Cặp vợ chồng Hoa và Hiền dưới mắt bà con họ hàng, dưới mắt hàng xóm láng giềng, không hể gọi là giai ngẫu được. Hôm lễ rước dâu, dì Út của Hoa nới với họ hàng:
- Chú rể không xấu trai, nhưng con người y sao mà lạt lẽo như cơm nguội! Cặp mày y ta rậm mà vàng vàng như dính đất sét, tóc y ta cũng vàng, dơ dơ lem luốc. Da y trắng bủng trắng beo như da bụng con thằn lằn, như da con cá cơm, cá khoai vậy!
Khi cô dâu về nhà chồng, lũ em chồng cùng mấy đứa em bà con cũng tùng tam tụ ngũ để nói hành nói tỏi:
- Đờn bà gì mà hàm vuông, cằm vuông, miệng rộng! Con mẻ mà hả miệng ngáp, con cá bông bự bằng cườm tay phóng vô cũng lọt tuốt.
- Chị dâu tui tuy cao lớn, nhưng tui biết đâu là thứ đờn bà xương nhiều thịt ít. Mí mắt mụ nặng nề như mui xe đề-ca-bô-táp.
- Tướng cô dâu cứng ngắc cứng còng. Đã vậy mà tiếng nói còn khao khao, kháp kháp như tiếng vịt xiêm…
Đám cưới của Hoa và Hiền cử hành vào thời chiến nên hai bên đàng trai đàng gái cố làm đơn giản tối đạ Chàng là đại úy cảnh sát, nhà ở tận Lộc Ninh. Còn ngôi nhà từ đường của nàng ở tận làng Tân Ngãi thuộc tỉnh Vĩnh Long. Hiền làm việc tại ty cảnh sát Phú Lâm, còn Kim Hoa thì dạy học tại trường tư thục Xóm Gà. Hôm đám cưới, ông bà suôi gái từ Tân Ngãi lên Xóm Gà. Còn phần Hiền thì cha mẹ đã qua đời từ lâu nên người chú họ chàng đứng ra chủ hôn. Hiền mãi bốn năm sau mới về thăm ngôi nhà từ đường bên vợ. Còn Kim Hoa kể như chưa về thăm nhà chồng lần nào. Mãi cho tới ngày định bỏ Việt Nam vượt biên, nàng mới theo chồng về thăm Lộc Ninh, nhưng nhà đã bị dội bom sập nát, chỉ còn cái nền đất cỏ mọc rậm rịt, kèo cột đã được em gái Hiền giỡ đi.
Dù là không phải giai ngẫu, nhưng ai cấm vợ chồng Hiền yêu nhau rất mực? Hồi còn là học sinh trường Cao Tiểu Vĩnh Long, dù không ưa xi-nê, ca kịch nhưng Hiền chiều ý lũ bạn đi xem phim Giai nhơn và Ác quỷ (La Belle et La Bête) do Jean Couteau đạo diễn. Chàng hoàng tử bị mụ phù thủy trù rủa nên biến thành ác quỉ mình người mặt nửa cọp nửa sư tử. Mụ phù thủy cho biết, nếu có cô gái nào yêu chàng ta hết lòng hết dạ thì chàng ta sẽ trở lại hình người như xưa. Và quả vậy, về sau khi chàng được một cô gái đẹp, hiếu thảo, hảo tâm thương yêu, chàng đã trút bỏ được lớp dung mạo xấu xí kia.
Cuốn phim đã làm Hiền suy nghĩ nhiều. Nó mang một ẩn dụ sâu sắc. Hễ mình thương yêu ai thì người đó dù xấu xí gớm ghiếc thế nào đi nữa, cũng trở thành xinh đẹp dưới mắt mình. Cái đẹp thật sự không hẳn ở nét tạo hình mà còn do sự chiêu cảm của người ngắm. Xấu với người, đẹp với ta mà lại! Bởi vậy ông bà mình mới có câu: Ra đường lượm cánh hoa rơi, hai tay nưng lấy cũ người mới ta.
Sau ngày cưới, Kim hoa rủa thầm mấy con em họ, mụ dì Út của nàng một cách tức tối. Chồng « người ta » như vậy mà họ chê lạt chê trợ Thử đem ba, bốn tên kép hát bóng mà đổi coi nàng có thèm không! Trong đêm tân hôn, Kim Hoa đã được ngắm một tấm thân mảnh dẻ nhưng săn chắc và những điều quyến rũ mà chỉ riêng mình nàng thầm biết khiến nàng quên đi cặp chưn mày vàng vàng cùng màu tóc dơ dơ, luốc luốc của chàng.
Còn Hiền dù biết vợ mình nhiều xương ít thịt, cứng ngắc cứng còng, nhưng chàng hơn thiên hạ Ở chỗ được áp lên tấm thân đó để tận hưởng làn da mát rượi của nàng. Chàng cũng như bao nhiêu người khác, thường nghe Kim Hoa cà khịa với lũ bạn đồng nghiệp, cằn nhằn bà láng giềng thiếu nợ nàng đã lâu mà không chịu trả, mắng mỏ con tới gái ăn ở bầy hầy. Ừ, giọng nàng khao khao kháp kháp thiệt đó, nhưng trong lúc đầu ấp tay gối, giọng nói ấy sao mà mềm dịu, ấm áp lạ lùng, làm cho chàng đôi lúc ứa nước mắt vì cảm xúc.
Thiệt ra, trước ngày đám cưới, Hiền và Kim Hoa chỉ mới chuyện vãn với nhau đôi ba lần. Kim Hoa năm đó 27 tuổi, lứa tuổi mà các cô gái cảm thấy mình bắt đầu lỡ thời. Còn Hiền vì ít nói, và nói ra lời gì cũng đều lạt lẽo nên bị gái chệ Chàng để ý tới ai cũng bị kẻ đó lạnh lạt, chàng đi dạm hỏi đám nào cũng không xong. Nếu không có thằng bạn chí thân của chàng vốn là anh chú bác Kim Hoa trổ tài làm mai thì chắc Hiền còn lâu mới kiếm được vợ.
Ăn ở với nhau được một mụn con gái đầu lòng sau hai năm lễ cưới. Kim Hoa đã khám phá thêm một điều kỳ diệu ở chồng. Đâu phải Hiền ăn nói vô duyên! Chỉ tại chàng nhút nhát, có mặc cảm mình vụng về. Bởi đó chàng ưa ngậm miệng hến, khép miệng sò và ưa nói vắn tắt tiếng một, ngắn gọn đến mức cộc lốc. Nhưng với Kim Hoa, Hiền hết lòng tin cậy nên chàng không nhút nhát. Chàng còn có thể diễn tả những gì chàng suy nghĩ một cách thoải mái, trơn trụ Cái nheo mắt của chàng mới tếu và có duyên làm sao! Cái nụ cười hóm hỉnh của chàng mới dễ thương nhức nhối, tươi rạng thần sầu!
Một bận, có cô chị bạn dì và cô em của Kim Hoa lên Sài gòn mua sắm. Dĩ nhiên là Kim Hoa mời họ về nhà ở cho tới lúc họ khăn gói quả mướp trở về Vĩnh Long. Trong bửa cơm đầu tiên, Hiền hỏi Ngọc Thanh, cô chị bạn dì của vợ:
- Nghe nói ở miệt chị có chim quay, ốc gạo, xoài cát, ổi xá lỵ ngon lắm?
Ngọc Thanh vốn nghe đồn tên quan ba cảnh sát nầy ít nói, nay nghe hắn hỏi, nàng trả lời thôi liên tu bất tận. Thỉnh thoảng nàng quay qua hỏi Kim Lan, em ruột Kim Hoa để cô ả có dịp góp chuyện cho vui. Hiền yên lặng ngồi nghe, cặp mắt trơ trơ, không hưởng ứng mà cũng không tỏ vẻ thờ ơ, chán ngán. Sau cùng, Hiền bảo:
- Tôi vốn quen sống ở vùng miền Đông đất đỏ nên không thích chốn đồng bằng lầy lội, làng nầy qua làng kia bằng tam bản, xuồng ghe…
Lời kể của khách thì hăng hái, tràn ngập hứng thú, nhưng chủ lại kết một câu chát ngắt, mặn lè, như một cái xô thô bạo làm người kể té ngửa. Câu nói của Hiền chẳng những làm Ngọc Thanh và Kim Lan cụt hứng mà còn vét nạo hết mớ tình cảm vốn ít oi, phơi phới của họ đối với chàng.
Khi không có mặt Hiền, Kim Lan mè nheo chị:
- Đấng trượng phu của chị ăn nói có duyên quá nên không đủ tiền mà thưởng. Ai coi…
Chu choa ơi! Con mén Kim Lan tuổi tuy còn nhỏ, nó khờ chuyện gì không biết chớ về chuyện buộc tội kẻ khác, nó hay thần sầu.
Ngọc Thanh bảo Kim Hoa:
- Thằng đực của mầy nên đọc tiểu thuyết cho nhiều, đi coi hát bóng, cải lương cho thường để tập ăn, tập nói, tập cư xử với đời.
Cũng một hôm, hai ả nằm ườn xác trên gác ngủ trưa. Hiền từ Phú Lâm lái xe về, than ể mình.. Kim Hoa lấy thuốc cảm cho chồng uống. Không ngờ Ngọc Thanh, Kim Lan ở trên gác, Hiền kể cho vợ nghe đủ thứ chuyện. Chàng khen Ngọc Thanh có kiến thức rộng ở chỗ cận nhơn tình chớ không phải chỉ là thứ kiến thức thu thập ở sách vở. Hiền còn bày tỏ quan niệm sống của mình: « Ậy, ở đời mà em! Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị! Nhưng tới lúc cao nhơn bậc chót không còn cao nhơn nào hơn nữa thì tới phiên tiểu nhơn trị cao nhơn bậc chót đó. Con voi sợ con chuột là do lẽ đó. Còn con rít tối độc mà nhè lại sợ con gà. Gà trống gáy là nó chết đứng. Gà mái cục tác là nó bại liệt chưn cẳng hết bòn nổi… » Hoặc «Đời mà em! Kẻ thích ăn mì, người thích ăn hủ tiếu. Có người ăn đủ món ngon vật lạ, lại quay qua thèm mắm nêm, mắm ruốc, ba khía, cá mòi… »
Khi Hiền lái xe trở lại sở thì Ngọc Thanh và Kim Lan tuột xuống gác. Ngọc Thanh tấm tắc:
- Mèn ơi, ai mà dè thằng đực của con quỉ nầy gáy lảnh lót, mà gáy hay nữa. Nãy giờ tui ở trên gác mắc tiểu cứng bọng đái mà tui đâu dám tuột xuống đi tiểu, sợ làm nó cụt hứng nên tui rán nhịn, mệt muốn xỉu vậy đó.
Kim Lan trầm trồ:
- Mới nãy ảnh có nói tới cái áo dài bằng soie Pháp màu cam của em. Ảnh khen nó hợp với màu da nâu hồng ánh nắng của em.
Ngọc Thanh nguýt:
- Bộ nó chê tao hay sao? Nó khen tao lịch duyệt, cận nhơn tình thế thái, khen đủ thứ, có con vợ nó làm chứng. Mèn ơi, ai mà dè nó ăn nói ngọt như bưởi Biên Hoà, như mía Gò Mây, như quít chợ Lách vậy chớ!
Đó rồi Ngọc Thanh lẫn Kim lan xúm lại ca tụng Hiền. Kim Lan chót chét:
- Ảnh độ rày o bế tóc tai nên tóc ảnh dầu luốc luốc vàng vàn mà vóc lại mịn bóng. Tóc nhỏ sợi chỉ cần bóng lên một chút là đẹp ngay.
Ngọc Thanh lại véo von:
- Da thằng Hiền bắt nắng coi nâu hồng ấm áp chớ đâu có trắng bủng trắng beo như dì Út thường chê.
Kim Hoa đắc chí lắm. Nàng biết nàng có tật hay xạo đía, nói ra lời gì cũng chẳng ai thèm tin nên hôm nay, tình cờ mà nàng có cơ hội chứng tỏ rằng chồng mình có kiến thức, hoạt bát, biết ăn nói. Nàng biết thế nào khi về Vĩnh Long, hai ả Ngọc Thanh và Kim Lan sẽ đồn rùm chuyện tốt đẹp cho chồng nàng. Bởi đó, nàng thết món ngon vật lạ cho cả hai: nào là cá lóc nướng, tôm càng nướng cuộn rau sống bánh tráng, nào cá ngừ kho ớt bột ăn với bún, rau sống, nào là cá thu Phan Thiết ăn với bún, thịt luộc…
Quả thiệt, khi Ngọc Thanh và Kim Lan về Vĩnh Long chừng mười bữa là Lân, em trai Kim Hoa, gởi thơ lên Sài gòn cho biết: « Bà Ngọc Thanh lẫn mụ Kim Lan kẻ thì nổi danh đạo chê, người vốn hà tiền lời khen, kỳ nầy đi Sài gòn về khen anh Hiền đủ thứ làm má tụi mình mát lòng hởi dạ, lá gan nở bằng cái vịm, mũi nở lớn cỡ trái mận hồng đào. Họ còn khen chị lúc nầy mập đẹp, tướng tá mềm mại cao sang như mệnh phụ, đúng là tướng vượng phu ích tử. Nay mai anh Hiền lê lon, chị sẽ làm bà quan tư rồi nếu khép giao thiệp, ảnh sẽ được làm trưởng ty cảnh sát, vẻ vang vô cùng… »
Kim Hoa nhờ uống dầu gan cá thu và mỗi tuần nàng đều khỉa rượu có pha huyết gà trống đều đều nên bớt ốm, bớt khô khan. Hễ mập ra một chút là da nàng mởn ra, tươi mát hơn lên.
*
Trong năm đầu tiên, Hiền me vợ Ở cách ăn nói. Chàng cũng nhận thấy vợ mình có đôi mắt bụp quá, như sưng sưng và mí mắt lại dầy. Nàng đẻ một lứa con, cặp mắt đó đã hết bụp nhưng mí mắt trở nên nặng nề. Cặp mắt đó lúc nào cũng dửng dưng với mọi người. Vậy mà khi nghe chàng nói chuyện, cặp mắt đó hưởng ứng say mê nhiệt thành, sáng kỳ dị lại ươn ướt vì cảm xúc. Lúc đó, cặp mắt Kim Hoa trở nên đẹp vô ngần, nhưng khi rời chàng ra, cặp mắt đó trở về vẻ buồn ngủ thờ ơ cố hữu. Ngay trong đêm tân hôn, dưới ánh đèn có cái chụp màu ngà trên bàn đêm, cặp mắt đó sáng ngời ngợi, đắm đuối kỳ dị. Chính chúng giúp Hiền thêm can đảm để không cần phải giấu giếm chút gì trên thân thể mình trước mắt vợ. Chúng còn giúp chàng yêu tất cả mọi khuyết điểm trên thân thể vợ. Nhưng mà ngẩm cho cùng, thân thể nàng chỉ hơi cứng trong chiếc áo dài may không được khéo, chứ nó có nhiều ưu điểm mà chỉ riêng chàng biết: cặp đùi thon chắc, khúc eo thật nhỏ, bộ ngực vừa phải và xinh xắn, đôi mông tròn trĩnh. Và khuôn mặt nàng trong phút đam mê chất ngất sao mà đẹp! Nét gãy ở lưỡng quyền như bị xoá đi bởi màu hồng chói lọi trên da mặt, khuôn mặt nàng như mềm xuống, dịu dàng…
Nhưng Hiền vẫn biết vợ mình đía và xạo. Cái miệng nàng chót chét, véo von không lành da non. Trước hết, nàng khoe ông nội nàng là đốc phủ sứ, có ruộng cò bay thẳng cánh ở vùng Lộc Hoà, Phước Hậu, tỉnh Vĩnh Long. Nàng tả ngôi nhà từ đường nào là cột kèo bằng gỗ căm-xe có chạm trổ tuyệt khéo, nào là nền nhà đúc bằng đá da qui cao tới ngực và nền nhà lót gạch bông.
Bằng một giọng sôi nổi, Kim Hoa bảo:
- Ông nội em đời nào sắm bàn ghế, đi-văng bằng gổ bằng-lăng, cẩm lai, huỳnh đàn, giáng hương…Ván gổ thì kê ở dưới bếp cho tôi tớ ngủ. Bàn tủ, đi-văng ở trung đường toàn là gỗ nu nổi vân tuyệt đẹp. Còn tủ thờ nạm xa-cừ sự tích Bát Tiên Qúa Hải, Tiên Nữ Tán Hoa, Hằng Nga Ly Nguyệt Điện. Hồi xưa, ông nội em nuôi thợ khảm, thợ chạm hằng năm trong nhà, cắt tôi tớ phục dịch họ, coi việc cơm bưng nước rót, giũ chiếu giăng mùng cho họ…
Mắt nàng lim dim khi tả đồ cổ ngoạn:
- Xời ơi, em chưa thấy ở Sài gòn có nhà bá hộ, thiên hộ, vạn hộ nào nhiều đồ cổ ngoạn như nhà ông nội em. Ổng có cái tô thời Nam Tống màu thúy lục da rạn đẹp tuyệt vời. Nhà khảo cổ Viễn Đông đòi mua bạc triệu mà ba em đương thèm bán.
Nàng đổi giọng trầm thống:
- Khi ông nội em sắp chết, ổng có trối với ba em và mấy cô mấy chú của em, phải bảo trì đồ gia bảo, đừng cho thất lạc tẩu tán mà ở suối vàng ổng xót dạ đau lòng. Ba em nhứt nhứt tuân theo lời phụ huấn.
Ôi, niềm yêu mến mái nhà từ đường khiến Kim Hoa tả tỉ mỉ nơi chôn nhau cắt rún của mình. Nàng tả vườn sau sân trước. Nàng tả trung đường, các phòng ốc, căn bếp, thậm chí đến hàng lu khạp, hũ chóe, bồn ảng ở sân giữa. Hiền nghe vợ tả mà mệ Chàng vốn yêu đồ cổ, thích nếp nhà xưa. Kim Hoa tả hăng hái, sôi nổi đến nước mắt ràn rụa. Nàng nhắc tới cặp chậu sứ Giang Tây trồng mai chiếu thủy mà ba nàng mua hôm má nàng sinh ra nàng. Cặp mai đó đặt gần hòn non bộ Ở sân trước.
Một hôm, Kim Hoa đòi chồng đưa nàng đi Lái Thiêu để thăm nhà một cô bạn gái. Nhà cô ta ở xã Hưng Định, gần Lò Chèn Chòm Sao. Trước sân nhà đặt những chậu mai tứ quý đơm bông vàng đài đỏ thắm, cánh hoa ôm cái hột đen huyền. Nhưng khi vào sân giữa, Hiền lấy làm lạ. Hàng lu khạp, hũ chóe, bồn ảng ở đây sao mà giống hàng lu khạp mà Kim Hoa đã tả ở ngôi nhà xã Tân Ngãi của nàng. Kim Hoa điềm nhiên giải thích:
- Mấy ông nhà giàu xưa đều có cách sống, các trang hoàng giống nhau.
Anh hai Kim Hoa có vợ là dân có quốc tịch Pháp, được bên vợ cho đi Tây du học. Trước khi đi, anh ta để lại cho Kim Hoa hai rương sách nhưng Hiền không hề rớ đến. Chỉ có Kim Hoa khi buồn hay mở rương tìm sách đọc, phần nhiều là loại tiểu thuyết. Một hôm nhơn ngày chúa nhật rảnh rang, Kim Hoa nhờ Hiền mở rương kiểm điểm coi có mối mọt gì xâm phạm sách vở hay không. Hiền kiểm điểm từng cuốn, thấy sách còn mới, bát ngát mùi long não. Chàng bỗng thấy tận đáy rương có một quyển sách nói về đồ cổ ngoạn Tàu, có hình màu minh hoạ. Mèn ơi, đọc sách chàng mới biết cái tô Nam Tống, chiếc dĩa Càn Lon, cái độc bình Khang Hy trong sách y chang những thứ Kim Hoa đã tả trong ngôi nhà từ đường của nàng. Tuy ngờ vực nhưng Hiền không tỉện hỏi. Hơn nữa, chàng tự nhủ chẳng có gì cần thiết để biết rõ gia đình bên vợ.
Có điều làm chàng hơi bực mình là Kim Hoa từ trước có bảo hàng rào nhà nàng làm bằng cây sơn xanh, cổng trồng hai cây bằng lăng hoa tím hai bên. Vậy mà, một hôm hai vợ chồng đến chơi nhà thằng bạn chàng ở miệt cầu Băng-ky, Kim Hoa nhìn say mê cây bông giấy trổ hoa tím hồng uốn thành hình vòng cung trước cỗng. Nàng reo lên:
- Anh coi cổng bằng cây bông giấy có đẹp hay không? Cổng nhà hương hoa? ba em cũng bện cây bông giấy như vậy. Nhưng xen với bông giấy, ông nội em còn trồng thêm cây huỳnh anh bông vàng. Cổng bằng cây tươi bện khung, bện vòm mới hoà hơp5 với cái đẹp của hàng rào trà xanh có thả dây tơ hồng màu vàng như mì sợi trên mặt rào cắt bằng.
Hiền mỉm cười:
- Sao trước đây em nói cổng và hàng rào nhà em bằng cây sơn xanh?
Kim Hoa quắc mắt:
- Đời nào em nói vậy? Nhà ông nội em là nhà giàu xưa. Đời nào ông nội em thèm sắm cái cổng và cái hàng rào như anh nói. Ký ức của anh lóng rày coi bộ lộn xộn rồi đa…
Hiền vốn làm biếng cải lẫy nên cũng bỏ quạ Nhưng dù muốn dù không, chàng cũng nhận thấy cây cối trong sân, trong vườn và đồ đạc trong ngôi nhà đó thường bị Kim Hoa biến đổi luôn. Hồi nào nàng bảo trong sân có cây điệp ta, nay nàng quả quyết trong sân có một cây mộc lan hoa trắng và cây thông thiên hoa vàng. Mới bữa trước nàng nói nhà nàng có một cái tủ đứng bằng cây cẩm lai, giờ nàng đổ hô là nhà nàng có hai tủ lót gương soi hình hột xoài.
Sự vật thì vậy. Còn nhân vật cũng bị vợ chàng thay đổi luôn.. Người em kế của cha vợ chàng hồi nào Kim Hoa bảo là hiệu trưởng trường tiểu học, giờ nàng bảo là y sĩ tốt nghiệp đại học Y khoa Hà nội mà thiên hạ gọi là y sĩ Đông Dương. Hồi nào nàng chê dì út nàng da đen như bánh ích đường hũ, nay nàng ca tụng màu da trắng như bông bưởi của dì. Thiệt tình, hôm đám cưới, Hiền đâu chú ý tới ai, chỉ biết rằng hôm Ngọc Thanh và Kim Lan đi Sài gòn, dì có gởi tặng Kim Hoa một bức tranh Nam Hải Quan Âm để nàng thờ. Kèm theo bức tranh là giỏ ổi xá lỵ, giỏ ốc gạo và một chục nem chua.
Hiền dần dà biết vợ mình hình như có cái gì trục trặc trong đầu óc, trong ngôn ngữ đây. Nhưng mà nhằm nhò chị Nàng yêu chồng thắm thiết, đẻ cho chàng hai đứa con gái xinh đẹp. Nàng thôi dạy học tư để làm sở Mỹ. Khi sở dẹp tiệm, nàng có đủ vốn để chạy áp-phẹ Nàng hoạt động, vui tươi, dù cực nhọc cách mấy vẫn không hề nhăn nhó, ủ dột trước mặt chồng. Nàng trông coi việc tề gia nội trợ, sắp đặt đâu đó có khuôn nếp, nhà cửa sạch bóng. Nàng luôn luôn giấu giếm nỗi cực nhọc, chuyện bực mình với chồng. Nhưng Hiền biết hết. Chàng khuyên vợ nên bớt việc thì nàng cười:
- Ối, má em làm gấp năm gấp bảy em mà bả vẫn khoẻ mạnh như thường.
*
Rốt cuộc Hiền cũng biết được ngôi nhà từ đường bên vợ Ở xã Tân Ngãi, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Đó là dịp đàm tang bà nội vợ của chàng. Kim Hoa phải đem chồng và các con về quê chịu tang. Bà nội nàng đã già khú đế, năm năm qua cứ nằm một chỗ ỉa trây đái dầm. Giờ đây, cái chết là điều giải thoát cho bà và cất đi một gánh nặng cho cả nhà. Từ thơ dại, Kim Hoa cũng chẳng mấy yêu mến bà cụ độc tài, đã từng đối xử với mẹ và thím nàng quá khắc nghiệt.
Trên chiếc xe nhà do Hiền lái, Kim Hoa kể liên tu bất tận về thời thơ ấu và mới lớn của nàng dưới mái nhà từ đường. Nàng ứa nước mắt:
- Chắc là em sẽ khóc khi nhìn lại cảnh xưa. Em sẽ thao thức khi ngủ dưới mái nhà ấy để ôn lại kỷ niệm. Thuở nhỏ nơi quê nhà, em như một nàng tiên sống hạnh phúc trong nội cỏ thiên đường. Khi em mười sáu, ai cũng trầm trồ em xinh đẹp gấp ba gấp bốn nữ tài tử Romy Schneider trong phim Sissị Có anh chàng học sinh lớp đệ tam trường Long Hồ bỏ nhà đi tu vì gởi thư tỏ tình cho em mà em không đọc và gởi trả lại. Lại còn có thầy dạy Pháp văn đẹp như Alain Delon nhờ mai mối tới ba em. Nhưng khi ba em nhờ thầy tử vi so đôi tuổi thì thầy bảo hai tuổi xung khắc, vợ chồng không thể ăn ở bền lâu, chưa nát chiếc chiếu là én bắc nhạn nam hoặc sanh ly tử biệt. Anh coi, nhắc tới thuở còn ở quê nhà, em khóc đây nè! Làm sao em quên được thuở đó! Nhà trường có tổ chức đêm văn nghệ cuối niên học, em được chọn đóng vai Huyền Trân công chúa cho vở kịch nòng cốt. Em hát bài Nhắn người phương xa của Phạm Duy có nét giống Thái Thanh. Chắc anh không tin em hát có nét ca sĩ nhà nghề? Cũng tại em bị bịnh suyển nên giọng em mới hết trong, hết ấm…
Nàng nhắm mắt thả hồn về dĩ vãng và nói trơn như mỡ. Khi mở mắt ra, bắt gặp ánh mắt tinh quái và nụ cười hóm hỉnh của chồng, nàng háy dài:
- Em đang mềm lòng, tim em nức nở khi nhắc lại kỷ niệm đẹp cũ cho anh nghe, anh không thèm chia sẻ nỗi cảm hoài của em, còn đành đoạn tỏ ra giễu cợt em nữa. Thiệt tình căn đày kiếp đọa em mới gặp người chồng thiếu thơ mộng, trái tim dần dần hoá thành gỗ đá thì còn nước non gì!
Khi tới Tân Ngãi, vợ chồng con cái dắt díu nhau đi trên con đường đất. Gần bên ngôi đình núp bóng dưới tàn cây phượng vĩ trổ hoa đỏ ối, Hiền đứng lại trước chiếc cỗng bện bằng bông giấy hoa tím lẫn cây huỳnh anh màu vàng. Chàng nhìn vào sân. Đúng rồi, đây đúng là nhà từ đường bên vợ chàng rồi, trong sân có trồng cây mộc lan và cây thông thiên. Kim Hoa kêu lớn:
- Đâu phải nhà mình. Nhà mình đang có đám ma, lẽ nào vắng ngắt như vậy! Anh sao quê quá!
Hiền bảo:
- Sao hồi trước em nói cỗng nhà có bện cây bông giấy và cây huỳnh anh? Coi kìa, trong sân còn có cây mộc lan và cây thông thiên đúng lời em tả.
Kim Hoa đỏ mặt, nhưng nàng lại sừng sộ:
- Em nói như vậy hồi nào? Em ăn cơm trắng cá tươi, lẽ nào nói chuyện nước lã khuấy nên hồ như vậy! Anh sao hay đề án tử cho em hoài hà.
Hiền không cãi. Chàng nhì qua ngôi nhà có cổng và hàng rào bằng gỗ sơn xanh. Trong sân vẫn lặng ngắt. Dĩ nhiên đây cũng không phải là ngôi nhà từ đường của bên vợ chàng.
Kim Hoa đưa Hiền đến một ngôi nhà lợp ngói âm dương, vách bổ khọ Cổng trước bằng gỗ tạp, hàng rào bằng dây kẽm gai, sân trước tráng xi-măng. Tuy nhiên, khuôn viên khá rộng. Nhà năm căn, mái thấp lè tè. Nơi đó, kẻ ra người vào tấp nập. Kim Hoa bảo:
- Vào đi. Nhà mình đó đa.
*
Qua bốn ngày ma chay, cả gia đình Hiền trở về Sài gòn. Hiền không thấy hàng lu khạp, hũ choé, bồn ảng và cái sân giữa như lời vợ tả. Chàng không thấy đồ cổ ngoạn với tô Nam Tống, dĩa Càn Long, độc bình Khang Hy…Chàng cũng chẳng thấy bàn ghế bằng gỗ nu, gỗ cẩm lai, gỗ giáng hương, gỗ huỳnh đàn…
Trong dịp Hiền về thăm quê vợ thì ông Huyện Đăng, hàng xóm của gia đình vợ chàng, có mời chàng đến chơi. Nhà ông chính là ngôi nhà có cổng kết bằng cây bông giấy và cây huỳnh anh. Nơi đó, chàng tìm được loại bàn ghế bằng đủ loại danh mộc mà Kim Hoa đã tả. Cũng trong dịp này, Hiền có gặp cô cháu nội ông Huyện Đăng trước kia học chung với Kim Hoa. Cô nầy được nhà trường chọn đón vai Huyền Trân công chúa trong khi Kim Hoa đóng vai thị nữ Bích Liễu. Chàng còn khám phá ra Kim Hoa có một cô bạn khác hát thật truyền cảm, nhái giọng Thái Thanh hát bài Nhắn người phương xa hay thần sầu. Hôm đám ma, cô ta cũng có tới phúng điếu. Thôi rồi, Hiền cưới nhằm con vợ láo thiên láo địa, láo từ Bà Rịa láo qua, láo từ Cà Mau láo tới.
Cũng dưới mái nhà bên vợ với các bộ ngựa bằng ván gõ, tủ kệ đóng bằng gỗ thao lao, Hiền được cha mẹ vợ và họ hàng bên vợ tiếp đãi ân cần. Họ đều là những người ân cần hiếu khách, chất phác khiến chàng yêu mến ngaỵ Ông nội vợ chàng xưa kia làm nghề thương hồ, về già dừng bước ở đây lập vườn, sắm ruộng. Kim Hoa lớn lên được cha cho đi học. Nàng đọc tiểu thuyết nhiều và mơ có ngày trở thành văn sĩ. Nàng vốn chê nếp nhà mình cổ lổ, quê mùa, chê cách sống quá lu mờ nơi sàn dã, cho nên vừa đậu tú tài là nàng dông lên Sài gòn, dạy Việt văn cho trường tư thục ở Xóm Gà.
Kim Hoa không thoa? mãn nếp sống ở quê nhà. Nàng lấy hình ảnh ngôi nhà ông Huyện Đăng để dựng nên ngôi nhà trong giấc mơ củ mình. Nàng khoắng hình ảnh cái sân giữa và hàng ba khạp hũ chóe ảng bồn của nhà cô bạn ở Lái Thiêu để ráp vào căn nhà đó. Chưa hết! Nàng còn chưng bàn ghế bằng đủ loại danh mộc nhái theo bàn ghế nhà ông Huyện. Nàng còn thuổng luôn hình ảnh đồ cổ ngoạn trong quyển sách cất dưới đáy rương để bày biện trang hoàng cho ngôi nhà thêm sang, thêm đẹp. Nhưng mà cái tôi của nàng vốn nhan sắc tầm thường, vóc mình cứng còng cứng ngắc, giọng nói kháp kháp như giọng vịt xiêm mà đặt vô ngôi nhà mộng tưởng đó thì đâu có xứng, có hạp! Bởi đó, nàng dựng lên một cô Kim Hoa thuở mới lớn mỹ miều như Romy Schneider qua hình ảnh cô cháu nội ông Huyện Đăng, hát hay như Thái Thanh qua cô bạn gái hát bài Nhắn người phương xa
Hiền hồi tưởng lại căn nhà mộng tưởng lúc ban đầu của Kim Hoa với hàng rào và cổng bằng cây sơn xanh. Đó là nhà ông giáo Võ Hữu Trí, gần sát nhà ông Huyện Đăng. Có lẽ lúc đầu vợ chàng không dám mơ cao, chỉ ước được ngôi nhà cỡ nhà ông giáo Trí mà thôi. Ngôi nhà đó không có hai cây bằng lăng trước ngõ nên coi hơi trơ trẽn. Con người của Kim Hoa một khi đã rơi vào mơ ước rồi thì tội gì nàng không trồng thêm hai cây bằng lăng nữa cho thêm màu sắc rực rỡ?
Có một điều Hiền biết rằng mình không nên đem điều khám phá về ngôi nhà thừa tự để chế giễu hay mè nheo vợ. Nàng như vậy đó, một mythomane chẳng làm chết con muỗi, con rệp nào. Nàng làm áp-phe mà vẫn làm vui lòng những kẻ hùn hạp, đổi chác. Không ai rên siết nàng về tiền bạc. Không ai tròng vào đầu nàng tội lường công. Hiền còn biết thêm một điều: nếu không được gặp ai để xạo đía, nói dóc, Kim Hoa sẽ ủ rủ như ngặt mình ngặt mẩy. Nàng ngáp lớn, ngáp dài như không xua đuổi nổi cơn phiền muộn ùn ùn chất nặng xuống tâm hồn mình. Có nói những chuyện ba hoa chích choè, chuyện cà kê dê ngỗng, ba voi không đầy bát nước xáo, Kim Hoa mới bừng bừng sinh lực, khuôn mặt tươi rạng sinh khí, mắt sáng ngời ngời. Nàng nói láo, nói dóc quá nhiều nên quên hầu hết những lời đã nói, đã tuyên bố. Khi có ai nhắc lại, nàng chưng hửng, lướt cái nhìn sợ sệt và bơ ngơ báo ngáo lên người nhắc.
Những gì thuở nhỏ Kim Hoa thiếu thốn, mơ ước thì giờ đây nàng quyết lòng mua sắm cho bằng được để lấp đầy lỗ hổng trong giấc mộng của nàng. Nàng mua sắm từ từ, dù phẩm vật mua sắm không ngang giá với vật mơ ước, nhưng cũng đủ tạo căn nhà hai vợ chồng nàng thành một biệt thự xinh đẹp, trang nhã. Té ra ngôi nhà trong giấc mơ của Kim Hoa, song song với việc biến nàng thành kẻ gàn chướng, dở hơi, cũng đủ sức thắp sáng tiềm lực, đẩy nàng vào thương trưòng bằng tất cả phấn khởi, nhiệt thành hầu cố gắng thực hiện một phần mơ ước của mình.
Hiền không biết phải đối phó với cái tính ưa nói dóc của vợ mình cách nào! Nếu kéo vợ ra khỏi những giấc mơ trời ơi đất hỡi đó thì chàng tàn nhẫn quá đi. Mà dung túng, để nàng bơi lội thoa? thuê trong đó thì cũng không ổn vì dù sao đó cũng là trạng thái bất bình thường của con người. Thôi thì chàng đành làm ngơ, không đá động tới những gì nàng đã kể, nhưng cũng sẽ không ngồi nghe nàng huênh hoang chuyện trên trời dưới đất nữa. Chàng sẽ không tỏ ra hưởng ứng cái tật xấu đó, và sẽ lái vợ qua những thực tế, đáng tin hơn.
Từ hôm dự tang lễ về Sài gòn, Kim Hoa cũng bắt đầu nhận thấy chồng ưa lách ra khỏi những câu chuyện sang đàng rẽ dọc của nàng. Kim Hoa cụt hứng nên tốp bớt đía dóc, bớt kể những điều lọt ra ngoài sự thật, hoặc mượn sự thậtg của người khác làm của mình. Nhưng nàng biết tìm ai thay thế Hiền để nghe nàng nói dóc đây? Người khác có kẻ tin nàng nói hơn là Hiền đã tin. Nhưng được nói dóc với chồng vẫn thú vị hơn. Nàng đâu cần Hiền phải tuyệt đối tin nàng. Nàng chỉ cần chàng bỏ bớt vẻ hững hờ, miễn cưỡng để nghe nàng nói!
Chỉ có một điều an ủi cho Kim Hoa là sau khi từ Vĩnh Long về, Hiền đã có nhiều dịp tiếp xúc với họ hàng xa gần bên vợ. Nàng biết giữa chàng và họ, sự thương mến thành thật đã nảy sinh.
*
Khi Mỹ rút về nước, nghề chạy áp-phe của Kim Hoa không còn được trôi chảy như xưa. Nhưng nhờ khéo gói ghém, dè xẻn, nàng vẫn giữ cho chồng con được nếp sống hưởng thụ, sung sướng. Nàng xông xao ra chốn thương trường làm việc trối chết. Hai đứa con gái nàng đã đến tuổi dậy thì. Con Kim Hoàn 17, con Kim Xuyến 15. Nàng mua sắm cho con những bộ cánh vừa đẹp vừa sang. Không ai biết nàng bắt đầu chi nhiều thu ít, phải bán bớt một số nữ trang đi. Trước mặt Hiền, nàng luôn tươi cười âu yếm. Nụ cười dù có tươi ratng trên cặp môi tô son hồng đào nhưng ánh mắt nàng đã kém rạng rở, chung quanh mắt có nhiều vết chân chim. Nhiều đêm, khi Hiền ngủ an lành, sảng khoái thì nàng hãy còn thao thức, lăn trở vì tính toán đủ mọi chuyện. Đôi lúc Kim Hoa cảm thấy não cân mình bị căng thẳng tột độ, nội tâm bị dồn nén tối đa, nàng vào phòng tắm đóng chặt cửa để than khóc, kể lể, đôi khi hét lên. Có vậy nàng mới cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái hơn để tiếp tục lăn xả vào guồng máy sinh hoạt ngoài xã hội.
Sau ngày đổi đời 30.4.75, Hiền phải đi học tập cải tạo ở Bình Tuỵ Kim Hoa phải ra chợ trời kiếm sống. Nỗi gian lao, nàng cố giấu hai con gái để tụi nó yên lòng ăn học. Nhưng Kim Hoàn tinh ý, biết mẹ mình vất vả nên thường bảo:
- Thời buổi nầy, con thấy có đi học cũng chỉ tốn tiền bạc, công sức thôi. Lý lịch ngụy quân ngụy quyề như nhà mình thì đừng hòng ngóc đầu lên nổi. Chi bằng má cho con ra chợ trời với má.
Kim Xuyến phụ hoa.:
- Càng đi học càng thấy tủi nhục. Ngày mai con sẽ đi theo dấu vết tư sản mại bản cho xứng đáng là con ngụy quyền.
Kim Hoa xí một tiếng dài, nguýt hai cô con gái thiệt bén. Con nàng có nước da trắng như bông bưởi, như dừa nạo, đời nào nàng chịu cho tụi nó giãi nắng dầm mưa ở chợ trời! Sau cùng, Kim Hoa lập cho hai cô con một chái lá ở nhỏ ở đường Trương Minh Giảng cũ để tụi nó bán cà phê và chè đậu. Còn nàng vẫn mua đầu chợ bán cuối chợ.
Vào giữa năm 1977, Kim Hoa được giấy đi thăm nuôi Hiền. Nàng mua cà phê, đường cát trắng, sữa hộp, trà tàu, lạp xưỡng, thuốc men…Nàng còn làm thịt chà bông, chấy tôm trứng với thịt ba rọi khá mặn, kho gà với gừng sả để mang lên cho chồng. Trước ngày đi, nàng uốn tóc lại, tỉa chơn mày, làm móng tay nhưng không dám tô son giồi phấn và sơn móng taỵ Kim Hoa muốn cho chồng lầm tưởng rằng nàng vẫn như xưa, không quá cực nhọc sau cuộc đổi đời, cốt để chàng yên lòng. Nhưng vầng trán nhăn, đôi má hóp, màu da sạm nắng của nàng làm sao che giấu được? Bao nhiêu năm chung sống với vợ, Hiền làm sao không biết nàng hay giấu giếm nỗi gian lao của mình để chồng con được vui sống? Chàng vẫn bắt gặp đôi lúc nàng vào nhà tắm khóa trái cửa lại để than khóc, gào rống. Chàng vụt hối tiếc tại sao những lúc đó chàng không đủ can đảm ôm chầm lấy vợ vuốt ve, nói lời dịu ngọt, và hơn thế nữa, chịu nghe nàng nói dóc, nói xạo để nàng lên tinh thần, phấn chấn mà quên đi bao cam go của cuộc sống?
Cũng trong vòng lao lý, hơn lúc nào hết, Hiền mới cảm thương cho thời thơ ấu của Kim Hoa. Trong chiến tranh Việt Pháp, cha và chú của Kim Hoa bỏ nhà theo Việt Minh. Cảnh đại gia đình củ ông nội nàng trước đó cũng chỉ đủ ăn nhờ sự bương chải của hai người con trai, nay chuyển qua gánh cơm tấm của mẹ nàng, gánh chè đậu của thím nàng để nuôi mười bốn miệng ăn trong nhà. Kim Hoa vừa đi học,vừa chăm lo việc nhà, xắt chuối, nấu cám cho heo ăn, tắm rửa heo, quét dọn, rửa ráy chuồng heo…Năm đầu thi trung học đệ nhứt cấp, nàng trượt vỏ chuối. Năm sau nàng trượt vỏ dưa, rồi trợt vỏ dừa. May mà không có bằng trung học đệ nhứt cấp nàng vẫn lên được đệ tam rồi đệ nhị và cuối năm thi đậu tú tài phần nhứt. Lúc đó cha và chú Kim Hoa đã có cơ sở làm ăn tương đối vững vàng, nàng ngồi lớp đệ nhứt an ổn, có đủ thời giờ gạo bài nên đậu tú tài toàn phần cuối năm đó.
Hiền lấy làm lạ là về sau, khi đã ăn nên làm ra, Kim Hoa không hề nhắc tới tuổi ấu thơ cực khổ của mình. Nàng không hãnh diện rằng sở dĩ nàng thành công ngày hôm nay là do được tôi luyện trong môi trường thanh bần hồi nhỏ. Nàng quả cảm trong mọi việc nhưng lại nhút nhát trong việc đối diện tuổi ấu thơ nghèo khổ nên Kim Hoa tìm mọi cách để khoa? lấp, trốn tránh. Bởi đó nàng mới tạo một ngôi nhà trong tâm tưởng theo kiểu bứt râu cho chó cặm qua mồm con mèo và vẽ nên một nữ chủ nhân vừa xinh đẹp vừa hát hay dưới cái tên Huỳnh thị Kim Hoa.
Trong quãng đời lao tù cực nhục, hơn lúc nào hết, Hiền mới biết cảm thương, hiểu thấu nhược điểm của con người, nhất là cái tật nói dóc của vơt. Phải chi chàng kiên nhẩn một chút để nghe nàng ba hoa chích choè sau khi dự đám ma ở Tân Ngãi về. Sự tận tụy, tình yêu của Kim Hoa đối với chồng con phải được đền bù những điều qúy giá gấp trăm ngàn lần hơn việc kiên nhẫn ngồi nghe đó. Chàng đã tỏ ra sáng suốt tìm cách từ chối, không tham dự vào giấc mộng bệnh hoạn của vợ. Nhưng chàng có thật sự sáng suốt không? Hay đó chỉ là một hành động khe khắt, một thái độ ích kỷ?
Ôi, ngày được phóng thích sao mà xa thăm thẳm! Hiền không biết chàng còn được dịp nào được sum họp với Kim Hoa để gánh vác với nàng gánh nặng mưu sinh, để chia sẻ đủ mọi tâm tình, luôn cả niềm hoan hỉ về ngôi nhà mộng tưởng kia! Nếu rủi ngã gục trên quãng đời tù đày thì chàng chết mà không sao nhắm mắt nổi vì không tìm được dịp mua chuộc lỗi lầm với vợ.
Nhưng rồi vào năm 1984, Hiền được thả. Chàng trở về Xóm Gà để nhìn thấy căn nhà trống trơn, chỉ còn chiếc giường kê ở góc phòng khách, nơi Kim Hoa đang nằm lim dim ngủ gật. Nàng bịnh nhiều, thân thể gầy gò khô đét nhưng khuôn mặt vẫn rạng rỡ. Kim Hoa an ủi chồng:
- Em thấy anh về là em khoẻ liền, khỏi cần uống sâm nhung, ăn yến huyết. Em bán hết đồ đạc để có đủ 20 cây vàng cho hai đứa con mình vượt biên. Bây giờ cả hai đương ở Mỹ, vừa đi làm vừa đi học.
Lối xóm nghe Hiền về đều tới thăm. Họ khuyên chàng nên chăm sóc Kim Hoa chu đáo. Nàng nằm bịnh hơn hai tuần nay và cách đây hai hôm nàng đi tiểu ra máu. Tuy có một y sĩ quen thân cũ thường đến săn sóc nàng nhưng vì thuốc men khan hiếm, ông ta phải mua thuốc chợ đen. Cách đây hai hôm, ông ta bị bắt không hiểu vì lý do gì.
Hiền săn sóc vợ. Thấy chồng về, Kim Hoa vui lắm. Nàng trao cho chàng một gói vòng vàng nữ trang và một xấp bạc. Chàng lo tìm chỗ quen biết để đưa nàng vào nhà thương nhưng Kim Hoa lắc đầu:
- Em có nhắn Kim Lan, nay mai nó sẽ lên đây. Vì tưởng anh chưa về, em muốn giao tiền bạc và nữ trang còn lại để nó giữ giùm anh. Nhưng anh đã về đây rồi, vậy là may lắm. Em bị ung thư anh à. Đi nhà thương làm gì, vô ích!
Nàng nhắm mắt lại, chập chờn muốn rơi vào cơn hôn mệ Hiền ôm vợ vào lòng, khóc nức nở. Kim Hoa mở mắt:
- Trước đây hai đêm khi anh chưa về, em nằm chiêm bao thấy lại căn nhà nầy thuở vợ chồng mình mới dọn về. Nhà chỉ có bộ sa-lông và cái giường ngủ. Quần áo vẫn còn để trong va-ly, trong chiếc rương cây. Hồi năm 79, khi hai đứa con mình mới vượt biên, bẳng đi bốn tháng không có tin tức, em lo lắm. Cũng một đêm nọ, căn nhà lại hiện ra trong chiêm bao của em. Sáng ra, em được thơ tụi nó gởi từ đảo Bidong về.
Hiền cố dằn cơn nức nở:
- Căn nhà nầy hồi đó, với vợ chồng mình là một tổ ấm lý tưởng.
Kim Hoa cười rạng rỡ:
- Trong chiêm bao, nó hiện về báo điềm hên đó đạ Anh có nhận thấy như vậy không? Nếu em thấy nó một lần nữa, thế nào chúng ta cũng nhận được giấy nhập cảnh do toà lãnh sự Huê kỳ đưa tới. Nhưng thôi, em bạc phước chết trước, anh rán chờ. Nếu không thấy lại nó thì em sẽ hiện hồn về để báo cho anh tin mừng.
Những ngày sau cùng, Kim Hoa mê nhiều hơn tỉnh. Đã đến lúc Hiền cảm thấy mình phải nói gì với vợ. Do một linh cảm bén nhạy, Hiền nghĩ rằng không nên nhắc tới căn nhà bịa dóc của vợ. Ôi, trong những năm tháng cuối đời, chắc Kim Hoa đã nghĩ nhiều về căn nhà nầy, thuở hai người mới sống chung, đắm đuối trong hạnh phúc, tình yêu. Căn nhà thuở đó chẳng có hàng rào cây trà, chẳng có cây bông giấy, huỳnh anh; chẳng có sân giữa với bồn ảng, lu khạp chứa nước mưa; chẳng có bàn ghế bằng danh mộc; cũng chẳng có đồ cổ ngoạn Khang Hy, Nam Tống…mà chỉ có hai vợ chồng son, chàng nhút nhát, ăn nói lạt lẽo, con nàng thì nhan sắc dưới mức trung bình. Vậy mà cả hai yêu nhau đắm đuối. Cuộc đời cay nghiệt đã rứt Hiền ra khỏi tổ ấm, nên căn nhà mộng tưởng cũ cũng ra khỏi đầu óc Kim Hoa, thay vào đó là hình ảnh căn nhà nầy, để nàng sống lại tuần trăng mật cũ, những năm son trẻ cũ.
Trong những lúc Kim Hoa tỉnh táo, Hiền nói miên man về căn nhà nầy, về kỷ niệm đẹp, về hạnh phúc thời son trẻ. Kim Hoa yên lặng nghe, úp mặt vào ngực chồng. Nàng chưa bao giờ nghe Hiền nói nhiều đến vậy. Những lời nói của chàng dù bị cơn hôn mê của nàng vùi lấp, nhưng dư âm giọng chàng sao mà đầm ấm làm nàng cảm thấy an ổn tuyệt vời.
Kim Hoa chết đi, thất khiếu xuất huyết dầm dề mà mặt nàng tươi rạng kỳ ảo, môi nàng nở một nụ cười đẹp lạ lùng trong giấc ngủ ngàn đời.