiệp. Lệnh truyền ra cho mọi người sẳn sàng chống giặc. Thái tử mới sinh có tướng mạo khác thường đã làm vững lòng triều đình. Nhưng chuyện chống giặc, thắng giặc đâu phải chuyện dễ vì thiếu người điều khiển tối cao. Trong cơn nguy cấp này người ta còn một hy vọng mạnh mẽ, hy vọng ở tài trí của voi Dõng Mãnh.

Hoàng hậu nghiêm trang trong đồ lễ phục, mặc áo vàng cho Thái tử và tự tay ẵm Thái tử đi thẳng xuống chỗ voi ở. Nhiều vị quan trong triều cũng đi theo Hoàng hậu, đặt Thái tử trước mặt voi rồi long trọng nói với voi:

- Hỡi Dõng Mãnh! Vua ta, chủ của ngươi và cũng là bạn thân của ngươi đã qua đời. Ta đã bảo dấu không cho ngươi biết tin đau xót ấy sợ làm đau xót tâm can ngươi. Nhưng mà, ngươi hãy bình tĩnh: Ðây là Thái tử, con vua, sẽ thay vua để chăm sóc dân chúng, chăm sóc ngươi. Hiện nay, kinh thành đang bị vây khổn và sắp sửa bị dày xéo bởi quân lính của vua nước Cô Xa La. Toàn nước ta đang đứng trước hai điều, hoặc là để Thái tử mới sinh phải chết dưới lưỡi gươm quân địch, hoặc là chúng ta phải gìn giữ non sông gấm vóc.

Hoàng hậu vừa dứt lời, voi Dõng Mãnh rống lên một tiếng trầm dài não ruột. Bỗng nó đứng dậy, đến bên Thái tử, quỳ xuống, lấy vòi nâng Thái tử lên cao rồi đặt xuống trên bắp thịt trước trán nó. Voi muốn nói sự tôn thờ trung nghĩa của nó đối với người chủ bé nhỏ cũng như trước đây nó đã hết lòng với vua cha.

Voi trao Thái tử cho Hoàng hậu rồi phủ phục chờ lịnh. Hoàng hậu khoát tay cho nó đứng dậy và dặn: “Hỡi voi Dõng Mãnh. Bây giờ là lúc ngươi hành động để tỏ lòng trung nghĩa của ngươi, để tỏ giòng máu quật cường trong ngươi trong một con voi chính thống” Hoàng hậu vẫy tay cho nó lên đường. Một vị đại thần mặc áo giáp cho voi, và xuống lệnh cho quân lính sẳn sàng.

Voi rống lên hùng dũng, rung chuyển cả không gian. Tiếng rống xuất trận của một con voi chính thống đã làm bầy voi địch nhớn nhác. Bây giờ là lúc đánh bật quân địch. Người ta mở cửa thành cho voi xông ra. Voi Dõng Mãnh rống lên một lần nữa. Thật là kinh hoàng. Bầy voi tiên phong của Cô Xa La khiếp sợ. Trong giây phút, tất cả đều quay đầu về phía sau, cướp đường mà chạy. Hàng ngũ địch rối loạn nhanh chóng. Voi Dõng Mãnh lanh lắm. Nó xông tới trước mặt vua nước Cô Xa La, lấy vòi nắm chặt thân vua và quay trở về trong lúc quân địch hoàn toàn tan rã. Thế là trận đánh kết liễu và thắng lợi thuộc về nước Ba La Nại.

Voi Dõng Mãnh đặt vua giặc dưới chân Thái tử mới sinh chờ triều đình xét xử. Dân cúng đòi phải xử tử tên vua xâm lược tàn bạo. Nhưng Hoàng hậu thể theo sự thông cảm của mình đối với Thái tử truyền thả vua Cô Xa La được trở về xứ sở với điều kiện là từ nay về sau, không được lợi dụng Thái tử còn nhỏ mà trả thù buổi thất trận này. Voi Dõng Mãnh rống lên tỏ ý bằng lòng sung sướng.

Từ đấy, nhờ voi Dõng Mãnh mà Thái tử mới còn niên thiếu đã truyền được sự tin cậy trong toàn thể các nước ở Ấn Ðộ, trị nước một cách công minh.

                                                                                                                            Quảng Huệ

“Tình thương sẽ thắng hận thù,

Chùa thiêng phải dựng ngục tù phải tan”

 

Nhà sư vướng lụy

 

Lúc Phật ngự tại Trúc Lâm cùng Tăng đoàn, có một thầy Tỳ kheo trẻ tuổi là đồ đệ của Ngài Ca Diếp, tinh cần tu tập đã đắc đến tứ thiền. Một hôm thầy về thăm nhà, trông thấy những đồ trang sức đủ kiểu rất đẹp mắt tại hiệu kim hoàn của người chú, thầy khởi lòng tham ái, mất định và hoàn tục. Chàng trai nhiều tham vọng này khoái ăn ngon mặc đẹp, đeo đồ trang sức, tắm dầu thơm. Nhưng ngoài những sở thích đó ra, chàng chẳng có tài cán gì cả, suốt ngày ăn rồi đi bát phố chẳng chịu làm một công việc gì. Thân quyến chú chịu hết nổi đành đuổi ra khỏi nhà.

Du thủ du thực, chàng bèn kết bạn với mấy tên bụi đời, lập thành một băng cướp có vũ khí, chuyên “ăn hàng mà sống”.

Một hôm băng bụi đời sa lưới, cả đám đều bị bắt, quân lính còng tay các đương sự đem về nha, đánh đập đến mềm xương. Vì có nhiều thành tích bất hảo toàn băng đều bị tuyên án tử hình.

Ngày hành hình dân chúng rủ nhau đi xem rất đông. Tôn giả Ca Diếp trên đường đi khất thực gặp lại đồ đệ của mình đang bị áp giải ra pháp trường. Ðộng lòng trắc ẩn Ngài dùng thần lực nới lỏng dây trói và bảo:

- Con hãy cố gắng tập trung tư tưởng vào đề mục thiền định mà thầy đã dạy, như con từng làm ở tăng đường.

Nhà sư hoàn tục y lời chú tâm hành thiền ngay trên đường bị áp giải. Bị tử thần rượt nà sau lưng, thầy nổ lực cao độ và đắc tứ thiền trở lại.

Ðể răn dân, nhà vua truyền lịnh một pháp trường tại phía nam thành phố. Cờ xí rạp đất, chuông trống, thanh la, não bạt khua vang, dân chúng đi xem như mở hội. Ba vòng phủ quân nai nịt chỉnh tề, gươm giáo sáng ngời bao quanh pháp trường. Trước mặt đám tử tội, đao phủ bày la liệt dụng cụ hành hình: giáo mác, tên, nỏ, trường thương, đoản côn. . . và họ bắt đầu nung chông nhọn. Ngoại trừ sư thầy hoàn tục, các tử tội mặt xanh như chàm, mồ hôi nhỏ giọt, có tên lăn ra chết giấc.

Sư thầy hoàn tục được hành hình đầu tiên. Đao phủ ngạc nhiên khi thấy tội nhân không hề đổi sắc, toàn thân còn thấm nhuần một niềm an lạc vô biên. Ðám đông cũng nhận thấy điều đó, họ đồng thanh cất tiếng hoan hô:

- Thật lạ lùng! Tên tử tội ấy chẳng sợ hãi chút nào.

- Xem đồng bọn của hắn ngất xỉu hết kìa!

- Thật là một con người can đảm phi thường!

Trước hiện tượng lạ, quân canh liền phi báo cho nhà vua. Vua truyền lệnh hoãn vụ hành hình, và xa giá đến Trúc Lâm thỉnh ý Phật. Ðức Thế Tôn từ Hương thất gởi một hóa thân đến pháp trường đọc bài kệ:

“Người đã lìa dục xuất gia, ẩn mình chốn sơn lâm rồi lại hoàn tục, Khác nào kẻ đã được mở trói rồi tự buộc vào”. Pháp Cú 344

Phật vừa đọc kệ xong, sư thầy hoàn tục đắc quả Dự lưu, thầy dùng thần túc bay về tịnh xá đảnh lễ Ðức Thế Tôn.Và giữa hội chúng đông đảo gồm các Tỳ kheo Tăng, Ni, vua quan, binh lính. . . thầy đắc luôn quả vị A La Hán.

Thích Nữ Như Thủy – Như Ðức

“Hồn đạo sĩ say sưa trong cõi định

Màu thời gian không dính áo cà sa

Quên bao nhiêu cảnh tưởng cõi ta bà

Ðể tìm lại pháp sâu xa vi diệu

Nguồn tâm thể nghĩa là kho tịch chiếu

Trải nghìn muôn ức triệu vẫn như nay

Xa không gian và xa cả tháng ngày

Xa tất cả nét thương vay đau khổ”.

 

Sự tích cây huyết dụ

 

Ngày xưa, có một bác đồ tể chuyên mua lợn về giết thịt để mang bán ở chợ. Nhà bác ta ở bên cạnh một ngôi chùa làng. Hàng ngày, vào lúc mờ sáng là lúc sư cụ bên chùa theo lệ thường dậy tụng kinh. Và cũng theo lệ thường sư cụ thức chú tiểu dậy gõ một hồi chuông mai. Bấy giờ cũng là lúc bác đồ tể sửa soạn giết lợn, cho nên bác ta quen lấy tiếng chương chùa làm chừng thức dậy làm việc hàng ngày. Cứ như thế, ngày nào cũng như ngày ấy không bao giờ sai lạc.

Một đêm nọ, Sư cụ nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đức con nhỏ đến trước mặt mình rồi vái lấy vái để, miệng nói “Xin cứu mạng! Xin cứu mạng!” rối rít. Sư hỏi nguời đàn bà:

- A Di Ðà Phật! Cứu mạng là thế nào? Bần Tăng phải làm gì đây?

Người mẹ có bộ điệu hãi hùng ấy trả lời:

- Ngày mai xin Hòa Thượng hãy cho đánh chuông chậm lại. Như vậy mẹ con tôi rất đội ơn.

Nhà Sư tỉnh dậy không hiểu thế nào cả. Nhưng tờ mờ sang hôm đó, vâng theo lời báo mộng, Sư cụ chỉ lâm râm đọc kinh cầu nguyện mà không thức chú tiểu dậy thỉnh chuông.

Lại nói chuyện cũng hôm ấy bác đồ tể ngủ một giấc li bì. Mãi đến lúc mặt trời lên chừng một cây sào, tiếng chuông chùa mới bắt đầu vang rền làm cho bác giật mình choàng dậy. Thấy trời đã quá trưa, bác không dám giết lợn như thường lệ, vì nếu làm thịt thì khi đưa ra đến chợ, chợ đã vãn người rồi. Tức mình vì lỡ mất buổi chợ, bác ta lật đật sang chùa trách Sư cụ. Sư cụ cho biết câu chuyện nằm mộng đêm qua để phân trần với ông hàng xóm không phải lỗi tại mình.

Nhưng bước chân về chuồng lợn nhà mình bác đồ tể ngạc nhiên thấy con lợn nái mới mua ngày hôm qua toan giết thịt sáng đó, đã đẻ được năm con lợn con. Vừa mừng vừa sợ, bác ta kể cho mọi người biết sự lạ lùng: “Ðúng là linh hồn người đàn bà ẩn trong con lợn cái đã tìm cách cứu bầy con của mình khỏi chết”

Tự nhiên bác đồ tể đâm ra suy nghĩ. Bác thấy bàn tay của mình đã từng vấy máu biết bao nhiêu là sinh mạng. Trong một lúc hối hận đến cực điểm, bác ta cầm cả con dao bầu chạy sang chùa bộc bạch nỗi lòng với Sư cụ. Bác ta quả quyết cắm con dao của mình trước sân chùa, thề trước Phật đài từ nay xin giải nghệ.

Không rõ bác đồ tể rồi sau đó như thế nào, nhưng con dao của bác tự nhiên hóa thành một loại cây có lá đỏ như máu và nhọn như lưỡi dao bầu, người ta vẫn gọi là cây huyết dụ.

Nguyễn Ðổng Chi

Truyện cổ Việt Nam tập II

“Trăng sáng sau khi trời mới tạnh

Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa.

Tiếng chuông ngân nga trong đêm vắng

Thử hỏi lòng ai đã tỉnh chưa?”

Mục Lục Cổ Tích Chiếc cầu muôn thuở - Truyện cổ Phật Giáo Tôn Giả tí hon - Truyện cổ Phật Giáo Không đau ruột bằng - Truyện cổ Phật Giáo Dạy khỉ nói - Truyện cổ Phật Giáo Mục Kiền Liên - Truyện cổ Phật Giáo Bát cơm cúng dường - Truyện cổ Phật Giáo Vườn Nai - Truyện cổ Phật Giáo Duyên xưa nghiệp củ - Truyện cổ Phật Giáo Ca Lưu Ðà Di - Truyện cổ Phật Giáo Phật Pháp nan văn - Truyện cổ Phật Giáo Tâm nhìn - Truyện cổ Phật Giáo Nắm tro tàn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích chim tu hú - Truyện cổ Phật Giáo Ông trưởng giả keo kiệt - Truyện cổ Phật Giáo La Hầu La xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo đức trở về - Truyện cổ Phật Giáo Không biết mình điên - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng 4 vợ - Truyện cổ Phật Giáo Chú tiểu hiền triết - Truyện cổ Phật Giáo Nhờ nghe Phật pháp khỏi phải tự thiêu - Truyện cổ Phật Giáo Ông sư Huyền Trân - Truyện cổ Phật Giáo Nguyễn Minh Không - Truyện cổ Phật Giáo Vọng phu - Truyện cổ Phật Giáo Hồ ly vượt bể mót vàng - Truyện cổ Phật Giáo Trư hòa thượng - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích con muỗi - Truyện cổ Phật Giáo Phước Huệ song tu - Truyện cổ Phật Giáo Quạ cú thù nhau - Truyện cổ Phật Giáo Vô duyên với Phật thì không độ được - Truyện cổ Phật Giáo Bà lão kỳ dị - Truyện cổ Phật Giáo Voi trung nghĩa - Truyện cổ Phật Giáo Nhà sư vướng lụy - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cây huyết dụ - Truyện cổ Phật Giáo Công đức xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Vị Sa Di giữ giới - Truyện cổ Phật Giáo Vạ mẹ - Truyện cổ Phật Giáo Hòa thượng cua - Truyện cổ Phật Giáo Hái hoa cúng Phật - Truyện cổ Phật Giáo Con trâu - Truyện cổ Phật Giáo Sư bác quản tượng - Truyện cổ Phật Giáo Cây táo núi Thíết Sơn - Truyện cổ Phật Giáo Chàng ngốc - Truyện cổ Phật Giáo Mãnh lực lời nguyền - Truyện cổ Phật Giáo Nụ cười em bé - Truyện cổ Phật Giáo Gương mặt hoa mè - Truyện cổ Phật Giáo Ðoạn đường phải đến - Truyện cổ Phật Giáo Người dốt giác ngộ - Truyện cổ Phật Giáo Một chút lửa địa ngục - Truyện cổ Phật Giáo Pothila ông sư rỗng - Truyện cổ Phật Giáo Dưới gốc mai vàng - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 13