Một câu hỏi thường đến với người đọc: Thơ hay, thế nào là hay? Và dở, thế nào là dở? Áng chừng phần đông khách yêu thơ đều tiếp nhận thi ca bằng trực giác mẫn cảm của mình và ít nhiều, đồng ý với nhau là có những câu, ví dụ như "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" (Kiều), đọc lên thấy hay, nhưng không hiểu tại sao hay mà vẫn thích. Cuốn Cấu Trúc Thơ đến với bạn đọc, không ngoài mục đích là giúp các bạn tìm hiểu thơ, nếu thấy hay thì tại sao hay? Ðạt được mục đích đó không dễ, đôi khi không chắc sẽ đạt được. Tuy nhiên sự tìm hiểu sâu xa về cấu trúc thi ca là điều kiện cần (tuy chưa đủ) để giúp chúng ta hiểu và cảm nhận thơ một cách sâu lắng hơn. Tập tiểu luận này góp nhặt một số bài viết đã in rải rác trên tạp chí Văn Học (California) từ số 64 (tháng 6 năm 1991) đến số 84 (tháng 4 năm 1993). Cuối năm 1994 và năm 1995, chúng tôi chữa lại và viết thêm phần "Cấu trúc hình thức thi ca" cho đến hết. Toàn bộ chia làm 15 chương. Hai chương đầu thuộc phần phụ lục, phần chính bắt đầu từ chương ba. Chương đầu, "Nguồn gốc thi ca": sơ lược về ba tác phẩm đầu tiên của nhân loại: Kinh Thi ở phương Ðông, Odyssée và Iliade ở phương Tây. Chương kế tiếp: "Những điều đã viết", giới thiệu một số bài viết hoặc tác phẩm khảo luận về thơ mà chúng tôi được biết. Hai chương này thực sự không cần thiết đối với giới thông thạo thơ văn, nhưng giúp cho những độc giả chưa quen với thế giới thơ có một cái nhìn tổng quát, trước khi đi sâu vào sự phân tích hình thức và nội dung thi ca, chủ yếu bắt đầu từ chương ba: "Nhận diện thơ". Như trên đã nói: Sự cảm nhận nghệ thuật luôn luôn bắt nguồn từ trực giác và sự tìm hiểu đến sau. Cuốn sách này (từ chương ba) sẽ giúp cho phần "đến sau" ấy được sáng tỏ hơn và từ đó chúng ta có thể phân biệt đâu là thơ, đâu chỉ là những câu văn vần. Bởi thơ có một cấu trúc riêng, không phải chỉ là câu văn có vần, mà cũng không phải cứ viết dăm ba câu dài ngắn khác nhau, xuống hàng tùy hứng là có thơ tự do. Chúng ta sẽ tìm hiểu cấu trúc đặc biệt ấy, từ quan niệm cổ điển dựa trên nhịp điệu hình thức và nguyên lý song song, xuyên sang quan niệm hiện đại mà nhịp điệu đã mất hẳn địa vị độc tôn, để dẫn đến một đặc trưng muôn thuở: chất thơ trong thơ, không nhất thiết tùy thuộc vào vần điệu mà còn tùy thuộc vào khả năng tạo hình và biểu cảm của chữ. Về phần cấu trúc hình thức thi ca, chúng tôi dựa vào lý thuyết của Roman Jakobson để phân tích, lý giải một số vấn đề mấu chốt trong thơ Việt. Những chương chót, dành cho thơ hiện đại, giới thiệu những nhà thơ khai phá nửa cuối thế kỷ XX, đã thực sự đoạn tuyệt với Thơ Mới để tìm một hướng đi cho riêng mình. Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Ðình Thi mở đường cho thơ hiện đại, Thanh Tâm Tuyền với thơ Tự Do, Ðặng Ðình Hưng với thơ Văn Xuôi và Lê Ðạt với thơ Tạo Sinh: Chúng tôi nghĩ rằng đó là những khuynh hướng tiêu biểu cho thi ca Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.
Yên Cơ (Miền Nam nước Pháp), tháng 5-1995
Thụy Khuê