Có lần nói chuyện với thằng con lớn, hắn có phàn nàn mẹ nó dạo này thay đổi tính nết lạ lùng quá, là một người đàn bà hoàn toàn khác chứ không còn là người vợ đã từng chung sống non nửa thế kỷ. Hắn nói: "Tại sao mẹ mày lại làm khổ bố thế nhỉ, lại có thể ngờ vực bố có ngoại tình? Lúc trẻ thì tin về già lại không thể tin, chả lẽ bố còn trẻ lắm hả? Là một ông già bảy chục tuổi đầu rồi, sắp ra nghĩa trang nằm rồi! Thở còn không được nói gì chuyện trai gái!" Thằng con cười một cách dễ ghét, như là một chuyện rất vớ vẩn, rất nhỏ nhoi, không đáng để ý mà những người già cứ thích làm cho to chuyện. Nó nói: "Nếu bố hoàn toàn trong trắng việc gì bố phải giận dữ đến thế, nói một điều không có chả lẽ nói mãi nó thành có à?" Hắn nói gần như rít trong kẽ răng: "Cái số tao cũng là cái số không ra gì, thuở nhỏ thì bị ông nội mày vu tao là thằng ăn cắp, về già lại bị mẹ mày vu là tao có ngoại tình!" Thằng con nhìn hắn cười nhỏ: "Lại còn không ra gì, như thế nào mới là ra gì?" Hắn ngồi nghĩ ngợi một lát rồi bảo con: "Có thể cũng là một dạng bệnh tâm thần, bệnh tâm thần phân liệt chả hạn, lấy chuyện ảo làm chuyện thật..." Thằng con nói: "Chả có tâm thần gì đâu, một cách trả thù đấy thôi" - "Cái gì trả thù?" - "Bố là người thắng mẹ là người thua, bố được cả, mẹ gần như mất hết" - "Cái gì mất hết...?" - "Xưa kia mẹ là người đẹp, lại rất khoẻ mạnh, lại có cơ quan, có bè bạn, có việc làm hàng ngày. Sau mấy chục năm đẻ con nuôi con, bây giờ đã thành một bà già bệnh tật, xấu xí, không có việc để làm, không có bè bạn để trò chuyện, không có gì hết ngoài chồng và con". Hắn nói vội: "Ðấy, đấy, chồng con là tài sản của mẹ mày, chồng con thành đạt tức là mẹ mày đã được nhiều, đâu có thua kém ai..." Thằng con vẫn còn đều đều: "Vẫn thua chứ bố, trong gia đình mình mẹ là người chịu thiệt nhiều nhất, thua đậm nhất". Hắn nói đã hơi gắt: "Thời xưa các bà vợ, bà mẹ chả đòi hỏi gì hơn là được hy sinh cho chồng con. Chồng con không làm gì nên vẫn chả phàn nàn một tí nào, vẫn rất thoả mãn vì đã làm tròn mọi bổn phận". Thằng con cười nhỏ: "Sao bố lại ví thời nay với thời xưa, mỗi thời mỗi khác chứ?" Hắn nói ương bướng: "Có nhiều cái khác nhưng cũng có nhiều cái không khác, như cách ăn ở, cách cư xử trong gia đình của các bà vợ, bà mẹ của Việt Nam". Thằng con vẫn cười: "Người dân hồi xưa chỉ cần cơm no áo ấm là đã rất bằng lòng. Nhưng bây giờ họ còn cần cả tự do và dân chủ nữa. Mấy vụ lộn xộn ở mấy xã của Thanh Hoá ngày nọ của Thái Bình mới đây đâu phải vì dân đói cơm, họ chỉ đói có cái quyền dân chủ của mình mà thôi. Các bà vợ cũng thế, xưa kia có chồng con là người sang trong nước là đủ mãn nguyện, nhưng nay thì không thể đủ, còn tôi nữa chứ, tôi có phải là con đầy tớ đâu mà không được tính đến?" Hắn lắng nghe mặt mũi cau có, nghe thì phải nhưng vẫn có cái gì chưa hẳn là phải, nó ngược lại với thói quen, với cách nghĩ vốn có của hắn. Hắn nói lầm bầm: "Người đàn bà là trụ cột của gia đình, là nội tướng, làm gì có chuyện chia ra là tôi, là anh, là chúng nó. Mày cứ bày đặt..." Thằng con lại hỏi, trong câu hỏi đã có ý giễu: "Một thành viên của cộng đồng phải có nghĩa vụ với cộng đồng, nhưng không bao giờ được xem là một với cộng đồng. Cộng đồng có quyền lợi của cộng đồng, cá nhân có quyền lợi của cá nhân. Nếu những người lãnh đạo quốc gia và những ông chủ gia đình lại cố tình quên đi những cái quyền của cá nhân là họ sẽ gặp rắc rối đấy. Như bố chẳng hạn?" Hắn lại gắt: "Tao là người viết văn, không viết về các số phận cá nhân thì viết cái gì?" - "Bố viết về người khác thì thế. Nhưng thử viết về chính mình xem sao? Chỉ có một ông chủ rất sáng chói và những thành viên loè nhoè của một gia đình. Và cái gia đình ấy phải có nghĩa vụ phục vụ ông chủ, hoà làm một với ông chủ, vì ông chủ thành danh thì cả mọi người đều có danh. Nhưng con cũng muốn có cái danh riêng của con chứ, mờ nhạt hơn bố cũng được nhưng là của riêng con" - "Chúng mày vẫn nghĩ như thế à?" - "Có một ví dụ rất cụ thể, cái bữa mấy anh quay phim tới đây, họ muốn bọn con phải có mặt cùng với bố, nhưng có đứa nào chịu ngồi cạnh bố đâu, nó trốn hết. Chỉ có con buộc phải có mặt thôi, vì con không thể trốn, và một thằng cháu ngoại nó thích chụp hình quay phim nên nó cũng không trốn... Ðừng có nghĩ một nước đã vẻ vang thì muốn đối xử với người dân thế nào cũng được. Cũng như ông bố đã vẻ vang thì có thể bắt vợ con làm tôi làm tớ cho mình cũng vẫn được. Nghĩ thế là nhầm!" Hắn hỏi thăm dò: "Vậy không phải là mẹ mày ngờ tao có ngoại tình thật, mà là..." Thằng con lại cười: "Mẹ tự xem đã là người bỏ đi rồi, không còn giúp gì được cho chồng cho con nữa, là người ăn bám hoàn toàn nên một cái nhăn mặt, một câu nói gắt, một cử chỉ tỏ ra lạnh nhạt của bố thì mẹ không thể bỏ qua như hồi còn trẻ đâu. Ðó là sự hắt hủi, sự ghê sợ của bố đối với một người vợ đã hoá ra xấu xí, đã hoá ra gai mắt chỉ muốn bỏ đi, muốn vứt đi. Nhưng bỏ thế nào được, vứt thế nào được vì mẹ vẫn là vợ của bố, là mẹ của chúng con, vẫn có quyền khuấy đảo cuộc sống của bố cả ngày lẫn đêm khiến bố phải nổi điên nếu mẹ muốn".