- Vậy... nếu câu trả lời miệng của Dũng không sai nhiều... thì có thể cho ít điểm lại, chứ đâu nhất thiết phải lãnh 0 ạ? - Đó là ân huệ lắm rồi, không được khiếu nại. Không lý nào cả tập thể lớp em chỉ vì mỗi một mình Dũng làm chậm lại à? Còn tôi bị khiển trách? Phần ai nấy lo đi. Hãy chú tâm coi như đây là một kỳ thi quan trọng, không được quyền sơ ý, nếu lỡ trục trặc thì hỏng ráng chịu đừng kêu ai. - Thưa thầy... - Em ngồi xuống. - Thầy toán nghiêm giọng tỏ ý chấm dứt mọi đề nghị rồi nhìn Dũng hỏi. - Thế em suy nghĩ kỹ chưa? - Dạ rồi. - Dũng gật mạnh đầu đầy tự tin nói. - Xin thầy cho đề ạ. - Được! Cố nghe cho kỹ nhé. Em nào ngồi gần có thể chép lại đề rồi đọc kỹ dùm Dũng. Tôi cho em mười phút còn lại của tiết này. Thầy nhíu sâu đôi mày đọc rõ từng con số. Hương ghi thật nhanh rồi nhìn Kim Hà. Cả lớp nhao nhao bàn luận. - Khó quá thầy ơi, sao làm nổi với mười phút được. - Cho thêm thời gian đi thầy. - Dũng ơi.. cố lên nhé. - Im lặng. - Thầy gõ mạnh cây thước xuống bàn để vãn hồi trật tự. Dũng cau mày bỏ ngoài tai bao sự Ồn ào, đôi mắt cận thật tội nghiệp cúi sát vào trang giấy trắng, cố viết ra những con số li ti khô khan chẳng ngay hàng thẳng lối. Cả lớp cũng căng thẳng hồi hộp theo Dũng. Ai cũng cố giải cho thật nhanh và gọn đề toán khó nuốt trôi này trong vòng mười phút. Hương là học sinh cừ nhất cũng lắc đầu cho rằng thời gian quá ít, mà lời giải quá dài, không cách nào tài nào tóm gọn cho kịp quy định. Năm phút, rồi bảy tám phút trôi nhanh như cái chớp mắt. Trán Dũng lấm tấm mồ hôi, nét mặt nó thật căng thẳng. - Tới giờ rồi, trả lời đi. - Thầy lên tiếng và nhìn chăm chú vào Dũng. Nó bật ra những lời giải gọn gàng súc tích như in sẵn trong não, nhanh hơn cả bấm bằng máy điện tử. Hương và Kim Hà thở phào nhẹ nhõm lẫn vui mừng ra mặt. Còn thầy thì như reo lên vì phát hiện ra cậu học trò ưng ý. Dũng thật sự đã làm cho thầy vừa kinh ngạc vừa hứng thú. Bởi thầy biết được đề toán mình ra mức độ khó đến thế nào, trên thực tế nó vốn dĩ là bài thi học sinh giỏi cấp quốc gia. - Đúng không các em? - Thầy nghiêm trang hỏi. - Có ai có ý kiến gì không? Cả lớp im lặng. Hình như đề toán này đã vượt khá xa vốn hiểu biết và khả năng của tập thể. - Đúng không Dũng? - Thầy hỏi đúng. - Thưa thầy... đúng ạ. - Dũng khẳng định đầy tự tin. - Chắc chắn chứ? - Dạ! - Nếu như... tôi nói sai thì sao? - Thưa... Ở điểm nào, xin thầy giải cho. Theo em thì... không thể nào sai được. Nếu có thì chỉ là cách giải khác thôi ạ. Nhưng kết quả cho ra cũng hoàn toàn như thế này. - Vậy theo em... Ở đề này có mấy cách dẫn giải? - Dạ... ba ạ, nhưng tóm tắt gọn thì chỉ có một cách duy nhất mà em đã thể hiện. Hai cách còn lại phải đi vòng, áp dụng quy tắc tam thức rồi mới co cụm chứng minh để cho ra kết quả. - Rất tốt, cám ơn em. Dũng xứng đáng được nhận điểm mười cộng đấy. - Giọng thầy thật hài lòng. - Bây giờ mời một em nào đó lên bảng ghi hệ chữ số theo giải trình của Dũng, sẵn thầy trò mình học tập luôn. Lớp trưởng đâu... - Dạ! - Hương đứng lên, đi nhanh tới khung bảng đen. Tội nghiệp cho cặp mắt cận của Dũng lại một lần nữa khốn khổ trước những con số. Cả lớp đều vui, duy chỉ có hai người hằn học với sự thông minh học giỏi của Dũng. Hiếu mím môi cố nén sự ganh tị bùng nổ ngày một lớn hơn trong lòng. Nó đứng lên ra về dù cả lớp đang cùng thầy ngồi lại. Quang lủi nhanh vào đám đông nhưng không tránh khỏi cặp mắt lục tìm của Hiếu. - Ê Quang! Đứng lại đã. - Hiếu gọi lớn. - Gì nữa đây! - Quang cau mày. - Mày tha cho tao được rồi đó. - Gì dữ vậy... tụi mình vẫn là bạn kia mà. À phải! Cừ lắm đấy, chỉ một phát dậm chân là đi toi đời cái kiếng cận của thằng người Sài Gòn. Tao bái phục sát đất luôn đấy. Quang này, tiếp tới là tiết mục gì nữa há, cứ tự do thoải mái quạy đã đời nó đi nghen! - Mày dư hơi, rảnh rỗi thì làm lấy một mình, đừng lôi kéo tao vào cuộc nữa. Tao với thằng đó không thù oán gì cả. Còn nữa, mày không thấy mình hại người chẳng bằng ý trời à? Nó không tốn sức gì lại nổi bật hẳn lên, thầy toán cưng như trứng mỏng, cả trường biết tiếng. Nó hơn tao với mày cái đầu đấy. - Con khỉ. - Hiếu bực dọc. - Tóm lại phải triệt nó, nếu không, tao chẳng cam tâm. Muốn thế mày nhất định phải giúp tao một tay mới xong việc. - Muốn thì tự làm lấy. - Còn mày? - Không. - Quang đáp cộc lốc rồi bỏ đi nhưng bị Hiếu nhanh chân hơn cản lối. - Mày muốn gì nữa chứ Hiếu? - Hình như miệng tao ít giữ kín chuyện đã được biết lắm đó. - Ê... mày dọa tao à? - Quang nổi nóng. - Thằng này cóc sợ đâu. - Mày ngon lắm. - Hiếu gật đầu rất anh chị. Nó nhìn Quang với ánh mắt cười cợt. - Anh hùng rơm, để coi thế diện còn giữ được không khi cả lớp biết cái tin giật gân về mày. Nào là đi xe cúp, ở nhà lầu, con trai giàu có học giỏi... ha... ha... ha... - Hiếu cười lớn như xoáy mạnh vào màng tai của Quang. - Mọi thứ hơn người, ai dè... - Mày im đi. - Quang hét lớn hai tay bịt chặt tai. - Tao... cấm mày nói nữa... nếu không thì đừng có trách. - Trời ơi... tao sợ quá. - Hiếu nhún vai chế diễu. - Muốn đánh tao chứ gì? Thử đi rồi biết con ạ. Đụng tới tao, mày đủ tiền lo thuốc không hả? Bày đặt ta đây. Hết ngon từ lâu rồi. Có mơ cũng không được như ngày xưa. Nếu muốn bạn bè, nên nghe lời tao, để khỏi đổ bể chuyện tùm lum, tụi con gái bàn tán. - Được, không nhiều lời. Tóm lại, mày muốn tao làm gì thằng Dũng, nói đại đi dài dòng quá phí thời gian. - Làm gì cũng được, miễn nó rớt kính cận ra khỏi mắt trong đợt tham gia thi đấu cuối tuần này là tốt. Nhưng nhớ cho rằng không để nó có thời gian mua lại kịp lúc. - Như vậy mày cho là ổn à? Thật quá đáng. - Quang nóng giận. - Thành tích lập được cả lớp đều hưởng, sao có thể hại cả bạn. Tao không làm được đâu. - Quang. - Hiếu gọi giật lại khi thấy Quang dợm bước. - Như vậy mày quyết định rồi chứ? Không ân hận à? - Không. - Suy nghĩ kĩ lại đi. - Tao chẳng có gì để nói nữa cả. - Nói xong Quang bỏ đi nhanh, hai tay thọc túi quần lầm lũi bước. Trông dáng điệu thật chán chường. Minh Hiếu mím môi rít giọng: - Mày không làm thì thằng Dũng cũng chẳng thoát khỏi tay tao đâu. Hãy chờ xem. Vừa lúc đó Mai Liên đỗ xe lại, hất mặt hỏi: - Đi đâu để ta tìm muốn chết vậy Hiếu? - Kiếm quỷ Quang nè. - Nó đâu rồi, gặp chưa? - Rồi. - Hiếu hầm hừ. - Dở chứng không chịu hợp tác. Chẳng biết làm thế nào bây giờ. Hết tuần này là vào cuộc rồi. - Quang không chịu thì mình làm, lo gì chứ. Hiếu bày cách chơi khăm thằng Dũng... nhưng lại tạo thêm cơ hội cho nó lấy uy tín. Cái kính cận bị bể không uổng phí chút nào. Hôm đó khi nhìn thấy mặt nhỏ Thiên Hương và Kim Hà thấy ghét gì đâu ấy. Nói thật nha... thằng Dũng mà chuyển đi, mình dám cúng ông địa nải chuối lắm đó. - Thôi đi bà... nói tào lao hoài. - Hiếu cau có gắt gỏng. - Bây giờ về nhà chưa? - Chi vậy? - Mượn xe đi lại đằng này một chút. Còn nữa, dư thời gian thì tới nhà thăm mẹ Thiên Hương một lát. Bà phải biết nói gì rồi chứ? Chuyện thọc mạch, con gái dễ làm hơn. Cố làm sao để hai tụi nó khỏi liên kết chơi thân, mình mới có cơ hội ngoi lên được. Cái thằng quỷ ám đó từ đâu chui lên... mà thứ gì cũng biết rành, báo hại bọn ta mất chỗ đứng. Hôm qua mình tình cờ nghe nhỏ Kim Hà thắc mắc về việc đóng tiền quỹ của lớp đấy, Mai Liên coi chừng đó. - Chẳng hơi đâu mà sợ. - Liên trễ môi. - Tôi làm gì cũng có sổ sách giấy tờ. Nghi mặc kệ nó. Ngon thì xung phong làm thủ quỹ đi. - Tôi nghe nói lại vậy, còn sợ hay không tùy Liên. Tóm lại, rất có nhiều khả năng bị ê mặt đó. - Còn lâu. Tôi làm gì chứ? - Có hay không Liên tự biết. Nè đưa xe đây tôi lái cho. - Đây. - Liên trao tay lái cho Hiếu để ngồi lùi về phía sau với nét mặt khó chịu vô cùng. Thật lòng mà nói, nhỏ hơi lo về những lời úp mở của Hiếu. Thật ra... số tiền quỹ không lớn lắm... nhưng nó là của tập thế lớp... lỡ tụi nó biết được... thì tiền ở đâu mà thường vào. - Ê! Liên nhìn kìa! - Hiếu gọi nhỏ chỉ hướng ngược chiều với nó là Dũng cận đang đi cùng Thiên Hương và Kim Hà. Chẳng biết họ đang nói gì, chỉ thấy cười rất tươi và ra vẻ tâm đắc, hớn hở lắm. Mai Liên hậm hực nói: - Mấy con nhỏ khó ưa quá trời. Coi thử có con đường liên xã nào đó quẹo cua đi Hiếu, đừng cho tụi nó gặp mình. - Sợ gì? - Ghét thôi. Tuần rồi nó bị bể bánh xe, quá giang ai thèm cho, để đi bộ cho bỏ tật ngu, bênh vực kẻ lạ mặt, đồ thứ khôn nhà dại chợ. Phải rồi, tới nhà thằng Khải đi, biểu nó chơi Dũng cận một vố. - Liên tưởng mình là ai hả? Nói nó chịu nghe sao? - Tại sao không chứ? Nó chúa ghét Dũng cận, để việc này Liên lo được. Nè Hiếu, theo bạn thằng quỷ người Sài Gòn có biết lội sông hoặc lội sình bùn được không hả? Liên nghĩ nó học tuy giỏi nhưng chắc chắn dở ba thứ miệt vườn quê mình lắm đó. Bấm bụng rủ nó đ chơi một lần được không Hiếu? - Ừ! Để coi lại. - Con khỉ, chuyện gì cũng lưỡng lự hoài. Nghe Thiên Hương nói nó thích câu cá lắm. Nếu thiệt là vậy, coi như Liên trả được cơn giận rồi. - Liên cười hài lòng với ý nghĩ vừa chợt đến. Chia tay với Hiếu, nó ra về lòng cảm thấy phơi phới khi nghĩ tới lúc chơi xỏ được Dũng. Phen này quyết chí cho nó bò xuống sình để coi đủ sức vợt bóng bàn cho kỳ thi tới được không, rồi sẽ biết Dũng ơi... Hãy chờ đấy! Mày thua chắc rồi, đừng mơ không có đối thủ quật nổi mình. Dũng ung dung đưa bước với cây cần câu và chiếc giỏ đựng cá rô cầm tay. Nó đi dọc theo con đường đất cạnh những thửa ruộng đang vào thì con gái xanh mượt như thảm nhung chạy xa tít ngút ngàn tầm mắt. Miền quê mùa này thật bình dị và êm ả. Những ngọn gió nhẹ làm gợn sóng lúa nhấp nhô tuyệt đẹp, lẫn khuất vào những vuống vườn rợp bóng cây ăn quả đang vào mùa sai cành trĩu quả. Những bờ dậu mồng tơi xanh um bao bọc mái tranh hiền hòa đơn sơ trông đến mộc mạc nằm như ngủ giữa buổi trưa, tạo nên làng quê Việt Nam một nét độc đáo rất riêng biệt, mà có lẽ chưa đất nước nào có được. Nhất là khi chiều xuống, khói lam quấn quýt bên mái nhà, tỏa lan đều lên những lũy tre cuối xóm làng. Làng quê Việt Nam thường ẩn mình dưới vườn cây, chạy dài dọc theo bờ sông dịu hiền như bàn tay mẹ âu yếm sẵn sàng ban dòng sữa phù sa màu mỡ, bồi đắp chở che cho tình người, tình đất. Những rặng cây nối dài xanh um tạo cho Dũng cảm giác như đang lạc bước vào cõi xưa trong chuyện cổ tích bà thường kể, mà bao cây lá ấy là bộ râu dài muôn trượng của ông khổng lồ cứ dài... dài thêm mãi. Ngoài giờ học ở trường ra, có lẽ Dũng khoái nhất là lang thang chui từ bụi cây này sang con mương khác để câu cá, để nhìn ngắm quê hương hoa gấm của nước non mình. Lớn lên ở thành thị Ồn ào bụi khói và tiếng xe cùng bao rắc rối của cuộc sống trong những kế mưu sinh, hình như Dũng chán ngấy với cảnh đó. Nhất là gia đình mình. Tiền bạc, vật chất, cha mẹ nó không thiếu... nhưng có lẽ nó thiếu tình cảm êm ấm, dịu dàng của một mái nhà hòa thuận sau ngày dài bon chen vất vả ở xã hội và thương trường. Dũng là đứa con duy nhất của ba mẹ, được cưng như trứng mỏng, muốn gì được nấy, xin gì cũng cho, đòi chi cũng có. Vật chất, tiền tài nói chung Dũng đều có. Nhưng có một thứ Dũng rất cần và xin mãi mà cha mẹ vẫn không thể đáp ứng được, đó là sự quan tâm tình cảm thiêng liêng của cha mẹ dành cho nó chứ không phải thể hiện qua đồng tiền. Mẹ Dũng không thuộc loại phụ nữ tề gia nội trợ. Cuộc sống của bà là xã hội thương trường. Đối với mẹ, tiền là trên hết và là tất cả. Còn Dũng.. nó thực sự không biết mình nằm ở đâu, vị trí thế nào trong lòng, trong trái tim mẹ. Nó buồn lắm, cảm thấy quá cô đơn, cô độc trong chính căn nhà mà ai nhìn vào cũng cho là tổ ấm lý tưởng của gia đình cha mẹ mình. Không chịu đựng nổi sự tẻ nhạt buồn chán đó với đám bạn bè giàu có, đua đòi hưởng thụ và bất cần sự quan tâm chăm sóc tinh thần của cha mẹ. Thế là nó bỏ đi... bỏ tất cả mọi thứ ở lại sau lưng đế làm cuộc đổi đời về với bà, với chú ở chốn thị trấn nhỏ bé này nơi miền quê êm ả với khu trường huyện luôn rợp bóng mát của những gốc phượng già. Dũng tìm quên và học tập một cách rất bình dị với các bạn cùng thầy cô mới. Nó thật sự hài lòng với cuộc sống hiện đại. - Dũng - Mai Liên gọi lớn làm nó giật mình rời khỏi dòng suy tự - Làm gì có vẻ buồn quá vậy? Nhớ thành phố hả? - Đâu có - Dũng cười đưa tay gãi tóc là thói quen cố hữu - Ủa, nhà của Liên ở đây à? - Ừ! Nè câu được cá nhiều không, đưa Liên coi thử. - Chưa có con nào cả. - Dũng thơ thẩn nói. - Xạo! - Thiệt đó, không tin Liên thử coi đi. - Nó chìa cái giỏ về phía Liên cười e dè. - Câu cá giải trí thôi, đôi lúc đứng mỏi cả chân vẫn không tài nào làm cá cắn câu. - Tại Dũng tìm không đúng chỗ. Liên biết có một nơi rất nhiều cá, nhưng đi hơi xa, mãi tận cuối xóm. - Thiệt hả, Liên chỉ đi. - Đi một mình à? - Ừ! - Nhưng đường hơi khó đi, qua hai cây cầu tre lắt lẽo bắc qua sông mới tới được. - Kệ, hôm nay chủ nhật cũng rảnh thì sợ gì đường xa. - Vậy... liệu có qua cầu được không? - Liên cười tinh quái, nghịch ngợm. - Nhưng nói đi, còn nói lại, con trai như Dũng lo gì té đau hoặc tõm xuống sông, phải không? Muốn gia nhập vào cuộc sống ở đây phải biết và làm được những việc đơn giản đó. Cởi bỏ cái lớp thị thành thực thụ thì mới làm dân thị trấn, nhắm được không Dũng? Dũng cười không trả lời. Đôi mắt nó nhấp nháy sau làn kính cận trông ngộ nghĩnh lạ! Nhưng Mai Liên vốn dĩ thiếu thiện cảm từ đầu, nó thản nhiên tiếp: - Đi tới cuối con đường này là tới cây cầu bắt qua kênh, ở đó có bãi ruộng hoang có nhiều cá lắm. Hôm kia, tụi thằng Hiếu câu được toàn loại bự ngon ơi là ngon. Mê lắm. Còn nữa, ở đó toàn ruộng cạn không sâu, tự do thoải mái đi lại, đừng lo bị dính sình. Hy vọng chiều nay Dũng có được nồi canh chua do chính mình câu cá để nấu. Tiếc thật, nếu Liên rảnh đi theo Dũng... Nhưng bận rồi, phải ở nhà phụ mẹ thôi. Dũng đi đi kẻo chiều rồi. - Ừ! Dũng đi nhé Liên. Dũng quay bước nên không kịp nhìn thấy nụ cười nửa miệng thâm hiểm của Mai Liên. Nó hả hê đi vòng đường tắt theo dấu chân Dũng cận. - Liên! - Hiếu! Làm hết hồn. Đi đâu vậy? - Theo thằng Dũng - Hiếu trả lời và đảo mắt nhìn quanh. - Nó mới đây biến đi đâu rồi? Ở đường kia. Mình đi đi. - Liên giục rồi cả hai lần theo, cười nhỏ. - Phen này, nếu lên được nó cũng rim người, để xem bản lãnh dân thành phố tới đâu khi chiến đấu với sình non. Mình chờ nó lún sâu từ từ rồi dìm luôn đầu nó. - Ê Liên! - Gì? - Có khi nào nó chết luôn không bà? Xuống đó khó ngoi lên lắm đấy. - Nói gì ghê quá vậy? - Liên nhìn Hiếu. - Mình đi nhanh lên một chút để coi thế nào. Lỡ nó lún lầy thì còn kịp kéo lên. - Có gan chơi sợ gì chứ? - Hiếu chậm chạp tiếp tục đe dọa thêm Mai Liên. - Chỗ đó vắng lắm, ít người qua lại. Lún rồi càng vùng vẫy càng mau bị chìm xuống, chết như chơi. Có bề gì bà chịu trách nhiệm đó. Con gái bày đặt ác độc, mai này lớn lên ở giá luôn chứ ai dám cưới. - Ê! Vừa phải thôi nha Hiếu! - Mai Liên gắt. - Ai biểu nó ngu ráng chịu, liên can gì tới tôi chứ? - Giọng Mai Liên cũng hơi lo âu. - Việc này Hiếu cũng có phần đó, chính bạn chỉ nơi này bày biểu tôi tìm cách dẫn thằng Dũng cận tới. - Thì đã sao? - Hiếu bật cười thích thú. - Dọa một chút đã sợ tái cả mặt. Đúng là con gái có khác. Xưa tới giờ bà có nghe ai bị chìm sình mà chết chưa? Sao mà dễ tin quá vậy. Thôi đi lẹ lên thôi. Hiếu bước nhanh với đôi chân trần thoăn thoắt, theo sau là Mai Liên. Cả hai vẹt bụi rậm lấn tới, xuyên qua khỏi mấy vuông vườn là nhìn được thửa ruộng hoang với những dề lục bình có màu hoa tím nhạt lẫn lau sậy lác đác quanh khu cỏ ấy. Thật sự mà nói ở đây cũng có rất nhiều cá, nhưng chỉ nằm giữa khu trũng nước, ít ai câu bắt được nếu như không có đủ khả năng lấn chiếc xuồng nhỏ qua vùng lầy với lau lách, cỏ cây chằng chịt quanh miệng. Thoạt nhìn và không phải người dân thật thụ Ở vùng này rất dễ bị lầm lẫn vì cứ ngỡ dưới những cỏ cây kia là vùng đất cứng đi được. Nhưng thực tế nó toàn là sình nhão lún lầy. Sơ ý lọt chân xuống phải chật vật lắm mới ngoi lên khỏi, nếu không có ai kịp đi ngang qua kéo hộ thì coi như tiêu đời dễ hơn trở bàn tay. Khi Hiếu và Mai Liên tới nơi. Cả hai nhìn quanh tìm kiếm. Bốn bề hoang vu, vắng lặng, rì rào chỉ là những bông cỏ may lung linh trong gió như đưa lời tâm sự. - Nó đâu rồi Liên? - Ai biết đâu. - Có thể nó không tới. Thằng quỷ đó khôn lắm, đi xa ngu gì lội cho mệt. Vả lại, nó câu cá thư giãn thần kinh thôi, đâu phải câu cá kiếm ăn cho cực thân. - Nói cũng phải, nhưng nó thích cá lắm. Ngày kia chính mắt Liên thấy nó câu được con cá bé tí tẹo mà mừng hơn bắt được vàng. Chẳng phải nó nghèo khổ tìm cá bán đổi cơm gạo mà tại nó thích, thì không lý do sợ xa bỏ cuộc đâu. Có thể nó chưa đi tới kịp tụi mình. - Không đâu. Đường nó đi gần hơn tôi với bà lội đó. - Hiếu phóng tầm mắt nhìn bao quát với một bàn tay che ngang mày như thể cố giảm bớt ánh nắng chói lọi của ông mặt trời làm cay mắt. - Liên! Nhìn coi phải cái giỏ cá của thằng Dũng nằm ở vạc cỏ đó không? - Đâu! - Đó... Ở góc trái kìa, còn cần câu thì nằm xa hơn. Thấy chưa Liên? - Có thấy gì đâu! - Liên nhón chân cố nhìn rõ. - Ý trời... phải rồi Hiếu ơi. Ủa, vậy thằng Dũng đâu? - Ai biết... lẽ nào nó lọt xuống sình lún lầy luôn rồi. - Hiếu đâm lọ - Đâu bà chạy lại đó coi rõ hơn coi. - Thôi... tôi sợ quá. - Liên run giọng. - Lỡ nó chìm thiệt thì sao hả Hiếu? Hay mình la làng lên đi, coi có ai cứu giúp mình mò xác thằng Dũng lên. - Im đi bà... khùng! - Hiếu nạt lớn và chạy nhanh về phía có cần câu và giỏ cá. Một chiếc giày bata trắng của Dũng còn vướng lại ở lùm cỏ rậm rì dây leo nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của nó đâu cả. Đôi mắt Hiếu mở to đảo quanh lùng sục từng bụi rậm tìm kiếm, lòng nó bắt đầu run sợ, lo lắng. Nỗi lo ngày một lớn dần khiến Hiếu cơ hồ như không tự chủ được nữa. - Đưa tay làm loa miệng nó kêu thật lớn: - Dũng ơi... Dũng... - Giọng Hiếu vang xa âm hơi theo gió lồng lộng. - Dũng ơi... mày đâu rồi... - Dũng ơi... Dũng ơi... - Liên gọi theo trong cuống cuồng lo lắng. - Hiếu ơi... tính sao bây giờ? Chắc là nó chìm xuống sình thật quá. Tôi sợ lắm... - Dũng ơi... Dũng ơi... - Hiếu gọi hai lần nữa. Đáp lại lời Hiếu chỉ là tiếng gió vi vu, lao xao cỏ lá. Nó thật sự quá kinh sợ, quá hãi hùng, đôi chân như tê dại không nhất lên nổi. Mai Liên cũng thế. Cả hai run rẩy tái nhợt nhạt cả mặt, cố gào lên kêu gọi Dũng đến khan cả giọng. Giữa cái lúc tuyệt vọng nhất thì Dũng chạy nhanh về toàn thân sũng nước từ đầu tới chân hỏi: - Ủa Hiếu, Mai Liên. Sao hai bạn lại ở đây và hình như khóc nữa. Chuyện gì vậy? - Mày... Hiếu bật dậy dụi mắt, nó thoáng mừng nhưng rồi nổi cáu. - Đi đâu kệ tao, hỏi làm gì. Nè! Ai chỉ mày tới đây câu cá hả? - Thì Mai Liên. Nhưng... tôi chưa có câu được con nào cả. - Tao không tin. Nói đi, tự nãy giờ mày lủi trốn ở đâu? - Tôi vừa tới, chưa kịp quăng cần câu thì có tiếng bà mẹ la làng kêu cứu hộ con mình đi học về qua cầu tre bị trượt chân té xuốn nước cho nên... - Cứu người ta chứ gì? Oai quá hén. - Mai Liên dài giọng khi lấy lại được tinh thần. - Xí! Đi dâu cũng ta đây. Hiếu, mình về thôi. - Ừ! - Khoan đã... hai bạn chờ tôi một lát. - Dũng nói nhanh. - Đợi tôi về luôn. - Nè! Bộ tụi này thân với mày lắm à. - Hiếu cau mặt. - Đi được, về được. Nói xong nó bỏ ngang lấn bước, theo sau là Mai Liên. Cả hai đi một hơi không thèm nhìn lại và lặng im đến suốt đoạn đường về tới nhà, chẳng ai mở lời câu nào. - Hiếu về nghen... Liên tới nhà rồi. - Biết. - Hiếu cộc cằn. - Bà đó, tính tào lao hại nó không được báo đời thêm lo muốn chết luôn. - Bỏ đi. Hoàn cảnh đó ai không sợ chứ. Cũng may nó không có gì, mình chỉ hù cho bỏ ghét thôi. - Nhát như thỏ. - Bộ Hiếu gan lắm hả? - Thôi mệt, không nói nhiều. - Hiếu quê độ bỏ đi nhanh. Chiều xuống thật chậm, tắt hẳn ánh nắng, Mai Liên cũng có ý đợi hoài sao Dũng cận vẫn không đi ngang qua lối nhà mình, hay có ai đó chỉ nó lội đường tắt, hơi đâu mà lo lắng. Nhỏ tự trấn an, nhưng hình như cứ phập phồng mãi và mang theo luôn vào giấc ngủ.