Đạt lắc đầu cười: - Huyền hy sinh như vậy là tốt lắm. Nhưng Huyền có nghĩ rằng rất có thể ông ta chỉ lợi dụng lòng tốt của Huyền không? - Có lúc, em cũng đã tự đặt câu hỏi như thầy! Nhưng có nhẽ anh ấy không có ý định lợi dụng. Mà dù anh ấy có ý định lợi dụng, mình đã định giúp thì vẫn cứ giúp, có phải không thầy? Đạt thủng thẳng đáp: - Riêng tôi, thì tôi mong mỏi ông ta chỉ là người lợi dụng… - Sao vậy thầy? - Vì nếu ông ta lợi dụng thì Huyền chỉ mất một số tiền, còn nếu ông ta không manh tâm lợi dụng thì tôi e câu chuyện sẽ rắc rối, phức tạp hơn… Huyền nhìn thẳng vào mắt Đạt: - Nghĩa là thầy ngại em sẽ yêu ông ta? Đạt uống một hụm nước cam. Nước chảy thấm nhuần cơ thể đến đâu, Đạt đều cảm thấy và hình như “nghe” thấy cái hướng đi của chất nước đang làm cho tâm hồn Đạt dịu lại… Rồi bằng một giọng trầm, Đạt nói với Huyền: - Tôi không “ngại” gì cả. Tôi vẫn nghĩ duyên kiếp là điều chúng ta khó mà tránh thoát… Nhưng tôi có chút kinh nghiệm bản thân, nếu Huyền sẵn sàng muốn nghe, tôi không hoàn toàn giống chuyện của Huyền bây giờ, nhưng sẽ giúp cho Huyền hiểu mình thêm… - Dạ xin thầy cứ kể. Em đang muốn nghe. - Câu chuyện không có gì ly kỳ cả. Hồi tôi hai mươi hai tuổi, tôi biết một thiếu nữ nghèo, con nhà tử tế, sinh sống bằng nghề “làm tiền” bán chính thức. Tôi không hiểu những nguyên động lực nào đã thúc đẩy cô ta vào con đường đó. Có nhẽ vì hoàn cảnh mà cũng có nhẽ vì cô ta muốn tự dấn thân vào cuộc đời “sóng gió”. Chỉ biết là ngay từ phút đầu tiên gặp cô, bên cái đệm nhem nhuốc của một khách sạn rẻ tiền, tôi đã có ý định cương quyết sẽ cứu vớt cô ta vì tâm trạng tôi lúc đó có nhẽ cũng hơi giống như tâm trạng Huyền lúc này! Tôi nghĩ—như một nhà văn nào đó đã viết—là “chúng ta sẽ có tội nếu chúng ta chỉ nghĩ đến lên thiên đường một mình”. Tôi không muốn lên thiên đường một mình, nên tôi đã tự đâm đầu xuống địa ngục để lôi cô lên. Nhưng tôi càng sốt sắng, hăng hái muốn cứu vớt cô thì cô càng thêm dối trá, hư hỏng và cô càng hư hỏng thì tôi lại càng cay cú, càng say mê… Thậm chí, tôi đã ăn cắp cả tiền gia đình đưa cho cô “bao” những tình nhân của cô… Đạt ngừng, uống thêm một hụm nước cam. Huyền sốt ruột hỏi: - Thế kết cục ra sao? - Kết cục là cô đã tìm thấy cái chết bất ngờ trong một tai nạn xe hơi. Nếu cô ta không chết, tôi tin chắc bây giờ tôi vẫn sống dưới địa ngục với cô, tôi đã lấy cô ta và mãi mãi ràng buộc cuộc đời mình vào cái nợ tiền kiếp đó… - Nghĩa là—theo ý thầy—người ta chỉ nên sống ích kỷ… Ai xuống địa ngục thì mặc người ta, không nên tính chuyện cứu vớt cho mất công…! Có phải không ạ? Đạt lắc đầu: - Huyền hiểu sai rồi. Tôi không nghĩ như vậy. Đặt giả thuyết là người đàn bà đó hồi sinh và tôi được sống lại quãng đời quá khứ của tôi, thì có nhẽ tôi vẫn tính chuyện cứu vớt người thiếu nữ… Nói vậy để Huyền hiểu là tôi không hối tiếc việc mình làm… Nhưng sở dĩ tôi kể chuyện cho Huyền nghe là cốt để Huyền thấy rằng nhiều khi chỉ vì chúng ta muốn đưa một người lên thiên đường mà rút cuộc, cả hai đều xuống địa ngục… Huyền cắt ngang lời Đạt: - Nhưng em có ý định lôi ai lên thiên đường đâu! Chính em cũng không muốn lên thiên đường cơ mà! Em chỉ muốn sống với cái địa ngục trần gian, biến cái địa ngục này thành thiên đường! Như vậy đâu có giống chuyện của thầy, có phải không thầy? Đạt cười ngất, nửa tán thưởng, nửa mỉa mai: - Thế thì còn nói gì nữa! Nhất Huyền rồi còn gì! Nhưng riêng về chuyện ông Tuấn hỏi mượn tiền, thì tôi đề nghị với Huyền một điều, Huyền có sẵn lòng nghe không? - Dạ, em sẵn lòng! - Cái việc này, Huyền để tôi lo giúp Huyền. Tôi sẽ gặp ông ta, nếu thấy cần phải giúp thì tôi sẽ đưa tiền cho ông ta, nói là của Huyền đưa. Nếu thấy cũng chả cần giúp thì tôi sẽ báo cho Huyền biết và Huyền nên chấm dứt liên lạc với ông ta. Huyền nghĩ thế nào? Huyền đắn đo một lúc mới nói: - Dạ, cũng được… Nhưng thầy đưa em về kẻo nhà mong. Và cũng như Khải khi đưa Diễm về, Đạt đưa Huyền tới trước nhà, nhưng không chịu vào, mặc dầu Huyền khẩn khoản mời. Biết Đạt vẫn còn chưa nguôi về chuyện Diễm đi xi-nê với Khải, Huyền dịu dàng hỏi Đạt: - Vậy thầy có nhắn chị Diễm gì không? Đạt không nói, chỉ lắc đầu, nhìn Huyền, rồi đi thẳng… Lê Tuấn nằm trên giường, một mình mải miết lấy cỗ bài phé, bói thử xem sắp có tiền chưa, thì có tiếng gõ cửa: - Cứ vào! Người thư ký của văn phòng quản lý Bin- đinh “Hi Mã Lạp Sơn” mở cửa, hầm hầm nói với Tuấn: - Ông quản lý bảo tôi lên nói với ông rõ, đến ngày mai là vừa đúng bốn tháng. Nếu ngày mai, ông vẫn “ỳ”, không thanh toán tiền phòng… thì ông chủ tôi sẽ bắt buộc lấy lại chìa khóa phòng cho người khác thuê, và giữ quần áo, va ly… của ông lại làm tin! Tuấn cười nham nhở: - Làm gì mà tợn thế! Yên trí! Sắp có tiền rồi! - “Sắp” là bao giờ? Chúng tôi không muốn nghe hứa suông mãi! Ông tính thế nào? Tuấn đành xuống nước, dùng giọng thân mật, nói khẽ với người thư ký: - Thôi, nhờ cậu nói khéo với ông quản lý dùm. Thế nào cũng có tiền mà! Có một bà Thiếu tướng mê tranh của tôi lắm, đang điều đình với tôi mua bức tranh đắc ý nhứt của tôi, nhưng tôi đòi mười lăm ngàn mà bà ta mới chịu trả sáu ngàn, nên tôi chưa bằng lòng! - Tranh gì mà quý thế? - Bức tranh nhan đề là “Chờ Tiền”. Người thư ký phì cười: - Chắc ông vẽ bức tranh trong lúc đang chờ tiền! - Đúng thế! Nguồn cảm hứng của tôi lúc đó rất thực và mảnh liệt, mãnh liệt đến nỗi chỉ nhìn nét mặt của người trong tranh, người xem tranh cũng hiểu ngay là đang “chờ tiền”! - Thế bà Thiếu tướng của ông có “chờ tiền” đâu mà lại thích bức tranh “chờ tiền” của ông! Tuấn cười bí mật: - Số là dưới bức tranh tôi không đề “chờ tiền” mà tôi lại mập mờ đề một cách văn vẻ là “chờ đợi”. Chắc bà Thiếu tướng của tôi cũng đang “chờ đợi” một cái gì, nên mới thích bức tranh của tôi! Tuân đang hứng, rờ gói thuốc lá để hút thì không còn điếu nào. Chàng bèn bảo người thư ký, giọng rất hách: - Có tiền lẻ không! Mượn tạm năm chục mua thuốc lá. Mai sẽ trả… Người thư ký, quên hẳn mất mình lên gặp Tuấn là để đòi tiền, vui vẻ móc ví đưa cho Tuấn năm chục: - Đậy bố! Mua thuốc lá hút mà “chờ tiền”. Người thư ký ra rồi, Tuấn quay về với cỗ bài bói của mình thì lại có tiếng gõ cửa: - Cứ vào! Cửa mở, Đạt long khừng tiến vào: - Xin lỗi ông! Tôi muốn gặp ông Tuấn. - Chính tôi đây. - Tôi là Đạt, thầy dạy học của Huyền. - À ra thế! Thưa ông! Ông là giáo sư Đạt… - Dạ… Tuấn bỏ cỗ bài xuống giường, lóng ngóng đứng lên chì tay bắt tay Đạt thật chặt, miệng nói “hân hạnh”. Trong một giây đồng hồ, hai người nhìn nhau: Tuấn thì muốn dò xét, phỏng đoán xem Đạt đến với tư cách gì, mục đích gì, bạn hay thù, gây sự hay… mang tiền lại cho Tuấn mượn. Đạt thì nhìn Tuấn để đánh giá, phân loại Tuấn thuộc hạng người nào, nghện sĩ bừa bãi hay lưu manh suy đồi. Đạt nhìn cái thân hình cá chép, bộ ria “Clark Gable”, gương mặt lì của Tuấn và tự nhủ: “Điệu bộ anh này thì lúc túng tiền, có thể đánh đập cả người yêu để khảo… tiền”… Đạt lại đưa mắt nhìn mấy bức tranh treo trên tường mà Đạt đoán là của Tuấn: nét vẽ giản dị, mạnh, tung hoàng, khiến Đạt nhìn bộ mặt Tuấn thì không ưa lắm, nhưng ngắm tranh của Tuấn thì lại thấy có cảm tình đặc biệt… Và Đạt chợt hiểu tại sao Huyền tha thiết cố “cứu vớt” Tuấn: chỉ vì bức tranh chân dung Tuấn đã vẽ cho Huyền! Thấy Đạt ngắm tranh của mình, Tuấn hỏi ngay: - Ông thấy thế nào? - Được lắm! Có hồn lắm! Nhưng có lẽ vì tất cả tâm hồn ông đều gửi vào tranh, thành ra chính ông… - Chính tôi chỉ còn có xách thịt, mà mất hết tâm hồn có phải không ông? Đạt cười: - Cũng gần như thế! Ngày lúc đó, người “bồi” mang lên cho Tuấn gói thuốc lá do Tuấn nhờ mua. Tuấn bóc gói thuốc, mời Đạt, vui vẻ kể: - Ông thật hên ghê! Tôi vừa gặp lúc hết thuốc thì anh thư ký của “Bin đinh” lên đòi tiền phòng! Tôi tán khéo mượn được của hắn năm chục, mua thuốc lá thì ông tới… Đạt bắt đầu thấy có cảm tình với Tuấn. Đạt hiểu có cảm tình với Tuấn là điều bất lợi cho công việc chàng dự định thực hiện là chấm dứt sự liên lạc giữa Huyền và Tuấn. Cho nên Đạt đi ngay vào vấn đề: - Tôi biết ông cần tiền nên mới biên thư mượn tiền của Huyền và cũng vì bức thư đó mà tôi lại đây! Giọng hơi sẵng của Đạt làm Tuấn bực tức hỏi lại: - Chính Huyền nó nhờ ông lại đây? - Không phải thế! Huyền có đưa cái thư của ông cho tôi coi để hỏi ý kiến và nhất là để hỏi mượn tiền tôi, vì ông cũng rõ Huyền không làm gì có tiền. Cho nên tôi đề nghị với Huyền để tôi gặp ông và giải quyết việc này với ông… Nghe Đạt giải thích, là Huyền hỏi mượn tiền Đạt để cho mình mượn, Tuấn lại bắt đầu hy vọng sẽ Đạt sẽ cho mượn tiền. Anh quên hết bực tức, vội hỏi Đạt: - Thế ý kiến ông ra sao? Đạt nhìn thẳng vào mắt Tuấn: - Trước hết tôi muốn biết tại sao ông lại mượn tiền một thiếu nữ như Huyền? - Tôi hỏi mượn tiền Huyền vì tôi cần tiền chứ còn tại sao nữa! Lúc này tôi có nhiều món phải thanh toán mà chỗ nào hỏi mượn được tiền, tôi đều vướng mắc cả rồi. Nên tôi phải hỏi Huyền… Tôi tưởng cái đó cũng là chuyện thường tình… Giọng Tuấn rất hồn nhiên, vô tội, khiến Đạt làm ra vẻ nghiêm, nói với Tuấn: - Nhưng chắc ông cũng nhận thấy việc mượn tiền một thiếu nữ là một điều không đẹp, không những mang tiếnt cho ông, mà còn mang tiếng cho Huyền là đằng khác. Huyền không cho ông mượn tiền thì không đành tâm, mà cho ông mượn tiền, cũng không tiện… Ông có thấy thế không? Ông có thấy, ông đặt Huyền vào một hoàn cảnh khó xử không? Tuấn ngồi thừ nghe Đạt nói, rồi đột nhiên phì cười: - Bây giờ tôi mới nghĩ ra. Có nhẽ không đẹp thật. Nhưng đang lúc cần tiên, thì còn biết cái gì là đẹp, là xấu nữa! Tuấn ngừng một lát, rồi nhìn thẳng vào mặt Đạt, nói không ngượng ngùng mà còn như khoe khoang: - Thú thực với ông, ít lâu nay, tôi không còn phân biệt nổi thế nào là tốt nữa. Tiện thể, ông cho tôi hỏi ý kiến về điều giới đây… là xấu hay tốt… Cách đay gần một năm, tôi đánh phé cứ thua hoài, có bao nhiêu tiền “nướng” sạch mà lại nợ lung tung. Mãi sau, mấy thằng bạn vẫn đánh bạc với mình mới tiết lộ cho biết là chúng nó đã “cõng bê” đến để “thịt” mình! - “Cõng bê”â là thế nào? - Bê là bịp. Cõng “bê” là mang bịp tới. Mấy đứa bạn tôi không biết bịp, nhưng chúng đã “cõng” mấy tay “thợ”, mấy tay bịp đến thịt mình. Mấy thằng bạn giảng giải cho tôi biết là trước kia các bạn tôi đều bị bịp mãi, nên khi “sáng mắt” thì đều phải gia nhập làng bịp để gỡ lại tiền, và thâm ý của các bạn tôi, khi mang “bê” tới thịt tôi, cũng chỉ là để cho tôi “trần như mộng” thì rồi, dù muốn dù không, tôi cũng sẽ gia nhập tổ chức của họ. Tôi thú quá, nhận lời liền, và khi tôi làm quen với tổ chức “bê” thì tôi lại sửng sốt nhận thấy rằng những người này tuy là dân “bê” nhưng rất chững chạc, lương thiện, có “đạo đức cách mạng”, cách mạng hơn cả những cách mạng gia… Thấy Đạt tủm tỉm cười, ra vẻ chế nhạo, Tuấn nóng máu, nói thêm hăng: - Ông không tin ư? Ông không tin thì mời ông gia nhập tổ chức của chúng tôi… Đạt vẫn tủm tỉm cười: - Thật hân hạnh quá! Tuấn tưởng thật, mắt long sòng sọc: - Ông gia nhập thực nhé! “Cõng bê” ngon lành lắm! Ông chỉ cần giới thiệu cho chúng tôi một cái mồi ngon nào, ông cứ việc về nhà ngủ, rồi sáng hôm sau, nếu lột được mười vain, thì tức khắc ông sẽ được chia một phần ba, nghĩa là ba vain, ba nghìn, ba trăm, ba chục, ba cắc, ba xu v.v… Không thiếu, không thừa một xu! Thế là lương thiện đường hoàng chứ còn gì nữa! Đạt phì cười: - Ngon lành vậy, sao ông vẫn túng tiền và hỏi mượn Huyền? Tuấn cũng cười: - Ngon lành lắm! Nhưng lúc này hết “đất”! Vậy ông giới thiệu chúng tôi đi… Cũng xin nói trước để ông khỏi áy náy trong lương tâm là chúng tôi chỉ lột những đứa đáng lột, những đứa hút máu mủ đồng bào, những thằng làm giàu bất lương. Đồng tiền của họ, nếu mình có bịp lấy mà tiêu thì cũng đáng lắm. Như thế là hợp lý, hợp tình có phải không ông? Nghe Tuấn say sưa nói, Đạt chỉ còn biết lắc đầu. Chàng cười buồn bảo Tuấn: - Nếu ông tin tưởng ở cái chính nghĩa “bê” của ông, sao ông không rủ cả Huyền vào nữa cho vui? Tuấn thản nhiên trả lời: - Nếu tôi biết Huyền bằng lòng thì tôi sẽ không ngại gì mà không rủ! Đạt nhìn Tuấn, không biết xếp Tuấn vào loại người nào. Đạt không hiểu nổi tại sao giữa kịch phẩm của Tuấn, họa phẩm của Tuấn và đời sống cá nhân của Tuấn lại có sự mâu thuẩn rùng rợn như vậy? Mà có thực là Tuấn không biết hối hận nữa hay đó chỉ là bề ngoài? Đạt thường nghe nói tới lối sống mệnh danh là “tàn bạo” của một số nam nữ thanh niên thời đại và nghe Tuấn hồn nhiên rủ chàng vào tổ chức “bịp” của Tuấn, Đạt tự hỏi: “Phải chăng đó là tâm lý tàn bạo của thời đại?” Nhưng Đạt vụt nghĩ tới chuyện riêng của mình, đến việc Đạt rắp tâm hỏi Diễm làm vợ và chàng tự nhủ: “Ta yêu một người học trò của mình, yêu con một người bạn, như thế chả là bạo tàn là gì!” Và Đạt chợt hiểu cái buồn lạ lùng đã xâm chiếm tâm hồn mình lúc này, khi nghe Tuấn rủ chàng vào “ tổ chức” của Tuấn: “Liệu mình có hơn gì Tuấn không?” Cái ý nghĩ sót xa đó làm giọng của Đạt bớt nghiêm khi nói với Tuấn: - Anh, à quên ông …. Đã ba mươi tuổi chưa? - Xin anh cho phép gọi bằng anh cho tiện! Dạ vừa chẵn ba mươi! Tam thập nhị lập mà! - Anh sống độc thân? - Chả độc thân thì sống với ai! Mẹ chết, bố bị Việt minh thủ tiêu, vợ lấy cán bộ của “cụ”. - Anh đã có vợ? - Có chứ! Tôi có cả một đứa em gái nữa. - Cô ấy đâu? - Nó làm vũ nữ! Vũ nữ Trang! Anh có hay đi nhảy không? Đạt lắc đầu, Tuân nói tiếp: - Nếu anh hay đi nhảy thì phài biết tiếng nó. Nó sống lộn xộn như tôi, nên hai an hem, chả ai buồn đem những lời đạo đức khuyên nhau nữa. Chứ hồi nó là một nữ sinh chưa làm nghề vũ nữ, nó rằn vặt tôi, làm tình làm tội tôi đủ điều. Bây giờ thì yên rồi, nó không mắng nhiếc tôi nữa, vì chưa biế chừng, nó lại bừa bãi hơn cả mình… Đạt đột nhiên hỏi Tuấn: - Huyền co ùquen biết cô em anh không? - Không! Huyền cũng không biết là tôi có em gái. Cho họ quen nhau làm gì! Đạt hỏi luôn Tuấn: - Anh nghỉ thế nào về Huyền? Liệu anh có mong mỏi Huyền cũng trở thành vũ nữ như cô Trang, em gái anh, để Huyển khỏi “mắng nhiếc” anh, như em gái anh, trước kia không? Tuấn cười, không trả lời. Câu nói mỉa mai của Đạt khiến Tuấn có cảm tưởng là Đạt còn “ngay thơ” quá. Có một thời, Tuấn đã oanh liệt nhịn chơi, nhịn ăn, nhịn mặc, để nuôi em. Có một thời, không những Tuân có những ý nghĩ lương thiện và lành mạnh của một thanh niên có giáo dục, mà còn có tinh thần hy sinh cao thượng của người anh tự hào đã nuôi em gái ăn học. Nhưng chẳng may Tuấn lâm bệnh và giữa lúc túng thiếu, đau ốm, một thằng bạn văn nghệ đã đem tiền đến nuôi hai anh em Tuấn để lợi dụng Trang, ngủ với Trang, và do đó, Trang từ một nữ sinh ngây thơ bước vào nghiệp vũ nữ! Tuấn không thù thằng bạn chó má, cũng không giận em nhẹ dạ. Mà Tuấn sống thản nhiên thực! Tuấn không còn phân biệt được—không buồn phân biệt—thế nào là xấu, là tốt, là phải, là quấy nữa. Nghe Đạt hỏi mình “nghĩ thế nào về Huyền”, Tuấn hỏi lại: - Xin lỗi anh! Anh không phải là người yêu của Huyền đâu chứ? Tự nhiên Đạt thấy cần phải “tâm sự” với Tuấn: - Không! Tôi yêu Diễm, chị ruột Huyền và định hỏi Diễm làm vợ! - Cô Diễm à! Nhưng cô Diễm cũng là học trò anh cơ mà! - Vâng. Có thế! Tuấn lắc đầu cười, giọng nửa đứng đắn, nửa đùa cợt: - Như thế liệu có “tiện” không anh? Biết đâu người ta chả bảo anh lợi dụng địa vị “thầy dạy học” của anh! Mà chưa biết chừng, việc anh cầu hôn Diễm cũng giống như việc tôi hỏi mượn tiền Huyền. Nói vậy không phải là tôi chỉ trích anh đâu! Trái lại là đằng khác… Rồi Tuấn cười ròn rã. Tiếng cười của Tuấn như lột trần tâm tư Đạt để Đạt nhìn thấu rõ cái bản ngã thầm kín của mình. Nhưng nhìn thấu tâm hồn mình, Đạt vẫn không cảm thấy xấu hổ, sượng sùng vì không bao giờ, chàng ngờ vực lòng mình, tự cho rằng mình đã lợi dụng tình thầy trò để quyến rũ Diễm. Đạt chỉ thấy buồn ghê gớm! Cái buồn không cỗi rễ của kẻ sắp bước vào sóng gió của yêu đương hay cái buồn của kẻ gần mất hết cả tin tưởng! Tiếng cười của Tuấn đồng thời cũng làm Đạt bỏ cái dự định của mình là tìm cách cắt đứt mọi liên lạc giữa Huyền và Tuấn, thuyết phục Tuấn để Tuấn đừng quấy rầy Huyền nữa. Đạt mệt mỏi đứng lên, sắp sửa ra về thì Tuấn hỏi: - Nhưng còn món tiền tôi hỏi mượn, anh tính sao? Có thể giúp được tôi không? - Mai, mốt, tôi sẽ mang lại cho anh. Rồi đột nhiên, một ý nghĩ thoáng qua óc, Đạt hỏi Tuấn: - Vừa rồi anh bảo cô em anh tên là Trang phải không? - Phải, Thái Trang! - Cách đấy ba năm, cô ấy có học ở trường Lê Lợi không? - Hình như có! - Nếu vậy, thì rất có thể cô ấy trước kia là học trò tôi. Trong lớp, chúng bạn vẫn trêu Trang, gọi là “Trang mủ nhè” vì Trang tuy đã lớn mà mau nước mắt lắm! Tuấn cười: - Đúng đấy! Trước kia nó hay khóc lắm. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Nó còn nguy hiểm là đằng khác. - Nguy hiểm? - Phải! Nó tự cho mình là một thứ rắn hổ mang, chuyên môn phá hạnh phúc của người khác. Nếu quả thực nó là học trò cũ của anh, mà nó lại biết anh định hỏi cô Diễm làm vợ, thì nó sẽ tự coi như một bổn phận phải phá đám anh! - Dữ tợn đến thế cơ à! - Trả thù đàn ông mà lỵ! Không ăn được, thì đạp đổ chứ sao! Nó không được hưởng cái phần hạnh phúc bần tiện của nhưng người con gái con nhà “tử tế” nữa, nên nó rất ghét những người được hưởng hạnh phúc, nhất là những cặp nhân tình trưởng giả, quí phái như anh và cô Diễm! Đạt cười: - Tôi mà trưởng giả, quí phái? - Đó là dưới mắt con bé em tôi! Đối với con Trang thì tất cả những người lương thiện thực, hay lương thiện giả, chưa sa cơ lỡ bước như nó, đều thuộc loại trưởng giả và quí phái đáng ghét cả. Đấy rồi anh coi, nó mà gặp anh thì nó sẽ trả cái thù thằng đàn ông đã lợi dụng nó, ngủ với nó, lên đầu anh cho anh coi! Anh có muốn gặp nó không? - Muốn lắm! Đạt nhớ lại người nữ sinh có đôi mắt to, ngơ ngác như con nai tơ, mỗi khi phải lên bảng đen thì nước mắt chảy vòng quanh. Đạt vẫn không thể nào tưởng tượng nổi người nữ sinh ngây thơ, dụt dè trước kia, lại có thể thành một thứ “rắn hổ mang” như Tuấn nói. Đạt bảo Tuấn: - Nhờ anh hỏi hộ Trang xem có đúng nó là “Trang mủ nhè” ngày trước không? Nếu đúng thì mời anh rủ nó lại chơi đằng tôi, hoặc hôm nào, tôi và anh sẽ lại thăm nó. - Anh không sợ à? - Sợ gì? - Sợ nó phá anh. Theo ý tôi thì tôi thành thực khuyên anh không nên gặp nó. Ngay lúc đó, cánh cửa bị đẩy mạnh và một thiếu nữ bước vô, làm Tuấn reo lên: - Kỳ diệu thật! Vừa nói đến mày thì mày tự dẫn tới…! Rồi chỉ tay vào Đạt, Tuấn hất hàm hỏi: - Biết ai không?... Nghe Tuấn nói, Đạt hiểu ngay người thiếu nữ chính là Trang mặc dầu Trang đã thay đổi hoàn toàn. Còn Trang thì chăm chú nhìn Đạt và Trang nhận ngay ra Đạt: - Ồ! Thầy Đạt phải không? Sự vui mừng hiện rõ trên gương mặt Trang. Không một chút e thẹn, Trang chìa tay bắt tay Đạt thật chặt làm Đạt đỏ mặt: - Sao em không bao giờ gặp thầy ở vũ trường? Thôi phế bỏ cái tiếng “thầy” đi… Thầy cho gọi bằng “anh”, thầy nhé! Nhớ thầy, à quên, nhớ anh ghê! Thấy Đạt có vẻ luống cuống, Tuấn cười giải thích: - Con Trang nó quên mất cái giọng nữ sinh rồi, và đối với ai, cũng giở cái giọng vũ nữ “nhớ anh ghê”… Vậy anh đừng ngạc nhiên khi thấy nó nói “à quên, nhớ anh ghê”. Trang vội phản đối: - Không! Em nhớ… thật mà. Em còn nhớ và còn thuộc cả cái bài “La mort du loup”, bài giảng “tủ” của anh Đạt! Chắc mấy năm nay, năm nào, anh cũng vẫn lải nhải mang cái bài đó ra giảng cho học sinh, có phải thế không… thầy, à quên anh? Nghe Trang nói, Đạt giật mình thấy Trang nói đúng. Đã mấy năm nay, năm nào cũng như năm nào, chàng vẫn “lải nhải” đem mấy bài văn, thơ cổ điển cũ rich, ra giảng cho học sinh. Chàng vẫn không thay đổi gì, vẫn giữ cái lề lối suy trưởng, làm việc cũ, trong khi các học trò của anh, đã lăn sả vào cuộc sống, đã rút những kinh nghiệm ê chề, đã tiến vượt bực, bỏ rơi anh thật xa… Đạt nhìn Trang và thực tình chàng không nhận ra người học trò của mình. Chàng không tìm thấy đôi mắt “nai vàng ngơ ngác” của cô học trò hay khóc. Trông đôi mắt Trang, bừng lên một cái nhìn vừa sâu sắc, vừa ngạo nghễ. Miệng cười của Trang là cái miệng cười thần tiên nhưng đầy nhục dục. Và cồn ngực của Trang là cả một thách thức đối với cuộc đời… Đạt không dám chống đỡ lâu cái nhìn như xoáy vào tim của Trang, không dám nhìn cái ngực của Trang. Khiến Trang tủm tỉm cười, nói như chế nhạo Đạt: - Trông anh vẫn “ngây thơ” như thầy Đạt cũ. Đạt không biết trả lời sao, vì quả thực là chàng cảm thấy mình vẫn “ngây thơ” như Trang nói. Chỉ biết mỉm cười lắc đầu nhìn Trang, khiến Tuấn phá lên cười: - Đừng tưởng anh ấy “ngây thơ”. Anh ấy yêu một người học trò của “ảnh” và sắp lấy làm vợ đó! Rồi Tuấn đêm chuyện gia đình Thúc kể cho Trang nghe. Tuấn ca tụng các cô gái của Thúc “mỗi người một vẻ” và kết luận, nửa đùa nửa thật: - Lúc nãy, tao đã giới thiệu vắng mặt mày với ông Đạt: rằng mày không còn là một cô nữ sinh “mủ nhè” ngày trước, mà là một thứ rắn độc chuyên môn “cướp sống chồng min” như Liz Taylor, và tao đã dọa anh Đạt rằng nếu mày biết thầy Đạt của mày yêu cô Diễm thì thế nào mày cũng sẽ phá đám bằng thích… Anh Đạt không tin… Vậy mày cũng nen nói sơ qua về thành tích cướp người yêu của mày cho ông Đạt biết! Trang chăm chú nhìn Đạt: - Anh định lấy cô Diễm thực đấy à? Đạt lung túng chưa biết trả lời sao, khiến Trang cười tủm tỉm: - Trông anh thật ngây thơ và tội nghiệp! Đúng là anh mê cô ả rồi! Nhưng em cũng nói để anh biết, nhân danh là một người học trò cũ của anh, em không muốn anh lấy cô ta đâu! Giọng Trang không có vẻ gì đùa boon, và một ánh căm hờn thoáng qua làm cho đôi mắt của Trang đột nhiên trở thành dữ tợn: - Anh Tuấn không nói đùa đâu, em chính là một thứ “voleuse d'amants”, một thứ “gái cướp chồng” người đấy anh ạ! - Cô nói vậy, chớ tôi không tin! - Anh không tin thì rồi anh sẽ phải tin. Mà tại sao các anh lại thích bọn con gái, con nhà “tử tế” thế! Bọn họ thì có gì đáng yêu, trừ cái tiết trinh của họ, thì chưa chắc đã còn…! Tôi vẫn tưởng “thầy” Đạt của tôi không đến nỗi tầm thường như mọi người. Ai ngờ…! Trang không xứng “em” với Đạt nữa vì thấy Đạt gọi mình bằng “cô”. Nghe Trang nói, và nhất là nghe Trang đổi cách xưng hô, Đạt hiểu là Trang không phải chỉ nói đùa cho vui. Đạt mỉm cười trả lời Trang: - Ai mà chả tầm thường… khi người ta yêu? - Anh mà cũng biết nói thế cơ à! Vậy nếu tôi có tầm thường, có phá đám anh thì liệu anh có oán trách không? - Không bao giờ! - Được lắm! Trang chìa tay bắt tay Đạt như thách thức. Đạt nắm lấy tay Trang nhưng chàng ôn tồn, dịu dàng nói với Trang: - Nói đùa vậy chứ tôi có gì đâu mà Trang cần phải phá! Gặp Trang sau ba bốn năm cách biệt, thấy Trang thay đổi ghê gớm quá! Tôi thú thực là không biết mình nên vui hay buồn trước sự thay đổi đột ngột của Trang. Tôi không tìm thấy người học trò cũ của tôi nữa! - Chả có gì nên vui mà cũng chả có gì nên buồn. Đời là thế… anh ạ! Such is life! Chính em, em cũng không tìm thấy người thầy cũ của mình nữa, thì anh bảo sao? Đạt lặng người không trả lời. Tuấn thì từ lúc nào, đã trở lại với cỗ bài phé và loay hoay bói bài, mặc cho hai người nói chuyện, chỉ ngồi nghe… Trang im lặng một lúc khá lâu, đợi Đạt trả lời, nhưng thấy Đạt im lìm lấy thuốc lá hút, Trang lại lên tiếng: - Hồi đi học, thú thực là em phục anh ghê! Nhưng bây giờ thì nhiều lúc em nghĩ thấy oán anh lắm! - Sao lại oán? Trang rất lễ phép và không có vẻ gì đùa cợt, cầm tay Đạt, để lên mông mình, Trang hỏi: - Anh có biết cái gì đây không? Đạt ngơ ngác, muốn rụt tay về mà không dám rụt, không hiểu Trang định làm gì, thì Trang đã nói tiếp: - Cái đệm mông đấy! Anh có biết cái đệm mông này mua bao nhiêu tiền không? Tuấn đang bói bài, phì cười: - Mày hỏi lục vấn kiểu ấy thì Giáo sư Đạt làm sao trả lời được… Trang cũng cười: - Cái đệm mông này em mua mười ngàn đồng! Mười ngàn đồng! Anh có thể tưởng tượng được không? Em cám oán anh là oán ở chỗ anh dạy học trò phải biết chết như con chó sói của Vigny, chết im lặng không than thở, cầu van. Nhưng anh không dạy cho em biết là một cái đệm mông phải mua tới mười ngàn đồng, và cũng nhờ một cái đệm mông mà một người đàn bà có thể đạt được địa vị, tiền tài và cả hạnh phúc nữa! Trang nghỉ một lát để thở, rồi lại nói tiếp: - Anh biết không? Cái đệm này là cái “porte bonheur” của em đó. Nhờ cái đệm này mà mấy hôm nay em hái ra tiền, kiếm thêm được mấy đứa nhân tình! - Em tới đây là để mang tiền đến cho anh Tuấn! Thôi anh khỏi phải chạy ngược chạy xuôi, vai mượn ai nữa. Tiền đây, anh đem trả nợ đi! Nhìn thấy tiền như mèo thấy mỡ, mắt Tuấn sáng ngời và chàng rên rỉ: - Trời ơi! Sao mày không nói ngay là có tiền, còn triết lý về cái đệm mông mãi! Người ta chỉ triết lý suông khi nào không có tiền, chứ đã có tiền rồi, thì… a-lê-hấp! Sống đã chứ! Lẹ hơn cướp giựt, Tuấn cầm xấp giấy bạc, nhét vào túi, không kịp đếm và cũng chẳng hỏi Trang xem là bao nhiêu, vì Tuấn chỉ nơm nớp sợ Trang đổi ý kiến, lấy lại tiền. Chưa đầy một phút, Tuấn đã sỏ giày, mặc quần áo xong suôi. - Anh đi đâu? Trang hỏi. - Đi trả nợ, chứ còn đi đâu! - Đi trả nợ hay đi đánh bạc? Tuấn cười: - Đường nào cũng tới La Mã! Thôi em tiếp dùm anh Đạt thay anh… hay em đưa anh Đạt đi “nhảy”, chứ tôi gì mà ngồi triết lý về cái đệm mông! Rồi Tuấn hớn hở bắt tay Đạt. Ra tới cửa, chàng cẩn thận để tay lên túi quần sau, thấy tập bạc vẫn cồm cộm nằm trong đó, thì chàng sung sướng quay cổ lại, nói với Đạt: - Nhờ anh nói dùm với Huyền là lúc này, hạnh phúc của tôi thật tràn trề và ít bữa nữa tôi sẽ gặp Huyền! Nói xong, Tuấn vù đi như một con gió lốc, khiến Đạt và Trang nhìn nhau, lắc đầu mỉm cười! Ngay từ lúc Trang có cử chỉ ngang ngược cầm tay Đạt đặt lên mông, Đạt tự nhiên hóa rụt rè chẳng khác một cậu học trò ngây thơ đứng trước một cô giáo sành sỏi. Đạt nhớ lại cái cảm giác rờn rợn khi bàn tay Đạt chạm vào người Trang y như hồi nhỏ, những buổi trưa nắng chang chang ở đồng quê, chàng đi bắt chuồn chuồn, hai ngón tay chàng run run nắm lấy cái đuôi con chuồn chuồn, trong một cảm giác hồi hộp, vừa lo sợ con chuồn chuồn cắn vào tay, vừa say sưa vì tóm được con vật bé nhỏ… Chàng chỉ biết ngẩn người ra, và khi Tuấn bỏ đi, Đạt lại càng thấy ngượng ngùng, bối rối. Còn Trang thì lúc này, hình như cũng hết ngổ ngáo, chẳng khác nào một cô đồng vừa thăng, một anh say rượu tỉnh hơi men! Nàng e lệ đưa mắt nhìn Đạt, và trong một thoáng giây, Đạt lại tìm thấy đôi mắt nai vàng của người nữ sinh ngày trước, khiến Đạt giật mình sực nhớ ra mình là thầy dạy học cũ của Trang chứ không phải đứa bé cởi truồng đi bắt chuồn chuồn thời thơ ấu! Chàng bèn lấy giọng nghiêm nghị của một giáo sư, hỏi Trang: - Tiền ở đâu mà nhiều vậy, Trang? Trang nhếch mép cười: - Còn tiền ở đâu nữa! Có mấy đứa mê em, em làm cho chúng ghen nhau, nên chúng mới thả tiền cho em đấy chứ! Đạt có vẻ đắn đo, nghĩ ngợi, rồi nhìn thẳng vào mắt Trang, hỏi: - Chứ không phải tiền do cái đệm mông mang lại? Trang hiểu Đạt nghĩ gì. Nàng không có vẻ giận, chỉ ôn tồn trả lời: - Không phải em lấy tiền của họ bằng cách cho họ “ngủ” với em đâu! Lúc nãy, em nói tới cái đệm mông là để cho câu chuyện thêm đậm đà, chứ em cũng chưa đến nỗi là một đứa “bán chôn nuôi miệng”! Kể ra thì em là một thứ “đĩ” như người ta vẫn gọi, nhưng vì em có thủ đoạn hơn, có học hơn, nên chưa đến nỗi phải lâm vào cảnh “bán chôn nuôi miệng”… Đạt nghe Trang nói hai tiếng “có học”, không hiểu Trang nói thực hay nói mỉa, nhưng chàng thấy thấm thái đến gan ruột. Những lời Trang oán chàng lúc nãy, bây giờ mới trở lại, rày vò Đạt. Đạt lặng lẽ nhìn Trang. Chàng muốn hỏi Trang để biết những lý do nào, hoàn cảnh nào đã đưa Trang vào con đường hiện tại, khiến một nữ sinh ngây thơ, dễ khóc, đầu hôm sớm mai, trở thành một gái điếm “bán chính thức”. Nhưng chàng chưa hỏi mà đã thấy câu hỏi của mình là thừa, là vô duyên, vô ích. Như đoán biết những ý nghĩ, băn khoăn của Đạt, Trang thủng thẳng vừa trang cỗ bài phé do Tuấn bỏ trên giường, vừa kể lể với Đạt: - Hồi anh tuấn bị đau và em phải bỏ học vì hết tiền, một ông bạn cố tri của anh Tuấn đã tận tình giúp đỡ chúng em để rồi “ngủ” với em, phá hoại trinh tiết của em! Chính hắn đã đưa em vào con đường vũ nữ hiện tại! Thú thực với anh, em không oán gì hắn, nhưng có nhẽ chính hắn vẫn đinh ninh rằng, hắn có công ơn lớn với em, vì đã làm em sáng mắt ra để nhận rõ bộ mặt thực của đời… cho nên hắn vẫn thường theo dõi sự sống của em, và mỗi khi em kiếm được người nhân tình nào có tiền, có thế, thì hắn vẫn tìm em để kể công, “xoay” ít tiền. Em không khổ sở vì phải làm vũ nữ, nhưng chỉ khổ sở vì sự ám ảnh của hắn. Nếu em có cách gì… thủ tiêu được hắn, để không bao giờ phải nhìn thấy mặt hắn nữa, thì chắc chắn một ngày kia, khi em đã chán cuộc đời hiện tại, em cũng có thể lấy chồng, có thể hoàn lương như tất cả những người con gái bất lương khác. Nhưng hắn còn trềnh cái mặt của hắn ra, thì đời em sẽ không bao giờ ngóc lên được! Càng nghĩ lại càng oán những ông Giáo sư như anh, chỉ biết dạy người ta câm nín mà chết, nhưng không dạy người ta cách trừ khử những con “chó sói” mặt người, kiểu ông bạn quí của anh Tuấn! Nghe Trang nói, Đạt im lặng, lấy ngón tay cái cùng ngón tay giữa, làm thành một cái “nhíp” loay hoay rổ mấy sợi râu cằm. Trang liếc nhìn đồng hồ đeo tay, giọng đang gay gắt đột nhiên dịu lại: - Nhưng thôi! Đã đến giờ em phải về, sửa soạn đến vũ trường là vừa! - Đến vũ trường à? Cho anh đi cùng với. Đã lâu lắm anh không biết khiêu vũ là gì! Trang lắc đầu: - Anh đến vũ trường làm gì! Nhất là em không thích gặp những người quen cũ ở đó. - Tại sao vậy? - Chả tại sao cả! Nhưng có lần em gặp mấy ông Giáo sư cũ ở vũ trường, tự nhiên em thấy ghét họ lạ, chỉ muốn tống cổ họ đi. Ở trường, họ đáng phục bao nhiêu, thì tới vũ trường, họ trở thành lạc lỏng, bần tiện bấy nhiêu! Trong thảm hại quá! Thôi để em cùng đi với anh về nhà anh, cho biết nhà, rồi hôm khác em sẽ lại thăm anh… - Cũng được! - À nhà anh ở đâu nhỉ? - Đường Võ Tánh! - Thế thì gần ngay đây! Để em gửi chìa khóa phòng cho “gác dang” giữ dùm anh Tuấn, rồi thầy trò mình đi bộ tới nhà anh. Được không anh? - Cũng được! Ra tới đường, có nhẽ vì thói quen của người vũ nữ luôn luôn đụng chạm với đàn ông, Trang thân mật đi sát bên Đạt và thỉnh thoảng lại—hoặc vô tình hay hữa ý—cầm tay Đạt một cách rất tự nhiên, khiến Đạt ngượng nghịu, rảo bước tách khỏi Trang, làm thành một khoảng cách biệt giữa hai người. Như biết ý Đạt, Trang nắm cánh tay Đạt, hỏi luôn: - Anh ngượng vì đi với em hay sao? Đạt ấy úng: - Sao lại ngượng! Việc gì mà ngượng? - Ngượng vì đi với gái nhảy ngoài đường chứ sao! - Không đời nào! Tuy nhiên, Trang vì có nhiều mặc cảm, vẫn ấm ức. Nàng nghĩ bụng: “Đã ngượng thì ta cho ngượng thêm một mẻ”. Và nàng khoác luôn tay Đạt, ngả nghiêng, âu yếm, y hệt một “người yêu” chính cống, làm Đạt bối rối, không dám gỡ tay ra, bước thấp bước cao, chỉ chực vấp ngã. … Tới nhà Đạt, Trang vẫn chưa chịu buông tha Đạt. Trang nhìn ngang nhìn ngửa, tò mò ngắm nghía gian phòng của Đạt… Nàng sục sạo đi tìm bộ đồ pha cà phê, lấy bình thủy loay hoay pha hail y cà phê, và nàng mời Đạt: - Uống đi anh. Xem cà phê em pha, có được không? Rồi nàng thủ thỉ với Đạt: - Nhà anh ở bừa bãi và trống trải quá! Có nhẽ em dọn lại đây, ở cùng anh cho vui và tiện thể dể trông nom anh! Nghe Trang nói, Đạt giật mình vì Trang có thể làm thực chứ không nói đùa. Đạt chưa biết trả lời sao thì Trang đã nói tiếp: - Em ở một mình ở “Bin đinh Cửu Long” cũng buồn lắm. Người đàn ông sống độc thân ở một phòng “Bin đinh” thì không sao, chứ con gái mà ở một mình thì… thật là ghê gớm. - Sao lại ghê gớm? - Buồn và cô đơn không thể tả được anh ạ! Có nhiều đêm, đi nhảy về, em thấy mệt mỏi, rã rời. Chỉ muốn chết… Em chưa tự tử cũng là can đảm lắm! Đạt không nói gì. Chàng đợi cho Trang uống cạn ly cà phê, mới nhìn vào mắt Trang: - Trang có tin rằng tôi có thể thương Trang, không phải thương như ông bạn cố tri của anh Tuấn đã thương Trang không? Trang nhìn gương mặt đạo mạo của Đạt một lúc lâu mới gật đầu: - Tin… thế sao? - Nếu bây giờ tôi thành thực đề nghị với Trang nhận Trang làm em nuôi thì liệu Trang có cho là tôi giả dối hay không? Trang có nhận lời không? Trang cười hóm hỉnh, trả lời: - Em nhận! Với một điều kiện… - Điều kiện thế nào? - Với điều kiện anh đừng yêu ai, và nhất là đừng yêu cô Diễm, đừng lấy cô Diễm. Đạt ngẩn người, rồi phì cười: - Sao vậy? Tôi nhận Trang làm “em nuôi” thì sao tôi không có quyền yêu ai? Trang cũng cười: - Đàn bà là thế đấy anh ạ! Dù em không yêu anh, dù em là “em gái nuôi” của anh, em cũng vẫn không muốn anh yêu ai. Vì anh yêu ai, tức là em mất anh! Thấy Đạt không trả lời, Trang hỏi luôn: - Anh chịu chứ? - Chịu cái gì? - Chịu là sẽ không yêu ai, nhấtlà không yêu cô Diễm! Đạt không biết nói sao, chỉ đành mỉm cười, lắc đầu! Nhìn gương mặ bối rối của Đạt, Trang hiểu là Đạt thực tình yêu Diễm, khiến nàng lại càng muốn trêu Đạt: - Anh muốn nhận em làm em nuôi thì dĩ nhiên em có bổn phận săn sóc, bảo vệ hạnh phúc của anh. Và để bảo vệ anh, việc đầu tiên của em là phải ngăn cản để anh khỏi yêu ai, khỏi bị ai cám dỗ! - Em tốt quá! - Chứ lại không à! Rồi Trang nói tiếp như dọa nạt: - Em nói thực để anh biết, nếu anh không nghe lời em thì em sẽ dọn phăng lại đây, em ở với anh, cho anh coi! Mà em nói là em làm, không phải chuyện đùa đâu! - Anh biết thế lắm! Đạt nói bằng giọng vừa nhẫn nại, vừa lo lắng, khiến Trang cất tiếng cười lanh lãnh, ôm lấy đầu Đạt, trong một cử chỉ thân mật hơi lả lơi: - Vậy là anh biết điều lắm… Thôi em đi đây! Mai mốt, em sẽ trở lại. Em sẽ tới luôn để canh phòng cho anh, chứ ngây thơ và si tình như anh, thì khó thoát khỏi bọn con gái thời nay lắm… Đạt buông thõng hai tay, im lặng không dám nhúc nhích, mặc cho Trang vò đầu, và mãi khi Trang rời khỏi phòng rồi, Đạt mới lại thở ra một hơi dài. Đạt nghĩ tới lời Tuấn nói về Trang: “em tôi nó tự coi là một thứ rắn hổ mang” và Đạt không biết phải nghĩ thế nào về Trang, không biết tình cảm của mình đối với Trang ra sao? Đạt nhìn ly cà phê do Trang pha mà chàng đã uống cạn. Đạt lặng lẽ mở ngăn kéo bàn, lấy ra ba viên thuốc ngủ, ngửa cổ bỏ ba viên thuốc vào miệng, chiêu một hụm nước và tự nhủ: “Có thể này, đêm nay mới đỡ nghĩ ngợi lôi thôi”. Rồi Đạt thay đồ, lên giường nằm luôn. Nửa giờ sau, thuốc ngủ ngấm, Đạt thiếp đi, nhưng giấc ngủ của chàng đầy mộng mị. Bốn giờ sáng, Đạt đã tỉnh giấc, miệng nhạt và đắng… Không thể ngủ tiếp được nữa, Đạt nằm nghĩ lan man, lắng nghe các tiếng động bên ngoài đưa vào phòng… Đạt nghĩ tới Trang và chàng băn khoăn tự nhủ: “Biết đâu, sáng hôm nay nó chẳng dọn lại đây để ở…” Đến sáu giờ, Đạt tắm sáng rồi chàng đi ăn điểm tâm. Khi chàng trở vào phòng thì đã thấy thấp thoáng mấy tà áo màu trước cửa nhà, Đạt tưởng là Trang trở lại. Nhưng đó là vợ Thúc và Huyền. Vừa nhìn thấy Đạt, Hòa đã chào trước: - Thưa anh ạ! Nghe giọng chào lễ phép của Hòa, Đạt hiểu ngay Hòa đến với chủ đích gì, và Đạt hiểu là tiếng chào rất lễ phép của Hòa, ngụ ý Hòa chỉ muốn coi Đạt là bạn, một người thầy học của các con Hòa, chứ không bao giờ chấp nhận việc Đạt hỏi con gái bà. Trong thoáng giây, Đạt đã sắp sẵn thái độ để đối phó với những cuộc tấn công chắc chắn là quyết liệt của Hòa… Vừa ngồi xuống ghế, vợ Thúc nhập đề liền: - Tôi đến đây để thưa chuyện với anh về việc anh đã ngỏ ý với nhà tôi. Anh cho phép tôi được nghĩ sao thì nói vậy… - Dạ! Xin chị cứ nói… - Chả nói thì anh cũng hiểu cảm tình của vợ chồng tôi đối với anh. Không những chúng tôi quí mến anh và cả các cháu nữa… Vợ Thúc nhấn mạnh hai tiếng “các cháu”, và ngừng một lát, ý chừng để cho hai tiếng “các cháu” ngấm vào tâm hồn Đạt, rồi mới tiếp: - Chúng tôi đều biết anh rất đứng đắn, chưa bao giờ lợi dụng tình thầy trò để làm điều gì ám muội, nhưng chính vì tin tưởng ở tư cách đứng đắn của anh, tin tưởng ở tình thầy trò giữa anh và các cháu, mà chúng tôi thấy cần phải thưa với anh là dự tính của anh không những không tiện, mà còn mang tiếng cho cả chúng tôi lẫn anh! Hòa ngừng nói, chờ đợi sự phản ứng của Đạt, nhưng Đạt rắp tâm dùng chính sách “bất để kháng” mặc cho Hòa muốn nói gì thì nói, vì Đạt hiểu nếu “đấu lý” thì chắc chắn Đạt sẽ thua, vậy tốt hơn hết là im lìm, ừ hử cho qua cơn bão táp… Cho nên, trước đợt tấn công đầu tiên của Hòa, Đạt đã sẵn sàng chịu trận, yên lặng ngồi nghe, bình tỉnh, thản nhiên, khiến Hòa càng bực tức, giọng nói thêm quyết liệt: - Không những tôi thấy bất tiện mà còn oán anh lắm! Tôi oán anh là vì tôi nhân danh cái tình bạn hữu giữa anh và nhà tôi, cái tình thiêng liêng giữa anh và các cháu. Tôi oán anh vì anh định cầu hôn Diễm, tức là anh coi thường, coi rẻ, chà đạp tất cả, lên tình bạn, tình thầy trò… Tôi nghĩ rằng, ở vào hoàn cảnh anh, nếu anh thành thực yêu Diễm, thì anh lại càng không nên cầu hôn Diễm, có phải thế không anh? - Dạ. Tiếng “dạ” cụt thu lủn, kèm theo cái nhếch mép mỉm cười của Đạt, càng làm cho Hòa khó chịu và bà mỉa mai nói tiếp: - Kể ra anh cho chúng tôi biết ý định của anh như vậy cũng đã là tốt lắm! Thời buổi này, thiếu gì những giáo sư đã lợi dụng uy tín, địa vị của mình để quyến rũ học trò mình… Một ông giáo sư mà muốn chiếm đoạt tình yêu của học trò mình thì còn gì dễ dàng bằng, còn gì thuận tiện bằng… Nhưng dù người ta có viện bất cứ lý do gì để bào chữa, tôi vẫn cho rằng làm như vậy tức là lợi dụng, tức là sang đoạt tình cảm, và một người giáo sư dù có yêu thực tình, cũng không có quyền lấy học trò của mình. Một giáo sư dù vô tình hay hữa ý—làm cho học trò của mình say mê mình—tức là có tội rồi… anh có đồng ý không? - Dạ. Đạt vẫn giữ bộ mặt thản nhiên, nhưng trong thâm tâm, cái lý lẽ mà Hòa vừa đưa ra không khỏi làm cho Đạt lung lay, vì chính Đạt cũng đã nghĩ tới điều Hòa vừa nói… Thấy Đạt cố tình biến cuộc đối thoại giữa hai người thành ra một cuộc độc thoại của Hòa, Hòa bèn hỏi luôn Đạt: - Nhưng tại sao anh chỉ “dạ” mà không cho biết ý kiến anh ra sao? Anh không thèm nói chuyện với tôi chăng? - Tôi đâu dám thế thưa chị! Tôi chưa trả lời chị vì chưa có ý kiến gì! Chị cho tôi khất ít bữa, tôi sẽ thưa chuyện với chị… Vậy hãy xin tạm xếp vấn đề này lại để tôi đi pha nước mời chị uống… À mà cô Huyền đâu nhỉ?... Huyền biết là mẹ đến nhà Đạt là để nói chuyện về Diễm, nên Huyền kín đáo lánh mặt. Huyền đứng thơ thẩn ở cái sân nhỏ trước cửa. Nghe tiếng Đạt gọi, Huyền vội quay vào: - Dạ em ở ngoài này! Thấy Đạt có tình muốn trì hoãn, lái câu chuyện sang hướng khác, Hòa vẫn chưa chịu buông tha Đạt và bà tấn công đợt chót: - Tiện đây, cũng xin phép anh cho các cháu nghỉ học bắt đầu từ hôm nay, khỏi phải phiền anh đến nhà dạy các cháu. Nhất là lúc nghỉ hè… Chúng nó đều xin đi nghỉ mát, con Uyển thì đi Đà Lạt, con Diễm thì đã xin phép đi Vỉnh Bình từ ngày hôm qua, nghỉ mát ở quê một người bạn… Nghe Hòa báo tin Diễm đi mà không cho chàng biết trước! Đạt thừ người ra, nghĩ ngợi… và khi Hòa đứng lên để ra về, Đạt cũng không buồn theo phép lịch sự thông thường, nói một câu “Mời chị Ở chơi một lúc nữa”. Chàng lùi lũi tiễn Hòa ra cửa rồi quay vào. Nhưng chưa đầy một phút sau, Huyền đã trở lại, cười nói với Đạt: - Em phải nói dối mẹ, em bỏ quên cái khăn tay để trở lại, đưa thầy cái thư của chị Diễm! Đạt cầm lấy thư, gương mặt hết sa sầm… Thấy Huyền có vẻ hấp tấp, chỉ chực quay ran gay, Đạt vội báo tin cho Huyền: - Hôm qua tôi đã gặp Tuấn… - Có gì lạ không thầy? - Không có gì lạ, nhưng cũng có nhiều điều cần nói cho Huyền rõ… - Vậy để mai mốt, em sẽ trở lại. Bây giờ thì em phải trở ran ngay, kẻo mẹ em sốt ruột. Nhưng thầy có cho anh Tuấn mượn tiền không? - Không! Anh ấy đã có tiền rồi. Lại giàu là đằng khác… - Thế thì còn gì nữa! Thôi em về, thầy nhé. Rồi Huyền vội vã quay ra… Đạt thủng thẳng lấy thuốc lá hút, thủng thẳng mở thư Diễm ra đọc: Thưa thầy, Sở dĩ em chậm trả lời bức thư của thầy là vì mỗi khi cầm bút viết thì lại bối rối, hoang mang… Bối rối bắt đầu từ cách xưng hô, không biết nên gọi bằng “Thầy” hay bằng “Anh” hay bằng “Chú”… Đã hai lần em hạ bút viết “Thưa Anh” nhưng chỉ được ba giòng… Có lần khác em viết “Thưa Chú” nhưng lại thấy “lạc hậu” bởi vì, chẳng gì em đã hai mươi tuổi rồi và “chú Đạt” dù có đáng kính, đáng yêu đến đâu, vẫn chỉ là một kỷ niệm của thời… đi tắm suối. Tiếc quá, thầy nhỉ, và ước gì em vẫn còn là đứa con nít lên bảy tuổi, được “chú Đạt” bồng bế trên tay thì có phải đỡ nghĩ ngợi lôi thôi không! Cho nên nghĩ đi, nghĩ lại thì chỉ có cách gọi bằng thầy là ổn! Nhưng liệu thầy có vui lòng không hở thầy? Thầy hỏi em có còn nhớ những kỷ niệm của thời thơ ấu không? Kể ra rhì quên hết, thế mà không hiểu sao, khi nghe Ba em đả động đến chuyện đi tắm suối, em lại đột nhiên nhớ lại tất cả, nhớ lại một cách rành mạch để mà lo sợ nhận ra rằng hình như cả tâm hồn hiện tại của em đều bị chi phối bởi cái quá khứ đã bị đẩy lui vào tiềm thức đó. Và lúc này, mỗi khi hồi tưởng lại cái cử chỉ “điên rồ” của “cháu” Diễm, bá cổ “chú” Đạt giữa dòng suối, hôn “chú”… thì em lại đỏ mặt, tía tai thẹn… tim đập muốn vỡ. Thì ra tuổi thơ ấu sung sướng và hồn nhiên quá thầy nhỉ: con nít nghĩ sao thì làm vậy. Còn người nhớn thì nghĩ một đường, làm một nẻo…! Giòng đời trôi chảy và Héraclite nói quả không sai: “Người ta không bao giờ tắm hai lần trong cùng một con sông”; cho nên giá thầy trò mình có trở lại khúc suối xưa thì cũng không dám tắm một lần thứ hai, cũng vẫn không xống lại được những cảm giác thần tiên thời trước, không tìm thấy niềm vui trong trắng và ngây thơ đã mất… Đời là thế có phải không thầy… Nếu muốn biết ý kiến rõ rệt của em về vấn đề thầy nêu ra, em xin thưa là em chẳng có ý kiến gì rõ rệt cả. Ba hồi em nghĩ rằng, không có thầy, thì đời em sẽ hết ý nghĩa, sự sống đối với em sẽ không còn là sự sống. Ba hồi, em nghĩ rằng, những cuộc tình duyên giữa “thầy trò” bao giờ cũng là những cuộc tình duyên ngang trái, không đi tới đâu và tốt hơn hết là nên tránh đi, tốt hơn hết là em nên lấy anh Khải, người sinh viên đi cùng em hôm nọ… Bữa em đi xi-nê cùng anh Khải, trong khi đi dạo bên đường Tự Do, em đã nghĩ, nếu em không lấy anh Khải thì em thực điên rồ, nhưng tới khi gặp thầy ở nhà sách Xuân Thu, em lại bần thần nghĩ ngợi, và tự hỏi: “Hay là ta điên rồ thực”. Nhất là khi thầy nhìn em, kín đáo trách em tại sao lại mặc cái áo do thầy chọn để đi chơi cùng Khải, thực tình là em “khổ sơ”û quá! Chính vì em thấy hoang mang, “khổ sở”, cho nên em đã xin phép Ba và mẹ, về nghỉ hè ở nhà một người bạn gái ở Vĩnh Bình—chị Hội ở 260 đường Thủ Khoa Huan—trong một, hai tuần lễ. Em mong, nhân dịp về đồng quê này, lòng mình sẽ lắng xuống, và em sẽ hiểu em, hiểu em thực tình muốn gì, ao ước gì, thực tình yêu ai, không yêu ai… Và sau đó, chắc là em có thể trả lời thầy dứt khoát. Chị Hội có hứa với em, là sẽ dẫn em đi thăm các thắng cảnh miền Tây, sẽ đưa em đi thăm ao “Bà Om”, sẽ đưa em tới “Ốc eo” ở vùng kinh Ba thê, gần đó hãy còn dấu vết một đô thị cách đây bốn, năm nghìn năm, và vừa đây người ta mới đào thấy một đồng tiền vàng đời Vua Constantin. Người ta lại kể rằng bốn ngàn năm về trước, đã có một người dân vùng Ba Thê đi phiêu lưu sang tận La Mã, yêu một người thiếu nữ Tây Phương, mang về Ba Thê chung sống. Thì ra, tình yêu quả là điều ghê gớm, và người dân Ba Thê vượt muôn dặm trùng dương, mang người yêu từ bên kia Địa Trung Hải trở về vùng Ba Thê tịt mù bóng chim tăm cá, thật đã thách đố cả không gian, lẫn thời gian. Đồng tiền đời Vua Constantin mà người thiếu nữ miền bờ biển Địa Trung Hải xanh rờn, mang về đất Ba Thê chói nắng, đồng tiền hiện nay nghe nói trưng bày ở Bảo tàng viện Sàigòn chẳng là một bằng chứng cụ thể của mối tình bất diệt là gì? Cho nên, em vắng Sàigòn ít lâu, cốt là để xem mình nhớ Sàigòn ra sao, nhớ những người ở Sàigòn ra sao? Để em xem em nhớ thầy ra sao, em sẽ viết thư về kể cho thầy hay… Diễm Đạt đọc lại lá thư của Diễm một lần nữa, lấy bút ghi địa chỉ của Hội, người bạn của Diễm ở Vĩnh Bình và chàng tự nhủ: “Mình phải đi Vĩnh Bình, phải đi Vĩnh Bình”. Đạt nhìn đồng hồ, nhẩm tính: “Bây giờ chín giờ; mười giờ ra đi, bốn giờ đến Vĩnh Bình, ở lại Vĩnh Bình sáu giờ đồng hồ, mười một giờ trưa mai về tới Sàigòn, vẫn còn kịp dạy học”. Thế là, không nghĩ ngợi thêm, Đạt nhét một bộ đồ ngủ vào cặp da và đi ra bến xe đò. … Mãi tới ba giờ chiều, xe của Đạt mới tới châu thành Phú Vinh. Đầu tóc rối bù, quần áo xốc xếch, Đạt gọi một cái xe lỗi thời, bảo người đạp xe già chậm chạp đưa tới đường Thủ Khoa Huân. Chàng ngất nghểu lắc lư, xếp chân chữ “ngũ” ngồi trên xe, lơ đãng, vui vẻ ngắm châu thành Phú Vinh bình lặng, nằm yên dưới nắng chiều oi ả… Nhà của Hội—bạn Diễm—là một vila kiểu cổ, có vườn cây um tùm. Đạt vừa bấm chuông, thì một người đầy tớ gái chạy ra. - Có phải đây là nhà cô Hội không em? Có cô Diễm ở Sàigòn xuống đây không? Ngay lúc đó cửa phòng mở, và Diễm mặc áo cánh, cùng một thiếu nữ khác đi ra. Vừa nhìn thấy Đạt, Diễm kêu một tiếng “thầy” rồi đứng sững ngó Đạt. Nhìn khuôn mặt đỏ gay vì nắng, mái tóc bù, mờ trắng bụi đường, quần áo lôi thôi xốc xếch của Đạt, Diễm thấy hân hoan, kiêu hãnh tràn ngập tâm hồn, cái hân hoan kiêu hãnh của người đàn bà biết mình được yêu, được tôn thờ, biết rằng vì mình có kẻ lận đận, sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả… Trong một thoáng giây, Diễm quên phứt Đạt là thầy dạy học mình, để nhìn Đạt, trìu mến và đắm đuối nhìn Đạt, khiến Đạt như bị ngợp vì cái nhìn của Diễm, lặng lẽ nhìn lại Diễm, không thốt ra được lời nào… Cử chỉ và vẻ mặt của hai người làm Hội hiểu ngay Đạt là thế nào đối với Diễm và nàng mỉm cười nói với bạn: - Kìa! Sao chị Diễm không rước ông vào phòng khách! Rồi quay về phía Đạt, Hội lễ phép và niềm nở mời: - Xin đón ông vô! Chắc ông mới ở Sàigòn xuống thăm chị Diễm? Mãi tới lúc đó, Đạt mới nhận ra sự hiện diện của Hội. Nghe Hội hỏi, Đạt có cảm tưởng Hội đã nhìn thấu gan ruột mình, nên chàng ấp úng nói dối: - Cô tha lỗi cho… chả là… tôi xuống đây tìm một người bạn… Tôi nghe nói Diễm cũng về đây nghỉ mát, nên trước khi lại nhà người bạn, tôi tạt qua xem Diễm có còn ở đây không… Bây giờ thì tôi xin phép tới người bạn, rồi lát nữa, tôi sẽ qua thăm cô và Diễm… Diễm thừa hiểu là Đạt nói dối, nhưng nàng cũng không dam1 giữ Đạt ở lại… Nàng ngẩn ngơ hỏi Đạt: - Thầy đi đâu bây giờ? Còn Hội hóm hỉnh hỏi: - Thưa người bạn của ông ở đường nào ạ? - Ở… gần đây! Đạt chỉ sợ đứng nán lại phút nào thì lại bị Hội “quay”, chàng bèn gật đầu chào Hội và nói với Diễm: - Độ một giờ nữa, tôi sẽ trở lại nhờ Diễm và cô bạn đưa đi thăm thành phố… Vì bốn giờ sáng mai, tôi đã phải đáp xe trở về Sàigòn… Rồi chàng hấp tấp rút lui. Đạt đi được hai mươi thước còn vẳng tiếng Hội hỏi Diễm: “Thầy dạy học chị đấy à”! “Nghi lắm”. Đạt vội bước thật nhanh để khỏi phải nghe thêm nữa. Vừa lúc đó, một cái “xe lôi” đi ngược lại phía chàng. Đạt vẫy xe, loam ngổm trèo lên, hỏi người đạp xe lôi: - Gần đây, có khách sạn nào có phòng ngủ sạch sẽ không? - Có chứ! Phòng ngủ “Thu Hà” ngon lành lắm! Để tôi xin đưa ông lại. - Tốt lắm. Tới khách sạn, Đạt vứt cặp da vào tủ, khoan khoái cởi giầy, nằm thẳng cẳng lên giường, bảo người bồi phòng sửa soạn buồng tắm… Sau một cuộc hành trình mệt nhọc, bụi bặm, được tắm đã là một cái khoái, nhưng riêng với Đạt vượt hai trăm cây số để được nhìn gương mặt sững sờ của người yêu, rồi tắm thì lại càng là một hạnh phúc vô song… Đạt đứng dưới cái núm sen, nghe tiếng rào rào của những tia nước tỏa xuống cơ thể, như tiếng reo hoan lạc của lòng mình… Đạt vừa tắm vừa vẽ lại trong đầu óc, hình ảnh kiều diễm của Diễm, từ trong nhà chạy ra, mặc áo cánh để hở cái cổ tròn, tươi mát, và chàng lẩm bẩm: “Mát ơi là mát”! Chàng cũng không hiểu mình khen nước mát, hay là ca tụng cái cổ tươi mát của người yêu. Tắm xong, Đạt nhìn đồng hồ thấy vẫn chưa tới bốn giờ. Đạt châm thuốc lá hút, thở ra những vòng khói tròn và tự nhủ: “Mình nói dối có người quen ở đây, thật là một thượng sách… Vừa được tự do tắm rửa, nghỉ ngơi, vừa không phải bó buộc, miễn cưỡng tiếp chuyện người này người nọ”… Đạt gật gù tự khen mình nhanh trí khôn thì có tiếng gõ cửa. Tưởng là người bồi phòng, Đạt vui vẻ nói “cứ vào”. Ngay lúc đó, trong khung cửa, Diễm và Hội hiện ra, ngó nhau tủm tỉm cười, trong khi Đạt, ngượng cứng người, nhìn hai người, chưa nói sao, thì Diễm đã vui vẻ thưa với Đạt: - Chúng em lại mời thầy trở lại đằng chị bạn em… Chứ thầy xuống đây mà ở khách sạn, e mang tiếng! Rồi nàng giải thích để Đạt hiểu tại sao lại biết Đạt ở khách sạn: - Ở tỉnh nhỏ, không thể giấu ai được chuyện gì thầy ạ. Em mới xuống đây có mấy ngày mà cả tỉnh gần biết hết. Lúc nãy, người đạp xe lôi của thầy đi qua nhà, chị em hỏi thăm thì biết thầy ở đây, nên chúng em bảo nhau lại rước thầy về nghỉ đằng chị Hội… Hội cũng cười hóm hỉnh, lễ phép tiếp lời Diễm: - Dạ! Xin mời “thầy” về nhà em! Nhà em tức là nhà Diễm, vì Diễm là con nuôi của Ba má em… Nhà em ít người… Ba má em lại vừa đi Sàigòn hôm qua… Đạt ngượng nghịu trả lời Hội: - Chẳng là… tôi sợ phiền… hai cô. Tôi muốn được về đây tắm rửa, nghỉ ngơi, để lát nữa đến đằng nhà… như thế thuận tiện hơn. - Ở đằng em, có gì là không thuận tiện! Thôi Diễm ở lại giục thầy Đạt mau mau thu xếp về đằng nhà, còn tôi xin về trước để sửa soạn đón thầy… Thấy Hội định bỏ về trước, cả Diễm và Đạt đều hốt hoảng… Đạt lung túng nói với Hội: - Tôi… tôi xin đi ngay bây giờ. Tôi chỉ cần trả tiền phòng. Cô vui lòng ở lại với Diễm một phút. Chúng tôi sẽ đi cùng… mà Diễm thật sơ ý quá, vẫn chưa giới thiệu cho biết tên cô… - Em là Hội, chị em “kết nghĩa” với Diễm! Em hơn Diễm hai tuổi… và đứng vào hàng “chị” của Diễm! - Dạ, hân hạnh được biết cô Hội! Nghe Hội tự nhận mình đứng vào hàng “chị”, Đạt hiểu là Hội đã rõ chuyện của chàng và Diễm. Chàng hấp tấp lấy cặp da trong tủ, gọi bồi phòng lên thanh toán tiền. Diễm nhìn Đạt, như thầm cám ơn, vì nàng hiểu tại sao Đạt không muốn để cho Hội bỏ về trước. Tới nhà Hội, nhân lúc Hội xuống nhà dưới, bảo người nhà pha nước và làm cơm chiều thiết Đạt, Diễm hỏi Đạt: - Huyền nó đã đưa cái thư của em cho thầy chưa? - Đã! Và tôi cũng đã gặp má Diễm! - Má em quyết liệt lắm phải không thầy? - Quyết liệt lắm! Nghe Đạt nói, Diễm thừ người, và mãi một lúc sau mới hỏi Đạt: - Em đã dặn thầy trong thư là thầy đừng xuống tìm em thì em mới có thể bình tĩnh, tự tìm hiểu mình được… Thấy thầy xuống, em vui mừng quá, nhưng em cũng lo lắng… Đạt ngắt lời: - Tôi chỉ xuống gặp Diễm… nhìn Diễm, rồi về ngay. Chứ tôi có ở lại đây đâu! Tôi sẽ về ngay để Diễm tự do suy nghĩ. … Vừa lúc, Hội từ nhà trong đi ra, nói với hai người: - Nhà không có xe hơi nên tôi đã cho đi mượn thêm hai cái Ve'lo Solex để đưa thầy và Diễm đi chơi, thăm thành phố, rồi về ăn cơm là vừa… Diễm từ hôm xuống cứ đòi đi xem “Ao Bà Om” mà vẫn chưa được đi. Hôm nay, có cả thầy, để Hội xin làm hướng đạo… Đạt hỏi Hội: - Có xa không cô? - Không xa. Cả đi lẫn về khoảng mười lăm cây số… Ngay lúc đó, người em trai của Hội đi mượn xe về, báo cho Hội biết là chỉ mượn được một cái Vespa! Hội nhìn Đạt, cười tủm tỉm: - Thầy chịu khó đèo Vespa cô Diễm vậy! Còn em thì đã có “Ve'lo Solex” của em. Đạt nhìn Diễm: - Có tiện không? Hay đừng đi nữa! Hội nhanh nhẹn đỡ lời: - Có gì mà không tiện! Nếu Diễm không ưng ngồi xe Vespa với thầy, thì tôi nhường xe Solex của tôi cho Diễm đi, tôi ngồi xe Vespa với thầy cũng được! Thái độ của Hội làm cho Diễm có muốn từ chối cũng không được. Nàng cười bảo bạn: - Đi cách nào cũng được. Nhưng ai lại để chị Hội phải ngồi đèo như vậy! - Trái lại chính tôi muốn được hân hạnh ngồi Vespa với thầy, thì sao? - Thế thì còn nói gì nữa! Ra tới đường, Hội thẳng thắn ngồi lên cái đệm phía sau cai yên xe Vespa, Diễm chỉ biết mỉm cười tỏ ý cám ơn Hội về sự tế nhị của bạn. Vừa đi được hơn một trăm thước, Hội đã nói với Đạt: - Thầy tăng tốc độ lên một chút… Thầy có thích tốc độ không? - Tôi sợ tốc độ lắm! - Lạ nhỉ. Em tưởng thời đại này là thời đại của tốc độ, nhất là những người đang yêu thì lại càng say mê tốc độ… Đạt cười vui vẻ, ngoảnh nhìn lại xe của Diễm đi đằng sau: - Thế thì có nhẽ tôi không biết yêu mất, vì tôi rất sợ tốc độ. Tôi tưởng không có tốc độ, đời cũng đã đáng say mê rồi… Tiếng cười ròn rã của Hội nổi lên: - Thôi đi! Thầy đừng giấu em! Diễm nó đã nói tất cả với em rồi. Nó là bạn thân nhất của em mà! Em nhìn thoáng qua là hiểu… Em hiểu là thầy và nó yêu nhau dữ dội. Nhưng cả hai người đều nhút nhát… Mà nhút nhát là hỏng việc… Thầy nhút nhát thì Diễm sẽ thuộc về ông Khải cho thầy coi! Vì vậy em cố ý ngồi xe với thầy để giúp thầy một vài ý kiến… Thầy có muốn nghe không? Đạt hơi sửng sốt, không hiểu sao Hội lại tự nhiên, bạo dạn như vậy… Đạt vẫn nghe nói con gái bây giờ táo bạo lắm, nhưng chàng vẫn không ngờ là sau khi gặp Trang đã là chuyện hi hữu, chàng lại gặp Hội… Được cái Hội tuy bạo dạn nhưng vẫn không có vẻ gì trơ trẽn, không có vẻ gì là “mất dạy”; cũng như nhan sắc của Hội, tuy Hội không đẹp nhưng Hội có duyên ngầm. - Muốn nghe lắm! Vậy cô Hội nói đi! - Thế này nhé! Em là đàn bà, nên em hiểu đàn bà lắm! Đàn bà thì không bao giờ tự quyết định được điều gì. Phải đẩy họ vào cái thế quyết định, phải buộc họ quyết định. Em hiểu Diễm hơn ai! Em hiểu nó yêu thầy, nhưng bảo nó tự quyết định, để nhận lời thầy thì còn chán xơi nó mới quyết định. Nhất là theo chỗ em biết, thì Khải tấn công quyết liệt lắm, quyết liệt hơn thầy nhiều! Lại được má của Diễm cũng quyết liệt không kém, thế thì thầy chưa chắc đã chiến thắng nổi mặc dầu Diễm yêu thầy. Thầy có nhận định lời em nói là đúng không? Đạt không ngờ Hội phân tích trường hợp của Đạt rất đúng như vậy, chàng còn ngớ ngẩn chưa biết nói sao thì Hội đã nói tiếp: - Em không quen, biết ông Khải. Em không ghét gì Khải, nhưng không hiểu sao, em lại thích đứng về phe thầy. Em biết là chỉ mai mốt, Khải sẽ xuống đây tìm gặp Diễm… Đạt giật mình: - Sao cô biết? Diễm nói với cô à? - Diễm không nói, nhưng em cứ suy ra thì biết chứ! Làm sao Khải lại không biết được chuyện Diễm về đây! Mà Khải đã biết, thì tất nhiên Khải sẽ mò xuống đây, nhất là nghe nói hắn giàu, có xe hơi chứ có phải đi xe đò, khổ sở như thầy đâu mà hắn không xuống… Đạt bắt đầu cảm phục Hội, coi Hội đáng bậc “cố vấn” của mình và chàng ngây thơ, lo lắng hỏi Hội: - Thế cô bảo tôi phải làm sao bây giờ? Hội lại cười ròn rã: - Còn làm sao nữa! Lát nữa tới Ao Bà Om, em sẽ lánh đi, để một mình thầy với Diễm. Thầy đừng nhút nhát! Thầy cần đẩy nó vào cái thế phải quyết định lập tức, phải nhận lời với thầy… Cái gì mà thầy yêu nó hai mươi năm nay mà vẫn chưa dám khai khẩu, chưa dám tỏ tình! Mà đã tỏ tình rồi, thì phải tiến tới, phải rờn rập tiến tới, chứ thầy cứ như người ở trên cung trăng rơi xuống thì có cơ mất Diễm lúc nào không biết! Đạt nhận thấy những lời cảnh cáo của Hội thật chí lý. Chàng cũng biết là nếu mình không “tiến tới” thì sẽ mất Diễm lúc nào không biết. Nhưng chàng tự nhủ: “Mình lần mò về tìm Diễm tận Vĩnh Bình, như thế là tiến vượt bực rồi còn gì”. Đạt muốn hỏi xem phải tiến tới thế nào, nhưng chàng sợ Hội cười mình là ngớ ngẩn: - Nhưng cô Hội xem ý Diễm, liệu Diễm có bằng lòng không? - Sao lại không! Em hiểu Diễm lắm. Bề ngoài nó có vẻ kín đáo, hiền lành, nhưng bên trong chính là một hỏa diệm sơn đấy! Nó chưa thương ai bằng thương thầy. Thầy cứ yên tâm đi. - Cám ơn Hội… - Ngoẹo sang tay mặt… Đến nơi rồi… Đạt mãi nghe chuyện Hội, nên Ao Bà Om hiện ra trước mắt chàng lúc nào, chàng cũng không rõ. Xe của Đạt dừng bánh thì Diễm cũng vừa tới: - Đẹp quá nhỉ! Diễm đứng sững ngắm cảnh u nhã của Ao Bà Om. Ao rộng lớn, nước rờn xanh, có trồng sen ở giữa. Xung quanh có những cây cao lớn, thân cây thẳng tuốt, rễ cây ngổn ngang, lan tràn mặt đất, như những con rắn khổng lồ khắp đó đây. Xe hơi có thể lượn vòng quanh ao, dưới những lùm cây… Đạt ngồi lên trên một cái rễ cây, hỏi Hội: - Sao gọi là Ao Bà Om hở cô Hội? - Em cũng không biết tường tận cho lắm. Hình như ngày xưa có hai vợ chồng, ông Om và bà Om, cũng thuộc vào loại như Hercule trong thần thoại… Một bữa nọ, bà Om thách đố ông Om, hai người sẽ thi nhau, đào mỗi người một cái ao trong vòng một đêm. Ông Om khinh thường bà Om là đàn bà, chân yếu tay mềm, tin chắc là cái ao của bà sẽ không thể nào bằng cái ao của ông, cho nên ông cứ vui vẻ uống rượu, mặc cho bà lúi húi đào ao, đến khi gần sáng, thấy ao của bà đã gần hoàn thành, ông mới vội vã ra tay thì… trời vừa sáng. Cho tới ngày nay, Ao Bà Om thì vẫn còn đó, mà ao ông Om không thấy đâu! Chủ quan khinh địch có hại là như vậy, thưa thầy… Nếu thầy có người tình địch nào, thì cũng chớ coi thường, kẻo mất người yêu như bỡn… Nói xong, Hội nhìn Đạt và Diễm, cất tiếng cười ròn rã, khiến Đạt và Diễm chỉ biết ngó nhau, sung sướng cùng lắc đầu. Hội cầm xe “Solex”, nói với hai người: - Để Hội đạp xe, đi kiếm cái gì giải khát… À mà thầy nhớ lời em dặn, thầy nhé… Diễm lo lắng hỏi: - Chị đi đâu vậy?... Cho Diễm đi cùng với… - Không được! Ngồi đó với thầy! Hội nói hách dịch như truyền lệnh, rồi vụt cho xe chạy. Diễm ngơ ngác quay lại hỏi Đạt: - Chị ấy dặn thầy cái gì mà lại bảo thầy nhớ lời chị ấy dặn?... Đạt ấy úng: - Cô ấy nói trêu mình, chứ có gì đâu! Cô Hội có vẻ khôn ngoan, già dặn lắm nhỉ? Diễm cười: - Chị ấy chỉ già dặn, bao. miệng khi đứng ngoài cuộc, chứ khi gặp người yêu thì lại câm như hến ngay. Cả đến cái áo chị ấy cũng không biết mặc cái áo nào, cứ phải nhờ em làm “cố vấn”. - Diễm mà làm cố vấn? - Thì ngay con Tuyết nó có yêu ai đâu, thế mà nó làm cố vấn lung tung, nói đâu ra đấy, ai cũng phải phục, ai cũng phải vấn kế nó thì thầy bảo sao? Đạt phì cười. Chàng nửa đùa, nửa thật nói với Diễm: - Có nhẽ tôi cũng phải vấn kế Tuyết một phen mới được! - Thầy vấn kế cái gì? - Về chuyện tôi và Diễm! Diễm không nhìn Đạt nhưng biết là Đạt đang nhìn mình… Nàng biết rằng nếu nàng có đủ can đảm quay lại nhìn Đạt thì cái giây phút hai người nhìn nhau đó sẽ là giây phút cảm động nhất, thần tiên nhất trong đời những kẻ yêu nhau. Nhưng Diễm lấy hết nghị lực mà vẫn không quay nổi cái cổ về phía Đạt. Nàng không cần soi gương cũng biết mình đang đỏ mặt, đỏ bắt đầu từ tai đỏ đi… Diễm ngó xuống ao thì dưới nước, một người thanh niên người Việt gốc Miên—đang nô rởn cùng hai ba em bé khoảng mười một, mười hai tuổi… Họ nô đùa, ngụp lặn, nắm chân nhau, bá cổ nhau, khiến Diễm đột nhiên nhớ đến cảnh mình tắm suối với Đạt mười ba năm về trước… Diễm liếc mắt, nhìn Đạt và chỉ cần thoáng nhìn gương mặt Đạt, Diễm hiểu ngay là Đạt cũng có những liên tưởng như nàng, và tâm hồn Đạt đang trở về sống với quá khứ, với buổi chiều vàng bên dòng suối xanh… Diễm không dám nhìn Đạt, cũng không dám nhìn xuống ao, vì cái quang cảnh em bé tồng ngồng, trần như nhộng, nô rởn với người thanh niên, làm cho Diễm có ảo giác như nhìn thấy chính mình đang nằm gọn thon lỏn trong lòng Đạt, hơn mười năm trước đây. Nàng đứng lên nói với Đạt: - Đi một vòng quanh ao, thầy đi… - Dạ! Tiếng “dạ” hơi khác thường của Đạt làm Diễm bàng hoàng. Diễm đi chậm mà chỉ chực vấp. Diêm có cảm tưởng sợ sệt tưởng chừng Đạt có thể bất thình lình ôm lấy vai nàng, nâng cái cằm nàng, để nàng ngửa mặt nhìn lên nền trời, qua vừng cây lá, rồi sẽ dịu dàng hôn lên mắt nàng, trán nàng, làm Diễm choáng váng, nhắm mắt lại, mặc cho vũ trụ đảo lộn, tan biến… Nỗi “lo sợ” của Diễm không phải là không căn cứ, vì Đạt vừa thoáng nghĩ tới lời dặn của Hội, bảo chàng phải “quyết liệt tiến tới”. Đạt rắp tâm sẽ quyết liệt tiến tới bằng cách đi sát bên Diễm, cầm lấy tay Diễm, nói với Diễm những lời yêu thương, vuốt lên mái tóc Diễm, hôn lên gương mặt Diễm, như bao kẻ yêu nhau vẫn làm. Nhưng Đạt đã hai ba phen, đi sát bên Diễm, định cầm tay Diễm mà vẫn không đủ can đảm làm một cái cử chỉ rất tầm thường là nắm lấy tay nàng… Cho nên thay vì câu nói: “Anh yêu em, lòng anh đang rộn ràng muốn hôn em đây”, Đạt đã thốt ra một câu rất “trí thức”, không ăn nhập gì với tâm trạng của chàng: - Em bảo: “Người ta không bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông”. Nhưng tại sao vẫn có những người như người thanh niên nọ, lúc bé đã tắm Ao Bà Om, nhớn lên cũng vẫn tắm ở Ao Bà Om, và cho đến lúc chết cũng chỉ tắm ở Ao Bà Om? Tiếng nói của Đạt cất lên, làm Diễm hết lo sợ vì nàng hiểu là khi Đạt im lặng tức là Đạt đang có những dự tính liều lĩnh, và khi Đạt cất tiếng nói, tức là sự “nguy hiểm” đã qua. Diễm quay sang nhìn Đạt, bình tĩnh mỉm cười: - Họ khác, thầy khác. Thầy có thể suốt đời tắm mãi ở Ao Bà Om này như người thanh niên nọ không? Đạt tình tứ nhìn Diễm: - Có thể lắm chứ! Nếu có Diễm! Nếu có Diễm cùng tắm… Diễm ngượng cứng người, tưởng chừng Đạt đang chăm chú nhìn mình, đang lột trần mình để Diễm hiện “nguyên hình” là đứa con nít mà chàng đã bồng bế trên tay… Diễm không trả lời Đạt, im lặng bước nhanh. Nàng nhìn xuống đất mà hầu như không nhìn thấy gì, nàng vấp phải một rễ cây, lảo đảo muốn ngã, và Đạt dang hai tay đón nàng. Sẵn cái đà “sắp ngã”, Diễm ôm lấy Đạt, gục đầu vào ngực Đạt, và trong giây phút xúc động, nàng như được cởi mở, được giải thoát khỏi những ràng buộc, của xã hội, của lễ nghi luân lý, của tình thầy trò, để thốt lên một tiếng gọi Đạt: - Anh! Tiếng “Anh” nổi lên chẳng khác tiếng reo đắc thắng của Tình Yêu, làm Đạt sung sướng, tay đê mê vuốt lên mái tóc Diễm… Diễm thốt ra được một tiếng “Anh” thì nàng ứa nước mắt, lòng vợi hẳn đi, tuồng như sự xúc động của nàng cũng theo nước mắt mà tiêu tan. Chỉ một giây sau, Diễm đã thấy lòng mình bình tĩnh trở lại, nhưng nàng vẫn nép đầu vào ngực Đạt, cố tình kéo dài thêm cái phút giây ngây ngất tận hưởng hương vị của tình yêu. Sau phút giây xúc động thực tình, Diễm đã làm “đỏm” bằng cách mặc cho nước mắt nóng hổi của mình thấm ướt cái áo sơ mi của Đạt, khiến Đạt sung sướng đến phát điên, chỉ biết cuống cuồng gọi: “Diễm ơi! Diễm ơi!” Còn Diễm thì tuy gục đầu vào ngực Đạt, ra chiều vẫn còn xúc động, nhưng nàng rất tỉnh táo, tai nàng nghe rõ tiếng đập của trái tim Đạt, mắt nàng mở to, tò mò ngắm những đường vẽ trên cái “cà vạt” của Đạt và tự nhủ: “Giá mình khóc thêm thật nhiều, cho ướt hết cái “cà vạt” của Đạt thì hay biết bao! Thấy Diễm gục đầu vào ngực mình, Đạt định nâng cằm Diễm lên, để ngắm xem khuôn mặt người yêu khi khóc, đẹp não nùng ra sao, rồi sẽ đặt lên vừng trán nàng một cái hôn chờ đợi từ hơn mười năm… Nhưng Đạt còn đang vụng về, chưa biết làm thế nào nâng cằm Diễm lên, thì tiếng động cơ xe Ve'lo Solex của Hội đã vẳng tới, làm Diễm hốt hoảng, gỡ thoát ra khỏi vòng tay của Đạt, trong khi Đạt bàng hoàng, ngẩn ngơ, nhìn Diễm, khẽ thở dài… Vừa xuống xe, Hội đã đưa con mắ dò xét của nhà thám tử, chăm chú nhìn hai người và trước gương mặt bẽn lẽn của Diễm, vẻ sượng sùng của Đạt, nhất là nhìn thấy đôi mắt đục còn ngấn lệ của Diễm, Hội nở nụ cười đồng lõa với Đạt: - Thầy có nhớ lời em dặn không thầy? Đạt gật đầu, để thầm cám ơn Hội; còn Diễm thì phụng phịu bảo Hội: - Chị xấu lắm! Cái lồi đâu lại bỏ đi mất hút… Mà chị nói kiếm cái gì giải khát đâu? Hội khẽ nâng cằm của Diễm lên như lúc nãy Đạt sắp sửa nâng cằm Diễm, tình tứ đặt lên trán Diễm một cái hôn nhẹ nhàng rồi nói trêu Diễm: - Cục cưng ơi! Chị lo cho hạnh phúc của em mà em còn oán chị cái gì hở em! Đạt có cảm tưởng Hội hôn Diễm thay mình, và chàng sung sướng nhìn Diễm đỏ mặt… Diễm đợi cho Hội hôn xong, lấy hết sức bình sinh, thụi cho Hội một cái vào mạng mỡ, khiến Hội ôm bụng nhăn nhó, còn Diễm thì cười khoái trá: - Cho đáng kiếp chị cứ lên mặt thầy đời mãi! Mai mốt, lúc nào ông Trung úy tìm tới, đừng có hòng nhờ Diễm làm cố vấn… Đạt đỡ lời: - Cô Hội đừng ngại, đã có tôi chọn áo giùm cô xem nên mặc áo nào… Diễm phá lên cười… Hội hiểu ra là Đạt đã biết chuyện mình nên nàng hết ngổ ngáo, bẽn lẽn nhìn Đạt, rồi lườm Diễm, nói dọa: - Chưa hết đâu Diễm ạ! Mai mốt, thế nào ông Khải chẳng tìm xuống… Lúc đó, đừng có hòng cầu cứu… Diễm nhé…Tuyết nằm dài trên giường đọc truyện, uể oải vứt quyển sách lên giường, rồi ngáp dài nói với Huyền, đang ngồi đính cái khuya áo sơ mi của Thúc: - Vắng mẹ và các chị, buồn ghê chị nhỉ? Bày cái trò gì cho vui đi chị! - Biết bày trò gì bây giờ?... Diễm đi Vĩnh Bình, Hòa từ hôm qua cũng lên Đà Lạt nghỉ mát với Uyển để rồi đón Uyển cùng trở về. Ở nhà chỉ còn có Thúc cùng Huyền, Tuyết… Đột nhiên một ý thoáng qua óc, làm Tuyết vùng ngồi dậy: - À! Có cái trò này, chắc sẽ làm cho Ba đỡ buồn! Cần nhất là phải làm cho Ba vui, chứ dạo này, chị có nhận thấy Ba có vẻ bơ phờ, mệt mỏi không? - Đúng! Nhưng em định bày trò gì? - Hay ghê lắm! Chị sửa soạn trước đi, đợi Ba về là đi luôn. - Nhưng đi đâu mới được chứ? Tuyết cười bí mật: - Đưa Ba lại thăm bà Hằng… Huyền giật mình: - Chết! Nhỡ mẹ về, mẹ biết thì sao? - Biết thế nào được! Mà dù có biết cũng chả sao. Mẹ chỉ ghe bùng lên như mớ lửa rơm rồi tắt, chứ ăn nhằm gì… Huyền vẫn tỏ vẻ ngần ngại: - Liệu có nguy hiểm không? Tuyết gắt chị: - Chị thì cái gì cũng quan trọng quá. Đùa cho Ba đỡ buồn mà nguy hiểm cái gì? Chị sợ bà Hằng quyến rủ Ba, làm cho Ba mê tít thò lò bà ấy hay sao? Nếu thế chả hóa ra bà Hằng giỏi lắm à? - Biết đâu đấy! Chính em chẳng thường bảo Ba là người “sentimental” (nhiều tình cảm) là gì? - Thì Ba vẫn là người “sentimental”! Nhưng cái đó không có nghĩa là Ba gặp bà ta là mê liền. Từ bao nhiêu năm nay, em có thấy Ba mê ai đâu! Mà dù Ba có “mê” bà Hằng thì càng hay chứ sao! Chị phải nghe em mới được. Chị không thấy độ này Ba kêu chán đời luôn à! Chị không thương Ba à? Để thuyết phục Huyền, Tuyết đã khéo léo đánh trúng tâm lý Huyền là gợi đến tình thương cha của Huyền. Bởi vì, trong bốn chị em, Huyền là người thương Thúc nhất. Huyền có thể làm bất cứ cái gì—cả những điều vô lý—để làm cha vui lòng. Nhất là ít lâu nay, Huyền nhận thấy Thúc có vẻ bơ phờ mệt mỏi. Huyền băn khoăn không hiểu Thúc buồn vì không có con trai hay buồn vì đã quá nửa đời người mà chẳng làm được cái sự nghiệp gì, cũng chẳng còn lý tưởng hoài bão gì! Sự thực thì sự mệt mỏi của Thúc rất dễ hiểu. Bản chất Thúc là một tâm hồn sôi nổi, say mê phiêu lưu, phiêu lưu cách mạng hay phiêu lưu tình cảm, hoặc bất cứ cái gì thoát ra ngoài khuôn sáo v.v… Thế mà từ bao nhiêu năm nay, Thúc vẫn phải đóng vai một ông giáo sư đạo mạo, một người chồng ngoan ngoãn, một người cha gương mẫu của bốn cô con gái đến tuổi lấy chồng… Phải sống ngược lại với thực chất tâm hồn mình, một tâm hồn không những trẻ mà là “con nít”. Thúc tuy rất mực thương yêu vợ con, đã dần dần thấy dấu hiệu của sự mệt mỏi… Có những bữa cơm sốt, canh ngọt, chàng ăn không biết ngon, và đêm khuya, chàng lại rũ Tuyết, lén xuống bếp, lùng cơm nguội để chiên thì chàng lại thấy cái khoái, cái thú vị của sự ăn vụng vợ, chẳng khác nào thời niên thiếu chàng chẳng hiểu chính trị, cách mạng là gì, nhưng đâm bổ vào cách mạng chỉ vì được hoạt động trong bóng tối, trong cái thú say xưa, rùng rợn của bí mật, bất trace, bất ngờ… Cho nên khi nghe Tuyết hỏi: “Chị không thương Ba à” thì Huyền mủi lòng, chả còn phân biệt phải trái gì nữa; nàng gật đầu nói với em: - Ừ thì đón Ba đi cho vui. Nhưng chắc gì Ba chịu đi! - Việc ấy để em lo! Ngay lúc đó, Thúc từ thư viện trở về, tay khệ nệ Ôm chồng sách mượn, Huyền vội chạy tới đỡ chồng sách cho Thúc: - Sách ở đâu mà Ba khiêng về nhiều thế? Thúc uể oải nói với hai con: - Thôi, chiều hôm nay, tao đề nghị không ăn cơm nhà… Tuyết vỗ tay tán thành: - Dạ! Dạ! Thế thì hôm nay, Ba cho con được là trưởng ban tổ chức, con mời Ba đi đâu thì Ba cứ việc theo chúng con. Con sẽ dành cho b một sự ngạc nhiên thú vị. Ba có chịu không? Thúc cười mệt nhọc, âu yếm nhìn con: - Mày lôi tao xuống âm ty, tao cũng chịu nữa là! Lời nói gở của Thúc làm Huyền lo ngại nhìn Thúc… Nhưng Tuyết đã nhanh nhẩu, vui vẻ trả lời: - Con sẽ đưa Ba lên thiên đường! Ba cứ tin con đi. Bây giờ thì mời Ba sửa soạn, ăn vận cho thật bảnh… Thúc lắc đầu: - Cái gì mà long trọng vậy con? - Thì Ba cứ chiều con đi. Con là trưởng ban tổ chức mà! Rồi Tuyết lăng xăng chạy đi lấy áo sơ mi cho Thúc thay, lấy cái “cravate” đẹp nhất, mới nhất, thắt cho bố, lấy lược chải đầu cho Thúc. Lại không quên lấy lọ “Eau de cologne” rảy lung tung lên tóc, lên cổ, lên áo Thúc và Thúc ngoan ngoãn, nhẫn nại để mặc con gái “làm đẹp” cho mình. Cho đến lúc ba bố con ngồi lên taxi, Huyền và Tuyết vẫn chưa cho Thúc biết là đi đâu, và Thúc cũng chả buồn hỏi vì Thúc đinh ninh là cái “ngạc nhiên lý thú” mà các con mình dành cho mình sẽ không ngoài xi-nê, hoặc phòng trà, hoặc đại hội nào đó… Mãi đến lúc taxi dùng bên đường Lý Trần Quán, Thúc mới ngơ ngác hỏi con: - Sao lại tới đây? Chúng mày định cho Ba ăn chả cá hay sao? Tuyết cười, tiết lộ bí mật: - Chúng con đưa Ba lại thăm bà Hằng để Ba xem con bà ta có… giống Ba không! Thúc ngẩn người nhìn Tuyết không biết có nên tin lời Tuyết không, vì Tuyết thường hay trêu bố, thì Huyền đã thưa: - Tuyết nó nói thực đấy Ba ạ! Thấy Ba độ này có vể mệt mỏi, nên hai đứa chúng con bàn nhau, đưa Ba lại thăm bà Hằng cho vui… Nghe Huyền nói, Thúc tin liền. Mắt Thúc vụt sáng lên như đứa trẻ nhìn thấy cái đồ chơi vẫn thèm khát, nhưng Thúc vờ làm ra mặt nghiêm hỏi con: - Chúng mày tợn thật! Nhỡ má chúng mày biết thì sao? Tuyết nhanh nhẩu: - Biết làm sao được! Mà dù có biết thì tội vạ đã có con gánh. Chính danh thủ phạm, xướng xuất ra vụ này là con. Ba chỉ là “victime obéissante” mà! Thúc âu yếm củng lên đầu con. Bất giác, Thúc đưa hai tay lên cổ, nắn lại cái “cravate” hơi lỏng lẻo, khiến Tuyết nhận thấy cử chỉ làm “đỏm” hi hữu của bố, đưa mắt nháy Huyền, rồi nói nhỏ bên tai Thúc, trước khi bấm vào cái nút chuông nhà bà Hằng: - Xin giao hẹn trước với Ba, Ba đừng có mê bà Hằng Ba nhé! Tiếng sét ái tình mà nổ thì chết lây cả tụi con, đó Ba! Thúc gật đầu lia lại, trên môi nở một nụ cười, một nụ cười rất trẻ và hồn nhiên, một nụ cười mà lũ con Thúc chưa bao giờ thấy trên gương mặt Thúc. … Ngay lúc đó, Hằng hiện ra trong khung cửa, với bộ đồ ki-mô-nô, màu xanh mát dịu. Hằng thốt lên một tiếng reo vui mừng đượm chút ngạc nhiên khi nhìn thấy Huyền và Tuyết đi cùng một người đàn ông mà tuy chưa gặp lần nào, Hằng cũng đoán ran gay là cha của Huyền và Tuyết vì Tuyết hao hao có nét mặt của Thúc… - Lạy chị ạ! Em đưa Ba em lại thăm chị! Nghe Huyền giới thiệu Thúc, Hằng nhìn thẳng vào mắt Thúc trong một khoảnh khắc, rồi cúi đầu chào rất duyên dáng: - Được nghe nói về ông nhiều lần, bây giờ mới được gặp… Thật hân hạnh cho tôi… - Tôi cũng vậy… Thúc trả lời cụ thun lủn, rồi chăm chú ngắm Hằng, ngắm gian phòng… Tuyết theo dõi từng cử chỉ, từng lời nói của bố, không khỏi lấy làm lạ thấy Thúc có vẻ lừng khừng, ít nói chứ không vồn vã, săn đón, như Tuyết vẫn dự đoán! Có ngờ đâu, đó chỉ là bề ngoài, và sở dĩ Thúc không niềm nở, lịch sự vì ngay từ phút giây đầu tiên cuộc gặp gỡ, Thúc đã tự nhủ: “Mình phải yêu người đàn bà này”. Không biết hai người có duyên số gì, có dây oan nghiệt gì ràng buộc họ trong kiếp trước, hay có lẽ đúng hơn là Thúc đang ở trong cái trạng thái trống rỗng ghê gớm, cái trạng thái chờ một cái gì, mới lạ, bất luận là tốt hay xấu, lành hay dữ. Còn Hằng, khi thấy cái nhìn lù đừ nặng trĩu khát vọng thầm kín của Thúc, cố tình dừng lại một cách ngang bướng, trên khuôn mặt nàng, trên cơ thể thì nàng cũng tự nhủ: “Ít ra người đàn ông này cũng là người có cá tính, không đến nỗi vô vị như người khác”. Không thấy bóng dáng Chiến đâu, Huyền hỏi Hằng: - Chiến đâu, hở chị? - Cháu đi xi-nê với chị Hai. Thành ra nhà không có người làm… Để tôi xin phép đi pha trà mời ông… Tuyết nhanh nhẩu: - Chị để em pha cho! - Đâu dám thế. Thấy Thúc im lặng, chỉ nhìn, nhìn hết Hằng lại nhìn gian nhà Hằng, Tuyết bấm chị vào buồng trong, thì thầm với Huyền: - Có nhẽ Ba dè đặt vì có mặt chúng mình… Con Vị Lan, nó ở đầu đường này, em với chị sang chơi nó, tán róc một lúc rồi trở lại đón Ba, để cho Ba được tự nhiên… - Cũng được! Thế là hai chị em lẳng lặng chuồn ra đường lúc nào, cả Thúc và Hằng đều không biết. Hằng mãi loay hoay pha trà, đến lúc quay lại thì đã thấy mất bóng hai người, Hằng hơi bối rối hỏi Thúc: - Cô Huyến và cô Tuyết đi đâu vậy thưa ông? - Nào tôi biết! Thúc vừa trả lời Hằng, vừa cười thầm trong lòng, vì Thúc hiểu hai đứa con mình muốn trêu Thúc, nên bỏ đi mặc cho Thúc ngồi với Hằng… … Hằng tay nâng chén trà, tỏa hương ngào ngạt, trịnh trọng đặt trước mặt Thúc: - Tôi học được của mẹ tôi cái nghệ thuật pha trà, uống trà. Nhưng từ khi mẹ tôi chết và những người lui tới nhà tôi thườing thích uống “Cà phê đá” hơn uống trà, nên tôi vẫn phải “độc ẩm”… Đàn bà mà phải độc ẩm nhiều lúc cũng “tội”! Thưa ông! Hằng nói bằng một giọng bình thản nhưng Thúc nghe thấy xót xa, nhất là cái tiếng “tội” đi kèm với một nụ cười vừa mệt mỏi, vừa quyết rũ—càng làm cho Thúc ngây ngất, không biết mình ngây ngất vì hương trà hay vì người đàn bà mặc ki-mô-nô, đối diện với chàng… Thúc muốn nói một câu để ca tụng tài pha trà của Hằng, hoặc ca tụng sắc đẹp của Hằng, nhưng Thúc biết trước là những câu mình nói sẽ vô vị, vô duyên, nên chàng chỉ biết chăm chú nhìn Hằng. Khiến Hằng không chống đỡ nỗi cái nhìn của Thúc, chớp mắt quay đi chỗ khác. Mãi một lúc sau, Thúc mới thủng thẳng nói: - Hôm nay, hai đứa con tôi, chúng đưa tôi lại đây mà không hề cho tôi biết trước. Tuyết nó bảo nó giữ bí mật cốt để dành cho tôi một sự “bất ngờ lý thú”. Tôi không tin lời nó nói, vì từ lâu, tôi chẳng còn chờ đợi sự bất ngờ nào, cả những bất ngờ lý thú, cũng như bà vẫn phải… độc ẩm. Nhưng hôm nay bà cho phép tôi nói là tôi đã được hưởng một sự bất ngờ, một sự bất ngờ khó quên… - Cám ơn ông: Giọng Hằng vừa lễ phép, dịu dàng, vừa hơi có vẻ tinh nghịch, khiến Thúc đột nhiên hỏi: - Chắc bà thấy những lời tôi vừa nói có vẻ trịnh trọng, làm bà tức cười… Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại trịnh trọng như vậy… Tôi vốn ghét những câu trịnh trọng, khách sáo… Hằng vội cãi: - Trái lại, tôi rất vui lòng được nghe những câu mà ông cho là “trịnh trọng”. Rồi Hằng nhìn Thúc, Thúc nhìn Hằng, cả hai cùng cười. Cái cười thông cảm, gây không khí thân mật, làm họ coi nhau như người bạn cũ, quen từ hồi xa xăm nào… Thúc nhìn bức hình Đạt dắt tay Chiến, treo trên tường, hỏi Hằng: - Anh Đạt có thường hay lại đây không? - Tuần nào anh cũng lại ít nhất một lần. Anh ấy có cho tôi biết là lần này, anh thực sự muốn lập gia đình và chắc anh ấy đã ngỏ ý với ông về dự định của anh muốn hỏi cô Diễm1 Thúc nhìn thẳng vào mắt Hằng: - Về chuyện này, ý kiến của bà ra sao? Hằng hiểu tại sao Thúc lại đặt câu hỏi như vậy, nên Hằng điềm nhiên trả lời Thúc: - Có người vẫn hiểu lầm sự liên lạc giữa anh Đạt và tôi, và hiểu lầm là phải… Nhưng sự thực thì giữa anh Đạt và tôi, đã có một lời thề, một lời thề thiêng liêng mà một ngày kia, có dịp tôi sẽ kể ông nghe. Cho nên chúng tôi không hề yêu nhau mặc dầu rất thương nhau, hiểu nhau… Tôi vẫn cầu giời khấn phật cho anh ấy tìm thấy hạnh phúc, tìm được người vợ xứng đáng. Vì vậy, tôi rất mừng khi được biết là anh ấy yêu cô Diễm… Nghe Hằng kể lể, Thúc bất giác thở ra như người vừa trút được một ám ảnh đè nặng lên tâm trí. Thúc thân mật hỏi Hằng: - Đời sống của Hằng lúc này ra sao? Thúc đã—vô tình hay hữa ý—đổi cách xưng hô, bỏ tiếng “bà” già nua, kiểu cách, thay bằng cách gọi tên tục của Hằng. Hằng nhận ngay thấy sự thay đổi, nhưng nàng làm như không để ý tới, tuy trong thâm tâm, nàng không khỏi xúc động khi thấy Thúc thốt gọi tên mình… Tuy nhiên, nàng vẫn gọi Thúc bằng “ông” và giọng Hằng hơi trầm khi trả lời Thúc: - Cũng lằng nhằng như mọi người. Về vật chất thì tôi dạy ở một trường Trung học Pháp, lương cũng tạm đủ sống… Còn về tinh thần thì… nhiều lúc cũng khủng hoảng, sống bên lề cuộc đời… Thế hệ này đâu còn là thết hệ của bọn tôi và ông, có phải thế không ông? Thúc đưa chén trà lên uống cạn, tự động rót cho mình một chén khác, rồi mới hỏi Hằng: - Nhưng chả lẽ Hằng lại… “độc ẩm” suốt đời hay sao? Một người đàn bà như Hằng khó lòng mà “độc ẩm” mãi được. Dù sao thì Hằng cũng phải nghĩ đến chuyện lấy… một người nào, yêu một người nào chứ? Hằng cười buồn, thẳng thắn trả lời Thúc: - Thú thật với ông, trước kia tôi cũng đã nghĩ tới chuyện lập gia đình… Nhưng bây giờ thì hết rồi…Tô không phải là người khó tính, nhưng tôi hiểu là mỗi người chúng ta có một số kiếp, mà số kiếp tôi không phải là cái số kiếp may mắn của những người có chồng con đường hoàng, có hạnh phúc giản dị, đường hoàng. Cùng lắm, thì tôi sẽ tìm một người yêu, một người yêu… dối già… chứ còn lấy chồng thì… hết lấy nỗi rồi… Thúc để ý hai tiếng “cùng lắm” của Hằng và mỉm cười nhắc lại: - “Cùng lắm” mới tìm một người yêu? Hằng cũng cười: - Vâng, “cùng lắm”! Thúc im lặng, không nói gì thêm. Hai tiếng “cùng lắm” thốt từ cái miệng duyên dáng của người đàn bà, có một số kiếp long đong là Hằng, càng khiến cho Thúc chua chát nghĩ tới những sự an bài trớ trêu của số mệnh… Thúc có dè đâu, chính số mệnh sắp sửa đẩy Thúc vào một cuộc phiêu lưu thê thảm với Hằng, vì ngay lúc đó, trời đang nắng, đang cực kỳ oi bức, đột nhiên tối sầm lại và gió bão cuồn cuộn nổi lên. Cánh cửa nhà Hằng mở tung và mấy tấm tranh treo trên tường vụt bay lả tả… làm Hằng hốt hoảng đứng lên đóng cửa lại. Ngay lúc đó, một tiếng sét long trời lở đất đánh xuống đâu đấy, tưởng chừng chỉ cách chỗ hai người vài chục thước, làm rung chuyển cánh cửa kính và Hằng mặt tái mét chạy lại phía Thúc, như muôán ôm choàng lấy Thúc cho đỡ sợ, mà không dám. Thúc cầm lấy bàn tay Hằng: - Hằng sợ sấm sét lắm à? Hằng nói trong hơi thở đứt quãng: - Cả đời em, em không sợ gì bằng những phút mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm… Hằng vừa nói hết câu thì một tia chớp sáng cả một góc trời, tiếp theo là một tiếng sét long trời lở đất làm Hằng không suy nghĩ gì, e thẹn gì nữa, ôm choàng lấy Thúc, rồi đèn ngoài đường cũng như trong nhà vutï tắt! Thúc nghĩ rất nhanh: Chàng hiểu là chàng dù có cưỡng lại Định Mệnh cũng bằng thừa, và Định Mệnh đã đặt người đàn bà nọ vào tay chàng. Mắt Thúc sáng lên. Thúc không còn là người đàn ông mệt mỏi, yếu đuối nữa! Thúc thấy mình khoẻ như Hạng Võ, như Hercule và chàng bế thốc, nhấc bổng Hằng lên, nhấc bổng người đàn bà mềm nhũn chỉ còn hai tay ôm cứng lấy cổ chàng. Thúc bế bổng Hằng lên, trong khi mưa rào đổ xuống hơn thác lũ, gió bão, sấm sét gầm thét tưởng chừng sắp đến giờ tận thế của nhân loại. Và trong bóng tối, chập chờn soi sáng bởi những tia chớp, Thúc thấy khuôn mặt Hằng ẩn ẩn, hiện hiện, đôi mắt Hằng phản chiếu ánh những tia chớp, thăm thẳm như một cái giếng dục vọng. Và không nghĩ ngợi, Thúc hôn lên đôi môi hé mở của Hằng, vụng về, man dại, chẳng khác một người tiền sử… một con mãnh sư ăn nằm với con “cái”… Khi sấm sét, gió bão bắt đầu dịu thì hai người cũng tỉnh giấc Vu Sơn, trở về với thực tế cuộc đời. Hằng nghe Thúc thì thầm bên tai: - Huyền và Tuyết có nhẽ sắp trở lại đón… Dậy thôi Hằng! Hằng liều lĩnh trả lời: - Họ trở lại thì mặc họ… Giá bây giờ có sét đánh em chết ngay, em cũng không dậy… Hằng chỉ nói vậy để diễn cái hoan lạc của lòng mình chứ chưa đầy nửa phút sau, nàng đã trỗi dậy, và lúc này, nàng nhìn Thúc và tự nhìn thân hình mình, Hằng mới bắt đầu thấy thẹn, thẹn một cách tê tái như những người văn minh biết thẹn… Hằng cũng như Thúc, cả hai đều có cảm tưởng là không phải Thúc, không phải Hằng, mà là một người đàn ông nào đó, một người đàn bà nào đó đã sống những phút điên cuồng vừa qua. Hằng lặng lẽ đi vào buồng trong, và gần mười phút sau, nàng trở ra với bộ tóc mới chải, gương mặt có thoa chút phấn hồng và một cái áo dài thanh nhã phủ lên tấm thân mảnh dẻ… Bây giờ mà Huyền, Tuyết có trở về, thì dù họ có tài nhận xét tâm lý đến đâu, họ cũng không thể ngờ là người đàn bà đài các ngồi kia, trang trọng như mộ người mệnh phụ bất khả xâm phạm, trước đó nửa tiếng đồng hồ, đã trao thân gửi thịt cho một người mà ngày hôm qua nàng vẫn chưa quen biết. Huyền và Tuyết không thể ngờ là trong khoảng thời gian ngắn ngủi họ bỏ đi, một biến cố ghê gớm đã ập tới, làm đảo lộn cuộc đời của hai người chỉ mới quen nhau trong khoảng khắc mà đã bị ràng buộc với nhau cho đến ngày họ chết… … Như một con bò nằm nhai lại mớ cỏ thơm xanh trong dạ dày, Thúc vừa hút thuốc lá, vừa trầm ngâm tưởng nhớ cái hương vị da thịt người yêu, thì Hằng trở ra, ngồi phía dưới chân Thúc lúc nào, Thúc không hay. - Lát nữa anh về à? Nghe Hằng hỏi, Thúc giật mình, nắm lấy bàn tay mềm lạnh của Hằng. Ánh điện lại sáng từ lúc nào, soi rõ khuôn mặt Hằng, và Thúc thấy đôi mắt đục của Hằng có ngấn lệ, tuồng như trong lúc nào buồng trong, Hằng đã khóc… Tự nhiên, Thúc thấy lòng se lại một cảm giác thương sót, không phải riêng cho Hằng mà cả cho chính mình hay cho tất cả thế nhân… Thúc dụt dè hỏi Hằng: - Hằng khóc đấy à? Hằng lắc đầu: - Việc gì mà khóc! Nếu khóc cũng là khóc sung sướng! Có buồn chăng nữa là buồn lát nữa anh sẽ trở về nhà anh… Thúc chưa biết nói gì thì Hằng đã hỏi: - Thấy Huyền nói chị Hòa đi Đà Lạt phải không anh? Nghe Hằng nói đến tên vợ mình, Thúc giật mình có cảm tưởng mình vắng nhà lâu lắm và lâu lắm mình không gặp mặt vợ… - Vâng… Hòa đi Đà Lạt đã ba ngày rồi… Một ý nghĩ thoáng qua óc, khiến Hằng nắm chặt cánh tay Thúc, vừa tha thiết, vừa tinh quái nhìn vào mắt Thúc: - Thế thì đêm nay anh phai ở lại đây với em. Nếu lát nữa Huyền và Tuyết trở lại đón, anh đưa các con anh về, rồi anh trở lại với em… Đêm nay, nếu trời lại mưa gió, em nằm một mình nhớ anh, thì em đến tự tử mất… Thúc và Hằng như hai hỏa diệm sơn nghỉ hoạt động từ lâu, lúc này vụt phun lửa, nên sức công phá thật dữ dội. Nghe Hằng thủ thỉ bên tai, Thúc thấy mình trẻ lại, mơ mộng như một thiếu niên mười tám tuổi lần đầu tiên yêu và đúng như lời Tuyết nói đùa với Huyền trước khi đi, Thúc đã “mê” tít thò lò”… Chàng đắm đuối hôn lên mắt Hằng, nói một câu thật lãng mạn như trong những tiểu thuyết rẻ tiền mà Thúc vẫn chế riễu: - Đêm nay anh sẽ gối đầu tay cho em nằm, và anh sẽ kể chuyện đời cho em nghe… Hằng nói tiếp luôn, giọng vừa não nùng, vừa khinh bạc: - Rồi mai mốt chị Hòa về, em sẽ trả anh lại cho chị… Nghe nói anh yêu chị lắm phải không? Thúc đáp rất thành thực: - Yêu lắm! - Có phải chị “cả ghen” lắm, hở anh? - Ghen ghê gớm! Hằng im lặng một lát, mới lên tiếng: - Buồn quá anh nhỉ! Liệu em có mang sóng gió tới gia đình anh không?... Thúc lấy tay bịt miệng Hằng: - Em mà cũng lẩn thẩn như vậy à! Cái gì ở đời cũng là nghiệp dĩ cả. Anh đến đây là do Huyền và Tuyết đưa tới chứ đâu phải anh và em tìm đến nha… Rồi tự nhiên trời đất nổi cơn lôi đình và lỗi là ở trời đất chứ đâu phải lỗi ở chúng ta… Đúng là trời đất bắt chúng ta yêu nhau em ạ! Em có thấy sự an bài ghê gớm của số kiếp không? Thúc đã tìm thấy cái giọng giáo sư triết học của mình và chàng đang say sưa nói thì có tiếng léo xéo và tiếng giầy của Huyền và Tuyết từ ngoài đường đưa vào… Hốt hoảng như hai người học trò ăn quà vụng trong lớp, thấy thầy giáo vào, vội vàng chùi mép, Hằng vùng đứng lên chạy ra ngồi vào cái ghế đối diện cái đi văng, còn Thúc thì vờ lấy thuốc lá hút… Giáo sư triết học Thúc lúc đó, không cần soi gương cũng thấy mặt mình sượng sùng một cách thảm hại, và chưa nhìn thất mặt hai đứa con, Thúc đã lên tiếng trước để lấy… can đảm: - Chúng mày đi đâu mà giờ mới trở lại… Làm Ba đợi hoài… Rồi chàng đứng lên, đi ra phía cửa vừa lúc Huyền và Tuyết ùa vào… - Về thôi chứ các con! Thúc định tâm ra cửa đón hai con rồi cùng về luôn vì chàng hiểu nếu để Huyền và Tuyết nhìn thấy gương mặt chưa biết đóng kịch của Hằng, thì nhất định sẽ “lộ tẩy”. Nhưng Huyền và Tuyết vô tình không hiểu, nên cứ xông vào trong nhà: - Để chúng con chào chị Hằng đã chứ! Kìa chị! Hằng ngượng cứng người, cố tạo một cái cười gượng gạo: - Hai cô về đấy à! Quả là Hằng chưa biết đóng kịch nên vẻ mặt sượng sùng của Hằng là Tuyết tò mò nhìn Hằng, rồi tủm tỉm cười—vì Tuyết đinh ninh là đã có một “cái gì” xảy ra giữa Thúc và Hằng… Nhưng trong tâm trí ngây thơ và láu lỉnh của Tuyết, “cái gì” đó chỉ có thể là một “cái gì” lãng mạn, mơ mộng, chứ Tuyết không thể nào ngờ được “cái gì” đó lại là một “chuyện” động trời ngoài sức tưởng tượng của cô bé đang tò mò tìm hiểu yêu đương… Hằng đang thầm mong cho Tuyết, Huyền về ngay, thì Tuyết đã vui vẻ hỏi Hằng: - Mưa to quá chị nhỉ. Lúc mưa to chị làm gì hở chị? Lời nói vô tình của Tuyết làm Hằng tái mặt và Thúc giật mình… Để tránh cho Hằng khỏi phải trả lời, Thúc vội lôi tay Tuyết: - Thôi ta về cho bà Hằng nghỉ… Mười giờ rồi còn gì nữa! Rồi Thúc chào Hằng, đi thẳng ra đường, Hằng cũng không nhớ là mình có chào ba bố con Thúc không. Nàng chỉ nhớ là mình đi theo chân ba người ta tới của và Tuyết ra tới đường vẫn còn ngoảnh lại nói trêu Hằng: - Ba em chúc chị ngủ ngon giấc, thưa chị! … Ngồi trên xe taxi, Thúc vui vẻ hỏi chuyện các con để lấy lòng các con, Thúc đã bắt đầu có cái mặc cảm của kẻ làm điều lỗi, phải lấy lòng, mua chuộc tất cả mọi người… Nhưng trong khi nói chuyện với con, tâm trí Thúc vẫn loay hoay tìm cách để lát nữa về nhà, Thúc sẽ kiếm cớ nói dối các con, trở lại với Hằng. Về đến nhà, chưa được năm phút, Thúc đã bắt đầu thấy sốt ruột. Thúc không cởi quần áo, đi đi, lại lại trong phòng, vẫn chưa nghĩ được kế gì ổn thỏa để nói dối các con… Đột nhiên, chàng đi vào phòng nói với hai con: - Ba đi ra ngoài tiệm, ăn bát mì… Rồi có nhẽ Ba lại người bạn, có chút việc… cần. Nếu quá mười một giờ Ba không về, thì các con cứ đi ngủ… Rồi không đợi các con trả lời, Thúc đi thẳng, khiến Tuyết ngơ ngác hỏi với theo: - Ba đi đâu hở Ba? Thúc không trả lời, lùi lũi đi thật nhanh ra đường… Hai chị em ngẩn người nhìn nhau… Tuyết tuy tinh quái nhưng vẫn ngây thơ hỏi Huyền: - Lạ quá! Ba đi đâu mà về nhà chưa đầy năm phút lại đi luôn! Ba có ngủ đêm chỗ khác bao giờ đâu! Huyền lắc đầu nhìn em: - Mày ngốc lắm! Em không biết Ba đi đâu à? - Thế chị bảo Ba đi đâu? Giọng Huyền có vẻ cam chịu của một người con gái tuy ít tuổi mà đã tin ở nghiệp dĩ: - Lại còn đi đâu nữa! Ba trở lại nhà bà Hằng chứ còn đi đâu nữa! Tuyết vẫn chưa chịu tin: - Chị nói vô lý! Làm gì có chuyện gặp nhau được một, hai tiếng đồng hồ mà đã say mê nhau… đến nỗi Ba vừa về đến nhà, lại bỏ đi ngay, mò tới nhà bà ta! Tiểu thuyết không bằng! Huyền lắc đầu mệt mỏi: - Khổ quá, sự thực hiển nhiên mà em chưa tin sao? Tuyết lo lắng nhìn chị: - Hiển nhiên ra sao? - Hiển nhiên là hai người yêu nhau, say mê nhau chớ còn sau nữa! Chính miệng em bảo Ba là người “sentimental” thế mà em lại đưa Ba tới nhà bà ta…! Tuyết cãi chị: - Vẫn biết là Ba sentimental! Nhưng Ba đâu có phải là con nít mà mới gặp bà ta một lần đã say mê! Từ bao nhiêu lâu nay, Ba quen biết bao nhiêu đàn bà, mà sao Ba vẫn chẳng thèm để ý tới ai… Ba chúng mình, là Giáo sư triết học chứ đâu phải là đứa bé lên ba… Huyền lắc đầu, trả lời như một người đã có kinh nghiệm não nề về cuộc đời: - Khốn nạn! Em lý luận gì mà ngây thơ vậy! Chị lo lắm! Chị lo cho cái chuyện do chúng mình bày vẽ ra cho Ba khuây khỏa, rút cuộc sẽ làm khổ Ba, làm khổ cả nhà… nhất là mai mốt, mẹ về, mẹ biết chuyện, mẹ ghen thì phải biết! Mẹ mà biết thì chết cả lũ, chết cả em lẫn chị là người đưa đường chỉ lối cho Ba lại bà ta… Nghe Huyền vẽ ra trước mắt cái viễn tượng mẹ về “đánh ghen”, Tuyết đâm hoảng, cuống cuồng hỏi chị: - Vậy làm sao bây giờ? Mẹ về thì chết cả thực! Cô bé bướng bỉnh và ưa trêu cợt, vụt biến mất, Tuyết chỉ còn là một đứa bé nhát gan, sợ đòn… Thấy Huyền im lặng, không trả lời, Tuyết lại càng rối trí, cầm cánh tay Huyền lắc đi lắc lại như bắt Huyền phải nói để chia xẻ lo âu với nàng. Tuyết quên phứt đi mất là trước khi đưa bố tới nhà Hằng. Tuyết đã cương quyết nói với chị: “Chính danh thủ phạm là em. Tội vạ đâu em chịu”. Tuyết càng mất tinh thần thì Huyền lại càng có vẻ bình tỉnh… Nàng chậm rãi bảo em: - Biết làm thế nào bây giờ! Đợi xem đêm nay Ba có về không đã… Tuyết lắc đầu: - Không được chị ạ! Phải đi mời Ba về… không ngờ bà Hằng bà ấy tồi thế…! Mà sao bà ấy quyến rũ Ba mau thế chị nhỉ? Em thấy ai yêu nhau cũng từ từ, đi từng… giai đoạn cơ mà! Huyền phì cười: - Có nhẽ Ba “đốt cháy giai đoạn” đấy! Nhưng liệu em có đủ can đảm xông vào nhà bà ta, lôi Ba về không? Tuyết nghĩ một lát, rồi trả lời: - Chắc em không đủ can đảm mất! Tuyết thừ người suy nghĩ, rồi đột nhiên mắt nàng sáng lên và Tuyết nắm lấy tay chị: - À! Em có kế rồi! Chị mặc áo, rồi đi với em, chị! - Đi đâu bay giờ? Tuyết vụt trở lai. với tính bướng bỉnh, nghĩ gì làm luôn, của cô gái được gia đình chiều chuộng: - Đi lại ông Đạt chị ạ! Lại thầy Đạt đê hỏi ý kiến ông ấy nên làm thế nào và nhờ ông ấy dẫn đến nhà bà Hằng mời khéo Ba về là xong chuyện chứ gì! Với bản tính yêu đời, Tuyết tưởng như thế là giải quyết ổn thỏa, và nàng vui vẻ hỏi chị: - Chị nghĩ sao? Em tính như vậy có ổn thỏa không? - Cũng được. Nhưng chả biết ông ta có giúp được gì không? - Thì cứ đến ông Đạt sẽ rõ. Bây giờ còn sớm… chắc giờ này ông Đạt chưa đi ngủ, mà có đi ngủ cũng lôi cổ ông ấy dậy… Huyền mệt mỏi: - Ừ, đi thì đi. Tao cứ theo mày dẫn dắt, hết chỗ này đến chỗ nọ, cực quá! Tuyết cười và giục Huyền như giục tà, khiến Huyền vội vã mặc áo dài, rồi ra đi với Tuyết. Còn Tuyết thì vẫn cứ nguyên bộ đồ mặc ở nhà, không buồn nhìn vào gương để sửa lại mái tóc rối bù của mình. … Thế là Huyền và Tuyết tìm đến nhà Đạt với tâm trạng của kẻ có người trong gia đình đột nhiên mắc bạo bệnh, đang đêm phải đi kiếm bác sĩ, nên khi tới trước cửa nhà Đạt, Tuyết bồn chồn, nhận cái nút chuông điện một hơi dài bất tận, khiến Đạt đang nằm đọc sách, cáu kỉnh mở hé cửa, hỏi giật giọng: - Ai nhận chuông “loạn xà ngầu” thế? - Chúng em đây! Huyền và Tuyết đây! Đạt sửng sốt nhìn Tuyết vận quần áo ngủ, nhìn bộ điệu hớt hải của hai người, Đạt thất sắc tưởng có chuyện gì không hay xảy ra cho Diễm: - Có chuyện gì vậy, Huyền, Tuyết? - Chuyện cần lắm, nên mới tới thầy vào giờ này! - Lành hay dữ? - Không biết là lành hay dữ, nhưng quan hệ lắm! Đạt lo lắng hỏi: - Có phải chuyện Diễm không? - Không dính dáng gì tơi Diễm! Đạt tươi tỉnh ngay nét mặt: - Miễn không phải chuyện Diễm là được rồi! Để tôi lấy nước trà cho Huyền và Tuyết uống… Đạt thủng thẳng đi lấy chén rót trà… Nhưng Tuyết sốt ruột giục luôn: - Thôi, thầy đừng cho uống gì nữa. Thầy mặc quần áo đi với chúng em một chút… Đạt hơi ngạc nhiên: - Nhưng đi đâu? - Đến nhà bà Hằng! Đạt mở to đôi mắt: - Cô nói đùa hay nói thật! Đến nhà bà Hằng làm gì? - Để nhờ thầy lôi hộ Ba em về! Đạt đi từ sự kinh ngạc này đến kinh ngạc khác: - Sao lại lôi anh Thúc! Mà anh Thúc đến đó làm gì? Huyền từ tốn giải thích: - Khổ quá! Tuyết nó nói như vậy thì ai còn hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao. Để em kể thầy nghe… Nàng thuật lại tất cả mọi sự xảy ra, từ chuyện hai chị em bàn nhau đưa Thúc lại nhà bà Hằng… đến chuyện sau khi đưa Huyền và Tuyết trở về, Thúc bỏ ra đi, rồi Huyền nói với Đạt: - Theo chỗ chúng em đoán, thì Ba em trở lại nhà bà Hằng. Và sở dĩ Ba em lại nhà bà Hằng là vì Ba em và bà Hằng hai người đã say mê nhau! Nghe Huyền nói, Đạt im lặng… Rồi đột nhiên, chàng phì cười vì chàng nghĩ tới hoàn cảnh mình và hoàn cảnh Thúc, một anh thì gần bốn mươi tuổi, một anh thì gần năm mươi tuổi, mới bị “tiếng sét của ái tình” đánh trúng! Đạt nói với hai chị em Huyền: - Đã chắc gì anh Thúc trở lại nhà bà Hằng… Mà có thấy triệu chứng gì, khiến cô suy luận là anh Thúc và bà Hằng say mê nhau. Rất có thể là hai người say mê nhau, nhưng đâu có thể dễ dàng, chóng vánh như vậy… Tuyết vội tán thành: - Đúng, em cũng nghĩ vậy… Nhưng Huyền vẫn lắc đầu: - Em thì nghĩ khác. Không tin, mời thầy lại nhà bà Hằng sẽ thấy rõ lời em đoán đúng hay không! Đạt lắc đầu cười: - Tôi chịu thôi! Nhỡ… chạm trán anh ấy thực thì phiền cả anh lẫn mình. Nếu các cô muốn biết hư thực, chúng ta chỉ cần đến đó, đứng ngoài nhìn vào… cũng đủ hiểu. - Cũng được! Mời thầy đi. Đạt xỏ chân vào đôi dép, khoá cửa, rồi ra đi với hai chị em Huyền. … Tới trước nhà Hằng, ba người xuống xe, đứng vớ vẩn nhìn vào, thấy cửa đóng và trong nhà đèn sáng… Đạt nói nhỏ với Huyền và Tuyết: - Đúng là anh Thúc ở trong đó! - Sao thầy biết? - Vì bà Hằng có thói quen đi ngủ rất sớm! Lúc này đã quá mười một giờ mà đèn còn sáng, tức là nhà có khách, và khách đây chỉ có thể là anh Thúc… … Ngay lúc đó, cữ mỡ và chị Hai từ trong nhà đi ra, tay bưng một cái khay với hai cái tô, ý chừng để mua phở hoặc mì v.v… Chị Hai lúi húi đi, không để ý tới Đạt, làm Đạt phải gọi giật lại: - Này chị Hai! Chị Hai quay lại, nhận ra Đạt, thốt lên một tiếng reo: - Kìa thầy! - Trong nhà có khách hả? - Dạ có khách! Rồi chị cười bí mật, ngập ngừng như người mới khám phá được một sự bí mật, nói ra thì sợ, không nói ra thì không chịu nổi: - Lạ lắm thầy ạ! - Lạ ra sao! Chị thấy lạ, vì ông khách này không giống những ông khách thường lui tới phải không? Chị Hai mở to đôi mắt, sung sướng nhìn Đạt: - Ồ! ồ, sao thầy biết!... thú thực với thầy, cháu ở với bà cháu gần một năm nay, cháu cứ đinh ninh là bà cháu không nghĩ đến chuyện lấy chồng nữa và bà cháu cũng chả có nhân tình, nhân bánh gì, thế mà đột nhiên cháu đưa chú Chiến đi xi-nê về, thì thấy ông này lù lù ở trong nhà… Mà ông này không phải là bạn như thầy đâu… Ông nay lạ lắm! Tuyết hỏi xen vào: - Người như thế nào hở chị? Có giống tôi không? Chị Hai chăm chú nhìn Tuyết từ đầu đến chân rồi thốt kêu: - Ừ mà giống quá! Anh cô hả? - Không. Bố tôi đấy! Rồi Tuyết vờ nghiêm giọng nói tiếp: - Bà Hằng ghê thật! Dám quyến rũ cả Bố tôi! Nghe Tuyết nói, chị Hai thất sắc, tưởng Huyền và Tuyết đến đánh ghen cho mẹ. Chị bắt đầu hối là mình quá mau miệng, thì Huyền đã nói: - Tuyết đùa đấy! Chị đừng ngại. Chính lúc nãy chúng tôi đã đưa Ba chúng tôi lại thăm bà Hằng!... Nhưng liệu đêm nay, Ba tôi có về hay ngủ lại ở đây hở chị? - Chắc là ngủ lại… Vì cháu thấy bà rủ ông, ngày mai, hai người đi Vũng Tàu, và bà không mang chú Chiến đi, dặn cháu ở nhà phải coi chú Chiến. Đến lượt Huyền và Tuyết thất sắc: - Đi Vũng Tàu thật hay bỡn? - Cháu chỉ nghe hai “ông ba”ø bàn với nhau như vậy! Tuyết đâm cuống, nói với Huyền: - Ba đi Vũng Tàu, nhỡ mẹ về, vỡ chuyện thì chết cả… Thôi để em vào lôi Ba về… Lại đến lượt chị Hai hoảng hốt: - Cháu lạy cô! Cô mà vào, bà cháu biết là cháu nói chuyện “hai ông bà định đi Vũng Tàu” thì chết cháu mất! Đạt ôn tồn bảo chị Hai: - Thôi, chị cần mua gì thì đi, kẻo trong nhà mong… Không ai vào lôi ông Thúc về đâu mà chị ngại! Chị Hai hoàn hồn, nhoẻn miệng cười, cám ơn rối rít… Còn lại hai chị em Huyền và Đạt, Tuyết lo lắng nhìn Đạt: - Nguy quá! Làm thế nào bây giờ thầy? - Có gì mà nguy! Để tôi gọi xe đưa hai cô về, rồi sẽ tính sau… Gần mười hai giờ rồi… Tuyết vẫn không chịu đi, nhìn vào trong nhà Hằng: - Ba em mê thật rồi! Làm sao chóng thế thầy nhỉ? Đạt gật gù: - Anh ấy là một nghệ sĩ! - Thế sao thầy cũng là một nghệ sĩ… Thầy yêu từ trên mười năm, mà vẫn không có biến cố gì nguy hiểm! Đạt cười bí mật: - Cô biết đâu là không biến cố! Tôi vừ đi Vĩnh Bình về… Tuyết mở to đôi mắt: - Thầy đi Vĩnh Bình về?... - Dạ, nhưng chúng ta về thôi… Rồi Đạt vẫy xe đưa hai chị em Huyền về…