Thằng Mõ
Thằng Mõ có mặt ở nông thôn Việt Nam không biết từ bao giờ. Nhưng chắc chắn
là đã từ lâu. Vua Lê Thánh Tôn đã làm thơ nôm vịnh thằng Mõ :
Gớm thay lớn tiếng lại dài hơi
Làng nước ưng bầu chẳng phải chơi
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi
Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi
Đâu đâu đấy đấy đều nghe lệnh
Xã xã dân dân phải cứ lời
Trên dưới quyền hành tay cất đặt
Một mình một cỗ thỏa lòng xơi.
Lời lẽ có vẻ kính trọng, ngược hẳn với địa vị của Mõ trong xã hội xưa. Mõ là một
nhân vật không thể thiếu trong tổ chức làng xã.
"Dưới bọn tuần đinh, làng nào cũng có một người làm nô lệ chung cho cả hàng xã
gọi là đạc phu.
Khi nào trong làng có việc gì thì tên đạc phu phải đi mời mọc cả làng ra đình
hội họp. Hoặc có việc gì lễ dịch báo cáo cho làng biết thì đạc phu gõ mõ đi rao
suốt các ngõ. Nhà tư gia ai có việc hiếu hỉ hoặc có việc giỗ kị muốn mời làng
thì cũng sai đạc phu đi mời.
(...) Đạc phu là một kẻ đê tiện hơn hết các loài người, chỉ những kẻ khốn khó
mới đi nơi xa khuất chịu làm nghề ấy mà thôi. Mà ai đã nhỡ phải bước ấy thì con
cháu về sau, muốn làm nghề gì mặc lòng, cũng không rửa được tiếng xấu."
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng tháp, 1990).
Mõ gần gũi mọi người, đáng lẽ phải được mọi người đối xử tử tế, thân mật, nhưng
không hiểu tại sao mõ lại bị khinh bỉ, chà đạp. Mõ bị coi là nhân vật thấp nhất
trong xã hội, chỉ có quyền cúi đầu để mọi người sai bảo.
Có lẽ chính sự bất công và thiếu đạo đức của xã hội đã khơi dậy sự phản kháng
của giới văn nghệ sĩ. Nhiều tác giả bênh vực mõ, tạo ra những tình huống bất ngờ
để cho mõ đóng vai trò gỡ rối cho đám chức sắc trong làng.
Mọi người còn nhớ thằng Mõ của Ngô Tất Tố có tài băm thịt gà, xứng đáng với danh
hiệu nghệ sĩ. Chỉ có thằng mõ mới gánh nổi trách nhiệm chia phần công bằng cho
cả làng. Một con gà "một người ăn cố mới hết", được Mõ chặt ra chia làm 23 cỗ,
83 suất. Không có "thiên tài" băm gà của Mõ, làng nước sẽ khó tránh được những
cuộc cãi nhau, tranh giành, thậm chí hại ngầm nhau.
Nhưng có lẽ giỏi nhất, thông minh nhất trong làng Mõ, thì phải gắn huy chương
vàng cho thằng Mõ làng Cổ Nhuế của Hồ Hữu Tường (tôi được đọc cuốn Phi Lạc sang
Tàu của Hồ Hữu Tường vào khoảng đầu thập niên 60, rất tiếc không nhớ tên nhà
xuất bản). Thằng Mõ được ông tiên chỉ của làng mời làm cố vấn, giải quyết tất cả
những chuyện rắc rối điên đầu. Mõ được sứ Tàu bái phục sát đất.
Nam Cao cũng đưa ra một thằng Mõ, vốn hiền lành lương thiện nhưng bị xã hội làm
cho xấu đi.
Tên Mõ từ đâu ra ?
Cho tới đầu thế kỷ 20, thằng Mõ còn mang tên là mộc đạc, rồi đạc phu.
Mộc đạc nguyên nghĩa là cái chuông bằng đồng, có quả lắc bằng gỗ. Ngày xưa dùng
"mộc đạc" để đánh hiệu vào học. Do đó người ta gọi thầy học là mộc đạc (Đào Duy
Anh), hoặc đạc tư (Thiều Chửu), thầy giảng đạo gọi là đạc đức (Huỳnh Tịnh Của).
Ta có thể suy ra rằng ngày xưa mõ làng còn dùng chuông, trước khi dùng mõ.
Đầu thế kỷ 20, trong sách vở chưa có tên thằng Mõ. Ngược lại chữ mõ (chuông mõ)
đã có mặt và được định nghĩa là đồ dùng làm hiệu lệnh, bằng bộng cây hoặc bộng
tre. Chuông mõ là tiếng gọi chung đồ dùng của thầy chùa (Huỳnh Tịnh Của).
Cái mõ xuất hiện trước thằng Mõ. Nhưng có thể nào cho rằng gọi là thằng Mõ vì nó
gõ mõ không ? Chắc chắn là không vì chẳng có ai dám gọi nhà sư là thằng mõ.
Muốn tìm nguồn gốc chữ Mõ chúng ta hãy tìm hiểu chính thằng mõ.
Phần đông mõ làng là những người tha phương cầu thực, từ chỗ khác tới làng kiếm
ăn. Bị mọi người khinh rẻ. Làng xã chẳng cần biết và cũng không cần tra hỏi lai
lịch tên tuổi. Chỉ cần nói thằng mõ, ai cũng biết nhân vật được nói tới.
Sách vở xưa dùng chữ "mỗ" để gọi những người không biết tên. Chữ mỗ là đại danh
từ không chỉ rõ cái gì, người nào, được dùng khá phổ biến.
Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (Tang thương ngẫu lục, bản dịch của Đạm Nguyên, Sài
gòn, 1962), đưa ra một loạt các ông bà Mỗ : ông liệt sĩ Mỗ (họ tên chưa thể tra
xét được), bà mẹ phu nhân Mỗ. Thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ, người làng Tả Ao,
huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ông thượng thư Nguyễn Văn Giai thuở nhỏ học ông Thái
học sinh Mỗ.v.v..
Có thể cho rằng chữ Mõ, chỉ một người không tên tuổi, là từ chữ Mỗ mà ra.
Xét về chức năng thì công việc của Mõ là mời làng đi họp và báo tin của làng đến
mọi nhà.
Mời ai, tìm ai, tiếng hán việt là "Mộ". Chữ mộ có thể đã được chuyển qua chữ nôm
thành mõ.
Mõ là người đi mời (mộ) làng nước. Về sau các đồ vật được mõ dùng, hoặc các đồ
vật được dùng để làm hiệu lệnh, để rao gọi, đều được gọi là mõ. - điếm làng có
cái mõ cá làm bằng đá tạc hình con cá. Tấm sắt cầm canh (chữ hán việt là thác)
cũng được gọi là mõ canh. Nhà sư lúc tụng niệm chú tâm dùng mõ làm hiệu lệnh,
giữ nhịp.
Bài thơ Thác thi (Vịnh cái mõ) của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu :
Điêu đẩu thiên cao dạ chuyển canh.
Được dịch là :
Trời cao, tiu kẻng, đêm dời canh.
Và được chú thích rằng "Điêu là cái kẻng (xưa gọi là cái tiu), đẩu là cái đấu
dùng trong quân đội để đong gạo nhưng cũng dùng để gõ làm hiệu lệnh. Điêu và đẩu
đều dùng như kẻng và mõ trong quân đội". (Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn
học, Hà Nội, 1983).
Tóm lại, thằng Mõ, người đi mời mọi người trong làng, là do chữ mộ (mời) hoặc
chữ mỗ (không tên tuổi) mà ra. Và đồ nghề của Mõ thì được gọi là cái mõ. Cái mõ
có thể được làm bằng gỗ, bằng tre, bằng gạch đá hay bằng sắt.
Nguyễn Dư
Tết Kỷ Mão 2-1999.