Bây giờ, căn nhà nghệ sĩ đón nhận thêm một gã tình si tên là Đỗ trọng Thuỷ, quý tử của ông Đỗ Trọng Quỳnh tức ký giã danh tiếng Hiền Nhân, người giữ mục Tiếng Vangcủa nhật báo Tia Sáng, nhật báo uy tín nhất Hà Nội do ông Ngô Vân làm chủ nhiệm. Đỗ Trọng Thủy cũng khăn gối quả mướp noi gương phiêu lưu của con dế mèn. Chàng vô Sài gòn một mình, bỏ gia đình thân yêu ở lại và bỏ luôn, cả tương lai sang Nga Xô Viết du học vì ông bô chàng rất được nhà nước Hà Nội trọng dụng, đôn lên hàng chủ nhiệm và gửi qua Nga, qua Tiệp, qua Hung " thăm dân xã hội chũ nghĩa cho biết sự tình ''. Đỗ Trọng Thũy bỏ tương lai, bỏ ông bô đầu hàng Cộng Sản chỉ vì cô học trò trường Trưng Vương không chịu để hoa môi nở giữa mùa ô trọc. Cô sợ phai cả màu trinh lẩn ý trinh nên cô di cư vào Nam. Và Đỗ trọng Thũy bỏ nhà ra đi không phải vì tinh thần chống cộng nặng như cối đá của một triệu đồng bào miền Bắc. Mà chỉ vì cô học trò Trưng Vương tên là Hòa. Đỗ Trọng Thũy là một.... thần đồng yêu đương. Mười bốn tuổi nó đã biết leo cổng trường Chu văn An, tìm đến cổng trường Trưng Vương đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Ba lần bị đuổi khỏi Chu Văn An và một lần khỏi Nguyễn Trải, ông Hiền Nhân đành để mặc đứa con lêu lỏng với tình yêu. Nếu em Hoà đã biết nó yêu mình và em mượn thơ Nguyễn Bính: Nhà em cách bốn quả đồi Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng Nhà em xa cách quá chừng Em van anh đấy, anh đừng yêu em. Thì nó vẫn leo đồi, lội suối, băng rừng. Nó dám đi xa từ Hà Nội vô Sàigòn để yêu em Hòa cơ mà. Tôi phục nó vô cùng. Đỗ Trọng Thũy tới đây, thơ Sang Độc của tôi bổng sáng giá. Nó ôm đàn khẩy từng tưng và ngâm thơ của tôi sau khi đã dài cổ gửi tâm sự của mình vào thơ Lưu Trọng Lư: Ai bảo em là giai nhân Cho đời anh đau khổ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ Cho vương vấn nợ thi nhân.Vũ Khắc Niệm thấy chúng tôi yêu ghê quá đâm ra sốt ruột. Chiều chiều, nó thường quần áo chỉnh tề xuống phố. Nó bảo đi tới nhà người yêu. Thực sự, cu cậu tới nhà người quen xem ông anh Vũ văn Tâm ở Nha Trang đã gửi mandat vào chưa. Vũ Khắc Niệm giống hệt thi sĩ Tế Hanh: Anh là kẻ si mê nhưng nhúc nhát. Đụng độ người yêu của tôi nó cũng đỏ bừng đôi tai. à, tôi cần nhắc nhở người yêu xóm Vẹc của tôi. Nàng bắt tôi làm thơ thương nhớ quê hương và hận sầu dòng sông Bến Hải. Nàng bắt tôi viết tùy bút, truyện ngắn tương tư Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Tôi hì hục thương nhớ quê hương. Văn nghệ Việt Nam hậu chiến phong phú nhờ tình lưu luyến quê hương. Hồi chưa có Hội Nghị Genève, thơ, văn, nhạc dậy mùi ly hương và hẹn về xây dựng lại quê hương đổ nát cùng nối chút duyên xưa với người em gái bé nhỏ. Riêng giòng sông Bến Hải thì không những là nạn Nhân của những pho thơ, biển nhạc. Quý vị nhạc sĩ, thi sĩ đòi lấp sông Bến Hải thật ồn ào, tưởng chừng dòng sông bị lấp đến nơi rồi. Tiếp theo đó, quê hương miền Nam thanh bình, dựng một mùa hoa! Rồi anh ơi, về đi, về đáp theo tiếng gọi chiêu hồi. Cuối cùng, nền văn nghệ Sang Độc hôm nay rạng rỡ nhờ nhạc ngợi ca ái tình đầu đường, xó chợ sau thời gian ca ngợi đời lính chiến phiêu bạt. Tôi là một nhà văn nghệ có công đóng góp khá nhiều thơ văn thương nhớ quê hương cho người yêu. Đây là áng thơ vĩ đại: Thái bình ơi: Sau cơn khói lửa tơi bời Gia đình tan nát bao người ra đi Ai buồn giây phút chia ly Quê hương gắng đôi người đi dẽ về Ta về ăn bánh đa kê Chiều chiều chạy nhãy bờ đê thả diều Mắt em viền vải tây điều Anh về giải phóng tình yêu tuyệt vời Hạ hơi hơi, hạ hời hời Bún riêu bún ốc một đời tương tư.Nàng khen nhặng xì ngầu. Rất tiếc, bấy giờ chưa xuất hiện thi tài cỡ lớn để nàng so sánh. Giá thi bá Trần Đồng Vọng đã nổi danh với huynh hướng Lông Quặm " đít - dzê rô ''! Chiều hôm qua, hai chúng tôi hẹn hò nhau ở cổng trường. Nàng có hai giờ đầu "pẹc ma năng ''. Cơm trưa xong, tôi vội băng mình đi trong nắng, vào vườn Bờ Rô, kiếm cái ghế đá nằm chờ.Buổi chiều ở vườn Bờ Rô thật yên tĩnh. Tôi có thể nghe được những tiếng gào thét của loài ve sầu đòi quyền sống quá mùa hạ. Ve sầu là nhạc sĩ phản chiến, toàn hát điệu buồn. Quý vị ấy sinh ra đời thật vất vả. Leo lên ccây cành thì phải trả một giá rất đắt cho mộng làm người. Và chỉ được sống hết mùa hạ. Ve sầu ở vườn Bờ Rô không muốn chết tập thể khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. quý vị ấy thèm sống lâu. Bởi vậy, bất cứ lúc nào, vườn Bờ Rô cũng có tiếng kêu của ve sầu. Ấy là những anh chị ve sầu phản kháng luật của Thượng Đế, đòi sống muôn, thuở, đòi gieo nhạc buồn đủ bồn mùa Xuân, hạ, thu, đông. Và lý do đáng khâm phục nhất, chắc chắn là đòi sống để... yêu! Ve sầu đã anh dũng chịu đựng sự đàn áp của Thượng Đế chỉ vì thèm sống để yêu. Tôi cũng noi gương ve sầu, giữa trưa mùa nắng, nằm trên ghế gỗ công viên, làm công việc phục vụ tình yêu. Đáng lẽ tôi phải trở thành thi sĩ khều mặt trời tức là những thi sĩ ngợi ca đại lộ, cột đèn, cửa sổ, xe tăng, mũ sắtn, đạn đồng để có những bài thơ vô trật tự, dòng đầu hai chữ, dòng nhì bảy chữ, dòng ba mười chín chữ, dòng tư một chữ y hệt hàm răng giễu cợt nha sĩ. Nhưng tôi lại trở thành thi sĩ ngả nặng khuynh hướng Sang Độc. Tôi đã nghiêng sang về khuynh hướng Khều Mặt Trời, nhưng thất bại. Viết hàng ngàn danh từ trenhư vô thức, tâm thức, hình nhi thượng, hình nhi hạ, bản thể, bản ngã, thùy triều, cảm mạo, thương hàn, dịch hạch, phi lý... ra từng mẫu giấy nhỏ, bỏ vào cái lọ. Hễ thi hứng dào dạt, mở nút lọ xóc lia lịa. Mỗi mẫu giấy văng ra là một câu thơ. Hoặc năm bảy mẫu giấy văng ra một lượt cũng là một câu thơ. Tôi không thể thàng công. Đành đeo đuổi khuynh hướng Sang Độc vậy. Tôi cứ nằm trên ghế gỗ công viên. Mắt mở ccang để khỏi bị ma quỷ quyến rũ. Thời giờ chờ đợi sao mà lâu thế! Thuở chờ đợi, thời gian, ôi rét mướt. Cáu quá, tôi ngồi nhỏm dậy, lôi sổ tay, rút bút Bic, sáng tác một bài thơ Sang Độc:Trưa nay anh đến vườn Bờ RôGhế gỗ anh nằm giống cá rôTrên thớt đang chờ dao đánh vẫyNhớ em như nhớ nước trong hồEm ạ, ve sầu nó cứ kêuVe ve không rõ chỉ eo eoNó cười chề giễu anh ngu xuẫnNó bảo anh rằng chưa biết yêuAnh bèn chửi nó; Bố nhà anhTôi đã di cư mỗi một mìnhBố mẹ tôi coi như đã tịchVì em đấy nhé, mắt em xanhVe vội vàng khuyên anh một lờiYêu là khốn khổ đấy ông ơiTôi đây gặp kiến vay cơm gạoNó mắng tôi đau đớn quá trờiAnh nói yêu là viễn duMặc dù ăn chịu quýt lu bùQuýt làm ngọt lịm tình yêu đóBụng đói nhưng hồn no mộng mơVe phục anh ngay tặng món quàChàng và nàng hắng giọng song caCứ như Ngọc Cẩm và Hữu ThiếtGhế gỗ anh nằm bỗng nở hoa.( Làm trên ghế gỗ vườn Bờ Rô, cảm hứng dào dạt đến nỗi muỗi đốt ngứa đã đời mà không thèm gãi. Buổi trưa nắng hiền, gió ngoan ). Trương Chi ( Đoàn trưởng thi nhóm Sang độc )Hai ca sĩ uyên ương ve sầu hát tặng bài gì, tôi tưởng không cần viết tên. Có thể là Sang Ngang 1, Sang ngang 2, hoặc Tương tư 1, Tương Tư 2, Tương Tư 3 hoặc Thất Tình nhất, Thất Tình Nhị, Thất Tình tam; Thất tình tứ, Thất tình ngũ, Thất tình lục... Cũng có thể là Không, Đừng, Vâng, vân vân. Tôi đọc lại bài thơ bảy lần. Mỗi lần tìm thấy một sự hay ho, nghĩa lý. Nhưng tôi hơi giả dối ở cái câu Làm trên ghế gỗ... Sống ở Nhà Hát Tây khan hiếm nước tắm gội, tôi đã bị vài mụn ghẻ ruồi; vừa làm thơ vừa gãi soàn soạt mà tôi dám nói láo là cảm hứng dào dạt đến nổi muỗi đốt ngứa đã đời mà không thèm gãi thì rất phiền cho văn học sử sau này. Văn học sử căn cứ vào câu trên, đi tìm không gian, thời gian và tâm sự của thi sĩ sẽ viết vung là " thi sĩ Trương Chi yêu si mê đến cái độ nhớ người yêu quên cả muỗi hút máu mình, quên cả đưa ngón tay chấm nước miếng quệt vào chỗ muỗi đốt và quên luôn cả gãi, Trương Chi đích thị là nhà thơ yêu nặng nhất thời đại chúng ta ''! Hầu hết các thi sĩ đều thích nói phét. Sáng tác bài thơ dưới ngọn đèn dầu tù mù trên căn gác đứng lên là đụng đầu vào trần mà cứ bảo sáng tác ở gác nghênh phong hay dưới mái trăng non! luôn luôn thiếu. Có vài điếu đốt cho bài thơ mới nhất. Bây giờ, huýt sáo gió bản Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn đợi người yêu. Huýt chán chê lại lẩm bẩm hát, tới câu: Pháo nao nhuộm đường thấu chăng tình anh thì nàng xuất hiện. Không phải nàng. Chị Phượng. Nàng đã dặn chị Phượng tôi thường " ăn cơm tháng '' ở gốc cây nào. Chị Phượng thộp được tôi ngay... Tôi hơi hơi thất vọng. Y hệt ông nhóc chơi " năm mười '' bị " xí ''. Tôi dời gốc cây. Mỉm cười rất lãng tử chiều tà bụng đói. - Em đây.Và ngớ ngẩn hỏi: -Ngọc đâu?Chị Phượng đáp: - Con Ngọc bị cúm!Tôi thẩn thờ. Nếu vào ban đêm, tôi đã nhìn lên trời, hát câu nhạc Mỹ phổ thông: The moon is high The sky is bleu I am here Where are you Trời xanh Trăng cao Mình anh nơi đây Còn nàng nơi nao.Nhưng lúc này trời nắng chang chang. Tôi đành hỏi: - Nàng uống thuốc gì? - Aspérine. - Tại sao nàng không nhai vài chục củ tỏi? - Trương Chi nói nhảm! - Tỏi chữa bệnh cúm thần sầu vô cùng. Hồi em ở quê nhà, hễ mùa đông là y rằng gà bị cúm, mào đang đỏ bỗng tái ngoét. Giã tỏi nhét vô cái diều của nó, nó khỏi liền, gáy te te, kêu cục tác inh ỏi... - Trương Chi cứ thích khôi hài.Tôi vò đầu: - Nàng cúm hôm kia có phải đỡ tủi cho em không? Tôi phân trần: - Ăn cơm xong chưa kịp xỉa răng, em đã vội chạy tới vườn Bờ Rô xí ghế. Em chống trả giặc ngủ mãnh liệt, làm bài thơ bất hủ để chờ tặng Ngọc thì Ngọc lại cúm. Nàng cúm hoài, có lẽ, em sẽ... đi xa! Cái đòn của tôi là đòn " đi xa ''. Hễ tôi dọa " đi xa '' thì chị Phượng liền ngăn cản tôi chí tình. - Trương Chi! - Dạ. - Đừng đi xa. Mai mốt con Ngọc hết cúm, sẽ lên thăm cậu. - Nhưng tối nay... - Sao? - Chúng nó cười em thối mũi. Em bảo chúng nó là em và Ngọc sẽ ra bờ sông thủ thỉ chuyện yêu. Nàng cho em ăn thịt thỏ - Nó cúm. - Vâng, nàng cúm. Em biết đi đâu bây giờ? - Cậu đi xi nê nhé! - Thi sĩ đói rách như em, tiền mua giấy chép thơ còn không có, tiền đâu vung phí? - Chị đã nghĩ chuyện đó. Chị Phượng mở bóp lôi ra một cái phong bì: - Chị đền cậu đó, Trương Chi. Tôi giả vờ " phẩn '': - Em đi sớm về trể vì ái tình cao thượng chứ đâu phải để mong chị... đền! Chị Phượng nhăn nhó: - Thôi mà, Trương Chi ,chị coi cậu như em ruột chị nên mới dám đối xữ thân mật. Người nhà rồi, Trương Chi. Câu nói thơm tho quá. Tôi bèn chìa tay về lẹ, nhét vội vào túi cho đỡ xấu hổ, Rồi hỏi: - Thưa chị, Ngọc có gửi thư từ cho em không? Chị lắc đầu: - Nó cúm nặng. Tôi chán chường: - Chắc bút mực cũng cúm. Và giễu: - Đôi khi ái tình phải cúm, phải thưởng thức tỏi, chị nhỉ? Chị Phượng cười. Nếu sau này tôi trở thành Nguyễn Bính hay Trần Quang Dũng thì hỉnh ảnh của chị, nhất định, bàng bạc trong thơ của tôi. Chúng tôi chia tay nhau. Chờ chị Phượng " tít tắp dặm đường '', tôi mới nhẩy bổ tới gốc cây, móc túi lôi cái phong bì ra coi. Có một ngàn. Một ngàn là giàu rồi. Tôi anh dũng bước. Đến một ngã tư, gọi "chiếc xe nhân dân'' tục kêu là xích lô máy trong lực lượng công nông thế giới chở tôi lên Sài gòn rồi tới rạp ci nê Vĩnh lợi coi phim Ấn độ, có khúc phim màu Chà Và nhảy múa. Rời rạp ci nê Vĩnh Lợi, trời đã bãng lãng bóng hoàng hôn. Tôi lang thang trên vỉa hè Ghé sạp báo coi cọp tuần báo Đời Người. Mắt tôi bỗng sáng lên khi thấy một bài thơ của mình nằm chình ình ở nữa trang báo. Nhưng sáng một tí là vội tối ngay. Bởi vì bài thơ gói ghém nhiều tâm sự, bài thơ đắc ý nhất, bài thơ có nhiều triển vọng đi xa trong tương lai của tôi vẩn nằm bên cạnh cái quảnh cáo thuốc trĩ! Tệ hại quá xá là ông xếp typo vác cái tít " Ai đau khổ vì bệnh trĩ '' đặt trên đầu bài thơ trữ tình của tôi, còn cái tít bài thơ Tình Sầu thì lại trịnh trọng nằm trên cái quảng cáo mười hai thứ trĩ. Thi ca và bịnh trĩ liên hệ mật thiết ghê! Tôi có cảm tưởng tuần báo Đời Người muốn mời tôi cộng tác mục vui cười. Hoặc họ muốn ví thơ của tôi với bệnh trĩ. Hoặc dùng thơ của tôi để chữa bệnh trĩ. Vậy thì tôi dấn thân nặng. thi ca đã phục vụ... bệnh trĩ. Hay, ít ra, đọc bài thơ mang cái tựa đề Ai đau khổ vì bệnh trĩ, những người đang đau khổ vì bệnh trĩ có thể nở một nụ cười trên khuôn mặt nhăn nhó. Tôi vội mua hai số Đời Người, rồi cút lẹ. Vào cầu tiêu công cộng, tôi xé bài thơ của tôi, xé luôn cả cái tít Ai đau khổ vì bệnh trĩ. Thế là bài thơ... vô đề. Tôi trở về Nhà Hát Tây sau khi đã ăn hai đĩa cơm sườn nướng ở hẻm Casino. Căn nhà êm ấm của tôi đủ mặt những thằng con trai vừa lớn đang đau khổ vì tình yêu. Quỳnh, Nhân, Thủy ngồi thộn mặt. Nhân danh trưởng thi nhóm Sang Độc và người có trách nhiệm đưa bọn này vào tình sử, tôi yêu cầu từng đưá báo cáo thành quả của một buổi chiều đi tán gái. Đây là báo cáo của Quỳnh kèm theo sự chất vấn: - Hỏng rồi! - Tại sao? - Tôi tham lam quá, " lăng xê lét '' cho hai em một lượt. Không ngờ hai em là bạn tri kỹ của nhau. Hai em khoe thư tình... - Rồi sao? - Rồi hai em trả lại... tình tôi một lượt. Hai em cười rũ rượi, khuyên tôi nên viết thêm bức thư tình thứ hai. - Mày trả lời thế nào? - Tôi nói: Thưa nhị vị cô nương, tại hạ sẽ cố gắng! - Lỗi tại mày thiếu chung thủy. Ái tình không phải là... đá bóng tròn mà cần cầu thủ phòng hờ. - " Ông '' khuyên tôi làm gì? - Tìm em khác không về chung lối với hai em cười mày, tiếp tục " lăng xê lét ''. Đây là báo cáo của Nhân: - Nàng " cắn câu '' rồi, " ông ''ạ! Tôi mạn phép " ông '' gửi tặng nàng mấy bài thơ của " ông ''. Nàng trả lời cảm động lắm. Anh nàng bảo tôi nên lấy bút hiệu Xuân tóc đỏ. Thế là nghĩa lý gì? - Thi sĩ Xuân tóc đỏ là nhà thơ đánh dấu thời đại xe điện chạy vung vít ở Hà Nội. Cũng như nhà văn hào Mark Twain đánh dấu thời đại tầu thủy chạy trên sông Mississi ppi. - Vậy là anh nàng mê thơ tôi? - Thơ mày à? Ừ, thơ mày... - " Ông '' khuyên tôi làm gì? - Mày tiếp tục xin tiền ông bô mua chuối cho tao ăn khi tao đói rách. Cuối cùng, báo cáo thê thảm của Thủy: - Chiều nay, em Hòa đối xử thật tàn tệ với tôi. Nàng quay lại, nhổ nước miếng ba lần! - Mày phản ứng ra sao? - Tôi lặng lẽ rút lui. Số tôi đen quá, đi ngược chiều. Cảnh sát thổi tu hít. Tôi bị lôi về bót, năn nỉ khô cổ mới được tha. Có lẽ tôi phải liều một phen. - Mày định tự tử? - Không, tôi liều nắm lấy tay nàng. Một lần. Rồi thôi. Tôi sẽ đi kiếm một em bán thuốc lá, cưới em làm vợ. Tôi an ủi ba môn đệ bằng cách móc túi lôi ra những tờ giấy một trăm và hai bài thơ xé như cóc gặm: - Báo Thẫm Mỹ của văn hào Thanh Nam đăng thơ tao đây này. Bài thơ Vô Đề. Thanh Nam trả tao một ngàn nhuận bút, mời tao đi nhậu nhẹt. Chúng mày tưởng tao không gặp trục trặc kỹ thuật ái tình ư? Chiều nay, em của tao giả vờ cúm. Tao cóc cần. Em cứ việc cúm. Em cúm đã có thơ Sang Độc. Bị ái tình hành hạ thơ mới hay. Chúng ta sẽ trở thành những thi sĩ lừng danh, cứ gọi là gạt ra không hết các em đẹp như tài tử xi nê ái mộ. Vỗ vai Thủy, tôi nói: - Đừng dại dột lấy em bán thuốc lá nào đó, mày nhé! Tôi dẫn cả bọn đi ăn thịt bò khô. Chúng nó quên ngay nỗi buồn. Và chiêm ngưỡng tôi, chiêm ngưỡng thi sĩ có bài thơ bất hũ tựa đề Ai đau khổ vì bệnh trĩ.