Chương 9

SÁNG NAY HUẤN LẠI ĐI HỌC hơi trễ. Nó gần như chạy bộ đến trường vì sợ cổng trường sẽ đóng lại và như vậy sẽ mất đi một ngày. Đêm qua, Huấn đã mất ngủ. Gần đến sáng mới chợp mắt được. Chiều qua, khi từ nhà Phượng về, Huấn đem theo cuốn nhật ký của mẹ Phượng. Tiễn Huấn ra ngoài cổng trước, Phượng mới nói:
- Huấn có hiểu vì sao Phượng muốn kể tất cả cho riêng mình Huấn nghe không?
- Mình rất xúc động vì bạn đã tin tưởng!
- Phượng rất mến Huấn! - Phượng nói thật giản dị - Huấn đừng để tâm đến những điều mà không phải do Phượng gây ra. Huấn hiểu Phượng không?
- Nhưng...
Phượng cười buồn:
- Không có ai trong lớp mà Phượng thân bằng Huấn. Những “bạn kia” dù có là gì đi nữa cũng không bằng Huấn. Mấy ngày gần đây, thấy thái độ của Huấn khác đi, Phượng buồn quá!
- Mình xin lỗi Phượng, mình... hồ đồ quá!
- Miễn là Huấn hứa từ nay không còn “ăn hiếp” bạn mới nữa là Phượng vui rồi!
- Huấn có ăn hiếp Phượng hồi nào đâu?
- Vậy thì đừng làm mặt lạnh, đừng làm ngơ!
Phượng nói và cười khúc khích như những khi vui.
- Huấn hứa chắc chắn là như vậy!
- Các bạn ấy có nói gì Huấn không?
- Nói gì? - Huấn ngơ ngác.
- Thì giả sử như họ... nói gì đó về Phượng chẳng hạn!
- Tất nhiên là có. Đứa nào cũng khen Phượng đẹp!
- Xạo!
- Thiệt mà! Cả tui cũng thấy như vậy!
Phượng mắc cỡ đỏ bừng đôi gò má:
- Thôi, Huấn tào lao quá. Huấn về bằng gì?
- Lúc nãy mình đi xe lôi lại! - Nó rụt rè thú nhận.
- Được rồi, để Phượng vô nhà lấy xe ra cho Huấn mượn. Rồi mai đem đến trường trả Phượng!
Phượng vừa nói dợm bước chân vào nhưng Huấn không muồn phiền bạn như vậy. Nó kéo tay Phượng:
- Phượng! Huấn không lấy xe Phượng về được đâu!
Không hiểu vì sao, bàn tay họ đã ở trong nhau. Huấn như ngợp đi trong một cảm giác khó tả. Lần đầu tiên trong đời nó được nắm một bàn tay mềm mại, run rẩy như vậy...
Thời gian như dừng lại trong giây phút ấy...
Thật lâu rồi Phượng nói, ngượng ngùng:
- Buông tay Phượng ra! Chị Hai trong nhà thấy kìa!
- Chưa bao giờ Huấn cầm tay ai, Phượng biết không, tui... tui thương Phượng lắm! - Huấn lấy hết can đảm, thổ lộ lòng mình.
- Phượng không tin. Huấn nói vậy mà sao Huấn làm ngơ với tui?
- Tại... Huấn xấu hổ vì điều này lắm!
- Thì nói đại ra cho Phượng nghe đi!
- Tại Huấn ghen!
- Trời đất! - Phượng cười khúc khích - Chưa gì mà đòi ghen? Sau này...
Biết lỡ lời, Phượng nín ngang, đôi gò má đỏ au lên trông rất ngộ.
Nhưng tên con trai không phải là nhút nhát lắm liền thừa cơ hội:
- Sau này sao?
- Thôi đi! Ăn hiếp người ta hả? Để tui vô lấy xe nghe!
- Huấn không đi đâu Phượng. Ngày mai nếu mà... Huấn đến trường bằng xe của Phượng, thế nào tụi nó cũng chọc ghẹo mình dữ lắm!
Phượng cũng nghĩ đến điều đó, cô tần ngần:
- Nhưng Huấn đi bằng xe lôi thấy ghê quá hà. Ngoài Nha Trang người ta đi bằng xích lô an toàn hơn!
Huấn cười:
- Vậy mà cũng lo. Người ta đi hà rầm. Huấn cũng đi xe lôi hoài mà có sao đâu. Thôi, Phượng vô đi, Huấn phải về... nấu cơm!
Nói thì nói vậy nhưng trái tim của đứa con trai mới lớn đang ngập tràn hạnh phúc vì vừa được đáp lại những rung động đầu đời đã không cho phép bàn chân dời bước ngay. Họ cứ dùng dằng như vậy cả nửa tiếng đồng hồ cho đến khi Huấn chợt nhớ rằng có lẽ giờ này ba mình đã về và đang bực mình vì không biết con khóa cửa đi đâu?
Nó liều mạng chạm vào tay Phượng một lần nữa rồi vội vàng chạy ra đường đón xe lôi, loại xe mà Phượng chưa hề dám đi kể từ ngày về sống ở Cần Thơ đến giờ...
Chờ cho chiếc xe Huấn đi chạy khuất, Phượng mới khép cổng lại vào nhà.
... Chưa bao giờ, Huấn trải qua một đêm lạ lùng như vậy. Nó ngồi trước bàn học mà tâm trí thì cứ hình dung những hình ảnh ban chiều nơi nhà Phượng. Phải cố gắng lắm, Huấn mới học xong những bài học ngày hôm sau. Không thể tập trung tâm trí để giải bài tập như mọi khi, Huấn đem cuốn nhật ký của Phượng đưa cho ra đọc. Đó là một cuốn sổ, bìa cũng đã ố vàng, khá dày. Huấn lật trang đầu. Những hàng chữ ngay ngắn dịu dàng và đều tăm tắp được viết rất cẩn thận.
“Ngày đầy tháng của Bạch Phượng, đứa con gái yêu của mẹ!”
Cuốn nhật ký đã mở đầu như vậy. Nghĩa là đã gần mười tám năm trôi qua. Rồi ngay từ phút ấy, Huấn bị cuốn hút vào những dòng chữ đầy tâm sự của người đàn bà nhiều bất hạnh là mẹ Phượng. Cuộc đời của một người con, một người vợ và một người mẹ hiện dần ra trước mắt Huấn. Ngày đó, ba mẹ Phượng và cả người đàn bà bây giờ là vợ sau của ông, đều là sinh viên của Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ba và mẹ Phượng yêu nhau từ những năm đầu. Mẹ Phượng thì đeo đuổi ngành sư phạm để kế tục truyền thống gia đình trong khi ba Phượng lại mượn môi trường Đại học để hoạt động cách mạng là chính.
Rồi Cách mạng thành công. Những trường Đại học của chế độ cũ phải đóng cửa một thời gian. Mẹ trở về Nha Trang bởi lo ngại cho bà rồi ở luôn tại đó. Hoàn cảnh ngày ấy không cho phép mẹ tiếp tục học. Bà ngoại của Phượng vẫn tiếp tục dạy học nhưng những năm tháng giao thời khó khăn đó, đồng lương của bà không đủ nuôi một người con sống tại Sài Gòn.
Thế rồi mẹ Phượng xin được vào dạy cấp hai, bỏ hẳn những ngày tháng sinh viên đầy hoa mộng của mình từ đó.
Còn ba Phượng, sau những ngày tháng sôi động và ngợp trong men say chiến thắng, ông bỗng cảm thấy vẫn còn một điều mà bất kỳ người đàn ông nào cũng không thể thiếu trong đời. Điều ấy chính là tình yêu, là mẹ của Phượng!
Ông tìm về Nha Trang, nhưng dù cố thuyết phục bằng mọi cách, mẹ Phượng vẫn nhất định ở lại quê nhà. Cuối cùng, ông đành nhượng bộ. Họ tổ chức một đám cưới thật đơn sơ bên thành phố biển. Họ sống hạnh phúc với nhau cho đến khi Bạch Phượng ra đời. Thế nhưng, dòng máu nóng vì một sự nghiệp lớn lao hơn vẫn cuộn chảy trong ông. Ông lại thuyết phục mẹ Phượng vào Sài Gòn cùng với cả gia đình. Nhưng ngoại thì nhất định không rời bỏ căn nhà của mình, còn mẹ Phượng thì không thể rời xa ngoại. Cùng thời điểm ấy, ba Phượng được thư của người bạn gái cũ và thư ba cô ấy, giờ là một vị lãnh đạo cao cấp, mời vào Sài Gòn. Ông phân vân và rất khổ sở, không biết phải chọn lựa như thế nào. Chính bà ngoại và mẹ Phượng đã động viên để ông ra đi. Mẹ Phượng vẫn biết để chồng đi như vậy là có thể mất chồng, bởi ngay từ ngày còn học chung bà đã hiểu tình cảm của người con gái kia. Thế nhưng, sự nghiệp của người đàn ông vẫn như lớn hơn và bà chấp nhận hy sinh...
Nhiều năm trôi qua, Phượng lớn dần lên. Ba Phượng vẫn đi về trong những kỳ nghỉ phép. Với năng lực của mình, ông thăng tiến rất nhanh nhưng bằng sự nhạy cảm của một người vợ, mẹ Phượng hiểu rằng điều lo sợ của mình dần dần thành sự thực. Người con gái ngày xưa vẫn không lập gia đình và họ trở thành một cặp ăn ý với nhau trong công việc. Rồi một lần trở về, khi đó Phượng đã gần mười tuổi, ông thú nhận tất cả, rằng ông đã không giữ được mình. Mẹ Phượng đau đớn cực độ nhưng bà vẫn từ chối không vô Sài Gòn. Bà hiểu, ông vẫn yêu bà và bà cảm thông tất cả. Cũng gần với thời gian ấy, mẹ của Phượng phát hiện ra mình đã mắc bệnh nan y. Bà âm thầm giấu mẹ, giấu chồng và giấu đứa con gái yêu của mình. Bà khuyên chồng hãy thành hôn với người con gái mà ngày xưa họ đã từng rất thân kia. Nhưng ba Phượng vẫn dùng dằng không nỡ. Cuốn nhật ký đã kết thúc trước ngày bà mất không lâu. Kết thúc bằng một lá thư ngắn bà viết cho Phượng:
“Con yêu quý của mẹ! Mẹ rất đau khổ khi biết là mình sẽ ra đi khi con còn quá nhỏ. Mẹ hy vọng là ngoại sẽ sống lâu cùng với con. Tất cả những vui buồn của mẹ, mẹ đã gói gọn trong cuốn sổ này và sẽ gửi lại nhờ bà cất giữ cho đến khi con trưởng thành. Đọc nó, con sẽ hiểu thêm tấm lòng của bà và mẹ. Mong con cũng hiểu và thông cảm cho ba con. Đừng trách ba và nếu sau này, ba con có cưới người bạn của mẹ, con nên về ở cùng với ba một khi bà mất. Mẹ tin rồi người con gái trước kia, sẽ là vợ của ba con và sẽ thương yêu con như mẹ đã thương con. Khi con đã lớn, đã bước ra đời, mẹ mong rằng con sẽ cố gắng sống nhân nghĩa như cuộc đời của ngoại. Trong cuộc đời này, cái lớn lao nhất mà chúng ta có thể ban phát là tình yêu và sự cảm thông!”...
... Tan trường, Phượng nói:
- Sáng nay, Phượng tưởng là Huấn nghỉ học chớ. Phượng lo ghê. Sao Huấn đi trễ vậy?
Huấn nhìn bạn với ánh mắt đầy tình cảm:
- Đọc nhật ký của mẹ Phượng, Huấn xúc động quá. Huấn cảm ơn Phượng rất nhiều!
- Đêm qua, Huấn thức dữ lắm hả? Mắt thâm quầng lên rồi kìa! - Phượng âu yếm.
Huấn cười ngượng nghịu:
- Nhờ vậy, Huấn mới hiểu thêm Phượng, hiểu những người đã sinh ra Phượng. Đọc lá thư của mẹ Phượng, Huấn mới thấy mình quá nhỏ bé, hình như mình chưa bao giờ biết cảm thông là gì!
Ánh mắt của cô gái mới lớn cũng chứa chan:
- Chúng mình đều là những người bất hạnh hơn bạn bè, nhưng ngoại Phượng vẫn dạy rằng còn rất nhiều người bất hạnh hơn chúng ta. Huấn hiểu không?