Chương 6

SÁNG HÔM SAU, KHI HUẤN VÀO lớp đã thấy Bạch Phượng ngồi ở bàn một mình. Đây là lần đầu tiên, Huấn thấy Phượng đến lớp sớm như vậy. Vừa nhìn thấy Huấn vào, Phượng nói ngay:
- Mình xin lỗi. Hôm qua mình không thể đến được!
- Sao Phượng không đến? - Huấn dừng lại chỗ đầu bàn của Phượng hỏi.
- Phượng... bận!
Huấn hơi bực mình. Khi chưa học thì có vẻ sốt sắng, đến khi cả bọn tụ họp lại thì kêu bận. Bỗng Huấn sững sờ. Nó nhìn thấy đôi mắt Phượng đỏ mọng lên. Rõ ràng là con nhỏ đã khóc rất nhiều nếu không phải bị đau mắt! Rất nhanh, trong đầu Huấn lại hiện lên hình ảnh người mẹ kế của Phượng và những lời nặng nhẹ của bà. Giọng của bà ta không trong trẻo mà khào khào, nghe là có thể hình dung ra bà ấy rất khó chịu. Huấn nhìn Phượng một lần nữa với ánh mắt đầy thông cảm. Nó nói nhỏ:
- Tuần sau Phượng đến cũng được. Cả bọn sẽ chờ!
Nó bước về chỗ của mình. Hôm nay Huấn cũng đi khá sớm. Còn cả mười lăm phút nữa mới bắt đầu tiết học đầu tiên. Trong phòng chỉ có vài học sinh khác. Bỗng Phượng bước xuống, ngồi vào bàn của Hoa, đối diện với Huấn.
- Hôm qua mấy bạn giải được nhiều bài tập không?
Mắt của Phượng vẫn còn mọng đỏ nhưng nụ cười đã tươi.
- Có mấy bài. Hoa và Ngọc về trước. Mình với Trường và Minh... buồn quá nên chỉ tán dóc thôi!
Huấn cố làm cho bạn vui. Phượng lại tinh nghịch hỏi:
- Có ai trong các bạn nói gì về sự vắng mặt không xin phép của Phượng không?
- Có! Có một người đòi... đuổi Phượng!
- Đuổi Phượng? Ai vậy?
- Tui chớ ai! Tại Phượng chê nên không đến nhà mình!
Phượng cười khúc khích:
- Phượng không tin! Để đó Huấn coi. Phượng sẽ đến!
Có tiếng ai cố tình đằng hắng rất lớn đằng sau. Thằng Trường xuất hiện. Nó cười với Huấn đầy ẩn ý và bước ngay đến bên Phượng:
- Phượng dỏm quá. Hay là chê tụi tui học dở nên bỏ tổ rồi?
Phượng cười:
- Mình mới vừa xin lỗi Huấn. Giờ xin lỗi thêm Trường nữa. Chịu không?
- Chịu... Phượng liền!
Vua láu cá thừa cơ hội tung ra một câu. Thấy Phượng đỏ mặt vì mắc cỡ và đứng lên sắp sửa về chỗ, hắn lại bồi tiếp:
- Phượng trở thành Hồng Phượng rồi kìa? Bộ sáng nay đi học nắng lắm hả?
- Thôi, Trường nói bậy quá. Tui thua luôn!

°

*

Thế nhưng buổi chiều hôm ấy, Huấn hoàn toàn bất ngờ khi không hề hẹn trước mà Phượng lại đến. Lúc đó cũng như mọi ngày, ba Huấn vẫn đi đạp xe chưa về, còn cậu đang ngồi trước những cuốn bài tập dày cộp ngoài chương trình đang học trên lớp với một quyết tâm phải vào cho được đại học.
Phượng đến, chiếc xe đạp chạy vào hẻm rồi ghé trước sân nhà Huấn nhẹ nhàng như không. Chăm chú vào một bất phương trình phức tạp, Huấn giật nẩy mình khi nghe Phượng gọi.
Đứa con trai mới lớn đỏ bừng mặt luống ca luống cuống vì chợt nhớ mình vẫn ở trần như thói quen khi một mình ở nhà. Nhưng rồi nụ cười dịu dàng của cô bạn gái đã làm cho nó bớt ngượng:
- Huấn siêng ghê! Cho Phượng học ké không?
Vừa nói cô vừa tự nhiên hạ chiếc chân chống xe xuống, dựng nó vào một góc sân và cũng tự nhiên như vậy bước qua bậc cửa vào nhà.
Huấn vội vã với lấy cái áo đang mắc trên giá mặc vào người. Chiếc áo mà nó mới cởi ra lúc khi từ trường trở về.
- Phượng vô chơi đi! - Nó nói, hơi ngường ngượng.
Phượng bước hẳn vô nhà, ghé ngồi trên đi văng:
- Mình đến đường đột quá phải không? Huấn có phiền không?
- Không đâu! Nhưng sao hôm qua...
- Huấn muốn hỏi sao hôm qua Phượng không đến mà bữa nay đến chứ gì?
Mắt hai đứa gặp nhau. Đôi mắt Phượng vẫn còn dấu vết giống như cô đã khóc nhiều lúc buổi sáng. Chưa bao giờ hiểu gì về tâm trạng của những người bạn gái, nhưng Huấn vẫn cảm nhận được rõ ràng người bạn mới quen của mình có một tâm sự nào đó đầy những uẩn ức. Nó đã lấy lại được tự nhiên. Nhìn những hạt mồ hôi lấm chấm trên vầng trán trắng trẻo của bạn. Huấn ái ngại:
- Nắng quá hả Phượng? Ngồi qua bên này đi. Để mình bật quạt.
Phượng cười với Huấn, nụ cười rất hiền như chỉ của riêng cô:
- Huấn chỉ ở nhà một mình sao?
- Thường là vậy. Ba Huấn gần đến chiều mới về.
Huấn vừa trả lời vừa cắm chiếc quạt nhỏ để bàn vào ổ điện và xoay hướng về phía Phượng.
- Mát chưa? - Huấn hỏi. Giờ thì cái cảm giác hai đứa đã thành thân thiết trở nên vững chắc hơn.
- Mát! Huấn giỏi quá!
Cả hai đứa cùng cười với nhau. Như chợt nhớ ra điều gì, Huấn vội đứng lên, nói:
- Phượng ngồi đó một chút xíu thôi nghen! Huấn sẽ về liền!
- Thôi, Phượng biết rồi. Huấn đừng đi!
- Phượng biết gì?
- Huấn đi mua nước cho Phượng uống phải không? Huấn mà đi là Phượng về liền!
- Sao kỳ vậy? Thì Huấn đi mua nước, có gì đâu?
- Phượng chỉ thích Huấn cho uống nước lọc trên bàn kia thôi!
Vừa nói Phượng vừa chỉ tay vào những chai nước đun sôi Huấn để bên cạnh bàn học của mình. Sự giản dị của bạn làm Huấn cảm động.
- Được rồi, nhưng hôm nào tôi đến không được đãi coca nữa nghen!
- Đãi bia hén?
Phượng lại cười khúc khích, nhưng bằng sự nhạy cảm của mình Huấn đoán bạn đang che giấu một điều gì đó không vui. Cái điều không vui ấy phải chăng ẩn chứa trong đôi mắt mở to mà sâu thẳm kia?
Thấy Huấn bỗng đăm đăm nhìn mình, Phượng lẩn tránh tia mắt ấy:
- Bạn có đồng ý cho mình học chung không?
- Huấn rất sẵn sàng, nhưng tại sao hôm qua Phượng không đến? Phượng bận thật hả?
- Không! Phượng nói vậy thôi. Lần sau Phượng sẽ đến!
- Trong tổ mình có ai làm Phượng buồn hả?
- Sai rồi. Trong tổ ai cũng tốt với Phượng hết!
- Vậy trong lớp?
- Không có mà. Nhưng sao Huấn biết Phượng buồn?
- Biết!
- Huấn có biết Phượng và Huấn có một nỗi bất hạnh giống nhau không?
- Biết! - Huấn trả lời thật nhẹ - Chúng mình cùng không còn mẹ! Huấn có nghe nói như vậy!
- Phượng cũng nghe Ngọc kể vậy. Nhưng nhà Huấn chỉ có Huấn với ba. Phượng khác. Phượng... bất hạnh hơn!
- Phượng! - Huấn bàng hoàng, nó nhìn cô bạn gái mà ngơ ngác vì không hiểu gì mấy về những điều mà bạn vừa thổ lộ.
- Nếu Phượng bỏ học về Nha Trang thì ba buồn. Nhưng ở lại đây thì chính ba cũng không hiểu Phượng!
Đôi mắt Phượng lại mọng lên. Cô nhìn đi nơi khác, cố kìm lại cơn xúc động vừa rồi.
- Nhưng sao Phượng lại phải bỏ học. Chuyện gì nghiêm trọng quá vậy?
- Thật ra thì không nghiêm trọng. Nhưng Phượng chưa bao giờ phải đối phó với những lời như vậy. Rồi Phượng sẽ kể cho Huấn nghe. Nhưng Huấn có nhận Phượng là bạn của mình không?
Nhìn bạn với ánh mắt trìu mến, ánh mắt mà trong đời Huấn chưa biết nhìn một người con gái nào như vậy, Huấn khe khẽ gật đầu.
- Huấn nói đúng. Hôm qua Phượng không đến được vì Phượng buồn!
- Nhưng ai đã làm bạn buồn?
- Huấn nhớ cái hôm lần đầu Huấn gặp Phượng ngồi khóc sau vườn không?
- Nhớ! Lúc ấy tui nghĩ bạn là con nhỏ mít ướt! - Huấn cố đùa cho không khí bớt nặng nề.
Phượng cười buồn buồn:
- Không biết sao bây giờ Phượng mau nước mắt, chớ hồi nhỏ Phượng ít khi khóc lắm. Còn lúc đó, Phượng đâu biết Huấn là ai, nhưng Phượng cũng quê quê.
- Phượng nhớ Nha Trang lắm hả?
- Phượng nhớ lắm. Phải chi ngoại đừng mất thì Phượng đâu vô đây!
Huấn im lặng. Nó hiểu Bạch Phượng hẳn có một tâm sự cần bày tỏ.
Phượng đã tin tưởng ở nó vì cô đã nhìn thấy nơi Huấn một hoàn cảnh tương tự và cả một sự cảm thông. Hai đứa cùng mồ côi mẹ. Ngoài ra so với bạn bè trong lớp thì Huấn là người đầu tiên “biết” Phượng trong một hoàn cảnh khá trớ trêu. Chính ngay từ hôm ấy, nơi cái hồ nước nhỏ bên góc vườn, Huấn đã bắt đầu hiểu về Phượng. Trong căn nhà sang trọng kia, thực ra Phượng không hề được hạnh phúc. Cô phải sống với một người dì ghẻ và không được đối xử công bằng!