Chương 7

PHƯỢNG SINH RA Ở THÀNH PHỐ Nha Trang, tại nhà của ngoại. Đó là một phường gần sát biển. Trong ký ức của Phượng, tuổi thơ là những ngày của biển, của cát trắng và tiếng reo vi vút trên hàng dương trước những cơn gió biển không bao giờ ngừng thổi. Bà ngoại chỉ có một mình mẹ. Ông ngoại đã mất lúc Phượng chưa ra đời. Ngoại kể, nhà ngoại mấy đời làm thầy dạy học. Ngoại cũng theo đuổi sự nghiệp ấy từ những năm tóc còn xanh cho đến khi tóc bạc, được về hưu. Mẹ cũng vậy. Mẹ là cô giáo cấp hai. Tuổi thơ của Phượng đã trôi qua êm đềm như vậy trong sự dạy bảo vừa nghiêm khắc nhưng đầy tình thương của ngoại. Lớn lên một chút, Phượng bắt đầu hiểu mình có một gia đình hơi khác với bạn bè. Điều khác ấy là ba của Phượng. Ba ít khi có mặt tại ngôi nhà của ngoại. Mỗi năm ba chỉ về Nha Trang vài lần thăm gia đình. Lớn lên chút nữa, Phượng được mẹ giải thích là ba phải vô công tác tại Sài Gòn và các tỉnh khác trong Nam. Mẹ không thể theo ba vì bà ngoại chỉ có một mình mẹ. Mà ngoại thì nhất định không bao giờ rời bỏ ngôi nhà của mình và xứ biển!
Đến khi bắt đầu học lên cấp hai, Phượng lờ mờ hiểu rằng giữa ba mẹ có một điều gì đó không ổn dù mỗi lần về, trước mặt Phượng, hai người đều tỏ ra rất vui vẻ và hạnh phúc. Rồi có một lần, khi ba về thăm, ba đã ở lại khá lâu. Ngoại có vẻ như luôn phải nghĩ ngợi một điều gì đó nhưng không nói ra. Phượng linh cảm có cái gì khang khác hơn là những lần ba về trước kia nên thường chú ý lắng nghe ba mẹ hay là ngoại nói chuyện. Một đêm, hình như là đã khuya lắm, chắc tưởng là Phượng đã ngủ, hai người có hơi to tiếng với nhau. Phượng lắng nghe loáng thoáng, rồi tiếng mẹ thút thít:
- Tôi và mẹ chỉ có một mình nó. Anh không có quyền đem nó theo!
- Anh hiểu. Nhưng trong ấy anh cũng chỉ có một mình. Tại sao em không đi cùng anh và con?
- Nhưng tôi còn có mẹ và mẹ nhất định sẽ ở Nha Trang này cho đến khi mất!
- Em đã không tha thứ cho anh. - Tiếng của ba nghe trầm, đục và nghe rõ cả tiếng ông thở dài.
- Không phải vậy! Anh đừng nhắc đến điều đó nữa. Nhưng em phải ở lại với mẹ! Em thì sao cũng được, nhưng còn mẹ?
Không nghe ba trả lời nhưng chốc chốc lại nghe ông thở dài nặng nhọc. Mẹ lại bảo:
- Anh hãy xử sự theo đúng với tình cảm của mình. Em sẽ không bao giờ trách anh đâu!
- Nhưng đó không phải là tình yêu. Công việc đã làm anh sai lầm. Em có muốn anh bỏ tất cả để về sống hẳn đây cùng với em và con không?
- Em luôn tôn trọng sự nghiệp của anh. Chỉ xin anh đừng làm điều gì để phụ tấm lòng của mẹ ngày xưa!
- Anh hiểu! - Ông lại thở dài nặng nhọc.
Lúc ấy Phượng mới vào cấp hai, đâu chừng hơn mười tuổi nhưng cũng đã hiểu được ít nhiều. Phượng biết ba rất thương mình. Bao giờ trở về ba cũng ôm lấy Phượng đầy âu yếm và đem theo rất nhiều quà. Còn khi ra đi, nhiều lần Phượng đã nhìn thấy ba rơm rớm nước mắt. Phượng cũng yêu quý ba nhưng lúc ấy nếu bắt Phượng phải chọn lựa thì hẳn là Phượng sẽ ở lại cùng với mẹ và bà. Cũng may là ngày ấy không ai nỡ bắt Phượng phải làm cái chuyện đau đớn ấy.
Sau lần đó, ba lại ra đi còn mẹ thì buồn hẳn. Mẹ vẫn đi dạy bình thường nhưng giờ thì mẹ không còn giảng bài một cách say sưa như trước. Phượng cũng bắt đầu học mẹ trong môn Văn, nhiều lúc Phượng có cảm giác như mẹ sắp gục xuống bên bục giảng vì mệt mỏi và vì cả nỗi buồn bã, tuyệt vọng càng ngày càng không thể nào dập tắt trong mắt mẹ.
Cuối năm lớp bảy của Phượng thì mẹ không còn gắng sức được nữa. Mẹ bị một căn bệnh gì đó rất trầm trọng đến nỗi bà phải điện cho ba ngay. Ba về ngay. Mấy tuần sau thì Phượng được nghỉ hè nhưng đó là mùa hè đầu tiên mang đến cho Phượng bao nhiêu điều bất hạnh. Bệnh của mẹ phát rất nhanh. Chưa bao giờ mẹ gầy ốm như những ngày đó. Ba luôn ở bên mẹ và cố gắng chiều theo từng ý muốn nhỏ của bà. Chắc là ba biết mẹ sẽ không đủ sức vượt qua. Rất nhiều lần cả hai cha con cùng khóc lén mẹ. Ngoại cũng già đi nhanh chóng trong thời gian mẹ bệnh. Có lần, không có mặt ba, mẹ nắm tay Phượng, hỏi:
- Cuối năm nay con có được bình chọn là học sinh tiên tiến không?
- Con được chọn là học sinh giỏi, mẹ ạ.
- Con hứa với mẹ là sẽ học giỏi hoài nghen!
- Con hứa! Mà mẹ ơi, mẹ hết bệnh đi. Con sợ lắm!
Mẹ cười héo hắt:
- Mẹ sẽ hết bệnh. Rồi mẹ sẽ đi dạy con. Con đừng bao giờ rời xa mẹ, xa ngoại nghen!
Phượng khóc thút thít:
- Không! Con sẽ không bao giờ rời xa mẹ, không bao giờ bỏ ngoại. Con thương mẹ và ngoại hơn ba. Con không đi với ba đâu!
- Lại đây con! - Mẹ ôm Phượng vào lòng, Phượng vẫn thút thít khóc vì thấy đôi tay mẹ gầy quá. Gầy như chỉ còn da bọc xương.
- Nín đi con. Ba con là một người tốt. Mẹ tin là ba rồi sẽ thương yêu con như mẹ và ngoại đã thương con!
Phượng càng khóc lớn hơn vì linh cảm những lời của mẹ như một lời trăn trối. Vừa lúc đó ba và một vị bác sĩ bước vào. Ba bảo Phượng:
- Con xuống bếp đốt bếp dầu lên giùm ba. Để bác sĩ nấu kim.
Phượng nghe lời ba đi ra sau bếp, nhưng sau này Phượng hiểu là ba chỉ tìm cách để Phượng không nghe những gì bác sĩ nói về bệnh tình mẹ mà thôi.
Một tuần sau đó, mẹ mất trong vòng tay ba. Phượng gần như mất hết tri giác bởi chưa bao giờ Phượng hình dung được là sẽ có một ngày mình mất mẹ. Còn ngoại, ngoại không khóc nhiều nhưng tấm thân già nua của ngoại đổ xuống trên những gò cát nghĩa trang sẽ là hình ảnh mà Phượng mang theo suốt đời. Sau đám tang mẹ, ba lại càng vất vả hơn bởi cả ngoại lẫn Phượng đều đổ bệnh. Suốt mùa hè năm ấy ba phải xin nghỉ việc tại cơ quan vì phải cáng đáng tất cả mọi việc. Phượng hồi phục sau vài tuần bệnh nhưng ngoại thì gần như kiệt quệ. Ba lại phải săn sóc bà như đã từng săn sóc mẹ. May là nhờ sự tận tình của ba nên bệnh ngoại cũng lui dần rồi khỏi hẳn khi Phượng bắt đầu vào năm học mới. Một vấn đề khác lại nảy sinh. Giờ đây, khi mẹ đã mất rồi thì Phượng sẽ sống với ai. Ba hay là bà ngoại?
Ngoại bảo:
- Ngoại không ép buộc con. Ba con cũng đề nghị là ngoại đi cùng với hai cha con về Sài Gòn, nhưng ngoại không thể bỏ nơi này được. Có lẽ con nên đi cùng ba!
Nhưng Phượng không đồng ý cách giải quyết ấy. Phượng không thể bỏ ngoại một mình. Và chính Phượng cũng đã hứa cùng mẹ rồi cơ mà!
Ba tế nhị không góp thêm lời nào và cuối cùng ông nói:
- Ba rất thương con và bây giờ còn thương hơn nữa khi con quyết định ở lại với bà. Có lẽ đó là quyết định đúng đắn nhất. Ba rất tiếc là ba không thể về đây để thay mẹ con phụng dưỡng bà được. Ba hy vọng ở con dù con còn quá nhỏ. Rồi ba sẽ tìm cách lo liệu sao cho tốt nhất!
Thế là Phượng ở lại với bà. Đáng mừng là sau khi khỏi bệnh bà đã khỏe lại. Ngày mẹ mất, bà chưa đến tuổi bảy mươi. Ba trở về Sài Gòn và từ đó tháng nào ba cũng gởi tiền ra, đôi khi gởi nhiều hơn cả nhu cầu của hai bà cháu. Ba tháng một lần ba lại về Nha Trang.
Sau này, khi đường bay Nha Trang - Sài Gòn mở lại ba đi bằng máy bay nên có khi tháng nào ba cũng về cùng hai bà cháu. Và có những mùa hè, ba nghỉ phép năm, ngôi nhà lại đầm ấm vì tiếng ba cười.
Lúc ấy Phượng đã lớn, sáng nào hai cha con cũng cùng nhau chạy ra biển. Có lẽ đó là thời gian mà tình cha con trở nên gắn bó nhất nên nỗi đau mất mẹ cũng nguôi ngoai phần nào.
Rồi Phượng lên cấp ba, trở thành một đứa con gái cứng cỏi vì sớm chịu nhiều thiệt thòi. Ba gởi thư về cho hay là mình đã chuyển công tác về Cần Thơ, một thành phố đồng bằng mà Phượng chưa biết bao giờ. Năm đó ngoại đã già và bắt đầu đau yếu luôn. Phượng viết thư cho ba và ba đã gởi thuốc rất nhiều cho ngoại nhưng sức khỏe ngoại vẫn không khá hơn. Từ khi ba chuyển về Cần Thơ thì năm sáu tháng ba mới về Nha Trang một lần. Lần nào ba cũng áy náy như người có lỗi:
- Ba bận lắm! Con có hiểu cho ba không?
Ba thường nắm chặt tay Phượng hỏi vậy khi về nhà và khi từ giã ở sân bay.
- Con hiểu! - Phượng đáp một cách cứng cỏi, môi mím chặt dù Phượng muốn nói thêm với ba: “Ba ơi. Càng lớn con càng thấy mình lạc lõng!”.
Sau này, Phượng không bao giờ khóc khi đưa đón ba. Phượng chỉ khóc nhiều trong những lúc nhớ mẹ.
Một lần ba về, đem rất nhiều thuốc cho ngoại và những món quà đắt tiền như vải vóc, đồng hồ... cho Phượng. Trông ba có vẻ đăm chiêu hơn mọi lần. Buổi chiều ba bảo:
- Chiều nay con với ba ra mộ mẹ nghe!
Phượng hơi ngạc nhiên. Từ ngày mẹ mất có chiều nào mà Phượng không ra mộ mẹ? Còn những khi ba về thì bao giờ hai cha con cũng cùng đi. Vậy sao ba phải dặn như vậy?
Chiều hôm ấy đốt nhang cho mẹ xong, ba trầm ngâm rất lâu trước mộ. Phượng thì rất nóng về bởi bà đang bệnh rất nặng và gần như bà đã không nói năng gì cả mấy ngày qua. Nhưng trên đường về, ba dừng lại, nơi lối đi dẫn ra bờ biển và bảo:
- Con đã lớn. Giờ thì ba muốn nói với con một điều và ba xin con tha lỗi cho ba!
- Ba! - Phượng ngước nhìn ông - Tại sao ba lại phải nói những lời như vậy?
- Ba có lỗi với mẹ con, với bà ngoại và cả với con nữa. Mẹ và ngoại đã tha thứ nhưng con thì chưa biết gì về những lỗi lầm của ba. Giờ ba biết là con đã lớn và cũng là thời điểm ba cần nói ra. Xin con đừng ngắt lời ba. Câu chuyện khá dài và phức tạp nhưng ba không muốn biện hộ về bất cứ điều gì cho mình. Ba chỉ muốn nói với con một điều mà trước kia mẹ và ngoại đã biết. Ba đã phản bội tình yêu của mẹ.
Phượng im lặng nhìn ra khơi. Biển chiều đang thẫm màu. Màu xám lạnh của thép đã tôi. Dù không biết hết sự thực, nhưng từ rất lâu Phượng cũng đã bắt đầu nghi ngờ rằng giữa ba và mẹ trước đây đã có những trục trặc gì đó về mặt tình cảm. Người cha thấp giọng:
- Ba đã phản bội mẹ dù rằng ba vẫn yêu mẹ. May mà mẹ con đã hiểu ra điều ấy trước khi mất. Còn bây giờ ba... ba đã cưới người đàn bà ấy!
- Con vẫn không hiểu! - Giọng Phượng khô khan - Ba có quyền làm tất cả. Tại sao ba lại khổ sở vì điều này?
- Nhưng ba muốn con hiểu ba!
- Con không hiểu!
Ông ôm lấy đầu. Tự dưng Phượng thấy vừa thương vừa ghét ông vô hạn. Phượng đã định nhào vào lòng ba để được ông vỗ về như ngày thơ ấu, nhưng rồi nghĩ đến cái chết đau thương của mẹ, Phượng nấc lên một tiếng rồi bỏ ông lại đó đâm sầm chạy về nhà.
Ngoại vẫn nằm thoi thóp trên giường. Bạch Phượng bỗng thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Cô quỳ xuống bên cạnh ngoại và tấm tức khóc. Như có một sức mạnh thần kỳ nào đó can thiệp vào, ngoại chợt tỉnh lại. Bàn tay già nua của bà run rẩy sờ soạng trên đôi gò má đẫm ướt mắt của Phượng.
- Phượng! Đừng khóc con. Ba con đâu rồi?
- Ngoại ơi! Phải ba đã phản bội mẹ con không hở ngoại? Phải vì vậy mà mẹ buồn mẹ mất không?
- Ai nói với con điều ấy? - Giọng ngoại đứt quãng, nặng nhọc.
- Chính ba vừa nói với con! Ba đã phản bội mẹ rồi ba lại muốn mọi người tha lỗi cho ba!
- Phượng! Không phải đơn giản như vậy đâu con. Ba con là một người tốt. Đừng trách ba. Có những lúc trong đời người ta không vượt qua được hoàn cảnh. Khi ngoại mất đi, ngoại muốn là con phải về ở với ba...
- Ngoại... ngoại đừng bỏ con! Con chỉ muốn ở với ngoại thôi.
Phượng khóc òa lên.
- Hãy hứa với ngoại và nói với ba con là nên cưới người đàn bà ấy!
- Ngoại! Ngoại ơi! Ngoại!
Phượng thảng thốt kêu lên nhưng ngoại đã nhắm mắt lại. Vẻ mặt dần thanh thản dù ngoại vẫn thở nặng nhọc.
Phượng chạy bổ đi tìm ba. Nơi hai cha con nói chuyện khi nãy chẳng còn ai. Phượng chạy vô nghĩa trang. Ba đang ngồi lặng bên mộ mẹ. Hoàng hôn chập choạng...
- Ba! Ba về đi! Ngoại làm sao rồi!
Hai cha con dắt nhau chạy vội về. Ba phải đỡ Phượng lên mấy lần vì Phượng bị vấp té. Nhưng ba về không kịp. Ngoại đã vĩnh viễn không còn nói nữa dù bà vẫn còn thở nhè nhẹ trên giường bệnh đến ba hôm sau.
Di chúc của ngoại đơn giản. Những gì của ngoại và của mẹ đều thuộc quyền thừa kế của Phượng. Ngoại mong Phượng sẽ về ở cùng với ba để tiếp tục học. Nếu Phượng không muốn bán ngôi nhà thì có thể mời người em ruột duy nhất của ngoại về ở!
Thì ra ngoại đã lo liệu chu tất từ lâu vì ngoại hiểu sẽ có một ngày chỉ còn có ba là người duy nhất có thể chở che cho Phượng.
Sau tang lễ của bà, tóc ba bạc đi nhanh chóng dù ông chưa đến tuổi năm mươi. Phượng bỗng thấy thương ba hơn bao giờ hết và cô bảo một cách bình tĩnh:
- Ba về lo công việc của mình đi! Con ở lại với ngoại, với mẹ vài tháng nữa. Tựu trường tới con sẽ về ở với ba. Ba nhớ lo thủ tục chuyển trường trước!
Ba không muốn Phượng ở lại một mình nhưng Phượng thuyết phục mãi, cô bảo là sẽ mời bà Tám em của ngoại về ở với mình vài tháng, cuối cùng ba mới chịu trở lại Cần Thơ. Hết hè, khi ba trở lại Nha Trang thì Phượng đã kịp lo liệu hết cả. Kể cả việc đọc hết cuốn nhật ký của mẹ để hiểu mẹ, hiểu ba hơn. Ngôi nhà Phượng để lại cho bà Tám và dì Năm, con gái của bà gìn giữ. Phượng không đồng ý bán ngôi nhà của ngoại!
Vậy là Phượng về Cần Thơ, hành trang chỉ là cuốn album chứa rất nhiều hình ảnh của mẹ và ngoại, cuốn nhật ký, chiếc kiềng bạc thời con gái của ngoại và rất nhiều nước mắt gởi lại bên hai nấm mồ của hai người mà Phượng thương yêu nhất.
Nhưng Phượng thực sự không bao giờ ngờ những gì đang chờ đón mình...