Một buổi chiều tàn rất chậm, nhưng cuối cùng nắng cũng tắt, chỉ còn sót vài ánh vàng tươi trên những ngọn cây cao nhất, cả Nội thành im lìm như chìm lặng dần dần trong hoàng hôn. Ngoài đường đã hết người qua lại, chỉ còn vài chị bán cá tươi vừa mới mua cá ở bến, chạy đi bán dạo cất tiếng rao lanh lảnh, vừa rao vừa chạy, nếu ai muốn mua mà không gọi lại nhanh thì có khi vừa nghe rao xong chớp mắt đã thấy chị chạy đến cuối đường xa tít rồi. Mẹ Trang đã quen mua cá chiều nên thấy bà đứng chờ ở cửa, chị bán cá không cần gọi cũng đặt gánh xuống ngay. Bà chọn một con cá thực tươi bảo Trang: · Ðã lâu không thấy ba về, con qua sở thăm ba đi. Ðem con cá này bảo cô Tư luộc làm sốt hành dấm, ba thích món này lắm. Không bỏ sót một cơ hội nào có thể dạy con, bà thêm: · Làm cha mẹ muốn ở sao cũng được, nhưng con cái thì phải luôn luôn hiếu thuận nghe không con? Ba không sang thăm con, thì con phải thăm ba, ăn ở sao phải đạo làm con mới được! Trang vâng lời mẹ khoác chiếc áo dài, xách giỏ cá ra cửa. Từ ngày về nhà, Trang đã trở lại với tất cả nền nếp của gia đình cổ, với cách sống giản dị đơn sơ của những người trong xóm nhỏ. Mỗi lúc ra đường không cần phải trang điểm cẩn thận như lúc còn ở Hồng Kông, nàng chỉ khoác thêm chiếc áo dài, cầm cái nón lá, là có thể ra cửa kéo lê đôi guốc từ đầu xóm đến cuối xóm, từ Nội thành ra đến chợ Ðông Ba, tất cả đều thanh cảnh hợp với cuộc sống êm dịu nhẹ nhàng của quê hương. Trang băng qua sở, hết giờ làm việc đã đóng cửa nên đi vòng ra sau tư thất. Không có ai lên tiếng, cửa ngõ đóng kín. Cả nhà đều đi vắng. “Nhà” đây là ba Trang, cô Tư, Tân, Tấn và một chị nấu cơm. Chị bếp đi chơi, anh Bê cũng không thấy. Chắc lại ra phố uống rượu, vì phận sự của anh là liên lạc hai nhà, ngày ngày đạp xe đem những “tin tức quan trọng” báo cáo với “nha hữu quyền”, anh không có bên nhà mẹ, cũng không có ở đây, Trang biết chỉ có thể tìm anh trong quán rượu. Trang nằm lên võng ngoài hiên chờ. Nàng vừa đưa võng vừa nhìn quanh. Cỏ may trong vườn không ai săn sóc, mọc lấn các thứ cây khác và cao lên tận đầu gối. Mới cách đây ít lâu mỗi tháng hai lần, mẹ Trang sang chơi và mướn người làm vườn luôn nên lúc nào cũng sạch sẽ, bây giờ bà không sang nữa, vì đã có cô Tư ở đây săn sóc ông. Nhưng đối với cô Tư sự săn sóc chỉ thu gọn trong phạm vi trên chiếc giường, nên ngoài ra không có một nơi nào có thể tạm gọi là ngăn nắp sạch sẽ cả. Trang bâng khuâng nhìn cảnh vườn bao la đầy cỏ dại, nàng tưởng như mình lạc vào một khu rừng hay một hoang đảo nào. Lẫn giữa đám lau sậy, những cây chuối tơ xanh tươi trông rất ngon lành, nhiều cây đã bắt đầu trổ bắp. Ðó là vườn chuối sáu tháng trước đây mẹ Trang đã thuê người bứng chuối con ở vườn nhà đem đến gầy. Bất giác Trang chợt nhớ đến cái câu rất cổ xưa: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Nhưng bây giờ lòng người không còn “thiện” như lúc “nhân chi sơ” nữa, nên có lẽ lúc được ăn họ còn cười người trồng đã tốn công phu gây dựng mà vô phúc không được hưởng. Nhà láng giềng mở máy truyền thanh nghe âm nhạc buổi chiều, một điệu hát buồn buồn tả người thương binh nhẹ nhàng ngân lên phá tan cảnh tĩnh mịch. Trang bỗng nhiên thấy sợ cô đơn, sợ quạnh hiu, sợ cảnh chiều tàn, sợ từ bóng cây chuối chập chờn bên vách, cho đến những viên gạch ném bừa bãi dưới chân cột cái trang thờ Thổ thần trong vườn cỏ dại đìu hiu. Trang vừa định ra về thì bỗng có tiếng chân lạo xạo và tiếng cười nói từ sở vọng đến, Ba Trang và cô Tư cùng ngồi một xe xích lô, Tân và Tấn đi xe đạp theo sau. Mọi người vào cổng đang cười nói vui vẻ chợt thấy Trang nằm lắc lư trên võng, đều ngạc nhiên và nụ cười mãn ý sau một cuộc vui chơi tắt hẳn trên môi người lớn một cách khó chịu. Bất giác Trang cảm thấy một nỗi tủi hờn vô căn cứ xâm lấn. Trang nhìn mọi người dửng dưng và đáp lời chào “thưa chị” của Tân, Tấn một cách lạnh nhạt. Cô Tư bỗng nhiên cười khanh khách nói: · Hi hi hi hát hay ghê! Có cái ông chi mô ngồi gần tui, cứ nói chuyện với tui khen “ma đàm” đẹp lắm. Lại còn tưởng tui là mẹ của thằng Tân cứ khen hai đứa học giỏi hoài! Không thấy ai nói gì cô tiếp: · Còn cái ông Thi ngồi một bên tui, mặt ngó đằng trước mà con mắt cứ liếc về một bên, liếc thiếu điều muốn rớt con ngươi! Ông ta lại còn nói cụ tốt phúc nữa hi hi hi... À cụ này, tờ số cụ chấm cho tui ngày đi đánh bài tốt mô rồi? Mấy bữa ni không ai chịu đánh bài, nhớ chi mà nhớ nhớ lạ! Mấy bà bữa ni chạy tui hết rồi, họ nói tui đánh cao quá họ đánh không lại. Mình phải kiếm thêm tay mới không thì buồn chết! Một ngày không đánh bài là nhớ sinh bệnh! Trang thấy tức nghẹn lên đến cổ, dù rộng lượng đến đâu người con gái bao giờ cũng bênh mẹ khi gia đình có chuyện bất hòa. Thấy cha tìm hết cách làm vui cô Tư bỏ mẹ hiu quạnh bơ vơ, và nhất là hôm nay, ngày trường học của Tân và Tấn phát thưởng, bao giờ cũng mời cha mẹ học sinh. Nghĩa là mời Ông và Bà, thế mà ông không đem mẹ lại đem cô Tư đi. Trong xã hội Việt Nam vẫn coi trọng sự chính thức: “miếng giữa làng bằng sàng trong bếp”, ba đem cô Tư đi nghĩa là địa vị người vợ chính thức của mẹ, ba không còn coi ra gì nữa! Từ chốn văn minh trở về sống trong gia đình cổ, Trang thấy đầu óc mình cũng trở về với những nền nếp cổ, Trang giận cha và thấy không thể tha thứ trường hợp hôm nay. Ba Trang vào nhà trong thay áo, cô Tư đi theo vào thì thầm với ông một lúc những gì không rõ, bỗng ông đùng đùng đi ra và quát lên: · Trang, ai cho phép mi tới đây lầm lầm, làm mặt giận với cha mi hở? Mi thấy tau không chào, thấy dì mi cũng không thèm ngó. Ðồ kiêu ngạo! Mi giận ai mà nằm vạ ra đó? Trang vừa ngạc nhiên, vừa kinh khủng vừa ngẩn ngơ! Một làn hơi từ bụng đưa lên và đứng dừng ngay tại cổ làm Trang nghẹn cứng hơi thở không thể nói gì được. Không thấy nàng trả lời ông lại quát: · Tau hỏi sao không trả lời? Ðồ con đã lớn rồi mà còn ăn bám cha mẹ! Sao không kiếm đường xéo đi đâu thì xéo cho rảnh? Ðã giận sao còn ở lại ăn tốn cơm tau làm chi? Ðồ vô phúc! Trang vùng dậy hoảng hốt chạy ra cửa, nàng băng qua vườn cỏ may ra ngả sau để về cho gần. Ðám cỏ may xước vào quần áo, gai dại xóc vào chân làm Trang thấy đau nhói lên từng hồi, nhưng nàng mặc cho chúng tha hồ xước, cái đau xác thịt không nhức nhối bằng cái đau tinh thần. Trang muốn chạy trốn thực nhanh, chạy trốn tiếng quát tháo của cha, tiếng cười the thé rùng rợn của cô Tư, nhưng không có Trang ông không còn quát ai nữa, chỉ còn tiếng cười rú lên từng cơn đuổi theo Trang như tiếng cười ma quái. Trang đến góc vườn chui qua lỗ tường bị phá đổ, đó là lối tắt của mấy người gánh nước muốn đỡ đường đất nên khi tường đổ họ phá rộng thêm đủ chui lọt người qua. Bên ngoài tường có một cái rãnh dài dọc theo bờ tường. Trang vô ý vừa bước ra liền té nhào xuống rãnh. Trang đứng dậy phủi áo và xuýt xoa ôm bụng ra về. Bóng tối đã lan tràn từ lâu, đêm trong Nội thành âm thầm như một bãi tha ma. Từng ngọn đèn đường yếu ớt và cách nhau quá xa không đủ sức chiếu sáng suốt quãng đường dài. Bên tường có mấy người Sĩ quan lảng vảng gần đấy, họ được phép nghỉ buổi tối và hay thẩn thơ đi dạo mát những con đường vắng trong Nội thành để tìm “tứ thơ”, nơi có các chị bán chè bán cháo đêm. Thấy Trang từ trong vách tường chui ra và ngã xuống rãnh, một người có lẽ tưởng nàng là cô nương Thúy Kiều tân thời chui rào đi tìm Kim Trọng, cất tiếng cười chế nhạo hát: “Quần đen áo trắng cho dòn. Nghe anh huýt gió mà lòn ngả sau”. Trang cúi đầu đi thẳng không hề dám nhìn lại. Mỗi bước chân nàng dẫm xuống đất bụng lại đau nhói lên. Nước mắt Trang lặng lẽ chảy dài xuống má. ° Trang sinh được một gái, sau mấy hôm nàng ở sở về bị kích thích quá độ. Ðứa bé chưa đủ tháng nên rất nhỏ và yếu. Trang nằm một mình trong nhà hộ sinh với chị Năm, người nàng mướn nuôi đẻ. Mẹ Trang về quê vắng nên chỉ có con Thu và Mỹ, ngày ngày chị Năm dắt đến thăm. Nhà hộ sinh Trang nằm, đỡ đẻ theo Âu Tây, nhưng săn sóc theo lối “cổ điển”. Nghĩa là cấm rất nhiều thứ như: không được mở cửa sợ gió sau này sẽ chóng mặt, không được ngồi dậy sợ đau bụng, không được ăn canh lỏng sợ lỏng bụng, không được đọc sách và khóc sợ hư mắt, không được nói chuyện sợ hết hơi.. v.. v.. Những phòng bên cạnh tấp nập vui vẻ bao nhiêu thì phòng Trang trái lại vắng lạnh âm thầm bấy nhiêu. Suốt ngày Trang nằm nhìn trần nhà xem những con thạch sùng đuổi bắt mối, nghĩ gần nghĩ xa... Chị Năm nuôi đẻ thấy không có ai đến thăm nàng, không có quà cáp lợi lộc gì cả nên qua nuôi thêm người phòng bên cạnh và suốt ngày đêm ở luôn bên ấy vì đông vui, và nhất là những bà con thân thuộc đến thăm ai cũng dúi vào tay người nuôi đẻ một ít bạc lẻ căn dặn: “Chị gắng săn sóc cho kỹ rồi tôi thưởng cho”. Một buổi chiều Trang đang nằm nhìn con ngủ, con bé càng ngày càng xinh, nhìn nó Trang cảm thấy có thể quên được tất cả những bất công và bực mình ở trên đời thì bỗng nhiên cánh cửa phòng hé mở. Bà Tám mồm cười toe toét bước vào, tay bà cầm gói chả. Bà để quà lên bàn ở đầu giường xong bắt đầu hỏi thăm. Bà hỏi luôn một hơi hàng chục câu và không đợi Trang trả lời, bà hỏi ngay sang câu khác. Sau cuộc thăm hỏi, bà bắt đầu báo cáo “tin tức hàng ngày” cho Trang nghe. Trong xóm bà được đặt tên “đài phát thanh” vì bà rất rảnh rang nên suốt ngày chỉ lê la hết nhà này sang nhà khác, nghe ngóng những chuyện riêng tư của mọi người rồi phát thanh tùm lum vô tội vạ. Nhiều người không thích bà nhưng vẫn tiếp bà vì tò mò muốn biết làng trên xóm dưới đã xảy ra những chuyện gì, và trong khi ấy cũng vô tình để cho bà nhìn thấy cái cảnh nồi cơm khê con cá ươn của mình làm món trao đổi cho bà sang mách lại với nhà khác. Nhiều người thích bà vì những tin bà kể phần nhiều đều là những tin “mật”, ít người được biết đến, hay chỉ biết sau khi được bà “phổ biến” ra, dù đôi khi tin thất thiệt hay chỉ là một con vịt to tướng nhưng người ta vẫn cứ thích, vì ít nhất cũng được hưởng vài giây phút hồi hộp, vui mừng, hay tội nghiệp, hay đáng kiếp cho những nhân vật “đương sự”. Bà xích lại gần Trang nói có vẻ rất bí mật: · Chị ạ, nhà sáng nay suýt cháy đấy! · Tại sao thế hở bà? Có việc gì không? · Còn tại làm sao nữa! Hầu yêu của ông Cụ nằm trên giường hút thuốc. Hút xong đi nơi khác để rơi tàn xuống mùng mà không biết. Lửa ngún dần rồi bốc to cháy bén cả mùng, bắt lên mái hiên tranh ở nhà sau bấy giờ mới biết. Trang lắng nghe như ngừng thở. · May mà cứu kịp không thì mẹ con chị ở nhà thương ra sẽ vào thẳng nhà Tế bần. Trang thở dài một cái rất nhẹ nhàng: · Ba tôi chắc rầy lắm! Bà Tám bĩu môi: · Chẳng sao cả. Ông cụ còn dỗ cô ấy, bảo đừng sợ hãi mà có hại cho cái thai! Trang gượng cười nói: · Vâng, đúng thế, sợ hãi có hại cho thai lắm! Món sở trường nhất của bà Tám là gợi tâm sự của người khác. Chuyện gì đau lòng mà người ta muốn dấu, bà càng kiếm cách gợi ra cho bằng được. Bà giương đông khích tây, hỏi thẳng không xong thì nói khích, nói cạnh nói khóe. Ít ai chịu nổi cách căn vặn rất có nghệ thuật của bà. Trang đã từng nghe danh nên ngay từ lúc thấy bà đến, nàng đã tự dặn mình phải cẩn thận đừng để hở miếng. Bà đến cạnh bàn dở lồng bàn đậy thức ăn hỏi: · Không có gì ăn cả sao? Ối chào, việc gì mà kiêng với cữ. Thích ăn, ăn được ngon miệng thì cứ việc ăn mới có sữa cho con bú chứ! Bà nhìn quanh quẩn: · Buồn quá nhỉ! Không có ai đến thăm cả! Trang dù đã giữ gìn thế trận, biết bà đang “tấn công” vào mặt tình cảm của mình, nàng phải cố nén để khỏi tủi thân, cố cho hai giọt nước mắt chảy ngược vào trong, Trang chớp chớp mắt giả vờ chùi bụi trả lời: · Ấy các cháu đến thăm vừa mới đi chơi. Mẹ cháu về quê xa xôi quá, vả lại cháu sinh nở cũng được bình yên nên không mời mẹ cháu ra sợ mệt. Ðể mẹ cháu dưỡng ít lâu! · Thế còn ba? · Ba cháu bận, với lại đàn ông ai lại đến nhà hộ sinh không tiện tí nào! Bà cười mũi: · Hừ, thế còn những người kia? Họ cũng đến nhà hộ sinh thăm vợ thăm con thì họ là cái giống gì đấy? Bộ họ không có chức phận không danh giá chắc! Thôi đi, còn làm bộ mãi! Ðợi lúc cô Tư đẻ xem, lại không ăn dầm ở dề trong nhà hộ sinh... Trang không còn biết chống đỡ ra sao, sự thực mấy hôm nay nàng đã thầm ao ước được cha vào thăm, người cha xưa nay nàng vẫn yêu mến và kính phục không biết chừng nào. Ðã bao nhiêu ngày, buổi sáng nàng hy vọng chiều cha sẽ đến, chiều nàng hy vọng sáng mai, cho đến hôm nay nàng vẫn còn hy vọng.... Thấy Trang không trả lời bà Tám tiếp: · Tôi còn nhớ hồi cô Ba mới sinh thằng Tân, ông cụ còn làm Tỉnh trưởng, ông muốn đi thăm nhưng sợ không tiện bèn rủ ông Công Sứ chánh thức đi “thăm viếng” nhà thương. Thành ra thằng bé được hai cụ đầu tỉnh đến thăm ngay sau hôm mới ra đời! · Bà nhớ lâu nhỉ! Chuyện như chuyện cổ tích! · Tự vị sống mà lị! Quên thế nào được. Không ai đến thăm nữa sao? · Cháu chẳng cần ai thăm cả! · Không cần cũng phải thăm chứ! Chị xem tôi với chị có bà con dòng họ gì đâu mà tôi cũng thăm đây này! Phải biết rằng đàn bà lúc sinh nở hay buồn hay tủi hay nghĩ vẩn nghĩ vơ lắm. Mình đến thăm có chút quà lấy thảo cho nó ấm cúng và tỏ lòng thân ái chứ thực ra có phải ai cần gì ai! Bà ngừng một lúc lấy hơi rồi lại tiếp: · Có ai cho gì không? Trang ngạc nhiên? · Cho gì cơ. Sao lại phải cho? · Ơ kìa, chị này lạ, không biết tục lệ của quê hương thực, hay là giả dại qua ải đó? Chồng này, cha này, mẹ này, anh chị em, bà con, thân thích, bạn bè, hàng xóm láng giềng, ai muốn cho gì thì cho để lấy may, để cho người đàn bà thấy rằng mình được mọi người yêu thương săn sóc, quà tặng đâu phải quí ở chỗ đắt tiền! Bà còn định nói nữa nhưng thấy Tân ở ngoài đi vào nên ngừng lại tò mò nhìn thằng bé lắng tai nghe xem có tin tức gì mới lạ không. Tân chào bà Tám xong đến gần Trang thì thầm vào tai: · Em có xin ba cho chị một chai rượu con Mèo để chị uống cho bổ và ăn cơm ngon miệng có sữa cho em bú, nhưng mà... · Nhưng mà sao? · Dì nói mắc lắm, thôi đi, uống nước lá hái trong vườn cũng đủ tiêu cơm rồi. Còn đây là chai rượu bia của chị Tú gởi cho chị. Em vừa đi phố về nhân tiện chị ấy nhờ em mang vào hộ. Trang bảo em: · Ừ, thôi chị hiểu rồi. Cám ơn em nhé. Trang nhìn bà Tám không biết bà có nghe thấy gì không. Mặt bà đầy vẻ thỏa mãn bà đứng dậy. · Thôi chào chị. gắng tĩnh dưỡng nhé. Tôi còn phải đi thăm mấy người khác, vài hôm nữa có thì giờ sẽ lại ngồi lâu. · Cảm ơn bà đã lại thăm cháu! · Ơn với ngãi gì, bổn phận mà! Tân và bà Tám đều đã ra về. Trang nằm yên lặng nhìn chai bia, nhìn gói chả lại nghĩ đến bà Tám. Trang tưởng tượng tối hôm nay tất cả Nội thành đều được biết một bản « tin giờ chót » rất lâm ly: Trang đẻ, nằm một mình không hề có một ai thắm viếng, nàng buồn tủi sinh bệnh và không có sữa cho con bú, Thằng em xin một chai rượu Con Mèo nhưng cô Tư cản cha nàng không cho... Trang thế này, Trang thế kia... Và bà Tám sẽ không quên nêm mắm muối vào câu chuyện cho có đầu có đuôi, để thêm phần lâm ly áo não! Có lẽ nghe bà nói người ta sẽ tưởng tượng Trang đang nằm thoi thóp hấp hối trên giường bệnh, con bé thiếu tháng lại thiếu sữa nên rất yếu, chỉ còn da bọc lấy xương... Người giầu tưởng tượng hơn chắc sẽ tiên đoán ngày mai Trang sẽ được khâm liệm nhập quan vì gặp ngày tốt. Họ nhất định sẽ đến quệt một ít nước mắt nước mũi lên tay áo để tỏ lòng thương tiếc đối với kẻ xóm giềng. HoÏ sẽ vái lạy trước linh sàng Trang, cầu nguyện Trang sống đã không khôn thì chết gắng cho thiêng, phù hộ họ... Ôi chao! Nhiều lắm nhiều lắm. Nếu có người mau mắn và khéo tính toán, giỏi « kinh tế » chắc sẽ chạy đi mua sẵn vàng hương kẻo sợ mai... lên giá... Nghĩ đến đây Trang mỉm cười nghĩ thầm: · Nhưng mà sự thực mình vẫn chưa chết! Hừ tưởng dễ! Và nàng ngồi dậy bóc chả, rót rượu bia ăn uống ngon lành như một người yêu đời nhất đời