Cuối năm 1956, hắn làm công tác cải cách ruộng đất ở tỉnh Quảng Yên, đợt cuối. Một sáng, hãy còn tối trời vừa thức giấc hắn đã nhìn thấy một hình người ngồi nép vào một chân cột. Hắn vùng dậy, hỏi nhỏ: "Ai ngồi đấy thế?" Cái bóng kia lê người lại: "Bẩm đội con là địa chủ Tịnh đây ạ". Hắn nhìn trước nhìn sau rồi kéo bà lão lên ngồi cạnh, nói nhỏ: "Trước đông người cụ muốn gọi sao thì gọi nhưng vắng người cụ cứ xem con như con cháu của cụ" - "Con không dám..." - "Cụ nói lại đi, cụ xưng là bác đi..." - "Tôi không dám, chả là tôi có một chuyện này..." Mấy bước cuối, đội cải cách làm tiếp luôn việc sửa sai, trao trả lại quyền công dân cho một số cán bộ thôn xã, hạ thành phần những người bị quy sai, điều chỉnh lại việc phân chia ruộng đất, không khí làng xóm nhẹ nhõm hẳn, vui vẻ hẳn, người bị tố và người đi tố sau vài cuộc họp đã làm lành với nhau cũng nhanh chóng. Trong một bữa ăn gia đình nhân có hai con trai ở bộ đội về thăm mẹ, bà lão Tịnh có mời hắn sang uống rượu. Người con trai lớn của bà hơn hắn mươi tuổi, là cán bộ cấp trung đoàn nói với hắn trong nước mắt: "Bây giờ thì mẹ đã coi em như đứa con út trong nhà. Không có em bảo vệ mẹ và chị..." Thật tình hắn không bảo vệ gì bà lão cả, hắn chỉ không làm nhục bà thêm thôi. Trong cách nhìn trong cách nói mỗi khi gặp hắn bộc lộ rõ sự tôn trọng của hắn đối với bà, bà là địa chủ nhưng bà còn là mẹ của các cấp trên hắn trong quân đội. Ông đội tỏ ra dễ dãi thì bà con nông dân lập tức dễ dãi ngay. Họ đã ăn ở với nhau hàng mấy đời nếu mình không sinh sự thì tự họ làm sao lại sinh ra sự. Ðối thoại, dàn hoà, đoàn kết là phương châm nằm lòng suốt một đời của hắn. Hắn không thể là người của hành động, hành động bao giờ cũng đòi hỏi sự bạo liệt của người lãnh đạo, người chỉ huy, không có bạo liệt thì chả làm được việc gì đến nơi đến chốn, việc nhỏ cũng hỏng nói gì tới chiến tranh, cách mạng. Năm 68 tuổi hắn nhận huy hiệu 50 năm tuổi Ðảng, trong lời phát biểu hắn nói rằng hắn xứng đáng được nhận danh hiệu một đảng viên cộng sản lão thành, nhưng trong thâm tâm hắn lại tự thú hắn không thể xứng đáng. Hắn chưa bao giờ là một chiến sĩ cách mạng trong hành động thực tiễn, hắn thường tỏ ra rất uỷ mị, rất mềm yếu trước kẻ thù khi họ đã thất bại, đã phải gánh chịu một số phận bi thảm liên luỵ tới cả vợ cả con họ. Hắn sợ phải đối mặt với những cảnh ngộ thương tâm, bất kể người trong cảnh ngộ trước đây họ là ai, đã làm những gì. Năm 1987 khi về làng Thổ Tang hắn có xin với Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc được trò chuyện dài ngày với phạm nhân Vũ Hồng Khanh, một lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng thời Nguyễn Thái Học, được quản thúc tại quê nhà do tuổi đã quá cao. Hắn gọi ông già là mọ và tự xưng là cháu. Một đảng uỷ viên xã đi theo lấy làm khó hiểu: "Chú là đại biểu quốc hội, là nhà văn của cả nước sao chú lại gọi một tên phản động là mọ và xưng là cháu?" Hắn trả lời: "Nhưng ông lão ấy còn lớn tuổi hơn cả bố tôi, tôi không thể gọi khác được". Năm hắn gặp lại bố đẻ và bà mẹ già, những người đã làm nhục hắn một thời thơ ấu, ông bố hắn nói rất thản nhiên: "Cái năm ấy chẳng qua là do hoàn cảnh...", hắn nói theo ngay: "Cậu chả nên nhắc lại cái chuyện ngày xưa làm gì, con cũng quên nó từ lâu rồi". Hắn quên thật và lấy làm thương cảm cho những người gắn bó một đời với một thể chế đã bị sụp đổ hoàn toàn từ một tuần nay. Rồi đây hai vợ chồng già sẽ sống bằng gì, vì con cái đã mỗi người tháo thân mỗi ngả. Tuổi già không có người chăm sóc, lại buồn, lại lo là sẽ khốn khổ vô cùng. Rồi hắn an ủi rất thành thật: "Cậu mợ còn có vợ chồng chúng con nữa kia mà. Chả có gì đáng phải lo lắm đâu". Không bao giờ hắn hé răng hỏi lại những người đã từng khiến hắn phải run sợ, vì lẽ gì họ lại có đủ ác tâm vu cho một đứa trẻ vốn là con mình phạm một tội mà họ biết chắc không hề có, không phải một lần mà những hai lần để dễ bề đuổi nó đi. Hắn chưa bao giờ có ý định trả thù, hắn không có máu trả thù. Vả lại thời thế đã trả thù giúp hắn rồi, một cuộc báo thù trọn vẹn, đẹp đẽ mà kẻ có thù có oán không cần mở miệng nói nửa lời, chỉ là người chiến thắng thôi, thắng từ trong nhà, trong dòng họ vốn chưa bao giờ biết sự có mặt của hắn ở đời này. Một người hiền lành, thích nhân nhượng, không tính oán kết thù với bất cứ ai một khi họ đã thất bại lại không thể tìm ra một cách kết thúc tốt đẹp trong quan hệ vợ chồng lúc đã về già sao? Hắn là người thắng, vợ hắn là người thua, một đời bị chồng con phá phách, tước đoạt, về già như một phế tích hoang tàn lại không đáng thương sao? Hắn đã từng tha thứ những người đã làm hắn khốn khổ mà không hề tự hỏi tại sao lại làm thế, chỉ thấy thương thôi, thấy xót xa thôi, chỉ muốn làm nhẹ bớt cái khổ của người đã từng làm cho mình khổ. Tại sao hắn lại không thể tha thứ những hành động vô lý, quá đáng của người vợ đã bắt đầu lẫn, đã có những ám ảnh phi thực tế của người có bệnh? Chỉ tại hắn đã xem vợ là một nửa của hắn, là chính hắn, lại có thể hiểu lầm một nửa này cũng là hắn, tại sao thế? Vợ hắn đã tự tách khỏi hắn từ bao giờ vậy, đang là hoàn toàn thuộc về hắn đột nhiên trở thành kẻ thù của hắn, vò xé cái nửa còn lại của hắn vào chính cái lúc hắn cần yên tĩnh nhất, thảnh thơi nhất để được sống bình thản, không lo nghĩ mấy năm cuối của một đời người tạm gọi là mãn nguyện. Và hắn đã quyết định không thể tha thứ sự phản bội đó, sự nổi loạn muộn mằn đó của cái nửa hắn vốn tin chỉ có hy sinh chứ không bao giờ dám chống trả. Như những năm đã qua. Vợ hắn nói: "Về già anh được tất cả, còn tôi chỉ được có mỗi một anh thôi. Anh mà ruồng bỏ tôi thì tôi thành tay trắng. Cho nên tôi phải giám sát anh, theo dõi anh, anh không thoát được tôi đâu. Tôi chỉ cầu xin ông giời cho tôi được chết sau anh dầu chỉ một ngày để tôi được yên tâm rằng anh không có người đàn bà nào khác, những đứa con nào khác ngoài vợ con chính thức của anh". Những người đàn ông khác có thể không thông minh bằng hắn nhưng đều có thể nói đùa một câu: "Bà còn hầu tôi vài năm nữa là ít, hầu tôi sống còn phải hầu tôi chết nữa kia, phải làm xong cái giỗ đầu cho tôi rồi bà có muốn đi đâu hãy đi!". Nhưng hắn không nói và có ý định sẽ không bao giờ nói, hắn không cho phép cái nửa kia của hắn dám ngờ vực, dám chống đối cái nửa còn lại, xét cho cùng có bao giờ tách khỏi cái nửa kia. Hắn không cho phép những người thân yêu nhất lại dám ngờ vực sự tận tâm, lòng chung thuỷ với vợ con của hắn. Một người hoàn toàn trong trắng trong cuộc sống cá nhân lại tự nhận đã có lỗi, một cái lỗi chưa bao giờ hắn phạm phải, nghĩ một cách tội lỗi thì có, đôi lúc vẫn có nhưng làm những việc không xứng đáng thì chưa bao giờ, chưa một lần nào, chỉ vì thương vợ, vì bệnh tật của vợ cứ cho là vì cả cái bệnh hoang tưởng của vợ mà chịu nhận lỗi cho vợ được vui lòng, cho mọi việc rắc rối được êm xuôi để giữ được sự yên tĩnh vốn có của gia đình, các con hắn vẫn khuyên hắn nên làm như thế. Thì hắn vẫn thường tự nhận nhiều lầm lỗi chưa bao giờ hắn phạm phải hoặc trong thâm tâm hắn vẫn cho thái độ ấy, việc làm ấy chả có gì là lầm lỗi, nhưng hắn vẫn nhận trước bạn bè, trước chi bộ, trước cấp trên thì sao? Người ta chưa nói hết câu hắn đã vội vàng nhận lấy tất cả, với bộ mặt giọng nói của người hối lỗi thì sao? Hắn đã trườn qua mọi chuyện rắc rối bằng sự sám hối nhanh nhảu để dành thời gian cho công việc viết lách thì đã sao? Cái lỗi được nhận khiến xung quanh quên đi nhanh chóng hắn đã là người có lỗi, tập thể luôn luôn đúng và hắn luôn luôn sai, đã kết luận được như thế thì còn gì phải căm ghét hắn nữa. Thế là tha liền, quên liền và hắn cũng quên luôn đã từng nhận những lầm lỗi gì. Nhiều người bạn của hắn đã phải chịu vất vả cả năm, cả nhiều năm vì đã tranh cãi đến cùng một cái lỗi, xét đến cùng là hết sức vớ vẩn so với những hoạt động khác của một đời người. Hắn vẫn thầm chê cái bệnh ham tranh luận, ham lý lẽ, ham phân tích sai đúng, phải trái của người này người kia là bệnh của thằng ngu. Hắn còn đọc được ở đâu đó, hình như của cụ Mác thì phải, rằng mọi tấn bi kịch đều sinh ra từ cái ngu của con người. Cái tấn tuồng nửa bi nửa hài của vợ chồng hắn lúc cuối đời có phải từ cái ngu của hắn không nhỉ?