Càng về già hắn càng không thích nghe những câu nói làm duyên của người già, những câu đùa tình tứ của người già, và cả cái liếc mắt mà lòng con ngươi đã bạc phếch của người già. Hắn lại càng sợ phải nghe những bài thơ của các mối tình già, những chuyện tình tái xuân lãng mạn của người già. Câu chuyện tình của bà chị hắn với ông anh rể muộn mằn là chuyện nhân nghĩa, là sự đền bù một cuộc tình bị lỡ dở những năm còn trẻ mới khiến được hắn cảm động, khiến hắn quan tâm và trân trọng. Nhưng hắn vẫn không giấu được nụ cười ẩn náu đâu đó giữa các hàng chữ. Bây giờ người vợ già của hắn lại nói từ sáng đến tối, đến nửa đêm rằng bà luôn luôn yêu hắn, luôn luôn sợ mất hắn, luôn luôn dõi theo hắn mỗi lần hắn bước ra khỏi nhà, không phải đi đâu xa cả năm cả tháng mà chỉ là đi ăn quà sáng hoặc đi uống một tách cà phê ở đầu đường. Thế là hắn nổi điên lên dẫu hắn vẫn biết sự cáu giận của mình là rất vô lý, rất quái gở. Thằng con lớn nói nửa thật nửa đùa: "Ðã già mà vẫn được vợ yêu là hạnh phúc lắm đấy. Bố phải nghĩ mình là người chồng rất hạnh phúc, nghĩ thế là sẽ thấy nhẹ nhõm ngay". Nhưng hắn không thể nghĩ như thế được, hắn vốn rất sợ những hành vi buồn cười, những lời nói buồn cười, đã là hai cái xác sắp đem chôn còn bày đặt ghen tuông, rình mò, sợ bị ai đó cướp mất. Chỉ có đứa khùng mới đi cướp một cái xác khô về để hầu và để chôn thôi. Vợ hắn bảo: "Anh mặc quần áo đàng hoàng đâu có giống cái xác khô, vẫn còn tươi tắn lắm, chỉ như người mới 60 thôi". Mấy bố con ngồi trò chuyện với nhau, hắn nói nhăn nhó: "Mẹ chúng mày điên thật rồi, mắc bệnh tâm thần phân liệt rồi, lấy chuyện hư, chuyện tưởng tượng làm chuyện thật, càng lúc càng tin là chuyện có thật. Chúng mày phải nghĩ cách giùm tao..." Thằng con lớn vẫn vừa cười vừa nói: "Bố thường khoe một đời biết nhịn những cái nhỏ để được những cái lớn. Bố thử chiều mẹ một chút xem sao?" Hắn hỏi lại: "Tức là tao nhận tao đã có lỗi?" - "Với người có bệnh cứ nhận đại là đã có lỗi, có nhiều lầm lỗi thì đã mất gì nào? Mẹ còn sống được bao lâu mà bố phải nhất quyết giành cho được phần thắng?" - "Tao tự hào là một người chồng, một ông bố rất có trách nhiệm từ trẻ đến già. Tao chả có lỗi gì với mẹ con chúng mày cả". Ðứa con lại hỏi: "Xưa nay bố có lỗi gì với bạn bè mà sao bố chịu nhường nhịn các chú ấy nhiều thế?" Hắn nói: "Với bạn bè tao rất có lỗi, người ngoài nhìn vào nghĩ rằng tao không có lỗi, nhưng tự tao biết tao rất có lỗi với họ". Con hắn lại cười: "Họ chưa đánh bố đã chạy làm sao lại có lỗi được?" - "Có chứ, cô chú Anh Ðức sinh con trong rừng, nuôi con dưới bom B.52, tao rất có lỗi với vợ chồng chú ấy. Chú Nguyên Ngọc lấy vợ năm đã ngoài bốn chục tuổi, vợ chú ấy cũng phải ngồi trong nhà tù của Mỹ ngụy nhiều năm, chả lẽ tao không có lỗi. Chú Phan Tứ rời chiến trường ra Hà Nội chỉ để đi nằm bệnh viện, ra ra vào vào, chết đi sống lại mấy lần, chả lẽ tao không có chút ân hận nào? Nói ngay cậu Chí Trung của chúng mày, một đời lăn lộn trong bom đạn, bây giờ già lắm rồi, đứng lên ngồi xuống đã phải vịn bàn chống tay, nói một lúc là thở, đã ngoài bảy mươi mà một gia đình cho riêng mình cũng không có. Tao với cậu ấy còn nhiều chuyện phải tranh cãi nhưng tao đâu có dám tranh cãi, hễ cậu ấy cáu lên là tao tháo chạy ngay. Tao gần như được tất cả, cậu ấy gần như mất tất cả, chỉ còn lại mỗi cái quân hàm thiếu tướng. Thiếu tướng chứ đến đại tướng đâu có lấp đầy được những thiếu vắng của tuổi già. Tao có tư cách gì mà tranh luận, mà phân phải trái với những con người như thế. Tao không đồng tình với họ nhiều chuyện nhưng tao ngưỡng mộ họ, tao vẫn nhìn vào họ để gìn giữ sự ngay thẳng trong ngòi bút của mình". Nói tới chuyện có lỗi hắn lại nghĩ tới Nguyễn Trọng Oánh, một người bạn rất thân của hắn từ thuở mới về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cả hai đều là lính quân khu, lính đại đoàn được điều động về Tổng cục Chính trị, giống như một lũ tiểu quỷ đang ở gò ở đống bỗng chốc được lên thượng giới để sống kề cận với các vị đại tiên; đang là tôm tép ở rãnh nhỏ ngòi nông được vớt ra sông lớn hồ rộng, sống mãi rồi cũng có ngày trở thành cá lớn. Suốt một thời đánh Pháp tự nghĩ, tự viết chả có pháp thuật gì, thầy bà gì biết đến ngày nào mới thành chánh quả? Hắn là người sinh trưởng ở Hà Nội, sau nhiều năm ở làng ở rừng được về lại thành phố ngu ngơ như người nhà quê. Còn Oánh chỉ là chàng trai nông thôn lần đầu ra sống ở Hà Nội nhìn đâu cũng lạ. Cái vui của kháng chiến thành công, của tuổi trẻ, của Hà Thành hoa lệ, của những năm tháng nhảy cao bay xa sắp tới, hắn lại lấy được cả tiền nhuận bút truyện vừa Xây dựng khoảng 15 ngàn (là một trăm rưởi khi đổi tiền), sáng trưa tối đều có thể ra phố ăn quà thoả thích, sống thoả thuê, sống mãn nguyện mọi giờ mọi phút trong ngày, không ai muốn ngủ cả, không đi chơi thì ngồi tán chuyện, đọc thơ, đọc văn cho nhau nghe, rồi nghe các bậc đàn anh tâm sự về nghề nghiệp, kể chuyện về cuộc sống và thói quen viết lách của các tên tuổi lớn trên văn đàn hồi trước cách mạng và những năm ở rừng trong kháng chiến. Rồi những cái chết trận và chết bệnh của Trần Ðăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Hải Triều, Ngô Tất Tố, Nguyễn Ðình Lạp... Trong những câu chuyện linh tinh mỗi ngày mỗi đêm, hắn và Oánh gần như chỉ ngồi nghe chứ không dám mở miệng nói leo, biết gì mà nói, chuyện của nghề mới là anh tập việc, người trong nghề cũng chỉ mới được làm quen, sách của Tây thì chưa được đọc, sách của ta cũng chỉ mới đọc dăm bảy cuốn tiểu thuyết trước cách mạng. Vốn liếng sách vở không, từng trải việc đời không, mà lại dám nuôi mộng thành nhà văn nhà báo không sợ là hão huyền sao? Năm 1957, hắn bắt đầu viết các tập ghi chép về một vùng nông thôn công giáo ở Nam Ðịnh đăng rải làm nhiều kỳ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những chương sách có thể tồn tại độc lập được lập tức có bạn đọc ngay và tên của hắn bắt đầu được nhắc trong giới viết lách và những bạn đọc yêu văn học. Hắn đã bấm được ngón chân và đã đi được vài bước trên lối đi cheo leo dễ trượt ngã của văn chương. Nhưng Oánh thì chưa, trên bầu trời thi ca những năm ấy đã có sẵn những vùng sáng chói loà của các thi bá: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, lại có cả những vùng nghịch sáng của Trần Dần, Hữu Loan, Hoàng Cầm. Thơ của Oánh trong nhiều năm vẫn phải đứng lẫn trong đám đông, thơ nghiệp dư, thơ của anh bộ đội yêu thơ, thích làm thơ. Tuổi trẻ mà mộng chưa đạt là dễ giận thân lắm. Bạn bè cùng lứa đã bắt đầu có sự phân biệt, đã có người nổi tiếng, và nhiều người đã có chỗ đứng riêng trên các trang báo tuần báo ngày. Những người nổi tiếng nhất những năm ấy là Nguyên Ngọc và Phùng Quán. Phùng Quán nói: "Mình đi từ Hà Nội và Vĩnh Linh không cần phải giấy giới thiệu, chỉ cần nói Phùng Quán đây, là các barie đều nhấc lên để mình dắt xe vào". Nên Oánh chịu khó đi lắm, chịu khó viết lắm. Khi hắn ra Cồn Cỏ vào giữa năm 1965, đến xã Vĩnh Kim đã gặp Oánh ở đấy rồi. Oánh vừa từ Cồn Cỏ trở về đất liền đang đợi xe ra Hà Nội. Chả ai phân công Oánh ra Cồn Cỏ cả, thích đi là đi, thử đến một nơi nóng nhất của cuộc chiến tranh phá hoại vừa mới bắt đầu xem có làm được một bài thơ hay không? Quả nhiên bài thơ của Oánh về các chiến sĩ Cồn Cỏ là rất hay, sẽ còn lấp lánh lâu dài trong số những bài thơ hay thời chống Mỹ. Năm 1968, Oánh lên đường vào với bộ đội binh đoàn 559, định đi vài tháng rồi ra, nào ngờ được nửa thời gian lại có lệnh đi tiếp vào B2, tiếp sức cho Tạp chí Văn nghệ Giải phóng vừa mới mất một người lãnh đạo đầy uy tín là nhà văn Nguyễn Thi. Tháng 5 năm 1975, hắn mới gặp lại bạn cũ sau bảy năm xa cách, đã nghĩ sẽ phải nói với nhau rất nhiều chuyện, chuyện đời, chuyện nghề, chuyện cơ quan cũ. Nào ngờ bạn cũ nhìn hắn như mới quen biết lần đầu, nói cười với hắn rất gượng gạo, khi nói chuyện với hắn ánh mắt cứ nhìn chéo đi như ghét lắm, giận lắm. Hắn là người nhạy cảm nên biết ngay vì lẽ gì bạn lại ghét mình, giận mình. Cái tội của hắn là đã không có mặt ở các chiến trường phía Nam suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bạn bè thay nhau vào còn hắn vẫn bình thản ở lại miền Bắc, quanh quẩn với vợ với con suốt bấy nhiêu năm, và viết, viết quá nhiều, tới đâu viết đó, thậm chí có nơi chưa từng đến, chỉ nghe kể chuyện vẫn cứ viết được như tập bút ký chính luận về Hoà Vang. Người đi chiến trường sống chết từng giờ vẫn là người viết văn nghiệp dư, hành quân, vác gạo, đào hầm, rồi ốm đau, rồi bình phục, rồi lại tiếp tục hành quân, có lúc nào rảnh rỗi được vài ngày để ngồi viết. Người viết khoẻ nhất là Nguyễn Thi cũng mới chỉ là những phác thảo dở dang, gần như là những trang ghi chép viết kỹ, còn phải mất nhiều năm tháng sống trong hoà bình để ngẫm nghĩ, lựa chọn, gọt giũa mới có thể thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh được. Nhưng chưa kịp chuẩn bị gì cho cái hồi sau thì đã chết rồi. Chết là hết, là bản thảo bị cháy, một sự nghiệp thành giấc mộng, cái nỗi đau ấy phải là người trong nghề mới cảm nhận được hết những xót xa. Và bây giờ chiến tranh vừa chấm dứt được vài ngày đã thấy hắn vác mặt vào, vào để hỏi han, để thu thập tài liệu, để được sống ít ngày trong cái không khí chiến thắng, không khí giải phóng, sau đó hắn lại về Hà Nội ngồi viết, còn viết nhanh hơn, nhiều hơn những người ở chiến trường vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Thế là giận, vì sao lại giận, cũng chẳng có lý do chính đáng nào, là giận cho cái thằng hay gặp may, nhưng sự may rủi lại là những yếu tố không thể loại bỏ trong mỗi số phận, luôn luôn có, mãi mãi có, không tuỳ thuộc vào mình có thích hay không thích. Mình ghét hắn, chế giễu hắn, hắn vẫn cứ gặp may, hắn có tự tổ chức ra những cơ may đó đâu mà bảo phải chịu trách nhiệm về sự lấn phần may của người khác. Nhưng về già hắn lại gặp nhiều sự không may rồi! Cái chuyện không may của hắn không một ai có thể tưởng tượng nổi, nó buồn cười lắm, thê thảm lắm, mà chỉ cần hắn thay đổi cách sống một chút là hắn hoàn toàn có thể thoát ra vì tất cả đều tuỳ thuộc vào hắn, không có một trở ngại nào từ bên ngoài có thể ngăn trở hắn tự thay đổi. Vậy mà một người thông minh như hắn, luôn luôn biết tự điều chỉnh cách sống bằng sự từng trải của người khác lại phải chịu bó tay trong một trường hợp không một ai chịu bó tay, không một ai chịu đứng im để than vãn về sự không may của mình. Hắn luôn đề phòng mọi nghịch lý của đời sống nhưng chính hắn lại rơi vào một nghịch lý chưa từng nghe nói, chưa từng biết có thể có một trường hợp lạ lùng như thế nên không nhận ra những dấu hiệu báo trước, không hề chuẩn bị và cũng không biết cách chuẩn bị. Từ trẻ đến già hắn chỉ chuẩn bị là người thua, người chịu thiệt, người đứng phía sau, ngồi hàng dưới, rút cuộc hắn vẫn cứ là người thắng. Nhưng trong một trường hợp hắn nghĩ mình phải là người thắng, mãi mãi thắng thì hắn lại chịu thua, thua thảm hại bởi một người đàn bà rất thân thiết, không có bất cứ sức mạnh nào để đốn gục hắn cả.