Nhà thơ lớn của dân tộc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng là một ông tổ của hắn nhưng khác chi. Chi cụ Thiều thuộc ông tổ Sảng quốc công Nguyễn Văn Lỗ, là con thứ năm của Hoằng quốc công Nguyễn Công Chuẩn được xếp vào hàng công thần Bình ngô khai quốc, được ban quốc tính Lê. Còn chi của hắn thuộc ông tổ Châu quận công Nguyễn Như Hiếu là con thứ ba của cụ Chuẩn. Trong số con cháu của cụ Lỗ có Thọ Dương Hầu Nguyễn Hựu là tướng của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, đi đánh quân nhà Mạc ở vùng Gia Lương rồi lấy vợ ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, thuộc trấn Kinh Bắc. Qua mấy đời nữa mới đến đời cụ Nguyễn Gia Ngô (có sách viết Nguyễn Gia Cư) tước Ðạt Vũ Hầu lấy con gái Trịnh Cương, sinh ra cụ Nguyễn Gia Thiều. Cụ Thiều là cháu ngoại của Chúa, được ở trung phủ Chúa từ nhỏ, thuộc dòng dõi cành vàng lá ngọc, có tài cả văn lẫn võ, lại am hiểu cả nhạc và hoạ mà không được Chúa trọng như các cháu bên nội. Ông là người vừa hám công danh lại cũng ham chơi, có máu văn nghệ mà. Nhưng nhà cầm quyền cần người trung thành, tận tuỵ, sai đâu làm đấy, không cần bằng cấp gì, văn chương gì như đám kiêu binh lấy từ trong Thanh ra chả hạn. Nên Trịnh Sâm xem ông như một vật trang trí trong phủ Chúa, chỉ dùng vào những việc vui, văn thơ, đàn hát và trông nom việc trang trí trong nội phủ. Ông là cháu gọi Trịnh Doanh là cậu, là anh em con cô con cậu với Trịnh Sâm mà không có vai vế gì ở lục phiên cả, lại là người có tài ăn nói, chắc cũng hay ngứa miệng nói năng ngông nghênh gì đó, thiếu gì chuyện để nói ở cái thời Trịnh Sâm, Ðặng Thị Huệ và ông em đa dâm, hiếu sát của bà ta. Nên nhà Chúa mất lòng, tỏ ra lạnh nhạt với ông, và không mời ông tham dự những buổi yến tiệc trong cung vua phủ Chúa, về sau cũng không được tự do ra vào nơi cung cấm nữa. Tới năm 1782, sau nhiều năm lặn lội trong bể hoạn ông mới được thăng chức Tổng binh Ðồng tri, Ðồng tri là cùng xem xét, tức chỉ là ông phó tổng binh thôi, rồi đưa đi dẹp loạn ở miền thượng du thuộc Hưng Hoá, giáp mặt với quân biên viễn nhà Thanh. Cái chức Lưu thủ Hưng Hoá không phải là thăng mà là giáng, là bị biếm, là đi đầy, vì đã có câu, quan ngoài nhất phẩm không bằng quan trong nhị tam phẩm. Còn cái tước hầu của ông ngày ấy cũng chả phải sang trọng gì. Ðến một anh Tầu bốc thuốc cho Trịnh Cán còn được phong hầu nữa là. Nhưng ông đâu có chịu ở liền trên đó mà hay bỏ nhiệm sở về chơi bời ở Tây Hồ sớm tối cùng nhóm bạn rượu, bạn thơ lúc bàn về thời thế, lúc bàn về nhân tình thành nhóm "tứ linh tửu hữu" được người kinh kỳ tặng hai câu thơ: Quần cư Nam Việt ốc Tây Hồ Thi tửi ngang tàng hảo trượng phu.Ðã là hảo trượng phu thì không thể làm hảo gia nhận được. Ân sủng của nhà Chúa với ông chấm dứt từ đây, đã làm nhà thơ thì không thể làm đầy tớ, muốn làm đầy tớ thì không nên mơ mộng đến văn thơ. Xưa nay người của phú quý không thể là người của đạo lý, vừa muốn làm quan to lại muốn làm cả thi hào, tham thế! Nên ông mới mượn lời của cung nữ đã từng được vua yêu chúa dấu bỗng chốc bị bỏ quên mà than thở nhớ tiếc cái thời vàng son ấy: Ngày sáu khắc tin mong, nhạn vắng Ðêm năm canh tiếng lắng, chuông rền Lạnh lùng thay giấc cô miên Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u!Tiếng kêu bi thương của cô cung nữ - Nguyễn Gia Thiều rền rĩ suốt 356 câu thơ, chả có câu nào muốn dứt hẳn cái quá khứ nhơ nhớp của kẻ tôi đòi, kẻ giúp vui để trở về với cuộc đời tự do như bản tính của một nhà thơ đòi hỏi. Nên vẫn còn: Ðè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi - Nghiêng bình phấn mốc mà dồi má deo. Trong phả viết ông là người không thích vinh hoa phú quý, tự xưng là Hi Tôn Tử và Như ý Thiền, lấy thi tửu cầm kỳ, nghiên cứu Phật học, Lão học làm vui. Nhưng đọc thơ của ông hắn chẳng tin một tí nào về sự đánh giá ấy. Một người đã vào cõi ung dung tự tại, không nhuốm chút bụi trần nào thì làm sao viết nổi những câu thơ da diết những nhớ thương, những luyến tiếc những ngày vui đã qua: Ðêm hồng thuý thơm tho mùi xạ Bóng bội hoàn nhấp nhá trăng thanh Mây mưa mấy giọt chung tình Ðình trầm hương khoá một cành mẫu đơn.Trong thơ có mùi của quyền quý, có cả mùi của da thịt, một người lòng đã dửng dưng trước mọi cám dỗ thì cảm thế nào được những tình ấy, dùng thế nào được những chữ ấy. Và cả những câu oán hờn như nghiến răng mà viết, như đã chất chứa bao nhiêu thống khổ, bao nhiêu căm tức mà viết: Gót danh lợi bùn pha sắc xám Mặt phong trần nắng rám mùi dâu Nghĩ thân phù thế mà đau Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.Tiếng thở dài của cô cung nữ - nhà thơ mới tội nghiệp làm sao, mới tầm thường làm sao! Mồi phú quý nhử làng xa mã Bả vinh hoa lừa gã công khanh Giấc Nam kha khéo bất bình Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.Ðọc thơ của Ôn Như Hầu hắn cứ lấy làm lạ tại sao ông có thể nhập vào da thịt, vào tận chỗ sâu thẳm trong tâm hồn cô cung nữ bị đấng quân vương ruồng bỏ tài tình đến vậy, như ông viết về thân phận của chính ông, nói thế cũng chưa đủ, như chính ông đã từng là đàn bà, đã từng là cung nữ. Ngay cả lối cấu trúc câu thơ cũng khác nhiều với Kiều, với Chinh phụ ngâm trật tự các từ ngữ cứ xáo trộn cả lên khiến người đọc phải ngạt thở, phải quặn gan quặn ruột: "Mùi tục luỵ lưỡi tê tân khổ - Ðường thế đồ gót rỗ kỳ khu" - "Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc - Lớp cùng thông như đúc buồng gan". Ðã từng là đàn bà ư? Ðã từng là cung nữ ư? Lại có thể thế được sao? Lạ nhỉ! Khó hiểu nhỉ! Phải tới năm hắn đã ngoài bốn mươi tuổi tình cờ được nghe một chuyện cũng hơi bất ngờ đối với hắn, dần dần hắn mới vỡ lẽ... Cách đây đã ba chục năm, một lần về công tác tại tỉnh N. hắn vừa bước vào văn phòng tỉnh uỷ thì gặp ngay anh M. là thường vụ tỉnh uỷ phụ trách tuyên huấn, anh liền kéo hắn ra ngoài hành lang, nói nhỏ: "Này, mình dặn cậu, nếu ông Ð. (bí thư tỉnh uỷ) có hỏi cậu về cái vườn hoa mới làm lại của tỉnh uỷ thì cứ khen là rất đẹp nhá, đừng có sáng kiến này nọ mà khổ bọn văn phòng". Thì ra có một ông nhà báo khi được bí thư tỉnh uỷ hỏi đã nói: "Nếu có thêm vài khối đá đặt rải rác chỗ này chỗ kia thì sinh động hơn". Thế là ngày hôm sau văn phòng phải lấy một cái xe tải lên tận một huyện giáp núi khuân đá về đặt vào vườn hoa theo lệnh của người lãnh đạo cao nhất tỉnh. Anh M. lại kể có lần Ban thường vụ tỉnh uỷ ra một quyết định, cũng đã bàn bạc với ông già, ông già cũng đã đồng ý rồi, đột nhiên lại bảo nên hoãn, chưa nên làm. Thường vụ hỏi lại nếu không làm thì sẽ trả lời với Ban chấp hành ra sao thì ông nín thinh rồi bỏ họp vùng vằng xách cặp về. Thường vụ liền cử anh M. đến tận nhà bí thư lấy tình chú cháu mà thuyết phục (ông Ð. là bạn tù với ông già của anh M.). Ông bí thư buông màn nằm quay mặt vào tường, M. phải gọi mấy lần ông vẫn không lên tiếng. Ông già lão thành cách mạng về già trở lại tính trẻ, hay hờn hay dỗi như đàn bà. M. phải tụt dép vén màn, ngồi vào trong giường lay vai bí thư nói như nói với một giá đồng cô: "Cháu đây mà, chú quay lại nói chuyện với cháu đi nào..." Ông nói gắt: "Chúng mày đã quyết định thì cứ thế mà làm, hỏi han gì, tao cũng sắp được nghỉ ngơi rồi". Dỗ dành cả giờ mà cũng phải biết cách dỗ, giọng ông già mới dịu lại nhưng vẫn còn một chút hờn: "Ðược rồi, cứ thế mà làm, làm không xong đừng có đem tôi ra làm cái bung xung nhá!". Thì ra một người được quyền lực nuông chiều quá lâu dễ biến tính thành đàn bà, thành thái hậu để được tận hưởng những cái ve vuốt làm mê muội con người của quyền lực, lúc vui lúc giận, lúc ban ơn, lúc trách phạt theo cái yêu cái ghét tức thời, lúc bảo nên làm, lúc lại bảo không nên làm, chỉ phút trước phút sau ngay những người cộng tác kề cận cũng không thể nhận ra những dấu hiệu khác thường để biết trước. Nguyễn Gia Thiều cũng thế, ông đã được đấng quân vương - quyền lực chọn làm cung nữ, làm ái phi từ thuở mới lọt lòng, thuộc dòng máu tôn quý nhà Chúa, lớn lên là chàng thanh niên văn võ song toàn, bước đường công danh như đã mở sẵn từ mọi hướng, bước đến là tới, với tay là có. Ấy là lúc cô cung nữ - Nguyễn Gia Thiều, người đàn bà trong Nguyễn Gia Thiều được phô bày mọi vẻ yêu kiều trước cái nhìn tán thưởng của nhà Chúa, như ông đã viết: "Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu - Ghẹo hoa kia lại díu gót sen - Thân này uốn éo vì duyên - Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời..." Nhưng đấng quân vương - quyền lực cũng là người hay chóng chán: Chơi hoa cho rữa nhị tàn lại thôi. Ông ta rất thích thay người, thay là thay, rất tàn nhẫn rất lạnh lùng: "Giết nhau chẳng cái lưu cầu - Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa" - "Tiếng thuý điện cười già hoá gắt - Mùi quyền môn thắm rất nên phai". Ðó là cái giá phải trả của những người trót được đấng tối cao quyền lực yêu và để lọt vào mắt xanh. Ðã căm đến thế, đã oán đến thế, nghĩ rằng người bị đuổi phải tởm lợm cái mùi phú quý cho đến chết, nào ngờ vẫn thèm lắm, vẫn tiếc lắm, đã phấn mốc má deo mà không hết hy vọng: Phòng khi động đến Cửu trùng Giữ sao cho được má hồng như xưaHai câu thơ kết thúc của khúc ngâm rằng hay thì hay thật là hay... về phương diện văn chương là cái nghề của hắn, hắn phải nhận là tuyệt hay vì nó quá thật. Nhưng nhìn lại con người thì hắn hơi xấu hổ vì hai câu thơ ấy như được buột viết ra trong lúc thảng thốt, không kịp che giấu những cái tầm thường, yếu đuối của một kiếp người. Bao nhiêu lời dậy hàm súc của các triết nhân, bao nhiêu chiêm nghiệm đau đớn của một đời người vẫn không ngăn được sức sống mãnh liệt của thói quen: Lắng nghe tiếng lăn bánh của cỗ xe phú quý, tiếng gọi của đấng quân vương - quyền lực đêm đêm mỗi lần chợt tỉnh giấc...