Ðánh Bạc Gán Vợ
Ngày xưa, có người Từ Đạt ở phủ Khoái Châu, đi làm quan tại thành Đồng Quan (Hà
Nội), thuê nhà ở cạnh cầu Đồng Xuân, láng giềng với nhà quan Thiên thư là Phùng
Lập Ngôn. Phùng giàu mà Từ nghèo, song lấy nghĩa mà chơi bời đi lại với nhau rất
thân.
Phùng có người con trai là Trọng Quỳ, Từ có người con gái là Nhị Khanh, tuổi gần
ngang nhau. Hai người mến vì tài, yêu vì sắc, cùng có ý muốn kết duyên, được cha
mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng thuận. Về nhà họ Phùng, Nhị Khanh kéo cư xử với họ
hàng, được người ta đều khen là người nội trợ hiền.
Trọng Quỳ lớn lên sinh ra cờ bạc, Nhị Khanh thường vẫn phải can ngăn. Gặp khi
Nghệ An có giặc, đình thần ghét Lập Ngôn tính hay nói thẳng bèn hùa nhau tiến cử
bổ nhiệm đến vùng này. Khi sắp đi, Phùng Lập Ngôn bảo với con dâu là Nhị Khanh:
"Đường sá xa xôi, ta không muốn mang đàn bà con gái đi theo, vậy con nên tạm ở
quê nhà. Đợi khi yên ổn, vợ chồng con lại gặp nhau".
Trọng Quỳ thấy Nhị Khanh không đi, có ý quyến luyến không nỡ dứt. Nhị Khanh bảo
chồng: "Thày ra đi một mình không kẻ săn sóc, vậy chàng nên chịu khó đi theo.
Thiếp đâu dám đem mối khuê tình để chàng phải lỗi bề hiếu đạo".
Không ngờ trong lúc Trọng Quỳ đi, cha mẹ Nhị Khanh nối nhau tạ thế. Nàng đưa
tang về Khoái Châu, chôn cất rồi đến cùng ở với bà cô. Bấy giờ có một viên quan
cháu họ ngoại của bà cô muốn lấy Nhị Khanh làm vợ, đem tiền bạc đến khẩn cầu. Bà
cô bằng lòng, bảo Nhị Khanh: "Chồng cháu đã sáu năm nay tin tứ thưa vắng. Cháu
tội gì mà bơ vơ trơ trọi, sống đời sương phụ". Nhị Khanh nghe nói sợ hãi, mất
ngủ quên ăn. Bà cô biết chí nàng không thể lay chuyển, nhưng cố lấy lễ nghi mà
cưỡng ép.
Nhị Khanh một hôm bảo người bõ rằng: "Tôi sở dĩ nhịn nhục mà sống là vì nghĩ
Phùng lang hãy còn; nếu chàng không còn thì tôi đã liều mình chứ quyết không mặc
xiêm áo của chồng để làm đẹp cho người khác. Bõ có thể chịu khó vào xứ Nghệ hỏi
thăm tin tức chồng tôi không"? Người bõ già vâng lời ra đi. Bấy giờ binh lửa rối
ren, đường sá hiểm trở, phải lận đận mới vào được Nghệ An. Hỏi thăm, biết tin
Phùng Lập Ngôn đã chết được mấy năm rồi, còn Trọng Quỳ chơi bời nên gia tư đã
sạch.
Người bõ già vào trong chợ liền gặp ngay Trọng Quỳ. Theo về chỗ ở, thấy một
chiếc giường xiêu, bốn bề vách trống, trừ có mấy thứ như bàn cờ, hũ rượu, chim
mồi, chó săn, không còn cái gì đáng giá. Trọng Quỳ bảo người bõ già: "Ta vì binh
lửa nghẽn trở, muốn về mà không được". Rồi chọn ngày lên đường về quê. Đến nhà
vợ chồng cùng trông nhau mà khóc. Vợ chồng xa cách nhau lâu, tình thương yêu
càng thêm nồng mặn.
Về nhà ít lâu, Trọng Quỳ lại quen tính cũ, lêu lổng cờ bạc, thường giao du với
một kẻ lái buôn tên Đỗ Tam. Trọng Quỳ thích Đỗ Tam có tiền nhiều, Đỗ thì ham vẻ
đẹp của Nhị Khanh. Những khi uống rượu với nhau rồi đánh bạc, Đỗ Tam thường đem
lợi nhử, Trọng Quỳ đánh hay được luôn. Nhị Khanh vẫn lo nghĩ, răn bảo chồng:
"Những người lái buôn phần nhiều giảo quyệt, không nên chơi thân với họ. Ban đầu
họ thả cho mình được, rồi họ đợi dịp vét hết của mình cho mà xem". Trọng Quỳ
không nghe lời khuyên bảo, nài nỉ của vợ. Một hôm cùng họp nhau đánh bạc, Đỗ Tam
bỏ ra năm vạn đồng tiền để đánh cá và đòi Trọng Quỳ đánh bằng Nhị Khanh. Trọng
Quỳ vẫn được luôn, lại đang lúc ngà ngà say, chẳng suy nghĩ gì, bằng lòng đánh
cách ấy. Giấy giao kèo viết xong rồi vừa uống rượu, vừa gieo quân. Trọng Quỳ
gieo ba lần đều thua cả ba. Buộc phải cho gọi Nhị Khanh đến bảo rõ thực tình:
"Tôi vì nỗi nghèo nó bó buộc, để lụy đến nàng. Việc đã đến thế này, hối lại cũng
không kịp nữa. Nàng nên tạm ở lại đây, tôi sẽ xoay đem tiền đến chuộc".
Nhị Khanh liệu cơ không thể thoát khỏi, giả vờ nói tử tế rằng: "Bỏ nghèo theo
giàu, thiếp lẽ đâu từ chối. Số trời xếp đặt, há chẳng là tiền định hay sao! Nếu
chồng mới không nỡ rẻ bỏ, thiếp xin sửa túi nâng khăn, hết lòng hầu hạ như đã
đối với chồng xưa vậy. Nhưng xin cho uống một chén rượu, mượn làm một chén tiễn
biệt và cho về từ giã các con một chút".
Đỗ Tam mừng rỡ, rót đầy một chén rượu đưa nàng uống. Uống xong Nhị Khanh về ôm
lấy hai con vỗ về khóc lóc rồi lấy một đoạn dây tơ thắt cổ mà chết. Trọng Quỳ
hối hận vô cùng, bèn dứt bỏ thói cờ bạc xưa kia. Song sinh kế ngày một cùng
quẫn, ăn bữa sớm lo bữa tối, phải đi vay quanh của mọi người làng xóm. Nhân nghĩ
có một người bạn cũ, hiện làm quan ở Quy Hóa (thuộc xứ Hưng Hóa), bèn tìm đến để
mong nhờ vả. Dọc đường buồn ngủ, chàng nắm ghé xuống ngủ ở gốc cây bàng, bỗng
nghe trên không có tiếng gọi rằng: "Có phải Phùng lang đấy không? Nếu còn nghĩ
đến tình xưa thì xin đến chờ em ơ cửa đền Trưng Vương (ở xã Hát Môn, Sơn Tây)".
Trọng Quỳ lấy làm lạ là tiếng giống như tiếng của Nhị Khanh, mở mắt ra nhìn thì
chỉ thấy trên trời một đám mây đen bay về tây bắc. Quỳ tuy rất lấy làm ngờ,
nhưng cũng muốn thử xem sao, bèn đúng hẹn đến trước đền ấy. Song đến nơi chỉ
thấy bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở bên cành cây xao
xác. Quỳ buồn rầu toan về, thì mặt trời đã lặn, bèn ngả mình nằm lên một tấm ván
nát trên cầu để nghỉ. Khoảng cuối canh ba, bỗng nghe tiếng khóc nức nở từ xa rồi
lại gần, khi thấy tiếng khóc gần kề, nhìn kỹ thì chính là Nhị Khanh. Hỏi đầu
đuôi, Nhị Khanh nói: "Thiếp sau khi mất đi, Ngọc Hoàng thương là oan uổng, bèn
ra ân chỉ, hiện thiếp được lệ thuộc vào đền này, coi giữ về những sớ văn tấu
đối, không lúc nào nhàn rỗi để thăm nhau được. Bữa nọ nhân đi làm mưa, chợt
trông thấy chàng nên gọi; nếu không thì chẳng biết đến bao giờ được gặp nhau".
Trọng Quỳ hối hận lỗi xưa, hai vợ chồng nói chuyện đến sáng. Nhị Khanh bảo:
"Thiếp được nghe trộm chư tiên nói chuyện với nhau bảo Hồ triều sẽ hết vào năm
Bính Tuất, binh cách nổi lớn, số người chết chóc đến chừng 20 vạn, ấy là chưa kể
số bị bắt cướp đi. Bấy giờ có một vị chân nhân họ Lê, từ miền tây nam xuất hiện,
chàng nên khuyên hai con bền chí theo vị ấy".
Trời gần sáng, Nhị Khanh vội dậy cáo biệt, vừa đi vừa nhìn lạ, rồi thoát chốc
biến đi mất. Trọng Quỳ làm theo lời Nhị Khanh, chăm chỉ nuôi hai con cho đến nên
người. Đến khi vua Lê Lợi tuốt gươm đứng dậy ở Lam Sơn, hai người con trai đều
đi theo, làm đến chứac Nhập Thị Nội. Đến nay ở Khoái Châu hiện còn con cháu