Mười Tám Vị La Hán
Ngày xưa, có một người giàu có đức hạnh, nuôi được một con ngựa đẹp, nước chạy
hay nhất trong xứ. Đặc biệt hơn nữa là con ngựa biết nói tiếng người và đoán
được cả việc tương lai. Người nhà giàu chăm nom thương mến con ngựa như tình cha
đối với con.
Một hôm ngựa nói cho chủ hay:
"Ngày mai sẽ có một bọn cướp mười tám đứa đến đánh nhà này để lấy của. Ông đừng
sợ gì cả, vì tôi đã có cách đối phó với họ. Ông cho giết mười tám con lợn sữa
quay lên, rồi dọn ra ở bàn, với xôi, các thức ăn, cùng một vò rượu. Đợi đến giờ
Tý, ông đi đón bọn cướp tụ họp ở ngã tư, rồi mời họ về nhà ăn uống. Họ sẽ nhận
lời mời, và sẽ không làm hại gì ông đâu".
Người nhà giàu vốn rất tin ở ngựa đã nhiều lần việc trước được việc đúng, nên
không do dự nghe theo.
Việc xảy ra quả y như lời ngựa đã nói. Bọn cướp sau khi ăn uống no say mới hỏi
chủ làm sao mà lại biết trước được họ đến nhà dể dọn đúng bữa tiệc cho mười tám
người ăn? Chủ nhà đáp rằng chính con ngựa đã báo trước cho hay số cướp đến bao
nhiêu người, mục đích của họ định làm hại ông ra sao.
Bọn cướp lấy làm ngạc nhiên, lo ngại, tỏ ý muốn xem con vật dị thường. Chủ nhà
dẫn họ đến chuồng ngựa. Tên cầm đầu bọn cướp mới hỏi con ngựa:
"Sao mày biết được chúng tao đến nhà mà báo cho chủ hay"?
Ngựa đáp:
"Tôi không phải là một con ngựa như các người tưởng đâu. Trước đây tôi cũng là
người, như các ông, một người ngay thẳng, nhưng nghèo khổ. Tôi thiếu tiền chủ
tôi mà trước kia ông là ân nhân của tôi. Tôi khó nhọc làm việc ngày đêm để trả
nợ, song nửa chừng thì chết. Xuống âm phủ, Diêm Vương nhận thấy tôi là người
ngay thật, song trước khi cho đầu thai trở lại làm người, tôi phải hóa kiếp làm
ngựa để đền bù, trả cho hết số nợ tôi còn thiếu lại của chủ. Vì vậy nên các ông
mới thấy tôi làm ngựa như thế này. Ngoài ra số nợ kiếp trước như tôi vừa nói,
kiếp này chủ tôi lại tạo cho tôi thêm một món nợ khác nữa, đó là nợ cảm tình, vì
chủ tôi săn sóc chu đáo, đối đã tử tế, không để cho tôi thiếu thốn gì hết. Bởi
thế cho nên tôi thấy có bổn phận không được lặng im như các loài vật khác, mà
phải nói ra, báo trước cho chủ tôi hay những sự không may có thể xảy đến và giúp
chủ tôi tìm cách tránh đỡ tai họa".
Những lời thốt ra từ miệng con ngựa lay động tận đáy lòng bọn cướp. Họ bảo nhau:
"Con người ngay thật như thế mà còn phải hóa thân làm ngựa để trả nợ dở dang
kiếp trước, còn chúng mình bấy lâu chỉ sống bằng cướp của giết người, không biết
rồi đây phải đến thế nào nữa? Chết xuống âm phủ chắc chắn chúng mình sẽ phải
chịu hình phạt ghê gớm lắm. Có lẽ chúng ta còn có ngày giờ để hối cải mà chuộc
lại bao nhiêu tội lỗi đã gây nên".
Nghĩ thế rồi bọn cướp cáo từ ngựa và cám ơn chủ nhà mà rút lui. Về đến sào
huyệt, tên tướng cướp bảo nội bọn:
"Anh em ơi, tội lỗi chúng ta đã đầy đầu đầy cổ, tôi thấy hối hận đốt cháy cả
ruột gan. Riêng về phần tôi, ngay từ lúc này, tôi quyết tâm cải tà quy chánh.
Trong anh em, ai nghĩ như tôi thì giơ tay lên".
Tất cả bọn cướp đều giơ tay. Tướng cướp nói thêm:
"Trước khi vào chùa để sám hối, ta cũng nên xem Phật có thuận lòng cứu vớt chúng
ta không. Anh em hãy mang một nồi nước ra đây, bỏ những đồ nghề ăn cướp vào mà
đun lên. Trong khi đó chúng ta quỳ sấp mặt xuống đất mà khẩn cầu đến chư Phật.
Nếu hết ngày hôm nay mà đồ nghề của chúng ta đều tiêu tan hòa theo nước, thì đó
là triệu chứng lời thỉnh cầu của chúng ta được như ý nguyện".
Cả bọn cướp đều làm y theo lời đó.
Đến tối lại, bọn cướp đứng lên, dỡ nắp vung ra, mừng rỡ thấy trong nồi chỉ toàn
là nước. Mười tám tên cướp bèn cạo đầu đi tu. Từ đó thành khẩn ăn năn xám hối,
cho đến chết được thành quả làm 18 vị La Hán.
Do đó mà ở trong các nhà chùa ngày nay người ta vẫn thấy tượng 18 vị bao giờ
cũng đứng chung với nhau, song mặt mũi vẫn dữ tợn, vì lẽ nhiệm màu của Phật, chỉ
thay đổi lòng của họ mà thôi. Mười tám vị La Hán còn cầm ở tay các đồ ăn cướp là
để nhắc nhở cho người đời rằng sự hối cải chân thành có thể xóa bỏ các tội lỗi
đã gây nên.