Ngày mười tháng bảy, năm Dân Quốc thứ mười (1922) tại Trấn Bạch Sa, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Lần đầu tiên Mộng Hân nhìn thấy bảy tấm cổng tam quan nguy nga nhà họ Tăng, đó là một buổi sáng mùa Hạ. Đó cũng là cái ngày trọng đại nhất trong đời con gái của nàng: Mộng Hân đi lấy chồng. Hôm ấy, không những Mộng Hân thấy được những cửa tam quan danh bất hư truyền của nhà họ Tăng, mà còn hiểu thế nào là uy thế có một không hai của họ, cũng là ngày đầu Mộng Hân thấy mặt Tăng Tịnh Nam, chồng nàng, và một người đàn ông khác, mà sau đó gần như gắn liền với đời nàng. Đó là Giang Vũ Hàng, mãi mãi nàng sẽ không bao giờ quên những gì xảy ra trong buổi sáng hôm ấy. Trấn Bạch Sa hôm ấy, có thể nói là nhộn nhịp khôn cùng. Gần như dân của cả trấn đã đổ xô hết ra đường. Ngay từ sáng sớm, họ đã tụ lại trước cổng nhà họ Tăng. Họ nôn nóng chờ đợi để được xem cô dâu mới làm lễ bái “Cổng sắc phong”. Đây là quy luật của nhà họ Tăng, và chỉ có nhà họ Tăng mới có quy luật này. Nhà họ Tăng đã nổi tiếng xa gần nhờ bảy cổng sắc phong vua ban đó và đây không chỉ là danh dự của riêng họ Tăng mà còn là của cả trấn Bạch Sa này. Nó gồm các cổng Công Đức, Trung Nghĩa, Trinh tiết, Hiếu để, Hiền lương, Liêm chính và Nhân ái. Với một gia đình có đủ bao nhiêu đức tính tốt như vậy, tiếng tăm vang đến tận triều đình, để Hoàng Đế phải xuống chiếu xây cổng sắc phong ban tặng, thì thật là không phải dễ. Trách chi họ Tăng chẳng lấy đó làm điều kiêu hãnh với mọi người. Nhưng cũng chính vì nguyên nhân này, mà lại phát sinh ra lắm tục lệ quái dị, trong đó có tục cô dâu phải ra lễ bái cổng sắc phong rồi mới được vào nhà chồng một cái tục vô nghĩa, nhưng khá rầm rộ. Đã ba mươi năm qua, nhà họ Tăng chẳng có lấy một lễ cưới. Cái lễ trước đây thì đã khá lâu, lúc Tăng Mục Bạch lập gia đình, nhà họ Tăng mấy đời hơi hiếm muộn. Cả ba đời qua, họ đều là “một cây một quả”. Vì vậy Tăng Tịnh Nam cũng là con trai duy nhất, nên nếu lần ấy mà chẳng đi xem cô dâu mới lễ bái “cổ sắc phong”, thi hẳn là phải chờ những hai hoặc ba mươi năm nữa mới có dịp xem lại. Chính vì vậy mà chẳng trách gì dân chúng trong trấn, từ nhỏ đến lớn, trai gái già trẻ đều đổ xô đến cổng để xem. Họ chen lấn gọi nhau ơi ới. - Nhanh lên, nhanh lên nào, đến chiếc cổng thứ ba mới là cổng trinh tiết. Cô dâu chỉ làm lễ ở nơi này, chứ chẳng làm lễ ở những cổng khác. Phải nhanh chân để chọn chỗ tốt, nhanh lên. Người có kinh nghiệm, chỉ bảo cho người chưa có dịp xem qua như vậy. - Ồ! Xem kìa! Những tay trống kèn đã đến, chàng rể cỡi con ngựa bạch uy nghi quá. - Nhìn kìa! Nhìn kìa! Kiệu hoa cũng đã đến, phù dâu đông đến hai mươi cô đẹp thật. - Ồ! Đoàn người đưa dâu dài gần cả cây số, đám cưới lớn ghê. - Nghe nói cô dâu là người ở tận Đông Khê, người rõ là có phúc mới được làm dâu nhà họ Tăng ở trấn Bạch Sa chúng ta, chắc là kiếp trước phải tu dữ lắm. Rồi người này một tiếng, người kia một tiếng, không khí sôi động vui vẻ. Giữa cái ồn ào đó, ban nhạc mừng dến. Đi đầu là đội nghi lễ, với tấm bảng kết hoa hai chữ “Song Hỷ”. Kế là ban nhạc, sau ban nhạc lễ chú rể mặc áo đỏ cỡi ngựa trắng, tiếp theo là mười hai cô gái xếp thành hai hàng, rồi một chiếc kiệu hoa lớn màu đỏ phủ rèm, trướng thêu được tám tay khiêng kiệu lực lưỡng, khiêng chiếc kiệu sang trọng bày trí cảnh rồng và phượng hoàng vàng ánh. Sau kiệu lại có thêm hai hàng a đầu mặc áo đỏ, đứa nào cũng mặt mũi thanh tú sáng sủa. Dưới cái ánh nắng ban mai óng ả tháng bảy, cảnh trí càng rực rỡ huy hoàng hơn. Dân chúng ở hai bên vệ đường đứng xem, vừa thấy kiệu hoa xuất hiện, lại càng hưng phấn hơn, họ cố chen tới trước con lộ đá đưa đến cổng sắc phong để nhìn cho rõ hơn, và có lẽ biết trước cảnh lộn xộn đó, nhà họ Tăng cử cậu con nuôi của Tăng Mục Bạch là Giang Vũ Hàng dẫn trên một trăm gia đinh và công nhân, mỗi người cầm một khúc gậy dài đứng thành hai hàng rào hai bên để giữ trật tự. Vũ Hàng vòng tay đưa cao lớn tiếng nói: - Xin quý vị hương thân hãy thứ lỗi, xin chư vị làm ơn đứng sát vào hai bên lề, đừng cản trở đường đi lại, cảm ơn, cảm ơn. Đám đông đứng lui ra sau một chút. Nhưng rồi khi những tay cầm gậy lơi đi, họ lao ùn ra. Và thế là có một số người bị đè ngã ra đường. Cảnh tượng hỗn loạn lại như cũ. Mộng Hân ngồi trong kiệu hoa với chiếc khăn the che mặt. Nhìn cảnh tượng chung quanh một cách thích thú, nhưng cũng chẳng dám động đậy nhiều. Chiếc kiệu lắc lư trên trước. Nàng ngồi như thế đã hơn mấy tiếng đồng hồ. Trời lại nóng, dưới cái khăn phụng của nàng, mồ hôi đã ướt đẫm, suốt lộ trình gần như nàng chỉ nghe tiếng trống nện tung tung, nó làm nàng căng thẳng, trái tim đập loạn. Cuộc hôn nhân này, phía đàng gái do anh nàng đứng chủ hôn. Được kết thân với một gia đình vọng tộc như họ Tăng này, anh của Mộng Hân cảm thấy vô cùng hãnh diện. Cha, mẹ của Mộng Hân thì đã chết sớm từ lâu, anh nàng tháng sau lại phải chuyển công tác đến tận tỉnh Tứ Xuyên, vì vậy lễ cưới không thể đợi đến sang tết thu mới cử hành, mà phải tổ chức một cách gấp rút. Nhưng được làm dâu một gia đình gia thế này, Mộng Hân rất căng thẳng, chàng rể tính khó ra sao? Rồi cha mẹ chồng? Nhất là mẹ chồng, không biết khắc nghiệt không? Nàng cũng chẳng biết gia uy nhà chồng thế nào? Liệu bản thân mình có thích ứng nổi không? Nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ suốt con đường đến tận trấn Bạch Sạ Rồi nàng có cảm giác đoàn kiệu như đi chậm lại. Tiếng người cười nói ồn ào bên ngoài làm nàng giật mình, biết là mình đã đến gần các cổng sắc phong của nhà họ Tăng. Tuy trước đó ở nhà, nàng đã được tập dượt trước cách hành lễ. Nhưng nàng chỉ nhớ mình phải quỳ xuống dập đầu mấy cái rất là đơn giản. Thế còn bây giờ? Tiếng cười nói ồn ào, rồi tiếng gọi nhau, la hét, vỗ tay, làm Mộng Hân thấy căng thẳng thêm, cuối cùng rồi tiếng trống cũng im bặt. Tiếp đó Mộng Hân nghe tiếng vị chủ lễ xướng to như hét. - Ngừng kiệu! Kiệu được đặt xuống, mồ hôi vã ướt cả trán nàng. Tiếng ngân nga của vị chủ lễ: Mời cô dâu xuống kiệu! Màn kiệu được vén lên, nắng chói chang bên ngoài lọt vào, chiếu rực màn che mặt. Mộng Hân thấy chung quanh một màu đỏ chói, mắt hoa, tim đập mạnh. Còn đang bàng hoàng thì đã thấy má Từ và một cô phù dâu khác, đưa tay vào kiệu dìu nàng ra. Có lẽ vì ngồi khá lâu, nên đôi chân Mộng Hân mềm nhũn, bước ra khỏi kiệu là nàng đã không vững chân, ngay lúc đó, má Từ kề tai Mộng Hân nói nhỏ: - Này hãy bình tĩnh, đừng sợ! Không nên sợ! Bước chầm chậm thôi, để tôi dìu cho. Má Từ là vú nuôi của Mộng Hân từ nhỏ. Vì quý yêu, không muốn rời khỏi nàng, nên đã theo nàng về cùng. Cũng may là còn có má Từ, nếu không nàng cũng không biết phải xử trí ra sao. Tiếng lao xao của đám đông: - Ồ! cô dâu ra rồi! Cô dâu bước ra rồi kìa! Mộng Hân được dìu đến trước cổng “Trinh Tiết”. Nơi đây mấy a hoàn đã bố trí sẵn nệm quỳ màu đỏ. Vị chủ lễ lại cao giọng xướng. - Duy tân dậu, thái bình niên, tháng trăng tròn, ngày hạp, giờ biết cháu đích tôn nhà họ Tăng là Tịnh Nam, cưới con gái trưởng nhà họ Hạ là Mộng Hân làm vợ, xin được thông báo. Trong tiếng xướng đó, Mộng Hân chầm chậm tiến đến chỗ quỳ. Vị chủ lễ tiếp tục rao tiếp. - Mời Tân nương khấu đầu bái cổng Trinh tiết! Quỳ! Một lạy! Hai lạy! Ba lạy! Mộng Hân làm theo lời rao của vị chủ lễ. Đám đông đứng quanh vỗ tay, hò reo. Không khí rất náo nhiệt. Cuối cùng, Mộng Hân cũng dập đầu xong ba lượt, chủ lễ ra lệnh. - Đứng dậy! Được sự giúp đỡ của má Từ và phù dâu, Mộng Hân từ từ đứng dậy ngay lúc đó, một chuyện kỳ lạ lại xảy ra. Chợt nhiên, một cơn gió to từ đâu thổi đến, nó thổi tung chiếc khăn che mặt của nàng lên trời. Trong cơn sợ hãi, nàng cố hết sức chụp lại nhưng không kịp. Chiếc khăn bay lên cao rồi lại rơi xuống, rớt ngay lên vai một thanh niên trẻ. Đám đông đứng quanh ngẩng nhìn lên. Họ “Ồ”! sững sờ trước chuyện lạ. Mãi đến khi chiếc khăn rơi xuống, họ mới như chợt tỉnh, bàn tán lao xao. Gã thanh niên có được chiếc khăn, chẳng phải là ai xa lạ, mà là con nuôi của Tăng Mục Bạch, tên là Giang Vũ Hàng. Chiếc khăn rơi xuống vai làm Vũ Hàng cũng bất ngờ. Bất giác chàng quay qua nhìn cô dâu. Mộng Hân trong lúc bối rối cũng hướng mắt về phía khăn. Bốn mắt chạm nhau làm nàng đỏ mặt. Cảm thấy như đôi mắt kia có một từ trường. Cùng lúc đó đám đông đứng gần, hét lớn: - Nhìn kìa! Nhìn kìa! Cô dâu đẹp quá! - Ồ! Chưa động phòng mà đã bị Ông trời vén mạng che mặt rồi! Lạ không? Mộng Hân nghe vậy bối rối nhìn xuống, ngay lúc đó má Từ nhanh tay lấy chiếc khăn tay của mình ra che mặt lại cho cô dâu. Cùng lúc đó. Mộng Hân nghe tiếng của Tịnh Nam hét lớn: - Vũ Hàng! Mi làm gì vậy? Còn chờ gì mà chẳng trả mạng che mặt cho cô dâu che lại chứ? - Vâng! Vũ Hàng bấy giờ mới chợt tỉnh, vội vã cầm lấy tấm mạng che mặt của Cô dâu, bước về phía kiệu hoa. Thì ra anh chàng tên là Vũ Hàng, không hiểu sao Mộng Hân lại lưu ý lúc lòng đầy bối rối. Cũng trong lúc đó, khi Vũ Hàng còn chưa kịp trao chiếc mạng che lại cho cô dâu, thì một chuyện lạ khác lại xảy ra. Đột nhiên, có tiếng nhạc đưa ma từ một hướng khác tiến về phía cổng trinh tiết, tiếng nhạc thật buồn thảm, có lẽ là đã đụng phải đám tang. Mọi người kinh ngạc kêu lên, quay đầu nhìn qua, thì thấy một đám người đó không đông lắm, chỉ khoảng mười mấy, hai mươi người. áo trắng cờ trắng. Đi đầu là hai thanh niên trẻ. Một người cầm đuốc, một người cầm hình nộm to bằng người. Hình nộm này có hai chiếc bính tóc thắt trước ngực, mặt vẻ thanh tú, nhìn kỹ là hình thiếu nữ. Trên ngực hình nộm có viết ba chữ lớn “Trác Thu Đồng. “ Phía sau hai thanh niên này là một cặp vợ chồng già, với bài vị “Trác Thu Đồng” trên tay, phía sau nữa là đám người thổi kèn, có người thả vàng mã. Họ chậm rãi tiến đến kiệu hoa, vừa đi vừa gào to. - Tăng Tịnh Nam này, xác thân Trác Thu Đồng còn chưa lạnh, mà ngươi đã vội rước dâu về nhà ư? Đám đông đứng xem chợt “ồ” lên kinh ngạc. Họ vừa mục kích được một màn kịch sống quá haỵ Mọi người bắt đầu bàn tán, chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn cho rõ. Chuyện xảy ra quá bất ngờ, làm Mộng Hân sững sờ. Nàng không biết điều gì đang xảy ra, nhưng ban nãy đám người kia đã nói đến “rước dâu” như vậy hẳn là có liên hệ đến cuộc hôn nhân này. Má Từ đứng cạnh cũng hồn phi phách tán, quên cả chuyện cài mạng mặt lại cho cô dâu. - Tăng Tịnh Nam! Sao ngươi lại tàn nhẫn như vậy? Gã thiếu niên cầm hình nộm hướng về phía chàng rể quơ quơ, rồi nói- Mi hãy nhìn xem này! Đây là chị Trác Thu Đồng của ta, mi đã phụ người, bức người phải chết đi, bây giờ lại còn dám ngang nhiên khua chuông đánh trống rước dâu, mi chẳng sợ trời xanh trả báo ư? Cái khuôn mặt đang tươi cười hớn hở của Tăng Tịnh Nam chợt nhiên tái bệch. Hắn trợn mắt quay đầu lại, quát. - Vũ Hàng! Vũ Hàng đâu? Tại sao ngươi không cho dẹp cái đám họ Trác lộn xộn này đi chứ? Vũ Hàng vội vã chạy tới, đứng áng trước Tịnh Nam, rồi nói như nài nỉ với đám người gây rối. - Làm sao quí vị lại gây rắc rối thế này? Bất kể thế nào nhà họ Tăng chúng tôi cũng đang có chuyện vui. Nếu quý vị có chuyện gì muốn nói, thì hãy đến nhà chúng tôi thương lượng. Trác lão gia, Trác lão má, Thu Quý va Thu Dương. Quý vị hãy nể tình tôi, mà rời ngay ra khỏi nơi này ngay đi. Vị được gọi là Trác lão má bước tới nước mắt ràn rụa nói: - Giang thiếu gia! Nhà họ Trác chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng tuân theo lời của Giang thiếu gia, chỉ có một việc này là xin chịu. Giang thiếu gia cũng thấy đấy, Thu Đồng, đứa con gái của chúng tôi, nó đã phải chết một cách oan uổng vì cái tay sở khanh này! Câu nói của ông lão làm cho lão bà bên cạnh khóc theo, bà khóc thật to, vùa khóc bà vừa ngước mặt lên trời gào. - Thu Đồng ơi! Thu Đồng! Con sống khôn thác thiêng, thì hãy bắt kẻ đã nợ con phải trả! Tịnh Nam đứng sau đấy nổi giận, hắn quay đầu lại hét lớn. - Thật là quá lắm! Lão Vưu! Lão Dương đâu! Hãy đuổi bọn này ra khỏi đây. Hừ! Bộ ăn được gan gấu gan beo sao mà dám đến đây, để quấy phá ta trong ngày hôm nay chứ? Lời của Tịnh Nam như đổ dầu vào lửa. Đám người họ Trác đùng đùng nổi giận. Thiếu niên đang cầm đuốc là Thu Quý vội đưa bó đuốc thẳng vào mõm ngựa, khiến con ngựa kinh hoảng chồm lên suýt chút đã hất Tịnh Nam rơi xuống. Thu Quý quay qua nói với đám đông: - Các vị thân hào nhân sĩ trong làng. Xin các vị hãy suy xét xem ai đúng ai sai, gia đình chúng tôi là gia đình nghèo khổ, vì vậy em gái tôi là Thu Đồng, vì muốn kiếm tiền lo cho em trai chúng tôi là Thu Dương ăn học, đành đến nhà họ Tăng làm a đầu, chẳng ngờ gã Tăng Tịnh Nam này chẳng phải là con người, hắn đã quyến rũ em gái tôi. Hắn sợ em tôi không tin nên đã thề thốt, nào là sẽ cưới em gái tôi làm vợ. Nếu chẳng được là vợ cả cũng sẽ là vợ hai. Em gái tôi cả tin nên đã trao thân cho hắn. Tịnh Nam ngồi trên ngựa, giận dữ hét: - Hãy bắt hắn câm miệng! Đừng để hắn nói bậy nói bạ Ở đây để vu oan cho tạ Những điều hắn nói đều khoác lác chẳng phải là sự thật. Thu Dương cầm hình nộm xông tới: Tăng Tịnh Nam, mi không biết xấu hổ ư? Mi nói là bọn ta nói dối? Không lẽ mi đã quên chiếc ngọc bội mi đã trao cho chị ta làm tin rồi ư? Tịnh Nam trừng mắt- Ngọc bội nào? Đó là cô ấy đã lấy trộm của nhà ta! Trác lão má vừa khóc vừa kêu trời: - Trời ơi! Trên đời này sao lại có con người bạc tình bạc nghĩa như vậy? Thu Đồng con tôi đã chết một cách oan ức! Nó quá tin lời người, thằng này nó giả vờ yêu thương, đến khi cưới vợ nó phủ nhận tất cả không chỉ phủ nhận mà nó còn đuổi con tôi về nhà. Tội nghiệp con nhỏ trong phút giây không suy nghĩ đã treo cổ tự sát. Các vị hương thân, các vị thấy đấy. Nhà họ Tăng vừa có tiền có thế, lại có cả những cổng sắc phong, nhưng họ lại là thứ vô lương tâm nhất. Tịnh Nam quay qua Vũ Hàng: - Vũ Hàng! Mi đứng đó xem họ chửi, họ làm nhục ta vậy ư? Đâu phải ngươi đến đây nghe họ kể lể. Gậy trong tay nhà ngươi làm gì? Sao không đánh đuổi họ đi? Rồi quay đầu ra sau, Tịnh Nam ra lệnh: - Lão Vưu đâu? Lão Vưu! Hãy đánh đuổi bọn họ đi cho ta! Đám gia nhân vừa nghe lệnh chủ xông đến, thì Vũ Hàng đã lớn tiếng hét: - Tất cả không được đánh người! Bọn gia nhân đành lùi lại. Vũ Hàng quay sang người nhà họ Trác, vòng tay thi lễ, thành khẩn nói: - Chuyện của Thu Đồng, xin các vị hãy tin tôi, rồi tôi sẽ có cách giải quyết, để Thu Đồng có thể yên giấc ngàn thu, còn bây giờ xin các vị hãy lui chọ Chứ để tình cảnh thế này, quả là khó xử. Mà làm thế này nào có giúp ích được gì cho Thu Đồng đâu? Thu Đồng cũng đã mất rồi. - Chính vì chị Thu Đồng tôi đã mất, mà chúng tôi đau đớn đến độ không thiết sống nữa. Bi kịch này chẳng có cách nào cứu vãn được đâu? Thu Dương lúc đó chỉ mười sáu tuổi, dáng mạo khôi ngô, là một học sinh ưu tú của Trường trung học Bạch Sa, nói: - Vả lại cái tay Tăng Tịnh Nam này chẳng tỏ ra chút gì là ăn năn sám hối, lại còn huênh hoang lớn lối. Hắn đã đổ trút trăm thứ tội lên đầu chị tôi. Hành động của hắn có ai chịu được? Hãy nhìn kỹ thái độ hắn kìa. Nói đến đây Thu Dương nghiến răng tiếp: - Đúng là mẫu cầm thú trong lớp áo người mà! Tịnh Nam nghe giận dữ. - Hừ, Vũ Hàng! Mi còn đứng đó cãi cối cãi chày gì? Mi chẳng nghe hắn chửi ta, chẳng chừa một chỗ nào cả ư? Cứ đứng đó mà khách sáo mãi. Và quay qua đám thuộc hạ. - Lão Vưu! Lão Dương! Đại Xương! Đại Thạnh đâu! Bọn bay hãy xông tới đập cho chúng một trận xem! Thu Quý giận dữ hét- Đúng là đồ vô lại! Mi không phải là người, hôm nay ta phải sống mất một phen với ngươi. Nói xong, Thu Quý đưa bó đuốc quơ mạnh tới trước mũi con ngựa, lần này thì con vật kinh hoảng hơn, nó nhấc bổng hai chân trước lên hí vang. Tịnh Nam ngồi trên lưng ngựa, mất thăng bằng, rơi ngay xuống đất, mọi người hét lên vì sợ hãi. Đám gia nhân nhà họ Tăng và Vũ Hàng vội vã chạy đến đỡ Tịnh Nam lên. Họ kéo đến nhiều quá làm con ngựa càng kinh hoảng, nó đạp bừa lên đám đông. Tiếng la hét, sợ hãi làm khung cảnh thêm phần hỗn độn.Trong lúc hỗn độn đó hai anh em Thu Quý và Thu Dương đã đặt hình nộm bằng giấy kia trước kiệu hoa rồi đốt. Lửa bừng lên gặp gió, gặp giấy và sườn tre, càng bắt cháy mạnh hơn. Lửa bén nhanh về phía kiệu. Má Từ và các cô phụ dâu sợ hãi kéo Mộng Hân ra. - Mộng Hân! Mộng Hân chạy mau! Chạy mau. Mộng Hân sợ quá theo chân má Từ và phù dâu chạy ra phía sau kiệu khi đó ở đây cũng đã đầy nghẹt người. Thu Dương vừa đốt hình nộm vừa ngẩng đầu lên trời nói. - Chị Thu Đồng ơi, Thu Đồng! Nợ có vay phải trả, nay chị đã chết không nhắm được mắt, thì hãy đi tìm kẻ nợ chị bắt hắn phải cùng biến ra tro bụi như chị đi. Trác lão má cũng vừa khóc vừa nói: - Cháy đi! Cháy đi! Thu Đồng con! Con hãy về đây đốt sạch các tấm cổng sắc phong của nhà họ Tăng, đốt sạch cuộc hôn nhân của hắn! Đốt hết tất cả đi. Tịnh Nam được Vũ Hàng và đám gia đinh vừa đỡ dậy mình mẩy đã lấm lem, lại thấy lửa bốn bề cháy cao còn đám người họ Trác lại đang ngông cuồng, biết là khó bề chống chọi nên vừa bỏ chạy vừa nói: - Không xong rồi, bọn họ đã điên cả rồi, họ định đốt cả ta! Vũ Hàng! Vũ Hàng đâu! Hãy cứu ta. Thu Quý thấy Tịnh Nam bỏ chạy, giận không chịu được ném thẳng bó đuốc về phía Tịnh Nam, nhưng đuốc lại rơi đúng kiệu hoa làm kiệu hoa bốc cháy mạnh hơn. Má Từ thấy vậy hét: - Tiểu thư! Tiểu thư! chạy đi thôi, chạy đi.Mộng Hân bị cảnh hỗn độn làm kinh hãi, mặt không còn một giọt máu mà trên người lúc đó lại đầy đồ trang sức chiếc mão cô dâu trên đầu lại nặng trịch. Đám đông đứng quanh đông nghẹt nên chẳng biết phải thoát bằng lối nào, lửa lại càng lúc càng gần. Mộng Hân đứng chết lặng một chỗ. Đến khi lửa đã liếm đến vạt áo nàng, má Từ mới sợ hãi hét: - Trời đất ơi! Ai đó làm ơn đến cứu tiểu thư nhà tôi! Cứu chúng tôi.Khi đó Vũ Hàng xuất hiện, chàng lao nhanh tới cởi chiếc áo khoác ngoài cầm nơi taỵ Rồi một tay nắm lấy tay Mộng Hân kéo ra, một tay dùng áo dập tắt lửa, lúc đó đám gia đinh nhà họ Tăng cũng đến kịp cứu lấy kiệu hoa. Khi cứu được xong, kiệu đã bị mất nóc, mất cửa, trông chẳng còn ra cái thể thống gì nữa. Mộng Hân chưa hoàn hồn, ngước mắt lên lại chạm ngay ánh mắt của Vũ Hàng. Cái ánh mắt lạc lõng buồn bã kia lại làm tim nàng đập mạnh, Mộng Hân phải vội quay dị Vũ Hàng nói với đám gia đinh. - Lão Dương, Lão Vưu hãy đi tìm thiếu gia lại đây, còn Đại Xương, Đại Thạnh các ngươi có bổn phận đi tìm ngựa. Diệu Vy, Diệu Thăng thì chỉnh đốn lại hàng ngũ. A Quang với A Hoa, thu dọn đồ đạc nhé- Thưa Trác lão gia, tôi nghĩ người đã chết rồi thì cũng không làm sao mà sống lại được. Chuyện hôm nay đến nước này tôi nghĩ có lẽ các người cũng đỡ phần nào nguôi được cơn giận. Oan gia nên giải, chớ đừng nên kết. Thôi thì hãy dừng lại ở đây, sáng mai tôi sẽ sang nhà các người lúc đó ta sẽ nói chuyện sau, còn bây giờ xin hãy giải tán được chứ? Trác lão gia chưa nói gì thì Thu Dương đã lên tiếng- Giang đại ca, những gì vừa nói là ý của cá nhân đại ca thôi, chứ còn nhà họ Tăng, họ chỉ biết đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người, chúng tôi chẳng làm sao cãi lại được họ, hỏi làm sao không tức được chứ? Thu Dương vừa dứt lời thì trong đám đông có một cô gái đẹp khoảng mười lăm mười sáu tuổi với hai chiếc bím tóc thả dài trước ngực, trong bộ áo lụa màu đỏ bước ra. Nhìn là biết ngay là người họ Tăng. Cô ta đi thẳng đến trước mặt Thu Dương, nhìn Dương với ánh mắt thiết tha van nài. - Thu Dương, anh đừng làm to chuyện nữa, chẳng giúp được gì. Ông anh tôi tuy có trăm điều, ngàn điều không phải nhưng còn chị dâu tôi, người chẳng có lỗi gì cả. Anh làm thế này tội nghiệp chị ấy chứ? Mộng Hân nghe nói lòng cũng xót xa, bất giác quay qua nhìn cô gái, cô gái còn khá trẻ mà đã nói được điều Mộng Hân đang nghĩ. Ấn tượng đầu tiên của Mộng Hân về Tịnh Huyên là như vậy. Và trong suốt quãng đời làm dâu của Mộng Hân thì Huyên có thể nói là người bạn hiểu biết Mộng Hân nhất. Vũ Hàng tiếp lời cô gái. - Tịnh Huyên nói đúng đấy, không nể tăng thì cũng phải nể phật một chút, quý vị đồng ý không? Thu Dương hơi ngập ngừng hết nhìn Tịnh Huyên lại nhìn Vũ Hàng và như lãnh hội được cái sự thành khẩn của hai người. Thu Dương quay qua nhìn cha. Trác lão gia nãy giờ chăm chú ngắm Mộng Hân. Thấy áo cưới nàng giờ đã xốc xếch. Mão cô dâu lệch lạc, mắt còn ngơ ngác kinh hoàng, lòng chợt giao động lên tiếng- Thôi bao nhiêu đủ rồi. Chúng ta quay về thôi! Thu Dương quay qua Thu Quý: - Cha đã bảo về, thì chúng ta về vậy. Nhưng Thu Quý như còn chưa hả cơn giận, vung nắm đấm về hướng Tịnh Nam nói: - Tăng Tịnh Nam! Con người mi thế này không xứng có một cuộc hôn nhân tốt lành đâu. Rồi đời mi sẽ mạt! ông trời có mắt mà. Hãy nhớ mi còn một món nợ của nhà ta đấy. Mộng Hân cũng nghe rõ lời nguyền rủa đó, bất giác rùng mình.Nắng tháng bảy chói chang, nhưng lòng Mộng Hân sao nặng trĩu lạnh buốt. Nàng ngơ ngẩn chẳng biết rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu, mới làm cô dâu, nỗi vui vừa bừng lên là nhanh chóng lụi tàn. Còn lại chăng là nỗi sợ hãi, lo lắng, âu lọ Nàng có cái cảm giác của người rơi xuống biển cả mênh mông, không nhìn ra được bến bờ. Người nhà họ Trác rút lui lúc nào Mộng Hân cũng không haỵ Mộng Hân như một cái máy bước vào từ đường, bái tổ tông, vào đại sảnh bái trời đất, bái bà nội của Nam, bái cao đường. Mỗi một nghi lễ, Mộng Hân đều hành động một cách suông sẻ. Có điều lòng nàng ngập đầy nỗi lo âu, ẩn ức, muộn phiền. Mộng Hân không biết phải làm gì để phản kháng lại định mệnh và rồi cuối cùng tất cả những lễ nghi phức tạp cũng trôi quạ Lễ động phòng cũng đến. Trong phòng hoa chúc. Chiếc mạng che mặt cô dâu lại phủ trên mặt cô dâu. Chú rể chiếu lệ dùng tay vén mạng. Bà mai và khách khứa vỗ tay ăn mừng, họ bắt đầu phá phách cô dâu chú rể, họ như quên chuyện xảy ra ban sáng với nhà họ Tăng. Khách dự lễ khá đông. Pháo nổ giòn giã, bông giấy được rải khắp nhà. Đêm chẳng còn bóng đêm, Mộng Hân ngồi đấy mà hồn như thả đi đâu, nàng thắc mắc chẳng biết trên đời này còn có cô dâu thứ hai nào lâm vào tình cảnh hôm nay của nàng không? Nàng cứ thế ngồi ở mép giường chờ. Chú rể bị khách kéo ra bàn nên chưa về viên phòng được. Mộng Hân ngồi đó và đợi, đợi chàng rể quay về để giải thích cho nàng biết chuyện buổi sáng nơi cổng sắc phong, nàng mong đây chỉ là một sự hiểu lầm? Trong đầu Mộng Hân hiện ra khuôn mặt chồng. Một khuôn mặt thanh tú đẹp trai. Một người con nhà thế phiệt, đương nhiên phải khác người, chắc chắn anh nàng không chọn lầm người, nhưng mà Mộng Hân ngồi đấy cố gắng suy tưởng để khỏa lấp trái tim rối rắm. Cuối cùng chú rể cũng xong buổi tiệc trở về phòng, và cũng theo lệ, thêm những nghi thức khác. Nhưng rồi tất cả cũng quạ Khách tan cả, trong phòng còn lại tân lang và tân nương, Má Từ là người rút lui cuối cùng, khi ra cửa còn nói: - Tân lang Tân nương, hãy tâm đầu ý hợp, vui vẻ nhé! Nhưng Tịnh Nam như bực dọc.- Thôi được rồi, được rồi! Lễ nghi phát khiếp, làm mệt đừ cả người, không cần ngươi nói thêm! Má Từ đi rồi, chỉ còn lại hai người bên ánh hồng lạp. Tịnh Nam lên giường, mùi rượu nồng nặc, anh chàng đưa tay nâng cằm cô dâu lên nhìn vào mắt cười nói.- Họ bảo với ta là sẽ chọn cho một cô vợ đẹp, ta cứ bán tín bán nghi, mãi đến sáng nay ở cổng sắc phong, gió thổi làm lật chiếc mão của nàng, ta mới biết là họ không xạo, đã nói thật! Mộng Hân cúi nhìn xuống, thắc mắc sao chồng có thể cười được với chuyện ban sáng? Nhưng rồi nàng nghĩ chồng vừa nhắc dến cổng sắc phong, hẳn là đang muốn giải thích điều gì, thế là Mộng Hân chờ, chờ mãi, chẳng ngờ Tịnh Nam chẳng nói thêm một câu nào, lại đưa tay sang lần tìm cúc áo. Mộng Hân thấy thất vọng, bản năng phản kháng khiến nàng xoay người đi, thoát khỏi tay chồng. Chuyện đó làm Tịnh Nam ngạc nhiên, chàng quay lại mới thấy Mộng Hân đang khóc. Tịnh Nam ngơ ngác một lúc, rồi bực dọc cởi chiếc hài đang mang ném đi, lớn tiếng mắng.- Thật xúi quẩy. Hôm nay ai cũng vui, còn ta đã xui còn gặp ngươi nữa, sao kỳ vậy? Mộng Hân nghe chồng nói càng thấy thất vọng. Lúc đó Tịnh Nam như chẳng còn thích thú nữa. Buổi lễ làm Nam mệt lả, rồi Mộng Hân lại làm Nam cụt hứng chàng ném giày còn lại, rồi leo lên giường, dằn mạnh gối, chui vào chăn, chẳng màng chuyện gối chăn. Tịnh Nam quay người vào tường ngủ thiếp! Mộng Hân thẫn thờ ngồi đấy. Ơ hờ đưa mắt nhìn đôi hồng lạp đang cháy cao ngọn, phòng chẳng có gió mà ngọn lửa cứ cháy chập chờn. Ngọn lửa như trêu chọc. Mộng Hân lại liên tưởng đến ngọn lửa ban sáng đã đốt hình nộm. Ngọn lửa rất cao suýt tí đã đốt cháy cả kiệu hoa, bên tai nàng hình như còn nghe rõ cả tiếng khóc của bà lão họ Trác. - Cháy đó! Cháy lên đi nào! Cháy thật cao. Thu Đồng con trở về đây, đốt cháy luôn cái cổng sắc phong của nhà họ Tăng, đốt cháy cả cuộc hôn nhân của hắn. Đốt hết, đốt hết tất cả. Bất giác Mộng Hân rùng mình, nàng quay lại nhìn Tịnh Nam. Chàng đang chìm trong giấc ngủ thật ngon. Nàng không dám tin là mình đã lấy chồng, làm sao chàng lại ngủ được trong đêm tân hôn chứ? Làm sao có thể như vậy được? Người đang nằm ngủ kia là chồng nàng đấy ư?