Truyện Cổ Tích - Etruyen.com

Con trâu

 

Bác nông phu vác cày lên rồi đánh trâu ra đường, vừa đi bác vừa nhẩm tính: “Còn 3 hôm nữa là ta cấy mạ”.

Bác sung sướng vì năm nay bác được mùa, bây giờ bác còn mong đợi ở thắng lợi ở mùa trái nữa, bác cười thầm, tay bác vụt mạnh mấy roi vào hông trâu. Bị thúc dục trâu bết bải bước gấp trên con đường gồ ghề của nông thôn. Làng này nằm một bên đồi hẻo lánh và hiện giờ đang ở trong cảnh yên lặng tịch mịch của ban đêm.

Màn sương vén dần, vừng đông vừa nhô lên khỏi đồi núi, những tia sáng đầu tiên lung linh xuyên qua đám mây trắng, lấp lánh chiếu trên mấy rặng thông. Trước mặt bác là cánh đồng phì nhiêu chạy dài đến tận chân đồi xa thẳm, thỉnh thoảng đôi rạch nước ánh lên vì nắng sớm.

Tắc hò! Tắc hò! Miệng bác nông phu lanh lảnh, con trâu nặng nề kéo, chân bác ấn mạnh lên lưỡi cày, đất bị xẻ từng đường dài uốn cong ra hai bên, như những lượn sóng rẻ ra trước mũi thuyền. Xa xa vài người đang cuốc lên nền trời trong. Năm bảy con ác là khấp khểnh đớp mồi trên những sóng đất cày. Từ phía rừng tiếng chim rải rác và gà rừng vang lên trong rừng lá rậm. Mặt trời càng lên cao, người và trâu nướng mình trong nắng. Lưỡi trâu le dài và nước bọt ràn rụa, mắt trâu lờ đờ vì nắng thiêu, đuôi trâu phe phẩy như vang lơn ngọn roi vun vút của bác.

Trâu tuy đã già, nhưng sức còn khỏe. Gia đình bác mỗi ngày mỗi lên, một phần lớn là nhờ trâu. Con trâu này là người bạn quý hóa của bác, rất tận tụy với bác, đã cùng bác vật lộn với cuộc sống và chịu dầm mưa giải nắng để đưa gia đình bác lên. Bác nông phu trìu mến trâu lắm, nhưng vì quá ham công tiếc việc nên đôi khi bác quên nghĩ đến sức khỏe của trâu cũng như sức khỏe của bác.

Cày hết đám này, bác cày tiếp đám khác, con vật cần cù ấy vẫn hì hục theo mệnh của bác. Cánh đồng bây giờ hoang vắng, gió bắt đầu đổi chiều. Bổng sầm lại. Từ phương đông mây đen nghịt nặng nề kéo đến khuất mặt trời, rồi đổ mưa  xuống. Trâu và người vẫn thản nhiên cặm cụi làm việc trong mưa gió. Gió mỗi lúc mỗi mạnh, những hàng tre ngửa nghiêng, chớp sáng loáng, sét rầm vang. Một giờ sau mây tan dần mưa thưa hạt, rồi trời tạnh hẳn. Mặt trời lại rực rỡ xé toang màn trời cũ. Khí nóng, hơi bốc lên làm mờ những lũy tre trong làng. Bên kia đồi một vài con chim hót rời rạc.

Bác nông phu thấy choáng váng đầu, người hơi tê lạnh, mắt loa lên, thả cày xuống lần vào gốc cây đa, nằm xuống bác thiếp ngủ.

Một hồi lâu đứng đợi mệnh lệnh, trâu không thấy bên sau cử động gì ngoảnh đầu lại thì thấy chủ đã nằm sóng sượt dưới gốc đa, và một con cọp từ đồi mon men đi xuống. Biết chủ mình lâm nguy, trâu vùng vằng một lúc hất văng dù một bên đường ruộng chạy bay vào cứu chủ. Thấy trâu hung hăng cọp lui vào bụi rậm. Trâu nhìn mãi không thấy b óng cọp, vui mừng đến húc chủ dậy. Bác nông phu mở mắt, trâu chỉ biết ngước mặt lên phía đồi… Ðầu bác còn choáng váng, thấy trâu đến húc mình, bác tưởng trâu thù bác, vùng dậy bác bẻ cây đánh trâu túi bụi, chịu đựng không nổi trước những ngọn roi vô lý ấy, trâu bỏ chạy mà không muốn phản kháng. Bác nông phu mệt lừ, vất roi bác thở hổn hển rồi mê đi bao giờ không hay.

Trên nền trời lam biếc, từng đám mây trắng đuổi nhau không ngừng. Gió hiu hiu thổi. Bác nông phu ngủ ngon lành. Không dằn được lòng háo sát, một lần nữa cọp ra khỏi bụi rậm, lần mò xuống đồi. Nãy giờ trâu buồn rầu đứng nhìn ngơ ngác giữa đồng ruộng, bỗng quay về phía rừng, trâu hoảng hốt, vì cọp đã đến gần gốc đa. Trâu không nhớ những giọt roi tàn bạo, mà chỉ nghĩ đến bổn phận của mình.Trâu chạy đến như bay, cọp nhún mình định vồ lấy bác nông phu, nhanh như chớp, bốn chân trâu nhẹ nhàng, bước đến phủ lên mình bác. Cọp tức giận phồng mang trợn mắt, phóc qua nhảy lại cố vồ cho được mồi ngon. Nhưng vô hiệu, mắt trâu đăm chiêu theo mọi hoạt biến của cọp để trương sừng đối phó.

Trong khi đó bác nông phu vẫn mê man ngáy đều đều, trong bầu không khí xâm chiếm và kháng cự yên lặng. Cầm cự một hồi lâu, thấy không thể tấn công được nữa, cọp nguýt trâu lần cuối, rồi trở về núi rừng. Trâu sung sướng rống lên một tiếng mừng chiến thắng. Ðang ngủ say sưa bác nông phu giật mình tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới bụng trâu, bác khủng khiếp, lồm cồm, vừa bò bác vừa la:

- Làng xóm ơi! Cứu tôi với, hắn giết tôi!

Trâu nghe bác la vang trời, tưởng bác mừng thoát chết, không ngờ bác lấy cây roi nguy hiểm khi nảy… Trâu vẫn thản nhiên đứng nhìn và chịu đựng những hành động phủ phàng của bác. Vừa đánh đập vừa nhiếc mắng:

-  Ðồ phản chủ! Tao đánh chết mày.

Trên đường về Tịnh xá, từ xa  Ðức Phật đã nhìn thấy hành động độc ác gây nên bởi sự hiểu lầm của người và nỗi oan ức của vật. Ði nhanh đến, Ðức Phật đỡ cây roi và bảo:

- Thôi  đừng đánh nó nữa, ngươi cho ta cây roi nầy, vất roi xuống đất, Ðức Phật vuốt ve mình trâu:

- Thế là con hết đánh rồi.

            Trâu như hiểu lời Phật dạy cảm động, nước mắt ràn rụa.

Ðức Phật đưa tay thoa nhẹ vào các lằn roi rướm máu trên mình trâu, Ngài ôn tồn bảo:

- Trâu ơi con đau khổ lắm không? Nhưng thôi con đừng buồn tủi nữa, ta đã biết rõ nỗi lòng của con – lòng trung thành mà con đã được trả lại những ngọn roi oan khuất của chủ con.

Ðức Phật mãi mê an ủi con trâu như quên cả bác nông phu đứng bên cạnh, Ngài nói tiếp:

- Trâu ơi, một lần nữa ta khuyên con đừng buồn chán và con nên biết rằng không những một mình con, mà chính ta cũng đã nhiều lần nếm qua nỗi niềm chua chát ấy.

- Con ạ, ta vì thương nhân loại nên ra đời cứu khổ, thế mà có lắm người không thấu rõ lòng ta, họ đã và đang lăm le phá hoại và sỉ nhục ta. Nhưng trâu ơi, ta không nản lòng và không cho đó là sỉ nhục, mà những điều đáng sỉ nhục là khi nào không làm tròn phận sự của ta và không đem lại lợi ích, an vui vho mọi người. Con cũng thế, ta khuyên con vui lên, tiếp tục chân thành giúp đỡ khi an cũng như lúc nguy cho chủ con và cho tất cả mọi người, thì đó chính là một phần thưởng an ủi lớn lao cho đời con. Còn chủ con thấu hiểu lòng con hay không, điều đó không đáng kể lắm!

Nói xong Ðức Phật xây qua bác nông phu:

- Luôn hai lần cọp đến định vồ ngươi, mà đều được trâu chống cự để bảo vệ tính mạng cho ngươi. Thế mà vì hiểu lầm, ngươi đã đánh đập trâu. Không tin ngươi hãy nhìn dấu chân cọp, vừa nói Ðức Phật vừa đưa tay chỉ những dấu chân cọp còn lại.

 Giật mình bác nông phu vang lên:

            - Lạy Ngài con không biết.

Bác chạy đến ôm lấy trâu khóc nức nở:

- Trâu ơi. Con hiếu nghĩa quá!

Một lần nữa Ðức Phật thoa nhẹ mình trâu và bảo:

- Thôi ta đi, con ở lại, con hãy làm tròn bổn phận của con nhé!

Từ giả bác nông phu, Ðức Phật khoan thai xuống đồi. Trâu lẫn người bốn mắt ngậm ngùi nhìn theo.

Châu Ðức

Ðốt nén tâm hương trước Phật đài,

Phổ Hiền hạnh nguyện đừng sai.

Hóa than vô số làm muôn việc,

Cứu khổ sanh linh khỏi lạc loài.

 

Sư bác quản tượng

 

Thuở ấy, có một chàng quản tượng rất sành nghề, bỏ nhà đi tu, gia nhập Tăng đoàn và đi khất thực trên những con đường mà ngày xưa thầy vẫn thường cỡi voi đi. Một hôm, dừng bước thọ thực bên bờ sông Aiiravati, thấy một gã quản tượng non tay đang cố gắng điều phục một chú voi con, nhưng không thành công, thầy vọt miệng nói với mấy huynh đệ đồng hành:

Luyện voi bằng cách đó thì còn lâu nó mới nghe theo. Phải đánh nó mấy chỗ nhược da non như chỗ này… chỗ này… thì nó mới sợ.

Gã quản tượng nghe lọt tai, mới làm theo và quả nhiên con voi chịu phép.

Khi trở về tịnh xá, các thầy Tỳ kheo vui miệng kể cho chúng bạn ở chùa nghe và câu chuyện đến tai Phật. Phật gọi ông sư quản tượng đến, hỏi:

- Có phải ông đã mách nước như thế không?

- Thưa phải.

Phật quở:

- Này ông thầy vô tích sự! Ông làm như vậy, nào có ích gì. Ðâu phải nhờ cỡi thú mà người ta có thể đi đến nơi giải thoát. Chỉ có người nào biết tự huấn luyện mình, người đó mới đến bờ giải thoát. Ông nên tự luyện mình, đừng có làm cái trò luyện thú như vậy.

“Chẳng phải nhờ xe hay ngựa mà đến được cảnh giới Niết Bàn. Chỉ có người tự huấn luyện mình mới đạt được thôi”

(Pháp cú 323)

Thích Nữ Như Thủy – Như Ðức

“Nhhững ai thấu chánh pháp

Tự điều phục thân tâm

Thanh tịnh không não hại

Mới đáng gọi thượng nhơn”

 

Cây táo núi Thiết Sơn

 

Xưa, trên núi Thiết sơn có một cây táo to lớn không biết mọc từ thời nào, chỉ biết rằng từ xưa tới nay, chưa ai hề trông thấy cây đó có quả, dù là  quả rất nhỏ. Vì thế, nhân dân ở chung quanh vùng đều đặt tên là  “bất quả thọ”.

Chí Hiếu - một tiều phu ở miền kế cận, ngày ngày đem tấm thân gầy gò yếu đuối, lên núi kiếm củi bán lấy chút tiền mua rau cháo về phụng dưỡng mẫu thân.

Mẫu thân anh là một bà già hình vóc mảnh mai, tuổi ngoài lục tuần và chỉ sanh hạ ra có một mình anh. Ít tháng nay, bà cụ bất hạnh bị đau mà nhà nghèo không có tiền thuốc thang chạy chữa nên dần dần hóa chứng tê bại nằm liệt trên giường, khiến cho Chí Hiếu ngày đêm nung nấu, phần thương mẹ già bệnh hoạn, phần buồn cho mình số hẩm hiu không lo tròn bổn phận làm con.

Một tối kia, vừng trăng hiền lành từ từ nhô lên khỏi khu rừng và tỏa đầy ánh sáng vào gian nhà ọp ẹp của anh. Trên chiếc chõng tre, lúc này, anh đang kể chuyện hầu mẹ để mẹ khuây khỏa nỗi niềm đau khổ, bỗng anh thấy cụ bà im bặt không trả lời, nghe hơi thở của mẹ đều đều phát ra, anh đoán chắc hôm nay bệnh của mẹ anh có vẻ dể chịu hơn, nên mẹ anh đã ngủ giấc ngon lành. Nghĩ như thế, anh thấy l òng anh tràn ngập hân hoan liền khe khẽ đứng dậy khép cửa phòng và nhẹ nhàng bước ra nhà  ngoài nơi có kê chiếc giường của anh nằm và cũng là cái bếp để thổi nấu.

Ðộng tác đầu tiên của anh là mở toang cánh liếp chắn cửa cho ánh trăng thỏa sức chiếu vào, anh giương to lồng ngực hít lấy không khí thì ít mà hít lấy ánh trăng thì nhiều, anh cảm thấy khoan khoái quá bất giác thốt lên:

- Cha chả! Ðêm nay trăng đẹp làm sao!

            Nhất là khi nhìn đến mảnh vườn sạch sẽ trước sân đương tắm dưới ánh trăng vàng, khác nào như rải lên trên cảnh vật một tầng kim cương bảo thạch xem thấy vừa mát mẻ vừa mỹ lệ. Những giọt sương lấm tấm bám đọng vào lá cỏ ngọn cây lóng lánh như sao sa trông nào kém gì những hàng ngọc châu quý giá. Anh nghĩ: “Giả thử mẹ ta được mục kích cảnh tuyệt mỹ này của tạo vật an bài chắc người hoan hỷ không biết đến chừng nào?” Vừa nói anh vừa phóng tầm mắt nhìn về nẻo xa, bỗng một đạo quang trắng xóa qua ánh trăng êm đềm và bắn thẳng vào mắt anh. Hào quang đó quay mấy vòng rồi rơi xuống ngay chỗ trước mặt anh đứng.

Chí Hiếu định thần nhìn ra thì chao ôi! Bạch hào quang là một vị Lão Hòa Thượng!

Vị Lão Hòa Thượng này xúng xích trong chiếc áo dài trắng tinh và điểm thêm một chòm râu phất phơ đến rún, trắng như bạc. Chí Hiếu hoảng sợ quá, tóc gáy dựng ngược và khắp mình gai ốc nổi đầy. Anh run lên cầm cập lưỡi líu lại không nói được câu gì chỉ biết trố mắt sợ hãi nhìn vị lão Hòa Thượng.

Vị Hòa Thượng ôn tồn cất tiếng bảo rằng:

- Chí Hiếu! Con chớ có sợ hãi! Bần đạo là Hòa Thượng núi Thiết sơn lại đây với mục đích chữa bệnh cho mẫu thân con, vì lòng hiếu thảo của con đã cảm động Tam Bảo, nhất là lòng ấy đã phát ra từ một người con nghèo nàn như con không tìm ra tiền thang thuốc cho mẹ già thì lại đáng cứu lắm!

Chí Hiếu nghe xong trong lòng xiết bao hoan hỷ, liền quỳ xuống bái tạ vị Hòa Thượng. Hòa Thượng đỡ anh dậy và vui vẻ an ủi:

Con khỏi lo ngại cho bệnh tật của mẹ già! Hãy mau lên đỉnh núi Thiết Sơn, tìm đến cây táo cổ thụ mà hái cho kỳ được một trái đem về dâng mẹ ăn thì bệnh chi cũng khỏi liền.

Với sự bán tín bán nghi anh ấp úng một hồi rồi cung kính thưa cùng Hòa thượng:

- Bạch Hòa thượng, cây táo này đã từ bao đời chưa hề có bói một quả nào thì ngày nay có chi để hái?

Hòa thượng hồn nhiên nhắc lại:

- Không, hãy nghe lời bần Tăng, đừng nghi ngờ gì cả!

Chí Hiếu bản tính chất phác chậm hiểu nên vẫn còn hồ nghi, liền hỏi lại Hòa thượng:

- Thật có trái táo như lời Hòa thượng vừa nói không? Nếu vậy thì sung sướng quá!

Hòa thượng vẫn vui vẻ xác nhận:

- Bần đạo đâu có nói dối ai bao giờ! Cây táo đó sở dĩ lần này có trái là vì cảm thông lòng hiếu của con đối với mẹ già. Vậy con nên mau mau hái trái táo về chữa cho thân mẫu đi!

Chí Hiếu cuống quýt , thụp lạy Hòa thươợng hai ba lần không ngớt, khi ngẩng đầu lên thì Hòa thượng đã biến đi đâu mất.

Ðêm đó, anh hồi hộp quá không sao ngủ được, mặc dầu anh đã cố nhắm mắt hằng giờ. Khi gà gáy sáng lượt đầu, như chiếc máy, anh bật nhổm dậy, nhảy xuống khỏi giường rồi xăm xăm mở cửa, đi một mạch lên đỉnh núi Thiết sơn, nơi có cây táo “bất quả thọ” xem có trái nào chín đỏ như lời Hòa thượng đã mách bảo đêm qua?

Khi đến chân núi, anh sực nhớ lúc đi đã quên không sang xin phép mẹ và nói để mẹ hay câu chuyện Hòa thượng hiện hình, anh chỉ sợ mẹ anh ở nhà, lúc thức dậy, không thấy anh thì sốt ruột sanh ra lo ngại. Tuy nhiên, việc đã lỡ rồi, anh đành cố mau chân đến đỉnh núi để chóng thu được kết quả đem về.

Phong cảnh núi Thiết Sơn lúc này sương lam còn phủ kín dầy đặc, vạn vật như ngừng lại trong vũ trụ im lìm, các loài muông rừng ra săn mồi ban đêm hầu như đã rút hết vào hang núi, hay gốc cây không còn con nào đi lảng vảng nữa. Ðàn chim sơn ca cũng còn nằm yên trong tổ ấm, hoặn chíu mỏ vào cánh, để cố níu thêm một đôi chút yên tĩnh trước khi thần thái dưong le lói hiện hình. Cả đến con ong, con bướm, con kiếm, con sâu, giống nào, giống nấy cũng e lệ sương mai làm ướt bộ cánh mỏng manh, hoặc làm dính bộ chân mềm yếu nên chưa con nào chịu nhúc nhích ló hình ra vội, duy có dòng thác vô tư bên sườn núi không quan tâm gì đến ngày đêm lưu chuyển, nên cứ rù rì thả một điệu nhạc trầm trầm giữa cảnh núi vắng rừng hoang.

Mặc dầu trời chưa sáng rõ, nhưng đôi chân Chí Hiếu, với nhịp bước không ngừng, vẫn xuyên qua đèo ngang, rồi đến khe dọc, kế đến ghềnh đá, tới khi mặt trời vượt khỏi đỉnh non sông, thì anh đã leo đến lưng chừng sườn núi. Anh chỉ còn nỗ lực một phen nữa là tới đỉnh tức là nơi có cây táo: “bất quả thọ” đang chờ đón anh theo như lời Hòa thượng đêm qua.

Ngặt vì khoảng núi này ghềnh đá cheo leo, cây mọc rậm rạp, anh cố leo hết những phiến đá nhô ra như tai mèo,thì vấp phải những tấm quái thạch sừng sững như vách dựng. Nhưng với tâm thành nồng nhiệt và một chí nguyện hăng hái, anh cũng đã leo được đến đỉnh núi. Lúc đó, mặt trời vừa đứng giữa đầu.

Anh ngữa mặt lên cây táo, quả nhiên là một cây cổ thụ rườm rà, trong đám lá xamh, lộ ra trái táo to bằng vóc tay và chín đỏ như son chẳng khác gì vừng thái dương mọc ở giữa từng mây dày đặc. Anh reo lên:

A ha ! Quả táo đây rồi. Hòa thượng quả nhiên không nói gạt ta! Trăm lạy Hòa thượng, người thật vì kẻ khổ, kẻ bệnh, kẻ nghèo mà mở đường cứu vớt.

Anh vừa nói vừa tán dương công đức Hòa thượng thì trên cành cây táo bỗng nhiên thấy nhiều quả táo xuất hiện đồng thời, và chỉ trong phút chốc quả nào quả ấy cũng vừa to vừa chín đỏ ối làm cho cành cây nặng trĩu phải rũ xuống thấp lè tè.

Anh mừng quá, hai tay ôm chặt lấy thân cây và đôi chân ngoành ra đằng trước lấy sức đẩy mạnh người lên trên cao như con nhái bầu ôm sát bụng vào cọc tre leo lên giàn. Khắp người anh mồ hôi nhễ nhại tuôn ra, làm ướt cả áo quần. Cũng may, cây mọc ở trên cao nên có khí trời trong gió mát, nhờ đó làm giảm được sự trèo leo vất vả một vài phần.

Khi anh trèo được lên cây rồi, lòng tham lam bắt đầu mở rộng, anh trẩy hết cành này đến cành khác, tích được một số khá nhiều, anh liền cởi áo buộc lấy, rồi thoăn thoắt đi thẳng một mạch về nhà, anh vào ngay phòng mẹ nằm, đặt bọc táo trước mặt mẹ cười cười nói nói:

- Mẹ! (anh vừa nói vừa mở táo ra) Mẹ ăn đi! Ăn rồi sẽ hết mọi bệnh, mẹ ạ!

Mẹ anh mở to mắt nhìn thẳng những quả táo và hỏi:

- Ồ! ở đâu có của quý hóa thế này con? Ai cho con? Hay đi hái trộm của người ta? Mẹ chắc con chả làm gì có tiền mua được nhiều táo quý đến như thế!

- Mẹ ăn đi! Rồi con sẽ kể lai lịch để mẹ nghe.

- Không! Mẹ không ăn đâu, nếu chưa biết rõ của này từ đâu có. Nếu là của phi nghĩa thì không nên ăn con ạ!

- Con đã nói là mẹ cứ  ăn đi, con cam đoan không phải là của ăn trộm ăn cắp đâu mà sợ!

- Vậy con kể mẹ nghe mau lên! Gớm, sáng nay con tự nhiên bỏ nhà đi, mẹ gọi mãi không thấy con thưa, làm cho mẹ lo hết vía.

Chí Hiếu liền đem các chuyện xảy ra kể lễ: Nào vị Hòa thượng cây táo Thiết Sơn hiển hiện ra như thế nào, cùng chuyện đi lấy táo trên cây “bất quả thọ” ra sao, nhất nhất nói cho mẹ nghe một lượt. Mẹ anh nghe rồi hết sức ngạc nhiên, hai tay cứ chấp lại vái lạy và miệng thì luôn luôn miệng Phật.

Bà cụ tạ ơn vị Hòa thượng trên núi Thiết Sơn, rồi cầm quả táo đưa lên miệng thấy một mùi hương ngào ngạt xông lên, khi miếng táo lọt vào mồm rồi bỗng tiết ra một thứ nước cam lồ vừa mát vừa ngọt, tưởng chừng như nước đó chạy khắp cơ thể đem theo một thần lực thấm nhuần làm cho khoan khoái các cơ quan trong người, khác gì ruộng khô mà được mưa tưới. Chỉ trong phút chốc bà mẹ của anh, nằm liệt giường hằng mấy tháng, bỗng nhiên ngồi nhỏm dậy và tập tễnh từng bước nhỏ lê được ra đến cửa ngoài.

Tin này đồn đi, trong vài ngày khắp vùng đều biết tiếng. Cả đến thị trấn lân cận cũng lũ lượt kéo nhau đến nhà Chí Hiếu xin ban trợ cứu cho. Người đem cha mẹ lại, người đem anh chị hay vợ con lại, tấp nập đầy nhà, mà toàn là những bệnh kinh niên hiểm nghèo, mười phần chết hết chin. Chí Hiếu liền đem một phần số táo chia cho mọi người, quả nhiên ai ăn xong cũng đều khỏi bệnh.

Từ đấy, nhà Chí Hiếu hết toán này đến toán khác vào, Anh nghĩ bụng: “Tại sao ta không bắt bệnh nhân mỗi người phải đóng một phần tiền phí tổn về công phu của ta đi hái táo? Thiết tưởng làm như vậy cũng hợp lý chứ có sao đâu? Nghĩ rồi, anh liền yêu cầu mọi người phải trả tiền thì anh mới cho táo. Thế mà số người đến mua vẫn đông, cứ vài ngày anh lại bí mật lấy táo về bán.

Chí Hiếu nhờ đó, thu vào rất nhiều tiền, tiền càng vào thì anh càng mở thêm rộng lòng dục vọng. Trước còn thu gấp đôi gấp ba giá đã định, sau thu gấp năm gấp sáu, rồi đến gấp chín, gấp mười. Lúc này để chóng làm giàu, chứ không dòm ngó chi đến cảnh ngộ của người bệnh túng nghèo, nghĩa là có đưa đủ số tiền mới bán táo. Và chỉ thấm thoát trong vòng mấy tháng, một anh tiều phu nghèo nàn bỗng nghiễm nhiên trở nên một vị giàu có nhất vùng, khiến cho nhiều người phải lác mắt.

Một hôm có người con gái tiến vào quỳ mọp dưới đất cấu khẩn van lơn anh, mỗi lời nói là một hàng lệ giàn giụa:

- Trăm lạy ông! Ngàn lạy ông! Xin ông bố thí cho tôi một trái táo thần để về dâng mẹ, mẹ tôi đang hấp hối, chỉ còn trông đợi ở táo thần của ông cứu mạng mẹ tôi!

Chí Hiếu lên mặt đạo đức chậm rãi nói:

- Nghe lời nói tôi cũng thấy thương. Chỉ còn lâu nay táo ít quả quá, nếu cô không trả tiền thì khó mà bố thí cho cô được! Nói xong, anh cất bước đi vào nhà trong, mặc cho thiếu nữ nức nở khóc than kêu cầu, nước mắt cứ chảy như mưa, nhưng thủy chung anh vẫn giữ một mực không có tiền là không cho táo. Thiếu nữ không biết làm sao được đành thất vọng đứng lên đi về.

Ðêm hôm đó, trên đỉnh Thiết Sơn, dưới bóng trăng soi vằng vặc tạo nên quang cảnh rất nên thơ, tân phú ông Chí Hiếu đứng dưới gốc cây táo thần, ngửa đầu lên ngắm nghía tàn cây xanh tươi, bất giác bật lên một giọng cười khanh khách tỏ vẻ đắc ý, bỗng có một đạo hào quang vút qua rồi hiện sừng sững trước mặt anh: Vị Hòa thượng áo trắng râu bạc ngày trước. Nhưng vị Hòa thượng lần này không tươi cười mà trái lại hiện ra với sắc mặt nghiêm nghị bảo anh:

- Hỡi Chí Hiếu! Người thiếu nữ đến nhà ngươi ngày hôm qua thật có hoàn cảnh đáng thương! Sao ngươi không thỏa mãn lời ai cầu của kẻ nghèo nàn mà cứ nhất định đòi nhiều tiền mới bán táo cho? Như vậy ngươi quả là người không có tâm từ mẫn mà chỉ muốn mở rộng lòng tham lam dục vọng  thôi! Từ nay, cây táo này không cấp quả cho ngươi nữa và bao nhiêu những gì ngươi đã hưởng từ trước, nhất nhất phải thu về!

Nói xong vị Hòa thượng lấy tay rút cây táo lên khỏi mặt đất và ném thẳng ra bể Ðông .

Chí Hiếu sợ hải quá, lủi thủi ra về, trong lòng tuy buồn nhưng yên trí rằng nhà đã giàu có, dù có mất cây táo cũng không sợ. Kịp khi về đến nhà thì bỗng lạ thay! Cửa nhà đã hiện nguyên hình là một túp lều tranh với chiếc lá bẹp nát y nguyên như khi trước, còn những lâu đài mới xây cất tráng lệ thì không biết biến đi đâu mà tuyệt nhiên chẳng còn lưu lại một vết tích gì cả! Ngay chiếc áo cẩm đoạn bằng thứ vóc đắt tiền mà anh mặc trên mình lúc này cũng chỉ còn là một cái áo vừa rách vừa vá của anh vẫn mặc khi xưa! Anh đứng ngắm nghía cơ nghiệp đã mất đành chùi nước mắt mà hối hận cho cuộc đời trở lại nghèo nàn của anh.

Than ôi! Tiền của ở đời,

Ðã xui lòng thế bao người tham sân.

Nghĩ gì hái quả trồng nhân …

Chí Hiếu biết hối thì thân đã tàn!

Thôi còn chi nữa mà than?

Cơ hàn, giờ lại cơ hàn như xưa!

Phạm Ngọc Khuê

“Càng được càng thấy thiếu,

Càng trì niếu càng thấy chơi vơi”

 

Chàng ngốc

 

Sau lũy tre xanh kia, là gia đình đôi vợ chồng son. Chị buôn bán đảm đang, anh siêng chất phác. Tuy gặp nhau đã tám, chín năm mà chưa có con cái gì cả, song vợ chồng rất hòa thuận và tin yêu nhau hết lòng. Nhờ sự đồng tâm nhất chí, lại biết cần kiệm dành dụm nên không bao lâu anh chị được giàu to. Ðại phàm khi lùi xùi thì không nói, chứ đã giàu mà thiếu chữ “sanh” sao coi không được. Vả lại phương ngôn có câu: “Vợ ngoan làm quan cho chồng” chị liền đem vàng mua cho anh hai chữ “Bá hộ”. Thế thì khi có đình đám đâu, anh cũng có áo địa xanh, khăn chữ nhất, bệ vệ đi trước. Chị vợ thì tóc đuôi gà, giày hàm ếch đủng đỉnh theo sau.

Người ta thường bảo “Phước bất trùng lai” (phước không khi nào đến hai lần) nhưng anh chị nhà này đã “cách mạng” câu nói ấy. Vì sau khi ăn khao Bá hộ được ít lâu, thì chị sanh hạ một cậu con trai. Vì hiếm hoi nên vợ chồng đặt tên con là “Cái ngốc”. Ngốc siêng ăn, chóng lớn, dễ nuôi, thấm thoát thế mà đã lên mười rồi đấy, vợ chồng cho con nhập học ở ngay trường làng. Xưa nay hễ phú quý thì sanh lễ nghĩa, nên anh chị nuôi một chú bé cũng trạc tuổi con để ngày hai buổi ôm trác hầu cậu đến trường. Tưởng đặt ngốc chơi ai ngờ ngốc thật, thầy hét ầm rát cổ, chữ nhất cũng không vô. Một tráp đựng đầy nghiên với bút, mà trong lòng chẳng có chút văn chương. Tuy đọc chậm, nhưng lớn mau. Cái Ngốc đã thành cậu Ngốc, một thanh niên mười tám tuổi.

Một hôm cha mẹ cho dinh chơi phố. Cậu Ngốc ngỡ ngàng như mọi về thành nội, thấy cái gì cũng đẹp, cũng ưa. Khi đi ngang một tòa biệt thự thì cậu đứng nhìn sững.

- Ồ nhà ai đẹp quá! Ba tầng cao ngất, hai tầng dưới thì còn đẹp vừa, chỉ có tầng trên hết là đẹp nhất, có bao lơn rộng, có chậu hoa to, trang hoàng mát mẻ mà nghiêm lệ.

Cậu bảo tên tiểu đồng:

- Không biết ai làm ngôi nhà này mà đẹp quá!...

Có anh thợ nề đi qua, tình cờ nghe thế, liền đứng lại bảo:

- Nhà này là của quan Thượng thư thuê tôi làm năm trước đấy.

Cậu Ngốc mừng quýnh, liền mời anh thợ cùng về với mình, để xin cha mẹ cất cho một tòa lầu như vậy.

Thợ cũng mừng quýnh, liền theo ngay cậu Ngốc về quê. Ngốc thưa cha mẹ công chuyện và bảo thợ vẽ bản đồ nhà ấy cho cha mẹ xem. Khi trù giá tiền thì thấy đắt quá, cậu Ngốc cầm ngay bút quẹt hai tầng dưới, bảo:

- Thôi hai tầng dưới này không cần bác ạ, bác chỉ lằm cho tôi cái tầng thứ ba kia.

Thấy bác thợ ngơ ngác, cậu Ngốc giải thích:

Nếu làm cả ba tầng thì nhiều quá, mà hai tầng dưới xấu tôi không ưng, vậy bác chịu phiền làm ngay tầng thứ ba cho tôi thôi.

Bác thợ tưởng món bở bỏ việc theo cậu Ngốc về, nay nghe cậu Ngốc nói ngớ ngẩn bác thợ chưng hửng, tức quá bác “xì” một cái thật dài rồi đi thẳng. Bác về kể chuyện lại mọi người đều cười lăn ra.

Câu chuyện này Ðức Phật ví dụ với những người đệ tử Phật, chịu bỏ dữ làm lành, giữ gìn ba nghiệp v.v… đã vậy còn chê những quả vị thấp (Tu Ðà Hoàn) mà muốn bước ngay lên địa vị A La Hán, nên bị người đời chê cười, cũng như cậu Ngốc trong câu chuyện này vậy.

Thể Quán

“Không có kẻ thù nào có thể gây tai hại cho ai nhiều bằng những tư tưởng sân hận, si mê, tham ái của chính mình”.

 

Mãnh lực lời nguyền

 

Một hôm, sau khi khất thực, thọ trai xong trở về Kỳ Viên tịnh xá, đức Thế Tôn được báo cáo có một vị tân Tỳ kheo (Tỳ kheo mới thọ giới) lâu nay bỗng đâm ra thẩn thờ, biếng nhác, không chịu đi khất thực, không tọa thiền , không ăn uống. Phật đi đến am thất của vị Tỳ kheo ấy, thì thấy Ðại đức râu tóc mọc dài, mặt mài tiều tụy hốc hác, Phật biết ngay đó là tình trạng của một người đã bị con hỗ cái hốp hồn. Ðấng từ bi khẻ ngồi xuống cạnh giường người bệnh, ôn tồn tham hỏi. Vị đệ tử sa nước mắt thú thật với Ngài:

- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cứu vớt con, thật sự là con đã bị nữ sắc lôi cuốn. Con cố chống cự mà dường như vô hiệu, hình ảnh “nàng” mãi ám ảnh tâm tư con, làm cho con đau khổ. Con thật không xứng đáng là Tỳ kheo. Con muốn chết.

Ðức Phật mỉm cười an ủi:

- Con hãy tình tỉnh lại. Mê gái là chuyện thường. Ðiều cốt yếu là con phải sáng suốt vượt qua, không có gì là trầm trọng cả.

- Bạch Ðức Thế Tôn, làm sao con vượt qua được, khi mà hình ảnh mĩ miều khả ái của nàng cứ ám ảnh con hoài?

- Ðó là con mới nhìn qua một lần, mà không  nhiếp tâm quán sát. Con chỉ thấy một cái đẹp mà chưa thấy những cái xấu, và nguy hiểm của đàn bà. Nếu con thấy được toàn diện như thế, thì con sẽ thoát ra sự đam mê. Ðối với sắc, cần phải quán ba điều: vị ngọt, nguy hiểm, và sự xuất ly của sắc.

Rồi Ðức Thế Tôn kể cho vị Tỳ kheo một ký ức tiền thân, Ngài cũng đã từng bị nữ sắc mê hoặc, nhưng nhờ sáng suốt mà Ngài đã vượt qua.

Thuở ấy, Ngài làm một vị vua trẻ  đẹp, tài đức vẹn toàn.Vì ham việc nước, vua chưa nghĩ đến việc tuyển hoàng hậu. Giúp vua trị nước có quan Tể tướng, phong tư tài mạo tuyệt vời cũng chưa có vợ. Tình vua tôi tuy lễ độ mà rất tương đắc.

Bấy giờ trong lãnh thổ cai trị của vua  có một nhà tỷ phú có cô con gái sắc nước hương trời, xa gần đều biết tiếng. Cô có một sắc đẹp mê hồn, làm cho thanh niên nào thấy cô ta là “tá hỏa tam tinh”, hồn siêu phách lạc, té ngửa người ra bất tỉnh nhân sự. Cũng may cho những thanh niên, cha cô ấy quý cô như lá ngọc cành vàng, và theo phong tục Ấn Ðộ thời đó, đàn bà con gái ra đường phải che mặt lại bằng tấm voan mỏng  (chỉ chừa hai con mắt để dòm ra cho thấy đường khỏi vấp té) cho nên  ít người đàn ông nào có dịp thấy cô mà phải tán đởm kinh hồn.

Vì sao cô gái ấy lại có một số phận kỳ quái như vậy? Ðó là do mãnh lực của một lời nguyền của nàng từ kiếp trước.

Tiền thân nàng là một cô gánh nước mướn nghèo khó. Một hôm đi gánh nước, cô gặp một bà mặc chiếc “Sari” (kiểu áo của phụ nữ Ấn, chỉ là một tấm vải rộng quấn quanh mình, phù cả đầu, chừa cái mặt) bằng katê vàng rất đẹp, cô ao ước đ ược có một chiếc Sari như vậy, và hỏi: Bà đã mua nó bao nhiêu tiền. Bà ta cho biết một giá tiền kinh khủng, nhẩm tính ra cô phải gánh nước thuê những mười năm mới đủ tiền sắm nó. Nhưng vì quá yêu thích chiếc áo đẹp, cô nhất định phải có nó.  Bà kia thấy cô khao khát như vậy, bèn đề nghị cô đến làm nô tỳ ba năm bà sẽ cho một cái áo giống hệt bà đang mặc. Cô gái đồng ý ngay.

Mãn hạn nô tỳ ba năm, cô được xấp hàng mới đem về, trở lại với cuộc sống tự do gánh nước mướn. Khi cầm xấp hàng đi giữa đường, cô gặp một vị Tỳ kheo người quấn toàn lá chuối khô để che thân, ngạc nhiên cô hỏi: thì biết được vị ấy đi đường bị kẻ cướp đoạt hết y phục nên bây giờ phải quấn tạm lá chuối khô như vậy. Ðộng lòng trắc ẩn, cô dâng cả xấp hàng cho vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo đi vào bụi rậm trút bỏ lá chuối khô, khoác lên mình chiếc y vàng ấy. Khi Ðại đức từ trong bụi bước ra, người con gái bàng hoàng sửng sốt trước vẻ đẹp sáng chói của Ngài, tưởng như Phật vừa giáng thế. Nàng quỳ xuống phát nguyện:

Mong rằng nhờ phước đức dâng y này, kiếp sau con sẽ được một sắc đẹp siêu phàm, làm cho nam nhi thấy con thì phải mê mẩn, rụng rời tay chân (như là con thấy Ngài vậy!).

- Con sẽ được toại nguyện.

Vị Ðại đức chúc lành cho cô rồi bỏ đi.

Lời nguyện quái ác của của gái được thành tựu. Nhờ công đức bố thí đó, kiếp hiện tại cô được sanh vào nhà giàu có, nhưng cũng do lời nguyền, cô được cái sắc đẹp làm mê mẩn hồn người như một bà phù thủy.

Bấy giờ trong triều, quan Tể tướng và đình thần bàn nhau:

Ðấng minh quân của chúng ta đã đến lúc nên tuyển ngôi chánh cung để sanh con nối dõi. Không biết cặp mắt xanh của Ngài đã để ai lọt vào chưa?

Quan Tể tướng nói:

- Tôi thường gần vua, thấy Ngài chỉ lo việc dân việc nước, không màng tới việc ấy.

- Vậy thì quan Tể tướng nên khuyên vua để chúng ta tuyển chọn một số mỹ nhân trong nước, xem Ngài vừa ý ai thì xin Ngài đặt lên ngôi chánh cung đi. Tục ngữ có câu: Trai không vợ như ghế ba chân.

Quan Tể tướng bằng lòng. Gặp lúc cùng vua nhàn tản, ông mở lời:

- Tâu bệ hạ, bọn hạ thần có trộm bàn chuyện bệ hạ nên sớm yên bề gia thất.

Vua mỉm cười:

- Bộ các khanh đã có mỹ nhân vừa ý, toan kén chọn cho ta ư?

Quan Tể tướng tâu:

- Dạ, tâu bệ hạ, bọn hạ thần nghe tục ngữ nói: “Trai không vợ như ghế ba chân” nên bàn nhau xin bệ hạ cho đi tuyển về một số mỹ nhân để  mắt rồng chọn lựa.

Vua cười xòa:

- Các khanh muốn vậy  cũng được. Nhưng nếu không kén chọn được người ngọc như ý thì ta thà ở góa thôi.

- Xin bệ hạ yên lòng, chúng thần sẽ ra sức tìm kiếm. Nghe đồn có một tỷ phú ở phương bắc có cô gái nước sắc hương trời.

- Sao khanh không chọn nàng cho khanh đi? Khanh cũng đồng tuổi như ta, mà sao mắt xanh chưa để ai vào cả.

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần muốn lo việc bệ hạ trước, kẻ hạ thần tính sau cũng không hại gì.

Ðược lịnh vua, triều đình mở cuộc sơ tuyển mỹ nhân khắp nước. Tụ họp lại thì quá đông, họ bè yết bảng khắp nơi và cho người đi rao bằng ống loa rằng, nhà ai có gái đẹp hãy nộp hồ sơ bằng một tấm hình, các chi tiết về người đẹp như bề cao, cân nặng, vòng ngực, vòng eo, lưng ong, lưng tôm hay lưng ếch, giọng kim hay vọng thổ, đi chân chữ bát hay chữ nhất… Chỉ trong vòng hai tuần lễ, hồ sơ mỹ nữ gởi đến triều đình tới tấp như bươm bướm. Xem trong mấy ngàn tấm hình họa mỹ nhân, nhà vua không vừa ý người nào cả. Quan Tể tướng cũng đồng ý với vua là không có người nào xứng đáng trong số đó. Ông bỗng sực nhớ ra, trong số mấy ngàn hồ sơ không hề thấy hồ sơ của cô con gái nhà tỷ phú nọ. Ông bàn với vua:

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần xin cử một phái đoàn của triều đình gồm những quan giỏi tướng số đi đến nhà tỷ phú ấy, xem tướng cô gái ấy đẹp như thế nào, nếu quả xứng đáng vừa ý nhà vua thì xin tuyển làm chánh cung.

Nhà vua chấp thuận đề nghị ấy. Quan Tể tướng bèn chọn mười viên quan giỏi về nhân tướng và lý số đi đến nhà tỷ phú xem mặt cô gái. Người thì có biệt tài xem tướng mặt, người xem tướng lưng, người xem tướng gò má, người xem tướng đi tướng đứng tướng ngồi, tướng giọng nói mắt nhìn…sao cho tất cả con người của cô biểu lộ cung cách của một vị hoàng hậu xứng đáng với đức vua đẹp trai phong nhã tài tình của họ. Sắp đặt xong xuôi, triều đình báo tin cho ông tỷ phú sẽ có phái đoàn về xem tướng con gái ông để tuyển làm hoàng hậu. Cô gái rất kiêu hảnh về sắc đẹp của mình nên không thèm nộp hồ sơ,cô biết cuối cùng ngôi chánh cung sẽ về tay cô, bởi vậy cô không thèm bận tâm về việc đó. Khi nghe cả đoàn mười vị quan triều đình đến nhà để xem tướng cô, cô cảm thấy tự ái nổi lên dữ dội, định bụng sẽ cho các quan này một phen sĩ nhục ê chề. Cô trang điểm lộng lẫy, chờ khi các quan vào phòng khách, cô từ nhà trong xuất hiện, đưa cặp mắt sắc như dao phay liếc qua liếc qua liếc lại một lượt các ông quan. Bỗng các quan đều đứng ngẩn người ra như phổng đá nhìn trừng  trừng vào sắc đẹp ghê hồn của cô. Cô cất gìọng oanh vàng thỏ thẻ:

- Xin mời các  quan ngồi. Dám hỏi các quan đến có điều chi dạy bảo?

Các quan cũng không nhúc nhích. Cô gái bỗng đổi giọng đanh thép giận dữ nói:

- Nghe đồn triều đình hôm nay phái người về xem tướng ta. Tưởng là người, hóa ra là một lũ ngợm thế kia à?

Rồi quát gia nhân túm từng người ném ra sân. Cô gái thi hành xong việc trả đũa đủng đỉnh đi vào nhà đóng cửa lại. Khi các quan không còn, trông thấy bóng dáng cô gái thì ma lực của sắc đẹp nàng cũng tan biến, họ lồm cồm ngồi dậy đứng lên phủi áo ra về, rất tức giận cô gái và quyết trả đũa. Khi trở về họ tâu vua:

- Tâu bệ hạ, cô gái ấy là một mụ phù thủy có bùa ngải, bệ hạ không nên rước cái của nợ ấy về nguy lắm!

Nhà vua dễ dãi cười xòa:

- Vậy thì hãy thôi. Tự các khanh bày đặt, chứ ta đâu biết gì đến chuyện ấy. Về phần nhà tỷ phú, khi chờ mãi không thấy nhà vua để cập đến tuyển con gái mình làm hoàng hậu, ông bàn với con:

- Ta sẽ gả con cho quan Tể tướng, con chịu không?

Cô gái làm bộ e lệ đáp:

- Tùy ý cha.

Thâm tâm cô cũng nghĩ đó cũng là thượng sách để trả thù  ông vua kêu căng không thèm đối tới cô. Tể tướng chỉ dưới vua một bực, không được làm hoàng hậu, nhưng được làm mệnh phụ phu nhân thì cũng tốt số  lắm rồi.

Ông tỷ phú cho người môi giới đến nói với quan Tể tướng, ông muốn gả con gái cho người. Quan Tể tướng thấy việc nhà vua lơ là với việc vợ con, nên không dám gượng ép Ngài nữa. Lâu nay quan cũng muốn để dành mỹ nhân cho vua, bây giờ sau vụ xem tướng, cái nhân duyên giữa vua và nàng kể như đã lỡ. Quan bèn chấp thuận cưới cô gái vì quan cũng không muốn làm “ghế ba chân” mãi, lỏng chỏng thế nào!

Thế là đám cưới xảy ra giữa quan Tể tướng và  cô con gái nhà tỷ phú. Nhờ tục lệ che mặt, nhà vua tuy có dự đám cưới cũng không thấy mặt nàng nên khỏi bị thơ thẩn thần hồn. Chỉ mình quan Tể tướng sau khi cưới về mới ngơ ngẩn trước sắc đẹp siêu phàm của vợ (chỉ một lúc đầu thôi, sau quen mắt thì không sao). Quan từ đấy cẩn thận khóa cửa mỗi khi vào triều để cho bà vợ có sắc đẹp mê hồn khỏi bị ai thấy, mà phải bấn loạn tinh thần.

Tể tướng phu nhân vẫn ôm lòng thù hận nhà vua, và muốn vua phải thấy mặt mình một phen, cho bị điên đảo cho bỏ ghét. Bà để tâm chờ cơ hội.

Hôm ấy gặp ngày mừng quốc khánh. Quan Tể tướng vào triều sớm dặn nàng.

- Hôm nay có xe loan của Hoàng thượng đi ngang đường mình để về cung sau khi xem duyệt binh.Vào giờ xe vua đi ngang em hãy lánh mặt kẻo vua nhìn thấy, không hay cho Ngài.

Phu nhân giả bộ vâng lời:

- Thưa lang quân, vâng ạ!

Nhưng trong lòng mừng khấp khởi vì được dịp báo thù. Ðúng giờ vua đi ngang bà trang sức lộng lẫy, ra đứng ở bao lơn cầm sẳn một rổ hoa bốc từng nắm tung xuống xe hoa của vua đang chầm chậm diễn qua dưới đường trước tiếng tung hô vạn tuế của dân chúng. Những cánh hoa tươi thơm ngào ngạt mưa xuống đầy long bào nhà vua, vua ngẩng lên nhìn thì chao ơi! Ngài bủn rủn cả tay chân, tâm thần tán loạn không còn biết gì nữa… Ðôi mắt mỹ nhân đắm đuối theo dõi nhà vua mãi như một oan hồn. Trở về cung, vua leo lên long sàn nằm dài, không còn thiết gì ngủ nghỉ, ăn uống, hình tướng mỹ miều của Tể tướng phu nhân như dán chặt trước mặt nhà vua. Ðau khổ, vua thở dài thườn thượt.

Quan Tể tướng đã biết rõ sự tình, bèn đi vào bên vua tâm sự:

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần xin nhường lại cô vợ cho bệ hạ đó. Xin bệ hạ hãy hồi tỉnh lại để lo việc nước việc dân.

- Khanh tốt bụng quá, làm cho ta thấy hổ thẹn. Không bao giờ ta nỡ đi cướp một báu vật của khanh.

- Tâu bệ hạ, đối với kẻ hạ thần, chỉ có Hoàng thượng là kho báu của cả muôn dân. Ðể bảo vệ mạng sống của Ngài, thì dù có mất mạng của kẻ hạ thần cũng vui lòng, huống hồ chỉ là một người con gái.

Nhà vua vẫn tư lự u sầu không thuận lời đề nghị hiến dâng ấy. Quan Tể tướng bèn đánh một đòn mạnh hơn.

- Thôi thì kẻ hạ thần sẽ viết tờ khai trừ bà vợ, cho nàng về lại nhà cha mẹ. Bệ hạ muốn thì tuyển nàng vào cung, mà không muốn thì thôi kẻ hạ thần cũng nhất quyết ly dị.

Nhà vua giật mình ngồi dậy mở mắt lớn nhìn quan Tể tướng:

- Nàng có tội gì mà khanh nở dứt tình như vậy?

Quan Tể tướng thấy nhà vua trúng kế của mình, bèn làm tới:

- Nàng có tội rất lớn, đã đem sắc đẹp mê hoặc nhà vua, làm cho nhà vua, cột trụ của muôn dân phải tiêu ma chí khí, thân bại danh liệt. Tội ấy đáng tru di.

Nghe mấy lời ấy, nhà vua như bị một gáo nước lạnh dội từ trên đầu dội xuống, làm cho ngài tỉnh hẳn, khỏi ma lực của nữ sắc. Ngài cười xòa đứng dậy:

- Tể tướng, thôi ta đã hiểu. Mọi sự chỉ vì ta mê muội lú lẫn trong chốc lát. Khanh sẽ thấy, cũng đã thấy, là ta không phải là hạng mê gái tới chết đâu. Khanh hãy yên tâm ra về. Bùa lực của nàng đã tan biến nơi ta.

Kể xong chuyện, đức Thế Tôn cho biết nhà vua là tiền thân của Ngài, còn quan Tể tướng chính là A Nan tôn giả ngày nay.

Thích Nữ Trí Hải

“Người ta lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, và lấy đàn bà thử đàn ông”.

Mục Lục Cổ Tích Chiếc cầu muôn thuở - Truyện cổ Phật Giáo Tôn Giả tí hon - Truyện cổ Phật Giáo Không đau ruột bằng - Truyện cổ Phật Giáo Dạy khỉ nói - Truyện cổ Phật Giáo Mục Kiền Liên - Truyện cổ Phật Giáo Bát cơm cúng dường - Truyện cổ Phật Giáo Vườn Nai - Truyện cổ Phật Giáo Duyên xưa nghiệp củ - Truyện cổ Phật Giáo Ca Lưu Ðà Di - Truyện cổ Phật Giáo Phật Pháp nan văn - Truyện cổ Phật Giáo Tâm nhìn - Truyện cổ Phật Giáo Nắm tro tàn - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích chim tu hú - Truyện cổ Phật Giáo Ông trưởng giả keo kiệt - Truyện cổ Phật Giáo La Hầu La xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Ðạo đức trở về - Truyện cổ Phật Giáo Không biết mình điên - Truyện cổ Phật Giáo Chuyện chàng 4 vợ - Truyện cổ Phật Giáo Chú tiểu hiền triết - Truyện cổ Phật Giáo Nhờ nghe Phật pháp khỏi phải tự thiêu - Truyện cổ Phật Giáo Ông sư Huyền Trân - Truyện cổ Phật Giáo Nguyễn Minh Không - Truyện cổ Phật Giáo Vọng phu - Truyện cổ Phật Giáo Hồ ly vượt bể mót vàng - Truyện cổ Phật Giáo Trư hòa thượng - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích con muỗi - Truyện cổ Phật Giáo Phước Huệ song tu - Truyện cổ Phật Giáo Quạ cú thù nhau - Truyện cổ Phật Giáo Vô duyên với Phật thì không độ được - Truyện cổ Phật Giáo Bà lão kỳ dị - Truyện cổ Phật Giáo Voi trung nghĩa - Truyện cổ Phật Giáo Nhà sư vướng lụy - Truyện cổ Phật Giáo Sự tích cây huyết dụ - Truyện cổ Phật Giáo Công đức xuất gia - Truyện cổ Phật Giáo Vị Sa Di giữ giới - Truyện cổ Phật Giáo Vạ mẹ - Truyện cổ Phật Giáo Hòa thượng cua - Truyện cổ Phật Giáo Hái hoa cúng Phật - Truyện cổ Phật Giáo Con trâu - Truyện cổ Phật Giáo Sư bác quản tượng - Truyện cổ Phật Giáo Cây táo núi Thíết Sơn - Truyện cổ Phật Giáo Chàng ngốc - Truyện cổ Phật Giáo Mãnh lực lời nguyền - Truyện cổ Phật Giáo Nụ cười em bé - Truyện cổ Phật Giáo Gương mặt hoa mè - Truyện cổ Phật Giáo Ðoạn đường phải đến - Truyện cổ Phật Giáo Người dốt giác ngộ - Truyện cổ Phật Giáo Một chút lửa địa ngục - Truyện cổ Phật Giáo Pothila ông sư rỗng - Truyện cổ Phật Giáo Dưới gốc mai vàng - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 13