Thằng Bờm
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng : bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng : bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
Bờm rằng : bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng : bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười.
Nhiều người nghĩ rằng bờm là cái bờm tóc. Thằng Bờm là đứa bé con để bờm.
Chữ bờm được Văn Tân định nghĩa là :
- hàng lông dài mọc trên cổ một vài giống thú
- chỏm tóc để dài, che thóp trẻ con
- nói trẻ con còn bụ sữa.
Ngày xưa, trẻ con để chỏm tóc trên đỉnh đầu hoặc hai bên đầu đến khoảng 5,6 tuổi
thì bắt đầu để tóc dài. Bé hơn, chỉ độ 2,3 tuổi thì để chỏm tóc che thóp ngừa va
chạm và tránh gió. Như vậy thì thằng Bờm còn là một đứa bé con còn bụ sữa, còn
để chỏm che thóp. Đứa bé độ 2, 3 tuổi. Lớn hơn nữa thì ta thường gọi là bụ bẫm
thay cho bụ sữa.
Một đứa bé mới 2, 3 tuổi thì chắc là chưa hiểu biết gì về giá trị của ba bò chín
trâu, của ao sâu cá mè, của bè gỗ lim.v.v. Chẳng lẽ lõi đời như phú ông lại mất
thì giờ làm chuyện vô ích như vậy ?
Bài ca dao chỉ tượng trưng cho một cuộc phỉnh gạt, dụ dỗ trẻ con thôi à ? Hay là
nó muốn nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại sự đối đầu giữa phú ông và thằng Bờm ?
Trong xã hội xưa, phú ông đại diện một giai cấp, giai cấp địa chủ giàu có của
thôn quê. Đối đầu với giai cấp này, bài ca dao đưa ra thằng Bờm đại diện cho
giai cấp nông dân nghèo khổ. Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Ngọc Phan (Tục ngữ, Ca
dao, Dân ca Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978) đã xếp bài Thằng Bờm vào đề tài
"Những mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa nông dân và địa chủ". Thằng Bờm là một
người nghèo, một nông dân phải đối đầu với một người giàu, một địa chủ. Thằng
Bờm không phải là một đứa bé bụ sữa, còn để chỏm che thóp.
Người nông dân nghèo thấu hiểu lòng dạ của phú ông. "Mấy đời bánh đúc có xương,
mấy đời trọc phú có thương dân nghèo". Họ không tin rằng phú ông rộng lượng đến
độ mang cả của cải kếch xù, quý giá ra đánh đổi lấy một cái quạt mo tầm thường.
Đằng sau những lời cám dỗ, thế nào chả có cạm bẫy. Vì thế mà Bờm khăng khăng
không chịu.
Bờm có đầu óc thực tế, chất phác. Không để người lừa mình và mình cũng không có
ý lừa người khác. Mà làm sao lừa được phú ông, làm sao mà "ăn" được phú ông. Tốt
nhất là "thuận mua, vừa bán". Vả lại anh nông dân nghèo nào mà chả thích được ăn
no bụng. Giá trị cái quạt mo cũng chỉ xấp xỉ, tương đương với nắm xôi thôi.
Thế là "thằng nghèo" bằng lòng đánh đổi cái quạt mo lấy nắm xôi của phú ông.
Thằng Bờm, xét về gia cảnh, có họ xa gần với thằng Bần trong câu ca dao :
Cờ bạc là bác thằng Bần
Cửa nhà bán hết đưa chân vào cùm.
Bờm là chữ nôm của chữ Hán Việt "Bần", nghĩa là nghèo.
Có nhiều thành ngữ nói đến phú và bần, giàu và nghèo :
- Phú bất nhân, bần bất nghĩa.
- Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc.
- Phú quý đa nhân hội, bần cùng thân thích ly.
(Giàu sang nhiều kẻ tới nhà, khó khăn nên nỗi ruột già xa nhau).