Con người suy nghĩ còn Thượng đế thì cười(Ngạn ngữ Do Thái,theo lời dẫn của Milan Kundera trongDiễn văn Zérusalem - Nguyên Ngọc dịch)Hắn không thể tin được đã sang tuổi bảy mươi lại phải đối mặt với những câu hỏi hết sức vô lý, buồn cười, chỉ có thể hét lên vì giận dữ chứ không thể trả lời. Tại sao hắn phải trả lời, người hỏi đã không có cái quyền được hỏi thì việc gì hắn phải trả lời. Nhưng hắn vẫn không thể không trả lời vì người hỏi là vợ hắn, là người bạn đời từ năm hắn mới ngoài hai chục tuổi, đã ăn ở với nhau gần hết một đời người, đã có con chết con sống, con sống đứa lớn đã ngoài bốn chục tuổi, đứa nhỏ đã ba mươi tuổi, lớn hơn năm hắn làm bạn với mẹ nó những ba tuổi. Năm mới về tạp chí hắn mới hăm nhăm tuổi, anh Thanh Tịnh khoảng ngoài bốn mươi, anh Văn Phác, chủ nhiệm tạp chí cũng mới ba mươi, anh Chính Hữu trẻ hơn một tuổi mới hai mươi chín. Nếu thằng con đầu của hắn còn sống thì nó đã bốn mươi tư tuổi. Nói thế, tức là vợ chồng hắn đã ăn ở với nhau lâu lắm, cùng sống hết một thời, gần hết một kiếp lại chưa đủ để hiểu nhau ư? Chả lẽ từng ấy năm tháng sống bên nhau mà chưa thể là một sao? Hắn và vợ còn là một cặp vợ chồng may mắn, chưa từng phải xa nhau lâu, ngay trong những năm có chiến tranh hắn vẫn đi đi về về, chưa hề ở một chiến trường nào dài quá hai tháng. Còn thời đó nhiều cặp vợ chồng phải xa nhau năm, bảy năm, cả chục năm cũng là chuyện thường. Có một sĩ quan của quân chủng hải quân, từ năm 1960 đã nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển trên những con tầu không số, đi về vài chuyến rồi mất tích. Ðã có giấy báo tử, vợ đã đi lấy chồng khác, đã có một con với người chồng mới thì người chồng cũ đột ngột hiện ra ở khuôn cửa căn hộ tập thể, tóc bạc, da nhăn, chân tay lòng khòng giống hệt ông bố chồng lúc con trai vào chiến trường. Mười lăm năm đã trôi qua, một đời người đã trôi qua. Với người chồng cũ, người vợ cùng sống mới có dăm năm, còn với người chồng mới họ đã sống với nhau gần mười năm. Vậy mà người đàn ông đến sau sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc đang có, tự nguyện ra đi để người ở chiến trường về được bù đắp mọi mất mát. Cặp vợ chồng tái hồi ấy đã sống rất yên ấm bên nhau cho đến tận bây giờ. Cái đạo làm người của một thời cũng đẹp nhỉ, rất đẹp. Còn vợ chồng hắn suốt bốn mươi lăm năm chưa một lần ăn tết lẻ loi, năm ăn tết ở Hà Nội, năm ăn tết ở nơi sơ tán, trong chiến tranh mà lúc nào cũng cặp kè bên nhau nhìn bà con trong xóm cũng ngượng. Ðã vui lẻ là không thể vui hoàn toàn, vẫn cứ phải lén lút thế nào, chả lẽ giữa cảnh chia ly của nhiều nhà lại trưng ra cái cảnh đoàn tụ, cứ như những kẻ đã tách khỏi cộng đồng. Vậy mà tới tuổi già, cả vợ lẫn chồng đã biến hoá thành hai cái túi xương thịt dăn deo, dúm dó, người vợ còn hỏi chồng: "Anh có còn yêu tôi không? Anh có định ruồng bỏ tôi không?" Câu hỏi thì vô lý và buồn cười nhưng người hỏi thì đau đớn, nghiêm trang, mắt nhìn tuyệt vọng như kẻ vừa bị tuyên án tử hình. Lần đầu hắn nghe câu hỏi ấy liền trả lời nửa đùa nửa thật: "Bà nghĩ tôi với bà còn ở tuổi đôi mươi à? Bà đã lẫn rồi à?" - "Anh đừng nói thế, tôi chưa lẫn, tôi hỏi thật đấy". Mặt hắn đã cứng lại: "Sao lúc trẻ không hỏi, nay đã sắp xuống lỗ mới hỏi. Tôi có chung thuỷ với bà hay không thì bà cũng biết, gần nửa thế kỷ sống với nhau lại còn chưa đủ để biết sao?" Người vợ vẫn nhìn hắn bằng lòng mắt đã đục bạc, cặp môi nhăn nhúm tím lợt run khe khẽ: "Thuở trẻ anh không thế, về già đốc chứng nên mới thế, tôi không nói vu cho anh đâu". Chồng bảy chục, vợ sáu mươi lăm, thời trẻ sống với nhau chả ai phải nghi ngờ lòng chung thuỷ của ai, bây giờ sắp chết lại giở trò ghen tuông bóng gió! Cứ như một chuyện hài, một trò hề, không dè lại có ngày là chuyện đau đầu của chính hắn! Hắn vốn thích cười, thích nói đùa, thích thầm thì vào tai bạn bè nhiều nhận xét ngộ nghĩnh về những hành vi buồn cười, những cảnh ngộ dễ bật cười của người này người kia, cũng là những cái cười hiền lành, thư giãn chứ không có ác ý, nếu đương sự có nghe được cũng đành cười rồi bỏ qua. Nhưng cái thằng hay gây cười rồi cũng có lúc trở thành trò cười của thiên hạ, bạn bè đã đe thế, nhưng hắn vẫn cười vì tự nghĩ mình là người biết cách lui tới đời nào chịu làm bung xung để ngươì khác có dịp chọc cười. Mà hoá ra đã từng là một nhân vật gây cười, khi diễn trò thì không tự biết, năm tháng qua đi nghĩ lại mới thấy tức cười. Vậy mà bạn bè lại không nỡ cười, chỉ trách nhẹ, thì ra các vị ấy còn thương hắn thật. Ấy là hai lần xuất chính của một thằng nhà văn vốn được khen là không hám danh. Cả hai lần hắn đều thất bại, mặt mũi lem luốc vì từ chỗ quyền lực chui ra làm sao còn giữ được gương mặt sạch. Người khác bôi lem mặt mình, tự mình cũng vẽ bậy vẽ bạ lên mặt mình, như thằng hề, lại còn nghĩ không ai biết mình đã là hề nên mới dám lên mặt thuyết lý về tâm hồn, về đạo đức, cả về lý tưởng để có được những tác phẩm văn chương để đời! Nó buồn cười là ở chỗ ấy. Nhưng cái buồn cười ở chốn ba quân, nói gì thì nói, mình chỉ là một vai diễn cùng với nhiều vai diễn khác, dẫu là buồn cười thì vẫn có nhiều tiếng vỗ tay, có cả tiếng la hét nên có cái say, cái xuất thần khoảnh khắc của vai diễn, nên mới nói được nhiều câu rất tâm huyết, rất chân thành, nếu ngồi vài người mà thốt lên những lời lẽ đó thì xấu hổ chết được. Ðó là cái buồn cười không tự biết, vì tự mình cũng chưa lần nào dám nhìn thẳng vào cái nghịch lý ấy để thấy hết được tính hài hước của nó. Có lẽ vì hắn là người đã từng làm trò cười trong vai diễn hào hứng của mình, tự thấy mình là người rất quan trọng nên vui lắm, nói nhiều hơn, cười nhiều hơn, da thịt như nở ra vì sự mãn nguyện nên không chỉ đóng vai một lần, còn tiếp tục tình nguyện đóng vai những hai lần, lần sau còn ê chề hơn lần trước, tất nhiên lúc hết vai cũng hơi buồn, cũng hơi xấu hổ, mà nói cho cùng cũng chả có gì đáng xấu hổ, có phải chỉ có một mình hắn tự ra sân khấu, tự múa may mà bảo phải xấu hổ. Riêng lần này thì ngay từ lúc bắt đầu đã thấy nực cười rồi, vì cái trái nghịch, cái vô lý đã được bày ra một cách trơ trẽn, chả có một cái nhân danh đẹp đẽ nào che đậy cả. Chả lẽ nhân danh cái tình yêu vĩnh cửu, già rồi, sắp chết rồi vẫn không trốn khỏi những trói buộc của mình yêu. ở người già hắn chỉ chấp nhận những mối tình ân nghĩa, sự hàn nối, sự bù đắp những cơ hội bị trượt đi thời họ còn rất trẻ. Như mối tình bị trượt đi của bà chị hắn với ông anh rể muộn mằn. Có cái gì rất lặng lẽ, rất ngậm ngùi làm nên cái ý vị riêng trong chút hạnh phúc vớt vát lúc cuối đời. Vợ hắn vừa mếu máo vừa nói: "Lúc nào tôi cũng yêu anh, lúc nào tôi cũng sợ mất anh!" Giọng nói đã thiểu não, cái nhìn càng thiểu não, là cái nhìn tuyệt vọng của một người đã gần mất cả chỗ bám víu cuối cùng. Nhưng sao lại có thể nghĩ được thế nhỉ? Tuổi ba mươi có thể lo sợ sẽ mất hết nếu bị chồng ruồng bỏ. Còn ở tuổi bảy mươi người chồng đã gần như vô nghĩa nếu như họ muốn ra đi. Vì ở tuổi già người đàn bà chỉ cần biết có con với cháu thôi. Mà cái thằng đàn ông là hắn cũng chỉ tha thiết có con với cháu. Nếu như con trai hắn lại nói: "Con rất yêu bố, con rất sợ bị mất bố", thì hắn phải xúc động cả nhiều ngày sau. Vì con cái với tuổi già là tất cả, nó bỏ mình tức là cả cuộc đời của mình đã rời bỏ mình. Ở nó mình đã nuôi trồng chăm bón bằng tất cả máu huyết của mình, tất cả hãnh diện và hy vọng một đời, chúng nó quay lưng lại thì mình chỉ còn là cái túi rỗng rách chứ còn gì nữa. Cũng như tình yêu với tuổi trẻ là tất cả. Tuổi trẻ có thể chết vì sự tan vỡ của một cuộc tình. Ấy là nói cái thời sự lãng mạn còn chi phối toàn xã hội. Còn ở thời này tất cả đã là sự tính toán rất tỉnh táo, thì mất một mối tình chàng trai hay cô gái chỉ buồn nhiều lắm khoảng một tháng, có bao nhiêu trò chơi rất công nghiệp sẽ bù đắp nhanh chóng khoảng trống ấy. Tiếng kêu rất não nuột của người vợ chỉ làm hắn kinh ngạc và thương hại. Nghĩ lại một chút còn hơi buồn cười. Cái buồn cười bao giờ cũng nảy sinh từ sự trái nghịch. Người đã già lại thốt ra những lời yêu đương của bọn trẻ là dễ buồn cười vì nó không thuận tai. Người đã già lại cố có những biểu hiện của tuổi thanh niên, bước đi nhảy nhót, mắt mũi đong đưa, nói năng ỏn ẻn lại càng dễ gây cười vì nó vừa nghịch tai vừa nghịch mắt. Trong cái trò chơi ghen tuông lạc điệu nếu một người bật cười phảy tay đứng lên thì trò chơi lập tức chấm dứt. Mọi màn hài kịch sẽ sớm chấm dứt nếu một người trong cuộc chợt nhận ra cái buồn cười của thân phận phảy tay bước ra. Nhưng hắn đã không bật cười, không phảy tay đứng lên mà lại tự trói mình bằng những lời thanh minh dài dòng, càng nói càng mất bình tĩnh, càng giống một người có tội thật đang cố gắng tự biện hộ. Và tấn hài kịch gia đình không những không thể chấm dứt ngay mà còn kéo dài tới hai năm sau, tới tận bây giờ.