Hắn thích sự nhân nhượng, sự dàn hoà để có một kết cuộc vui vẻ, do tính cách bẩm sinh của hắn nhưng lại phù hợp với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, yêu cầu câu chuyện bao giờ cũng được kết thúc có hậu. Hình như cũng là cách viết của ông cha mình thì phải. Nên cô Kiều không chết ở sông Tiền Ðường mà lại được cứu để có cái cảnh tái hồi Kim Trọng. Nguyễn Du muốn thế mà Nguyễn Ðình Chiểu cũng muốn thế. Nhiều tác giả các truyện thơ khuyết danh cũng muốn thế. Nhưng Nguyễn Gia Thiều đã viết khác. Ông viết thật hơn, từ câu đầu đến câu cuối của thiên Cung oán ngâm khúc chỉ có tiếng than thấm đẫm nước mắt thôi. Rồi những tưởng tượng, những mơ mộng, những hy vọng nhưng thực tế thì ông vua đã quên cô ta rồi, còn cô cung nữ thì vẫn phấp phỏng: Ðè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi - Nghiên bình phấn mốc mà dồi má deo. Và hai câu kết thúc của tiếng rên dài vẫn chỉ là hy vọng: Phòng khi động đến Cửu trùng - Giữ sao cho được má hồng như xưa. Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay Xung đột, các nhân vật được phát triển theo đúng cái bản chất của người nông dân có đạo, họ trở nên bối rối, lầm lạc khi phải đối mặt với những thử thách của một thời kỳ không thuộc năng lực của họ chứ không tuân theo sự sắp xếp có hậu của tác giả. Tiểu thuyết Ðiều tra về một cái chết cũng thế. Các nhân vật Hai Gáo, Tư Tốn bị những nhân nhượng vặt vãnh suốt một đời tu đạo đẩy họ vào những tình thế bế tắc hoàn toàn, không có cách gì thoát ra được, chỉ có thể kết thúc bằng cái chết mà thôi. Nhưng chết trong văn chương thì sẽ được sống mãi trong lòng bạn đọc. Còn lại sống một cách gắng gượng, vô lý vì mong muốn của tác giả thì phải chết trong văn chương. Vì cuộc sống vốn quyết liệt không chấp nhận sự kết thúc có hậu ở những trường hợp ấy. Nhưng ở Cha và Con và... lại có sự nhân nhượng, sự giải hoà vì cha Thư đã tìm được cách chung sống giữa các bổn phận, lấy giáo dân làm Chúa của mình. Nhưng trong thực tế đã hoặc sẽ có một linh mục nào ở nước ta dám làm một cuộc cách mạng triệt để như thế không? Ở tiểu thuyết Chủ tịch huyện cũng vẫn có sự nhân nhượng. Nhân vật An là một chủ tịch xã rất trẻ lại có tài chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của một xã, nhưng anh ta cũng có tính láu cá và gian giảo của dân hàn vá nồi, lại được tỉnh và huyện nâng niu, chiều chuộng nên đã có những dấu hiệu của một cán bộ xã hãnh tiến, gian dối, bất chấp thủ đoạn để đạt tới cái đích của mình. Hắn đã nhận ra những biểu hiện tiêu cực còn mờ nhạt của một nhân vật đang được xem là thần tượng của huyện, của tỉnh, và đã có lời cảnh báo bằng nhận xét: Một cán bộ xã làm việc giỏi, rất tháo vát nhưng hay khuynh loát tập thể. Lý lẽ sắc bén nhưng nhiều khi nguỵ biện. Rất ưa người khác tâng bốc mình nhưng lại không biết gìn giữ uy tín của người khác. Cái phần hiện thực chỉ tới đó thôi, còn sau đó lại là "lãng mạn" rồi, bằng một kết thúc xem ra cũng có lý: cả nước đã bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ nên nhân vật An đã tự gột rửa mình trở nên sạch sẽ để bước vào cuộc chiến đấu mới. Bạn đọc những năm ấy cũng mong muốn câu chuyện được kết thúc vui vẻ như thế nên đã đồng tình với tác giả. Các nhà phê bình văn học lại càng đồng tình hơn. Cuốn sách đã thành công theo đúng những tiêu chuẩn mỹ học của một thời. Ba mươi sáu năm sau hắn trở lại quê hương của Chủ tịch huyện, nhắc lại chuyện cũ, nhân vật cũ mới té ngửa ra cuộc sống đã có những kết thúc khác hẳn, khắc nghiệt hơn nhiều, bi quan hơn nhiều. Ông chủ tịch xã trẻ tuổi đầy triển vọng năm nào đã trở thành một tên ác bá đầy thủ đoạn, cấp trên không dám loại bỏ vì y đã từng là ghế đệm của họ trong nhiều năm, còn dân chúng chỉ còn biết giương mắt nhìn chứ không dám hé môi nói nửa lời. Lúc hắn ngỏ ý muốn gặp lại nhân vật của mình thì được trả lời y đã trở thành kẻ lừa đảo của cả nước từ hai chục năm nay, hiện đang phải trốn chạy vì đã có lệnh truy nã toàn quốc. Hắn đã viết về câu chuyện buồn và đáng xấu hổ của hắn trong bài bút ký Mất toi một cuốn sách. Tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm cũng là một cuốn sách được viết theo tinh thần hoà giải mọi sự trái ngược giữa những người có chính kiến khác nhau. Họ đều đã già, đã từng trải nhiều trên chính trường, những mặt trái của một thể chế chính trị dựa vào Mỹ họ đều biết rất tường tận và đã tự tách ra về tư tưởng, về tình cảm từ nhiều năm rồi. Nên giữa họ cũng đã tìm được một tiếng nói chung khi đất nước vừa ra khỏi một cuộc chiến đã kéo dài và đang đứng trước những vận hội mới. Cuốn sách đã được bạn đọc của Sài Gòn, của miền Nam chấp nhận vì nó đã đem lại một hy vọng có nhiều tính thực tế. Nhưng trong cuộc sống thật như nó đang diễn ra hàng ngày lại không hoàn toàn như thế. Vì cái mặc cảm kẻ thua người thắng, dẫu là rất vô lý, cũng chưa thể gột bỏ được ngay trong một gia đình. Như cái đại gia đình của hắn là một ví dụ. Hắn là con vợ lẽ, vợ không chính thức nên hắn cũng là đứa con không chính thức. Vì hắn trở lại với gia đình trong đội quân chiến thắng, trong số những người sẽ làm chủ Sài Gòn nên không thể không tiếp đãi hắn cho đàng hoàng. Vả lại nhận một thằng Việt cộng cũng có dính líu một chút máu mủ ở cái thời buổi có nhiều bất an, nhiều lo sợ thì có gì là thiệt, là không nên. Có một đứa con của gia đình ở phe bên kia, phe chiến thắng gần như là một đảm bảo về chính trị trước nhiều câu hỏi, nhiều bản kê khai do cán bộ của khu phố, của phường, của quận đưa tới. Cho nên bố mẹ hắn mới xin hắn một tấm hình mặc quân phục có đeo lon thiếu tá đặt trên tủ buýp phê kê giữa nhà, có ai vào chơi là giới thiệu liền: "Cháu nó ở ngoài Hà Nội mới vào thăm chúng tôi". Ngày hắn gặp lại bố mẹ, bố hắn ngắm nhìn hắn một lúc lâu rồi bảo: "Nom anh bây giờ chả giống chút nào với ngày xưa, nếu anh không xưng tên thì tôi không thể nhận ra". Hắn nói: "Năm nay con vừa bằng tuổi cậu cái năm gia đình ta ở Nam Ðịnh". Bố hắn nói bâng khuâng: " Ừ nhỉ, 45 tuổi, đời người cũng nhanh thật". Rồi ông cụ lại nói: "Cái năm ấy là do hoàn cảnh..." Hắn cười, nói át đi: "Cậu chả nên nghĩ lại cái chuyện ngày xưa làm gì". Tức là hắn muốn giải hoà vì nghĩ rằng đã có điều kiện để giải hoà. Hắn trở về cũng không phải để giành lấy một cái gì, đòi có một cái gì, không lấy đi của ai bất cứ cái gì, trừ phi hắn có lòng dạ nhỏ nhen muốn nhân sự thắng thế mà trả thù. Nhưng hắn đã nói một cách vô tư nhất, trong tiếng cười hồn nhiên nhất: "Thôi bỏ đi cậu ạ, được gặp lại cậu mợ và các anh chị còn khoẻ là con vui rồi". Hắn nghĩ thế thật nhưng những người ruột thịt của hắn chưa hẳn đã nghĩ thế. Thoạt đầu thì vui, đang có nhiều lo lắng vì bị đột ngột quăng vào một thời thế mới chưa có chuẩn bị gì thì gặp người của gia đình, dẫu rằng đã quên nó từ lâu rồi, đã nghĩ không có nó, lù lù xuất hiện. Nên mới mở tiệc đãi đằng nó và bạn nó. Nhưng trong lòng vẫn không vui. Ðứa con trai út được chiều quí, nâng niu thì lại phải tập trung học tập cả năm vì nó là thiếu uý công binh của đội quân thất trận. Còn cái thằng đã vứt bỏ, đã muốn quên đi lại là nhà văn nhà báo, được nhắc nhở, được mong chờ của cả họ. Thế là bực, vì nó trái lẽ, nó ngược đời. Cuối năm 1976, trong một lần hắn lại chào bố mẹ để hôm sau ra Bắc, ông già cứ đứng trong cánh cửa sắt nói chuyện với con chứ không mở cửa. Rồi ông hỏi: "Anh có cần vào trong nhà không?" Bố nào lại hỏi con ruột cái câu lạ lùng ấy trước ngày nó lại đi xa, có thể năm sau nó lại vào, cũng có thể vài năm nữa nó mới được vào, công việc của nó là ở Hà Nội kia mà. Hắn biết ý liền nói ngay: "Dạ, không ạ, con đến chào cậu mợ thôi. Có chuyện gì cần cậu mợ cứ viết thư cho vợ chồng con". Nói rồi hắn quay người đi thẳng, trong lòng cũng hơi tủi, hơi giận. Một bữa cơm gia đình để chia tay cũng không có. Tức là bố và mẹ già còn ghét hắn lắm. Sự có mặt của hắn vào những ngày này đã làm họ xấu hổ nên họ ghét, có khi chỉ là như thế. Nhưng nó là con mình kia mà, nó làm đẹp mặt mình tại sao lại ghét nó. Vẫn đáng ghét chứ! Vì nó dám ngoi cao hơn các anh chị nó nên phải ghét. Chẳng lẽ dòng dõi lại tìm nơi phát sáng ở cái đứa mà trong một lúc quá thất vọng người bố đã phải kêu lên: "Thằng mán tiền!" Nửa năm sau thì ông già hắn mất ở tuổi 77 nên lần gặp người đứng trong cánh cửa kẻ đứng ngoài cánh cửa là lần gặp cuối. Năm 1982, tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm ra mắt bạn đọc cả nước. Hầu hết các nhân vật trong cuốn sách đều có nguyên mẫu cả, nhưng nhân vật văn học cô đọng hơn, sang trọng hơn, trí tuệ hơn. Hắn nâng họ thành các nhân vật đại diện, nhân vật tư tưởng tước bỏ hết những chi tiết dung tục của đời thường. Hắn viết không nhằm bới móc đời tư và những chuyện còn chưa đẹp mà chỉ cốt khẳng định lòng yêu nước đã thắng, cái thiện lương trong mỗi người đã thắng, xu thế của dân tộc có khả năng xích lại gần họ lại để cùng đối mặt với những thử thách mới, mỗi người mỗi cách. Nhưng cuốn sách đã làm mất lòng những người ruột thịt của hắn vì tính khách quan của người cầm bút. Hắn đã so sánh hai người, là hai cậu cháu, đều là quan lại, một người đã dám bỏ tất cả để đi theo kháng chiến, còn một người cứ níu chặt lấy cái thể chế cũ, mỗi năm một tự hạ thấp mình đi. Ðoạn văn đó như sau: Anh Hảo tốt nghiệp trường Luật ở Paris, về nước được chính phủ bảo hộ bổ nhiệm làm tri huyện, một chức quan cai trị vào loại cà mèng nhất. Ông bố tôi là dân tham biện chuyển sang ngạch quan lại, học vấn và uy danh tất nhiên không thể bằng ông cử nhân luật, nên cụ có vẻ thích thú cái chức vụ mới đó lắm. Thì có cà mèng vẫn cứ là quan lớn và vợ quan lớn tức thị là bà lớn và bà lớn có thể nói với họ hàng: "Ông huyện nhà tôi...", ông huyện nhà tôi thì sang hơn "ông tham, ông phán, ông ký nhà tôi" rồi... Lại một đoạn khác: Anh Hảo là người sướng từ trong trứng, bố tôi bì thế nào được. Cái đại gia đình ấy có cả hai vế: tân học thì có một tiến sĩ, một luật sư, cựu học thì có một phó vương, một khâm sai đại thần. Họ sang đến thế mà họ theo cách mạng được, cả ông phó vương lẫn ông khâm sai đại thần. Còn ông tri huyện lại khăng khăng bảo thủ chế độ cũ, muốn sống chết vì nó, từ chối mọi sự thay đổi... Nghe vợ hắn nói lại, mẹ già hắn đã nổi cơn giận dữ chưa từng có, vì xưa nay bà có tức chết cũng cố giữ cái vẻ ngoài điềm đạm và càng giận lại càng tươi nét mặt và cười. Tất nhiên là cười nhạt, cười gượng, cái cười lạnh lẽo mà ngày còn nhỏ hắn đã muốn dựng hết chân tóc mỗi khi hắn thấy bà nhìn hắn và cười. Vả lại xã hội đã trở lại ổn định dần dần, những lo lắng, sợ sệt vô lý của những ngày đầu đã không còn nữa, nên tấm hình - bùa của hắn đã được hạ xuống để trả lại cho cái đứa con mất nết đã dám dùng văn chương để chửi cả bố. Và cả gia đình đã từ hắn một cách hả hê, vì đã tìm ra cái cớ đích đáng để khỏi phải ngồi thấp hơn hắn, ngồi vòng ngoài mỗi lần có cuộc gặp gỡ trong họ. Cái số hắn hoá ra cũng vất vả, từ nhỏ tới năm 15 tuổi mới được về nhà bố để nhận mẹ già, nhận các anh chị, được tận mắt thấy bố ăn bố ngủ, lúc gắt lúc cười. Rồi bặt tin nhau vừa tròn ba mươi năm mới được gặp lại, chỉ có một người chết là ông anh rể có cửa hàng lớn ở Hải Phòng, còn vẫn đủ mặt. Ông bố đã là một ông lão tóc bạc phơ, đi đứng lòng khòng với cây gậy trong tay, nói năng ngập ngừng và cái nhìn đầy lo sợ. Ông đã hiện ra trước mắt đứa con vừa trở về như một người thất bại hoàn toàn. Các bà chị đã già đi nhưng vẫn sống túm tụm với nhau trong một ngôi nhà như xưa kia, vì chả có ai xuất giá cả, hay nói như chị Ðại "chả có ma nào chịu rước đi cho". Lần này xa nhau thấm thoát đã tròn hai chục năm, tuy cùng ở một thành phố, mỗi nhà đều có điện thoại, chỉ cần nhấc ống nghe lên và bấm số, mà vẫn không được biết tin tức của nhau. Hắn biết chắc sẽ không có cơ hội gặp lại vì nghe nói mẹ già của hắn đã buộc các con phải lập lời thề, mãi mãi không được nhìn nhận lại cái chi thứ đã bị tách ra. Việc gì phải thề, các anh chị hắn và cả hắn đều đã ở tuổi trong ngoài bảy mươi cả, còn sống được bao lâu mà sợ phải gặp lại. Trong số họ chỉ có hai người là có con, một dòng ở Pháp, một dòng ở Mỹ, đã thành công dân của các nước sở tại, đến đất nước của ông bà chưa hẳn chúng đã nhớ còn nhớ làm sao những người chúng chưa từng nghe nói, chưa từng gặp mặt. Cuộc chia ly vĩnh viễn này đã khiến hắn buồn lắm, càng có tuổi nghĩ càng buồn, cái cạn nghĩ của một người đàn bà đã làm đứt rời hai khúc ruột, khúc trên khúc dưới, thì cái dòng họ ấy còn có ra gì.