Chương 2

Trời đã sang đông. Gió heo may về lạnh lùng thành phố và khóm cúc vườn tôi đã nở tròn trịa những đóa hoa đầu tiên.
Chiếc lồng chim Hoàng Yến đã được tôi đem vào phòng trong, treo gần bên lò sưởi để tránh những trận gió đầu mùa từ phía bờ sông thổi lên, rít ghê người không chịu được. Tôi vẫn sống hiền hòa trông ngôi biệt thự màu xanh, vui với tình thương gia đình, và buồn với nỗi buồn không nhan sắc. Tuổi dậy thì vẫn vô tình đi nhẹ vào đời như một ve vuốt êm đềm, ru hồn tôi dạt dào những mơ mộng thần tiên. Nhưng tôi vẫn yêu tha thiết những buổi chiều mây mù giăng xuống thấp và bâng khuâng rơi nước mắt khi nhìn đám lá vàng bị gió đánh tung, dập vùi lăn lóc dưới hiên mưa... tôi bắt đầu viết nhật ký, trang trải nỗi lòng mình lên từng tờ giấy mỏng màu xanh. Đó là những lời than van, những dằn vặt ê chề của số phận hẩm hiu gieo xuống cuộc đời người con gái trời bắt xấu.
Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện cổ tích tôi học được năm còn học lớp nhì đó là chuyện "Con Cánh Cam hào hiệp". Chuyện kể rằng: "Ngày đó, bà tiên trên núi Tuyết Sơn tổ chức buổi dạ vũ và mời tất cả loại côn trùng đến dự. Đến ngày hội, các côn trùng chưng diện bảnh bao, trông số đó có con Bọ dừa nổi bật nhất với quần gấm tía và áo hồng đào, nhưng đó là một sinh vật kiêu căng, hợm mình, cùng đi với nó, có con Cánh Cam trông bộ áo kim tuyến màu xanh tươi. Khi cả 2 bay qua một khu vườn nhà kia đèn thắp sáng choang, bỗng nghe có tiếng kêu cứu của một con ong lỡ rơi vào lọ mực. Thấy Bọ dừa có vẻ mạnh khỏe hơn, con Ong hướng đôi mắt cầu cứu về phía nó nhưng Bọ dừa đã quay đi, nó tiếc bộ quần áo đẹp có thể lấm mực nếu phải tay cho con Ong níu vào. Cuối cùng, Cánh Cam yếu đuối đã cứu được Ong, nhưng quần áo chúng nó lấm lem những mực và đến núi Tuyết Sơn trễ giờ khai mạc. Nhưng bà Tiên đã không phạt chúng mà còn lấy chiếc đũa thần hóa phép cho chúng sạch những vết dơ và màu sắc trên quần áo còn tươi đẹp hơn trước nữa. Riêng Bọ dừa, nó đã bị bà Tiên trừng phạt bằng cách lấy chiếc đũa gõ nhẹ trên lưng, và chiếc đũa đi đến đâu, là hiện ra những vằn đen xấu xí. Mắc cỡ quá, Bọ dừa ôm mặt lủi vào bóng tối trước những cặp mắt chế diễu của các bạn".
Có lẽ kiếp trước tôi là con Bọ dừa kiêu căng đó, nên kiếp này mới chịu nhiều nỗi đắng cay. Tôi là đoàn viên của gia đình Phật tử, do đó tôi rất tin luật nhân quả, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, chắc có lẽ kiếp trước tôi đã vụng đường tu.
Mùa lạnh năm nay, ba gửi mua tận bên Nhật cho tôi và Bội Nga 2 chiếc áo mưa thật đẹp và rất hợp thời trang. Nói đến thời trang, tôi lại càng thấy mỉa mai đâu đớn, bởi với thân hình cứng ngắt của tôi, tôi không thể mặc bất cứ một kiểu áo nào xem cho đẹp được. Nói một cách nôm na, là áo đi đường áo,người đi đường người. Áo càng đẹp, càng sang thì sự xấu xí của tôi càng thấy rõ, không như Bội Nga, cô bé mặc kiểu áo gì cũng nổi, cũng quí phái sang trọng, tôi đã từng nghe mọi người khen: "Bội Nga có mặc vải bố cũng vẫn đẹp như thường". Quả kiếp trước, Bội Nga chính là con Cánh Cam hào hiệp.
Chúng tôi đến trường trông hai chiếc áo mưa mới, tôi màu xanh và Bội Nga màu đỏ thẫm. Hồng Nhưng đứng trước cửa lớp la lên:
- Tụi bây ơi, ra mà coi, con Bội Nga có cái áo mưa đẹp rùng rợn.
Cả bọn túa ra:
- Mô? Mô? Chao ôi, áo đã đẹp mà người lại còn đẹp hơn nữa.
Không ai chú ý đến tôi, dù tôi cũng có một cái áo mưa giống hệt của Bội Nga, mà màu sắc có lẽ còn tươi hơn nữa vì hôm qua Bội Nga đã nhường cho tôi lựa trước. Tụi học trò con gái cũng không để tâm đến tôi thì còn nói đến ai nữa. Tôi cúi mặt đi về phía cuối lớp, Kim Thoa đang chăm chú tô màu bản đồ, ngó lên:
- Đi trễ rứa mi, chà, bữa ni có áo mưa mới ta, đẹp ghê.
Tôi cởi áo mưa xếp vào học bàn:
- Áo đẹp mà để cho tao bận, thiệt tội nghiệp cho cái áo.
Kim Thoa cắn cây bút chì lên môi:
- Tao khen thiệt mà, bộ mi giận tao hả?
Tôi nói nhỏ:
- Không.
Kim Thoa nhìn tôi một giây rồi lắc đầu, cúi xuống tiếp tục vẽ. Trông lớp, tôi chỉ thân có mỗi mình Kim Thoa. Kim Thoa là em ruột của Tùng, nó thường theo anh lại nhà tôi và có vẻ mến thương tôi thành thật. Tôi cũng vậy, tôi mến Kim Thoa hơn tất cả các bạn đồng học, bởi Kim Thoa hiền lành, Kim Thoa tế nhị, Kim Thoa hiểu rõ nỗi khổ tâm của tôi nên nó thường ít hay nhắc đến những vấn đề gì có liên quan đến sắc đẹp như một kiểu trang sức, một màu áo hợp với nước da trước mặt tôi. Đối với tôi, trông những câu chuyện, Kim Thoa thường nhắc đến cái đẹp về tinh thần hơn, về một tấm lòng vàng trông manh áo rách, nó hay bảo với tôi:
- Nhan sắc rồi cũng sẽ bị thời gian tàn phá, chỉ có tâm hồn đẹp mới đáng quí thôi.
Tôi biết, đó chỉ là những lời an ủi của Kim Thoa nhưng dù sao, nó cũng làm cho tôi đỡ bớt phần nào mặc cảm, chơi với Kim Thoa tôi tìm thấy được sự yên tĩnh của tâm hồn.
Tiếng trống vào học át hẳn cả tiếng gió mưa đang gào thét ngoài sân. Cả lớp nhao nhao:
- Sáng ni giờ Hiệu Đoàn chắc cô bàn đến vụ văn nghệ tất niên.
- Vui quá ta, tao ưa giờ ni rứa.
- Tao cũng rứa.
Cô Trâm bước vào lớp, ra dấu cho chúng tôi ngồi xuống. Cô cởi áo manteau máng vào ghế rồi nhìn từ đầu lớp đến cuối:
- Sáng ni có em mô vắng mặt không?
Cẩm Khanh láu táu:
- Cô điểm danh đi cô.
Tiếng lao xao như bầy ong vỡ tổ, cô Trâm gõ cây thước xuống bàn:
- Im lặng. Nghe cô nói nì.
Những đôi môi hồng dừng lại. Cả lớp im phăng phắt, những cặp mắt mở lớn nhìn cô chờ đợi. Cô Trâm chậm rãi:
- Như các em đã biết, trường mình năm ni tổ chức văn nghệ tất niên to lắm. Cô muốn lớp mình phải có một màn trình diễn thật đặc sắc, hầu chiếm cho được giải thưởng văn nghệ toàn trường do chính tay bà Hiệu Trưởng trao tặng. Các em nghĩ răng?
Cả lớp vỗ tay:
- Tụi em chịu gấp cô ơi.
Bạch Tuyết, liên đội trưởng lớp tôi, đứng lên lễ phép:
- Thưa cô, rứa cô đã có ý định chi chưa?
Cô Trâm gật đầu:
- Đó là vấn đề cô muốn bàn với các em trông giờ Hiệu Đoàn ni.
Cả lớp im lặng. Cô Trâm tiếp:
- Cô muốn lớp mình tổ chức một màn trình diễn quốc phục thiếu nữ của các nước trên thế giới dưới đề tài "Cuộc viếng thăm Việt Nam của các hoa hậu Quốc Tế" các em chịu không?
Bạch Tuyết đưa tay lên. Cô bảo:
- Em Tuyết cứ phát biểu ý kiến.
Bạch Tuyết đứng dậy:
- Thưa cô, như rứa là phải chọn các bạn trông lớp mình để đóng các vai hoa hậu Quốc Tế, em xin có ý kiến là mình nên tiếp xúc cuộc tuyển chọn ngay trông giờ ni, để sắp xếp và tập luyện cho kịp.
Cô Trâm cười thật tươi:
- Ý em Tuyết thật đúng với ý cô. Các em khác nghĩ răng? Nói cho cô biết.
- Tụi em hoan hô Bạch Tuyết, tụi em đồng ý với Bạch Tuyết.
Thế là màn tuyển chọn các người đẹp của lớp tôi bắt đầu. Kim Thoa cũng nhập cuộc, ý kiến của nó phát biểu cùng các bạn tạo nên những âm thanh hỗn loạn vang vào tim tôi. Tôi ngồi thu hình nhỏ mọn trông góc lớp, không ai thèm để ý đến tôi, cả chục cái tên hoa mỹ được nêu lên và viết lớn trên bảng đen, nhưng tuyệt nhiên, không một lần có tên Bội Tiên. Tôi bịt 2 tai, tôi dán mắt lên những vết mực dính tỹên bàn và cầu mông chóng hết giờ Hiệu Đoàn chua xót này. Bội Tiên ơi, mầy quá thừa thải trông lớp học này, trông gian phòng này, mày là cái bóng mờ, là dáng lạc đà xấu xí cô đơn giữa sa mạc hoang vu. Tôi đã kiệt sức, tôi đã lã người trên nền cát nóng bỏng, khô khan, không một giọt mưa, một bóng lá nào ru nhẹ hồn tôi qua nỗi xót xa này sao?
Kim Thoa đập vào vai tôi:
- Ê mi, con Bội Nga được nhiều phiếu nhất, nó sẽ được tuyển làm hoa hậu Việt Nam ra sân bay đón tiếp các hoa hậu quốc tế đó.
Tôi quên hết nỗi buồn đau, mừng theo niềm hãnh diện của em mình:
- Ừ, tao thích quá. Rứa là Bội Nga coi như đẹp nhất phải không Thoa?
Kim Thoa gật đầu:
- Khỏi phải nói, em mi đẹp nổi tiếng mà.
Tôi âu yếm nhìn Bội Nga đang ríu rít nói chuyện với Hồng Nhưng bên cạnh:
- Tao vẫn hằng mong cho Bội Nga gặp được nhiều hạnh phúc, Thoa nờ.
Kim Thoa nắm chặt lấy tay tôi bóp mạnh:
- Mi là một người chị thật tốt Bội Tiên ơi.
Cô Trâm lại lấy thước gõ lên bàn:
- Các em im lặng. Để cô đọc kết quả cuộc tuyển chọn nghe: Bội Nga được làm hoa hậu Việt Nam, Cẩm Thạch hoa hậu Thái Lan, Diệp Khánh hoa hậu Nhật Bổn... có em mô phản đối không?
im lặng một lát cô Trâm bảo:
- Bây giờ, mình nên chọn một địa điểm rộng rãi để tập dượt. Những cái đi, đứng, nghiêng mình... là những vấn đề hết sức tế nhị, không phải dễ dàng đâu, phải tập tành thật kỹ chứ không thể cẩu thả được.
Chuông reo đổi giờ, cô Trâm đứng dậy:
- Thôi để tuần sau cô bàn tiếp.
Tôi chống tay vào cằm, nhìn ra cửa sổ gió mưa tơi bời, Bội Nga đến bên tôi:
- Chị tiên, chị đã nghe kết quả cô Trâm đọc chưa?
Tôi cười với em:
- Chị có nghe rồi. Chị sung sướng lắm, chị rất hãnh diện vì có một cô em xinh đẹp.
Bội Nga ôm chầm lấy tôi:
- Em mừng quá chị tiên ơi, khi mô em lên sân khấu, chị nhớ chải tóc và trang điểm cho em nghe.
Tôi trìu mến nhìn vào đôi mắt trông veo của Bội Nga, tôi gật đầu không nói. Nhất định tôi phải sửa soạn thật đẹp cho Bội Nga mới được. Tôi tuy xấu xí nhưng được cái khéo tay, bất cứ các công việc gì dù lớn dù nhỏ, có bàn tay tôi để vào là hoàn toàn tốt đẹp. Me đi dự đại hội, cũng đều nhờ tôi chải đầu, Bội Nga đi ăn sinh nhật bạn, cũng nhờ tôi đánh phấn thoa son hộ. Ngay cả gian phòng thí nghiệm của ba hồi mới xây ở cuối vườn, cũng do một tay tôi trang hoàng sắp xếp các dụng cụ y khoa, các bình lọ đựng chất hóa học cùng các máy móc tối tân khác. Ba thường bảo me:
- Con Bội Tiên sau này sẽ là phụ tá của tôi, con nhỏ thông minh và có óc tổ chức tuyệt diệu lắm. Thế nào tôi cũng phải cho nó theo y khoa.
Đó là niềm mơ ước của tôi. Tôi sẽ đi theo con đường đã dẫn của ba đến thành công. Con đường y khoa lắm chông gai nhưng nhiều an ủi, đó là tình người, đó là hòa mình chia xẻ nổi khổ đâu của nhân loại, xoa dịu mỗi vết thương tàn phá hình hài.
Đất nước tôi điêu linh đã hơn phần tư thế kỷ, đồng ruộng khô khan, nụ lúa cỗi cằn không nở được bông hoa. Từng đoàn người lũ lượt kéo nhau lên thành thị tránh nạn lửa bom, bỏ nhà cửa ruộng vườn, quê cha đất tổ, ngôi vườn hoang cây trái u sầu. Tôi đã thấy những mẹ già nua trông các trại định cư, mắt hom hem vẫn còn lông lanh niềm tin trở lại quê nhà. Tôi đã thấy những gương mặt hồn nhiên thơ dại của lũ trẻ sống lạnh lùng trông những viện mồ côi suốt cuộc đời không bao giờ thấy lại mẹ cha, chiến tranh đã cướp đi của chúng một mái gia đình. Tôi đã xót xa, đã xúc cảm thật sự khi có lần cùng phái đoàn nhà trường đến thăm một quân y viện, anh thương binh băng trắng quấn quanh mình, mệt mỏi nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thật hiền lành. Đó là những con người đang chiến đấu giữ quê hương, và tôi, người hậu phương không thể điềm nhiên sống yên vui trông nhưng lụa, trông tiện nghi đầy đủ của một đứa con gái nhà giàu. Đã bao nhiêu lần tôi thầm nhủ phải làm một cái gì cho vơi bớt mặc cảm thụ hưởng, nhưng tôi còn nhỏ quá, tôi chưa có phương tiện, tôi chưa đủ tài năng, nên suốt ngày tôi nguyện cầu ước vọng của mình mau thành tựu, đó là được thi đỗ vào y khoa.
Buổi trưa đi học về trời tạnh ráo, Bội Nga chạy đến nói với tôi:
- Chị tiên về trước nghe, em và mấy tụi được chọn hồi nãy lại nhà cô Trâm một chút.
Tôi mĩm cười với Bội Nga:
- Nhớ về mau kẻo ba me đợi cơm nghe em.
- Dạ, một xí thôi chị.
Tôi nhìn theo Bội Nga đang quàng vai tụi Cẩm Thạch, Diệp Khánh... líu lo nói chuyện, đứa nào cũng xinh, cũng đẹp như đàn tiên nga, như hoa hàm tiếu, người ta thường ví nàng con gái với một đóa hoa nghĩa là bất cứ người con gái nào cũng đẹp. Nhưng tôi thì không, tôi không phải là hoa dù là một cánh hoa dại mọc lẻ loi bên đường, không ai thèm nhìn đến, tôi chỉ là tôi, con Bội Tiên bạc phước, tuổi dậy thì không một kẻ yêu thương.
Tôi thẫn thờ đi ra cổng, những vũng nước mưa còn đọng trên mặt đường in rõ vòm trời xanh lơ phía trên kia. Tôi nhìn lên cành phượng khẳng khiu, gió mùa đông đã làm tơi tả những ngọn lá buồn lăn lóc trên nền đất nhòe nhoẹt mưa sương, hoa phượng đã tàn héo từ đầu mùa thu khi nhạc ve sầu thôi rã rích, khi từng chiều, tôi mên theo lề đường nhặt những đóa hoa khô ép vào lòng nhật ký. Tôi thường ví đời mình như cánh hoa phượng tàn, khi nắng hè đã nhạt, khi mùa hè đã khuất, không còn lại gì ngoài những xác hoa buồn khô héo xót xa.
Tôi băng qua đường, qua công viên trước trường để đi dọc theo bờ sông. Tôi muốn đi một mình, tôi muốn tránh những tia nhìn thương hại của các bạn cùng học, những ánh mắt hững hờ của các chàng trai đi về chung lối. Chợt có tiếng gọi:
- Bội Tiên, Bội Tiên.
Chị Thanh Xuân, bạn của anh Tuấn chạy đến bên tôi:
- Bội Tiên, đi học về hả, răng lại thẫn thờ ở đây?
Tôi gượng cười:
- Thẩn thờ chi mô. Thường em thích đi dọc theo bờ sông rứa.
- Lâu ngày hí mới gặp lại tiên.
Tôi sửa lại mái tóc:
- Tại chị chớ. Răng lâu quá không thấy chị qua nhà em chơi?
Chị Thanh Xuân thở ra:
- Bữa ni chị bận lắm Tiên ơi.
Tôi tò mò:
- Chị bận chi?
Chị Thanh Xuân kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh hồ phun nước:
- Ngồi xuống đây chị nói cho nghe. Nhóm bạn cúa chị đó, có tổ chức mấy lớp học bình dân ở dưới Vỹ Dạ, thứ bảy chủ nhật chị bận về dưới đó đạy. Rứa mà cũng không xuể đó Tiên, học trò đông lắm mà nhóm chị lại ít người.
Bỗng nhiên tôi có ý muốn gia nhập vào nhóm bạn của chị Thanh Xuân. Ừ nhỉ, tại sao mình lại không đem mớ kiến thức nhỏ mọn để dìu dắt các em bé tại những miền thôn xóm xa xôi, để hòa mình vào nếp sống dân quê nghèo khổ và... để khỏa lấp những ngày chủ nhật vô vị, quanh quẩn trông nhà, chưa một lần hãnh diện đi dạo phố như những nàng con gái khác chỉ trông chờ đến ngày nghĩ là rộn rã áo quần, tấp nập ngựa xe. Tôi ngập ngừng nói với chị Thanh Xuân:
- Chị xuân, em... em có thể đến đó dạy được không?
Chị Thanh Xuân nói như reo:
- Ồ, như rứa thì còn chi quí bằng. Mà... bội Tiên nói thật không?
Tôi gật đầu quả quyết:
- Thiệt mà.
- Còn bài vở, bộ tiên không bận học hành răng?
Tôi để tay lên đùi chị:
- Đầu năm bài vở chưa có chi nhiều chị ơi, với lại một tuần chỉ dạy ngày chủ nhật thôi mà. Thường thường, em năng học bài vào buổi tối.
Chị Thanh Xuân nắm tay tôi:
- Chị cám ơn Bội Tiên trước.
Tôi hỏi chị:
- Rứa khi mô em có thể đi dạy được?
Chị Thanh Xuân hẹn:
- Chủ nhật ni, chị đến rủ em xuống nớ chơi cho biết đã nghe.
- Dạ.
- Nhớ đợi chị.
- Nì chị xuân, hay chủ nhật ni em đem xe đến nhà chở chị đi nghe.
- Rứa thì càng tốt, chị không có xe nên cứ phải đi xe đò.
Tôi đứng lên đưa tay xem đồng hồ:
- Chết chưa, trưa quá rồi, thôi chị cho em về, chủ nhật ni em lại nhà chị nghe.
- Ừ, Tiên về hí.
Nhà tôi gần trường nên tôi thường đi bộ đến lớp, chiếc Yamaha ba mua cho tôi năm ngoái vẫn nằm hoài trông garage, khiến Bội Nga cứ nói hoài:
-Răng chị không đem xe mà đi chị tiên, chị ngó xe em tề, mua một lần với chị mà chừ đã củ rích.
Những lần đó tôi chỉ biết cười. Nói cho đúng thì tôi không có dịp để phóng Yamaha đi chơi như Bội Nga. Tôi không đủ can đảm dự những cuộc picnic, những lần đi dạo đồng lớp tôi đều có bạn trai đi tháp tùng, tôi chen vào cuộc vui đó chẳng khác gì vịt trời lạc giữa bầy thiên nga, và chỉ tổ gây khó chịu cho mọi người mà thôi. Nhưng bây giờ thì chiếc Yamaha của tôi sắp có công tác rồi, tôi sẽ dùng nó làm phương tiện để thực hiện mộng ước của tôi.
Sáng chủ nhật, tôi dẫn xe ra ngõ, sau khi xin phép me qua nhà chị Thanh Xuân chơi. Hai chị em ghé Cercle ăn bún bò, xong trực chỉ ngã Thuận An. Trời lạnh, nhưng có nắng, gió lồng lộng thổi, làm hai tay tôi run run vì rét.
Xe qua đập đá, nước sông Hương đục ngầu cuồn cuộn dâng cao, chị Thanh Xuân chép miệng:
- Nước lớn quá, năm ni dám lụt to lắm Tiên ơi.
Tôi hơi quay về phía sau:
- Thì năm mô Huế mình lại chẳng lụt, chị không nghe trông bài tiếng sông Hương à: "Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đâu thương thấm tràn...!"
Chị Thanh Xuân ôm chặt tôi thêm:
- Tội nghiệp xứ Huế mình ghê Tiên hí.
Xe đến thôn Vỹ dạ, hàng tre 2 bên đường xanh mướt vút cao. Chị Thanh Xuân ngâm khe khẽ sau lưng tôi:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc tre ngang mặt chữ điền
Tôi nghe thoáng buồn, người con gái đẹp nào cũng gợi nguồn thi hứng cho các thi sĩ, ngoại trừ tôi, kẻ xấu xí này.
Tiếng chị Thanh Xuân kéo tôi về thực tế:
- Rẽ sang tay trái Tiên.
Xe đi qua con đường mòn gồ ghề khúc khuỷu, ổ gà trên mặt đường mỗi lúc một nhiều làm tôi bao lần xuýt lạc tay lái.
- Còn xa không chị xuân?
- Sắp tới rồi, em thấy cái cổng sơn màu vàng không? Trông nớ đó, lớp học ở gần nhà thờ.
Tôi cho xe tiến vào cổng, đường ở đây được lấp đất bằng phẳng dễ đi nhưng nhà cửa hai bên lại nghèo nàn xơ xác, những mái tranh thấp lè tè và các cánh cửa đều xiêu vẹo. Một vài giàn mướp, vài luống cải trổ hoa vàng trước sân nhà vẫn không đủ sức làm tươi được thôm xóm buồn bã này. Chị Thanh Xuân hướng dẫn tôi đến nơi chị dạy, đám học sinh túa ra:
- Thưa cô, thưa cô.
Chị Thanh Xuân xoa đầu từng đứa rồi nói với tôi:
- Chị phụ trách một lần hai lớp luôn. Chừ có em, chị nhường cho em một lớp. Bầy trẻ ở đầy tuy nghèo nàn rách rướ'i nhưng dễ dạy lắm em.
Tôi hơi bối rối:
- Em có thể bắt đầu dạy được chưa chị?
Chị Thanh Xuân nắm tay tôi:
- Em vào đây, chị giới thiệu em với học sinh, lớp em phụ trách hôm nay là lớp nhì.
Những đôi mắt nai tơ mở tròn nhìn tôi, con trai có vẻ nhiều hơn con gái, và điều làm tôi trắc ẩn hơn hết là tất cả các em học sinh, áo quần đều mang những mảnh vá. Lời chị Thanh Xuân thật chững chạc:
- Giới thiệu với các em, đây cô Bội Tiên, sẽ thay cô dạy các em kể từ chủ nhật tuần sau. Các em hãy ngoan ngoãn và siêng năng học hành để khỏi phụ lòng tốt của cô Bội Tiên đã không quản ngại đường xa và thì giờ quí báu để đến đây chỉ dạy cho các em.
Cả lớp im lặng. Tôi nhìn những ánh mắt ngây thơ đầy thiện cảm hướng về phía tôi, những ánh mắt ấm nồng tình thương.
Chị Thanh Xuân ra dấu cho các nem ngồi xuống, rồi chị bảo với tôi:
- Mình vào thăm xóm cho biết em.
Tôi nhìn chị:
- Sáng ni chị không dạy à?
- Bữa ni có em mà, chị cho tụi nó nghỉ một hôm. Để chị dẫn em vào giới thiệu với dân trông xóm, những người ở đây thật thà chất phát lắm đó em.
Tôi dắt xe để tận trông hiên nhà thờ rồi theo chị Thanh Xuân đi sâu vào xóm trông. 2 lớp chị Thanh Xuân dạy được phép nghĩ, học sinh vui mừng xếp sách vở chạy theo chúng tôi, la hét om sòm. Chị Thanh Xuân trừng mắt:
- Các em hãy im lặng và ra về trông trật tự.
Tiếng ồn ào dịu dần, tôi nói nhỏ vào tai chị:
- Chị có uy tín ghê. Biết em có bắt chước được như chị không?
Chị Thanh Xuân cười:
- Rồi cũng quên đi. Có rứa chúng mới sợ tiên nờ. Mà nói cho ngay thì con nít thôn ni dễ bảo lắm.
Ngang qua một gian nhà cất bằng gỗ tạp sơn màu xanh loang lổ, cánh cửa chính treo tấm sáo cũ kỷ làm bằng những sợi nylon tím vàng, chị Thanh Xuân nói:
- Mình vào đây một chút em.
- Nhà ai rứa chị?
Chị Thanh Xuân nói nhỏ:
- Nhà của đứa học trò xuất sắc nhất lớp mà em sắp phụ trách. Nó tên Hợi, học giỏi và có hiếu lắm đó em.
Một đứa bé gái chừng bảy tám tuổi vén tấm màn nylon chạy ra:
- Thưa cô.
Chị Thanh Xuân thân mât:
- Ừ, giỏi, rứa ba mạ mô rồi? Anh Hợi mô rồi?
Đứa bé cúi đầu lễ phép:
- Dạ thưa cô ba mạ con đi làm rồi, còn anh Hợi đang cho heo ăn. Để con đi kêu.
Đứa bé chạy vụt ra nhà sau, chị Thanh Xuân nắm tay tôi bước vào nhà:
- Thằng Hợi là anh cả của sáu đứa em. Ba mạ nó đi làm thợ nề ở xóm trên. Tội nghiệp thằng Hợi, mới có 11 tuổi đầu mà gánh vác việc nhà còn giỏi hơn con gái nữa.
Thằng Hợi từ ngoài sân chạy vào. Đó là một đứa bé ăn mặc rách rưới nhưng gương mặt thật sáng sủa, tôi nghĩ, nếu nó được thắng vào một bộ quần áo lành lặn, không ai có thể đoán nỗi nó là một đứa con nít nhà quê. Thấy chị Thanh Xuân, thằng Hợi vòng tay cúi đầu:
- Thưa cô.
Chị Thanh Xuân dịu dàng:
- Răng sáng ni em không đến lớp?
Giọng thằng bé ngập ngừng;
- Dạ sáng ni, có bác Ngộ cuối xóm cho cây chuối thiệt to, con xắt mãi cho heo ăn tới chừ mới xông. Con biết sáng ni chi cũng đi học trễ, con định tới lớp xin lỗi cô.
Tôi hỏi Hợi:
- Sáng mô em cũng xắt chuối cho heo ăn hết à?
Thằng Hợi lễ phép:
- Thưa cô, dạ sáng mô cũng rứa, nhưng chuối sau nhà nhỏ lắm chớ mô có to như cây chuối bác Ngộ cho.
Chị Thanh Xuân chỉ tôi rồi nói với thằng Hợi:
- À cô quên giới thiệu với em, đây là cô Bội Tiên, sẽ thay cô phụ trách lớp em bắt đầu từ chủ nhật tuần sau.
Thằng Hợi gật đầu chào tôi, cái miệng cười chúm chím thật dễ thương. Nó hỏi chị Thanh Xuân:
- Thưa cô, rứa cô không dạy tụi con nữa à?
- Dạy chớ. Nhưng cô nhường bớt một lớp cho cô Bội Tiên dạy. Em đừng lo, cô Bội Tiên hiền lắm.
Chị Thanh Xuân dắt tôi đi thăm một vài nhà nữa, những gia đình có con em học tại lớp mà tôi sắp phụ trách. Điều nhận xét đầu tiên của tôi là dân làng ở đây rất đôn hậu, thiệt thà, họ trọng vọng chúng tôi hết mực và xem chúng tôi như người ân.
Ngày chủ nhật đầu tiên trông đời, tôi cảm thấy vui vui và quên hẳn đi mặc cảm bất hạnh của mình.