Trong hai năm 1954 và 1955, không có ngày nào, tháng nào rơi vào quên lãng vì mỗi ngày đều có cái hồi hộp, cái căng thẳng riêng và những niềm vui rất bất ngờ, không dám hy vọng cứ theo chân nhau ùa đến. Một năm các cơ quan chính trị, tham mưu của quân khu cứ hoạt động đều đặn theo các mùa, hạ thu thì nhốn nháo xúm quanh các hội nghị quân chính lớn nhỏ, các lớp tập huấn. Còn đông xuân là mùa tác chiến, cán bộ các ban phòng lại thay nhau đi xuống các đơn vị theo dõi các hoạt động phối hợp với các chiến trường chính. Tháng mưa tháng nắng, mùa nóng mùa lạnh, thời gian cứ nhịp nhàng trôi đi dưới những tán cây, trong các dãy lán, sáng có chuyện sáng, tối có chuyện tối, ngày ngày giống nhau, thi thoảng lại rộ lên một chuyện vui, vợ anh này, mẹ anh kia từ trong vùng "tề", cả từ trong Hà Nội và Nam Ðịnh vừa ra hiện đang có mặt ở nhà khách. Có anh ở Ban Tuyên huấn vừa nhận được tin vợ ra mang theo cả thằng con lớn liền kêu lên thảm thiết: "Người đâu mà liều thế, đường sá xa xôi nguy hiểm lại còn đem theo cả trẻ con đi!" Ăn ở với nhau được mươi ngày vợ con lại trở về Thành, một nửa năm vắng bặt mọi tin tức, nhìn ông anh mà thương hại, cứ như người đã nhận án tử hình chỉ còn chờ ngày thi hành án. Ðầu tháng 7 năm 1954, thành phố Nam Ðịnh được giải phóng, anh đeo ba lô lao về hướng đó ngay, làng của anh thuộc vùng ngoại vi của thành phố. Tháng 3 năm 1954, phòng Chính trị phân công hắn thêm một việc mới, sáng sáng sang phòng Tham mưu tới chỗ cơ yếu nhận tin mới nhất từ mặt trận Ðiện Biên về thuật lại cho anh em ở cơ quan, sau đó viết bản tin rồi đưa xuống nhà in, sáng hôm sau gửi nhanh xuống các đơn vị. Ngày 7 tháng 5, chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, cả cơ quan làm bữa ăn tươi vào ngày hôm sau để ăn mừng. Ngày 21 tháng 7 Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Miên, Lào được ký kết. Lần đầu tiên hắn đi đại tiện trên một mỏm đồi còn sót lại những gốc chè, lắng nghe tiếng máy bay Dakota từ xa, rồi nó bay ngang qua đầu, trong lòng vẫn yên tĩnh lạ thường, khoan khoái lạ thường, vì chiến tranh đã thuộc về ngày hôm qua. Cuối tháng 11 hắn vào Hà Nội bằng xe taxi tư nhân từ thị xã Phủ Lý để tìm mẹ và em. Mẹ hắn già hẳn, đang quẩy hai cái xảo to bầy trầu cau và những khúc vỏ đi tới thì gặp hắn. Cứ nghĩ hai mẹ con đều phải oà khóc sau năm năm xa nhau trong chiến tranh mà rồi chả ai khóc cả, chân hắn tự nhiên nhũn ra và mẹ hắn cũng chỉ nói: "Anh đã về đấy à?", rồi bà cúi mặt xuống đứng nguyên tại chỗ một lúc mới lại bước tiếp. Hắn cũng gặp lại em trai, nó đã cao bằng hắn, người gày mỏng như cây sậy, mặc quần áo nâu, chít khăn chữ bát làm sư bác ở chùa Hoè Nhai. Tháng 8 năm 1955, hắn được Cục Tuyên huấn triệu tập về Hà Nội để viết truyện anh hùng. Cách đấy năm năm hắn đang là lính ngoài biên chế của một trung đoàn giải thể thì được điều động về báo quân khu cũng không ăn không ngủ được vì quá vui. Lần này cũng thế, người cứ bồn chồn nửa vui nửa buồn nhưng vui nhiều hơn vì những dây rợ để níu kéo hắn ở lại không nhiều, chỉ có một cô gái đang làm cấp dưỡng của đội văn công quân khu còn khiến hắn dùng dằng đôi chút. Nhưng ở Hà Nội thiếu gì người đẹp để hắn lựa chọn, vả lại "anh bộ đội" đang là một hình tượng có giá để phái đẹp săn lùng. Mỗi lần ăn cơm đều gặp nhau nhưng hắn vẫn không hé môi nói lời từ biệt với cô bạn mới quen biết. Hắn cũng chưa từng gặp riêng cô, cũng không mời cô sang thị xã Phủ Lý cùng mua sắm cái gì đó mỗi sáng chủ nhật, hình như hắn cũng chưa nói với cô gái một lời nào ngoài cái câu tẻ nhạt: "Cho xin một cái tăm". Rồi cô theo đội văn công đi công tác, hắn chuẩn bị về Hà Nội. Với cô hắn vẫn chưa thể tự dứt khoát, hoặc là giữ lại bằng một lời hứa, hoặc buông bỏ để được tự do hoàn toàn trong hoàn cảnh mới. Trước ngày về Hà Nội, anh Lê Mai, phóng viên duy nhất còn lại của toà báo đã gần như không hoạt động, gặp hắn và có lời khuyên hắn nên gắn bó với cô gái nông dân vừa xinh đẹp vừa hơi ngốc nghếch nhưng chắc chắn là người rất tháo vát, có đủ tài để gánh vác một gia đình trong mọi cảnh ngộ nếu như hắn còn muốn theo đuổi nghề văn. Anh nói: "Máu của cậu là máu loãng, máu bạc nhược, máu ăn bám của một dòng họ quan lại lâu đời. Cái loại máu ấy không được pha trộn với loại máu sạch, có sức chảy mạnh mẽ của người nông dân thì con cháu cậu sau này chả là cái giống gì!" Năm ấy hắn 25 tuổi, cô gái 19, kém hắn sáu tuổi, đẹp, dáng người đẹp, gương mặt đẹp, không ra người ở nông thôn, chỉ phải tội hai bàn tay dầy và hơi to, ngón tay cũng to, cũng là người lao động vất vả từ nhỏ, mẹ chết sớm, lúc ở với dì (là bà hai do bà cả cưới cho chồng vì bà chỉ có ba người con gái) lúc ở với các chị, phải làm mới có ăn chứ chả ai nuôi không. Ông cụ là đội khố xanh, các anh chị đều là người kháng chiến. Năm ấy lấy vợ là phải chọn người có lý lịch tốt, nếu vợ có liên quan tới tề nguỵ là hết sức rắc rối sau này. Cô ấy được cả người lẫn lý lịch, không nhanh tay thì người khác sẽ vồ mất, lúc ấy lại tiếc. Chỉ hiềm một nỗi cô ấy không được học hành gì, nói năng quá thật thà gần như ngây ngô nên hay gây cười trong bữa ăn vì những câu trả lời thiếu ý tứ. Nhưng ở xa thì nhớ lại sợ mất nữa, già kén lỡ chọn phải một cô vợ không hiền thì tan cửa nát nhà. Trong kháng chiến hắn đã được chứng kiến nhiều cô cán bộ đã lớn tuổi lại xấu gái, lại hay nói chuyện chính trị, cười nói đùa giỡn như đàn ông mà vẫn lấy được những ông chồng vừa đẹp trai, vừa là cấp chỉ huy. Là do bị mắc bẫy mà phải lấy. Một ông đại đội trưởng đóng quân liền nhà văn phòng của huyện hội phụ nữ. Cả xóm chỉ có một cái ao sạch và mát bên nhà huyện hội, nên trưa nào ông đại đội trưởng cũng mặc quần đùi sang tắm nhờ. Lúc thay quần lại nghĩ giữa trưa vắng vẻ nên cứ trần truồng bước lên bậc ao, đứng cạnh cái bể nước giội thêm vài gáo cho sạch, vừa giội vừa vỗ đùi vỗ mông như người khoe. Trong nhà vẫn có một thường vụ huyện hội tuổi ngót nghét ba mươi, mỗi lần thấy ông hàng xóm sang là chồm dậy đứng trong mành ngó ra. Con gái lỡ thì nhìn đàn ông còn trẻ tắm truồng dẫu là nữ tu cũng phát cuồng. Một lần tắm xong ông ta lại cả gan bước lên hè, gọi vào: "Chị có báo Cứu quốc số mới cho tôi mượn với". Chả ai trả lời cả, ông ta vén mành bước vào, cô cán bộ nằm ngủ, quần kéo đến trên đùi, chân co chân ruỗi, tờ báo muốn mượn đang phủ lên mặt. Thế là cái việc không nên xảy ra đã xảy ra. Ngày hôm sau, cô gái già bị cưỡng hiếp liền báo cáo với cấp trên của mình, và một tập thể các bà lên thẳng trung đoàn bộ gặp chính uỷ để kể lể về cái nhục đã phải chịu của một cô gái còn nguyên vẹn trinh tiết. Chính uỷ bảo: "Thế thì cái thằng ấy sẽ phải chịu trách nhiệm với chị suốt đời rồi, chị bằng lòng chứ?" Ðám cưới được tổ chức liền mấy ngày sau đó. Cô dâu tuy thấp mập, nước da hơi đen nhưng nét mặt đều đặn, nói năng lại hoạt bát có duyên, thôi thế cũng là được, lấy vợ cái sắc không quan trọng bằng cái nết. Nhiều chục năm sau, trong một lần dự một Hội nghị Nông nghiệp toàn quốc, hắn đứng trước quầy sách báo thì có người đụng nhẹ vào khuỷu tay và một giọng nói rất sang: "Xin chào nhà văn lớn!" Hắn quay người lại, ngỡ ngàng trước một bà thấp mập, tóc uốn cao đã bạc nhiều, đeo kính trắng, mặc áo dài gấm mầu xanh đen, sang trọng, quí phái không thể tả, làm sao bà ấy lại có thể biết hắn, có thể đùa cợt với hắn, ai nhỉ? Bà nào nhỉ? - "Còn nhớ Huyện hội phụ nữ Phù Cừ không?" Nhớ hết rồi! Hoàn toàn nhớ rồi! Bà nói hiện nay là là phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp một tỉnh, ông chồng đã về hưu, mới đi thăm con đang làm ăn bên Liên Xô chắc phải vài tháng mới về, có một con gái đang ở Mỹ, nó làm bên ngoại giao. Ông bà có ba trai, hai gái, sáu cháu vừa nội vừa ngoại, cháu đích tôn mới sang học đại học ở bên Úc, khéo chừng chúng tôi được làm ông cố bà cố sớm hơn anh đấy nhá. Còn anh thế nào? Thế nào ư? Năm mươi tuổi đầu còn nuôi con lên năm là thua bà chị nhiều lắm rồi. Thì ra con người ta làm gì cũng có số thật. Cặp vợ chồng này nghĩ là ép nhau mà nên hoá ra cũng vẫn là có duyên số. Năm 1957 cô cấp dưỡng của Ðội văn công quân khu được tuyển về Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị vì có dáng người đẹp, gương mặt đẹp và giọng nói rất ấm. Ðoàn muốn huấn luyện một người đẹp thuần tuý đồng ruộng thành người giới thiệu chương trình của Ðoàn tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới được tổ chức ở Matxcơva vào cuối năm. Người thì đẹp nhưng ít học nên không học thuộc được những lời giới thiệu rất dài dòng, lại không nói được đúng giọng tiếng nước ngoài nhiều bài ca đã được dịch lời sang tiếng Việt. Không làm người giới thiệu được, cũng không hát được, múa càng không được, chả lẽ lại trở về làm nghề cấp dưỡng thì tội nghiệp nên đành phải đưa về Ðoàn kịch nói của quân đội. Ngày từ quân khu lên Tổng cục cô sang gặp hắn ngay, vào khoảng tối. Thoạt nhìn cô sau hơn một năm không gặp lại, hắn cũng ngạc nhiên, vì trong bộ quân phục mới cô như đẹp hơn, thành thị hơn trước nhiều. Hắn giới thiệu cô với Phùng Quán: "Ðây là bạn gái của mình". Cách nhìn đánh giá của Phùng Quán cũng làm hắn mát lòng, tức là Quán không ngờ hắn có cô bạn gái xinh đến thế. Nhưng khi hắn hỏi: "Em có được khoẻ không?" thì câu trả lời của cô khiến hắn sững sờ: "Mấy ngày nay chả hiểu ăn gì em toàn đi ỉa lỏng thôi, người mệt lắm". Phùng Quán quay mặt đi giấu một thoáng cười, còn hắn thì đã giận lắm. Thiếu gì câu nói hay hơn, kín đáo hơn khi lần đầu được trò chuyện với người yêu, ví như: "mấy hôm nay em không được khoẻ", hoặc "mấy hôm nay em bị đau bụng", hoặc "mấy hôm nay bụng dạ không được tốt". Việc gì phải nói rành rọt cái từ rất khiếm nhã, rất không nên nói. Trong hai người, người con gái yêu hắn vô tư, không vụ lợi, yêu là yêu, yêu cả từ cái hướng nhà hắn ở, cả những lối hắn đi, chỉ mong chóng tối để được vào thành gặp hắn. Còn hắn là yêu trong tính toán, trong lưỡng lự, có lúc muốn gắn bó, có lúc lại muốn buông bỏ, là vợ thì có thể được vì cái đức hy sinh cho chồng cho con đã thuộc về bản chất của các cô gái nông dân. Còn là người tình thì chán lắm, chán và nhạt đến kinh người. Cô đã phải từ bỏ chính mình để sống với môi trường mới, nói cười theo người khác, vui buồn theo người khác vì cô đã nghĩ những gì thuộc về cô nó "nhà quê" thế nào, buồn cười thế nào, thành ra một người sống giả, giả từ trẻ đến già. Cô chỉ sống thật khi có chị em, họ hàng từ quê lên thăm vợ chồng hắn. Những ngày ấy cô là một người khác hẳn, hồn nhiên, vui tươi, mọi câu nói đều tự nhiên, đều ấm áp, có cái duyên riêng, có sức quyến rũ riêng. Họ cưới nhau tại nhà Hợp Thiện ở đường Phùng Hưng (nay là nhà tang lễ của Hà Nội), là con đường song song với đường Lý Nam Ðế. Bên nhà trai có mẹ hắn và tạp chí Văn nghệ Quân đội, bên nhà gái có bố vợ và Ðoàn kịch nói Quân đội. Một nồi nước chè khô, thuốc lá Ðiện Biên, Tam Ðảo và bánh kẹo của mậu dịch. Cô dâu mặc áo dài, chú rể vẫn quần áo bộ đội và đi dép râu. Chủ hôn là nhà thơ Thanh Tịnh. Ðám cưới ngày ấy giống như một cuộc liên hoan của cơ quan, mọi người thay nhau chúc tụng, rồi ngâm thơ và kể chuyện vui, những mẩu chuyện mở đầu thì thanh kết thúc thì tục để gây cười, những cái cười nhạt nhẽo vô nghĩa của tuổi trẻ, cái tuổi rất dễ cười. Bọn hắn sống vào cái thời mọi nghi lễ đều bị tước bỏ (vì nó vô ích, nghĩ thế!), tất cả chỉ nhằm nhanh chóng đạt đến cái đích. Cái đích thì vẫn đến nhưng chả để lại một ấn tượng sâu sắc nào, về già mới chợt nghĩ hai người chưa hề đăng ký kết hôn tại một cơ quan nào của chính quyền, thậm chí cũng không có cả giấy hôn thú. Cái lối sống tạm bợ, tuỳ tiện, không kể đến những yêu cầu cần có của mỗi cá nhân, kể cả những yêu cầu rất thiêng liêng lan toả trong mọi hoạt động của xã hội. Một xã hội mà mọi người gần như quên hẳn những cụm từ cần thiết trong các mối quan hệ: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Cứ nghĩ lại những cửa hàng phở của mậu dịch mà hãi, xếp hàng, mua phiếu, xếp hàng cầm bát phở, những bát phở nhày nhụa nước mỡ tràn ra ngoài thành bát, vừa nóng vừa trơn, cầm không khéo là hỏng ăn, rồi và rồi nuốt. Tới đâu cũng được nhìn những gương mặt lầm lầm, những câu nói cộc lốc, gắt gỏng, đưa tiền, cầm hàng và không được chọn, có hàng đâu mà chọn, chọn là muốn đổi hàng, là phạm luật, khách mua to tiếng là quấy rối, là phạm pháp. Chỉ được nhận, có gì nhận nấy, không được phàn nàn, không được tỏ ra bất bình mới là một công dân tốt. Rồi sống mãi trong cái môi trường ấy cũng thành quen, khi hắn được gặp lại những người ruột thịt ở Sài Gòn vừa được giải phóng, ăn bữa cơm gia đình không mời ai cả, thích món nào cứ xỉa đũa gắp mãi một món ấy, tại sao lại nhìn tôi, tôi vẫn cầm đũa chứ có nhón tay ăn bốc đâu mà nhìn. Mấy đứa cháu ở Sài Gòn tỏ vẻ khó chịu khi người chỉ huy dàn nhạc mặc áo sơ mi bỏ ngoài quần thì chính hắn lại ngạc nhiên. Bọn trẻ nói: "Vào nhà hát người xem còn ăn mặc lịch sự huống là dàn nhạc". Chà, thói tật tư sản, thói tật đế quốc! Nghĩa lại trong năm đầu lấy nhau không còn nhớ được một kỷ niệm nào đẹp, không đi chơi đâu (nhìn bến xe khách là mất mật còn muốn đi đâu), không mua sắm gì (lại xếp hàng, thôi, ở nhà), cũng không có điều kiện làm những bữa cơm thân mật mời bạn bè những ngày lễ ngày nghỉ vì bọn hắn chưa có nhà riêng, họ vẫn sống ở cơ quan như trước, tối đến vợ mới sang phòng làm việc của hắn ngủ qua đêm, vợ muốn nấu một bữa cơm ngon cho chồng cũng không thể đành lại dắt nhau ra ngồi vỉa hè đường ăn quà. Mẹ chồng cũng không có chỗ ở riêng, vẫn là ở nhờ nhà người cháu, chỉ có một cái giường kê ở buồng ăn là chỗ nằm của mẹ, cũng là gặp nhau suông, nói dăm ba câu chuyện rồi về, đâu có thể chủ nhật nào cũng ăn cơm nhà anh chị. Chả có gì vui trong cuộc sống vợ chồng, chỉ có một thay đổi là họ không phải nằm lẻ loi mỗi đêm, còn tất cả vẫn như cũ, vẫn là cuộc đời lính, ăn cơm tập thể ngủ trên ván sàn. Mà lại có thêm nhiều cái phiền hà. Những giờ rảnh rỗi buổi tối hắn thường đọc sách hoặc viết, là cái khoảng thời gian sảng khoái nhất, mong đợi nhất trong ngày vì hắn được sống với nghề, được sống với những mơ mộng lớn nhỏ của hắn. Nhưng vợ hắn lại muốn đi xem cải lương, đi xem phim, phim hay thì khó mua vé, phim dở lại tiếc thì giờ, hắn ngồi ngáp ngắn ngáp dài một lúc rồi tựa đầu vào vai vợ mà ngủ. Nhưng vợ hắn thì vui lắm, được đi cùng chồng, được ngồi cạnh chồng ở chỗ công cộng là vui rồi. Ðã bắt đầu có những tranh cãi vặt, những giận hờn vặt, vì những ý muốn khác nhau, thằng đàn ông thì cậy quyền được vợ yêu, càng lúc càng bộc lộ cái tính ích kỷ, độc đoán, người vợ đã nhịn một lần đành phải nhịn tiếp, nhịn cho yên chuyện, xưa nay nhiều người đàn ông trong làng uống rượu say, chơi xóc đĩa vẫn về đánh vợ thì sao, hút thuốc phiện bán cả ruộng cả nhà mà vợ con không dám ho he một lời thì sao? Phận đàn bà thời nào chẳng khổ, không nín nhịn thì bỏ được nhau ư? Thằng đàn ông thành phố bắt nạt người vợ nhà quê bắt đầu là như thế. Vì hắn tự nghĩ hắn là một người chồng tốt, một thằng đàn ông có rất nhiều cái mạnh, hắn xứng đáng có được người vợ đẹp hơn thế, đảm đang hơn thế và cũng không bao giờ dám làm ngược lại ý chồng. Hắn là con thêm con thừa mà cũng vẫn được thừa hưởng đầy đủ máu huyết một dòng họ mà người chồng là ông chủ còn các bà vợ chỉ là tỳ thiếp mà thôi. Hắn không sợ người vợ bị bắt nạt sẽ có lúc tìm được cách trả thù. Không bao giờ! Vì không thể bỏ hắn để lấy người khác được. Hắn vừa có danh vừa có tiền, phải mỗi tội có máu gia trưởng, nhịn một chút là xong cả, còn lấy được ai hơn thế. Ðã có lần, năm còn trẻ, vợ hắn nói: "Tôi thà lấy một thằng chồng làm cu li nhưng vợ chồng quấn quýt nhau vẫn còn hơn làm vợ anh!" Hắn cười nhạo: "Thì đi mà lấy, còn kịp mà, các con tôi nuôi cho". Hắn nói trâng tráo, không chút hối tiếc thì người vợ lại đành nhịn. Nhịn hắn một chút vẫn là hơn cả. Thời trẻ còn không dám trả thù chả lẽ về già lại có cách trả thù? Thế mà cái chuyện trả thù đã xảy ra, khi các con đã trưởng thành, vợ hắn đã già lại bệnh mà vẫn có cách trả thù được, tìm được một hình phạt đáng sợ nhất, nhức buốt đến tận xương tuỷ, với một người thông minh như hắn cũng không thể nghĩ được cách thoát ra.